Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Tagged Under:

EM LÀ VÍ GIẶM SUỐT ĐỜI TÔI YÊU

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 22:48
  • Chia sẻ bài này >
  • Chỉ mong cuộc đời bình an để nhà văn có thể nhẩn nha viết những dòng văn.
    Bài viết mới nhất, tôi tặng những người bạn tôi xứ Nghệ- Tĩnh

    ---------------------
    Đã rất nhiều lần tôi đi qua đất xứ Nghệ, lần nào cũng muốn qua nhanh, nhưng thất bại. Đất xứ Nghệ như có ma lực, cứ níu lấy tôi, như dây chão níu thuyền, dây chão mảnh mai thế thôi, mềm mại thế thôi, chùng chằng thế thôi mà thuyền muốn vùng vằng rời bờ mà đâu có rời được…mồ ( chữ người xứ Nghệ). Lại nhớ câu thơ Huy Cận: “Tình xứ Nghệ không mau/Nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ, quen lâu/Càng tình sâu nghĩa nặng”...

    Tôi thì hiểu rõ ràng một điều này, điều níu chân tôi mỗi lần qua xứ Nghệ, đó là câu dân ca ví giặm ở vùng đất này. “Nghe câu hò ví giặm/Càng lắng lại càng sâu/Như sông Lam chảy chậm/Đọng bao thuở vui sầu”- Huy Cận.
    Tôi đã nhiều lần đi men theo câu ví giặm mà tìm em. Câu hát ấy nhẹ như mây trôi, hình như đó không phải là câu hát, ví giặm không chỉ là câu hát mà là tiếng thở, mà là nhịp thở, mà là gan ruột lòng người gieo giữa không gian những giọt yêu, ai mà vướng lấy là ngây ngất, là thổn thức, là mềm lòng.
    Ví giặm xứ Nghệ là lời của đất, là tiếng thì thầm của cánh đồng lúa, là âm thanh cao vút giữa núi rừng đại ngàn, là vòng vọng thủ thỉ của nhịp sóng của con sông quê hương, con suối xứ Nghệ vỗ vào bãi bờ, là em, em đi trên đê làng, em đi giữa cánh đồng vàng, em đi qua mùa sen nở, em ẩn hiện trong vòm lá, ngõ phố, vườn cây, ở đâu cũng nghe tiếng ví giặm ngân lên, bay lên, ngọt như mía vào vụ, như mật ong phá tổ, mềm mại và thiết tha như dòng suối thượng nguồn, tròn vành rõ chữ đến là yêu kiều như vành nón lá.
    Ví giặm, ở đó là hồn cốt của một vùng đất, một vùng đất quen gọi là đất xứ Nghệ, có cát trắng, có đồng bằng, có đồng cỏ, có núi cao, có suối, có khe, có bến sông, con đò, có phố có phường, hình như ở đâu cũng có thể cồn cào trong âm sắc ví giặm về tình yêu, về cuộc sống, về lòng chung thủy…
    Ví giặm chính là cao của lời, của tình, của cảm, cao ấy được chắt ra từ cuộc sống, được vò xoắn bởi tâm trạng, được chiết từng giọt, từng giọt rồi kết lại thành lời, thành điệu, thành tiếng hát vui, thành lời than thở, thành nước mắt nụ cười, thành vẻ đẹp long lanh, vẻ đẹp sáng chói, vẻ đẹp cao cả của người xứ Nghệ. Nghe qua từng làn điều ví giặm, thấm từng từ, thấm từng giai điệu, thấm từ ánh mắt em, thấm từ khóe miệng em hát, sẽ hiểu được con người xứ Nghệ, gian khó lắm mà kiêu hãnh lắm, lãng mạn lắm nhưng kiêu hùng lắm, đẹp đẽ lắm nhưng chân chất lắm, “ thường thôi” “rứa đó” “ nỏ chịu”, những từ ngữ đời thường ấy nhưng sao nó cứ vọng lên trong vắt, cao vút, vóc dáng, vâm váp mà giản dị đến yêu thương.
    Tôi nghe hát ví giặm mà như nghe chính lời tự sự của chính mình, của chính bạn, của chính em.
    Hát như trong ruột hát ra.
    Nghe hát thôi mà nhìn thấy đuôi mắt em chảy ướt dọc bờ dọc bãi, chảy ướt trên những con sóng, chảy ướt trên mây trên mưa, chảy ướt làm bật run lên cả mái chèo.
    Âm thanh ấy như đan từ sợi tơ lòng, nó day dắt, nó xoắn quặn, nó sắc lạnh nhưng cũng có khi nó mơn man, nó ve vuốt, nó bóp nghẹn lên từng con tim thớ thịt.
    Lời ca ấy như chắt ra, vò ra, chiết ra từ nỗi đau, từ thăm thẳm của miền thương nhớ, từ cạn đáy của tình thương yêu, từ chót vót rạng rỡ của niềm hạnh phúc.
    Thanh âm luyến láy, ngân nga từng nốt, từng từ, nó khiến người nghe có khi xây xẩm mặt mày vì bị dồn, bị ứ, bị tấn, bị vò, có khi nhấc bổng con người ta lên nhẹ như sương như khói, có khi xoay vòng người nghe trong lốc bão của tự tình, của ưu tư, của nỗi đau quặn thắt.
    Ví giặm không do ai ban phát, không do ai trao tặng, không do ai áp đặt, ví giặm là tài sản của người xứ Nghệ, tài sản của riêng xứ Nghệ, nó sinh ra từ trong cuộc sống, từ trong hạnh phúc, từ trong tình yêu, cả từ trong ẩn ức, tức tưởi, bần hàn, nó sinh ra bởi bản tính, phẩm chất người xứ Nghệ, nó dồn ứ tâm tư, nó chắt chiu tình nghĩa, nó ôm xiết nỗi lòng rồi từ lúc nào chẳng biết, nó bật ra như thế, thành âm thanh, thành giai điệu, thành ngôn từ, không tác giả, không địa chỉ, không bài bản, nhưng tồn tại và đồng hành cùng ruộng, cùng vườn, cùng bến bãi, cùng em, cùng anh, cùng ánh đèn, cùng ngọn gió nam gió nồm, cùng ánh trăng vằng vặc trên sông Lam, như thế thôi, giản dị như lúa, chân chất như đất, mềm mại như sông, chảy dài theo thời gian, theo những đời người xứ Nghệ, truyền từ tiền nhân đến hôm nay vẫn như thế, âm vang như thế, thiết tha như thế, ngọt ngào như thế….
    Người đời vẫn nói,nghe tiếng đoán người.
    Nay có thể nói, nghe ví giặm xứ Nghệ để đoán định tính cách người xứ Nghệ vậy.
    Ví giặm vì thế mới là hồn cốt xứ Nghệ: Vất vả mà vẫn bay bổng, nghèo khó mà vẫn lãng mạn, gian nan mà vẫn kiêu hùng, thiếu thốn mà vẫn phóng đãng, lo toan mà vẫn thong dong…
    Ánh mắt con gái xứ Nghệ như lửa, nóng và lạnh, rực và thắm, như giai điệu ví giặm vậy, dễ say, dễ chết, dễ quỵ, dễ ngã vì mắt em, vì tiếng hát em, vì ví giặm.
    Cái miệng đàn ông xứ Nghệ như hùm, như hổ, lời to, tiếng nặng, như nguồn ngọn thác, như cao trào của điệu ví giặm, nghe thì tưởng như xô người ta ra nhưng thực sự là đang kéo em vào, níu em tới, trĩu em đến, dụ em cùng…
    Âm thanh giai điệu ví giặm xứ Nghệ như keo dính, như ma thuật,như dông bão, như mây nguồn sóng bể, dễ chôn, dễ vùi, dễ xoáy,dễ dìm người nghe, gây nghiện, gây yêu, gây thương, gây mến, như “thuốc độc”tình.
    Xứ Nghệ là ví giặm.
    Xứ Nghệ còn là em.
    Em là ví giặm suốt đời tôi yêu.