Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tagged Under:

MẸ SUỐT- Kịch bản sân khấu

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 03:33
  • Chia sẻ bài này >



  • …Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
    Gió lay như sóng biển tung trắng bờ
    Gan chi gan rứa mẹ nờ
    Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai…
    (Tố Hữu)

    Nhân vật
    +Mẹ Suốt- Từ 20 tuổi đến 60 tuổi.
    +Ông Bệu- Chồng mẹ Suốt- Từ 20 đến 60 tuổi
    +Ông Nhị- Từ 20 tuổi đến 60 tuổi
    +Anh Chuyên- 20 tuổi
    +Ông Chí- Lãnh đạo xã
    +Lan- Cán bộ phụ nữ xã
    +Trọng- Đại đội trưởng pháo binh
    +Ông bà Hàm- Địa chủ
    +Chị Khíu
    +O Lý-Nữ y tá
    +Trung úy Hải quân- yêu Lý
    +Vợ chồng anh Cáy- ngư dân
    +Các nam nữ dân quân, ngư dân, bộ đội, cán bộ….




    Cảnh 1
    Hoàng hôn xuống. Những triền cát trắng ở Bảo Ninh nhuộm hồng trong ánh nắng cuối cùng của ngày. Nhìn thấy rõ những con thuyền đánh cá cập bờ và bóng dáng của những người dân làng chài, đánh cá, khiêng lưới, khiêng vác dụng cụ về làng. Ở dưới chân một động cát bên cạnh một gốc phi lao già, anh Nhị ngồi kéo đàn nhị nhấm nháp với chai rượu rồi hát:
    ANH NHỊ
    -Khi xưa:
    Nhật trình đi ra ta đã kể
    Nay thời dần dà ta lại kể vô
    Đèo Ngang đất Quảng lô nhô
    Đi vô đá nhảy là nơi Lý Hòa
    Thẳng dong một cảnh thuận đà
    Đi vô Đồng Hới ba tòa nhà cao
    Ở trong là ao
    Ở ngoài hòn Hiền lỏa xỏa
    Xưa nay thuyền bè ra vào đánh cá
    Đã truyền đi truyền lại câu ca:
    Hòn Hiền là mẹ là cha
    Ai đi đến đó cũng là bình yên
    Xuôi vô ba cạnh thẳng liền
    Cửa Tùng nằm đó một vùng đất cao
    Ngó mù mù cù lao nằm cửa
    Qua hai mũi này, mũi nữa doi ra
    Bên Côi, mũi Móm, mũi Đà
    Qua hai mũi ấy Vũng La đã gần…
    Suốt đi từ trên đỉnh cát xuống rồi ngồi dựa lưng vào anh Nhị,
    ANH NHỊ
    -Hôm nay O Suốt sướng hè…
    SUỐT
    Tay nắm từng nắm cát vứt xa xa,
    -Hết 3 năm rồi anh ạ.
    ANH NHỊ
    -Chưa đâu…
    SUỐT
    -Hết 3 năm rồi mà. Đây là nhà địa chủ thứ 4 em ở đợ đó. Mỗi nhà ở đợ 3 năm vị chi là 12 năm rồi đó anh. Hôm nay là đúng 12 năm đó anh. Sướng anh hè…Không biết rồi tới đây em làm chi để sống nhưng chắc chắn là hết cảnh ở đợ rồi anh ạ. Ở đợ cực lắm anh ạ, nhục lắm anh ạ, nhưng thôi nhắc chi đến chuyện cực, chuyện khổ nữa, phải không anh? Hết 3 năm rồi anh ạ.
    ANH NHỊ
    -Chưa đâu…
    SUỐT
    -Anh nói cái chi? Anh không nghe em nói à? Hết 3 năm rồi mà. Hôm nay là ngày cuối cùng đó anh ạ, ở đợ xong ngày nào em cũng lấy dao vạch trên cột nhà bếp để đếm ngày, không sai đâu anh, chính xác hôm nay là hết 3 năm anh ạ.
    ANH NHỊ
    - Còn đêm nay nữa mới hết 3 năm, đúng không?

    SUỐT
    Đứng lên rồi lại ngồi thụp xuống cát, rồi nằm xoài ra cát
    -Dạ đúng, còn đêm nay nữa mới hết 3 năm đi ở. Còn đêm nay nữa mới hết 12 năm đi ở. Còn đêm nay nữa mới hết cả một đời con gái đi ở anh ạ.
    Ông Nhị cười khùng khục, rồi im lặng kéo đàn và lại hát.
    -Mau qua đò khổ ải,
    Cho khỏi trốn mê xuyên
    Hỏi thăm chốn cửa thiền
    Chùa Linh Quang qua đó
    Đêm trăng trường vò võ
    Thổn thức tấm gan dài,
    Bước chân đến tam quan
    Tôi nay gái lạc đường
    Xin ngủ nương một bữa
    Tiếng ai kêu ngoài cửa
    Như tín chủ hành hương
    À, ra gái lạc đường
    Nam mô di đà phật
    SUỐT
    -Răng em thì vui, mà anh cứ hát buồn rứa? Không muốn cho em tự do à? Ngày mai, mọi người ở Bảo Ninh sẽ gọi em là con Suốt, sẽ không ai gọi em là con ở. Rứa là em vui rồi anh ạ. 12 năm nay em chỉ mong đến một ngày không ai gọi em là con ở. Thế là ngày mai đến rồi. Vui anh hè…

    ANH NHỊ
    -Còn tui thì hôm nay, ngày mai, ngày tê cũng rứa thôi, lang tháng kéo nhị, ai thuê chi làm đó…Ngày mai không có Suốt ở đây nữa, tui đến kéo nhị với ai?
    SUỐT
    -Nghe em hỏi này, sao anh cứ tới ngõ nhà Suốt ở đợ để kéo nhị vào các buổi trưa…
    ANH NHỊ
    -Suốt cho tui hỏi này, sao mỗi khi thấy tui kéo nhị thì Suốt đều ra ngồi với tui?
    SUỐT
    -Anh kéo nhị hay mà…Anh hát cũng hay nữa…Không có anh, Suốt không biết nói chuyện với ai…
    ANH NHỊ
    -Suốt không biết là tui thích Suốt à?
    SUỐT
    -Là sao anh?
    ANH NHỊ
    -Suốt không biết là tui muốn lấy Suốt làm vợ à?
    SUỐT
    -Là răng? Răng giờ anh mới nói?
    ANH NHỊ
    -Vì tui nghèo túng, Suốt cũng nghèo túng, tui yêu Suốt nhưng sợ lấy Suốt về làm vợ thì lại nghèo túng…
    SUỐT
    -Nghèo túng thì nghèo túng có chi sợ mà anh lo…
    ANH NHỊ
    -Vậy là Suốt đồng ý làm vợ tui phải không? Vậy là ngày mai Suốt về làm vợ tui đúng không?
    SUỐT
    -Anh thích Suốt, mến Suốt, thương Suốt, yêu Suốt răng lâu nay anh không nói chi…Giờ làm răng kịp nữa…Suốt nhận lời làm vợ người ta rồi, làm răng nhận lời với anh nữa…
    ANH NHỊ
    -Người ta là ai?
    SUỐT
    -Anh cũng biết rồi, hỏi chi nữa…
    ANH NHỊ
    -Nó đến rồi kìa…
    SUỐT
    -Ai hả anh?
                                                             ANH  NHỊ
    -Thằng Bệu đang đợi em ở sau gốc cây kia kìa. Hai người ưng nhau rồi chi nữa. Ưng nhau thì về sống với nhau. Nên vợ nên chồng sinh con đẻ cái..Tui ngu, tui chậm mồm chậm miệng thì tui chịu…
    Suốt đứng vụt lên
    ANH NHỊ
    -Khoan đi đã, nói này. Có mấy đồng bạc đây, cầm lấy, mai vô Đồng Hới mà mua lấy bộ áo quần lành, cái nón mới, đôi dép mới, rồi về sống với thằng Bệu. Làm thân đàn bà con gái thì nên sống với đứa nó ưng mình chứ đừng chạy theo đứa mà mình chỉ ưng nó. Rứa thôi…đến với nó đi.
    Ông Nhị giúi tiền vào tay Suốt rồi vừa kéo nhị vừa đi khuất.
    Suốt đi lại phía bụi cây ngơ ngác không thấy ai, đột nhiên từ trong cát hai cánh tay đàn ông nhô lên ôm ghì lấy chân Suốt. Suốt vừa kịp hét lên thì anh Bệu đã vùng dậy từ trong cát ôm lấy Suốt.
    ANH BỆU
    -Không phải ma đâu,
    SUỐT
    -Làm răng biết anh nằm chôn trong cát thế này, cứ tưởng ma thật.
    ANH BỆU
    -Đêm nay tụi mình ở đây suốt đêm được không em?
    SUỐT
    -Ở suốt đêm làm chi?
    ANH BỆU
    -Chờ ngày mai…
    SUỐT
    -Anh cũng biết hết đêm nay là em tự do hết đời đi ở đợ phải không?
    ANH BỆU
    -Mỗi ngày ở đợ em lấy dao vạch ở cột nhà bếp của nhà địa chủ thì anh cũng lấy dao vạch lên cột nhà bếp ở nhà anh, hôm nay là vạch cuối cùng. Mình cứ ở lại với nhau ở đây đợi ngày mai là em tự do Suốt đồng ý không?
    SUỐT
    -Hết đêm nay là ngày mai phải không anh?
    ANH BỆU
    -Đúng rồi!
    SUỐT
    -Nhưng làm răng để hết đêm nay?
    Đột ngột nhô lên một thân hình đàn bà béo mập cười sằng sặc tay xách một cái phích nước, đó là bà Hàm – Địa chủ.
    Bà Hàm vừa cười sằng sặc vừa bước tới, đưa tay nâng mặt Suốt lên nhìn, cười, rồi lại đưa tay nâng mặt anh Bậu lên nhìn, cười, rồi chống nạnh nói thớ lớ:
    BÀ HÀM
    -Hay thiệt, lâu lắm mới nghe con trai con gái tán tỉnh nhau. Ôi chao ôi, cảm động quá. Làm răng để hết đêm ni? Làm răng để đến ngày mai? Ôi chao ôi, nghe mà muốn khóc…Nhưng Suốt ơi, tổ cha mi lên, đêm ni có hết thì còn đêm khác hí, ngày mai có đến còn có ngày mốt hí? Còn ngày tê ngày tề ngày tế hí? Tổ cha mi lên Suốt…Đời mi là đời ở đợ. Nói rứa có hiểu chi không?
    ANH BỆU
    Đứng dậy căm hờn nắm lấy tay bà Hàm vặn một cái, bà Hàm la lên một tiếng.
    -Tôi nói cho bà nghe này, bà là địa chủ trong làng, ác thì cũng ác vừa thôi, thâm hiểm thì cũng thâm hiểm vừa thôi. Còn để đức lại cho con cháu. Đêm nay là đêm cuối cùng o Suốt kết thúc 3 năm ở đợ nhà bà. Hết đêm nay là tới ngày mai tự do của o Suốt. Ngày mai là ngày tự do của o Suốt. Bà hiểu không? Ngày mai là ngày mai, không có ngày mốt, ngày tê, ngày tề. Hiểu không?
    SUỐT
    -Thôi bà về nghỉ đi, ở đây làm chi? Gió máy rồi đêm về lại đau chân, mỏi vai. Đêm ni còn có con xoa bóp, ngày mai con hết ở cho bà rồi, thì còn ai chăm sóc cho bà nữa. Nên bà về đi, giữ gìn sức khỏe.
    BÀ HÀM
    -Mát cả ruột, thằng Bậu nghe chưa? Con ở nhà tau nói câu mô mát ruột câu đó, rứa đó? Mát như canh khoai nấu với khuyết tươi hè? Nhưng có chuyện mới đây rồi. Chuyện này nó không mát, nó nóng. Nghe cho rõ đây,
    Đưa cái phích lên trước mặt Suốt,
    -Suốt, tổ cha mi lên…Đây là cái chi Suốt hè?
    SUỐT
    -Dạ, cái Tét – mốt
    BÀ HÀM
    Cười sằng sặc,
    -Sai…Trước mặt thằng người yêu phải ăn nói cho văn minh, con hỉ? Đây không phải là cái tét – mốt. Mà phải kêu là cái phích, mà cũng không phải là cái phích, mà phải kêu là cái phích Tàu…Cái đất phủ Quảng Bình có 2 cái thôi hí? Một cái là của quan phủ, một cái là của tui…Nhưng mà cũng không phải là 2 cái. Vì cái của quan phủ thì quan phủ biếu cho quan Pháp rồi. Còn lại là cái của tui hí? Đúng không?
    SUỐT
    -Dạ đúng
    ANH BỆU
    -Một cái, hai cái liên quan gì đến bọn tui, của bà, bà dùng….Đây ẻ vô, tét – mốt thì nói là cái tét – mốt bày đặt phích với phót, Tàu với tiếc, sốt ruột…
    BÀ HÀM
    -Chưa…chưa đến lúc sốt ruột…Từ từ…Ruột còn đó sốt khi mô nỏ được? Suốt…
    SUỐT
    -Dạ
    BÀ HÀM
    -Tổ cha mi lên, cả tỉnh ni chỉ còn nhà bà là còn có cái phích Tàu, tao nâng niu từng ngày, khách quan huyện, quan phủ, quan Pháp đến thăm nhà…tau mới dám mang cái phích này pha trà… Quý như rứa, nâng niu như rứa, mi thấy hết rồi chi nữa.

    SUỐT
    -Dạ…
    BÀ HÀM
    Mở nắp miệng phích ra, lắc lắc rồi ném cái phích xuống cát.
    -Tổ cha mi lên Suốt…Ruột phích mô? Ngó tề…Trong cái vỏ phích là một nắm thủy tinh, rứa là phích bị bể đúng không?
    SUỐT
    -Dạ, thưa bà. Trưa nay nghe ông nói ngày mai cho con tự do hết hạn 3 năm ở đợ, con mừng quá, con chạy xuống bếp đưa phích nước lên cho ông pha trà thì vấp chân ngã, phích bể. Ngày mai tiền công của con đó bà cứ trừ, cho con xin lỗi.
    ANH BỆU
    -Nếu bà trừ mà không đủ thì tui đưa thêm tiền đền cho đủ. Có rứa thôi mà lằng nhằng…
    Bà Hàm ngồi bệt xuống cát
    BÀ HÀM
    -Tiền thì nhà bà không thiếu hí? Bay có giỏi thì sang Tàu mua cho bà cái phích mới hí? Được không?
    SUỐT
    -Kìa bà, con xin…
    Quay sang anh Bệu,
    -Anh ơi, giờ làm răng đây.
    ANH BỆU
    -Hạ giọng Coi như Suốt ở đợ cho bà 3 năm được rồi? Coi như không lấy xu tiền công nào? Còn tui ngày ngày đi biển tui hứa sẽ cúng biếu cho bà cá mắm, đừng làm khổ cô ấy nữa, tội…Có chi mong bà tha thứ, được không?
    BÀ HÀM
    -Nói thì nói rứa thôi, để biết cái giá trị của cái phích Tàu. Chơ có muốn thì mua đâu được nữa…Của đau con xót thì tôi nói rứa thôi. Đền răng được nữa. Mua đâu mà đền…Không lẽ thôi cứ bắt chẹt con Suốt thì còn mặt mũi chi mà nhìn làng nhìn nước.
    SUỐT
    -Con đội ơn bà nhiều lắm, giờ con ra đi tay không con cũng vui lòng.
    ANH BỆU
    -Không ngờ bà lại tốt bụng như rứa, nhân đức như rứa, đội ơn bà.
    BÀ HÀM
    -Nói xa nói gần tóm lại như ri…Vợ chồng tôi ngồi bàn cả chiều nay rồi, nói thiệt nhà tui nuôi nhiều đứa ở, nhưng không có ai phục dịch tận tụy như con Suốt. Nói thiệt, anh Bệu sau ni mà lấy con Suốt làm vợ là vớ phải vàng đó nghe. Vì rứa, vợ chồng tôi quyết định như ri. Phích phiếc không là cái chi hết. Bỏ qua…Tính đi tính lại thì mời o Suốt ở với nhà tui thêm 3 năm nữa. Coi như ngang giá cái phích. Nhẹ nhàng rứa thôi…
    SUỐT
    -Trời ơi, chỉ vì làm vỡ cái phích mà con phải ở nhà bà thêm 3 năm nữa để phục dịch, đền bù…
    ANH BỆU
    -Bà khốn nạn vừa thôi…
    BÀ HÀM
    Đưa tay lên vỗ 3 cái, 3 thanh niên lực lưỡng nhô đầu lên sau 1 gốc cây phi lao. Bước thẳng tới, đứng vây quanh Suốt.
    -Đưa nó về. Ngày mai của nó là 3 năm nữa. Rứa hí?
    Ba thanh niên kéo giằng Suốt đi trên cát.
    SUỐT
    Đau đớn hét lên
    -Anh Bệu cứu em…
    Bậu lao theo thì bị một thanh niên đánh sấp mặt xuống cát…và bẻ quặt tay của Bậu ra sau lưng. Bà Hàm nhẹ nhàng bước tới đặt cái mông to bè bè ngồi lên người của Bệu.
    BÀ HÀM
    -Chống lại người giàu chỉ có thiệt thôi con ạ. Nhớ chưa?
    CẮT CẢNH














    Cảnh 2
    Suốt ngồi bó gối trên cát.
    Trước mặt, anh Bệu cầm cái mái chèo, anh Nhị cũng cầm cái mái chèo.
    Rồi cả hai từ từ bước lại gần nhau, dí cái mái chèo vào người nhau và đẩy.
    Hai người đẩy qua đẩy lại, thở hổn hển.
    Rồi cả hai cùng vứt cái mái chèo, phanh áo, lao vào vật nhau.
    Cuối cùng, anh Nhị vật ngửa được anh Bệu.
    Anh Bệu lại vật ngửa anh Nhị.
    Họ nằm bên nhau thở.
    Suốt thút thít khóc.
    SUỐT
    -Em không làm vợ ai hết, em thề, các anh đừng vật lộn nhau nữa…Em chờ cho hết kỳ ở đợ, em về, em đi làng khác lấy chồng, rứa là được chứ gì? Nghèo khổ cả một dây với nhau, ghen ghét, so bì chi nữa cho cực hả trời…
    ANH BỆU
    -Em không phải đi làng nào lấy chồng hết, cứ ở đây, lấy chồng làng này…
    ANH NHỊ
    -Đúng rồi. Em không phải đi làng nào lấy chồng hết, cứ ở đây, lấy chồng làng này…
    ANH BỆU
    -Lấy anh chứ không cần lấy ai hết.
    ANH NHỊ
    -Đúng rồi. Lấy anh chứ không cần lấy ai hết.
    SUỐT
    -Ai cũng thương em, ai cũng tốt với em, em chọn ai chừ?
    ANH NHỊ
    -Em chọn ai chừ?
    ANH BỆU
    -Em chọn ai chừ?
    SUỐT
    -Em không chọn ai hết.
    ANH NHỊ- ANH BỆU
    -Suốt.
    Suốt lặng lẽ đi vào khuất.
    Anh Bệu và anh Nhị nhìn nhau.
    ANH BỆU
    -Nhà tui có thuyền đánh cá…Nếu mà Suốt về làm vợ tui, Suốt không khổ nữa. Anh thì mồ côi, một thân một mình, cả đời đi làm thuê, lấy Suốt về khổ lắm, thiệt đó…
    ANH NHỊ
    -Anh cũng nói với Suốt như vậy à?
    Anh Bệu gật đầu.
    ANH NHỊ
    -Suốt nghe anh nói vậy, Suốt đồng ý à?
    Anh Bệu gật đầu.
    Anh Nhị cúi xuống, nhặt cây nhị rồi kéo lê cây nhị cùng mình bước đi trên cát.
    Anh Bệu nhìn theo
    ANH BỆU
    -Nhị này…
    Anh Nhị đi khuất.
    Suốt xuất hiện.
    Anh Bệu chạy tới.
    SUỐT
    -Ai em cũng thương hết thì chừ em phải làm răng?
    Suốt ôm anh Bệu khóc.














    Cảnh 3
    Một góc làng Bảo Ninh, dưới gốc phi lao già anh Nhị vẫn ngồi như mọi ngày. Cách đấy một quãng là ngôi nhà ngói to lớn của vợ chồng địa chủ Hàm. Anh Nhị vừa kéo nhị vừa hát…
    -Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở
    Chàng gặp thiếp như mà hoa nở trên bồn
    Anh nỏ thiếu chi nơi mà loan mà chiếu kế,
    Nỏ thiếu chi nơi mà cao đế dài giường
    Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu lường thưng
    Em chớ nghe thầy mẹ khiến em đừng có thương anh…
    Suốt lén lút đi từ trong ngôi nhà ngói ra, hai tay bưng cái gáo dừa nhìn trước ngó sau, rồi bước nhanh tới phía anh Nhị. Chỉ ngồi xuống trên cát tựa lưng vào ông Nhị đưa gáo dừa đặt vào tay anh Nhị.
    SUỐT
    -Anh đưa giúp về nhà cho con em được không?
    ANH NHỊ
    -Được.
    SUỐT
    -Nếu mà ông bà chủ biết em lén vắt sữa gửi về nuôi con như thế này chắc em bị đánh chết anh ạ.
    ÔNG NHỊ
    -Khổ, lấy chồng sinh con, con mình không được bú sữa của mình lại mang thân đi nuôi vú nhà giàu. Răng khổ vậy hả Suốt?

    SUỐT
    Khóc,
    -Răng đời em cực như ri. Sau 3 năm ở thêm để đền cái phích vỡ cho ông bà Hàm tưởng là đã thoát thân ở đợ vậy nên mới lấy anh Bậu, ai hay con mình đẻ ra không kịp nuôi lại phải nuôi con người khác. Hết ở đợ cho vợ chồng ông Hàm địa chủ giờ lại chui vào nhà ông Hàm làm vú cho con dâu ông ấy, loanh quanh luẩn quẩn cũng không thoát khỏi cảnh đầy tớ anh ạ.
    ANH NHỊ
    -Nghèo chi nghèo rứa mà nghèo/ Đêm nằm cát vẫn còn theo lên giường
    SUỐT
    -Dạ…
    ANH NHỊ
    -Coi về mà thăm con, nó thiếu sữa yếu ớt lắm rồi đó. Mỗi ngày được một chút sữa mẹ nó gửi như thế này không biết làm răng mà sống?
    SUỐT
    -Mấy ngày nay anh Bệu đi biển, ở nhà con em lại ốm yếu, khát sữa, nhờ anh Nhị mang sữa về nhanh  cho cháu nó uống chút sữa mẹ, anh nhé. Em đội ơn anh…
    ANH NHỊ
    -Rồi cũng phải có ngày mai, ấm no cho vợ chồng em chứ Suốt? Đừng nản chí hí? “Vừa đi vừa hát”
    -Tháng giêng, tháng hai
    Tháng ba, tháng bốn,
    Tháng khốn, tháng nạn
    Đi vay đi dạm
    Được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên
    Mua con gà mái
    Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
    SUỐT
    Đưa tay vục lên một nắm cát rồi úp mặt vào đấy khóc, nước mát và cát rơi xuống thành dòng cùng với tiếng hát nghẹn ngào.
    -Một trứng: ung
    Hai trứng: ung
    Ba trứng: ung
    Bốn trứng: ung
    Năm trứng: ung
    Sáu trứng: ung
    Bảy trứng: ung
    Còn ba trứng nở ra ba con:
    Con: diều tha
    Con: quạ bắt
    Con: mặt cắt xơi
    Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây….
    Ông Hàm địa chủ chống ba tong đi ra, mắt hấp háy nhìn Suốt rồi đưa đầu ba tong vào ngực áo của Suốt kéo móc lên. Suốt giật mình nhìn, ông Hàm cười nhăn nhở.


    ÔNG HÀM
    -Hé hé … O Suốt hát đúng quá…Đây nì…Ngực đẹp hè…Vú to hè…Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây đúng quá chi nữa…Muốn có tiền vô đây với ông, ông cho lông mọc ông cho nảy cây hè. Ui chao ôi, ngắm o Suốt tròn tròn, rắn rắn, gọn gọn, xinh xinh, chớ như mụ vợ tui, ui trời ui, thân hình mụ thành hình chữ nhật, úp lên giường như cái bánh đúc, nhìn thấy gớm, ước xuýt chó cắn phát chết luôn hè…
    SUỐT
    Gạt gậy ba tong ra,
    -Ông chủ làm cái gì vậy?
    ÔNG HÀM
    Vẫn nhăn nhở
    -Làm cái chi mô, chẳng qua là sáng nay con mụ già ngoa ngoắt của tui đi sang chợ Đồng Hới rồi. Con dâu của tui cũng bế con về nhà ngoại chơi rồi. Trong nhà ni giờ chỉ có tui với O, chỉ có hai người thôi hỉ, thì vô trong phòng riêng mình mần cho lông mọc cho chồi nảy cây hí?
    SUỐT
    -Ông tránh ra…
    ÔNG HÀM
    -Ngu mà tránh ra, thấy gái một con mòn cả con mắt như ri ngu mà tránh ra à? Mà cũng không ngu chi vô phòng riêng, cát ở đây êm hè, mát hè, ở đây mà còn da lông mọc mà chồi nảy cây hay lắm O Suốt hè?
    Ông Hàm lao tới, Suốt giật lấy ba tong móc vào cổ ông Hàm quật xuống. Ông Hàm ngã chổng chơ trên đất. Hai tay ông Hàm quờ quạng hoảng hốt thì vớ phải một đôi chân liền ông cứng lấy,
    ÔNG HÀM
    -Ai đó cứu tui, ai đó cứu tui…
    Ông Hàm ngẩng lên thì buông tay vì đó là anh Nhị. Ông Hàm vùng dậy nhặt ba tong đi vội vào nhà.
    Suốt sửa sang lại áo quần, nhìn ông Nhị. Anh Nhị cúi đầu buồn bã, hai tay đưa cái gáo dừa vẫn còn đựng sữa cho Suốt…
    ANH NHỊ
    -Trả gáo dừa cho O Suốt này…Còn nguyên đó.
    SUỐT
    Hoảng hốt
    -Anh! Như thế này là thế nào? Sao anh không đưa giúp sữa của cháu mà lại đưa về đây.
    ANH NHỊ
    -Từ giờ đừng vắt sữa cho con O nữa…Mấy ngày vừa rồi nó khát sữa, nó đau yếu, cháu đi rồi Suốt ạ…
    Suốt đổ người xuống cát, hét lên:
    SUỐT
    -Con…
    Suốt điên cuồng đào tay vào cát rồi chôn gáo dừa đựng sữa xuống, sau đó vun lên thành mồ, rồi ôm lấy ngôi mộ nhỏ gào khóc.
    -Con ơi, sao đời mẹ con mình khổ thế hả con?
    Trong tiếng nức nở của Suốt là tiếng nhị và tiếng hát của anh Nhị:
    ANH NHỊ
    -Một trứng: ung
    Hai trứng: ung
    Ba trứng: ung
    Bốn trứng: ung
    Năm trứng: ung
    Sáu trứng: ung
    Bảy trứng: ung
    Còn ba trứng nở ra ba con:
    Con: diều tha
    Con: quạ bắt
    Con: mặt cắt xơi
    Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây….
    Ngay lúc đó, tiếng trống, tiếng chiêng la tiếng hô, tiếng hò hét của dân chúng ầm vang khắp bốn phương trờ.
    -Việt Nam độc lập muôn năm!
    -Hồ Chủ Tịch muôn năm!
    -Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
    Từng đoàn người giương cao cờ đỏ sao vàng chạy ào ào trong niềm hạnh phúc tột bậc,
    Suốt vùng dậy ngơ ngác
    Vợ chồng ông Hàm tay xách nách mang lao từ trong nhà ra hét to với Suốt:
     BÀ HÀM
    -Con ranh, còn đứng chi đó nữa…Lo mang vác đồ đạc mà chạy Việt Minh đến rồi. Việt Minh đến rồi!
    Ngay lúc đó, một tốp Việt Minh xuất hiện. Anh Bệu khoác khẩu súng chạy vào

    ANH BỆU
    -Suốt, Suốt ơi…Quê hương giải phóng rồi, đất nước độc lập rồi, em được tự do rồi. Bọn địa chủ cường hào sẽ bị cách mạng trừng trị, đi với anh, về với anh, về với con…Từ giờ em không phải ở đợ nữa, từ giờ vợ chồng mình về sống với nhau. Em vui không Suốt ơi?
    Mấy chiến sĩ Việt Minh áp giải vợ chồng địa chủ Hàm
    Còn lại vợ chồng Suốt
    SUỐT
    -Đất nước mình độc lập rồi phải không anh?
    ANH BỆU
    -Đúng rồi Suốt à…Về đi em…Về với con…Con chúng ta đang khát sữa. Từ giờ sữa của em là dành nuôi con chúng ta, không phải đi ở vú nữa đâu Suốt ạ.
    SUỐT
    -Nuôi con chúng ta ư. Con chúng ta còn đâu nữa mà nuôi hả anh?
    ANH BỆU
    -Em nói cái gì?
    SUỐT
    -Con mình chết rồi anh ạ…Chết vì khát sữa…
    Suốt nói rồi chồm tới đưa tay bới ngôi mộ cát, đưa cái gáo dừa bình sữa lên trước mặt chồng, nghẹn ngào
    -Sữa thì còn đây, mà con không kịp uống anh ạ…Con mình chết rồi anh ạ.
    Anh Bệu giật lấy gáo sữa, đứng như trời chồng rồi từ từ quỳ xuống ở trên cát. Suốt ôm lấy chồng khóc…
    CẮT CẢNH

    Cảnh 4
    Tiếng máy bay xẹt qua, nghe rung chuyển cả không gian.
    Rồi tiếng bom nổ.
    Rồi khói.
    Mẹ Suốt vác mái chèo đi như chạy phăm phăm trên cát.
    Phía sau, ông Bệu chạy theo gọi. Tay ông Bệu cầm cái đạy đựng trầu.
    Ta nhận ra cả mẹ Suốt, ông Bệu đều đã già, tóc đã hoa râm, họ đã sang tuổi gần 60.
    ÔNG BỆU
    -Mụ Suốt…Mụ Suốt ơi, tui nói cho hết ý cái đã rồi đi chớ…Ui chao ôi, coi tề, già gần 60 tuổi mà đi phăm phăm như bàn chân con gái hè, này, thế không lấy trầu mà ăn à?
    Mẹ Suốt dừng.
    Ông Bệu lại, đưa đạy trầu. Mẹ Suốt giật lấy đạy trầu, hằm hằm nhìn chồng.
    MẸ SUỐT
    -Nói chi nói nốt đi.
    Ông Chi lãnh đạo xã, chị Lan phụ trách phụ nữ xã cũng tất  tả chạy tới.
    ÔNG CHI
    -Ui chao ôi, gặp vợ chồng chị Suốt đây rồi, răng hai vợ chồng nhà ni già tuổi rồi mà đi khỏe rứa không biết, đuổi theo hụt hết hơi…
    CHỊ LAN
    -Mệ Suốt ạ, cháu đã báo cáo với chú Chi lãnh đạo xã, mệ phải nghe cháu một lần, không thể ương bướng rứa được

    ÔNG CHI
    -Đúng rồi…Chị chèo thuyền qua sông Nhật Lệ là quý hóa lắm, chở hàng hóa, chở bộ đội, chở súng đạn, chở thương bệnh binh, quý hóa lắm rồi…Nhưng phải có người cầm lái cho chị nữa chớ…Hôm qua, đồng chí dân quân làm nhiệm vụ cầm lái cho chị đã hy sinh, phải tìm người thay thế thì chị mới xuống thuyền được…Đưa đò qua sông Nhật Lệ giữa mưa bom bão đạn như rứa, một mình chị chèo không nổi, sóng to, gió lớn, bom đạn, không có người cầm lái hỗ trợ chị là không có được chị ạ…
    ÔNG BỆU
    -Thì đó, tui cũng nói với vợ tui như rứa, không có người cầm lái là không thể một mình chèo chống với con thuyền trong mưa bom bão đạn được, dứt khoát không được, rứa mà mụ ấy không nghe, mụ ấy bực, mụ ấy bỏ ăn, mụ ấy đòi xuống đò cho bằng được…
    ÔNG CHI
    -Xã cũng đang lúng túng chưa tìm được ai thay thế đồng chí cầm lái hy sinh, mà công việc vận chuyển đò qua sông thì cần kíp, khổ thiệt đó…
    ÔNG BỆU
    -Tui thay chớ ai nữa. Mụ Suốt chèo, tui lái, còn ai vô đó nữa
    CHỊ LAN
    -Vỗ tay. Đúng rồi…Đúng rồi…Bác Bệu cầm lái thì nhất rồi chi nữa…
    MẸ SUỐT
    -Không.
    Tất cả im lặng.
    ÔNG BỆU
    -Cái chi mà không? Mụ muốn chi?

    MẸ SUỐT
    -Ngó coi…Nhà có 8 đứa con…Tui và ông cùng ngồi trên đò…Bom đạn như rứa…nhỡ chết thì chết hết à?
    Mọi người nhìn nhau.
    ÔNG CHI
    -Chị Suốt nói đúng rồi anh Bệu ạ…Vợ chồng không  thể cùng lên đò…
    ÔNG BỆU
    -Nhưng trong khi chưa tìm được ai thay thì tui thay tạm đã, cho khỏi ảnh hưởng công việc chung cái đã, đò dừng một hôm là ách tắc một hôm…Tui thay tạm được chưa?
    MẸ SUỐT
    -Không!
    Ông Bệu ngồi thịch xuống cát
    ÔNG BỆU
    -Khổ rứa đó…Mụ cho tui ở nhà tui têm trầu cho mụ ăn thì được hè…(Hét lên) Nhưng nếu tui không thay tạm thì ai thay? Ai thay?
    Anh Chuyên to cao lực lưỡng, chạy từ trên đỉnh cát xuống
    CHUYÊN
    -Tui chớ ai nữa?
    ÔNG BỆU
    -Cái chi rứa?
    CHUYÊN
    -Thưa bác Chi, thưa o Lan, thưa anh Bệu…Xã mình ai cũng biết tui chèo đò thuê cả đời, cầm chèo cũng có, cầm lái mũi cũng có, ai cũng biết xã này có ai chèo chống đò thuyền giỏi bằng tui…Giờ tui xung phong đi cùng mệ Suốt, mệ Suốt chèo, tui lái, tui cạy mũi, tui chống, tui hỗ trợ…Có chết thì tui cũng không có chi phải lo, tui thanh niên chưa vợ, không ảnh hưởng chi ai…
    ÔNG CHÍ
    -Nghe có lý cậu Chuyên ạ
    LAN
    -Em mừng quá anh Chuyên ơi
    CHUYÊN
    -Tui tự nguyện, không lẽ mệ Suốt tuổi 60 còn dám chèo đò qua sông trong bom đạn mà thanh niên như tui chịu thua,  ông Bệu hè…
    MẸ SUỐT
    -Đưa  một mái chèo cho Chuyên- Có cậu Chuyên cầm lái thì tui tin rồi…
    ÔNG BỆU
    -Ôi kìa, rứa tui cầm lái thì mụ không tin à?
    MẸ SUỐT
    -Ông lái chín mạ con tui suốt đời rồi, không mỏi tay à?
    Ông Bệu đi thẳng.
    MẸ SUỐT
    -Rứa đó, lẫy rồi…
    CHUYÊN
    -Nói người  ta rứa thì ông ấy lẫy là đúng rồi…
    ÔNG CHÍ
    -Chuyên này, coi như hôm nay tôi thay mặt lãnh đạo xã giao nhiệm vụ cho cậu cầm lái cho chị Suốt,  hai người phối hợp nhau làm cho tốt nghe.

    CHUYÊN
    -Tui làm tốt, mọi người yên tâm đi
    LAN
    -Bác Chí đi ngay với cháu về đơn vị dân quân xã chuẩn bị vận chuyển súng đạn bác nhé.
    Ông Chí và Lan đi.
    CHUYÊN
    -Chừ ri, tui chạy xuống đò trước mệ Suốt hí, mệ chuẩn bị khi mô xong thì ta đi…
    Chuyên chạy xuống bến.
    Ông Nhị xuất hiện, tay cầm cái nhị
    ÔNG NHỊ
    -Gặp được chị Suốt đây rồi…May thiệt…
    MẸ SUỐT
    -Có chuyện chi anh Nhị?
    ÔNG NHỊ
    -Thì rứa đó…Mỗi ngày cứ muốn gặp chị Suốt một lần rứa đó…Như từ thời tui 20 tuổi rứa đó…Giờ già cả rồi, tui gặp chị muốn kéo nhị cho chị nghe, muốn hát vài câu cho Suốt nghe để Suốt xuống đò, rứa đó…
    MẸ SUỐT
    -Nói nghe hay hè…
    ÔNG NHỊ
    -Chị không biết mô…Ngày nào mà tui không trèo lên cây dừa nhìn theo đò của chị…

    MẸ SUỐT
    -Là răng?
    ÔNG NHỊ
    -Thì lo lắng chớ răng…Tui nhìn thấy con đò khi ghếch bên này tránh bom, khi ghếch bên kia tránh rốc két, có khi cả con đò của Suốt chìm trong khói bom, trong con sóng, lo lắng chớ răng…
    MẸ SUỐT
    -Lo lắng mà không nghe nói chi cả, giờ mới nói là răng hè
    ÔNG NHỊ
    -Lo lắng từ hồi tui 20 tuổi đến chừ đó…Khi mô cũng lo lắng cho chị hết…Số mạng không đến với nhau thành chồng thành vợ được thì chỉ còn lo lắng thôi…Chừ thì vui rồi…Ngày mô cũng theo mụ Suốt chèo đò là vui rồi…
    Tiếng máy bay. Tiếng bom.
    Mẹ Suốt và ông Nhị cùng nằm rạp xuống cát.
    Ông Bệu chạy ra.
              ÔNG BỆU
    -Vui chưa tề…Vui quá chi nữa…Bom nổ xong rồi mà cả hai người vẫn không chịu vùng dậy tề….vui quá hè…Bước nhanh tới cầm tay mẹ Suốt- Mụ về ăn cơm đã, cơm chín rồi, trầu têm đủ rồi, về ăn cơm đã…Đi…
    Ông Bệu cầm tay mẹ Suốt đi khuất.
    Ông Nhị nhìn theo mỉm cười.
    Rồi ông ngồi xuống, tháo cây nhị đeo bên hông ra, kéo và hát
    ÔNG NHỊ
    -Hát. Làng ta phong cảnh hữu tình
    Trường Sa cổ lụy khuyết huỳnh là đây
    Làng ta Trung Bính, Mỹ Hòa
    Tông Sơn là huyện, Thanh Hoa là người
    Gái Bảo Ninh như bông hoa lý
    Trai quanh vùng đẹp ý chạy theo
    ….Chớp Bầu Tró không gió cũng mưa
    Chớp Làng Cừa không mưa cũng lụt
    Đòn gánh nghiêng ra, nước ròng đà chảy siết
    Đòn gánh nghiêng vào, nước biển biếc dâng lên
    Tháng 7 nước nhảy lên bờ
    Sắm đáy sắm rớ đợi chờ làm ăn

    Chồng cảnh hát sang cảnh










    Cảnh 5
    Mẹ Suốt  vác mái chèo đi từ trên động cát xuống ngồi dựa lưng vào ông Nhị…
     MẸ SUỐT
    -Hôm nay không có tiếng máy bay, lo quá anh Nhị ạ. Cứ mỗi khi không có tiếng máy bay là thể nào cũng sẽ có trận lớn.
    ÔNG NHỊ
    -Bom đạn như rứa ngày mô cũng phải chèo thuyền hả Suốt?
    SUỐT
    -Càng bom đạn càng phải chèo thuyền, chèo thuyền để chở bộ đội pháo cao xạ, chở thương binh, chở hàng hóa qua lại, chở bà con đi sơ tán, ai cũng sợ bom ngồi nhà cả thì thuyền ai chèo…
    ÔNG NHỊ
    -Rứa là Suốt lại ở đợ trên sông Nhật Lệ rồi chi nữa? Hồi trẻ thì ở đợ nhà địa chủ, làm thuê làm mướn, cũng không đủ sống. Nay thì ở đợ trên sông Nhật Lệ chèo thuyền dưới mưa bom bão đạn, dũng cảm không ai bằng, gan dạ không ai bằng, ở đợ trên sông như rứa ai cũng kính trọng, ai cũng khen hè, giỏi lắm Suốt ạ.
    SUỐT
    -Tui nỏ có tài cán chi, ngoài tài chèo thuyền thì phải chèo thuyền thôi. Tui chèo có thuận là nhờ cậu Chuyên cầm lái, cậu ấy lách thuyền tránh được bom thì sống, không tránh được thì chết, mạng sống của tui và mọi người trên thuyền là lệ thuộc vô tài cầm lái của cậu Chuyên đó…Mỗi người một tay mau cho hết chiến tranh, đúng không?
    Chuyên gọi to
    CHUYÊN
    -Mệ Suốt ơi, đò đầy rồi, đi thôi…
    Mẹ Suốt vác mái chèo bước nhanh xuống bến
    ÔNG NHỊ
    -Đò đầy thì mệ đi…(hát)Đò đầy thì đò phải sang sông…Chớ đến duyên em thì em phải lấy chồng…Hỏi em yêu anh như rứa có mặn nồng hay chưa?
    Cười khùng khục.
    Tiếng cười của ông Nhị chìm trong tiếng máy bay và tiếng bom.
    Ầm ầm tiếng máy bay. Ầm ầm tiếng bom. Ầm ầm tiếng pháo cao xạ. Không gian khói bom mù mịt, mẹ Suốt vác mái chèo chạy xuống bờ sông. Ông Nhị vẫn ngồi ở chõng vừa kéo nhị vừa nhìn lên bầu trời đầy bom đạn. Một nữ dân quân chạy qua cõng ông Nhị xuống hầm, trong tiếng bom và tiếng pháo cao xạ, nhiều bóng người khiêng cáng thương binh.
    Tại bến sông, những cái cáng thương binh ào ào chạy xuống thuyền của mẹ Suốt.
    Trong tiếng bom nổ xé trời, mẹ Suốt chèo thuyền chở thương binh qua sông. Ngồi trước mũi thuyền là Chuyên, anh bật mái chèo bên này, lại văn người khoát mái chèo bên kia, mồ hôi ròng ròng, mũi cobn thuyền trước tay lái của Chuyên cứ chao qua chao về sau những đợt bom và khói lửa. Sau anh Chuyên, dáng mẹ Suốt đứng cao vụt, mái tóc bay bạc trắng, hai cánh tay mẹ nắm chắc lấy mái chèo đảo vòng thoăn thoắt. Những ánh lửa chớp đỏ qua gương mặt của mẹ Suốt.
     Khói bom tan, trên bãi cát bộ đội và dân quân đang đưa thi thể các chiến sĩ hy sinh đặt dài trên cát. Ông Trí chạy lao ra,
    ÔNG TRÍ
    -Đứng sững nhìn các liệt sĩ và đếm
    -Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười…mười bốn, mười lăm.
    Lan cán bộ phụ nữ xã lao tới ôm lấy ông Trí,
    LAN
    -Nghẹn ngào kêu to. Cả một trung đội pháo cao xạ hy sinh hết rồi bác Trí ơi
    ÔNG TRÍ
    -Mười lăm người…
    Trọng đại đội trưởng pháo binh cũng chạy ra và hạ mũ. Ông Trí lại bên Trọng
    ÔNG TRÍ
    -Chú là đại đội trưởng pháo binh à?
    TRỌNG
    -Báo cáo bác, đúng ạ. Đơn vị chúng cháu vừa bắn rơi 2 máy bay Mỹ. 18 đồng chí bị thương đã được chị Suốt đưa về bệnh viện Tỉnh. Còn đây, là các đồng chí đã hy sinh. Xin phép địa phương cho đơn vị khâm liệm để chôn cất.
    LAN
    -Khoan đã, khoan đã đồng chí đại đội trưởng. Không lẽ cứ để anh em hy sinh như thế này rồi chôn cất sao? Tội nghiệp quá. Không lẽ một đám tang mà không có tiếng khóc sao? (Lan gọi to)
    -Các chị, các mẹ ơi nhanh lên.
    Nhiều người đàn bà chạy ra, chị Suốt cũng vác chèo chạy tới.
    Lan quay sang đại đội trưởng Trọng và và ông Trí
    LAN
    -Xin phép bác Trí, xin phép đại đội trưởng Trọng, cho chị em chúng tôi khóc cho các anh một tiếng.
    MẸ SUỐT
    Hớt hãi vác chèo chạy đến.Chuyên chạy theo. Cả hai đứng sững.
    -Tui đưa anh em qua bệnh viện an toàn rồi…Ôi trời ơi, răng hôm nay hy sinh nhiều rứa các con ơi….
    -Mẹ Suốt chạy đến cầm tay từng chị em nói nghèn nghẹn
    -Bây chừ ri hí, anh em bộ đội ở đây tôi biết tên hết. Chưa chú nào có vợ con đâu, vì vậy chị em mình phân công nhau người đóng vai mẹ, người đóng vai chị gái của từng chú rồi khóc, rồi gọi tên để cho các chú ý ra đi có mẹ có chị có gia đình bên cạnh đỡ tủi thân, đỡ cô đơn, đỡ vắng vẻ…
    CHỊ LAN
    -Bây giờ ý mệ Suốt như răng?
    MẸ SUỐT
    -Đến bên từng liệt sĩ, Đây là chú Thắng tui sẽ là chị gái của Thắng. Kia là chú Trung, bà Hợi ni là mẹ chú Trung hí? Còn bà Nam là mẹ chú Văn hí? Còn Lan là em gái của chú Minh hí? Rứa hí được không?
    Rồi Suốt quỳ xuống ôm lấy thi thể anh bộ đội, khóc nghẹn ngào.
    -Thắng ơi, chị đây. Em hy sinh vì cách mạng chị đau buồn tự hào Thắng ạ. Chị ôm em đây này, có chi thì phù hộ độ trì cho đơn vị bình an qua từng trận đánh nghe em. Cho chị ôm em nào…Không lạnh nữa phải không? Chị thương em lắm Thắng ạ.
    Các chị, các mẹ cứ vậy gọi tên và khóc và tâm sự với từng liệt sĩ.
    Ông Nhị đi ra, cất tiếng hát và kéo nhị theo điệu hò đưa linh các chiến sĩ dân quân đã tập trung đông đủ và nâng thi thể của các liệt sĩ lên vai.
    Chị Suốt vội vàng xé tấm vải xô trắng buộc khăn tang cho mình, buộc khăn tang cho các chị các mẹ trong điệu hò đưa linh cảm động. Đoàn người đưa thi thể các liệt sĩ đi trên triền cát trắng, đi mãi về phía chân trời. Chỉ còn lại trên vùng đất cát trắng ông Nhị với mái tóc bạc phơ vẫn tha thiết kéo đàn.
    -Cuộc hồng trần xoay vần quá ngắn,
    Kiếp phù sinh tụ tán mấy trăm hồi.
    Người đời có biết chăng ôi,
    Thêm người tuy có, có rồi lại không?”
    “Khi nào ra trướng vào màn,
    Bây giờ nhà cửa, xóm làng cách xa
    Khi nào mẹ mẹ cha cha,
    Bây giờ bóng núi, khuất xa muôn trùng”
    “Khi nào vợ vợ chồng chồng,
    Bây giờ trăng khuyết, còn mong chi tròn.
    Khi nào cháu cháu con con,
    Bây giờ hai ngã, nước non cách vời”.

    CẮT CẢNH.
















    Cảnh 6
    Bến sông Nhật Lệ con thuyền của Mẹ Suốt nghếch đầu lên bờ, ông Bệu cầm búa đang đóng gõ sửa vá con thuyền. Mẹ Suốt chạy từ trên bờ xuống hét:
    MẸ SUỐT
    -Ông lên đây tôi nói, mau…
    ÔNG BỆU
    -Chi rứa, thuyền bè bị mảnh bom băm nát rách toác hết đây này. Không vá víu đóng sửa lại rồi chết chìm giữa sông chừ răng. Bà nói chi cứ nói đi. Việc bà cứ nói việc tôi tôi mần, ghê gớm…Chưa nhìn thấy người đã nghe thấy nói. Ồn ào như B52.
    MẸ SUỐT
    -Mái chèo của tui ông cất ở mô?
    ÔNG BỆU
    -Vẫn vừa cưa cưa gõ gõ vừa trả lời
    -Con người ta hí, đã là lính thì không rời tay súng, đi cày ruộng thì không rời cái cày, làm ông thầy thì không rời viên phấn, đã là dân vạn chài người mô mái chèo đó. Răng bà hỏi tui?
    BÀ SUỐT
    Lao lên, kéo tay ông Bậu từ trên thuyền xuống bờ. Hằm hằm nhìn chồng, 2 tay chống nạnh.
    -Tui biết chứ, kiểu chi cũng có ngày ni, kiểu chi cũng có ngày ông run ông sợ, kiểu chi thì cũng đến ngày ông không cho tui chèo thuyền qua sông. Ông sợ tôi chết, đúng không? Ông sợ không có ai nấu cơm cho ông ăn, đúng không? Ông sợ đêm đêm không có ai đấm lưng xoa chân cho ông ngủ đúng không? Nên ông âm mưu bàn với xã không cho tui chèo thuyền qua sông, đúng không? Bàn với xã không được thì lập mưu ăn cắp mái chèo của tôi cất đi, đúng không?

    ÔNG BỆU
    -Khiếp hè, coi thử nào? Nhẩm tới nhẩm lui, tui và bà làm vợ làm chồng cũng được hơn 20 năm rồi hè…Hai chục năm khi mô bên ni kêu (chỉ tay vào ngực mình) “Suốt ơi?” thì bên tê (chỉ vào Suốt) “Dạ”. Bên ni kêu bên tê dạ, bên ni kêu bên tê dạ, bên ni kêu bên tê dạ…Rứa mà hôm nay tề, khiếp hè? Mồm loa mép dải, ngoa ngoắt, ngoa ngoắt, làng trên xóm dưới coi vợ tui tề, ngoa như ri mà chửi máy bay thì máy bay hắn cũng ba cẳng bốn giò chạy, chứ hồn vía mô nữa mà thả bom.
    Ông Trí xã đội trưởng và Lan cán bộ phụ nữ xã chạy đến can…
    ÔNG TRÍ
    -Ôi trời ơi, sắp đến giờ bom rơi đạn nổ, sao vợ chồng chị Suốt cãi nhau to rứa hè?
    CHỊ LAN
    -Mệ Suốt ơi, ngày hôm ni phải chèo nhiều lần đò qua bờ bên kia lắm, chuyên chở gạo, chuyên chở bộ đội, chuyên chở cán bộ, có chi vợ chồng về nói với nhau, chừ o chú giảng hòa đi. Tập trung cho công việc đã, đừng nổi nóng với nhau nữa.
    MẸ SUỐT
    -Có anh Trí lãnh đạo xã đây tôi hỏi, anh nói cho thiệt. Mấy lần rồi, ông Bậu nhà tôi lén lút mang rượu đến uống với anh để xin người thay tui chèo đó đúng không?
    ÔNG TRÍ
    -Không đúng,
    MẸ SUỐT
    Bà Suốt với Lan
    -Tui hỏi chị Lan phụ trách phụ nữ xã, đàn bà con gái ở làng mình, không có ai chèo thuyền giỏi như tui đúng không?
    LAN
    -Không đúng, à đúng… đúng đúng….

    MẸ SUỐT
    -Rứa đó, rứa mà hôm nay ông ấy không làm răng cản tui xuống chèo thuyền được. Nên đã thu giấu cái mái chèo, không có mái chèo thì chèo bằng tay à? Chèo tay để thằng phi công Mỹ nó nhìn thấy nó cười sằng sặc trên máy bay à?
    ÔNG TRÍ
    -Răng rứa anh Bậu, răng lại thu mái chèo, việc ni lớn đó nghe? Không có mái chèo thì thuyền không xuất bến được. Mà thuyền không xuất bến được là bao nhiêu việc bị ùn tắc. Cái con thuyền xã mình do chị Suốt chèo nó không chỉ là con thuyền, nó là cái cầu nối giữa cấp trên với cấp dưới. Giữa xã với tỉnh giữa hậu phương và tiền tuyến. Không đùa được, ông mà ngăn cản chị Suốt chèo đò là phạm tội nặng, ra tòa án binh.
    CHỊ LAN
    -Nói với ông Bệu
    -Bác sợ mệ Suốt bị nguy hiểm phải không. Chèo thuyền trên bom dưới đạn như rứa nguy hiểm là đúng rồi, nguy hiểm lắm, không phải ai cũng dám làm, phải gan lắm mới đưa được thuyền đi qua bom qua đạn. Để nối đôi bờ, bác sợ nhưng mệ Suốt có sợ đâu. Bác đừng làm chi ảnh hưởng đến công việc và ý chí của mệ Suốt, tội…
    ÔNG BỆU
    -Ui chao ôi, hôm nay ngày mấy âm hè? Mà mới sáng mở mắt chưa kịp ăn miếng chi vào bụng mà toàn nghe chửi mắng tôi rứa hè…Ai cũng coi tui như tội phạm là răng?
    Nhìn bà Suốt
    -Rứa mái chèo của bà cất ở mô? Hình thù nó ra răng?
    ÔNG TRÍ
    -Mái chèo của chị Suốt gãy lui gãy tới mấy lần rồi. Anh em định thay cho chị cũng không kịp, giờ mất rồi thì làm cái mới đi chị Suốt ạ. Chèo cho an toàn.

    BÀ SUỐT
    -Nói mần là mần được à? Mần đến khi mô xong? Đã tới giờ chèo đò rồi, tui 2 bàn tay trắng lấy chi chèo đây?
    Đại đội trưởng Trọng xuất hiện
    TRỌNG
    -Báo cáo anh Trí, chị Lan, thưa mẹ Suốt ngay lúc này chúng con cần đưa một trăm thùng đạn ở bờ bên kia sang. Cấp trên vừa điện báo ngày hôm nay máy bay địch sẽ oanh tạc rất dữ dội, phải đưa bổ sung đạn để kịp cho đơn vị chiến đấu. Đi đò ngay bây giờ được không ạ?
    CHỊ LAN
    -Làm sao đây mệ Suốt?
    MẸ SUỐT
    -Nhìn trước ngó sau không thấy ông Bệu đâu, hét lên
    -Ông Bậu đâu? Ông Bậu chạy trốn đâu rồi? Nước sôi lửa bỏng như thế này mà răng hôm nay chồng tôi lạ rứa hè? Chính ông ấy thu giấu mái chèo của tui chứ không ai hết. Tui giao ông ấy cho anh Trí đó, cần thiết thì anh huy động dân quân trói cổ lại bắt nộp mái chèo ra đây cho tui. Không lôi thôi chi nữa. Không chồng con chi nữa…Máu cào cào tôi nổi lên rồi đó.
    Ông Bậu đứng thẳng từ trên thuyền bước xuống, tay cầm một mái chèo mới tinh.
    ÔNG BỆU
    -Công nhận, xã ni e chỉ có tui là người làm mái chèo đẹp nhất hè…
    Bà Suốt chạy tới giật lấy mái chèo ngắm nghía
    BÀ SUỐT
    -Chợt phì cười, lầu bầu đã ăn cắp mái chèo cũ của người ta rồi bày đặt làm mái chèo mới, rồi tự khen…Ghét…
    Quay sang đại đội trưởng Trọng
    -Ta đi thôi chú Trọng
    Ông Bệu gọi theo
    ÔNG BỆU
    -Rứa không kêu dân quân trói tôi nữa à?
    Bà Suốt đứng trên mui thuyền,
    BÀ SUỐT
    -Đẩy thuyền ra sông giúp tôi cái nào…
    Mọi người xúm lại đẩy con thuyền trôi qua sông…
    Ông Trí khoác tay ông Bệu
    ÔNG TRÍ
    -Cảm ơn anh Bậu nghe, chị Suốt có mái chèo mới là tôi yên tâm rồi.
    ÔNG BỆU
    -Bà nhà tui bữa ni ngoa mồm lắm, ông không biết đâu…Chèo thuyền trong bom trong đạn quên ngày quên đêm nên quen. Về nhà yên tĩnh với tui một lúc là bà ấy nổi cáu, hét hò lung tung điếc tai lắm.
    Ông Trí và ông Bệu cười
    Chị Lan níu tay chị Khíu đi lại, chị Khíu hùng hổ nhìn ông Trí
    CHỊ LAN
    -O Khíu ơi, từ từ nói…
    CHỊ KHÍU
    -Từ từ cái chi mà từ từ, vô lý…Quá vô lý, quá bất công…Không thể chịu đựng được…



    ÔNG TRÍ
    -Rồi, rồi, rồi ngồi xuống cả đây. Có chuyện chi chị Khíu cứ nói, dân làng mình o mô cũng nóng rực như bom nổ chậm, sợ quá. Mới giải quyết việc chị Suốt xong, giờ đến chị Khíu, có chuyện chi chị nổ bom cho tôi nghe.
    CHỊ KHÍU
    -Tôi hỏi các anh, trong hợp tác xã đánh cá của mình, trên một con thuyền cùng ra khơi đàn ông làm việc gì thì đàn bà làm việc đó. Ngang sức nhau rứa răng khi phân chia công cán thì đàn ông lại thu nhập cao hơn đàn bà, quá vô lý. Tui thay mặt chị em phản đối…
    ÔNG BỆU
    -Có chuyện hay rồi, nói tiếp đi…Tranh thủ lúc máy bay chưa ném bom, cứ từ từ mà nói.
    CHỊ LAN
    -O Khíu trình bày ý kiến của O đi.
    CHỊ KHÍU
    -Ý kiến ý cọ chi nữa, tui làm đơn gửi xã rồi. Chị em chúng tôi đề nghị thành lập hợp tác xã riêng, toàn chị em phụ nữ với nhau ra khơi đánh cá. Rứa thôi…
    ÔNG TRÍ
    -Ngoài biển cũng bom đạn đầy trời chị ạ, có đàn ông trên thuyền khi xảy ra sự biến thuyền bè trúng bom trúng đạn còn có người hỗ trợ chị em chân yếu tay mềm…Lỡ có chuyện chi nguy hiểm, bom nổ, lật thuyền, yếu tay yếu chân như chị em thì chống chọi sao được.
    CHỊ KHÍU
    -Chị Khíu chống nạnh
    -Anh chê bọn tui yếu phải không? Đời đàn ông các anh cứ đè sấp lên phụ nữ bọn tôi quen rồi chi nữa…Giờ ngạo hè…Bề trên hè….Khinh nhau gớm hè…Có giỏi vô đây…
    ÔNG TRÍ
    -Chị định mần chi?
    ÔNG BỆU
    -Vỗ tay ầm ầm,
    -Hay quá, hay quá tôi hiểu rồi. Vật nhau, vật nhau, bà con ơi xuống đây coi O Khíu thách nhau với anh Trí bà con ơi…
    Mọi người ở đâu ào ào chạy tới, chia thành 2 phe cổ động viên. Chị Khíu xắn quần lên, anh Trí xắn tay áo lên, rồi cả hai lao vào nhau vật trong tiếng hò reo tưng bừng. Chỉ một lúc sau chị Khíu đã quật ngã ông Trí nằm chổng vó trên cát. Mọi người hoan hô nhiệt liệt, tiếng máy bay xoẹt tới, tiếng bom tiếng súng nổ gần. 
    Ông Nhị trèo tót lên gốc dừa mắt dõi theo hướng máy bay hét.
    ÔNG NHỊ
    -Tiếng ông Bậu hét trong tiếng bom đạn
    -Mấy O dưới bến thuyền nằm xuống, bom bi đấy. Hai chú bộ đội kia kìa, chạy ra khỏi hầm đi…Ở đó có bom nổ chậm đấy. Trường mẫu giáo cháy rồi bà con ơi. Mọi người chạy tới cứu các cháu đi nhanh lên. Lại bom nữa rồi, bom gần ủy ban xã. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy…bảy quả bom nổ chậm nhé bà con. Thuyền vợ tui mô rồi? Thuyền mụ Suốt đâu rồi? Chết cha rồi…Máy bay đang tập trung thả bom bắn rốc két về phía thuyền của bà Suốt, sao không thấy thuyền đâu cả? Chỉ thấy những cột nước và khói lửa thôi. Chuyên ơi, lái mũi cho giỏi nghe cháu…Đừng chèo thẳng…Mụ Suốt nói với thằng Chuyên đi…chèo như tui bày cho mụ nghe chưa? Ngoặc bên này ngoặc bên kia. Rứa thì máy bay sẽ không thả bom xuống được vào thuyền, thấy thuyền của vợ tôi rồi. Nhanh lên, gần bờ rồi…
    Một loạt bom nổ gần. Ông Nhị rơi từ trên thân dừa xuống. Chị Lan lao tới.

    CHỊ LAN
    -Ông Bệu ông có bị thương không?
    ÔNG NHỊ
    -Không, bị thương răng được? Tổ cha hắn lên. Bom nó hất tôi xuống đó, o đỡ tôi dậy đi. Tui phải nhìn thấy thuyền của mụ Suốt tôi mới yên tâm.
    Ông Nhị bước loạng choạng đến gốc dừa, tiếng bom vẫn xé trời, nổ dữ dội,
    ÔNG NHỊ
    -Thét thất thanh
    -Chết rồi, bom dập trúng thuyền vợ tôi rồi. Bom dập trúng thuyền mụ Suốt rồi bà con ơi.  Suốt ơi…ơi…ơi…
    CẮT CẢNH



    Cảnh 7
    Không gian chia làm 2 phần, ở góc xa hậu cảnh là cây dừa cụt đọt, thấp thoáng bóng ông Bệu, trung tâm không gian là dòng sông Nhật Lệ trong khói bom lửa đạn và con thuyền của mẹ Suốt đang kiên cường lao qua đạn bom. Những tiếng nổ dữ dội, những cột nước dâng cao…Phía mũi thuyền, Chuyên vươn người lên lái mũi, sau đuôi thuyền, mẹ Suốt cũng vươn thẳng người lên chèo,  gương mặt mẹ ngẩng cao mắt dõi theo máy bay. Hai cánh tay mẹ chèo khoác liên tục. Người mẹ Suốt lúc đổ về phía bên này, lúc đổ về phía bên kia. Bóng mẹ và con thuyền lúc ẩn lúc hiện qua khói bom đen kịt…
    Trên thuyền một số bộ đội cùng với những thùng đạn chất cao. Có cả vợ chồng anh Cáy. Vợ chồng anh Cáy níu lấy nhau sợ hãi,
    MẸ SUỐT
    -Cáy, bò lại đây…Mệ nhờ cái.
    Vợ chồng Cáy vừa nói vừa nhấp nhổm trong tiếng bom.
    CHỊ CÁY
    -Kìa, mệ Suốt đang gọi anh.
    ANH CÁY
    -Gọi em chứ gọi anh đâu. Bom đạn thế này đàn bà con gái gọi nhau chứ gọi anh làm chi.
    CHỊ CÁY
    -Răng anh nhát gan rứa? Mệ Suốt gọi thì bò đến đi…
    ANH CÁY
    -Anh thừa nhận là anh nhát gan thật. Nhưng vẫn thua em.
    MẸ SUỐT
    -Vừa chèo vừa hét
    -Ơ 2 cái đứa này, tao nói bò lên đây nhờ cái cơ mà. Nhanh lên…Cả 2 đứa.
    2 vợ chồng Cáy run rét bò lổm ngổm tới, tiếng máy bay vẫn gầm rú điên cuồng, tiếng bom vẫn nổ trên mặt sông. Tiếng ông Bệu hét lên từ xa
    ÔNG BỆU
    -Suốt ơi, cẩn thận. Răng đứng người cao rứa…Ngồi xuống mà trèo. Đứng cao rứa nguy hiểm lắm Suốt ơi.
    -Vợ chồng Cáy bò lại dưới chân của mẹ Suốt,
    ANH CÁY
    -Nhờ chuyện chi mệ ơi?
    CHỊ CÁY
    -Nhờ chi thì nhờ chớ vợ chồng con thì không chèo thuyền được đâu mệ nha…
    MẸ SUỐT
    -Cái bao đựng trầu dưới chân mệ đó tề, 2 đứa bay nhìn thấy chưa?
    VỢ CHỒNG CÁY
    -Dạ, thấy rồi.
    MẸ SUỐT
    -Têm cho mệ miếng trầu, têm cho mệ miếng trầu hí?
    CHỊ CÁY
    -Ối trời ơi, trèo mau mà vô bờ thoát bom mệ ơi. Trầu triếc chi lúc này chứ hả trời?
    MẸ SUỐT
    -Kệ tau… Thèm trầu lắm. Được chưa? Đưa đây.
    Chị Cáy run lật bật cầm trầu đứng lên, anh Cáy đỡ lấy vợ chị Cáy cho trầu vào miệng mẹ Suốt rồi nhảy ùm xuống nằm chồm lên chồng khi nghe một tiếng bom nổ lớn. Mẹ Suốt nhai trầu, mắt vẫn quan sát máy bay, toàn thân gồng lên chèo chống.

    MẸ SUỐT
    -2 đứa bay nhát gan rứa hè?
    CHUYÊN
    -Vợ chồng anh Cáy nhát gan có tiếng cả xã đó mệ ạ… Hèn chi ngày xưa cha mẹ đặt tên Cáy là đúng rồi…
    ANH CÁY
    -Bom đạn như ri, không sợ răng được hả mệ ơi? Vì xã phân công vợ chồng đi nhận gạo thì phải liều đi chứ nếu không thì suốt ngày chỉ dám ngồi trong hầm. Chứ có dám mò lên mặt đất đâu…
    MẸ SUỐT
    -Hết bom rồi đó, ngồi thẳng thớm dậy…Không mấy chú bộ đội lại cười cho.
    BỘ ĐỘI
    -Mẹ dũng cảm quá mẹ Suốt ơi,
    -Bom đạn thả dày đặc như vậy mà mẹ vẫn trèo thuyền lách qua bom đạn được, thì giỏi quá.
    -Hoan hô mẹ, hoan hô anh Chuyên.
    MẸ SUỐT
    -Hoan hô chi mẹ? Hôm nay lo lắm thuyền thì chở đầy đạn, nếu mà lỡ một quả rốc két của máy bay bắn trúng thuyền thì nổ tung lên hết. Thằng Chuyên giỏi, cầm lái mũi như hắn giỏi thiệt, nó đưa mũi thuyền tránh được cả bom, giỏi Chuyên ạ. Rứa là thoát rồi, đến bờ rồi. Các chú cho anh em vác đạn lên nhanh đi. Máy bay nó sắp vòng lại đó.
    VỢ CHỒNG CÁY
    -Ối trời ơi, thở không ra hơi, giờ vợ chồng con mới biết thuyền không chỉ chở gạo cho xã mà còn chở hàng trăm thùng đạn. Ối chao ôi, nếu mà bom nổ trúng thuyền thì còn chi nữa trời ơi.
    MẸ SUỐT
    -Vợ chồng chạy lên bờ gọi mọi người bốc gạo nhanh lên hì? Đưa bao trầu đây cho mệ. Mệ làm miếng nữa rồi mệ lại qua bờ để đón anh em bộ đội.
    CHỊ CÁY
    -Bước lại rờ rẫm trên người mẹ Suốt,
    -Da thịt mệ là da đồng da sắt hay răng mà sao không sợ bom đạn hả mệ?
    MẸ SUỐT
    -Tau chỉ sợ hết trầu thôi…
    Ông Bệu leo lên thuyền tay xách mo cơm, chai nước, bộ đội ở dưới bến, dân quân khẩn trương vác gạo và đạn lên bờ.
    ÔNG BỆU
    -Tui đưa cơm cho mệ đây…Ôi này tôi trèo lên cây dừa hò hét mệ có nghe không?
    MẸ SUỐT
    -Rứa à? Ông gan hè..Thế hồi nãy bom đạn như vậy mà ông vẫn trèo lên cây dừa để nhìn thuyền của tui à?
    ÔNG BỆU
    -Không chỉ là nhìn thuyền, tui còn báo cho mọi người các điểm có bom, tôi còn hét gọi tên mẹ nhiều lần. Rứa không nghe chi à?
    MẸ SUỐT
    -Không nghe chi cả…
    ÔNG BỆU
    -Ôi chao ôi phí công phí sức gớm hè…Tui gọi mụ Suốt nè, tôi gọi mụ Suốt ơi nè, rồi lo quá tôi chuyển sang gọi là Suốt ơi, rồi đến khi bom vùi lấy thuyền của mụ tui nghẹn ngào hét lên như ri nè…(Uốn giọng) “Suốt ơi”….

    MẸ SUỐT
    -Cười rồi cũng hùa theo nghịch
    -Ơi…
    ÔNG BỆU
    -Hay hè…Cho tui hun cái được không?
    MẸ SUỐT
    -Tầm bậy tầm bạ…Răng rụng rồi,  mồm ông móm rồi,  hun hít chi nữa…
    Mẹ Suốt nói rồi cười, rồi gục đầu vào vai của ông Bệu.
    CẮT CẢNH


    Cảnh 8
    Bãi biển đêm rất nhiều người dân cầm đèn dầu đi ra bãi biển. Họ đặt đèn dầu dày đặc xuống bãi biển và đứng im như những cây cột gỗ. Một nhóm người đứng phía sau đám đông cùng im lặng nhìn ra biển. Lan đứng bên ông Chi, gần đó là ông Bệu, cạnh đó nữa là đại đội trưởng Trọng và một số bộ đội, dân quân, vợ chồng anh Cáy.
    CHỊ LAN
    -Thì thầm nói với ông Chi
    -Đến giờ này mà không có thuyền nào về là nguy rồi chú ạ.
    ÔNG CHI
    -Đừng nói dại mồm cháu. Đội thuyền đánh cá của o Nguyễn Thị Khíu 3 chiếc, 3 chiếc là gần 30 con người ta, 30 chị em cơ mà. Ở nhà họ còn có 30 người chồng, 30 gia đình,  bom Mỹ làm răng mà giết chết cả đoàn thuyền được.
    ÔNG BỆU
    -Chị Khíu gan quá, bom đạn trên biển như rứa mà vẫn chèo chống cùng hợp tác xã phụ nữ đánh bắt cá, mà lại năng suất còn nhiều hơn HTX đàn ông. Mà lại không bỏ chuyến biển nào dù cho mưa bom bão đạn. Mà cả năm trời qua bom đạn ác liệt như rứa, bên đoàn thuyền đánh cá của nam giới còn có người bị thương, người hy sinh chứ đội đánh cá nữ của chị Khíu có ai hề hấn chi mô.
    ÔNG CHI
    -Nhưng hôm nay thì gay rồi, đứng ở trong bờ nhìn thấy rõ ràng từng đoàn máy bay Mỹ lao xuống thả bom, phóng rốc két vào đoàn thuyền đánh cá của chị Khíu. Tàu tuần tiểu của các chú hải quân còn nhìn rõ những cánh buồm trên thuyền đánh cá của chị em gãy gục bốc lửa. Giờ này mà chưa ai về được vào bờ thì gay to rồi, e không còn chi nữa…
    ANH CÁY
    -Đúng rồi, tui ngồi trong hầm cả ngày tôi đếm tiếng bom ngoài biển. Vừa đếm vừa run, đếm mãi không hết.
    CHỊ CÁY
    -Chồng tôi nói đúng đó, có tui làm chứng đây. Tui nằm ôm anh ấy ở trong hầm mà anh ấy vừa đếm tiếng bom vừa khóc, thương đoàn thuyền của chị Khíu quá các bác ạ.
    ÔNG BỆU
    -Bom nó hay tìm vào những cái hầm của người nhát gan lắm đó. Có ngày nó nổ cho banh xác đó…Coi chừng…
    Vợ chồng anh Cáy nguýt ông Bệu
    Ông Nhị cầm đàn nhị ngồi bệt trên bờ kéo nhị
    Mẹ Suốt vác mái chèo chạy sấp ngửa ra bờ biển, bà chạy đến đám đông đang đứng với những ngọn đèn dầu. Bà chạy ra tận mép biển rồi khỏa mái chèo xuống biển như người chèo thuyền, rồi nghẹn ngào gào lên với một giọng rất trầm, buồn buồn kéo dài âm thanh, ngân nga nức nở.
    MẸ SUỐT
    -Ôm phao…phao mà về…
    Ôm phê…phê mà vào…
    Cả đám đông dân làng cùng hát theo
    -Ôm phao…phao mà về…
    Ôm phê…phê mà vào…
    -Ôm phao…phao mà về…
    Ôm phê…phê mà vào…
    -Ôm phao…phao mà về…
    Ôm phê…phê mà vào…
    Nước mắt ai cũng chảy dài xuống má. Giữa một vùng sông nước mênh mông, trong đêm, dưới ánh sáng nhập nhòa của hàng chục ngọn đèn dầu, tiếng hát có sức mạnh truyền cảm kỳ lạ. Nó khiến cho đất trời cũng phải rơi nước mắt.
    Đột nhiên ở ngoài biển, xuất hiện một bóng đen rồi con thuyền ào ào chạy vào mẹ Suốt lao ra về phía biển đưa mái chèo lên trời. Lạy bốn phương tám hướng rồi hét lên sung sướng.
    MẸ SUỐT
    -Thuyền o Khíu về, thuyền o Khíu về…Thuyền o Khíu về rồi trời ơi…
    Những bóng đen nhảy từ trên thuyền xuống chạy ào ào vào bờ. Hàng trăm cánh tay chìa ra ôm lấy người thân yêu của mình. Mẹ Suốt ôm ghì lấy chị Khíu.
    MẸ SUỐT
    -Ui chao con Khíu, tổ cha mi lên…Mi làm tau và cả làng mất ăn mất ngủ tưởng chết cả rồi chứ. Chừ răng? Sống hết à? Ôi…Tổ cha mi lên…
    CHỊ KHÍU
    -Chị Suốt ơi, bà con ơi, là do bom nó làm cho gãy hết cả cột buồm, nên chị em phải chèo tay mà vô. Chứ không ai bị chi hết. Nguyên vẹn 100% mà trời ơi, thuyền của chị em tui hôm ni cũng đậm cá nục, sướng lắm.
    MẸ SUỐT
    -Khíu ơi, đừng nói nữa. Người thì an toàn này, thuyền thì đầy cá này, răng mi giỏi rứa vậy Khíu…Tổ cha mi lên…Răng mi giỏi rứa, tau và bà con mừng lắm Khíu ơi…Mừng lắm Khíu ơi…Huhu (Khóc rất to).
    Nhiều bà con cũng theo mẹ Suốt khóc huhu…Rồi chị em trong đội cá của chị Khíu cũng khóc huhu…Ông Bệu  hét:
    ÔNG BỆU
    -Ngược đời. Ngược đời quá! Tất cả có im đi không? Có chi mà khóc. Bà con sống nhăn răng hả mồm ra cả răng khóc? Thuyền mô cũng đầy ắp cá như thế này răng khóc? Ngược đời, ngược đời quá. Tất cả nhìn tui làm nhịp này.
    -Một, hai, ba…Cười.
    Bãi biển rộn ràng tiếng cười nói, trong niềm vui hạnh phúc.
    CẮT CẢNH



              





    Cảnh 9
    Sân kho Hợp tác xã. Đêm. 2 ngọn đèn măng xông để ở 2 góc sân khấu (được đắp bằng nền đất). Bà con đến rất đông, một cái kẻng báo động treo lơ lửng ở trên cao. Ông Chi bước nhanh tới anh dân quân đứng bên cạnh kẻng báo động dặn dò.
    ÔNG CHI
    -Nhớ nhé, khi nhận tín hiệu có máy bay của các chú bộ đội thì lập tức đánh kẻng cho bà con xuống hầm để anh em tắt đèn.
    DÂN QUÂN
    -Báo cáo, rõ.
    Ông Chi lên thẳng trên sân khấu.
    ÔNG CHI
    -Bà con chú ý, tối nay xã mình tổ chức liên hoan văn nghệ mừng công địa phương ta được cấp trên khen thưởng về thành tích chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi. Khi có tiếng kẻng báo động máy bay đề nghị bà con nhanh chóng chạy xuống hầm trú ẩn, bộ phận trực chiến tắt đèn. Bây giờ chương trình văn nghệ giao cho chi đoàn thanh niên phụ trách, mời các đồng chí.
    Tiếng vỗ tay râm ran…
    Một cô gái bước ra,
    -Tiết mục hò đối đáp do o Lý y tá xã và chú trung úy hải quân trình bày. Đề nghị bà con hoan hô.
    O Lý và trung úy hải quân chào khán giải
    TRUNG ÚY HẢI QUÂN
    -Cho nhạc
    Một thanh niên cầm nhị thò đầu ra,
    -Chờ chút, chờ chút nghe…O đánh đàn bầu đang cho con bú.
    Mọi người vỗ tay…Một đứa bé cầm tay ông Nhị bước ra. Ông Nhị ngồi xuống ở góc sân khấu và kéo đàn. Tiếng đàn vang lên đưa đẩy cho điệu hò giã gạo vào nhịp…Trên sân khấu o Lý y tá và anh trung úy hải quân đong đưa mắt hát.
    O LÝ Y TÁ
     “Em mở lời chào, chào nam, chào bắc, chưa chắc chào ai
    Chào người cân lứa, chào kẻ vừa vai
    Ai có âm thâm nghĩa trọng thì lắng tai nghe chào.
    TRUNG ÚY HẢI QUÂN
    “Tôi tới đây xin mở lời chào anh em trai quân tử
    Chào chị em gái thục nữ thuyền quyên
    Chào rồi lại hỏi thăm riềng”
    O LÝ Y TÁ
    “Em ham vui tới nhỏ, hay băng miền tìm ai?
    Em đố anh một trăm cái hố, cái hố chi không nước
    Một trăm cái cây, cây chi không trái
    Một trăm con gái, gái chi không chồng
    Trai nam nhi giải đặng, gái má hồng xin dâng”
    TRUNG ÚY HẢI QUÂN
    Em ơi em một trăm cái hố, cái hố khoan không nước
    Một trăm cái thước, thước thợ mã không cây
    Một trăm cái cây, cây đờn không trái
    Một trăm gái, gái tố nữ không chồng
    Trai nam nhi giải được má hồng em đâu?”
    Họ hát đến câu cuối thì cả 2 cùng cầm tay nhau bước xuống, như tìm ai…Rồi bước lại cầm tay mẹ Suốt và ông Bệu lên sân khấu. Mọi người vỗ tay ủng hộ.
    -Hát đi mẹ Suốt, hát đi mẹ Suốt
    -Mẹ Suốt, ông Bệu hát hay lắm hát đi hát đi…
    MẸ SUỐT
    -Trong trăm thứ dầu, có dầu chi là dầu không thắp
    Trong trăm thứ bắp có bắp chi là loại bắp không rang
    Ngay lúc đó chị em phụ nữ ào lên sân khấu hát cùng mẹ Suốt:
    -Trong ngàn thứ than có than chi là than không quạt,
    Trong vạn thứ bạc có bạc chi là loại bạc không đổi tiêu mà không tiêu
    Trai nam nhi bên chàng đặng đối đặng…
    thì dải lụa điều trao mà thiếp trao…
    Hò hơ ớ hơ
    ÔNG BỆU
    -Chừ răng mà đông ri hè? Đàn ông đàn ang Bảo Ninh đâu cả rồi, thua à?
    Nhóm đàn ông nghe vậy cũng ào lên sân khấu đứng về phía ông Bệu, rồi cùng hát đáp lời:
    Trong trăm thứ dầu có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp,
    Trong ngàn thứ bắp có lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là loại bắp không rang
    Trăm vạn thứ than có than thở, thở than là than không quạt,
    Trong triệu thứ bạc có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu
    ÔNG BỆU
    -Hát một mình
    -Đàn ông đàn ang Bảo Ninh tui đã đối được
    TẤT CẢ
    -Mấy O mấy mệ có cho chi không?
    Ngay lúc đó, chị Cáy xô ngã anh Cáy ra giữa sân khấu.
    ANH CÁY
    -Không,
    Tất cả sững ra.
    CHỊ CÁY
    -Khóc, nói:
    -Có bà con cô bác đây cho tôi giãi bày một cái, ức lắm. Lợi dụng cả nhà đang văn nghệ tui chạy đi tìm chồng tui đến coi ai ngờ xuống hầm thì thấy có 2 cặp chân. Một cặp chân của thằng cha ni chồng tui, một cặp chân của đứa đàn bà mô đó hắn chạy mất rồi. (Hát mếu máo)
    - Trong triệu thứ bạc có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu
    Trong triệu thứ bạc có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu
    Trong triệu thứ bạc có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu”
    Vừa hát vừa khóc vừa kéo tay anh Cáy đứng lên,
    -Anh nói công khai đi, anh có phản bộ tôi không? Có phản bội tôi không? Nói không đi…Đồ ngu…
    ANH CÁY
    -Không…
    Tiếng kẻng báo động vang lên. Mọi người nhanh chóng giải tán, vợ chồng anh Cáy bổ nhào trên sân khấu ôm cứng lấy nhau. Anh Cáy gào to.
    -Máy bay. Bom. Cứu với…
    CẮT CẢNH
    Cảnh 10
    Bình minh. Vợ chồng mẹ Suốt, ông Bệu ngồi bên nhau trên nắp một căn hầm lớn ở sát bờ sông. Ông Bệu đưa cho mẹ Suốt một miếng trầu.
    ÔNG BỆU
    -Trầu của mụ đây, (đưa một bao đựng trầu lớn) khiếp…ngày mô cũng ăn hết từng ni à?
    MẸ SUỐT
    -(Cầm miếng trầu ông Bệu trao rồi cho vào miệng) Hay hè, nghĩ mãi không ra, trầu thì cũng trầu cả thôi, chớ răng mà trầu của ông têm mà tôi ăn ngon rứa hè?
    ÔNG BỆU
    -Trầu thì ai têm mà nỏ rứa. Trầu này, vôi này, thuốc lào này, vỏ cây chay này, rứa cả thôi. Mụ cứ động viên tui, động viên rồi làm cực tui, sáng mô cũng phải dậy sớm trước khi ra biển đánh cá, còn phải hì hục têm cho mụ cả một đạy trầu thế này…
    MẸ SUỐT
              -Ông Bệu này, mau hè. Ngó rứa mà tui với ông ở với nhau cũng mấy chục năm rồi chi nữa. 12 lần sinh nở sống được 8 đứa, mau hè. Chừ tôi hỏi thiệt nè, mỗi lần tôi chèo đò qua sông chở bộ đội, hàng hóa, bà con qua lại giữa mưa bom bão đạn như rứa. Ông có sợ tôi chết không?
    ÔNG BỆU
    -Chết dễ rứa thì chết lâu rồi, ngay từ trận bom đầu tiên trên sông, cái ngày đầu tiên bom Mỹ thả xuống Đồng Hới, Bảo Ninh ác liệt như rứa, khủng khiếp như rứa, mụ chèo qua chèo lại trên sông Nhật Lệ hàng chục chuyến như rứa…Mụ nhớ không? Ngày 7 tháng 2 năm 1965 đó…Bao nhiêu người chết vì bom đạn rứa mà mụ còn không hề hấn chi…Tôi cứ tưởng ngày hôm đó mụ phải chết cả trăm lần.



    MẸ SUỐT
              -Chết cả trăm lần thì không đến mô, ngày đó tôi còn nhớ bom đạn nó xúm lại vây lấy thuyền của tôi, thằng Chuyên cầm lái tội, nó xoay mũi thuyền như chong chóng  để tránh bom,  có nhiều lúc tôi hoa cả mắt không thấy cả đường chèo đò, tính lui tính tới vị chi là ngày hôm đó cũng xuýt chết hai ba chục lần ông ạ.
    ÔNG BỆU
    -Công nhận, ngày đầu tiên của chiến tranh bà ăn tốn trầu dữ hè, người ta lo tiếp đạn tiếp đồ ăn thức uống cho mọi người bắn máy bay, còn tôi lo tiếp trầu cho mụ mà toát hết cả mồ hôi.
    Mẹ Suốt cầm bàn tay của ông Bệu lên ngắm nghía
    MẸ SUỐT
    -Bàn tay ông khô ráp như này mà têm trầu khéo hè…Nhớ lại, hồi thanh niên mới quen nhau ông gọi tui ra khỏi cánh cổng của nhà địa chủ Hàm rồi ông cầm lấy tay tui…Ui chao ôi, mấy chục năm rồi nhớ lại mà vẫn run tề, hồi hộp tưởng chết luôn, ông gan hè.
    ÔNG BỆU
    -Rứa thôi, một liều ba bảy cũng liều bà hè, không liều rứa mần răng mà lấy được bà? Không liều rứa thì ông Nhị lấy bà làm vợ rồi chớ đâu đến lượt tui?
    MẸ SUỐT
    -Chừ các con nó đi sơ tán cả, về nhà nhớ con lắm. Không biết đến khi mô thì hòa bình. Mà bom đạn ác liệt như ri đã chắc chi tôi sống đến ngày hòa bình. Mỗi khi kết thúc một ngày chèo đò, qua sông Nhật Lệ, vác mái chèo về đến nhà nhìn thấy ông, nhìn thấy các con là tui thấy mình sống rồi.
    ÔNG BỆU
    -Ngày xưa đi ở, bà nói qua mỗi ngày bà lại lấy con dao khắc lên cột nhà bếp một vạch, mấy năm ni sau một ngày chèo thuyền về tui để ý lại thấy bà cầm con dao khắc lên cột nhà bếp một vạch, rứa là răng?

    MẸ SUỐT
    -Rứa là thêm một ngày sống chớ răng…
    ÔNG BỆU
    -Rứa à? Để tôi coi nào, bắt đầu từ ngày 7 tháng 2 năm 1965 hí đến hôm nay hí là 384 ngày rồi bà tề.
    MẸ SUỐT
              -Đúng rồi, ông tính nhanh thật 384 ngày sống, tui sống, ông sống, các con sống, đồng bào đồng chí trong xã mình sống, rứa là thắng lợi to rồi chi nữa… (Thở dài)
    ÔNG BỆU
    -(Nhìn vợ) Răng thở dài rứa,
    MẸ SUỐT
    -Đêm qua tôi nằm nghĩ nếu tôi chết ông Bệu nhà tôi có lấy thêm vợ nữa không hè?
    ÔNG BỆU
    -Đêm qua tôi cũng nghĩ nếu tôi chết mụ Suốt nhà tôi có lấy chồng nữa không hè?
    Cả hai ông bà cười khùng khục.
    Ông Trí và chị Lan, chị Khíu bước ra nhìn thấy vợ chồng mẹ Suốt.
    ÔNG TRÍ
    -Úi chao ôi, hèn chi tôi về nhà không thấy ai cả. Hóa ra ông mệ ra đây tâm sự sớm hè.
    ÔNG BỆU
    -Tâm sự cái chi mô, là đưa cho mụ Suốt cái đáy trầu. Để mụ chèo đò qua sông còn có trầu để ăn

    CHỊ LAN
    -Hồi nãy con khen o Khíu ra khơi đánh cá dũng cảm, bom đạn như rứa mà hợp tác xã đánh cá của o Khíu năm mô cũng hoàn thành chỉ tiêu đánh bắt, hơn cả nam giới. Rứa mà o Khíu còn nói ở làng Bảo Ninh ni, không ai dũng cảm qua được Mẹ Suốt.
    MẸ SUỐT
              -Răng ai cũng nói tui dũng cảm hè, thì rứa đó hàng ngày chèo thuyền qua sông, chèo qua chèo lại bom đạn thì cũng phải chèo. Việc của thằng Mỹ là thả bom, việc của mình là chèo đò. Rứa thôi.
    CHỊ KHÍU
    -Ra biển tôi vẫn động viên chị em nhiều tuổi như mẹ Suốt mà còn chèo đò vượt sông phục vụ cách mạng thì chị em mình cũng phải cố noi gương mẹ thôi. Nói rứa thôi, chứ càng bom đạn thì cá càng nhiều, thu hoạch sướng lắm, không sợ chi cả.
    ÔNG TRÍ
    -Trên báo về ngày hôm ni sẽ rất căng thẳng, các bộ phận trong xã mỗi người một việc khẩn trương đi nhé. Còn vùng này an toàn nhất, chưa bị bom tui định chọn cái hầm ni là nơi tập kết thương binh. Chị Suốt nhớ cho, sau mỗi chuyến đò thì nhắc anh em chuyển thương binh từ hầm này ra đò đưa thương binh về bệnh viện tỉnh cho kịp thời. Hầm ni của ai làm mà rộng hè.
    Vợ chồng Cáy chui từ trong hầm ra
    ANH CÁY
    -Hầm ni của vợ chồng em chứ của ai…Nói thiệt với lãnh đạo xã 2 vợ chồng em nhát gan chỉ biết ngồi hầm không dám làm chi nên cũng phải chọn nơi làm cái hầm cho rộng rãi, vợ chồng em cũng xấu hổ lắm, muốn tham gia phong trào lắm, nhưng cứ nghe tiếng máy bay là chân tay rã rời. Không dám mần chi hết. Bà con đừng coi thường bọn tui hí.


    CHỊ LAN
    -Hay quá, chừ xã giao cho vợ chồng anh chị ở trong hầm đón tiếp và chăm sóc thương binh được không?
    CHỊ CÁY
    -Hay quá, nhiệm vụ chi ở đâu vợ chồng em không dám chư mà được phục vụ cách mạng trong hầm là vợ chồng em nhất trí liền.
    MẸ SUỐT
    -Tổ cha bây lên…Chiến tranh cũng hay hè…Ngay cả những người yếu thần kinh nhát gan, sợ bom đạn như vợ chồng anh Cáy này mà cuối cùng vẫn phục vụ được đó thôi.
    Tiếng máy bay. Vợ chồng anh Cáy tọt luôn vào hầm.
    ÔNG TRÍ
    -Bắt đầu rồi, tui ra phía đơn vị pháo cao xạ, O Lan nhớ bám sát lực lượng chuyển tải thương binh liệt sĩ và hậu cần nhé. Mẹ Suốt ra đò cẩn thận nha mẹ. Chị Khíu cho thuyền xuất bến luôn chứ.
    Mọi người, ông Trí, chị Lan chị Khíu cùng chạy khuất.
    ÔNG BỆU
    -Bà đi đi, cẩn thận nghe…Hôm nay gió to, cầm chèo cho chắc nghe bà. Trưa tui tiếp tế thêm trầu, đừng lo, đi đi…
    Bà Suốt nhìn chồng rồi vác mái chèo xuống bến trong tiếng máy bay vần vũ. Rồi tiếng bom nổ khói đen trùm lên ở nhiều nơi, tiếng đạn pháo cao xạ, tiếng hò hét của dân quân bộ đội…Những cáng thương binh chạy ào ào về hầm, không khí hết sức căng thẳng.
    CẮT CẢNH


    Cảnh 11
    1.
    Trong hầm cứu thương. Tiếng bom nổ dữ dội ở bên ngoài. Liên tục những cáng thương binh chạy vào hầm. O Lý y tá và một bác sĩ quân đội đang nhanh chóng băng bó vết thương. Chị Cáy ôm lấy một chiến sĩ trẻ.
    CHỊ CÁY
    -Lý ơi, chú bộ đội bị làm sao thế này…Làm sao thế này…
    O Lý y tá chạy tới cầm lấy tay thương binh rồi nói với chị Cáy.
    O LÝ
    -Chị đặt chú nằm xuống đi.
    CHỊ CÁY
    -Răng rứa?
    O LÝ
    -Đồng chí ấy hy sinh rồi…
    CHỊ CÁY
    -Làm răng mà chuyển thương binh về bệnh viện đi chứ? Chú ni hy sinh, chú tê hy sinh, chú tê nữa cũng hy sinh rồi…Anh Cáy ơi…
    ANH CÁY
    -Chuyện chi?
    CHỊ CÁY
    -Anh chạy ra xem đò mệ Suốt vào chưa để chuyển thương binh. Nhanh lên…
    ANH CÁY
    -Bom đang nổ ầm ầm chạy ra sao được,
    CHỊ CÁY
    -Đồ nhát gan…Không đưa nhanh thương binh về bệnh viện Tỉnh để họ chết hết à? Ra đi…
    Mẹ Suốt xuất hiện
    MẸ SUỐT
    -Nhanh lên, nhanh lên đưa thương binh xuống thuyền
    Mẹ Suốt nói rồi dìu một thương binh, anh Cáy cõng một thương binh, chị Cáy và o Lý khiêng một thương binh. Mọi người chạy nhanh trong khói bom và trong tiếng bom nổ dữ dội.

    2.
    Bờ sông Nhật Lệ mẹ Suốt giữ lấy mái chèo hét trong tiếng bom nổ.
    MẸ SUỐT
    -Mọi người nằm thấp xuống, mọi người nằm thấp vào lòng thuyền nhớ chưa?
    CHUYÊN
    -Nằm thấp xuống…Mệ Suốt cũng cúi xuống, để tui lái mũi trách bom…
    Mẹ Suốt với những động tác chèo mạnh mẽ hiên ngang đưa con đò qua sông. Tiếng máy bay và tiếng bom vẫn rền vang trong toàn bộ khu vực. Ở phía bờ anh Cáy lao tới đỡ một thương binh vừa được chuyển tới…
    ANH CÁY
    -Cửa hầm đây này, chuyển thương binh vào đây…vào đây nhanh lên. Còn ai nữa không?
    TIẾNG MỘT DÂN QUÂN
    -Còn 2 đồng chí nữa, giúp tôi với,
    Anh Cáy chạy lại một tiếng nổ lớn, Cáy lao người che đỡ thân thể lên 2 thương binh. Khói bom tan, chị Cáy chạy ra gọi to.
    CHỊ CÁY
    -Anh Cáy ơi, anh Cáy ơi…
    Chị Cáy nhìn thấy anh Cáy đã nằm gục ở trên cát dưới thân thể anh là 2 thương binh mấy dân quân cùng chạy lại.
    MỘT DÂN QUÂN
    -Anh Cáy hy sinh rồi…Anh Cáy đã cứu được thương binh…anh ấy đã hy sinh chị ơi…
    Chị Cáy ngồi thụp xuống nâng chồng lên trong vòng tay mình. Các dân quân dìu 2 thương binh xuống hầm, vẫn tiếng máy bay, một dân quân chạy ra.
    DÂN QUÂN
    -Chị Cáy, chúng nó lại sắp thả bom đấy, xuống hầm đi…
    CHỊ CÁY
    -Chồng tôi chết rồi…
    DÂN QUÂN
    -Xuống hầm đi…
    CHỊ CÁY
    -Chồng tôi chết rồi…
    DÂN QUÂN
    -Ơ kìa, chị Cáy xuống hầm đi…Nằm xuống…Bom đấy…
    Chị Cáy bế xốc anh Cáy trên tay đứng thẳng dậy đi từng bước trong khói bom lửa đạn.

    CHỊ CÁY
    -Chồng tôi chết rồi…Xuống hầm mần chi nữa…Xuống hầm mần chi nữa…
    Ông Trí, chị Lan cùng chạy tới đứng sững, một dân quân báo cáo.
    DÂN QUÂN
    -Báo cáo bác Trí…báo cáo chị Lan…Anh Cáy đã lấy thân mình che chở cho 2 thương binh, đã cứu sống họ.
    ÔNG TRÍ
    -Còn anh Cáy thì sao thế này?
    CHỊ LAN
    -Chị Cáy ơi, đưa anh ấy xuống hầm đi…
    Chị Cáy vẫn bế chồng đứng thẳng ngước nhìn trời nhìn đất.
    CHỊ CÁY
    -Chồng tôi chết rồi…Hầm hố mần chi. Giúp tui chôn cất anh ấy, giúp tui ra chiến hào phục vụ bộ đội, có chết thì cũng chết như chồng tôi thôi…Xuống hầm mần chi.
    Hai dân quân chạy tới đỡ lấy thân xác của anh Cáy. Chị Cáy nhìn theo chồng, rồi lao tới ôm ghì lấy chị Lan.
    CHỊ CÁY
    -Lan ơi, chồng chị chết rồi…
    Hai chị em ôm cứng lấy nhau.

    3.
    Chị Khíu chạy hớt hơ hớt hải tới cầm lấy tay O Lý y tá
    O LÝ
    -Ôi kìa chị Khíu, tưởng chị ra biển đánh cá rồi sao còn ở đây?
    CHỊ KHÍU
    -Lý khoan nói cho mọi người biết hì…Chuyện chị vừa cập bến không đánh cá nữa…Lý biết không? Con tàu hải quân bị bom Mỹ đánh cháy thương vong hết cả, thuyền của chị khó khăn lắm mới vớt được các anh ấy để mang vào bờ. Hy sinh hết, chỉ còn lại một đồng chí đang bị thương nặng.
    O LÝ
    -Tàu hải quân nào?
    CHỊ KHÍU
    -Chỉ về phía 2 dân quân đang khiêng một cáng thương binh. Còn một đồng chí bị thương có phải người quen của em không?
    O Lý sấp ngửa chạy tới bên cáng thương.
    O LÝ
    -Trời ơi, anh…
    O Lý đỡ trung úy hải quân ngồi dậy, vội vàng băng bó đầu cho trung úy.  
    -Anh ơi, có nhận ra em không? Lý đây…Có nhận ra em không? Trời ơi, cả đơn vị hy sinh hết. Còn lại một mình anh bị thương nặng như thế này thì anh phải sống, đừng chết anh nhé. Có nhận ra em không, Lý đây?
    TRUNG ÚY HẢI QUÂN
    -Mở hé mắt thều thào hát
    Anh hỏi em nì…Trong…trăm thứ dầu…dầu chi là…dầu không thắp…”
    O LÝ
    O Lý òa khóc ghì chặt Trung úy vào lòng mình nức nở.
    -Anh ơi, “Trong trăm thứ bắp, bắp nào là bắp không rang/ Trong vạn thứ than, than nào là than không quạt/ Trong triệu thứ bạc, bạc nào là bạc không tiêu…Trai nam nhi anh đối được thì dải lụa điều em trao anh nghe em hát không? Anh đối đi…Anh đối đi…(Vừa lắc rất mạnh thân thể người lính vừa gào lên khản tiếng). Anh ơi, trai nam nhi đối được, thì dải lụa điều em trao…Anh đối đi….Đừng chết…Đối đi anh…Trời ơi…
    Chị Khíu quỳ xuống ôm lấy O Lý y tá và thi thể của người chiến sĩ khóc nghẹn.
    CHỊ KHÍU
    -Răng trời không cho họ hát với nhau lần cuối? Răng trời không cho 2 em hát với nhau lần cuối? Lý ơi, cậu ấy hy sinh rồi. Thì em hát với ai…

    4.
    Trong tiếng máy bay vần vũ, tiếng bom nổ, tiếng pháo cao xạ. Mẹ Suốt vác mái chèo chạy ngược lên đỉnh cát hét.
    MẸ SUỐT
    -Đưa thương binh xuống thuyền nhanh lên…Nhanh lên bà con ơi…
    Một loạt bom nổ. Mẹ Suốt chới với ghì chặt lấy mái chèo ầm vang tiếng hét của dân làng.
    -Mẹ Suốt…
    Mẹ Suốt chống cái mái chèo lên gò cát cố gắng tựa thân người vào mái chèo để đứng thẳng. Mái tóc bạc trắng của mẹ bay ngược trong gió trong khói bom. Trong tiếng bom nổ, rồi mẹ đổ nhào người xuống cát.

    5.
    Ông Bệu tay xách đáy trầu chạy phăng phăng, vừa chạy vừa nhìn ngược ngó xuôi. Ông chạy lao qua đám đông dân làng chạy tới thi thể mẹ Suốt.
    Chuyên lao ra, ôm ghì lấy ông Bệu.
    Ông Bệu cố vươn người bứt khỏi vòng tay của Chuyên.

    ÔNG BỆU
    -Mụ Suốt của tui đâu…Mụ Suốt của tui đâu…Mụ Suốt của tui đâu…Trầu đây nì…Cau đây nì…Vôi đây nì…Tui tiếp tế cau trầu cho mụ đây nì…Tui đưa cả tấm vải xanh cho mụ choàng khỏi ướt đây nì…Mụ Suốt của tui đâu…
    Mọi người rẽ ra cho ông Bệu chạy tới.
    Ông Bệu quỳ xuống cách chỗ thi thể của Mẹ Suốt một quãng rồi lết bằng 2 đầu gối trên cát, chìa 2 cánh tay cầm cau trầu ra phía trước. Vừa lết vừa nói…
    ÔNG BỆU
    -Mụ Suốt đó à…Trầu đây nì…Cau đây nì…Vôi đây nì…Màn vải xanh mà mụ ưng đây nì…Mụ dậy mà nhận đi chớ? Răng lại nằm đây….Xuống đò mà chèo thuyền chớ răng mà nằm đây…(Ông Bệu kéo mẹ Suốt ngồi lên rồi ôm ghì lấy vợ hét).
    -Suốt ơi…
    Như có một khoảng trời xanh ngắt phủ xuống bao bọc lấy thân thể người anh hùng Nguyễn Thị Suốt.  Không gian như ngừng lại. Người đàn ông già chống gậy cầm nhị bước lập bập lên triền cát trắng. Đó là ông Nhị. Tiếng nhị xé lòng. Ở đâu đó giữa trời giữa đất vòng vọng vang lên một khúc hát…
    -Lắng nghe mẹ kể ngày xưa
    Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
    Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh
    Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền…

    HẾT KỊCH