Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

LỜI THỀ - TIỂU THUYẾT (Phần 3)

By: Unknown On: 12:52
  • Chia sẻ bài này >
  • 8.
    Gió rít lên từng cơn ghê rợn. Những ánh chớp chém xa xả xuống đảo cát, tưởng như chỉ trong chốc lát, đảo cát vàng bị băm nát bởi những lưỡi kiếm của trời. Cơn lốc cuốn cát xối ào ào, cát sắc nhọn, mù mịt, phút chốc phủ trùm và xô đẩy mọi vật khi nó cuốn qua. Sau những ánh chớp lửa là những tiếng sấm nổ rung chuyển. Đảo như tấm khiên yếu ớt cố chống chọi lại sức cuồng phong khốc liệt của đất trời, của bão biển.
    Đêm bị xé nát, bị vo cuốn, bị làm biến dạng.
    Tiếng gió thốc tới, ầm ầm, ào ào, không còn nghe thấy gì ngoài tiếng rít từng chập, từng hồi.
    Mùi tanh tưởi nén chặt trong không gian. Gió lốc đào cát lên thành hố, đào cả những thứ bị chôn vùi trong cát bao nhiêu năm nay, cả những mảnh ván thuyền, cả những bộ xương người, cả những cái đầu lâu cũng bị hất tung lên cao, trong ánh chớp sáng, hàng chục, hàng trăm cái đầu lâu bị gió bão moi móc trong tầng tầng lớp lớp cát phủ rồi tung lên,  xoay lông lốc trong gió bão, hất vụt ra biển khơi, vùi dập trong những con sóng dữ dội đang lừng lững đuổi nhau, đạp lên nhau, chồm lên nhau thốc vào bờ đảo.
    Từ hồi sáng, thấy ráng trời là lạ, khí trời có mùi nồng nồng, lại áp tai nghe, hình như tiếng biển có âm thanh gì đó đáng nghi ngờ, Đô  tướng Lý Nhất chợt hiểu, sắp có lốc lớn. Ngài đã sai lũ trai tráng nhanh chóng chuyển các hòm gỗ của cải xuống những cái hố đào sâu sau vách các rạn san hô. Rồi lại sai mọi người đào hố trú ẩn. Trong cơn lốc, chỉ có cách giấu người trong các hốc đá, trong hố sâu, may ra mới thoát thân. Ngài lại sai Lý Thắm chuẩn bị thức ăn, nấu chín, gói ghém thành từng nắm, phân phát cho mọi người. Ngài lại sai các thủy binh mang vác những con ốc lớn chứa nước ngọt giấu kỹ sau những mô đá san hô lớn để dự trữ.
    Giờ thì Lý Nhất đang ngồi cạnh Lý Thắm trong một hốc đá, choáng váng chứng kiến những cơn lốc biển khủng khiếp đang chà xát bạo liệt qua mặt đảo.
    Có những ánh chớp xanh lè, nhìn như lưỡi của một con quái vật, từng dòng cát lớn bị cái lưỡi xanh lè ấy cuốn lại, cuốn ào ào, xoáy lông lốc trên mặt đảo.
    Lý Thắm níu lấy người Lý Nhất, tóc nàng bị gió thổi bay thành búi, thành nắm:
    -Nếu chàng không biết trước, giờ tất cả đã chết.
    Lý Nhất an ủi:
    -Không sao đâu. Nàng đừng lo. Ở đảo ngoài khơi xa là phải biết quen với những cơn lốc lớn. Nhưng vào mùa này mà có lốc lớn cũng hơi lạ.
    Lý Thắm đột ngột chồm người về phía biển:
    -Chàng nghe cho kỹ… Có tiếng la hét…
    -Có tiếng la hét? Nàng không nhầm chứ?
    -Chàng hãy lắng nghe… Trong tiếng gió rít… trong tiếng sóng, em nghe có tiếng la hét…
    Lý Nhất bò lên khỏi miệng hố, áp sát tai xuống cát, mặt hướng về phía biển. Trong từng ánh chớp, ngài nhìn thấy bóng dáng vật vờ của một con thuyền.
    Lý Thắm hỏi:
    -Chàng thấy gì không?
    -Có thuyền gặp nạn. Nàng gọi mọi người tới, nhanh lên.
    Lý Thắm bò lên khỏi miệng hố, cố gắng áp sát người trên cát, tay bấu vào cái gì được là bấu, cố gắng trườn nhanh về ghềnh san hô bên kia tìm gặp các thủy binh. Nàng vẫn nghe tiếng Lý Nhất hét sau lưng: Bò sát xuống, bò sát xuống…
    Lý Nhất trườn xuống mép đảo. Những con sóng lớn chồm qua người, mang theo cả rong rêu, cả cát biển. Lý Nhất nhướn hết mắt quan sát, đúng là có một con thuyền đang gặp nạn, con thuyền rất gần bờ, và trên đó, trong ánh chớp, lố nhố rất nhiều người.
    Lý Nhất quay về hầm.
    Ngài gặp các thủy binh do Lý Thắm đưa tới, đang đợi lệnh.
    Đô tướng Lý Nhất nói:
    -Có thuyền gặp nạn, phải cứu họ.
    -Thuyền nước Việt hay thuyền ngoại bang?
    -Thuyền nước nào cũng phải cứu. Có người gặp nạn không cứu không được. Nhanh tay anh em. Mỗi người cầm dây thừng, đầu dây thừng buộc chặt vào ghềnh đá, anh em cứ theo dây thừng ra biển, hướng về thuyền gặp nạn, gặp người là cứu, nhanh lên.
    Lý Thắm kéo tay Lý Nhất:
    -Chàng không được đi. Để anh em đi, chàng đừng đi.
    Lý Nhất nói:
    -Ta không đi thì ai theo? Nàng ngồi xuống. Đừng lo gì…
    Lý Nhất xông lên trước. Anh em thủy binh bám theo. Hàng chục dây thừng lớn được níu chặt vào ghềnh đá. Mỗi người một dây thừng bung người ra chân sóng.
    Lý Thắm nhìn.
    Những bóng người bé nhỏ chơi vơi trên những sợi dây, đạp trên đỉnh những con sóng lớn, hướng về con thuyền đang gặp nạn.
    Nàng nhìn thấy Lý Nhất.
    Nàng suýt hét lên mấy lần khi Lý Nhất bị cuốn chặt trong những con sóng lừng lững, đen trùi trũi, quần quật xô tới chàng.
    Lợi dụng ánh chớp, Lý Nhất quan sát anh em. Giỏi lắm, giỏi lắm anh em, cố lên chút nữa, sắp tới thuyền rồi. Con thuyền đang tơi tả. Những bóng người hoảng hốt, níu lấy cột buồm, níu lấy thân thuyền, la hét, kêu khóc, gào thét. Lý Nhất nghe tiếng lạ. Không phải người Việt.
    Lý Nhất và anh em đã lần theo dây thừng vào tới thuyền. Mỗi người níu lấy hai người bị nạn, kéo vào bờ.
    Cho tới khi người cuối cùng được đưa vào bờ thì con thuyền cũng bị tan vụn, nhanh chóng bị sóng biển nhấn chìm mất tung tích.
    Như đêm qua biển không giông bão. Như đêm qua đảo không bị lốc biển hành hạ, giày xéo. Sáng, bình minh lên. Mặt biển xanh quá, yên lành quá.
    Hai mươi tám người được cứu sống trên con thuyền gặp nạn phủ phục dưới chân Lý Nhất.
    Chủ thuyền tên là Hứa Văn nước mắt ngắn, nước mắt dài, nhìn Lý Nhất:
    -Ơn cứu mạng của Ngài và các thủy binh, chúng con biết làm chi trả được?
    Lý Nhất ân cần:
    -Kiểm lại người, còn sống cả không?
    -Dạ bẩm… Mất 5 người..
    Lý Thắm thở dài:
    -Giông tố như vậy, sức chúng tôi không thể cứu hết được, thật lòng ân hận quá.
    Hứa Văn mếu máo:
    -Nhiều thuyền buôn của nước chúng tôi, trước đây qua khu vực này gặp bão lớn là chết hết. May bây giờ, có Ngài và các thủy binh chấn giữ đảo, cứu chúng tôi, thật không ơn gì kể xiết.
    Lý Nhất hỏi:
    -Từ đây về Bắc triều các người, đường biển xa xôi, thuyền ấy, người ấy, liệu có an toàn?
    Hứa Văn nói:
    -Năm nay lạ, có lốc biển vào lúc này hiếm gặp. Bình thường, tháng này biển yên nên chúng tôi mới dám theo thuyền buôn bán.
    Lý Nhất dẫn Hứa Văn và đám tùy tùng tới một chân cột gỗ:
    -Biết cái này chứ?
    Hứa Văn gật gật đầu:
    -Bẩm. Đây là mốc giới nước Việt của các ngài.
    Lý Nhất khoát tay:
    -Lâu nay không có ai ra giữ cương giới, nay Hoàng đế  sai ta ra đây, trùng trùng điệp điệp các đảo cát vàng kia là của người Việt. Ở Bắc triều, các người cũng biết vậy chứ?
    Hứa Văn xun xoe:
    -Dạ biết. Dân buôn đi biển lại càng phải biết. Dù lâu nay đảo không người, nhưng bản đồ của Bắc triều chúng con cũng đã chỉ rõ, trùng điệp đảo cát vàng được đánh dấu là của người Việt. Nay có Ngài ra trấn giữ, thuyền buôn của thần đi lại an tâm bội phần, vừa không lo cướp biển, vừa được cứu vớt khi gặp hoạn nạn. Về chuyến này, thần sẽ dâng sớ lên Hoàng đế Bắc triều, xin ghi công trạng Ngài và những thủy binh nước Việt trên đảo cát vàng đã cứu nạn, đã cưu mang thần dân Bắc triều lúc sóng to biển động. Xin đa tạ.
    Lý Thắm dọn cho Hứa Văn và thuyền viên một bữa ăn ngon.
    Đúng lúc biển lặng, gió thuận, xuất hiện một con thuyền buôn cùng hội với Hứa Văn đi ngang qua đảo, Lý Nhất giúp Hứa Văn liên lạc với thuyền bạn, đưa giúp Hứa Văn và đoàn thủy thủ cùng về Bắc Triều.
    Lý Nhất tiễn Hứa Văn tận chân đảo.
    Hứa Văn cảm kích:
    -So với Bắc triều của thần, nước Việt bé lắm, nhưng nước Việt vươn được cánh tay dài ra biển, Bắc triều của thần thì không thế.
    Lý Nhất ngạc nhiên:
    -Ngươi nói vậy là có ý gì?
    Hứa Văn cười:
    -Không có ý gì. Hoàng đế Bắc triều mãi chăm chú trên đất liền, chưa nghĩ tới biển, không có ham hố gì vươn tay ra biển. Thần biết nước Việt bé, nhưng vươn ra biển là để giữ nước từ xa, bái phục bái phục.
    Lý Nhất nói:
    -Không kể là nước nhỏ, nước lớn, đã là đất đai tổ tiên thì một hạt cát, một gốc cây, một phiến đá cũng là chủ quyền, phải giữ.
    -Chí phải. Chí phải. Đảo cát vàng của người Việt thì người Việt mang người ra giữ. Chí phải. Chí phải.
    Lý Nhất thăm dò:
    -Nói như ngươi, Bắc triều không lo phát triển thuyền binh?
    Hứa Văn nhìn Lý Nhất:
    -Thuyền binh ư? Biển cả mêng mông, thuyền buôn mới phải chăm chú, sắm thuyền binh để làm gì?
    Lý Nhất gật đầu:
    -Đúng thế. Đúng thế. Chỉ cần sắm thuyền buôn, không sắm thuyền binh. Hoàng đế Bắc triều của ngươi thật sự sáng suốt.
    Hứa Văn cầm tay Lý Nhất:
    -Thần là thần dân Bắc triều, đi trên biển buôn bán, gió lốc bão tố gặp phải dễ chết. May nhờ ơn cứu mạng của Lý Nhất, suốt đời thần không quên.
    Lý Nhất nói:
    -Nước Việt ta so với Bắc triều rất bé nhỏ, nhưng nhà ngươi thấy đấy, đôi khi gặp hiểm họa, người nước Việt bé nhỏ vẫn có thể cứu giúp người nước lớn.
    Cả hai cùng cười.
    Hứa Văn gửi tặng Lý Nhất cây kiếm ngắn:
    -Coi như vật lưu giữ tình bạn, xin ngài đừng từ chối.
    Lý Nhất cũng gửi tặng Hứa Văn con ốc bé, thổi kêu to, có khắc chữ Nước Việt:
    -Ta cũng gửi nhà ngươi món quà trên đảo. Nhớ nhau thì thổi một tiếng. Thổi con ốc này để nhớ có một người bạn nước Việt trên đảo cát vàng.
    -Hảo hảo. Hảo hảo.
    Họ chia tay nhau.
    Lý Nhất nhìn theo.
    Hứa Văn nâng con ốc lên thổi một hơi. Âm thanh từ vỏ ốc vang rất xa, rất xa, vần vụ bốn phương tám hướng.

    9.
    Lý Thắm nhận thấy mấy ngày nay Lý Nhất tâm trạng bất an.
    Có những buổi trưa, dưới nắng, Đô tướng Lý Nhất đi ngắm nghía từng ghềnh đá san hô. Chàng dùng những thanh sắt đục đẽo đá san hô ra thành từng phiến vuông vắn, rồi xếp lên nhau, trầm ngâm.
    Nhiều lần chàng đi thám sát các đảo, chuyến đi nào cũng kỹ càng. Rồi chàng vẽ bản đồ, đánh dấu đảo, miệt mài hàng đêm như vậy.
    Có lần chàng sai  mấy thủy binh cùng mình đào nhiều hố cát trên đảo, tìm kiếm nước ngọt.
    Gương mặt chàng bạc phơ trong nắng gió, ánh mắt chàng trĩu nặng nỗi lo lắng triền miên. Đêm đêm, gác đầu lên ngực Lý Nhất, Lý Thắm nghe rõ cả những tiếng thở dài của chàng đang muốn nén lại.
    Không chịu được, Lý Thắm hỏi:
    -Nếu chàng coi em như người mà chàng tin tưởng, hãy nói em biết, chàng đang lo lắng chuyện gì.
    Lý Nhất bế nàng đặt ngồi gọn gàng trên bộ ngực vâm váp, nở căng, cuồn cuộn những thớ thịt, nói:
    -Ta không tin nàng thì tin ai nữa.
    -Vậy chàng nói đi.
    -Nàng thấy không, đảo liên tục gặp lốc tố, liệu có lập được làng, lập ấp, rồi người già, rồi trẻ con, rồi sinh sống làm sao, nhà cửa làm sao…
    -Em cũng thấy vậy.
    -Từ khi ta cứu thuyền buôn của Hứa Văn, nói chuyện với hắn, vẻ ngoài thì hắn một hai thưa bẩm, nhưng sao cái vẻ mặt người Bắc triều cứ khiến ta thấy lành lạnh, thấy bất an.
    Lý Thắm hồn nhiên:
    -Em thấy Hứa Văn có gương mặt đẹp… Nhưng đôi mắt nhìn thì thật đáng sợ… Thật khó lường…
    Lý Nhất nói:
    -Hắn nói, về nước, hắn sẽ trình sớ lên Hoàng đế Bắc triều về việc đảo cát vàng đã có người Việt canh giữ. Hắn nói là sẽ làm. Vì hắn làm không phải vì hắn mà vì nước hắn. Lâu nay đảo hoang, Bắc triều chẳng ngó ngàng chi. Nay biết người Việt ta ra giữ đảo, liệu Bắc triều có ngồi yên?
    Lý Thắm hiểu ra, chợt nói:
    -Hứa Văn nói với em, nếu em muốn, hắn sẽ mang em về Bắc triều, cưới làm vợ, sống  cuộc đời trong vinh hoa phú quý.
    Lý Nhất vùng bật dậy:
    -Thật vậy sao?
    Lý Thắm bị bàn tay Lý Nhất xô bật tới, làm nàng ngã sấp xuống.
    Lý Nhất hỏi rồi ngồi im như một phiến đá.
    -Chàng ghen em? Lý Thắm ngắm nhìn Lý Nhất, nhẹ nhàng hỏi.
    Lý Nhất im lặng.
    -Em tưởng chàng đã không biết ghen?
    Lý Nhất im lặng.
    -Từ ngày gặp chàng, em chưa nghe chàng nói đến tiết hạnh, em chưa nghe chàng nói đến hai chữ chung thủy. Chàng còn lệnh cho em phải tới với những trai tráng khác. Giờ thì chàng ghen ư?
    Lý Nhất im lặng. Lý Thắm thôi không nói gì nữa cũng im lặng. Chèn vào đó là tiếng sóng vỗ trễ nải, như đếm.
    -Đàn ông không ai không quý hai chữ tiết hạnh- Đột ngột, Lý Nhất lên tiếng.
    Lý Thắm ngạc nhiên:
    -Chàng nói thế mà nghe được. Nếu quý tiết hạnh, nếu chàng muốn em là của chàng, sao chàng lệnh cho em phải đến với những chàng trai khác trên đảo?
    Lý Nhất cứng cỏi:
    -Tiết hạnh ở trong tim mình, ở trong lòng nàng. Ta nói nàng đến với trai tráng trên đảo là nghĩ tới tương lai, là cần những đứa con cho đảo. Đó là việc lớn, là đại sự. Tiết hạnh là khác, là nàng phải chung tình với ta, chung tình với anh em, không được chung tình với kẻ ngoại bang như Hứa Văn… Ta cần nàng tiết hạnh với nước Việt, nàng hiểu không?
    Lý Thắm nắm tay Lý Nhất:
    -Không. Em không bao giờ chung tình với ngoại bang. Người ta nói với em thế thì em kể lại thế, chàng không tin em ư?
    Lý Nhất nói:
    -Hắn gạ gẫm nàng như vậy là có ý gì?
    -Thế chàng nói hắn có ý gì?
    -Người Bắc triều là nước lớn. Khi đã là nước lớn thì không muốn có nước bên cạnh lớn mạnh. Nước Việt ta bé lắm, nếu không vững, dễ bị người Bắc triều thôn tính.
    -Chàng lo mất đảo?
    -Mất đảo không sợ bằng mất lòng tin.
    -Em không hiểu.
    -Mất đảo có thể lấy lại. Mất lòng tin vào Triều đình, vào Bệ hạ là mất hết.
    Lý Nhất suy nghĩ rồi nói tiếp:
    -Ta tính thế này. Phải viết tấu trình lên Hoàng thượng. Phải nhanh chóng tìm cách giữ đảo. Nhanh chóng sung quân ra đảo. Nhìn vào ánh mắt của Hứa Văn, ta đoán được, kiểu chi Bắc triều cũng nhòm ngó đảo cát vàng này, nếu không âm mưu cướp đảo thì cũng làm khó ta. Ngoài này xa xôi, ta trong tay không có binh lực. Nếu Hứa Văn nhận ra đảo này như là nơi để dừng chân, như là nơi để trở thành trung gian đầu mối giao thương trên biển, đảo dễ mất.
    -Chàng đừng làm em sợ.
    -Ta ăn bổng lộc triều đình, phải biết nhìn xa trông rộng, đặng tấu lên Hoàng thượng để có cách giữ vững cương giới. Việc của ta không phải chỉ lo thu vén của cải sản vật gửi vào cho Hoàng thượng, mà còn phải biết cách gây dựng ở đây cái phên dậu vững vàng, cho hôm nay, cho con cháu.
    -Bây giờ chàng tính sao?
    -Ta vẫn không biết Hoàng thượng đã nhận được tin tức gì của ta không? Xa xôi cách trở, tin đi không hồi đáp, đó là cái khó…
    -Hai tháng rồi không tin tức chàng ạ
    -Đúng vậy… Đã tới mùa biển lặng, sóng êm, nếu không có thuyền bè do Bệ hạ cử ra cứu viện, ta e là tin tức của ta đã không tới được tay Hoàng thượng…
    -Nhưng nếu Hoàng thượng cho sung người, chàng tính lo liệu cuộc sống sao đây… Đảo hoang như thế… thiếu thốn và nguy hiểm
    Lý Nhất sôi nổi:
    -Ta sẽ tổ chức thành làng, thành ấp, thành đội chài lưới, đội tìm kiếm sản vật, nhà cửa thì làm bằng đá san hô, làm sâu xuống cát tránh bão. Rồi lo đóng thuyền lớn, có thể giao thương qua lại. Đảo phải đông người, phải có thủy binh, phải có dân binh, phải có đàn bà, trẻ con, có vậy người ở lại mới yên, người ở xa cũng yên, rồi mở rộng giao thương với các nước lân bang theo đường biển. Các nước lân bang thấy đảo đông đúc, ổn định, họ sẽ thôi nhòm ngó, thôi mưu loạn, thế ấy là phên dậu vững vàng. Nàng hiểu chứ?
    -Mấy tháng nữa em sinh con rồi chàng ạ- Lý Thắm nói nhỏ.
    Lý Nhất ôm nàng.
    Lý Nhất bất chợt cất giọng ê a hát.
    -Mấy tháng nữa em sinh con rồi chàng ạ- Lý Thắm nhắc lại.
    -Ý nàng muốn ta cho nàng vào đất liền?
    -Không. Em muốn cho chàng biết thôi.
    -Nàng phải vào đất liền.
    -Không. Em muốn sinh con ở đây.
    -Nàng nói thật chứ? Nếu sinh con ở đây, nàng phải biết là rất cực, thiếu thốn và nguy hiểm cho con cái.
    -Em biết. Nhưng nếu em không sinh con ở đây, liệu sau này, có ai dám ở đây để sinh con?
    Lý Nhất ghì lấy Lý Thắm:
    -Ta sẽ bảo vệ con của nàng. Nàng tin chứ?
    Lý Thắm ngả đầu vào ngực Lý Nhất, lắng nghe tiếng tim đập mạnh mẽ trong lồng ngực của chàng, nàng mỉm cười. Người đàn bà có hạnh phúc và bình yên nào hơn khi được tựa cuộc đời mình lên một bộ ngực đàn ông mạnh mẽ như Lý Nhất.












    10. 
    Hứa Văn dâng tấu lên Hoàng thượng Bắc triều.
    -Thưa Bệ hạ, thần dân thấp kém, chỉ lo buôn bán, nay có tin mới về việc người Việt đã trấn giữ đảo cát vàng, nay tấu lên Hoàng thượng đặng xem xét.
    -Xem xét cái gì? Hoàng Thượng hỏi.
    -Bẩm Bệ hạ… Dải đảo ấy ở nơi hiểm yếu. Về nước Việt cũng không bao xa mà về Chính quốc ta cũng không bao xa…
    -Nhà ngươi nói vậy là có ý xúi ta lấy đảo cát vàng kia?
    -Bẩm bệ hạ đúng như vậy.
    -Từ lâu đời nay, dải đảo ấy trong cương giới bản đồ đã thuộc người Việt, cớ sao ta lấy?
    -Nước Việt bé nhỏ, Bắc triều ta là nước lớn, ta muốn làm gì không được thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng cả cười:
    -Nhà ngươi nhắc ta nhớ câu: ngoài biển khơi, cá lớn nuốt cá bé.
    -Bẩm Bệ hạ, đảo cát vàng còn là nơi nhiều sản vật quý giá, còn là nơi có nhiều vàng ngọc của lũ buôn bán của nhiều nước bị gió bão hủy hoại thuyền bè trôi dạt vào, còn là nơi án ngữ cả vùng biển lớn. Bắc triều ta dù rộng lớn, nhưng phía biển còn để ngỏ, thưa Bệ hạ.
    Quan đại thần tiếp lời:
    -Bẩm Bệ hạ, Hoàng đế nhiều đời của Bắc triều ta đều chú tâm ở đất liền, bỏ rơi cương giới ngoài biển lớn. Nước Việt tuy bé nhưng khôn ngoan, án ngữ cương giới ngoài biển khơi là đón nhiều cơ hội, có nhiều cơ hội giao thương thì nước bé sẽ dần thành nước lớn, e bất lợi cho Chính quốc ta.
    Lại một Quan đại thần nữa tiếp lời:
    -Cả ngàn năm rồi, nước Việt đã là chư hầu của ta. Chỉ mấy niên đại gần đây, nước Việt tách làm riêng, cõi riêng, quốc thổ riêng, bé nhỏ thế mà khôn ngoan, vươn tay ra biển khơi là khôn ngoan, án ngữ nhiều đảo ngoài khơi xa là khôn ngoan thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Ta nghe, hoàng đế Nhà Lý nước Việt rất được lòng dân tin yêu, nói một câu, bách tính muôn nhà nghe lời, đồng lòng trăm họ?
    -Bẩm Bệ hạ, quả đúng thế.
    -Ta lại nghe, từ khi nước Việt dành được quyền tách khỏi Bắc triều, hàng năm vẫn không quên bang giao với ta, có gì đẹp, có gì quý cũng nhớ đến Triều đình ta, nước bé mà biết nước bé để yên ổn làm ăn, đó là cái khôn của người Việt. Nước lớn như Bắc triều ta mà tới đâu cũng vỗ ngực khoe là nước lớn là cái ngu si của Bắc triều. Sống mà để các nước lân bang nghi ngờ, không mấy tin tưởng, e rằng dễ bị cô lập.
    -Bẩm Bệ hạ, Bệ hạ anh minh.
    -Người Việt có câu, biết đủ là đủ, ấy là cái khôn của người Việt. Nước bé mà đồng lòng, trăm họ một lời, cái bé ấy là cốt cách, là đá sỏi, cứng lắm, chắc lắm. Bắc triều ta thường khoe đất rộng, người đông, lắm mưu nhiều kế, thế cũng tốt. Nhưng để các nước lân bang lúc nào cũng nghĩ ta đất rộng người đông dễ bề ăn hiếp, lúc nào cũng nghĩ Bắc triều ta lắm mưu nhiều kế, phỏng như vậy nào có hay ho?
    -Bệ hạ anh minh.
    -Giữa kẻ đi cướp với kẻ giữ của, ai đồng lòng hơn ai? Thay không cướp mà vẫn có, không mang tiếng mà vẫn được, không gây chiến mà vẫn thu về nhiều thứ, chọn cái nào?
    -Bẩm Bệ hạ, lời dạy của Bệ hạ thần dân không quên.
    -Nay người Việt đã cho người ra trấn giữ đảo của họ ngoài biển khơi, cái đó có lợi cho họ, có lợi cả cho ta. Suy cho rộng, có lợi cho ta nhiều hơn có lợi cho họ. Ta chẳng mất gì mà được nhiều. Nước Việt giữ đảo, giữa biển khơi nhiều hiểm họa, đổi mạng sống lấy bình yên, ta không mất gì mà được lắm.
    -Bẩm Bệ hạ, lời Bệ hạ cao siêu quá, thần dân chưa hiểu.
    -Nay ta truyền chỉ, cho sứ thần sang nước Việt, xin Hoàng đế nước Việt cho Bắc triều ta được giúp sức thêm cho nước Việt để giữ cương giới ngoài đảo, cần người cho người, cần vàng bạc cho vàng bạc, cần gỗ ván, vải vóc cho gỗ ván vải vóc. Ta cũng thấy, Hứa Văn trung thành với Chính quốc, lại quen đường biển, không sợ hiểm nguy, một lòng vì ta, vì trăm họ, nay ta ban Thánh chỉ sắc phong cho Hứa Văn làm đại quan trấn ải Biển Nam hải.
    Hứa Văn quỳ sụp:
    -Tạ ơn Hoàng thượng.
    Hoàng Thượng nhìn các quan đại thần:
    -Cho các ngươi lui. Ta muốn gặp riêng Hứa Văn bàn thêm chuyện cơ mật.
    Các quan lui cả. Hứa Văn được Hoàng thượng cho vời vào cung cấm.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Nếu Bắc triều ta lấy được cả dải đảo cát vàng nước Việt, ta được gì, ta mất gì?
    Hứa Văn đáp:
    -Bẩm Bệ hạ. Được là được vị trí án ngữ cả vùng biển lớn. Được là được quyền cai trị, quyền kiểm soát, quyền giao lưu, quyền phong tỏa rộng lớn ra phía đông, xuống phía nam. Được là được sản vật quý giá, tài nguyên vô khối, chủ động giám sát thuyền bè của các nước lân bang. Mất là mất lòng dân nước Việt, sinh thù hằn. Mất là mất niềm tin cậy của nhiều nước lân bang, sẽ coi ta là kẻ đi cướp đất đai các nước giềng, vì thế các nước làng giềng ắt sẽ bắt tay nhau, một nước bé là nước bé, nhiều nước bé đứng bên nhau thành đại nước lớn.
    Hoàng thượng hài lòng:
    -Khá khen cho nhà ngươi nói được nhiều điều mà ta hằng suy nghĩ. Ta cướp mà người bị cướp không la vẫn hoan hỉ ôm lấy ta tung hô hảo hảo, ấy là cướp khôn. Ta đâm nhát dao vào đối phương mà thiên hạ không nghe kẻ bị ta đâm kêu la thảm thiết, vẫn vang vang hai chữ hảo hảo, ấy là giết người khôn khéo. Muốn giành đất đai nước Việt, đừng dùng binh đao, đừng dùng thế mạnh, mà càng phải keo sơn với nước Việt, hữu hảo với nước Việt, đặng làm cho nước Việt coi ta là bạn, là anh em… Đặng làm cho nước Việt tin cậy. Đến ngày người Bắc triều ta sống chung với người nước Việt, sinh con đẻ cái tại nước Việt, ấy là khi nước Việt thuộc ta…
    -Bẩm Bệ hạ, thần hiểu.
    -Đừng nghĩ tới dân chúng nước Việt, nên nghĩ nhiều tới triều đình Việt, quy phục được triều đình là quy phục bách tính.
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế.
    -Há lẽ Bắc triều ta rộng lớn, giàu có mà không có quà cáp, không có báu vật làm xiêu lòng Triều đình nước Việt sao?
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế.
    -Há lẽ Bắc triều ta không làm gì nổi cho nước Việt tin ta và nước Việt là anh em, liền môi, liền miệng, sát chân, cạnh tay sao?
    -Bẩm Bệ hạ, thần hiểu ý Bệ hạ.
    -Đừng nóng vội. Chỉ cần biết ta phải lấy nước Việt, lấy vài hòn đảo là nhỏ, lấy cả nước Việt là việc lớn, năm năm, trăm năm, ngàn năm, đừng quên điều đó. Lấy rồi mà nước Việt vẫn phải tung hô hảo hảo, ấy là dụng ý của ta. Nay ta già rồi, nhưng các Hoàng đế nối ngôi, vẫn cứ thế mà làm. Bắc triều ta đã lớn, nhưng biết thế nào là lớn, vì thế cứ phải mở rộng cương giới, nhưng mở rộng cương giới thì phải khôn ngoan thế, lấy mà như không lấy, cướp mà vẫn chịu cho cướp, rồi tới ngày, dù mang tên nước Việt nhưng tất cả đều thuộc về ta. Có tên nước đã chắc gì có độc lập, hiểu không?
    Hứa Văn cúi đầu:
    -Lời Bệ hạ dạy, con ghi lòng tạc dạ.
    Lúc ấy nghe có tiếng nói vọng vào:
    -Bẩm Bệ hạ có quan đại thần nước Việt tên là Lý Bật xin yết kiến.




    11.
    Lý Bật được quan nội cung dẫn thẳng vào gặp Hoàng đế Bắc triều.
    Hoàng đế Bắc triều im lặng ngồi ngắm Lý Bật từ đầu tới chân. Lý Bật đầu cúi, tay khoanh, cố gắng đứng thẳng nhưng chân run, đầu mũi giày lật bật không yên.
    -Bẩm Bệ hạ, đây là Lý Bật, quan đại thần nước Việt, giữ cương giới phía bắc giáp với Chính quốc ta.
    -Ta biết người này- Hoàng thượng nói rồi sai quan đại thần- Nhà ngươi bước tới, kiểm tra chân Lý Bật xem nào.
    Đại thần bước tới, vén ống quần của Lý Bật, đặt bàn tay lên bàn chân Lý Bật, nghiêm trang nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Bàn chân của đại thần Lý Bật run lắm
    -Ta biết. Người ngay thẳng, chân không run, mắt không nhìn xuống.
    Lý Bật hốt hoảng:
    -Bẩm Bệ hạ… Bệ hạ đừng nghĩ sai cho thần… Thần dù là quan đại thần nước Việt nhưng xin phụng mệnh Bệ hạ, xin dâng nộp cho Bệ hạ bản đồ cương giới cả đất liền và biển đảo của nước Việt cho Bệ hạ.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Nhà ngươi tự nguyện?
    Lý Bật lắp bắp:
    -Dạ dạ… Bẩm Bệ hạ, thần tự nguyện.
    Hoàng thượng lại hỏi:
    -Ngươi là đại thần nước Việt, can cớ chi lại tự nguyện với ta?
    Lý Bật liến láu:
    -Bẩm Bệ hạ. Dù thần là quan quân nước Việt, nhưng theo gia phả, từ ngày xưa, cha ông thần là người Bắc triều, là thần dân của Bệ hạ.
    Hoàng thượng lại hỏi:
    -Ngươi có thù hằn gì với nước Việt?
    Lý Bật tâu:
    -Bẩm Bệ hạ, thù hằn thì không, hoàng đế nước Việt vẫn cho thần bổng lộc đầy đủ. Nhưng thần trộm nghĩ, mình có tài cán, có sức vóc, chi bằng mang thân đi phụng sự Bắc triều, đặng nhìn thấy tương lai xán lạn, còn hơn đi phục vụ cho một nước Việt bé nhỏ, được mất không biết khi nào, sống chết không biết khi nào…
    Hoàng thượng và các quan trong triều nhìn nhau.
    Lý Bật tâu:
    -Thần biết, sớm muộn chi nước Việt cũng trở thành chư hầu như ngàn năm trước nay vẫn là chư hầu Bắc triều. Chi bằng xin lập công trước, dâng nộp bản đồ cơ mật cương giới trên đất liền, trên biển đảo cho Hoàng thượng, đặng hy vọng Hoàng thượng mau mau lấy nước Việt…
    Hoàng thượng hỏi:
    -Nếu ta lấy nước Việt, thì nhà ngươi được gì?
    Lý Bật:
    -Dạ… Bẩm Bệ hạ, cái đó…
    Hoàng thượng lại cùng các quan trong triều nhìn nhau.
    Lý Bật nói:
    -Có công thì có thưởng. Chắc Hoàng thượng không eo hẹp. Thần trộm nghĩ, những bản đồ, những sơ đồ chỉ dẫn đầy đủ vị trí phòng thủ của nước Việt nơi cương giới cũng đủ Hoàng thượng cảm kích mà ban thưởng.
    Hoàng thượng gật gù:
    -Phải… Bắc triều ta lấy thưởng phạt làm đối nhân xử thế. Công như nhà ngươi, thưởng bao nhiêu cũng không đủ, nhà ngươi có thể xin ta cái gì cứ xin…
    Lý Bật hoan hỉ:
    -Bẩm Hoàng thượng… Thần dù tài hèn nhưng so với Hoàng thượng nước Việt thì như so cây cổ thụ với cỏ dại. Hoàng thượng nước Việt nhất thời được lòng dân nhưng rồi chẳng mấy lúc mà bị phế truất. Chi bằng xin Hoàng thượng sau khi lấy nước Việt, sắc phong cho thần Hoàng đế chư hầu, thay thế Hoàng thượng nước Việt, được vậy, thần cung cúc phụng sự Hoàng thượng, phụng sự Bắc triều.
    Hoàng thượng nhíu trán:
    -Người đang làm quan đại thần nước Việt, bỗng chốc dâng nộp bản đồ cơ mật lên ta, rồi xúi ta lấy nước Việt, rồi xin ta phong làm Hoàng đế Chư hầu, ngươi bán nước Việt được thì bán Bắc triều được, ta nói vậy không sai chứ? Các khanh thấy sao?
    Các quan đại thần đồng thanh:
    -Hoàng thượng sáng suốt.
    Hoàng thượng lại nói:
    -Ta đang làm nhiều việc để Bắc triều và nước Việt hữu hảo, thuận ý trời, thuận bách tính trăm họ, can cớ chi ta lại đi xâm lược nước Việt. Ngươi là quan đại thần nước Việt lại nghĩ Bắc triều ta có mưu lấy nước Việt, ta hỏi ngươi, ý này ở nước Việt bách tính có ai nghĩ như ngươi không?
    Lý Bật lúng túng:
    -Bẩm Bệ hạ, cái đó…
    Hoàng thượng và các quan đại thần lại nhìn nhau.
    Hoàng thượng nói:
    -Xét tội ngươi bán nước Việt, đáng chém đầu tại đây, nhưng lại xét ngươi có ý muốn phụng sự ta, nên ta tha tội chết.
    Lý Bật tái mặt:
    -Bẩm bệ hạ…
    -Trên thế gian, không hoàng đế nước nào lại đi thu nhận kẻ tạo phản. Ta nghĩ, nếu ngươi là thần dân của ta, e thần dân của ta sẽ băm ngươi ra trăm mảnh.
    Lý Bật sụp lạy:
    -Cúi xin Bệ hạ soi xét, quả thực con muốn quay đầu về Chính quốc.
    Hoàng thượng nói tiếp:
    -Nhưng nếu ta biết ngươi tạo phản mà không giao nộp cho Hoàng đế nước Việt, phỏng tình hữu hảo hai nước nào có hay ho.
    Lý Bật đau khổ:
    -Trời ơi, Bệ hạ…
    Hai tên lính xách tay lôi Lý Bật ra.
    Hoàng thượng nói với các quan đại thần:
    -Các khanh thấy ta làm vậy đúng hay sai?
    Quan đại thần:
    -Bệ hạ anh minh.
    Hoàng thượng nói:
    -Trong lúc này, muốn nước Việt tin ta, thì ta phải nộp thằng phản loạn này cho nước Việt. Các khanh thấy sao?
    -Bẩm Bệ hạ, đúng thế.
    -Lý Bật tham lam tiền của, dâng nộp cơ mật lấy thưởng, lại tham lam đòi ta sắc phong Hoàng đế Chư hầu, hạng người này nguy hiểm, nước Việt có nó cũng nguy hiểm mà Bắc triều ta nhận nó cũng thậm nguy.
    -Bẩm Bệ hạ, đúng thế.
    -Bắc triều hay nước Việt, hay nước nào cũng vậy, có kẻ trung chính và cả những kẻ tạo phản. Ta giao Lý Bật cho nước Việt, hẳn Hoàng đế nhà Lý sẽ cảm kích.
    -Bẩm Bệ hạ đúng vậy.
    -Muốn lấy nước Việt, hãy để cho nước Việt cảm kích ta, cảm kích rồi mới chịu nghe ta khuyên bảo, đó là ý ta vậy.
    Quan đại thần nhìn nhau, gật gù.
    Hoàng thượng hạ chỉ:
    -Cho lính cơ mật đóng cũi, nhốt Lý Bật vào trong đó, rồi giao sứ thần mang hắn về trả cho nước Việt.
    -Tuân chỉ.
    Hoàng thượng cho các quan lui ra hết, chỉ còn một quan đại thần phụ trách cơ mật của Triều đình ở lại.
    Hoàng thượng nói:
    -Một mặt cho sứ thần nhanh chóng mang Lý Bật giao nộp cho nước Việt, một mặt sai các Quan đầu tỉnh ở cương giới phía Bắc, theo bản đồ bố phòng của nước Việt mà Lý Bật dâng tặng, điều quân xâm lấn, đánh bật quân nước Việt càng sâu càng tốt, lấy thêm một thẻo đất cũng lấy, lấy thêm một gốc cây cũng lấy. Bản đồ cơ mật của Lý Bật rất hay, ta chỉ cần đánh úp là quân nước Việt hoảng loạn bỏ chạy. Rồi nếu nước Việt lên tiếng phản đối, ta sẽ ra sắc chỉ quở trách chính quyền địa phương.
    Quan cơ mật:
    -Nhưng thần nghĩ, nếu làm thế e Hoàng đế nước Việt…
    -Ta hiểu ý khanh. Chuyện va chạm nơi cương giới thời nào không có. Hoàng đế nước Việt cảm kích ta chỉ mặt một tên đại thần phản loạn, há phiền lòng mấy vụ lấn cương giới lẻ tẻ kia sao?
    -Hoàng thượng sáng suốt.
    -Lấn đất cương giới, chưa có thời cơ thì chưa làm to, mỗi ngày một tí, mỗi tháng một tí, mỗi năm một tí, êm êm thuận thuận, làm thế không thành việc lớn quốc gia thì quan hệ hai nước vẫn muôn năm hữu hảo..
    -Hoàng thượng sáng suốt.
    -Thôi, khanh nhanh chóng lên đường.
    Lý Bật bị đẩy vào cũi gỗ ngay trong đêm. Lính lại để cũi gỗ giữa trời, ngay sân Hoàng cung. Lại đặt bên cạnh cũi một cái bánh bao, một miếng thịt mỡ. Lý Bật ngồi, mắt nhìn cái bánh bao. Không lấy ăn thì đói. Lấy ăn thì cảm thấy thẹn lòng. Đường đường một đấng quan đại thần, bổng lộc, người hầu kẻ hạ, giờ đột nhiên ngồi cũi, như con chó, miếng ăn cũng ngang suất chó.
    Lý Bật rủa cha. Cha hắn dạy, khi muốn lên chức thì nằm rạp xuống mà trườn, người ta nói hay thì mình phải nói hay, người ta nói thối thì mình phải tung hứng nói thối, không được sai lời. Khi đã lên chức cao thì phải có chí lên cao hơn. Muốn lên cao hơn thì phải biết trấn áp thằng ở dưới. Dân Việt vốn như con cua trong rổ. Cua trong rổ không cần che đậy miệng rổ mà chẳng con nào chui được ra ngoài. Con này mới chui lên miệng, mấy con kia đã vội kéo xuống, cứ vậy luẩn quẩn trong rổ, không con nào vươn được để thoát thân. Muốn thế thì phải nhờ vào ngoại bang. Có ngoại bang kéo ra khỏi rổ thì mới mong làm vương làm tướng. Nay theo lời cha, hắn nhờ đến ngoại bang, ai dè ngoại bang còn hơn cả cua trong rổ, lại đè dúi hắn xuống để giả bộ làm ơn làm phúc. Thật đời khốn nạn.
    Lý Bật rủa mình. Tham vàng bạc châu báu thì ai không tham, nhưng hắn đã tham sai. Hắn tham mà vác xác sang Bắc triều, thành tội tạo phản. Nay được đưa về nước Việt, cái chết là cầm chắc. Chi bằng cứ tự sát, còn để lại chút danh, rằng quan đại thần Lý Bật bị Bắc triều bắt, một mực không khai báo, một mực trung chính với Hoàng đế nước Việt, chết vậy là chết vinh. Chết vì tạo phản thì còn tru di tam tộc.
    Lý Bật rủa thầy tướng số. Ngày sinh hắn ra, mẹ hắn cho vời thầy xem tướng đến, thầy phán, sau này Lý Bật chức thấp cũng quan đại thần, chức to làm tới Hoàng đế. Hắn nhớ mãi, nhớ mãi, nhớ mãi nên mới nông nỗi này, nếu có làm hoàng đế e cũng là hoàng đế cho lũ chó nuôi không hơn không kém.
    Hứa Văn nghe tin Hoàng thượng cho nhốt Lý Bật vào cũi bắt mang về nước Việt trị tội tạo phản thì lấy làm tò mò. Nửa đêm, Hứa Văn sai lính dẫn mình ra sân Hoàng cung, ngồi bên cũi nhốt Lý Bật.
    Hứa Văn ngắm nghía Lý Bật, lại cầm tay soi chỉ, lại xách tai coi dáng, lại kéo tóc coi lông mày.
    Lý Bật cáu:
    -Thân phận ta đáng như phận chó lắm sao?
    Hứa Văn cả cười:
    -Là đại trượng phu ai bất mãn như thế.
    Lý Bật trừng mắt:
    -Hoàng thượng các người trở mặt, há đáng mặt trượng phu sao?
    Hứa Văn nói:
    -Sao ngươi không tìm cách chi đàng hoàng lại tìm cách tạo phản?
    Lý Bật trố mắt:
    -Ngươi nói vậy là có ý gì?
    Hứa Văn nói:
    -Chọn đường tạo phản là chọn đường chết. Chi bằng ngươi cúi xin Bệ hạ soi xét, đừng xin bổng lộc, đừng xin chức tước, chỉ xin mạng sống, Bệ hạ ta bao dung như trời biển, chắc sẽ thuận lòng…
    Lý Bật sụp lạy trong cũi:
    -Xin một lạy giúp cho kẻ hạ thần này thoát chết.
    Hứa Văn nhìn Lý Bật rồi đưa bàn tay mình ra:
    -Bàn tay này lật bên này, lật bên kia dễ. Hoàng thượng ta nói ra lời rồi thu lại lời cũng dễ như lật bàn tay vậy.
    Và cười.
    Lý Bật trố mắt nhìn.
    Hứa Văn phe phẩy cái quạt lông ngỗng, đứng dậy, bước đi cười ha hả.
    Tiếng cười của Hứa Văn khiến Lý Bật co rúm, lạnh toát, tưởng như mình đang được đặt vào một cỗ quan tài.