Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Tagged Under:

VUA BÀ- kỊCH BẢN SÂN KHẤU

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 21:55
  • Chia sẻ bài này >


  • VUA BÀ
    Kịch bản sân khấu của nhà văn
    NGUYỄN QUANG VINH

    Xuôi sông Bạch Đằng nghe chuyện bà hàng nước được phong... vua - Ảnh 3
    “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo đại vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”
    Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP



                                    Tháng 12/ 2017

    NHÂN VẬT
    *Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn
    *Bà Nết- Vua Bà
    *Cô Lúa quán cơm- Thiên hương Ngọc Trịnh công chúa
    *Háu-Quan địa phương
    *Phạm Nhan
    *Ô Mã Nhi
    *Trần Khánh Dư
    *Hoàng thượng Trần Nhân Tông
    *Biển- con trai bà Nết

    *Các quan quân, tướng sĩ, dân chúng.




    1.
    Mờ sáng.
    Bến đò Rừng.
    Rất đông  trai tráng vai khoác túi vải đựng hành lý, đầu vấn khăn, lưu luyến chia tay người thân xuống đò.
    Nhiều tiếng gọi nhau tha thiết. Những cái bắt tay. Những vòng tay ôm.
    Quán nước cạnh bến đò, bà Nết nhong nhóng nhìn theo.
    Chàng trai biển, con trai của bà Nết chạy ngược trở lại.
    BIỂN
    -Con đi mẹ nhé….Mẹ cứ bán nước ở đây, đừng sợ gì hết, đánh tan giặc, con về với mẹ
    BÀ NẾT
    -Mẹ lo con ạ, mẹ không lo cho mẹ, mẹ lo cho con, lo cho anh em trai tráng làng mình, ấp mình, giặc Nguyên-Mông ào ào sang cướp nước ta, chúng nó đông như thế, hùng hổ như thế, liệu các con có đánh lại chúng để bảo vệ giang sơn xã tắc?
    BIỂN
    -Mẹ yên tâm, trên có Thái thượng Hoàng Trần Thánh Tông, có Hoàng thượng Trần Nhân Tông, dưới có Đại vương Trần Quốc Tuấn phụng mệnh Hoàng thượng cầm quân đánh giặc, chắc chắn lũ giặc Nguyên-Mông sẽ bị đánh tan…Đây là lần thứ 3 chúng sang xâm lược Đại Việt ta, hai lần trước đã thua trận thì lần này nhất định sẽ thua trận. Yên tâm mẹ nhé.
    BÀ NẾT
    -Ôi…Mẹ đã già, sức hết, cha con cũng vừa bị bạo bệnh mất, không còn ai nữa ngoài con gánh vác việc giang sơn…Chỉ cầu mong con và các trai lính thượng lộ bình an, chân cứng đá mềm, nhanh nhanh dẹp giặc rồi trở về làng quán an lành nghe con…

    BIỂN
    -Vâng…Con đi mẹ nhé…
    Biển chia tay mẹ lần cuối rồi chạy xuống đò.
    Con đò chở các trai lính đi xa dần.
    Người làng náo nức vẫy tay tiễn biệt.
    Đột ngột có hai thanh niên lao về phía bến sông, kéo tay một viên quan, lôi xềnh xệch lão và hòm gỗ tới quán nước bà Nết.
    Mọi người xúm tới.
    THANH NIÊN 1
    -A há…Bẩm quan ngài…Quan ngài đi đâu mà tay xách nách mang, hớt hơ hớt hãi như đi chạy giặc thế ạ…
    THANH NIÊN 2
    -Hố hố…Đáng ra quan ngài phải có mặt hôm nay tiễn anh em trai lính lên đường giết giặc chứ sao lại ôm cắp cái hòm tiền chạy xuôi chạy ngược thế kia?
    THANH NIÊN 1
    -Giật lấy cái ống quyền trong ngực áo quan, lấy ra tờ giấy đọc rồi nói to. Bà con coi đây này…Rõ mặt quan ngài rồi nhá…Há há…Mới nghe tin Thoát Hoan dẫn 50 vạn quân Nguyên-Mông vào xâm lược nước Đại Việt  ta, quan ngài đây đã viết đơn xin hàng, đơn gửi ngài Thoát Hoan rõ ràng mười mươi nhé…Hết cãi nhé…Thằng hèn…thằng hèn…thằng hèn…
    Thanh niên 1 xô giúi dụi quan ngài ngả nhào xuống đất.
    Mọi người xông tới.
    Quan ngài đưa hai tay lên trời, mếu máo.
    BÀ NẾT
    -Thì ra là ngài Háu…Hô hô…Ngài tên là Háu hèn chi ngài háu thế…Ngài định bỏ dân làng chạy theo giặc…Tội phản nghịch là tội đáng chém…Bà con ơi, trói lại, mang lên nộp cho quan lớn.
    QUAN HÁU
    -Thưa bà con cho tôi nói…Trong khi bà con đang chửi tôi ở đây thì Thoát Hoan đã dẫn 50 vạn binh hùng ào ào vào nước ta, chúng đánh tan quân phản công của tướng Trần Quang Khải ở Vân Đồn, chúng ào ào quét sạch thành Thăng Long, thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng thượng Trần Nhân Tông đã phải chạy vào ẩn náu ở Thanh Hóa, đại vương Trần Quốc Tuấn còn phải ẩn mình nằm im thin thít…Tướng Vũ Hải đã bị giết chết, tướng Trần Bình Trọng cũng đã bị giết chết…giặc Nguyên-Mông tới đâu tan tác tới đó, quân ta không địch nổi, vừa đánh vừa chạy, chúng ta ở đây xa không biết là phải, nhưng ngày mai, ngày mốt giặc sẽ tràn về đây, giết sạch, phá sạch, trời ơi 30 vạn quân là đông khủng khiếp lắm bà con ơi, giáo mác sáng rực trời bà con ơi, chạy đi bà con ơi, người có chút chức sắc như tôi thì phải viết sẵn đơn xin cầu hàng, bà con dân đen thì lo chạy vô phía nam mà lánh nạn, còn ở đây làm chi, còn la hét làm chi, chạy đi, chạy đi, nhà Vua còn chạy thì dân đen như bà con ở lại làm vật thí mạng hay sao….Tôi đây còn phải bỏ phủ, bỏ nhà, bỏ vợ con mà chạy đây này, hu hu hu…
    BÀ NẾT
    -Đứng lại. Ông là mệnh quan Triều đình, vào lúc nước sôi lửa bỏng, đáng ra ông phải kêu gọi bà con vững lòng tin vào Hoàng thượng, tin vào Đại vương, giúp sức cho Triều đình đánh giặc, đằng này ông lại co chân bỏ chạy, viết đơn cầu hàng, lại còn xúi giục bà con bỏ làng chạy giặc, ông có đáng làm người nữa không? Ông là con chó…
    DÂN LÀNG
    -Đồ hèn. Đồ con chó
    -Đồ phản nghịch…
    -Dìm chết nó đi…
    BÀ NẾT
    -Ông cút đi…Cút đi theo cái đơn cầu hàng của ông…Tôi muốn lính triều đình tóm cổ ông với cách của một tên phản nghịch…Cút đi…Đừng ở lại bẩn tổ tiên, bẩn làng, bẩn xóm…Cút…
    DÂN LÀNG
    -Cút đi…Cút đi
    -Đồ hèn…Cút đi…
    Quan Háu bỏ chạy mất hút.
    Tiếng ngựa hí vang trời.
    Dân làng nhốn nháo.
    Một người lính triều đình chạy tới với mọi người, trên tay cầm nhiều tờ biểu dụ đưa cao.
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Chỉ dụ của Hoàng thượng.
    Mọi người quỳ xuống
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Hoàng thượng giáng chỉ, quân Nguyên-Mông đang tràn vào xâm lược nước ta, Hoàng thượng ra lệnh làng trên xóm dưới tùy vào sức của mình chống giặc, nếu thế giặc mạnh, được quyền rút lui, bảo toàn mạng sống, trước khi rút thì phải vườn không nhà trống, cất giấu lương thảo, không để rơi vào tay giặc. Bà con tuân chỉ.
    TẤT CẢ
    -Tuân chỉ.


    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Hãy mang lời Hịch tướng sĩ của Đại vương Trần Quốc Tuấn treo ở khắp nơi để khích lòng dân chúng, kêu gọi dân binh, thủy binh, bộ binh, ai là con dân Đại Việt nhất tề đứng lên giết giặc…
    Bà Nết cầm lấy một tờ Hịch đọc vang vang.
    BÀ NẾT
    - Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm-tức rằng chưa được xả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh-quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn-nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn-hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư-xử so với Vương công Kiên, Đường ngột Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    - Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui-đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền-của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không?


    BÀ NẾT
    - Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm-nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân-sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình-lỗ mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt-mũi nào đứng trong trời đất nữa.
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Hơi bà con, Hoàng thượng truyền đi câu hỏi toàn dân Đại Việt, giặc Nguyên-Mông đang tràn vào xâm lấn bờ cõi, ta nên hòa hay nên đánh?
    TẤT CẢ
    -Đánh đánh đánh.
    -Sát thát. Sát thát. Sát thát.
    Khí thế ngút trời trong tiếng hô vang dội.
    Hết cảnh 1.









    2.
    Quán cơm rượu của cô Lúa bên dòng sông Thương.
    Quan quân lính Nguyên-Mông ngất ngưởng rượu chè
    Cô Lúa, chủ quan xinh đẹp đang hát múa tưng bừng điệu Chầu văn sôi động
    Quan lính giặc uốn éo theo, hát theo ngọng líu ngọng lô.
    Đột ngột bọn quan lính im bặt, sợ hãi lùi vào một góc quán khi nhìn thấy tên tướng Phạm Nhan hùng hổ bước vào.
    Cô Lúa chạy tới.
    CÔ LÚA
    -Hôm nay ngài tới muộn quá…Em cứ đợi…
    PHẠM NHAN
    -Mấy đứa này ăn uống no say chưa, hử?
    CÔ LÚA
    -Dạ bẩm ngài, anh em ăn uống vui lắm ạ…Quan lính của ngài thật đáng yêu quá đi
    PHẠM NHAN
    -Ừ…cho tụi bay tiếp tục
    TẤT CẢ
    -Đa tạ tướng quân…Xin mời tướng quân…
    MỘT TÊN QUAN
    -Này cô gái xinh đẹp kia…Đây là tướng Phạm Nhan lừng lẫy của đạo quân Nguyên hùng mạnh…Ngài không phải là tướng thường, ngài là con trời, là thiên thần, là con của đáng thần linh nhiều phép thuật…Cô hãy làm vừa lòng ngài nghe chửa?
    Phạm Nhan đưa lên một chum rượu uống ừng ực.
    Cô Lúa vỗ tay.
    CÔ LÚA
    -Để vui lòng ngài…Em xin hát múa phục vụ riêng ngài…
    PHẠM NHAN
    -Ừ…Cứ làm cho ta thích thì muốn gì ta cũng chiều…Muốn đầu Đại vương Trần Quốc Tuấn các ngươi ta cũng chiều…Hơ hơ ơ
    Tất cả cười nghiêng ngả.
    Cô Lúa lại cất tiếng hát.
    Tất cả nghiêng ngả theo lời hát, điệu múa của cô chủ quán và uống, thi nhau uống, nhồm nhoàm ăn.
    Cô Lúa hát xong, cả bọn vỗ tay hoan hỉ.
    Phạm Nhan bưng bát rượu.
    CÔ LÚA
    -Ấy thưa chàng…Em vẫn thích ngắm chàng tu rượu bằng chum cơ…
    Phạm Nhan cười giả lả và lại tu hết một chum rượu nữa.
    CÔ LÚA
    -Như ngài đây mới giới thiệu, thiên hạ cũng đồn ầm ĩ và kính phục, nghe nói Tướng quân Phạm Nhan tài giỏi có nhiều phép mầu có phải không ạ ?
    PHẠM NHAN
    -Há há há… Ta có ngũ phép  thần thông, đang to khỏe hoá nhỏ không dây nào trói được, chém đầu này mọc đầu khác…Đúng vậy không chúng mày?

    TẤT CẢ
    -Dạ đúng…Dạ đúng…Dạ đúng…
    CÔ LÚA
    -Tướng quân tài giỏi như vậy còn sợ ai chém nữa ?
    PHẠM NHAN
    -Hố hố hố… Muốn trói ta phải trói bằng chỉ ngũ sắc, ta sẽ không hóa nhỏ được, song muốn chém đầu ta và không cho mọc đầu khác thì phải dùng vôi tôi trộn với phân gà sáp và bồ hóng mà bôi lên lưỡi kiếm.
    CÔ LÚA
    -Khiếp…Ngài đúng là đáng thiên thần không phải người thường…Đại quân nhà Nguyên các ngài có Ngài là có tất cả…Còn ai dám chống lại…Xin mời ngài chum rượu này, gọi là tỏ lòng kính trọng tài năng và phép thuật của ngài…
    PHẠM NHAN
    -Hố hố hố…Lần đầu tiên nghe có người Đại Việt khen ngợi ta, chứ ta đi tới đâu cũng nghe dân tình các ngươi nguyền rủa là quân xâm lược, nay mới được khen là thánh thần, há há  há…Uống thôi…
    Phạm Nhan lại dốc hết chum rượu.
    CÔ LÚA
    -Nhưng mà, nói cho oai phong lẫm liệt vậy chứ….Ngài cũng là người…Sao lại có phép thuật nào chém đầu này mọc đầu khác được phải không ạ…
    PHẠM NHAN
    -Ơ kìa, chúng mày, cô này không tin lời ta…Ha ha ha
    TẤT CẢ
    -Ha ha ha …
    Phạm Nhan chống tay đứng dậy, loáng choáng say, rút phắt cây gươm sáng bóng ra. Cô Lúa sợ chết khiếp, suýt ngã.
    CÔ LÚA
    -Em cắn cỏ em lạy chàng…Em nhỡ lời, xin chàng tha tội chết…
    PHẠM NHAN
    -Há há há….Đứng lên đi…Ta sao lại giết cô gái chủ quán rượu xinh xắn này chứ…Đứng lên…Đây, cầm lấy kiếm của ta…Cầm lấy…Cầm lấy…Cầm lấy…
    CÔ LÚA
    -Run run cầm lấy kiếm. Để làm gì ạ, thưa chàng?
    PHẠM NHAN
    -Để làm gì à? Há há há…Để ta cho em thử kiếm…
    CÔ LÚA
    -Ôi..Em phận gái,  chân yếu tay mềm, chỉ biết cầm đàn ca hát, có cầm kiếm bao giờ đâu mà thử ạ…
    PHẠM NHAN
    -Cầm kiếm lên…Đây này…Ta cúi đầu xuống trước mặt nàng đây này…Nàng cứ nâng kiếm lên, nàng chém thật mạnh vào đầu ta…Chém thế nào cho đầu ta rơi ra đất, rơi long lóc, rồi nàng sẽ thấy ta mọc đầu khác…
    CÔ LÚA
    -Ôi trời ơi, ngài đừng làm em sợ…
    MỘT TÊN LÍNH
    -Nầy cô gái…Đừng sợ…Để ta dạy cho em cách chém đầu…Thế này…Hai tay cầm chắc vào…Thế…Nâng kiếm lên…Thế…Nhằm vào cổ tướng Phạm Nhan của ta…Thế…Em chém xuống thật mạnh…thật mạnh…kiếm này sắc lắm…nào…một…hai…ba…
    TẤT CẢ
    -Một…Hai…Ba…
    Cô Lúa bặm môi. Tiếng nội tâm vang lên
    TIẾNG NỘI TÂM CÔ LÚA
    -Mẹ ơi…Con căm thù lũ giặc Nguyên từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp trả thù…Nay thì chơi thành thật, xin mẹ hãy giúp con sức lực chém đứt đầu tên tướng giặc ác độc mẹ nhé…Mẹ sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ độ trì cho con gái mẹ…
    PHẠM NHAN
    -Ơ kìa…Ta mỏi lưng rồi đấy, đầu ta đây, chém đi…chém đi…chém đi…
    TẤT CẢ HÒ HÉT
    -Chém đi…Chém đi…chém đi…
    TIẾNG NỘI TÂM CÔ LÚA
    -Cha đã vì giang sơn mà lên đường giết giặc, ngả giữa trận tiền, mối thù với giặc Nguyên- Thát đời đời không quên phải không cha…Xin hãy truyền sức mạnh cho con vào lưỡi kiếm này…
    Cô Lúa hai tay run bắn, nước mắt ứa ra, miệng mím chặt, ánh mắt như hai đốm lửa.
    Rồi cô vụt đưa kiếm lên cao và chém thật lực xuống đầu Phạm Nhan.
    Đầu lăn long lóc trên sàn, máu me đầm đìa.
    Cô Lúa ngồi thịch xuống, rũ người trong tiếng cười hoan hỉ và man rợ của quan lính giặc Nguyên.
    TÊN LÍNH
    -Hét lên thất thanh- Sao lâu thế…Sao không thấy đầu ngài mọc lại…Trời ơi…Ngài đã chết thật rồi…Tướng quân đã chết…
    CÔ LÚA
    -Ngẩng lên nhìn thân thể Phạm Nhan cụt đầu, lại nhìn cái đầu lăn long lóc, hai tay bưng lấy mặt..
    TÊN LÍNH
    -Tụi bay, lôi cổ con giặc cỏ này ra chém đầu, dám cả gan giết tướng quân của ta…
    Đột ngột vang lên tiếng cười ha hả, rùng rợn, long trời lở đất.
    Rồi từ cổ Phạm Nhan, sừng sững mọc lên một cái đầu và đang nhe răng cười ha hả, ha hả…
    Cô Lúa ngả khịu xuống đất.
    Bọn lính cười hô hố.
    Hết cảnh 2.











    3
    Sân khấu chia thành 2 không gian: Không gian trận chiến ở Vạn Kiếp và không gian tại nơi Hoàng thượng ngự  ở nơi sơ tán.
    A.
    Không gian chiến trận Vạn Kiếp.
    Tướng Trần Khánh Dư quần áo xộc xệch, quanh ông, lính tráng ngả gục, người chết, người bị thương.
    Trần Khánh Dư vừa buồn bã vừa tủi nhục.
    Một tên lính dâng cơm
    TÊN LÍNH
    -Đại tướng dùng bữa đã…Suốt hai ngày nay bị giặc truy đuổi, ngài đã không có chút gì ăn vào bụng…
    Trần Khánh Dư hất tay, liễn cơm rơi xuống.
    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Còn ăn uống gì lúc này…Bụng dạ nào…Các người nhìn đi…Cả trăm, cả ngàn anh em bị lũ giặc đánh cho tơi tả, còn không kịp thoat thân...Nhục quá…Nhục quá…Đời cầm binh của ta chưa khi nào nhục nhã ê chề như thế này trời ơi…Chưa bao giờ thua trận như thế này trời ơi…
    TÊN LÍNH
    -Vì chưa bao giờ chúng ta phải đương đầu với lực lượng quân giặc đông như vậy thưa tướng quân…Hàng vạn quân Nguyên-Mông ào ào xông trận như ong vỡ tổ, tướng quân và anh em binh sĩ đã cố gắng đến kiệt cùng sức lực, thà chết chứ không đầu hàng, thế giặc lớn mạnh như thế, thua trận là hợp lẽ thôi, tướng quân đừng quá buồn rầu…


    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Thua là thua, không giải thích…Nhục nhã là nhục nhã, không giải thích…Cửa khẩu đất nước không giữ được, quân giặc đã ngạo nghễ tràn vào xâm chiếm, tội đó do ta cầm quân kém, tội đó do ta chỉ huy tồi, tội đó do ta dũng ít mưu cạn, không giải thích, không giải thích, không giải thích…Ta thà bị Hoàng thượng chém đầu còn hơn là phải đứng trố mắt nhìn lũ giặc ào ào xông vào giang sơn bờ cõi, ào ào đạp qua xác anh em binh sĩ…Nhục nhã thế này trời ơi có thấu lòng ta…
    MỘT TIẾNG GỌI
    -Thưa tướng quân, có chiếu chỉ của triều đình…
    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Cái gì…Đâu…
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Đại tướng Trần Khánh Dư nhận chỉ dụ của Hoàng thượng
    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Quỳ xuống. Hoàng thượng vạn tuế…
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Hoàng thượng ra chiếu dụ, bắt Trần Khánh Dư về để Hoàng thượng trị tội vì đã để thua trận, vì đã không giữ được ải An Bang, tạo đà cho giặc tràn vào Vạn Kiếp, vì đã kém cỏi mở đường cho giặc Nguyên-Mông tràn vào bờ cõi…Tuân chỉ…
    Trần Khánh Dư gục xuống.
    Tất cả cùng im lặng.
    Trần Khánh Dư ngẩng lên nhìn lính triều đình.
    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Xin hãy mang lời của ta về truyền lại với Hoàng thượng...Khánh Dư ta kém cỏi trận này, để thua trận này, mang nỗi nhục trận này, tội đó đủ cho Hoàng thượng chém đầu, Khánh Dư ta không oán thán…Nhưng hãy xin vì đại cục, vì nước non, cho Khánh Dư  ta một cơ hội để lập công chuộc tội…Lũ giặc chiến đã đi qua nhưng phía sau kia là  đoàn thuyền tải lương thảo của quân thù…Xin hãy cho Khánh Dư ta một cơ hội để đánh tan đoàn vận tải lương thảo của chúng…Mất lương thảo thì dù giặc có chiếm được nước ta cũng phải quay đầu rút quân….Xin hãy truyền lời cuối của ta về Hoàng thượng…
    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Được…Hãy dâng biểu lên Hoàng thượng, ta sẽ mang về…
    Trần Khánh Dư phẩy tay.
    Tên lính mang nghiên mực, mang tấm vải điều kéo căng trước mặt Trần Khánh Dư.
    Khánh Dư  gạt cái nghiên mực đi, đưa lưỡi kiếm cắt máu ở cánh tay, chấm ngón tay viết rất nhanh vào tấm vải.
    Xong, Trần Khánh Dư dâng tấm vải lên trên trời cao
    TRẦN KHÁNH DƯ
    -Xin yết kiến Hoàng thượng..Hãy cho Khánh Dư tôi cơ hội cuối cùng….
    Xuống đèn.

    B.
    Cảnh nơi Hoàng thượng ngự  ở vùng sơ tán.
    Vua Trần Nhân Tông đi lại.
    Đại vương Trần Quốc Tuấn nhìn theo Hoàng thượng.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Ta được biết, sau khi Trần Khánh Dư thua chạy, giặc Nguyên-Mông tràn vào như nước, dân tình bị giết hại không thể đếm được, làng xóm bị đốt phá, nếu cứ thế này thì giang sơn tan nát trước mũi kiếm xâm lăng của bọn giặc Nguyên, nếu cứ thế này, thì  chỉ trong thời gian ngắn nữa, máu dân Đại Việt  thấm đỏ đất đai bờ cõi, ta đêm nằm không ngủ, ăn không nuốt nổi, chỉ thương dân tình chết oan uổng trước mũi kiếm quân thù…Liệu rồi, cứ bền gan chống lại chúng thế này, thử hỏi, dân Việt tới lúc nào mới hết đầu rơi máu chảy…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Hoàng thượng, xin Hoàng thượng an tọa…Xin đừng quá đau buồn…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Đại vương nghĩ sao…Triều đình giao cho Đại vương thống lĩnh toàn quân…Bây giờ thế nước đã thậm nguy, quân giặc đã tràn vào mọi ngõ ngách…Nếu cứ quyết đánh thì đánh làm sao, hay rồi dân tình lại bị quân giặc giết chết thêm nữa? Hay là ta cầu hòa rồi tính tiếp…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Cầu hòa? Thưa Hoàng thượng.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Ta hiểu, nói là cầu hòa nghĩa là đầu hàng…Đầu hàng thì máu dân đỡ rơi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa Hoàng thượng…Tôi hiểu lòng Hoàng thượng thương xót dân tình…Nhưng trời ơi…Nếu Hoàng thượng muốn hàng, xin hãy lấy đầu tôi trước đã…
    Trần Quốc Tuấn dâng kiếm.
    Khắp bờ cõi Đại Việt, binh lính, dân tình đều khí thế ngút trời, tiếng hô Sát Thát vang vọng núi sông, Hịch tướng sĩ do Hoàng thượng phê chuẩn được lan truyền khắp thiên hạ, không ai chịu nỗi nhục mất nước, không ai chịu Đại Việt rơi vào tay giặc…Bây giờ nếu Hoàng thượng quyết hàng giặc, để giữ lời thề trước toàn dân và binh lính, Quốc Tuấn tôi xin chết trước, Hoàng thượng cứ dùng lưỡi kiếm trận này của tôi mà lấy đầu tôi đi đã…
    Nghe tiếng ngựa hí.
    Lính triều đình chạy vào.

    LÍNH TRIỀU ĐÌNH
    -Bẩm Hoàng thượng…Trần Khánh Dư dâng biểu
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Quay mặt hét. Câm mồm…Ta sai ngươi bắt Khánh Dư về triều đình trị tội, dám chống lệnh Hoàng thượng, lại còn dâng biểu cái gì?
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Cầm biểu đọc, xúc động…Bẩm Hoàng thượng, xin Hoàng thượng bớt giận, Trần Khánh Dư dâng biểu nhận tội  vì để thua giặc nhưng xin Hoàng thượng một ân huệ, lấy công chuộc tội…Khánh Dư viết  biểu dâng lên Triều đình bằng máu, thưa Hoàng thượng…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Lấy công chuộc tôi sao? Ha ha ha…Nghe ruồi nó cũng cười…Đã thua giặc, mở cửa khẩu An Bang cho Thoát Hoan dẫn hàng vạn tên  giặc tràn vào đất nước, giết hại dân lành, tàn sát bờ cõi giang sơn lại còn lập công chuộc tội sao? Lập công cái gì nữa đây? Lập-công-cái gì?
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Bẩm Hoàng thượng, quân giặc dù đã tràn vào bờ cõi nhưng đi sau chúng là đoàn thuyền chở lương thảo…Nếu đánh tan đoàn thuyền chở lương thảo thì quân giặc không có cái ăn, không có cái mặc ấm, tất sẽ hoang mang, hoảng loạn mà rút quân thưa Hoàng thượng…
    Tiếng lính hét cùng tiếng ngựa hí.
    LÍNH
    -Cấp báo. Cấp báo…Bẩm hoàng thượng…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Nói.

    LÍNH
    -Bẩm Hoàng thượng…Tướng Trần Khánh Dư đại thắng…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thật sao? Nói rõ ràng cho Hoàng thượng nghe…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Nói đi, nói chậm, ta đang nghe…nói thật chậm, từng chữ một, vì sao Trần Khánh Dư đại thắng?
    LÍNH
    - Bẩm Hoàng thượng…Sau khi bị thua trận, tướng Trần Khánh Dư vẫn cương quyết phục thù bằng kế sách mới. Biết quân Ô Mã Nhi đắc thắng, nghĩ rằng đã đánh tan hải quân của nhà Trần và đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ theo sau cũng sẽ không gặp trở ngại gì, nên Ô Mã Nhi trở về Vạn Kiếp trước. Trần Khánh Dư mưu sâu, đoán được đoàn thuyền vận lương sẽ theo sau đại quân Nguyên nên quyết chí lập công phục hận. Ông nhanh chóng tập hợp và bổ sung lực lượng, phục binh chờ đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ. Quả nhiên , đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã trúng phục binh của Trần Khánh Dư và bị đánh cướp hết cả. Trương Văn Hổ chạy thoát về Quỳnh Châu.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Đứng lên….Trần Quốc Tuấn….Nói lại ta nghe…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Bẩm Hoàng thượng, Trần Khánh Dư đã phá tan toàn bộ đoàn thuyền lương thảo của quân giặc Nguyên-Mông…Mất lương thảo, với địch, ta không đánh cũng thắng…Giờ đã tới lúc ta phản công…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Tới lúc ta phản công…Tới lúc ta phản công…Trời Việt đã cho ta một Trần Khánh Dư tài giỏi thế này sao…Đã tới lúc ta phản công…

    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Bẩm Hoàng thượng…Dọn đường cho giặc rút quân theo ý ta thì xuất một binh giết 1000 binh…xin Hoàng thượng phát lệnh…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Hãy khoan…Đoàn thuyền lương thảo của giặc đã bị Trần Khánh Dư đánh tan, thế đó là thế bại cho giặc…Nhưng đoàn lương thảo lại đi sau đội quân dữ dằn của Thoát Hoan…Liệu chúng đã biết tới tai họa này chưa?
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ý của Hoàng thượng là nhanh chóng thả tù binh đoàn thuyền lương thảo, cho chúng chạy về các đội quân chiến của Thoát Hoan để tự chúng báo tin?
    TRÂN NHÂN TÔNG
    -Ý ta là vậy.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Hoàng thượng sáng suốt…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Từ bây giờ, thế trận trong tay, binh sĩ trong tay, thời cơ trong tay, ta có thể ngồi ngóng tin thắng trận của các khanh được chưa?
    TRÂN QUỐC TUẤN
    -Tuân chỉ. Nói to. Hỡi ba quân…Hãy cùng ta xung trận
    Tiếng ngựa hí, tiếng voi gầm, tiếng hò hét xung trận của ầm ầm quân sĩ.

    Hết cảnh 3



    4.
    Đường rút quân của Ô Mã Nhi.
    Một tốp lính chặn trước mặt Ô Mã Nhi.
    Ô MÃ NHI
    -Sao dám cản đường ta?
    TỐP LÍNH
    -Bẩm báo tướng quân, phía trước là con sông lớn, không có phương tiện qua được, xin tướng quân hãy dẫn quân quay lại, rút theo đường khác…
    Một tiếng hô lớn.
    LÍNH
    -Cấp báo cấp báo…
    Ô MÃ NHI
    -Việc gì?
    LÍNH
    -Thưa ngài Ô Mã Nhi, không thể đưa quân binh quay lại được…
    Ô MÃ NHI
    -Vì sao?
    LÍNH
    -Tất cả cầu cống mà đại quân ta vừa đi qua đã bị binh lính Đại Việt phá bỏ, hết đường quay lại…
    Ô MÃ NHI
    -Cánh quân của ngài Thoát Hoan ở đâu?

    LÍNH
    -Bẩm ngài đừng nổi giận…Ngài Thoát Hoan có vẻ như đã bỏ rơi chúng ta, theo một mũi lính, bỏ chạy về chính quốc…
    Ô MÃ NHI
    -Khốn nạn.
    LÍNH
    -Chắc ngài còn nhớ, mấy năm trước, năm 1285, ngài Thoát Hoan phụng mệnh của Hoàng thượng Hốt Tất Liệt đã mang quân xâm chiếm Đại Việt, bị Đại Việt đánh cho tan tác, ngài Thoát Hoan đã phải chui ống đồng trốn thoát về nước. Lần này,  ngài Thoát Hoan khôn ngoan nhanh chân nhanh tay rút binh về nước theo đường tắt, bỏ lại ngài và hàng vạn binh sĩ cùng với cả ngàn thuyền chiến, tự tung tự tác thôi thưa ngài…
    Ô MÃ NHI
    -Ta cần gặp tướng Phạm Nhan của ta
    PHẠM NHAN
    -Thưa ngài, tôi có mặt
    Ô MÃ NHI
    -Đường lui không có, đường tiến cũng không, không lẽ còn đường chết? Phạm Nhan, ngài nói ta nghe…
    PHẠM NHAN
    -Bẩm ngài, chỉ còn một đường rút an toàn là tiến ra sông Bạch Đằng, từ cửa sông Bạch Đằng về cố quốc rất gần mà quân lính Đại Việt khó lòng ngăn cản…
    Ô MÃ NHI
    -Vì sao khó lòng ngăn cản?

    PHẠM NHAN
    -Sông Bạch Đằng rộng lớn, trăm ngả đổ ra biển, quân Đại Việt dù là thế đang phản công cũng khó đủ thuyền, đủ quân để ngăn được quân ta, xin ngài an lòng…Xin ngài bình tâm, tạm thời hạ trại, cho binh lính ăn uống lấy sức, hết lương thảo thì cho người sục vào các làng cướp phá lương thảo, quân phải no mới khỏe…
    Ô MÃ NHI
    -Ta nghe nhà ngươi. Lệnh hạ trại tạm thời, cho binh lính ăn uống, tranh thủ cứu chữa người bị thương, tích cóp lương thảo, sửa sang thuyền bè, chờ thời cơ vượt sông Bạch Đằng về cố quốc.
    PHẠM NHAN
    -Tuân lệnh.

    Hết cảnh 4











    5
    Bến đò Rừng ở sông Bạch Đằng.
    Bà Nết đi từ bến đò lên, tay vẫn ôm khư khư mảnh áo thấm máu đỏ. Bà ngồi xuống quán nước của mình, câm lặng, mắt nhìn ra sông.
    Những người dân ngồi uống nước chia sẻ.
    NGƯỜI DÂN 1
    -Chị Nết ạ, đừng đau buồn nữa…Trai lính làng mình chết trận như anh Biển con chị nhiều lắm….
    NGƯỜI DÂN 2
    -Thế giặc như lũ…Nghe tin ở các chiến trường đồn về, trai lính chết không thể đếm, không kịp chôn…
    BÀ NẾT
    -Thế là tôi vẫn còn may mắn đúng không?
    MỘT NGƯỜI DÂN
    -Con trai chị cũng chết trận rồi, còn gì là may mắn?
    BÀ NẾT
    -Đây này…Vẫn còn người tìm được xác thằng Biển con trai tôi, mang đi chôn cất, rồi đưa cái áo thấm máu của con trai về cho tôi như một kỷ vật…Thế là may mắn phải không? Thế là vẫn còn cái áo của nó mang về thờ phụng đúng không? Thế là mẹ vẫn ngày ngày còn hít hà hơi ấm của con trai mẹ qua tấm áo thấm máu này đúng không con?
    Bà Nết nói và im lặng khóc.
    Mọi người ngậm ngùi cầm tay bà rồi quang gánh ra về.
    Háu- Tên quan địa phương bỏ chạy ở cảnh 1 lò dò bước tới.
    HÁU
    -Chị Nết à, chị Nết nhận ra tôi không?
    BÀ NẾT
    -Người đời có thể quên nhiều người nhưng với cái bản mặt hèn nhát, bỏ chạy, tìm cách đầu hàng giặc thì có ai quên…Người ta phải nhớ để còn chỉ mặt đặt tên nguyền rủa chứ…
    HÁU
    -Cười trơ trẽn. Hố hố hố, chị chửi hay quá….Làm quan như tôi mà được dân chửi là lòng tôi vui đáo để…Mình có sao thì dân mới chửi phải không ạ? Dân có quan tâm đến mình thì dân mới chửi phải không ạ…Hố hố…Quý hóa quá…Nói thật với chị, đến như quan ngài Trần Ích Tắc, giữ vị trí rường cột của triều đình, quan hệ dòng tộc thân thích với Hoàng thượng mà còn xin cầu hàng để hưởng vinh hoa phú quý của Hoàng thượng nước Mông Cổ Hốt Tất Liệt thì ngữ quan vụn như tôi đây mà nhỡ cầu hàng thì đáng gì phải quở trách, phải không ạ…Nhưng mà thôi…Nói vậy thôi, chứ tôi vẫn còn ở đây, bên  bà con, vẫn là quan đầu ấp, có đầu hàng đầu hiếc gì đâu…Chẳng qua lúc đó hơi hơi sợ, hơi hơi hoảng chút thôi, thấy quân giặc Nguyên-Mông nó tràn qua như thác, rồi các cánh quân của Đại Việt ta ở đâu cũng thua trận thì hơi hơi chùn chân mỏi gối, run run chút thì chạy lung tung lang tang cho đỡ sợ thôi, hàng đâu mà hàng, đây này, tôi vẫn ngồi uống nước vối, ăn kẹo lạc quán nước của chị đây này, thấy không?
    BÀ NẾT
    -Giờ thì ông thấy giặc hốt hoảng rút binh, quân ta ào ào phản công như thế chẻ tre, ông lại mò về, lủi về, lại ưỡn ngực làm quan, lại ngoác mỏ hô yêu nước thương nòi, lại chạy lui chạy tới hò hét dân làng đánh giặc…Ông đang muốn làm anh hùng nhỉ?
    HÁU
    -Hé hé…Được hai tiếng anh hùng thời loạn dễ được Hoàng Thượng phong  thêm chức tước, lại phải xa cái quán nước vối với kẹo lạc bánh đa của chị, buồn buồn là….
    BÀ NẾT
    -Hay tôi cho ông mượn cái áo đẫm máu của con trai tôi tử trận ở chiến trường mang vào mà làm anh hùng?
    HÁU
    -Ơ kìa…chị Nết…ai lại thế?
    BÀ NẾT
    -Đất nước gặp xâm lặng, kẻ đổ máu ở sa trường không màng tới anh hùng chỉ lo việc bình an xã tắc, kẻ ở nhà ru rú chờ thời, mượn áo người chết trận khoác lên, cũng xa xả tuyên bố không biết ngọng mồm về lý tưởng với sự hy sinh vì Tổ Quốc, chuyện đời  vốn vậy mà, phải không ông Háu?
    HÁU
    -Chị cứ nói kháy tôi suốt nhỉ? Thôi tôi chào chị tôi về, ngồi ở đây lại làm cho chị ngứa mồm ngứa mép chửi nhỉ?
    Ông Háu vừa định đứng lên thì hai người đàn ông lạ bước tới. Hai người đàn ông mang quần áo nông dân bạc thếch, tóc búi, đi bộ, như người ở xa đi ngang qua, ngồi lại chờ chuyến đò ngang…
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 1
    -Ấy, xin thứ lỗi, mời ngài ngồi xuống cho chúng tôi hỏi dò đường cái đã rồi đi…
    BÀ NẾT
    -Mời các anh bát nước vối, ăn cái kẹo lạc cho đỡ đói lòng…Xin hỏi khí không phải, hai vị từ xa tới? Trông như người ở Kinh thành Thăng Long?
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 2
    -Chị chủ quán tinh mắt thật…Sao lại biết chúng tôi người ở kinh thành?
    BÀ NẾT
    -Thì vẫn thấy thỉnh thoảng người kinh thành giả dạng người dân đi thám thính tình hình đánh giặc, nhìn quen thì nhận ra thôi mà….Nếu đúng là người kinh thành cũng xin không giấu danh tính…Tôi là mẹ của một trai lính vừa chết trận trong cuộc chiến với quân Nguyên-Mông, áo nó còn đây, máu đỏ con trai tôi đây, thưa các vị…Trai tráng trong làng chết trận nhiều lắm….
    Người đàn ông 1 cảm động cầm lấy cái áo, vẫn về, gương mặt rất buồn…
    BÀ NẾT
    -Cũng xin giới thiệu, đây là ông Háu, quan đầu Ấp của chúng tôi đấy…
    HÁU
    -Dạ dạ…Đúng vậy thưa hai vị….Nếu thực sự hai vị là người của Kinh thành, xin vời hai vị về ấp nghỉ ngơi, ăn uống rồi đi…
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 1
    -Nhìn ông như kẻ thất thần, như kẻ bại trận, không giống người trung nghĩa, nếu tôi nói sai xin lượng thứ…
    BÀ NẾT
    -Trời đất, sao lại có người nhận xét đúng như vậy…Là quan đầu Ấp, nhưng nếu quân giặc không rút quân thì ông ta đã tìm được được để cầu hàng rồi đó ạ…
    HÁU
    -Cái nhà chị này, nói với người lạ mà cứ nói lung tung, làm xấu mặt quan….
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 2
    -Lời của dân dù có khó nghe nhưng là lời nói thật….
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 1
    -Xin nói thật…Chúng tôi là mệnh quan triều đình, muốn về đây khảo cứu tình hình sông nước vùng này để tìm kế chặn đường rút lui của đại quân Ô Mã Nhi…Sông nước mênh mông, địa hình lạ lẫm, chỉ muốn xin nghe vài lời chỉ giáo địa lý, khí hậu cho thông tỏ, đặng bày kế dụ  giặc…

    HÁU
    -Ôi trời ơi, có ngờ đâu chuột nhắt lại gặp voi rừng, không ngờ hôm nay được diện kiến mệnh quan triều đình như thế này…Xin hỏi chính danh các ngài?
    ĐÀN ÔNG 2
    -Chẳng gì phải giấu diếm cả…Đây là ngài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thống lĩnh chỉ huy quân Đại Việt ta…
    Háu đứng vụt dậy rồi ngả quỳ xuống, sụp lạy.
    HÁU
    -Xin chào Đại vương…Tiếng lành đã nghe…Oai dũng đã nghe…Hôm nay mới được diện kiến ngài…Có gì thất lễ xin ngài lượng thứ…Kìa chị Nết, quỳ xuống…
    CHỊ NẾT
    -Tôi là dân đen, không biết quỳ…Xin chào hai vị tướng quân của triều đình…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ha ha ha…Tôi thích sự khảng khái của chị rồi đấy…Làm dân không biết quỳ…Phải phải…Thế xin hỏi vị quan đầu Ấp này, có biết gì về phong thổ, địa lý, khí hậu, con nước vùng này không? Hãy đứng lên và nói ta nghe…
    HÁU
    -Bẩm Đại vương, tôi đây là quan đầu ấp, bốn đời làm quan, chỉ quen ở trên chiếu đỏ, đọc sách thánh hiền, chưa một lần phải ra đồng, lội sông, hóng gió, tôi quen cách thết đãi quan ngài cơm rồng cá phượng, hát múa cung đình, những chuyện địa lý, phong thổ là chuyện của bọn dân đen, cần gì phải biết ạ…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ha ha ha ( cười chua chát)…Nói hay lắm…Mới làm chút quan nhỏ ở địa phương đã quên phong thổ, địa lý, quên lội nước, dẫm bùn, chỉ ngày ngày vùi đầu vào chốn ăn chơi, ca hát, bài bạc, đất nước còn những hạng quan như ông hèn chi mà nước yếu, hèn chi mà giặc hung hăng, hèn chi mà dân khinh ghét…Đã thế, ta không cần phải hỏi ngươi…Ngươi hoặc là ngồi im nghe, hoặc là về, đừng xen vào chuyện của ta nữa…
    HÁU
    -Bẩm Đại vương, dù đại vương có quát mắng con thế nào, con cũng xin cúi xuống hầu hạ Ngài,  sẵn sàng liếm sạch vết bùn trên đôi chân của ngài, sẵn sàng làm cái mảnh vải rách cho ngài chùi chân, xin ngài bớt giận…
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG 2
    -Cầm tay lôi Háu ra xa…Tránh xa Đại vương của ta…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa chị…Xin hỏi, những chuyện phong thổ, địa lý vùng này, chị có rành?
    BÀ NẾT
    -Bẩm Đại vương, nhiều đời nhà tôi ở bến sông này, bán quán ở đây, chèo đò ở đây, kiếm tôm kiếm cá ở đây, sông Bạch Đằng thuộc như lòng bàn tay, phong thổ, địa lý vì thế cũng như trong lòng bàn tay….Xin ngài cứ hỏi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Muốn hỏi chị nhiều quá về phong thổ, địa lý, dòng sông, hướng chảy, thủy triều ở đây mà không biết bắt đầu hỏi từ câu nào…
    BÀ NẾT
    -Nước Bạch Đằng theo thủy triều lên xuống, khi triều lên cao, mặt sông ở vùng Tràng Kênh trải rộng hơn 1200 mét. Dòng sông đã rộng lại sâu. Khi triều nước xuống rặc, nơi sâu nhất đến 16 mét, trung bình giữa dòng cũng sâu từ 8 đến 11 mét. Theo sông Đá Bạc chảy xuống đến đầu bắc dãy núi Tràng Kênh, sông Bạch Đằng phình to hẳn ra. Đó là nơi tập trung dòng nước của các sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Gia Đước, sông Thải, sông Giá bên hữu ngạn đổ về. 
    Sông Chanh, sông Kênh và sông Rút là chi lưu bên tả ngạn Bạch Đằng chia nước chảy ra vịnh biển. Một khúc sông không dài quá 5 cây số  mà có năm dòng nước đổ về và có ba nhánh sông phụ đưa nước ra biển. Ở lòng sông Bạch Đằng từ bên hữu ngạn có một dải còng đá ngầm chạy qua vào quãng giữa sông Chanh và sông Rút, chúng tôi gọi đó là Ghềnh Cốc. Ghềnh Cốc có năm cồn đá chắn ngang ba phần tư sông Bạch Đằng. Khi triều xuống thấp nhất, nơi cạn là 0,40 mét, nơi sâu là 3,70 mét, thuyền nhẹ đi trên sông có thể thấy được cồn đá. Ghềnh Cốc là dải đá gốc của chân núi Tràng Kênh kéo dài ra. Thủy triều sông Bạch Đằng thì bà con dân tôi đã tổng kết “ Tháng 8 lùa bò ra, tháng 3 lùa bò vào”, nghĩa là tháng 8 nước sông cạn nhất, còn tháng 3 thì nước sông lớn nhất….
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Xin cảm tạ bà…Quay sang người lính-Ghi chép kỹ chưa?
    NGƯỜI LÍNH 2
    -Bẩm ngài, đã chép kỹ
    BÀ NẾT
    -Gần kia là trại ấp, có nhiều loại cỏ cao, đem phơi khô có thể dùng đốt lửa cháy rất lớn, lấy bao nhiêu cỏ cũng không hết.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa chị, chúng tôi sẽ quay lại gặp chị nhiều lần nữa, thông tin của chị thực quý hơn vàng…Xin đa tạ
    BÀ NẾT
    -Thưa Đại vương…Chúng tôi là dân đen biết gì nói thế…xin đại vương hãy yên tâm, những điều tôi vừa nói là kết lại cả trăm năm, ngàn năm vùng này, không thay đổi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa chị, nếu tìm một con nước thủy triều ròng xuống rồi lại dâng lên thật cao, thật nhanh thì nên chọn ngày nào của tháng 3 tới?
    BÀ NẾT
    -Thưa Đại vương, không gì tốt hơn là chọn ngày 8 tháng 3 này, đó là ngày đêm trước thì nước lên rất lớn, cả vùng sông Bạch Đằng dâng cao như biển, chiều tối thì rút thật nhanh, nước rút mạnh như thác đổ chả mấy lúc mà trơ cả bờ bãi…

    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Mồng 8 tháng 3….Đa tạ chị….Thực vui quá…Xin cáo biệt…Chúng tôi sẽ còn quay lại, xin chị bình an chờ chúng tôi…
    Trần Quốc Tuấn và người lính hộ vệ lên ngựa đi.
    Tiếng ngựa hí xa dần.
    Háu ngước lên nhìn bà Nết
    HÁU
    -Thế thế thế…nghĩa là sao nhỉ?
    BÀ NẾT
    -Việc quân cơ, nghe tới đâu biết tới đó, sao lại phải hỏi?
    HÁU
    -Thế ví dụ sau này Đại thắng, chắc là Đại vương thưởng lớn cho nhà chị đấy nhỉ?
    BÀ NẾT
    -Góp ích với nước chỉ mong thưởng thì kẻ đó sớm muộn cũng bị giời đày…
    HÁU
    -Thế thế thế ví dụ sau này đại thắng, Hoàng thượng cho tìm người cung cấp thông tin, chị không quên tôi là người đã ngồi cạnh chị hôm nay đấy nhé…
    BÀ NẾT
    -Chỉ có kẻ cơ hội, xu nịnh, ham chức tước bỗng lộc mới luôn luôn sợ thua thiệt…
    Đột ngột người lính hộ vệ quay lại.
    NGƯỜI LÍNH HỘ VỆ
    -Ông kia…
    HÁU
    -Dạ dạ dạ…
    NGƯỜI LÍNH HỘ VỆ
    -Đại vương yêu cầu ta quay lại rước ông theo cùng…
    HÁU
    -Ôi trời ơi…Không lẽ đời con được mắt thánh hiền để ý tới….Lộc lá lộc củ này làm sao con quên ơn…
    NGƯỜI LÍNH HỘ VỆ
    -Ông lên ngựa trước…
    HÁU
    -Dạ dạ dạ…
    NGƯỜI LÍNH HỘ VỆ
    -Bước tới, nói nhỏ với bà Nết- Đại vương lần Nữa tạ ơn thông tin của bà…Xin bà hãy tiếp tục bán quán nước ở đây, nắm thêm động tĩnh, và đừng cho ai biết là có đại vương đến dò hỏi tin tức…
    BÀ NẾT
    -Thưa vâng…Ngài nói với Đại vương, khi đã tin dân thì có chết dân cũng giữ lời…Nhưng mà…hất đầu về phía Háu…
    NGƯỜI LÍNH HỘ VỆ
    -Đại vương không tin người này nên phải mang theo…Chào bà…
    Người lính đi khuất.
    Tiếng ngựa hí xa dần
    Bà Nết đứng lên, bước nhìn theo, hai tay nâng niu cái áo đẫm máu của con trai…
    BÀ NẾT
    -Mẹ đã không còn sức để theo con ra chiến trận thì còn có thể góp chút gì cho đại nghĩa mẹ cũng sẵn lòng….Con biết không, mẹ hạnh phúc biết nhường nào khi chính Đại vương tướng quân đã lắng nghe mẹ kể về dòng sông, con nước, đất đai thổ nhưỡng quê hương mình…Mẹ không biết Đại vương tướng quân hỏi kỹ như thế để làm gì nhưng nhìn gương mặt Đại vương ánh lên mừng rỡ, nhìn thái độ Đại vương hài lòng vô kể, chắc chắn Đại vương đang tính suy một mưu kế lớn ở sông Bạch Đằng quê hương mình, mẹ chờ một trận đánh lớn vùi thây đại binh của giặc, mẹ chờ trận thắng của quân Đại Việt ta trên quê hương để trả thù cho con, trả thù cho anh em trai  tráng đã ngả xuống trận tiền…Con sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ độ trì cho Đại vương của con thắng trận…..

    Hết cảnh 5














    6.
    Thuyền chiến chở Trần Quốc Tuấn đi trên sông Bạch Đằng.
    Nhìn thấy cả Háu lúm khúm đứng cạnh.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Hôm nay ta cho nhà ngươi cùng ta đi thám sát sông Bạch Đằng, ngươi thấy có gì lạ?
    HÁU
    -Bẩm Đại vương, lạ thì không thấy chỉ thấy gỗ ở đâu dân tình mang về tấp hai bên bờ sông nhiều quá…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Bây giờ ta có việc cho ngươi rồi…
    HÁU
    -Bẩm Đại vương…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ta nhớ lại xưa, danh tướng Ngô Quyền từng đóng cọc trên sông này để đánh thắng quân Nam Hán chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, nay ta cũng học danh tướng nước Việt xưa mà tiếp tục dùng cọc đóng trên sông này để bẫy đại quân Nguyên- Mông đang rút chạy…Gỗ kia là dân chúng theo lệnh ta mà lên rừng đưa về đây…Nay việc của người là nhanh chóng huy động dân binh toàn ấp đóng cọc xuống đáy sông theo sơ đồ đã định, người làm được chứ?
    HÁU
    -Bẩm Đại vương, vì nghiệp lớn, để phụng sự Đại vương, xin Đại vương truyền lệnh, con xin phụng mệnh…
    Thuyền cập bến.
    Trần Quốc Tuấn và Háu đi về phía quán nước bà Nết.
    Bà Nết chạy tới.
    BÀ NẾT
    -May mắn được gặp lại Đại vương rồi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ta lại có việc xin gặp bà đây…
    BÀ NẾT
    -Chẳng hay ông quan kia đã thành kẻ cắp tráp theo hầu Đại vương từ khi nào vậy?
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Không…Ta đưa vị này về đây để huy động dân binh trong vùng đóng cọc chống giặc…
    BÀ NẾT
    -Thưa đại vương, dân tình cả vùng xôn xao nhưng mừng vui khi nhận lệnh đại vương vào rừng đẵn gỗ, lấy cột lim táu mang về đổ đầy ở nhiều bờ sông…Lại nhớ sách sử xưa ghi, Ngô Quyền cũng từng đóng cọc trên sông mà giết được quân giặc giải phóng non sông bờ cõi…Nay thấy Đại vương áp dụng sách lược ấy thì dân tình mừng vui…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ta có chút băn khoăn muốn ghé lại xin yết kiến bà…
    BÀ NẾT
    -Ấy không dám thưa Đại vương…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Cọc nhiều không đếm xuể, sông sâu, bùn ngập, thời gian gấp gáp, ta chỉ có 12 ngày phải bày binh bố trận cho xong, quân giặc đang ùn ung kéo sau lưng để thoát thân,  lấy cách gì, làm cách gì để có thể đóng nhanh cọc xuống đáy sông?
    HÁU
    -Bẩm Đại vương, điều này thì con xin nói…Việc khó này chỉ có chúng con mới hiến kế được, dân đen như bà này biết gì mà nói ạ
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Nhà người nói ta nghe
    HÁU
    -Bẩm..Thì cứ đưa cọc ra sông, vót nhọn, dùng vồ to đóng xuống lòng sông, chỉ như vậy thôi ạ…
    Bà Nết cười. Dân tình xúm đen xúm đỏ quanh đấy cười ồ.
    HÁU
    -Các ngươi cười gì, muốn đóng cọc xuống sông thì …thì…phải đóng cọc chứ làm gì…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Vồ nào để đủ sức đóng những cột gỗ kia xuống đáy sông? Sức người nào có thể nâng những cái vồ to lớn, nặng cả tạ, cả tấn giáng xuống đầu cọc...Ngươi thử làm ta xem…
    HÁU
    -Bẩm đại vương…Nói chung là…Việc nói là việc của quan, việc đóng phải là việc của dân đen chứ ạ…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Tôi muốn hỏi bà, tôi muốn hỏi bà con ở đây, xem có cách nào?
    BÀ NẾT
    -Chuyện này thưa đại vương không khó…Chiểu theo cách dân gian vẫn làm thôi ạ, chúng tôi dùng năm bảy người, đưa cọc xuống sông, rồi cùng ôm cọc lắc bên này lắc bên kia, lắc mãi thì cọc theo bùn mà xuống sâu, xuống càng sâu phải lắc càng nhiều, sau đó thủy triều lên xuống, sa bồi bù lấp,  giữ chặt cây gỗ, có muốn nhổ muốn lay cũng không thể làm gì được, đó là cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, ít tốn sức mà bền chặt…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Quá hay….Còn cách nào nữa?
    BÀ NẾT
    -Lại vẫn như dân gian chúng tôi thường làm…Với những cọc to, cao, thì bện dây vào thân cọc, buộc với đà ngang, ba bốn người tì vai vào đà mà lắc, mà nhồi, mà lay mà nhấn, thể nào cọc cũng xuống dần trong đáy sông, đã xuống là ôm thít lấy đáy bùn, chắc như cột đình, không ai lay chuyển được…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Nếu nhỡ đóng cọc xong mà thủy triều rút, ta chưa đánh thì đã lộ cả ngàn ngàn đầu cọc, vậy phải làm sao?
    BÀ NẾT
    -Bẩm đại vương, cỏ trong ấp trại rất nhiều, cắt lấy cỏ, cho phủ lên đầu cọc, dù thủy triều có rút thì nhìn cũng không phân biệt được cọc ở đâu, cỏ ở đâu, bãi bồi ở đâu, rong rêu ở đâu…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ta lại muốn hỏi, nên vuốt nhọn cọc trước khi đóng xuống hay đóng xuống đã mới vuốt nhọn đầu cọc?
    BÀ NẾT
    -Bẩm đại vương…Nếu dùng cách lắc, nhấn, tì như đã nói thì hoàn toàn có thể vuốt nhọn hai đầu cọc từ trên bờ, một đầu nhọn để nhấn xuống bùn, một đầu nhọn để làm bẫy gỗ đâm thủng thuyền giặc, như thế thì nhanh hơn…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Với Háu-Nhà người thấy sao?

    HÁU
    -Dạ bẩm…Ý con cũng muốn nói như vậy nhưng dân tình nói rồi thì con thôi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa bà con…Phụng lệnh Hoàng thượng, Quốc Tuấn tôi cầm quân đánh giặc, lại vận dụng mưu lược cha ông xưa để đóng cọc trên sông Bạch Đằng bẫy giặc…Nhưng sách lược có cao bao nhiêu, mưu lược có tài bao nhiêu mà không có bà con dân tình cho biết được địa lý, phong thổ, thủy triều, kinh nghiệm đóng cọc như vừa rồi thì Quốc Tuấn tôi mờ mịt cách làm như không có đường ra…Xin được chắt chiu kinh nghiệm của bà con để biến thành kế dụng binh đánh giặc, ơn này Quốc Tuấn tôi không dám quên, mong đại thắng sau này Quốc Tuấn tôi còn quay lại tạ ơn dân chúng…Xin đa tạ…
    Có tiếng ồn ào.
    Mọi người nhìn thấy người đàn ông vác cây gỗ đã chuốt bóng.
    HÁU
    -Có chuyện gì, các người có chuyện gì?
    NGƯỜI ĐÀN ÔNG
    -Đang vui chứ có chuyện gì…Ngài có nhìn thấy không..Dân tôi ở xa rừng, nghe lệnh tướng quân cần gỗ để đóng cọc, chúng tôi hò nhau tháo nhà mình ra, lấy cột nhà vác xuống góp vào rừng cọc của tướng quân giết giặc, bà con hò nhau, tháo nhà, tháo cả trăm cả ngàn ngôi nhà rường, lấy được cả ngàn cây cột lim to lớn, thẳng đẹp như thế này, nhìn có thích mắt không?
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ôi…Tôi biết làm sao trả ơn được lòng dân trăm họ…Nghe tin dân tình dỡ nhà lấy cột đóng cọc đánh giặc mà lòng tôi cảm khái biết chừng nào…Thái thượng Hoàng Trần Thánh Tông, hoàng thượng Trần Nhân Tông đã nhìn ra được sức dân, không có người dân ủng hộ thì binh sĩ tài giỏi bao nhiêu cũng làm sao đủ sức chống giặc, xin cảm tạ…Nào…Bà con bắt đầu đóng cọc ngay đi, vị trí, khu vực bố trí cọc ở đâu, ở nhánh sông nào, ta đã ban lệnh cho các võ tướng điều binh, xin hãy gấp tay gấp chân làm ngày làm đêm cho kịp…
    Tiếng hò hát, tiếng cười nói, không khí đông vui ồn ào cả một vùng trời.
    Những dãy cọc cứ thế hình thành, ngạo nghễ hướng về một phía, vuốt nhọn chờ đón quân thù…
    Quan Háu chạy ngược chạy xuôi đôn đốc.
    Trần Quốc Tuấn đứng từ trên cao vui mừng nhìn bãi cọc ngày một hiện ra dày đặc trên các nhánh sông.
    Bỗng đâu có cả đám đàn bà con gái ào ào chạy tới bến sông, người nào cũng buộc cái cần trẻ, đầu cần tre treo cái nồi đất, vừa đi vừa thổi cơm
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Với bà Nết. Chuyện gì lạ vậy, thưa bà?
    BÀ NẾT
    -Bẩm đại vương. Đó là ý của kẻ thiện dân này đấy ạ...Đàn ông trai tráng lăn xả đóng cọc, việc quân gấp gáp, không thể về nhà ăn uống, nên kẻ thiện dân này mới tập hợp đàn bà con gái trong vùng kêu gọi họ nấu cơm phục vụ…Bờ sông bùn đất, củi đuốc ướt át, nên đàn bà con gái chúng tôi mới nghĩ ra cách treo nồi cơm nấu trên đầu cần tre này đấy ạ…
    Trần Quốc Tuấn tự hào nhìn.
    Xa kia là cả trăm ngàn người đang đóng cọc, lắc, nhấn, trước mặt là hàng trăm phụ nữ đang nấu cơm trên cần tre có nồi đất treo lủng lẳng.
    Chiều dần buông, những ngọn lửa nấu cơm từ các cần câu tre lấp lóa khắp bờ bãi, trông như một vùng trời đầy sao.
    Không khí khẩn trương và ấm áp.
    Tiếng hát đúm giao duyên xứ quê vùng sông nước Bạch Đằng vang lên vòng vọng giữa trời giữa đất…
    Một viên tướng chạy tới.

    VIÊN TƯỚNG
    -Bẩm Đại vương…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ta nghe. Nói đi…
    VIÊN TƯỚNG
    - Bẩm đại vương, thông tin các hướng báo về….Trận địa mai phục giặc Nguyên-Mông đã triển khai rộng lớn trên sông Bạch Ðằng, là nơi đoàn thuyền của quân Nguyên sẽ phải đi qua trên đường rút chạy. Các loại gỗ lim, gỗ táu đã được đốn trên rừng và kéo về bờ sông để đẽo nhọn, cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển như sông Rút, sông Chanh, sông Kênh, làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước. Ghềnh Cốc là một dải đá ngầm nằm bắt ngang qua sông Bạch Ðằng nằm phía dưới sông Chanh, đầu sông Kênh, được sử dụng làm nơi mai phục thủy binh, phối hợp với bãi cọc chông ngầm, ngăn chận thuyền địch khi nước triều rút. Thủy quân Đại Việt của ta bí mật mai phục phía sau Ghềnh Cốc, Ðồng Cốc, Phong Cốc, sông Khoái, sông Thái, sông Gia Ðước, Ðiền Công. Còn bộ binh bố trí ở Yên Hưng, dọc theo bờ bên trái sông Bạch Ðằng, Tràng Kênh, ở bờ bên phải sông Bạch Ðằng, núi Ðá Vôi ...Phía sông Ðá Bạc  để trống cho quân Nguyên kéo vào. Ðại quân của vua Nhân Tông và Thượng Hoàng Thánh Tông đóng quân ở Hiệp Môn trong tư thế sẵn sàng lâm trận tiếp ứng cho chiến trường. Xin phụng lệnh Đại vương.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Khá khen, khá khen cho anh em binh sĩ, dân binh làm nhanh như vũ bão…Lệnh xuất quân…
    Tiếng ngựa hí, tiếng hô, tiếng hò hét vang trời vang đất.
    Lá cờ đại quân tung bay trong gió.

    Hết cảnh 6

    7
    Tiếng hò dậy sóng.
    Tiếng kêu thét của quân giặc Nguyên-Mông vang trời.
    Những chiến thuyền của giặc bị sa lầy, những cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đâm xuyên thủng chiến thuyền của giặc.
    Lửa cháy rực trời.
    Máu giặc ngập sông.
    Ô MÃ NHI
    -Cái gì thế này? Cái gì thế này nói ta nghe…Rõ ràng là quân Đại Việt đang bị quân ta tiến công, sao bây giờ quân chúng ở đâu ào ào xông ra như vũ bão…Cái gì đang làm đắm hàng trăm chiến thuyền của ta? Cái gì đang xảy ra? Nói ta nghe…
    LÍNH
    -Bẩm tướng quân, đại quân ta sập bẫy quân Đại Việt rồi, không lẽ đường đường một tướng quân Ô Mã Nhi lừng lững như ngài lại không biết?
    Ô MÃ NHI
    -Sập bẫy là thế nào? Tướng Phạm Nhan của ta đâu?
    LÍNH
    -Bẩm tướng quân…Tướng Phạm Nhan đã bị bắt…Đại quân ta đã sập bẫy mai phục của quân Đại Việt…Quân Đại Việt dùng thuyền nhỏ giả vờ đánh thua, chúng ta đã thừa thắng xông lên nào hay vào bẫy cọc Bạch Đằng, giờ này thủy triều đang rút nhanh, thuyền ta bị rừng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng đâm nát, quân lính chết nhiều vô kể, 400 chiến thuyền đã bị cọc nhọn đâm thủng, số chìm, số cháy, tan tác rồi thưa tướng quân…
    Ô MÃ NHI
    -Quân của tướng Thoát Hoan đâu, sao không viện binh cho ta?

    LÍNH
    -Bẩm tướng quân, được tin, tướng Thoát Hoan đã chạy thoát bằng đường bộ ở cửa khẩu mạn Lạng Sơn về nước rồi…
    Ô MÃ NHI
    -Ta phải làm thế nào? Phải làm thế nào?
    LÍNH
    -Bẩm tướng quân…Đành phải quy hàng…không quy hàng thì chết thưa tướng quân
    Ô MÃ NHI
    -Trời ơi, không không không…Không thể quy hàng…Uy danh lừng lững của Đại quân Mông Cổ ta không biết đến hai chữ quy hàng…Uy danh lừng lững của Đại Hoàng thượng Hốt Tất liệt ta không cho phép kẻ nào quy hàng…Uy danh lừng lững của quân Nguyên Mông bá chủ thế giới ta không biết đến thua trận…Sao lại nhục nhã như thế này?
    Ngay lập tức những người chiến binh Đại Việt nhảy xốc lên thuyền, chỉa gươm giáo vào mặt Ô Mã Nhi.
    Hai người trói gô chân tay hắn lôi đi.
    Ô Mã Nhi ngoái lại nhìn trận chiến bại hét lên đau đớn
    Ô MÃ NHI
    -Không không không…ta không thể thua…không thể thua…không thể thua…

    Hết cảnh 7



    8
    A.
    Hoàng thượng Trần Nhân Tông ngự ở ghế.
    Anh em binh sĩ lôi Phạm Nhan vào.
    Mỗi người nắm một phần cơ thể Phạm Nhan kéo vào rồi đè dúi ngồi xuống đất.
    LÍNH
    -Bẩm Hoàng thượng, đây là tướng giặc Nguyên- Mông tên là Phạm Nhan, chỉ huy một đội thuyền mưu toan chạy thoát trên sông Bạch Đằng nhưng chúng đã sa vào bẫy cọc của Đại vương Trần Quốc Tuấn, thuyền của chúng đa phần đều bị cọc nhọn đâm thủng. Đại vương sai chúng thần mang Phạm Nhan về cho Hoàng thượng định tội.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Phạm Nhan…Ta có nghe danh…Tướng hùng tướng hổ, giết dân lành Đại Việt không nương tay là hắn đây sao.
    LÍNH
    -Bẩm Hoàng thượng. Đúng vậy.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Sao không trói chặt tay chân của hắn lại?
    PHẠM NHAN
    -Cười khềnh khệch.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Sao hắn cười?


    LÍNH
    -Bẩm Hoàng thượng. Nghe đồn, Phạm Nhan có phép thuật, trói không trói được, chém đầu không chém được, binh lính ta phải dùng sức người ép hắn về đây…Xin Hoàng thượng hạ chỉ….
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Phép thuật à? Phép thuật thì sao? Chém đầu.
    PHẠM NHAN
    -Cười hềnh hệch…Hoàng thượng Đại Việt đáng thương làm sao, hé hé hé, không biết chém đầu ai lại chém đầu Phạm Nhan ta là thế nào? Xin mời. Hé hé hé. Xin mời. Hé hé hé.
    Hoàng thượng Trần Nhân Tổng nổi giận, tuốt gươm người lính đứng cạnh, chém vụt vào cổ Phạm Nhan. Đầu Phạm Nhan rơi ra trong tiếng cười của hắn. Nhưng rồi hắn lại mọc ra đầu khác. Lại chém. Lại rơi đầu. Lại mọc. Hoàng thượng cả sợ, ném kiếm, ngồi vào ghế rồng, thở hồng hộc.
    Phạm Nhan càng cười to hơn.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Đường đường là Vua Đại Việt mà chém đầu giặc không được, chém đầu này, giặc mọc ra đầu khác là có điềm chi đây…Gọi Đại vương Trần Quốc Tuấn cho ta…
    Trần Quốc Tuấn vào.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Bẩm Hoàng thượng, thần có mặt, xin lĩnh chỉ.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Đại vương nhìn thấy chưa, đó là tướng Phạm Nhan, hắn nói hắn có phép thuật, trói không được, chém đầu không xong….
    Phạm Nhan cười sằng sặc.
    TRẦN  QUỐC TUẤN
    -Bẩm Hoàng thượng…Phép thuật Phạm Nhan có thật…Nhưng Hoàng thượng yên tâm…Sẽ có cách trị tội nó…Cho mời tì nữ vào cung…
    Cô gái tên Lúa, chủ quán rượu bên sông Thương bước vào.
    Phạm Nhan thoáng nhìn đã giật bắn.
    LÚA
    -Bẩm Hoàng thượng….Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Chẳng hay cô gái bé nhỏ, mảnh mai, có tiếng hát hay múa giỏi mà có lần ta đã nghe thì làm được gì với phép thuật của tên Phạm Nhan kia…
    TRẦN QUỐC TUẤN   
    -Bẩm Hoàng thượng…Hoàng thượng nhớ rất giỏi, chính là cô chủ quán rượu bên sông Thương…Tên cô ấy là Lúa…Ở đó, khi quân Nguyên-Mông xâm chiếm bờ cõi nước ta, chúng vẫn thường qua lại chè chén, ăn uống và bắt cô gái này hát múa để phục dịch…Cả tướng Phạm Nhan kia cũng từng đến quán nhiều lần…Cô gái bé nhỏ, hãy kể cho Hoàng thượng nghe những gì nàng cần cấp báo…
    LÚA
    -Bẩm Hoàng thượng anh minh…Nếu con có đóng góp gì vào đại cục thì cũng nhờ ơn Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tin cậy giao phó, vừa đàn hát, bán rượu cho giặc, vừa phải dò la tin tức của chúng ạ…
    Phạm Nhan cúi mặt.
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Khá khen, khá khen cô gái…Hãy nói cho ta nghe, con biết gì về Phạm Nhan kia…

    LÚA
    -Phạm Nhan…Ông vẫn nhớ tôi đấy chứ…Ông vẫn nhớ hôm đó tôi chuốc cho ông say, tôi hát tôi múa cho ông như thế này này…(Hát và múa quanh tướng giặc rồi dừng) Bẩm Hoàng thượng, hắn nói với con rằng, hắn có phép thuật, hắn có ngũ phép  thần thông, đang to khỏe hoá nhỏ không dây nào trói được, chém đầu này mọc đầu khác. Chính nó đã ép con chém đầu nó để minh chứng. Con đã chém. Đầu nó rơi xong lại mọc đầu khác. Rồi  trong cơn say, nó mới lộ bí mật rằng…
    PHẠM NHAN
    -Câm mồm…Ta giết ngươi…
    Ba bốn người lính xô đến, đè bẹp Phạm Nhan ngồi yên.
    LÚA
    - Bẩm Hoàng thượng. Bí mật phép thuật của nó là, muốn trói nó phải trói bằng chỉ ngũ sắc, nó sẽ không hóa nhỏ được, song muốn chém đầu nó và không cho mọc đầu khác thì phải dùng vôi tôi trộn với phân gà sáp và bồ hóng mà bôi lên lưỡi kiếm.
    Phạm Nhan rũ xuống
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Ha ha …Chỉ là thế thôi chứ gì…Đưa chỉ ngũ sắc cho ta…Bôi vôi tôi trộn với phân gà sáp và bồ hóng vào lưỡi kiếm cho ta…
    Tên lính mang dây ngũ sắc và kiếm đã bôi vôi và bồ hóng và phân gà sáp ra.
    LÍNH
    -Bẩm Đại vương. Đã đủ chỉ ngũ sắc. Kiếm đã bôi vôi tôi trộn phân gà sáp và bồ hóng…
    Trần Quốc Tuấn cầm kiếm
    PHẠM NHAN
    -Quỳ mọp xuống vái lạy. Xin lạy Hoàng thượng. Xin lạy Đại vương. Cha của thần vốn người Quảng Đông, di cư sang Đại Việt, cư ngụ ở xã An Bài, lấy vợ ở đó và sinh ra thần. Lớn lên, thần về  lại về cố quốc, thi đỗ Tiến sỹ và làm quan cho nhà Nguyên. Thần có biết  phép thuật phù thủy nên được phép vào trong cung đình để chữa bệnh. Nào dè vào đó, thần thông dâm với bọn cung nữ, bị khép vào tội phải chết. Khi thần sắp sửa bị đem ra hành hình thì nhà Nguyên xua quân sang xâm lược Đại Việt, thần liền xin được làm kẻ hướng đạo cho quân Nguyên để lập công chuộc tội. Nhà Nguyên chấp thuận. Nhưng nay thì thần đã đại bại, bị bắt, lại bị khép tội hành hình, chỉ xin Hoàng thượng và đại vương khi chém thì chém thành ba khúc, một khúc vứt lên rừng, một khúc vứt xuống sông, một khúc vứt ở quê nhà An Bài. Xin đa tạ…
    TRẦN NHÂN TÔNG
    -Một kẻ như nhà người, sinh ra ở Đại Việt lại làm phản Đại Việt, có quê ở Cố quốc lại chạy theo quân giặc Mông -Nguyên vốn đang xâm lăng cố quốc, loại như người giết hai lần còn ít. Chém.
    Những đường kiếm vung lên.
    Đầu và thân Phạm Nhan rơi xuống.
    B
    Con đường ven sông Thương.
    Cô Lúa vác mái chèo bước từ dưới bến thuyền lên thì đứng sững, trước mặt là hai người đàn ông bừng bừng sát khí, tay cầm kiếm, mặt bịt vải đen, chạng chân đứng chờ sẵn.
    LÚA
    -Các ngươi là ai, định làm gì ta?
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Chúng ta là ai ư? Há há…Ta là ai ta chả là ai cả…Cũng như ngươi thôi…Cô chủ quán bán rượu mà cũng không phải là cô chủ quán bán rượu..Ta như kẻ cướp đường mà cũng không phải là kẻ cướp đường…Há há…Vậy đó…

    LÚA
    -Nếu hai ngươi muốn chặn đường ta cướp của thì các ngươi đã nhầm, ta tay trắng, không mang gì theo người, có một thứ ta mang theo là tiếng hát, điệu múa thì các ngươi muốn cướp cũng chả cướp được…
    TÊN BỊT MẶT 2
    -Nói hay lắm…Há há…Đúng rồi, đúng rồi, đúng rồi, tiếng hát điệu múa thì không cướp được…Gợi ý hay lắm…hay lắm…
    LÚA
    -Các ngươi muốn gì?
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Ta muốn lấy đầu ngươi.
    LÚA
    -Vì sao?
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Vì tiết lộ bí mật của người mà tướng Phạm Nhan ta phải chết…
    LÚA
    -Các ngươi cũng ở đó? Ở ngay cũng Hoàng thượng?
    TÊN BỊT MẶT 2
    -Thế thì đã sao?
    LÚA
    -Các ngươi tạo phản?
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Như nàng thôi, nàng Lúa ạ, nàng bày trò bán rượu rủ rê quan quân Nguyên-Mông vào đánh chén, nghe hát hò, rủ rê cả tướng Phạm Nhan để rồi lấy bí mật của tướng quân giúp triều đình Đại Việt chém đầu tướng quân…Ta ở trong Hoàng cung cũng như nàng, phục dịch Hoàng thượng và lấy thông tin từ Hoàng thượng cung cấp cho Đại quân của Hoàng thượng Hốt Tất Liệt…Như nhau cả thôi, há  há há…
    LÚA
    -Quân phản nghịch…
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Không nói nhiều…Đáng ra thì nàng phải bị giết chết…Nhưng vừa rồi nàng gợi ý hay quá…Sức mạnh của nàng là hát…Ôi giọng hát của nàng mới thánh thót làm sao…Thế thì cần gì phải giết nàng…Chỉ cần giết giọng hát của nàng thôi…Há há há…
    LÚA
    -Các ngươi định làm gì ta?
    TÊN BỊT MẶT 2
    -Xông tới, ghì chặt hai tay của Lúa. Xử đi, không nói nhiều nữa…
    TÊN BỊT MẶT 1
    -Dạ rồi, dạ rồi dạ rồi…Xin lấy cái lưỡi của nàng thôi để từ nay mắt nàng thấy như mù, tai nàng nghe như điếc, không nói được, không hát được, không truyền tin được, há há há…
    Hai tên bóp miệng nàng Lúa, dùng kiếm xẻo lưỡi.
    Nàng Lúa gục xuống
    Tên Bịt mặt 2 đưa đầu lưỡi lên ngắm cười ha hả và cả hai cùng bỏ chạy.
    Nàng Lúa đưa tay bịt miệng, bước đi loạng choạng loạng choạng, ú ớ….và đổ gục xuống.

    Hết cảnh 8
    9.
    Bến sông Bạch Đằng khói lửa ngút trời, tiếng hò hét, tiếng hô, tiếng gươm giáo vang động.
    Bà Nết và nhiều người dân chạy xô ra sông hoan hỉ, hò reo.
    BÀ NẾT
    -Xem kìa…xem kìa…Thuyền của lũ giặc bị hàng cọc đâm thủng, đứa chết chìm, đứa đầu hàng, ta thắng lớn rồi bà con ơi…
    TIẾNG NHIỀU NGƯỜI DÂN
    -Quân ta đuổi thuyền giặc chạy nháo nhào kìa…Thủy triều rút rồi…thủy triều rút rồi…Hàng trăm thuyền giặc đã bị cọc Bạch Đằng đâm thủng…Đại Vương Trần Quốc Tuấn vạn tuế..
    -Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…
    -Ai kia…Ai kia, trời ơi cô gái nào kia…
    -Trời ơi, sao lại có cô gái vừa thúc trống, vừa múa trống chặn ngang đường bỏ chạy của giặc thế kia, nguy hiểm quá…nguy hiểm quá trời ơi…
    -Ở đâu, ở đâu, ở đâu?
    -Vào đây, vào bờ đi cô gái…Vào bờ đi, giặc đang tới đấy, nguy hiểm…
    Bà Nết  vác mái chèo chạy xuống  bờ sông.
    Bà leo lên thuyền cô gái trẻ đang đánh trống.
    Nhiều người dân xô tới, nhìn ra sông.
    Trên thuyền, cô gái đang đánh trống, bàn tay như múa, như chèo trên các mặt trống đặt thành dàn trên mũi thuyền. Đó là Lúa.
    BÀ NẾT
    -Này cô gái….Khoan đã, dừng tay lại đã, nghe bà hỏi này…
    LÚA
    -Chỉ chỉ tay vào miệng, lắc đầu, miệng cười rất tươi và hai tay vẫn liên hồi múa trống.
    BÀ NẾT
    -Con không nói được đúng không con gái? Nhưng con dừng tay lại đã, giặc sắp chạy qua đấy, kia kìa, chúng bị đại quân của Đại vương Trần Quốc Tuấn đuổi đánh, sắp chạy qua đây đấy, thấy không, trên mặt sông Bạch Đằng  xác giặc nổi thành gò thành đống, máu chảy đỏ lòm, thấy không, thấy không?
    LÚA
    -Gật gật đầu và hất mái tóc dài ra sau, vẫn tiếp tục gõ trống
    BÀ NẾT
    -Con gái….Để ta chèo thuyền giúp con, vào bờ đi, quân giặc đang tới…Biết là con đánh trống cỗ vũ đại quân ta nhưng ở đây thì nguy hiểm lắm…Nghe ta nào…
    LÚA
    -Vẫn tiếp tục múa trống…
    BÀ NẾT
    -Nằm xuống, tên giặc đang bắn về chúng ta đấy…Nằm xuống đi con gái…
    Lúa vẫn ưỡn người cao lên và đánh trống, múa trống, tên bắn rào rào và một mũi tên đâm thẳng vào ngực Lúa.
    Tay lúa vẫn đánh trống. Hai bàn tay yếu dần. Dùi trống rợi xuống. Toàn thân Lúa rơi xuống, rơi vào vòng tay của bà Nết
    BÀ NẾT
    -Hét lên…Trời ơi….Cô gái….

    Hết cảnh 9
    10.
    Đêm. Quán nước bên sông Bạch Đằng của bà Nết sáng nhờ dưới ánh đèn bão treo trước cửa. Bà Nết ngồi trên võng, đung đưa, ngân nga câu hát ca ngợi chiến công lừng lẫy chống giặc Nguyên-Mông trên sông Bạch Đằng của Đại vương Trần Quốc Tuấn. Một bóng đen lò dò đi tới,. Bà Nết nhận ra Háu, quan đầu ấp.
    BÀ NẾT
    -Khiếp nhể…Làm quan dân hèn gì đi lúc nào cũng rón rén quá nhể…Chào ngài…Bẵng đi đã lâu không thấy ngài, mời ngài xơi bát nước vối, ăn cái kẹo lạc…
    HÁU
    -Việc quan quân đổ lên đầu, có rảnh mắt ra đâu mà về  thăm quê nhà…Nay có việc kinh kỳ đi qua thấy quán bà còn đỏ đèn thì vào chơi thôi, tiện thể thì xin bát nước vối thôi, tiện thể xin mấy viên kẹo lạc thôi, tiện thể kéo điếu thuốc lào cho ấm cổ thôi…
    BÀ NẾT
    -Chứ không cốt chạy từ kinh thành về đây để gặp tôi?
    HÁU
    -Này này…Bà như ma trôi sông, có vẻ như cái gì bà cũng đoán được ý nghĩ người khác là sao, là sao hả?
    BÀ NẾT
    -Khổ thân tôi, đoán mò thế mà vẫn trúng, lại mang tiếng thóc mách chuyện người như con ma xó nhể. Có chi ông cần nói thì cứ nói, không có chi thì mời uống bát nước, ăn cái viên kẹo, tôi cũng sắp đóng quán nghỉ ngơi đây quan ngài ạ…
    HÁU
    -Thế từ ngày Đại vương Trần Quốc Tuấn chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên-Mông trên sông Bạch Đằng tới giờ, ngài chưa cho ai viếng thăm bà à?

    BÀ NẾT
    -Tôi chỉ là  thường dân, thường dân thì có cả vạn, cả triệu, ai hơi sức đâu lại cho người viếng thăm thường dân thưa quan ngài, việc triều đình sau chiến tranh đùn lên đầu lên cổ vua tôi, biết bao phận sự lo toan cho nước thịnh, dân giàu, sao lại có thể cho người về viếng thăm tôi được…
    HÁU
    -Tốt quá…À không…Ý tôi là coi như hôm nay tôi phụng mệnh Đại vương về đây viếng thăm bà…
    BÀ NẾT
    -Cung kính, cung kính đón chào ngài…
    HÁU
    -Kể ra thì, mỗi khi thắng trận, giang sơn bờ cõi hòa bình, Hoàng thượng bao giờ cũng ban thưởng cho người có công, ai có công to ban thưởng to, ai công nhỏ ban thưởng nhỏ, thăng chức, thăng quan cũng là ban thưởng mà nén bạc, đồng vàng trao tay cũng là ban thưởng…Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế,  vạn vạn tuế….
    BÀ NẾT
    -Hiểu rồi, hiểu rồi, ý quan ngài là nhân tiện về thăm quê, ghé qua quán nước của tôi gọi là khoe được Hoàng thượng ban thưởng đấy phỏng? Quý hóa quá đi…
    HÁU
    -Hì hì…Bà nói hay lắm…Nhưng muốn được Hoàng thượng ban thưởng thì phải có chứng cứ đóng góp công lao chớ…
    BÀ NẾT
    -Nói xa nói gần, tóm lại ông muốn tôi giúp ông chứng thực công lao gì thì ông cứ nói…Hay công lao ông đã không tìm được giặc để quy hàng? Cười to.
    HÁU
    -Nhăn nhở cười theo. Bà đúng là thù lâu nhớ dai…Đó là khi hoàn cảnh xô đẩy, tôi có hơi hơi sợ, hơi hơi cuống, hơi hơi nhát….chuyện cũ qua rồi, nhớ lại làm chi…Ý là thế này, hôm nay, nhằm ngày đẹp, trăng thanh gió mát, đất nước đang ca khúc khải hoàn thắng trận, giang sơn bờ cõi từ nay vĩnh viễn yên bình, vì thế tôi mới về gặp bà, trước thì thăm hỏi, sau thì nhờ bà chứng thực chút chút công trạng của tôi…
    BÀ NẾT
    -Quý hóa quá, ông nói đi, công trạng của ông là gì mà xin tôi chứng thực?
    HÁU
    -Bà có nhớ cái bữa tôi dẫn đại vương Trần Quốc Tuấn cải trang thành người thường thám sát vùng sông nước rồi đến ngồi với bà ở đây không?
    BÀ NẾT
    -Thì sao?
    HÁU
    -Bà có nhớ đại vương có hỏi tôi về phong thổ, địa lý, thủy triều ở vùng sông nước Bạch Đằng này không?
    BÀ NẾT
    -Thì sao?
    HÁU
    -Bà có nhớ sau khi tôi  để cho bà nói xong thì tôi cũng vui mừng nói với Đại vương rằng ý tôi cũng muốn nói như thế, thông tin của tôi cũng muốn cung cấp cho đại vương như thế, nhưng tôi nhường cho bà nói trước, để bà là dân thường nói với đại vương thì hay hơn tôi, vì khi ấy đại vương đang cải trang thành dân thường…Đúng vậy không?
    BÀ NẾT
    -Thì sao?


    HÁU
    -Bà có nhớ sau đó Đại vương đã khẩn khoản mời tôi đi cùng đại vương lên kinh thành ngay không? Từ đó, Đại vương đi một bước tôi theo một bước, như răng với môi, như chân với tay…Nhớ không?
    BÀ NẾT
    -Thì sao?
    HÁU
    -Bây giờ việc quân đã nhàn, chuyện cơ mật đã xong, đất nước khải hoàn, nên tôi soạn cái biểu này, ghi rõ là Đại vương Trần Quốc Tuấn nhờ có những thông tin cơ mật, quan trọng về phong thổ, địa lý, thủy triều ở vùng sông Bạch Đằng này là do tôi trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu, mày mò, sưu tầm qua sách thánh hiền, qua kinh nghiệm dân gian, qua đời sống vùng sông nước này mà có…Thông tin quan trọng đó đã giúp Đại vương tính toán được rõ ràng vị trí đóng cọc, vị trí ngăn giặc, vị trí dụ giặc, tính toán rõ ràng ngày con nước lên, ngày con nước xuống, tính kỹ như thần nhờ vậy mà trận Bạch Đằng đại thắng…Tờ biểu tôi đã viết sẵn như thế, xin bà điểm chỉ vào đây, xác nhận rằng, thông tin bà kể với Đại vương chính là do tôi nhờ bà nói vì việc cơ mật nên khi Đại vương giả đóng vai thường dân thì tôi là quan địa phương không thể nói ra mà phải nhờ bà thường dân nói hộ…Việc đơn giản bà nhể…Đơn giản như ăn kẹo lạc bà nhể…Đơn giản như uống nước vối bà nhể…Bà xác tín điểm chỉ vô tờ biểu này để tôi kịp dâng lên Hoàng thượng, có công thưởng, có bỗng lộc, tôi không quên ơn bà…Thật thế….
    BÀ NẾT
    -Hết chưa?
    HÁU
    -Hết…Có gì trong trong tờ biểu này viết hết rồi, bà chỉ cần đưa tay điểm chỉ. Khiên mực tôi cũng đã mài sẵn đây rồi, bà đưa năm ngón tay vào đây, điểm chỉ…
    BÀ NẾT
    -Một kẻ như ông hưởng bỗng lộc triều đình, thấy thế giặc tràn vào hùng mạnh thì toan cầu hàng, thấy cơ hội tiến thân thì nghĩ cách cướp công, làm quan như thế mười đời mạt kiếp thôi ông ạ…Trong việc này, tôi không có công lao gì mà ông càng không có công lao gì để dâng biểu lên Hoàng thượng ban thưởng. Công là công của trời này, đất này, sông nước Đại Việt này đã cho dân chúng một Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông oai phong, đức độ, như vị thánh hiền nhà Phật, đã cho Đại Việt ta một Hoàng thượng Trần Nhân Tông dũng mảnh, tài trí, bao dung, đã biết chọn người tài cho đất nước, đã chọn được Đại vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh việc binh, biết lùi biết tiến, dùng mưu đánh giặc, lấy ít địch nhiều, dựa vào đất trời sông núi Đại Việt ta mà giết giặc…Công là công như thế…chứ sao ông lại dâng biểu viết những lời kể lễ công cán lỗ mãng và hèn kém vào đây?
    HÁU
    -Thôi im đi, lải nhải mãi cũng thế thôi, nghe ta hỏi, nhà người có điểm chỉ chứng thực cho ta không?
    BÀ NẾT
    -Không.
    HÁU
    -Hỏi thêm lần nữa, nhà người có điểm chỉ chứng thực cho ta không?
    BÀ NẾT
    -Không.
    HÁU
    -Cười sằng sặc. Thế thì ta sẽ xin tiết của nhà người để điểm chỉ cho ta vậy…há há há…Háu vung kiếm đâm thẳng vào ngực bà Nết. Bà Nết gục xuống. Hắn rút kiếm, vội vàng đưa bàn tay bà Nết nhúng vào nghiên mực rồi điểm chỉ vào tờ biểu, đoạn cười sằng sặc và bỏ chạy.

    Hết cảnh 10


    11.
    Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn uy nghi dẫn đoàn quan quân cưỡi ngựa phi nước đại tới bến sông Bạch Đằng.
    Tất cả xuống ngựa.
    Tên quan Háu xiêm y lộng lẫy lon ton chạy tới quán nước bà Nết rồi lon ton chạy ngược trở lại, quỳ gối trước Hưng đại Đạo vương.
    QUAN HÁU
    -Bẩm Đại vương…Hu hu hu
    Hắn khóc như điên như dại.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Sao? Cái gì thế…Bà ấy không có ở quán hay sao?
    QUAN HÁU
    -Bẩm Đại vương…Quán nước từ lâu đã không bóng hình người bán…Đại vương thấy đó, mái lá xiêu vẹo, hàng nước vắng tanh, giữa quán chỉ thấy nổi lên một ổ mối lớn như nấm mồ…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Cái gì? Nấm mồ?
    Trần Quốc Tuấn lao tới, đứng sững rồi quỳ xuống vái lạy, nói trong đau đớn
    -Trời ơi, sao bà bỏ ta đi sớm như thế? Sao bà không chờ ta về…Trời ơi, sau chiến thắng Bạch Đằng, việc quân, việc nước chất cao như núi, ta bận trăm công ngàn việc để ban thưởng binh sĩ, để vấn an người dân, để úy lạo mọi tầng lớp quan sĩ đã có công vì ta dẹp giặc Nguyên- Mông bảo toàn bờ cõi…Hôm nay ta mới về được tới đây, những mong gặp bà để xin quỳ xuống, cảm tạ bà đã có công giúp ta biết thông tin quý giá về phong thổ, về địa lý, về thủy triều, nhờ thế ta mới bày binh bố trận đóng cọc trên sông để tiêu diệt đại quân giặc…Công lao đó ta không bao giờ quên…Ơn nghĩa đó ta không bao giờ quên…Hôm nay ta trở lại là để tạ ơn sự giúp đỡ của bà thì bà đã đi rồi, chỉ còn kia nấm mộ, chỉ còn kia tổ mối…Cũng như sáng nay ta trờ lại quán rượu nhỏ bên sông Thương để tạ ơn cô chủ quán xinh đẹp hát hay múa giỏi nhưng cô ấy cũng đã vì triều đình mà bị lũ phản nghịch cắt lưỡi, rồi cũng vì cổ súy cho trận chiến Bạch Đằng mà trúng phải mũi tên hòn đạn quân thù....Trời ơi, sao trời không cho ta được toại nguyện đáp ơn, đáp nghĩa những  người đàn bà thường dân đã có công giúp nước?
    QUAN HÁU
    -Hu hu hu…
    Một người lính mang tới cái nghiên bút nằm trong tổ mối.
    Người lính chùi nghiên bút, xem xét và lao tới Trần Quốc Tuấn
    NGƯỜI LÍNH
    -Đại vương…Đại vương xem này…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Cài gì?
    NGƯỜI LÍNH
    -Bẩm Đại vương…Nghiên bút này khắc tên ai xin Đại vương hãy đọc…
    Trần Quốc Tuấn cầm nghiên bút, đọc rồi quay lại, rút kiếm ra, thét lớn…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Nhìn mặt quan Háu, hét- Nhà người nói đi…Vì sao lại có nghiên bút của nhà ngươi trong nấm mộ của bà…Vì sao? Ngươi đã làm gì bà ấy? Nói…
    QUAN HÁU
    -Bẩm bẩm bẩm Đại vương…Con có làm gì đâu ạ…Con không làm gì hết….Nghiên bút ấy có thể con đã đánh rơi…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Đưa tờ biểu kể công trạng của tên khốn này ta xem…
    Một tên lính dâng biểu…
    TÊN LÍNH
    -Bẩm Đại vương, tờ biểu còn dính dấu vân tay của bà và hình như còn có vết tích mờ mờ của những giọt máu rơi trên tờ biểu mà chưa xóa hết…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Mày…Mày đã giết bà ấy…Mày đã ép bà ấy điểm chỉ vào tờ biểu công trạng của mày…Mày đã muốn cướp công lao của người đàn bà mà ta và triều đình đang hết lòng ngưỡng mộ…Khốn kiếp…Trói nó lại…Lột mũ áo ngay cho ta…
    QUAN HÁU
    -Con đã biết tội…Xin Đại vương cho con đường sống….Dù có phải làm người thợ cày hay anh đốn củi con cũng xin cam lòng…Con có tội…
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Trời ơi…Trong muôn sự cướp công thì cướp công của nhân dân là kiểu cướp công tội ác nhất. Trong muôn sự vong ân thì vong ân với nhân dân là sự vong ân trời không dung, đất không tha. Trong muôn sự phản bội, thì phản bội niềm trung tín của nhân dân là sự phản bội tàn độc nhất, là cách đào hố chôn mình. Các người hiểu chưa…Hãy cho nó một cái xẻng. Ta không thể chịu đựng nỗi nữa. Hãy cho nó tự đào hố chôn nó xuống đất đai. Làm đi…
    Người lính mang xẻng tới. Quan Háu lập cập đào hố, đào đào đào rồi đất sụp, kéo hắn xuống đáy hố.
    TRẦN QUỐC TUẤN
    -Thưa vong linh người đàn bà đáng kính. Đại vương Trần Quốc Tuấn tôi xin phép được về tâu trình với Hoàng thượng để thưởng công cho bà, ghi tên bà vào lịch sử ba lần chiến thắng quân Nguyên-Mông của Đại Việt ta, dựng đình đài, chùa miếu thờ phụng bà cho đời đời con cháu ghi nhớ công lao….Ta xin vun vén cây quếch này bên ngôi miếu thờ của bà để sau này, trăm năm sau, ngàn năm sau, cây quếch lớn lên, ghi dấu nơi đây có một người đàn bà đã tận hiến cuộc đời cho đất Việt. Xin bái biệt.

    VĨ THANH
    Nhân dân tụ tập rất đông.
    Cờ xúy rợp trời.
    Tiếng chiêng trống, tiếng kèn, tiếng hát rộng ràng.
    Một ông lão râu tóc bạc phơ, áo quần đỏ, thắt lưng đỏ, trịnh trọng nói to
    ÔNG LÃO
    -Hỡi bà con làng trên xóm dưới…Xin quỳ xuống tiếp nhận chỉ dụ của Hoàng thượng Đại Việt Trần Nhân Tông…
    Mọi người quỳ xuống.
    Tiếng ông lão vang vọng
    -Hoàng thượng xét công lao to lớn của bà chủ quán nước ở bến đò Rừng vì đã có công bày đường chỉ lối, cung cấp thông tin phong thổ, địa lý, thủy triều cho Đại vương Trần Quốc Tuấn biết cách mà bày binh bố trận, dàn binh, đóng cọc bẫy đại quân Nguyên-Mông, đánh cho giặc Nguyên tả tơi, giành lại cho Đại Việt ta nền độc lập, công lao đó của bà đáng để ban thưởng, nhưng không có việc ban thưởng nào xứng đáng với công lao của bà, bởi vậy, hoàng thượng hạ chiếu, tôn vinh gọi bà là Vua Bà cho ngàn năm con cháu nhớ ơn, ghi lòng tạc dạ. Lại xét công lao phục vụ của cô chủ quán rượu ở bến sông Thương, nay phong tặng cho cô làm Thiên hương Ngọc Trịnh công chúa. Y lệnh.
    Tiếng kèn, tiếng múa hát vang lên bốn phương tám hướng.
    Hình hài Vua Bà và Thiên hương Ngọc Trịnh công chúa đưa cao trên đài sen.

    HẾT KỊCH