"Dĩ bất biến ứng vạn biến" tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi).
"Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm" tức là Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình
Cái" bất biến" của Đại tướng là một lòng một dạ vì nhân dân, luôn phấn đấu cho sự tử tế, sự trung thực, cho sự hiếu nghĩa, cho giang sơn đất nước. Đặt nhân dân lên đầu. Đặt Tổ Quốc lên đầu. Đặt lợi ích toàn cục lên đầu. Vì thế, trong bất cứ tình huống nào, dù là những thử thách sinh tử ngoài mặt trận hay phong ba bão táp ở chính trường mà đôi khi Người phải "lâm nạn" vì đố kị, vì ghen ghét, suốt 80 năm hoạt động của Đại tướng, sóng gió nhiều lắm, trắc ẩn nhiều lắm, chèn phá không ít, cả những hiềm khích, cả những cái bẫy...nhưng Người vẫn vững tâm, vững chí như thế, nhẹ lòng như thế, thong dong như thế, tận tâm tận lực phục vụ nghĩa lớn là nhân dân và Tổ Quốc.
Với Đại tướng,trong suốt cuộc đời mình, dù ở cương vị nào, dù sóng gió hay thuận lợi, dù trong khó khăn hay tràn ngập giữa hoan ca, Người luôn giữ lấy cái "bất biến" là nắm giữ cái lớn lao, không bị sa vào những thứ vụn vặt nhất thời, luôn đứng trên cao để quan sát, từ đó dung hòa, quân bình vạn vật. Đại tướng đã làm được điều mà Thánh nhân vẫn làm: Là luôn đứng ở cái bất biến mà quan sát cái vạn biến, dùng bất biến ứng phó với vạn biến, do đó mà thánh nhân trường cửu (bất biến). Không nắm được cái bất biến mà suốt đời cứ chạy theo cái vạn biến thì cả đời mỏi mệt. Vì thế, Đại tướng đã tạo cho mình một cuộc sống rất " thiền" luôn nhìn ra cái lớn, không để mình sa vào những cái vụn vặt, tầm thường; phải nhận ra đâu là bản thể trong cái hiện tượng, đâu là cái vĩnh hằng trong cái tạm thời, đâu là cái không thay đổi trong cái thay đổi, đâu là cái toàn thể trong cái cục bộ, đâu là cái bất biến trong cái vạn biến,...; còn nếu không, sẽ rất dễ lạc vào cái mê cung, lạc vào rừng rậm. Triết lý phương đông giản dị mà sâu xa ấy đã được Đại tướng vận dụng sâu sắc, sự vận dụng không nằm ở hình thức, mà đã ẩn vào trong cốt tủy, trong tâm thế, trong ý nghĩ, trong toàn bộ cuộc đời ứng xử của Người.
Bài học đó, cách sống đó, phép ứng xử đầy triết học của Đại tướng mãi mãi là bài học cho các thế hệ, cho chính chúng ta.
Và nữa, khi mà Đại tướng khắc cốt ghi tâm "Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm" tức là Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình, thì nghĩa là Đại tướng đã thoát ra khỏi cái tôi nhỏ bé, cái tôi tham lam, cái tôi háo danh, cái tôi đố kị, cái tôi quyền lực, cái tôi ích kỷ, cái tôi ngông cuồng, cái tôi tham quyền cố vị...để tự mình vượt cao hơn chính bản thân mình, linh hoạt trong ứng xử, chủ động trong đối phó, nhìn thấy bẫy để không sập bẫy, biết ứng phó với đủ tình huống, giữ lấy cốt cách, phẩm giá, đạo đức của mình, giữ lấy thanh danh, tự trọng, giữ lấy cái chí tận tâm tận lực vì hai chữ Nhân Dân. Đức ấy, lực ấy, chí ấy, tâm ấy của Người đã được nhân dân ghi công, nhân dân ngưỡng mộ, nhân dân trọng vọng, nhân dân phong Thánh.
Đại tướng vĩnh biệt chúng ta nhưng cuộc đời ông là một trường học lớn cho mỗi người tự học, tự soi, tự thấy, cho mỗi bước chân chúng ta vững hơn, cao hơn, phấn đấu cao hơn cả bản thân mình.
Và nếu anh là con của dân, nếu anh muốn là người tử tế, nếu anh muốn là công bộc của nhân dân mình thì lần nữa, trước vong linh Người, hãy thấm cho sâu triết lý mà Đại tướng yêu quý đã thực hiện: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến/ Dĩ chúng tâm, vi kỉ tâm".