Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Tagged Under:

ĐẤT HÁT.

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 23:52
  • Chia sẻ bài này >
  • Tùy bút

    Đất xứ Nghệ trầm mặc, cũng như sông Lam và nhiều con sông nữa trên đất xứ Nghệ chảy trầm mặc giữa bao la cánh đồng, trập trùng đồi núi, mùa hè dòng chảy hiền lắm, hiền và mềm mại như dải yếm đào của các cô thôn nữ, như mái tóc em xõa sau mỗi lần gội, còn về mùa lũ thì sức vóc dòng sông trở nên cuồn cuộn, mạnh và nhanh, và ồn ào như tính cách con trai xứ Nghệ.

    Đất xứ Nghệ không dành cho kẻ lười biếng, đất này thèm mồ hôi, đất này thèm được chăm sóc, cày xới, vun bón, đất này thèm nghe những tiếng chân trai gái làng bước đều quanh năm, theo mùa màng, bước đều theo vui buồn, no đói hàng hàng thập kỷ. Đất xứ Nghệ biết thử thách ý chí, lòng kiên trung, biết giữ ai tận hiếu, biết đẩy đuổi kẻ phản nghịch, kẻ bất hiếu, biết níu chân níu tay những tấm lòng son sắt.

    Đất xứ Nghệ mạch lạc, núi là núi, đồi là đồi, ruộng là ruộng, bờ bãi là bờ bãi, không pha tạp, không lưỡng tính, đất mặn, đất ngọt, đất sỏi đá hay đất cát pha, ở đâu trên vùng quê này đất cũng trở nên hồn vía, linh thiêng theo đời người, âm thầm mà dữ dội sinh ra tính cách, tính cách người xứ Nghệ mộc như đất, nói yêu là yêu chết đi sống lại cũng yêu, nói ghét thì dâng vàng dâng bạc cũng cứ ghét, nói no là no, nói đói là đói, ăn không cần mời, mời khách không cần đãi bôi, đói thì sà vào mâm cùng ăn, no thì uống bát nước chè cười với chủ, rành mạch như thế, như mạch đất, sống dễ, bao dung và thân thiện tự bao đời.

    Với người xứ Nghệ, buồn vui gì cũng gắn chặt với đất. Mà có lẽ thế, đời này sang đời khác, đất xứ Nghệ bỗng hòa đồng cùng tiếng thở, cùng vui buồn của người xứ Nghệ, rồi trong thăm thẳm đất đai ấy, bỗng vỡ òa một tiếng ngân chăng, một tiếng hò chăng, mà sau này, tiếng hò, tiếng ngân ấy, lời than thở ấy, tiếng ca vui buồn tha thiết ấy lưu truyền trên những dòng sông, trên bờ bãi, từ cánh đồng vào ngõ nhà, từ người già sang người trẻ, để sinh ra tiếng hát của đất chăng?

    Hãy lắng nghe trong tĩnh lặng của đêm, tĩnh lặng của tâm, tĩnh lặng của lòng vòng vọng dội về một tiếng hò ví, giặm…Ban đầu như âm u xa thăm thẳm tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ, sau rồi câu hát ví, giặm ấy dâng tràn trong tim, trong trí não, trong ký ức, đôi khi hát bằng những khóe miệng cười tươi tắn, đôi khi hát cùng nước mắt, đôi khi hát trong nỗi nhớ xao xuyến, nhớ ai đó cháy ruột cháy gan, nỗi nhớ mang tên ví- giặm thôi nhưng sâu thăm thẳm, cao vời vợi, nhớ hồn nhớ vía mà em ngồi đan áo kim đâm vào tay, em xuống ruộng cấy lúa mà bùn văng vào mắt, anh lên đốn củi mà dao bổ vào chân, anh xuống thuyền chèo mà răng va vào mui, đó là hồn cốt ví- giặm, là lời của đất, là đất hát…

    Không phải vùng đất nào cũng có thể sinh ra những câu hò.

    Không phải đâu cũng có thể là nguồn cội cho lời ca tiếng hát.

    Không phải nơi nào cũng có thể cống hiến cho nhân loai bản sắc văn hóa độc đáo, như xứ Nghệ đang cống hiến cho nhân loại ví- giặm quê mình.

    Xứ Nghệ không chỉ tạo nên những người hùng, những thiên tài, xứ Nghệ là đất hát, là những câu ví –giặm mà bất cứ nơi đâu trên thế gian, chỉ cần nghe giai điệu thôi, giai điệu mềm và ngân, xa xót mà bóng mượt, giai điệu không cần phiên dịch thì người nghe đã có thể thấm, đã có thể say, đã có thể nao núng trước cái tình, cái nghĩa…mần răng chịu được đây.

    Không phải ở đâu đất cũng hát.

    Đất xứ Nghệ hát. Bắt đầu những thanh ba êm ả từ những dòng sông nhỏ, rồi ào ào âm thanh trên sông Lam, rồi vi vút cao vời trên những đỉnh núi, rồi đột ngột hạ thấp xuống bờ bãi biển khơi, rồi chơi vơi trên những ngọn tre làng, mơn man trên đồng lúa, day dứt ở những ngõ làng, sẽ sàng trên những ao sen….

    Đất xứ Nghệ tạo cơ hội cho người xứ Nghệ trải lòng bằng lời ví, giặm.

    Yêu cũng ví, giặm. Giận hờn cũng ví, giặm. Nhớ thương cũng ví, giặm. Đau đớn cũng ví, giặm. Hóa ra đất xứ Nghệ sinh ra ví, giặm để gửi vào đó thân phận mình, cuộc sống của mình, đất chính là người, hồn đất hòa quyện với hồn người, mong manh đấy nhưng vững bền đấy, tất cả đều nhờ vào ví, giặm chở đi tấm lòng, chở đi câu hát, chở đi nỗi nhớ, chở đi tâm sự, chỉ là tâm sự mộc mạc ấy thôi mà người đi thì đi không dứt, người ở thì ở không đành, ra khỏi xứ Nghệ, ở Bắc, ở Nam, ra cả thế giới, chỉ cất lên một lời hát ví, giặm- lời hát đất xứ Nghệ là ào tới nhau, là quấn quýt nhau, là yêu thương nhau, là che chở nhau, câu ví, giặm se duyên tình bằng hữu, tình yêu đôi lứa, tình bầu bạn…

    Đêm đêm dưới những mái nhà, trong từng ngõ xóm, ngân lên một câu hát ru đã có thể làm chân ta như ríu lại, đã có thể nhìn thấy đâu đó chiếc võng kẽo kẹt, bà mẹ trẻ bế đứa con thơ, võng đung đưa theo lời ru, theo câu hát, từng nhịp từng lời, khoan nhặt như cánh võng, như cái neo lòng neo lại cả đêm dài trong ký ức của ta.

    Đêm đêm, trên các nẻo đường, con trai con gái níu nhau theo từng câu hát ví, giặm, nhờ vào câu hát mà tỏ tình, mà thổn thức, mà chuyển đi thông điệp tình yêu, để rồi vào một thời khắc nào đó tinh tú nhất của đêm, câu ví, giặm kéo họ lại gần bên nhau, đặt một dấu yêu mặn và nồng, da diết, ngọt lành như lời hát.

    Đêm đêm, vùi trong gối mềm, cô gái thổn thức cất lời trong nỗi nhớ người thương.

    Đêm đêm, bà mẹ già cất lời hát trong niềm thương nhớ đứa con đang ở xa, chồng đang ở xa, hát trong nước mắt.

    Đêm đêm, tôi nhớ em, tôi ngồi lặng im dưới trăng, chòng chọc nhìn lên vầng trăng, vươn nỗi nhớ về miền ví, giặm mong được thấy em.

    Xứ Nghệ có ví, giặm cho tôi gặp em.

    Xứ Nghệ có ví, giặm cho tôi nhớ em.

    Xứ Nghệ có ví, giặm cho tôi níu giữ mình cùng cốc rượu với bạn bè.

    Đất xứ Nghệ là đất hát