Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Tagged Under:

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Mỹ: Người thầy lặng lẽ

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 22:13
  • Chia sẻ bài này >
  • Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Mỹ: Người thầy lặng lẽ

    Cập nhật lúc 09:57, Thứ Sáu, 09/08/2013 (GMT+7)
    (QBĐT) - Bốn tháng trước, tôi xin số điện thoại nhà riêng của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học (GS-TS) Nguyễn Quang Mỹ từ người em của ông, nhà văn Nguyễn Quang Lập. Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia bắt máy, giọng người cao tuổi trầm ấm, đặc sệt tiếng vùng bắc sông Gianh gốc gác Ba Đồn. Nghe người trong quê gọi, giáo sư kể nhiều chuyện thơ ấu, y hệt những câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Lập kể trong tập Ký ức vụn. Rồi bẵng đi, hôm nay gọi hỏi thăm sức khỏe ông, vợ giáo sư, bà Nguyễn Thị Thu Hòe giọng chùng xuống: Giáo sư mắt mù rồi, không nhìn thấy gì, chục ngày nay bị ngã, nằm một chỗ, không biết gì hết.
    Cuộc đời của giáo sư là cả sự  đam mê, cống hiến, về hưu, ông cùng vợ yên bình trong căn phòng tập thể ở Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội.
    Hạnh phúc khi trò giỏi hơn thầy
    Bốn tháng trước khi trò chuyện cùng giáo sư qua điện thoại, ông kể bao câu chuyện thiếu niên thời chiến tranh cùng mấy đứa em của mình như cu Lập, cu Vinh đi xem máy bay bị bắn cháy, tắm mát nước nguồn sông Gianh, giọng trầm đều, ấm áp, đặc sệt khuôn giọng Ba Đồn mà suốt đời ông giữ trong tiếng nói.
    Nói về mình, mặc dù đã là giáo sư, tiến sĩ khoa học, ông vẫn chân phương: “Mình là thầy giáo, đi mô cũng là thầy giáo. Suốt đời là thầy giáo thôi”. GS-TS Nguyễn Quang Mỹ nói thế, nhưng những sách vở mà ông gửi cho tôi mới biết một gia tài đồ sộ về nghiên cứu khoa học.
    Trong chiến tranh, 14 tuổi, ông đã dạy bổ túc văn hóa, 17 tuổi là phó ban bình dân học vụ xã, chiến sĩ thi đua diệt dốt, tham gia phong trào du kích... 18 tuổi, Nguyễn Quang Mỹ được đưa ra Hà Nội học cấp III tại Trường bổ túc văn hoá Công nông Trung ương khoá II cùng với những anh hùng nổi tiếng như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm... Sau đó, ông được cử đi đào tạo tại khoa Địa lý của Trường đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Liên Xô) từ cử nhân, tiến sĩ rồi tiến sĩ khoa học. Công trình dấu ấn của ông để lại trên ba miền Việt Nam là là luận án tiến sĩ khoa học với đề tài “Nghiên cứu xói mòn đất hiện đại ở Việt Nam”, thành công xuất sắc.
    GS-TS khoa học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Mỹ.
    GS-TS khoa học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Mỹ.
    Từ đó đến ngày về hưu, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ dành tất cả sức lực và tâm huyết của ông cho Địa lý - một ngành khoa học quan trọng của mỗi quốc gia. Từ năm 1966-2005, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ công tác tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; được nhận học vị tiến sĩ năm 1971, tiến sĩ khoa học chuyên ngành Địa mạo năm 1991; được phong học hàm phó giáo sư năm 1984, giáo sư năm 2002.
    Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông là: đo vẽ bản đồ địa mạo tỷ lệ lớn; nghiên cứu xói mòn đất, tai biến thiên nhiên, hang động karst. Ông hướng dẫn thành công 10 luận án tiến sĩ Địa lý và hàng trăm khóa luận tốt nghiệp; viết 6 giáo trình, cùng đồng xuất bản 9 sách chuyên khảo, chủ trì 28 đề tài nghiên cứu khoa học.
    Với thành tựu của người thầy tận tụy, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghê; Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn và nhiều huy chương khác...
    Trò chuyện với ông, ông kể, thế hệ học trò sau này có nhiều người giỏi được thế giới vinh danh, và với ông đó là hạnh phúc, niềm hạnh phúc của người thầy khi thấy trò giỏi hơn mình, giỏi hơn có nghĩa là cống hiến nhiều cho đất nước, cho Tổ quốc.
    Về hưu thầm lặng
    Cũng cần nói thêm rằng, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO thế giới vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa mạo địa chất, trong đó công lao của GS-TS Nguyễn Quang Mỹ là không nhỏ.
    Ông nói: “Tôi về hưu trên giấy tờ nhưng vẫn tiếp tục những chuyến khám phá hang động Việt Nam, bởi sự khám phá ấy là vô tận". Tuổi trai tráng, ông cống hiến cho niềm đam mê hang động, địa mạo địa chất trên các vách núi cheo leo ở Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, rồi trở về thám hiểm hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Ông đã cùng các nhà khoa học Anh xuất bản tập tài liệu Anh - Việt với gần 300 tấm ảnh về 300 hang động lộng lẫy tại Quảng Bình để giới thiệu với thế giới.
    Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới, về địa chất địa mạo, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ đã đóng góp không nhỏ vào hành trình vinh danh này về mặt khoa học và chỉnh lý hồ sơ, nghiên cứu thực địa, thuyết trình với các chuyên gia.   Ảnh: B.Chiến
    Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới, về địa chất địa mạo, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ đã đóng góp không nhỏ vào hành trình vinh danh này về mặt khoa học và chỉnh lý hồ sơ, nghiên cứu thực địa, thuyết trình với các chuyên gia.
    Ảnh: B.Chiến
    Với hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng, GS-TS Nguyễn Quang Mỹ nói: "Có thể nói, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Phong Nha-Kẻ Bàng một cảnh đẹp tuyệt vời. Những cột nhũ đá lóng lánh bạc, những ngai vàng kim cương, những cụm thạch nhũ hồng tươi trên dòng sông ngầm Phong Nha rất hiếm gặp ở các hang động khác. Về độ dài thì Phong Nha không thể sánh với hang Gió của Mỹ dài đến 530km, hay hang Ease Gill của Anh dài đến 52km, nhưng chính các nhà thám hiểm hang động thế giới tôi gặp luôn nói rằng không nơi đâu hang động lại kỳ ảo, huyền bí và rực rỡ như Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Họ càng khám phá, càng bất ngờ".
    Như thế để biết tấm lòng của ông với quê hương luôn sâu đậm. Ngày hồi hưu trong căn nhà tập thể, ông vẫn viết các công trình khoa học đeo đuổi, nhưng hai năm nay, bệnh tình trầm trọng đã buộc GS-TS Nguyễn Quang Mỹ gần như dừng lại bao ấp ủ của mình. Ông nói: “Mình đã bị mù rồi, không nhìn được gì nữa, điện thoại di động bỏ lâu rồi, chỉ nghe được điện thoại bàn thôi. Điện thoại bàn cố định, mình cứ thế lần tới để nghe”.
    Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thu Hòe (70 tuổi) nói: “Bố Mỹ nay sức khỏe yếu, nằm một mình mấy ngày nay, thời trai trẻ mắt sáng, đi đông đi tây, đi nam đi bắc, giờ lặng lẽ vì mắt mù lòa”.
    Người thầy ấy về hưu, lặng lẽ với dòng đời, lặng lẽ với bệnh tật, lặng lẽ với nỗi đau mù lòa. Cuộc điện thoại bốn tháng trước, giáo sư nói rất khó khăn để nghĩ đến cảnh mù lòa là sự thật, bởi thà mù bẩm sinh để khỏi biết thế giới xung quanh, mình đã biết thế giới tươi đẹp của quê hương đất nước, nay bóng tối mù lòa ập đến, thật khó để sống chung với nó. Nhưng phải chấp nhận thôi, vì đó là định mệnh.
    Giaó sư có ba người con, hai gái, một trai. Chị gái đầu làm báo Môi trường và sức khỏe, chị gái thứ làm ở Trung tâm vi sinh quốc tế tại Hà Nội, con trai út, Nguyễn Quang Minh làm ở khoa Địa lý, nơi giáo sư từng giảng dạy.
    GS-TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Mỹ lặng lẽ như thế với ốm đau, và những lúc nhớ quê, ông vẫn thường nói vợ nhờ bà con ở Ba Đồn gửi bột cháo canh, cá biển, nấu cho ông ăn để khỏi quên tiếng nói Ba Đồn hồn hậu, thân thương của gốc gác tổ tông. Những lúc như thế, vợ ông lại tất bật điện thoại, tất bật đợi hàng, đón nhận quà quê và vui vẻ vô cùng bởi nhìn thấy chồng mình phấn chấn với da diết quê hương.
                                                                                Nam Dương
    Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201308/giao-su-tien-si-khoa-hoc-nguyen-quang-my-nguoi-thay-lang-le-2108517/