Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Tagged Under:

CÁT TRỌC ĐẦU (Phần 2)

By: Unknown On: 15:45
  • Chia sẻ bài này >
  • 9.
    NƯỚC
    Nắng khốc liệt. Bầu trời bị đẩy cao tới vô cùng và xanh ngắt, không một gợn mây nhỏ. Từ mờ sáng, khi ánh mặt trời như ở chảo lửa đổ ập xuống, thì phía tây, gió lào cứ thế thổi sang, rát mặt, cuốn bụi mù mịt ở các cung đường vốn lúc nào cũng bị cày xới, cày xới bởi bom, cày xới bởi xẻng cuốc để lấp hố bom, đất tơi ra, đất bị thổi tung, vần vũ trong không khí nóng rang, hầm hập.
    Mùa hè lại là mùa bom.
    Máy bay Mỹ không còn theo quy luật, bất cứ giờ nào trong ngày cũng bom. Những cung đường mới mở bị bom đánh phá, nát bươm, bom xé đường ra từng khúc, từng đoạn. Không còn gì trên mặt đất có thể che dấu được máy bay. Cây cối bị bom đốt cháy, cày nát, một gốc cây cũng không nguyên lành. Bom xối xuống mặt đường như bàn tay một kẻ say, thô bạo xé áo, xé nát từng mảnh áo trên cơ thể một phần đất nước, còn cái cuốc, cái xẻng của thanh niên xung phong mong manh, bé nhỏ, như cái kim của mẹ già khâu mãi cái áo cũ rách. Nham nhở trên những cung đường ra trận, muôn vạn mũi vá bằng xẻng cuốc, bằng máu, bằng tuổi 20. Tuổi 20 xuyên qua những cung đường, xuyên qua cái chết, nối nhau trăm ngàn tuổi 20 thành những sợi chỉ, vá đường, nối đường, buộc đường.
    X X
    X
    Mùa hè cháy rực, nước ở các con suối khô rang tới giọt cuối cùng. Lúc này, toàn mặt trận nóng rực bởi việc thiếu nước. Thiếu gạo có thể ăn độn cơm với khoai sắn, có thể nhịn đói một ngày, hai ngày cũng được, nhưng hết nước là nguy ngập, là chết. Hàng trăm đơn vị làm nhiệm vụ thông đường khẩn cấp điện về mặt trận chi viện nước uống. Chị em còn cực hơn, nước uống đã khó, nước sinh hoạt còn ngặt nghèo hơn nhiều.
    Đêm, chị em nằm, khát không ngủ được, mò mẫm xin nhau từng giọt nước dự trữ trong bi đông.
    Tiểu đội trưởng Xuân phải san sẻ lực lượng, một phần ba chị em trong tiểu đội phải lên đường kiếm nước về. Ngoại trừ những chị em có việc riêng, được sử dụng nước để tắm rửa, những người còn lại phải lau người bằng khăn ướt, ba ngày thì được về xuôi cách đấy khoảng 10 cây số vừa tắm vừa cõng nước lên cho đơn vị.
    Có đêm Nụ đang ngủ, Nụ mơ mình về nhà. Nụ chạy trên con đường làng, chạy lao ra bến sông, rồi nhảy ùm xuống, bơi qua bơi về trên dòng sông mát rượi. Nụ đạp chân, khoát tay la hét tưng bừng. Khi tỉnh giấc là khi chị Xuân hằm hằm nhìn Nụ, mày nhìn mặt tao đi, cái chân mày đạp vào mũi tao, chảy cả máu đây này. Nụ ôm chị Xuân, em mơ được tắm sông. Xuân nhìn Nụ, em thèm tắm lắm phải không. Nụ dạ. Xuân nói, mày thích tắm vòi sen không? Nụ ngơ ngác. Xuân nói đi với tao. Xuân đưa Nụ vào rừng. Xuân cầm theo con dao. Nụ hỏi khe suối còn đâu nữa mà vào rừng tắm hả chị. Xuân nói, ừ, khe suối cạn hết nhưng tao phát hiện thấy một khu vực rất nhiều nước. Xuân đưa Nụ đến một góc rừng. Nhưng gốc cây già. Nhăng nhít những sợi dây chạc chìu lớn như cổ tay, cổ chân bò loằng ngoằng. Xuân lia đèn pin. Mày thấy bạt ngàn dây chạc chìu không. Cởi áo quần ra tao cho tắm chút cho đã. Ưu tiên cho mày đấy. Nụ ngơ ngác. Xuân kiếm một chỗ trũng, lót tấm ni lông vào đấy, rồi bảo Nụ đứng vào giữa tấm ni lông. Xuân cũng cởi áo quần. Khi đã trần truồng cả hai chị em, Xuân lấy dao chặt một đầu dây chạc chìu lớn, lập tức dòng nước mát lạnh vọt ra, Xuân đẩy cái miệng nước chảy từ dây chạc chìu về Nụ, dòng nước ùa lên cơ thể trần truồng của Nụ, Nụ bàng hoàng sung sướng khoả tay hứng lấy dòng nước, xoa lên cơ thể. Xuân cũng tự cho mình một chút nước. Phải ba bốn khúc dây như vậy nước mới thấm ướt được người hai chị em. Hai chị em ngồi thụp trong vũng nước được hứng bằng tấm ni lông. Nụ ghì chặt lấy Xuân cười khanh khách. Không phải là được tắm vòi sen mà tắm bằng nước đái thằn lằn nhưng sướng quá chị ạ, mát lạnh. Xuân bảo Nụ cầm một ống dây chạc chìu, em xối nước lên đầu chị cái đi. Nụ làm theo. Xuân vung nước lên tóc, kêu sướng quá, sướng quá, sướng như tắm ở giếng nhà mày ơi. Hai chị em đang ríu rít nhau thì giật mình nhìn. Quanh họ, có hơn chục cô gái trong tiểu đội đều cởi truồng hết và bao vây họ. Xuân hét, tiên sư chúng mày, khôn thế. Rồi cười, rồi hướng dẫn chị em cách tắm bằng nước trong dây chạc chìu. Nước ít, người nhiều, Xuân đề nghị chị em ôm lấy nhau thật chặt, hai ba cô cùng ôm nhau, rồi Xuân chặt từng khúc dây chạc chìu, té nước vào khối người ấy, tất cả reo lên, thích quá chị Xuân ơi, mát quá chị Xuân ơi, sướng như tiên là tiểu đội mình chị em ơi. Toàn tiểu đội thay nhau vẫy vùng trong vũng nước bé tẹo đựng trong tấm ni lông. Họ cười, họ hát, họ vung nước lên mặt nhau. Cuối cùng, Xuân gói bao nước ni lông lại, bảo chị em đứng lên, choàng tay ôm lấy nhau, Xuân rót nước. Dòng nước mát tuơi ào ào chạy xuống, tất cả chị em trông như khóm cây chuối rừng, giang tay giang chân hứng nước, cười ngặt nghẽo. Tối đó, cả tiểu đội ngủ một giấc đến sáng.
    X X
    X
    Nước đã cứu Bá.
    Một ngày bị chôn trong hố đất, Bá đã kiệt sức. Tiếng kêu cứu của Bá tắt lặng từ sẩm chiều. Bá khát. Bá thèm nước. Bá thèm ngay cả nước tiểu của mình đang ối ra trong quần, dưới đất sâu. Đôi tay Bá cào cấu vào đất, thọc vào được những cục đất ẩm và đưa vào miệng, cố gắng kiếm ở trong nắm đất ấy một chút nước, một chút hơi mát. Nhưng cho tới gần sẩm tối thì Bá xỉu. Bá chìm trong một cơn mê vì đói, vì khát, vì nắng trời chói chang. Cơn mê ấy kéo dài cho tới gần nửa đêm và nếu không có may mắn, Bá đã chết.
    Xuân, Nụ và tiểu đội của cô đã tắm bằng nước dây chạc chìu hồi đêm ngay chỗ Bá bị chôn sống mà không ai biết. Cả tiểu đội đùa nghịch với chút nước hiếm, rồi về. Nước thấm mát quanh chỗ Bá. Thấm mát và chảy dần xuống, ngấm dần xuống quanh Bá. Bá tỉnh lại vì chính hơi nước mát lạnh ấy. Bá lè lưỡi liếm láp chút nước vương lại trên đất. Rồi Bá vục cả mặt trên đất, cà miệng vào lớp bùn nhầy nhụa, ngậm bùn vào miệng, chiết lấy nước uống và nhả bùn ra. Cứ thế, Bã đã uống được khá nhiều nước và dần dần khoẻ lại. Nhưng điều Bá vui mừng là lớp đất chôn mình bị nước thấm xuống, nhão ra, mềm lại. Bá cố sức cựa mình. Chân Bá bắt đầu ngọ nguậy. Rồi cánh tay Bá đào đất quanh người một cách dễ dàng. Lớp bùn nhão nhoét quanh Bá đã thành cái hố nhỏ. Bá gắng gượng ẩn người lên. Từng chút một, từng chút một, cuối cùng Bá đưa được toàn thân lên khỏi mặt đất.
    Bá bước loạng choạng trong đêm, hướng ra đường.
    Bá không nhớ mình đã đi được bao nhiêu lâu.
    Đến sáng thì Bá kiệt sức và ngả sóng xoài ra mặt đường ô tô.
    Đến khi tỉnh lại, Bá thấy mình đã nằm trong một hang đá, trên cái sạp tre làm giường.
    -Đồng chí bị kiệt sức ở trọng điểm, thanh niên xung phong đã khiêng đồng chí về trạm xá.
    Bá biết mình nằm trạm xá.
    Bá thấy cơ thể mình đã được lau chùi sạch sẽ.
    Quần áo của Bá cũng đã thay bằng một bộ quân phục mới.
    Bá đòi nước uống.
    Cô y tá mỉm cười, thương binh, bệnh binh về trạm xá ai cũng như anh hết, cứ tỉnh lại là đòi nước uống.
    Bá lờ mờ nhớ lại mọi chuyện.
    Bá tự nhủ, mình sống lại là nhờ nước.
    Nhưng nước ở đâu chỗ Bá bị chôn? Bá chịu không biết được.
    Bá giật thót khi nhìn thấy người nằm cạnh giường điều trị của mình chính là Hà.
    X X
    X
    Không còn đợi bom nổ hết, Xuân nói với chị em ra mặt đường ngay, mặt trận yêu cầu thông đường sớm để có một đoàn xe chở vũ khi qua trọng điểm. Trước khi tiểu đội ra mặt đường, Xuân tập họp chị em, kiểm tra áo quần, xẻng cuốc, kiểm tra bi đông nước, cơm nắm. Xuân nhắc, chị em phải tiết kiệm nước uống, khát quá thì nhấp một ngụm, ngậm trong miệng đã rồi uống. Nước uống của tiểu đội chỉ còn hai can nhỏ. Chờ nước tiếp viện không biết khi nào. Khe suối cũng đã cạn khô hết. Ai không tiết kiệm được, phát hiện, tiểu đội sẽ kỷ luật.
    Những bàn chân con gái bước thùm thụp trên những lớp bụi đất. Bụi đất cũng bị hun nóng dưới ánh nắng. Chưa ra đến trọng điểm, mồ hôi mỗi người đã vã ra ướt đẫm áo. Những lớp mồ hôi mang cả vị muối của cơ thể, bạc trắng từng lớp trên áo, lớp này chồng lớp kia. Nụ cảm tưởng như chiếc áo mình đang khô cong như được may bằng da bò.
    Thông đường vào ban ngày đúng lúc máy bay vẫn đang thả bom là rất nguy hiểm. Nhưng Xuân động viên chị em, chúng mày cứ làm đi, tao canh bom. Ngày đầu nghe thế, Nụ hỏi, canh bom là sao. Xuân nói, mùa hè, nắng nóng, cực khổ, nhưng có cái lợi là canh bom dễ. Thấy máy bay thả bom, cứ nhìn mà quan sát em ạ. Thấy cái đuôi bom là không sợ, nó sẽ nổ cách mình vài ba trăm mét, cả cây số, cứ làm, kệ cha nó nổ. Nhưng nếu thấy mỗi cái đầu quả bom thì ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh, cho xa, đó là khi bom rơi trúng chỗ mình đấy. Sau này, ra mặt đường nhiều lần, Nụ thấy chị Xuân nói đúng. Mấy chục lần Nụ nhìn thấy đầu quả bom chùi chũi rơi xuống và bỏ chạy. Bom nổ ngay nơi Nụ vừa đứng.
    Tiểu đội ngao ngán nhìn thấy ba cái hố bom khoét tung khúc đường sát vách núi. Xuân chống nạnh, chửi, mẹ cha thằng Mỹ, lại nhè vào khúc đường hiểm này phá đường, làm sao gọi được xe ủi trợ giúp. Thôi chúng mày, cố lên. Nụ mau miệng, phải sử dụng mẹo cứt gà chị ạ. Xuân phì cười, mẹo thì hay rồi, sao lại phải gọi là mẹo cứt gà. Nụ cười, ở quê, mẹ em hay gọi sáng kiến là mẹo cứt gà. Rồi Nụ hướng dẫn chị em khoét một cái đường hầm sâu dưới chân núi, cạnh mép hố bom. Sau khi đã khoét thật sâu, Nụ bảo chị Xuân cho một quả bọc phá nhỏ. Chỉ một tiếng nổ gọn, cả vạt núi bị hẫng chân bám, tụt xuống cái ầm, lấp kín cả hố bom. Xuân véo mũi Nụ, mày đúng là trứng khôn hơn vịt thật.
    Sáng kiến của Nụ được toàn tiểu đội biểu quyết thưởng 2 ngụm nước.
    Nụ không từ chối phần thưởng này bởi vì giữa cung đường khô cháy, được uống nước là một phần thưởng giá trị.
    Vừa san lấp đường, chị Xuân thỉnh thoảng lại chống xẻng nhìn đâu đó. Nụ hỏi chị nhìn cái gì thế, Xuân im lặng. Nụ trêu, có anh nào hẹn à? Xuân đỏ mặt.
    X X
    X
    Thông đường.
    Đoàn xe chở vũ khí vội vã chạy qua trọng điểm.
    Chiếc xe cuối cùng dừng lại. Anh tài xế nhảy xuống hét, Xuân ơi Xuân, Xuân ơi Xuân.
    Xuân lao ra, em đây anh Dũng, em đây anh Dũng.
    Xa quá, Nụ không nghe được họ nói gì, chỉ thấy chị Xuân cuống quýt chạy.
    Dũng lăn xuống cho Xuân và chị em trong tiểu đội một can nước.
    Rồi Dũng vội vã lái xe chạy qua trọng điểm.
    Nụ nghe họ í ới gọi tên nhau.
    Xuân gọi chị em tới đưa can nước về lán.
    Nụ hỏi gặng Xuân, anh ấy đấy à, tên là Dũng à. Xuân thì thầm, hắn quen tao năm ngoái, khi mày mới về tiểu đội. Lần đó, hắn mới lái xe vào chiến trường, nhát lắm. Nghe tiếng bom, hắn đã bỏ xe chạy. Tao kéo hắn ấn vào capin, nói, anh cứ lái xe mà chạy, không chết đâu. Sau lần đó, tao và hắn quen nhau. Nụ hỏi, hôn nhau chưa. Xuân lắc đầu, thằng này cái gì cũng nhát. Nhát bom, nhát gái. Nếu mà hắn bảo tao cho hắn cái chi tao cũng cho, thế mà đôi lúc ngồi được bên nhau suốt đêm, hai bàn tay hắn nắm chặt lại thế này này. Tao nói, anh sao thế, sao anh không ôm em mà nắm tay lại. Hắn nói, anh muốn ôm em lắm, nhưng tay anh tự dưng cứng ngắc, bàn tay cứ nắm lại. Tao cười. Hắn cũng cười. Hôm nay hắn tặng chị em can nước uống. Hắn nói, đưa vũ khí vào binh trạm K rồi khi quay ra hắn xin tiểu đoàn ở lại với tiểu đội một đêm. Nụ nói, em tình nguyện ngủ ngoài hố bom cho chị và anh ấy dùng lán. Xuân nói, không ăn thua đâu, rồi hắn lại nắm tay như chuẩn bị đánh nhau thôi, không dám rờ mó gì đâu. Hai chị em cười.
    Xuân len lén đặt vào tay Nụ cái bi đông nước. Nụ nói em có khát đâu, chị bảo phải tiết kiệm mà. Bi đông anh Dũng tặng tao. Xem này, hắn còn khắc trên võ bi đông hai chữ Xuân-Dũng và một đôi chim bồ câu. Nụ xem, cười. Xuân nói, uống đi, nước chanh đường của anh ấy đấy mày ạ. Nước chanh đường, lâu lắm rồi chị em mình không được uống nước chanh đường phải không, của anh ấy đấy mày ạ, nước chanh đường đầy một bi đông, của anh ấy đấy mày ạ, nước chanh đường mát lạnh, uống vào có sức lắm, của anh ấy đấy mày ạ, mỗi đứa trong tiểu đội sẽ uống một ngụm nhé, uống trước đi em, uống đi, tao cho mày hai ngụm, uống đi em, nước chanh đường của anh ấy đấy…Xuân đưa miệng bi đông tới. Nụ uống. Còn Xuân thì vẫn cứ thì thầm, nước chanh đường, ngon không Nụ, của anh ấy đấy, của anh ấy đấy mày ạ. Nụ thấy Xuân đang khóc.
    Mắt Xuân nhìn theo hút con đường. Phía ấy, đoàn xe của Dũng đang lăn bánh, bụi cuốn lên mù mịt, những đám bụi lửng lơ, bay bỗng lên cao. Đám bụi đường đỏ tươi bay lên từ bánh xe của Dũng kết lại giữa lưng chừng trọng điểm như hình một bàn tay vẫy….














    10
    NHỮNG BÀN TAY

    Ngày mai Nụ vào chiến trường, buổi chiều mẹ cô bảo cô đi với mẹ về làng bên cạnh. Nụ hỏi mẹ đi đâu, mẹ bảo đừng hỏi, chuyện quan trọng. Mẹ đưa Nụ đi vòng vèo rất nhiều ngõ hẹp rồi dừng ở một túp lều tranh ngay chân cát. Nụ hiểu ra là mẹ đưa cô đi xem bói. Ông thầy bói cầm bàn tay Nụ lên nhìn, phán, cô này trai theo nhiều vô kể. Mẹ Nụ ôn tồn nhưng nghiêm khắc, xin ông bói cho đường sống, không bói đường tình. Ông thầy bói vân vê các chỉ tay phán, từ bé đến già không bệnh tật, thọ. Mẹ Nụ thở phào. Đêm, Nụ ôm mẹ nói, sao mẹ đưa con đi bói lại toàn nói về đường sống. Mẹ cô thở dài, con vô chiến trường, mẹ lo, mẹ bói xem con ra sao, ông ấy nói thế là mẹ bớt lo, không hề hấn chi. Nụ cầm bàn tay mẹ nói, con hứa với mẹ là ngày hoà bình, con sẽ về nguyên vẹn. Mẹ cốc vào trán Nụ, con hứa thì mẹ tin nhưng bom đạn nó có hứa với mẹ thế đâu.
    Hôm sau cả làng tiễn chân Nụ và anh em trong xã lên đường vào mặt trận.
    Ông chủ tịch xã muốn cuộc tiễn quân thật to, thật khí thế, xe pháo đàng hoàng, đã mang rượu, mấy cân nếp, tút thuốc lá lên gặp ông trưởng cửa hàng thực phẩm, năn nỉ mượn cho được chiếc xe tải chuyên đi chở lợn. Chiếc xe tải cũ, thùng gỗ gãy nát, phân lợn còn lau chùi không sạch, nhưng ông chủ tịch động viên cánh thanh niên, trang trí lại, cắm cờ, giăng biểu ngữ là đẹp hết. Xã phải giao quân lên huyện bằng ô tô thì mới oách. Cả đêm thanh niên cắt khẩu hiệu, cắm cờ, vẽ tranh dán khắp xe, nhìn cũng tươm tất lắm.
    Chiếc xe đỗ ở sân hợp tác xã. Sau khi làm lễ xong, mấy chục thanh niên trong xã lên xe, đứng chật như nêm trên xe tải, giữa bao nhiêu cờ và khẩu hiệu. Lái xe bóp còi thật dài thay lời từ biệt. Người già, người trẻ chạy xô đến hai bên thành xe, những bàn tay đưa lên, những bàn tay ùa xuống, tay nắm tay, khóc, nói lời từ biệt, rồi khóc cười mếu máo ồn ả. Mẹ Nụ phải khó nhọc lắm mới chen đến được bên thành xe. Nụ cũng chen tới bên thành xe, gọi to mẹ ơi mẹ ơi, con đây này. Hai mẹ con nắm lấy bàn tay nhau. Nụ không quên được giây phút ấy. Bàn tay cô nắm lấy tay mẹ, tay mẹ gân guốc, chai nhám vì những tháng năm cầm cày, cầm cuốc, gặt hái. Bàn tay mẹ ấm như bếp lửa nhà Nụ, thô ráp như bức vách nhà Nụ, xiết chặt lấy tay Nụ như cái dây gàu, và hình như Nụ còn cảm thấy bàn tay mẹ đang khóc, khóc run lên trong bàn tay Nụ, còn gương mặt mẹ ngơ ngác, thất thần, tiếng mẹ nhắc đi nhắc lại, phấn đấu bằng anh bằng em nghe con, về với mẹ nghe con, phấn đấu bằng anh bằng em nghe con, về với mẹ, về với mẹ nghe con, về với mẹ nghe con…Tiếng mẹ lắp bắp. Mẹ không khóc, nhưng bàn tay mẹ khóc, những ngón tay run bắn, cấu lấy bàn tay Nụ, cấu chặt lấy, bó bện lấy bàn tay Nụ, những ngón tay của mẹ cố quấn quýt lấy những ngón tay của con gái, mềm mại và thít chặt như sợi dây trầu vấn vít trên thân cau sau hồi nhà Nụ. Mẹ Nụ cố ép người cho sát thành xe, cả hai tay mẹ đưa lên, ôm lấy, ghì lấy, ve vuốt thân thiết đôi tay của con gái rồi mẹ nhón chân, áp cho bằng được bàn tay con gái vào má mình, áp sát, thì thầm, con ơi, đi thì cố cho bằng anh bằng em, ngày nào cũng viết thư cho mẹ con nhé, thư này mất, còn có thư khác, nhớ viết thư thật nhiều con nhé, cố mà giữ sức khoẻ con nhé, mẹ có để trong túi của con cả bồ kết con nhé, cả bánh xà phòng con nhé, cả hai cái khăn mặt con nhé, mấy mét vải màn con nhé, cả kim chỉ nữa đấy con nhé. Rồi mẹ lại vội vã cho tay vào túi áo lấy ra mấy đồng bạc, ôi mẹ quên, còn tiền mẹ cho nữa con này, dọc đường mua gì thì mua con nhé, mà con ơi, cả lọ dầu đây nữa này….Mẹ nói cuống quýt như thể không còn cơ hội để nói với Nụ nữa. Còn Nụ thì chỉ biết gật đầu và khóc, gật đầu và khóc và xoa xít lên gương mặt tóp teo của mẹ, gương mặt nhầu nhĩ của mẹ, gương mặt ấm bỏng nước mắt của mẹ.
    Xe lăn bánh.
    Hàng trăm cánh tay của người thân tuột dần với những bàn tay của người ra đi. Hàng trăm bàn tay của người ở hậu phương vươn lên, vươn thẳng, mạnh mẽ về phía những người thân trên ô tô, Nụ thấy như cả một rừng cánh tay quê hương tình nguyện đi theo, chở che, ôm ấp Nụ và các bạn. Bàn tay Nụ đã tuột khỏi tay mẹ. Xe lăn bánh. Mẹ cố chạy theo, lại đưa thẳng bàn tay về phía Nụ, Nụ cúi sấp xuống, nắm cho được tay mẹ lần cuối. Mẹ chạy, cái nón hất ngược ra sau, đôi bàn chân mẹ như kéo lê trên mặt đường, và Nụ còn nghe rõ cả tiếng thở của mẹ. Cuối cùng, bàn tay Nụ tuột hẳn bàn tay mẹ cô và lúc ấy, cô tưởng như cô bị bước hụt xuống một cái hố sâu thẳm, lúc ấy, cô bắt đầu cảm nhận ngay được sự hụt hẫng, sự trống trải, sự vô vọng khi không còn mẹ bên cạnh. Xe đã chạy nhanh và Nụ vẫn nhìn thấy mẹ đang chạy đuổi theo, hàng chục bà mẹ, người chị, người cha như vậy chạy đuổi theo xe chở con cái họ vào chiến trường. Còn trên xe, một người gào lên, hát đi, mọi người hát đi cho khí thế nào, vùng lên nhân dân Miền Nam anh hùng. Hai ba. Nụ hát, hát to, hát khản cả tiếng còn mắt cô thì nhìn về phía mẹ cô vẫn đang cố chạy theo, vẫn đang cố đưa bàn tay hướng theo cô. Bóng mẹ bé dần, mờ dần, mảnh mai và lay lắt như cái lá khô bị gió thổi trên đường.
    X X
    X
    Nụ kể chuyện mình đi, mẹ vẫy tay chào, cả làng vẫy tay chào, chị Xuân cười. Sao chị cười. Xuân nói, mày vào chiến trường như vậy là đáng tự hào quá, vinh quang quá, còn tao chẳng được vậy. Nụ ngơ ngác. Xuân cười, thì có sao, tao trốn đi mà. Ơ kìa, sao lại trốn. Xuân nói, vì ngày ấy tao đang bị thằng cha xã đội trưởng trù ép, tao sang ở nhờ bên bà dì ở làng khác, rồi nằng nặc xin dượng tao, khi ấy là huyện đội trưởng để được đi thanh niên xung phong. Hôm đi, tao chạy về nhà ngủ với mẹ một đêm, nói ngày mai con đi công nhân mẹ ạ. Mẹ tao nói, giấy báo đâu. Tao nói công nhân lâm trường, đi khai thác gỗ, lao động chân tay, không cần giấy báo. Khuya lắm, tao lơ mơ ngủ, mẹ tao không ngủ, đi ra đi vào. Mờ sáng thì mẹ xuống bếp nấu cơm nếp. Mẹ hông hai lá chuối trên lửa. Mẹ xới xôi ra, đặt trên lá chuối. Tao im lặng nhìn mẹ. Mẹ tao đặt hai bàn tay gầy gò lên nắm xôi, ép, nắn, vò, cố ép cho nắm xôi tròn cứng lại. Mẹ cho vào một ít vừng muối rồi gói nắm xôi lại. Mẹ làm xong, ngồi nhìn ngọn lửa, hai tay mẹ đặt trên nắm xôi lá chuối, bất động. Tao rón rén bước lại, ngồi cạnh mẹ, đặt hai bàn tay của tao lên tay mẹ. Hai mẹ con im lặng nhìn ngọn lửa. Mẹ nắm bàn tay của tao, rồi mẹ đưa bàn tay tao lên nhìn, vân vê, vuốt ve, rồi hình như mẹ khóc vì rõ ràng có một giọt nước mắt của mẹ rơi xuống bàn tay tao. Tao cố không khóc. Tao ghì lấy mẹ, ngả đầu lên vai mẹ, im lặng. Mẹ tao nói, mẹ biết hết rồi, con dấu mẹ làm gì, con vô chiến trường thì mẹ tự hào chứ. Sao con dấu mẹ. Tao oà khóc nức nở. Gà gáy canh năm, mẹ tiễn tao ra ngõ. Bố tao đã đợi sẵn cùng với cái xe đạp. Bố nói, thôi bà vào đi, cứ đứng ở ngõ con nó đi sao được. Tao nói, cho con ôm mẹ cái rồi con đi mẹ nhé. Con sẽ viết thư về mẹ nhé. Tao ôm mẹ. Mẹ đưa hai cánh tay ra ôm lấy mái tóc của tao, vuốt xuống đôi má của tao, vuốt dần xuống ngực của tao. Hoàn thành nhiệm vụ về nhà, mẹ cưới chồng cho con, con ạ. Tao chúi đầu vào ngực mẹ, con biết rồi. Tao ngồi sau xe đạp, bố chở lên huyện. Trong ánh sáng trăng mờ tao nhìn thấy mẹ tao đang níu tay vào hàng dâm bụt nhìn theo. Đấy. Không có ai tiễn, chỉ có mẹ, không có ai vẫy tay, chỉ có mẹ.
    Nụ ghì lấy Xuân, em thương chị quá. Xuân cự lại, sao mày nói thế. Nụ nói, chị thiệt thòi hơn em. Xuân ừ, cái số tao cực đường chồng con đấy mày ạ. Tao tuổi Canh Dần, e cực. Rồi hai chị em nhìn nhau, oà lên cười.
    X X
    X
    Nụ nói với chị Xuân, nếu hoà bình em còn sống, chị biết em muốn làm nghề gì không? Em làm nhà văn. Xuân cười, làm nhà văn à, thì mày viết thư tình cho tao kiếm chồng nhé. Nụ lim dim mắt.
    Mỗi khi ở cung đường về, đứa nào trong tiểu đội cũng lăn ra ngủ lấy sức, thì Nụ đi vẫn vơ, nghĩ vẫn vơ.
    Nụ nhớ bàn tay mẹ ngày rời nhà, lại nhớ những bàn tay đồng đội ở chiến trường. Sao Nụ yêu những bàn tay ấy đến vậy.
    Đơn vị của Nụ đang san đường vội vã, bất ngờ cả một trung đoàn bộ đội hành quân đi qua. Ánh chiều nhập nhoạng, cái nắng chiều tà ráng vàng lên cả một vùng trời. Trọng điểm bỗng sáng rực, cháy rực lên như ánh sáng của những ngọn nến, đẹp lạ lùng. Và đoàn quân hành quân, men theo chân núi, men theo con đường nham nhở nhưng lúc này cũng vàng rực lên trong nắng. Chị em Nụ buông cuốc xẻng, chạy ra, đưa tay vẫy bộ đội. Hàng ngàn cánh tay các cô gái trẻ măng, tuổi 20 cầm nón, cầm mũ, cầm cả cành lá vẫy và hét chào bộ đội. Bộ đội đưa tay, cầm mũ vẫy lại. Rồi hét lên với nhau ai ở Thanh Hoá không, em ơi có ai Hà Nam Ninh không, có ai Hải Hậu không, có ai Quảng Xương không. Ríu rít, cuống quýt, ồn ào vang động cả một cung đường. Trong ánh nằng chiều, cả ngàn cánh tay bộ đội vẫy các cô, những cánh tay sức lực, tràn trề sức sống tua tủa dâng cao trên nền trời, như ngàn cành cây nhú chồi trên thân mẹ. Rồi có những khi hai bên ào được đến nhau, nắm lấy tay nhau, tíu tít hỏi tên, hỏi quê, tíu tít tặng nhau cái khăn, cái bút, miếng vải dù, tíu tít hẹn hò, anh ơi đánh thắng quay ra thì tìm em ở đây nhé, Lan tiểu đội 3 đại đội 6 anh nhé, anh nhé…
    Nụ không quên được những cánh tay của bạn mình trong tiểu đội khi bị bom Mỹ vùi lấp. Thân xác bạn đã bị bom băm nát rồi, vùi kín trong đất đá rồi, nhưng cánh tay đồng đội thì vẫn còn nóng da nóng thịt, vẫn còn đâm thẳng dưới đất lên. Nụ và chị em chạy tới, người đào, người bới, người cầm lấy, ôm lấy, hà hơi tiếp sức lấy từng cánh tay. Nụ đã cõng những xác chết bạn bè trên vai về nơi chôn cất không biết là bao nhiêu lần. Bạn chết rồi, nằm yên trên lưng rồi, hai cánh tay vắt vẻo qua lại, và Nụ cứ muốn đi mãi, đi mãi, đi để có thể cầm được tay bạn, ve vuốt tay bạn, Nụ cứ kéo đôi cánh tay thõng thượt của bạn quàng qua cổ mình, như cố phả vào đấy hơi ấm của mình. Nụ cõng thân thể bạn đã lạnh ngắt, bước chậm, bước chậm, chùng chình, dùng dằng, không muốn tới huyệt mộ.
    Và mỗi lần chôn cất bạn bè, bao giờ Nụ và chị em trong tiểu đội cũng đặt hai cánh tay bạn trên bụng, ngay ngắn. Trước khi vùi đất xuống, Nụ thường áp tay bạn lên má mình, ôi bàn tay mềm mại của bạn gái cùng tiểu đội, chỉ mới hồi đêm còn đan tay vào mái tóc nhau bắt cái trứng, con chấy, mới hồi đêm còn tì lên nhau dạy từng đường thêu, mũi chỉ, mới hồi đêm còn quàng ôm nhau, trêu nghịch, khúc khích cả đêm, mới hồi đêm còn kéo nhau ra suối, ra giếng, những cánh tay trần con gái khoát nước lên nhau tung toé, mới hồi đêm còn nằm gối đầu lên nhau, còn xem tướng cho nhau, đứa nào đưởng tình duyên cũng năm bảy ngả rồi cùng động viên nhau, lấy được nhiều chồng thì càng sướng. Và cười rung cả đêm. Nhưng bây giờ bạn đã nằm đấy rồi, bàn tay bạn bất động rồi. Mỗi ngày qua đi, sau mỗi tiếng nổ là một người, hai người, ba người ra đi, là những cánh tay thân yêu ra đi, vùi sâu trong đất.
    X X
    X
    Điều làm Nụ bất ngờ với mình nhất là tự dưng Nụ lại nhớ đến Bá. Không hiểu sao đêm nay cô lại nhớ đến Bá. Nụ nhúi đầu vào cái võng, tự nói, hắn là thằng đểu, thằng mất dạy, nhớ làm cái gì. Nhưng mà trời ơi, càng nghĩ thế lại càng nhớ. Nụ vùng dậy, quờ tay hất mái tóc ra sau, thừ người trên võng. Nụ nhớ bàn tay của Bá, bàn tay mềm mại, ấm nóng, như có keo dính, hễ mỗi lần Bá cầm tay Nụ, cầm rất nhẹ, là tay Nụ cứ dính vào tay Bá, không cách gì rút ra được. Nụ nhớ đến đôi tay Bá vuốt ve mình, bàn tay ấy như có sức hút lạ kỳ, như có quyền lực lạ kì, mỗi lần Bá đưa tay vào cơ thể Nụ là toàn thân Nụ như bị chuột rút, không cựa quậy, không phản ứng, không xô đẩy dù Nụ vô cùng muốn xô đẩy. Bàn tay Bá bao giờ cũng thoắt ẩn thoắt hiện trên cơ thể Nụ, làm mê muội Nụ, làm Nụ như có thể gào lên, hét lên, quẫy đạp vì sung sướng, vì hứng khởi, tưởng như bàn tay Bá đang tiêm chích vào da thịt cô một cái gì đó không rõ ràng nhưng làm người cô như có thể cháy thành than, như có thể bốc lửa, như có thể phát cuồng phát loạn. Rồi Nụ mặc cho Bá thả sức bơi lội trên người mình, mặc cho Bá đưa đẩy những ngón tay điệu nghệ trên mái tóc, trên khuôn mặt, trên bộ ngực trần, tất cả ở Nụ đều đầu hàng trước những ngón tay thon dài, ấm áp, dẻo dai và điệu nghệ của Bá. Bây giờ, một mình ngồi trên võng trong đêm, giữa trọng điểm, nghĩ đến Bá, nghĩ đến bàn tay ấy của Bá, Nụ thấy như thân thể mình cũng đang nóng rực. Nhưng Nụ lại bặm môi cố nén chịu, cố nguyền rủa Bá, cố hét lên, gào lên, cố bật văng ra khỏi miệng tiếng chửi Bá, chửi thằng Bá, thằng khốn nạn, thằng hèn kém, thằng đều đã phá đời con gái của cô. Nhưng sao tiếng hét ấy, tiếng chửi ấy cứ vo cục, ấm ức, căng cứng trong cổ họng. Chỉ có nước mắt là dễ dàng chảy ùa ra trên má Nụ.
    Mấy tháng rồi Nụ không nhìn thấy Bá.
    Nói cô không nhớ Bá là nói dối. Nhưng nói cô muốn gặp Bá để tìm kiếm lại cảm xúc ái ân ngày trước ở làng cũng là nói dối. Chỉ có một sự thật là Nụ muốn gặp Bá, có thể là muốn biết Bá đang sống ra sao, đã làm nên công trạng gì rồi sau lần Bá hớt thành tích cứu cả đoàn xe ấy. Hay biết đâu Bá đã hy sinh? Đã bị thương?
    Hôm sau chị Xuân cho Nụ về trọng điểm gặp Bá, coi như đi gặp đồng hương. Chị Xuân dặn, một, em không được ở lại qua đêm. Vì ở lại qua đêm mà chúng mày vốn đã xí xớn ở làng như vậy là rất dễ xí xớn lần nữa. Hai. Nếu hắn giở trò gì thì phải cương quyết, thèm cũng nhịn, không được làm mang tiếng cả tiểu đội. Tao biết chúng mày mà sổng ra, gặp trai, kiểu gì thì cũng kiếm chác chút cho đỡ thèm, tao suy tao ra thôi. Ba. Nếu nó ở sở chỉ huy, thì xin nó ít vải màn về cho chị em. Nụ gật gật gật. Nụ băng rừng đến trọng điểm. Đến nơi, Nụ nghe tin Bá đang ở trạm xá. Nụ lại băng rừng đi đến trạm xá. Bỗng dưng Nụ thấy ruột nóng như lửa. Bá bị làm sao? Bá có ăn được gì không? Có gầy quá không? Có ai chăm sóc không? Rồi Nụ lại gạt đi, vớ vẩn, mình và anh ta còn gì nữa mà quan tâm, mà lo lắng. Gặp cho biết thôi. Tình đồng hương thôi. Nói thế nhưng Nụ cũng quay về tiểu đội, mang theo hộp sữa.
    Nụ đến trạm xá, chưa kịp mở miệng hỏi đã nhìn thấy Bá ngồi bên một con suối, ngay lối ra vào trạm xá. Và bàn tay Bá lại đang quàng qua vai một cô gái, mặt tươi hơn hớn.
    Nụ đứng chết trân.
    Phải khó khăn lắm cô mới quay lui được để về tiểu đội.
    Suốt dọc con đường rừng ấy, Nụ không quên được cánh tay Bá quàng qua vai một cô gái.
    Nụ ước gì lúc ấy có con dao, Nụ sẽ chạy đến chặt đứt cánh tay của Bá đi.
    Nhưng vì sao mình lại thế? Mình ghen?
    Nụ đá chân vào một gốc cây mục. Cần gì phải ghen với hắn.
    Không cần.
    Hắn là cái gì mà mình phải ghen.
    Nụ ngồi thụp xuống cách lán tiểu đội mấy chục bước chân rồi bỗng oà khóc.
    Chị Xuân chạy tới, kéo Nụ đứng lên. Sao thế Nụ, có khóc thì cũng phải đứng thẳng người mà khóc, đừng có ngồi một đống như đống đất vậy. Nụ ghì lấy chị Xuân rồi chợt oà lên, mẹ ơi, con khổ lắm mẹ ạ. Nước mắt chảy theo cánh tay Nụ, xuống đất.
















    11
    ÁNH TRĂNG

    Kim Anh không chịu nỗi những đêm trăng. Cô ngồi thẫn thờ, nhìn ánh trăng toả sáng ngoài vườn, trăng ánh lên lấp lánh trên những tàu lá chuối đẫm sương. Ánh trăng mê muội cô, dẫn dụ cô tới những khao khát mà mấy tháng rồi cô gắng sức nén, nhưng càng nén thì hầu như khao khát ấy càng dội mạnh ra từ trong tâm can. Vào những đêm trăng như vậy, Kim Anh lại im lặng ra khỏi nhà. Cô lang thang trên những triền cát. Trăng trên cát tựa như biển sáng, không gì che khuất, không gì ngăn trở, ánh trăng như nỗi lòng cô, muốn trải ra, mở ra, lộ thiên. Mấy lần những đêm trăng như thế này cô đi cùng Bá. Trăng cuốn hai người lên đỉnh cát, khoác ánh sáng mờ ảo lên họ, kích thích những xúc cảm xác thịt, kêu gọi dục tình, lột truồng họ trong ánh trăng sáng rực, trên cát trắng rực, va chạm làn da trắng rực trong ánh trăng cùng với những lời yêu thương của Bá mềm như ánh trăng, nhẹ như ánh trăng, cám dỗ như ánh trăng, lành lạnh như ánh trăng. Bá thì bám víu lấy cơ hội có ánh trăng để tìm cách xô đẩy Kim Anh vào trong hôn mê của tình dục với những mánh khoé ma mảnh. Kim Anh thì như muốn vịn vào ánh trăng để sau đó nguỵ biện cho việc vì sao mình cứ bị Bá hút hồn, vì sao không dứt ra được con người này, vì sao cứ mãi gật đầu bởi những lời hò hẹn của Bá. Nếu mà không có ánh trăng quyến rũ đến thế, nếu mà ánh trăng không mê muội cô đến thế, nếu mà cái ánh sáng ảo ảo thực thực không làm cho thân thể cô mềm gục trong tay Bá, thì đã chắc gì cô chịu Bá, cô nhớ Bá, cô bị Bá hút hồn. Lắm khi Kim Anh không giải thích rõ ràng ý thức của mình. Kim Anh yêu Bá, vô vọng, yêu mà không độc chiếm được anh ấy, yêu mà vẫn phải vụng trộm với anh ấy, yêu mà vẫn hằn học tức tối vì bao điều tiếng của anh ấy. Lắm khi Kim Anh đã đập tan cả bình hoa Bá tặng, muốn vứt đi, xoá đi dấu vết cái gã đàn ông ấy, vùi chôn những khát khao ngớ ngẩn, vô thức với người đàn ông chỉ biết nhận mà không biết cho ai điều gì, cắt đứt quan hệ, đốt cháy những lá thư cùng những dòng chữ như công như phượng, xé nát những bải thơ tình Bá tặng. Kim Anh không làm được mỗi khi Bá xuất hiện. Mỗi khi Bá gục xuống trên vai cô, nước mắt Bá chảy ướt bên bờ vai của cô khi cô nói đến việc phải chia tay.
    Rồi đến ngày Bá đi vào chiến trường, Kim Anh thở phào nhẹ nhõm được mấy ngày. Cô thôi không phải chờ đợi tiếng chân bước như nhún nhảy trên đất của Bá, thôi không nghe tiếng gõ cửa vừa mạnh mẽ vừa ngập ngừng của Bá, thôi không còn nhìn thấy những bài thơ Bá viết, thôi không phải nghe tiếng Bá đọc thơ thì thào bên tai cô, tiếng đọc thơ như gió thổi xào xạc trên cát, ngọt xớt, vấn vít, dội sâu, lay động cô đến từng giác quan. Bá đi, cô sẽ thôi không còn chờ đợi đến ngơ ngẩn, đến buông tay buông việc vào những đêm trăng, để lại đợi chờ Bá nơi chân đồi cát, để lại bị Bá dẫn dụ vào sâu hút trong rừng phi lao, chập choạng, sấp ngửa dưới ánh trăng mà cô chợt nhận ra rằng, ánh trăng đồng loã với Bá từng đêm khi có cô.
    Kim Anh cũng không giải thích được vì sao cứ vào đêm trăng, cô thường bỏ ca trực ở bệnh viện, nhẹ chân bước ra phía nhà xác. Nhà xác với ai đó là nơi để nhận những đau đớn, còn Kim Anh, mỗi đêm trăng bước tới cửa nhà xác, cô lại hình như nhìn thấy Bá, hình như Bá đang ở sau tấm ga trắng phủ lên thi thể bất động kia, hình như Bá lấp ló sau những cỗ quan tài kia, hình như Bá cựa quậy trên cái nền cát nhôn nhổn những bước chân kia.Trăng luồn vào cả trong nhà xác, mờ ảo, lem luốc khi va chạm vào những khối, những hộc, những góc tối quan tài. Và trong tiếng gió thổi hoang qua tai mình, Kim Anh lại như đang nghe tiếng thì thầm của Bá, hơi thở cháy nóng của anh ấy, nhìn thấy những sợi tóc anh ấy bay qua mắt, nhìn thấy thân thể cường tráng, lôi cuốn của anh, nhìn thấy bước chân anh đang tiến đến, xô đẩy cô vào sâu trong nhà xác, ẩn cô ngả xuống, và nhẹ nhàng trườn lên cô như một con trăn rừng.
    Kim Anh kết thúc sự mê muội của mình vào những đêm trăng nhớ Bá bằng một quyết định khiến mẹ cô phải gào lên thảm thiết, cho rằng cô đã điên, đã bị tâm thần. Lúc ấy, bố cô im lặng hút thuốc, không nói một lời nào. Kim Anh nói với mẹ, Kim Anh xin vào chiến trường, xin vào cái nơi bác cô đang là chỉ huy. Cô nói, bác cô đã đồng ý, thậm chí bác cô rất khuyến khích tuổi trẻ như cô cần vào những nơi thử thách ấy để trưởng thành. Cô nói, con vào chiến trường, xin phục vụ tại một bệnh xá mặt trận ở một cung đường Trường Sơn. Cô nói với bạn mình, cô yêu Bá, cô vào đó để có dịp gặp được Bá. Bạn cô đưa tay bịt miệng Kim Anh. Trời ơi, mày phải nói rằng, mày căm thù giặc Mỹ, mày xung phong vào chiến trường phục vụ cho bộ đội, phục vụ thanh niên xung phong đánh Mỹ, sao lại mở mồm nói đi phục vụ chiến trường là vì trai hả trời? Kim Anh cãi, tao không biết nói dối, tao nhớ anh ấy, nhớ lắm, nhớ phát điên lên, tao vào chiến trường là để gặp anh ấy, được ôm anh ấy, chỉ cần thế thì có chết dưới bom dưới đạn tao cũng nhẹ lòng, không ân hận. Bạn cô khóc nấc lên, mày điên thật rồi, mày khùng thật rồi, mày mê muội thật rồi. Kim Anh vuốt nước mắt trên má bạn, thì thầm, tao đi là vì tiếng gọi trái tim tao, thật thế, tao không muốn nói dối, nhưng tao hứa với mày là tao sẽ làm tròn trách nhiệm của một bác sĩ ở mặt trận. Bạn cô hét lên, có bao nhiêu thằng con nhà giàu có, con nhà tử tế, con nhà quan chức đến quỳ dưới chân mày, mày không chịu. Mày lại cong đuôi chạy theo một thằng đàn ông đã có vợ, một thằng đàn ông có tiếng quyến rũ đàn bà là sao? Là sao? Kim Anh lẩm bẩm. Không sao cả. Tao không muốn một mình cô đơn trong nỗi nhớ vào những đêm trăng. Không muốn, không chịu được…tao không thể giải thích là vì sao. Không ai hiểu tao bằng tao. Không ai bị những đêm trăng hành hạ như đã hành hạ tao…
    Mấy ngày sau đó, Kim Anh lên đường. Cô vào chiến trường trên chiếc xe con của bác cô đón. Phía trước cô là bệnh xá của mặt trận. Bác cô nói, bệnh xá nằm trong mấy cái hang đá lớn. Kim Anh hồi hộp hỏi, nhưng từ bệnh xá đến các đơn vị thanh niên xung phong làm đường có gần không. Bác cô nói rất gần. Kim Anh nén lại một tiếng reo…
    X X
    X
    Trăng đang ùa sáng cả cung đường thì đột ngột mất hút trong những đám mây lớn.
    Cùng lúc đó máy bay nhào tới, những loạt bom nổ cháy rực dọc cái ngầm dưới đoạn con đường vào cua tay áo.
    Cùng lúc đó đoàn xe vẫn chưa kịp qua hết đoạn ngầm nguy hiểm.
    Cùng lúc đó, một chiếc xe đi sau cùng bốc cháy.
    Máy bay phát hiện được mục tiêu, thay nhau nhào xuống cắt bom.
    Cả đại đôi băng qua dưới làn bom cứu xe.
    Tiểu đội của Xuân nhận ngay nhiệm vụ dập lửa trên chiếc xe đang cháy. Sẵn cái hố bom đầy nước cạnh đấy, Xuân hét chị em nhào xuống, nhúng đẫm nước trên người rồi kéo nhau lao đến bên chiếc xe đang ngày càng cháy rừng rực. Nụ vác mấy cái bao tải đã thấm nước, trèo lên thùng xe. Sau cô là mấy cô gái nữa. Nụ gắng sức đưa cao cái bao tải đẫm nước, đập mạnh xuống ngọn lửa đang bùng lên. Tiếng hét, tiếng gọi nhau, tiếng đập lửa. Xuân hét, Nụ ơi cẩn thận bình xăng ô tô. Nụ đáp, em biết rồi. Nụ vứt cái bao tải, vần ngay những hòm gỗ bén lửa trên thùng xe lăn xuống đất. Lửa lụi dần. Máy bay vòng lại. Chúng phóng rốckét vào điểm xe cháy. Trong ánh lửa chói sáng, Nụ nhìn thấy rõ ràng hai đồng đội mình bị đạn rốckét hất tung lên, bắn cả thân thể qua ngọn lửa lớn. Nụ không còn nghe gì nữa. Hai tai ù đặc. Cô kệ máy bay, kệ bom đang nổ, kệ cái chết, cô thoăn thoắt lăn những thùng hàng đang bén lửa xuống đất. Rồi hàng chục cánh tay các cô gái dùng xẻng hất đất lên chiếc xe, dập dần ngọn lửa. Nụ nhảy xuống đất kêu chị Xuân. Không thấy tiếng trả lời. Phía trước, chị em trong tiểu đội chạy băng băng về ngầm nước, chạy lao qua trước những đầu xe. Khúc ngầm bị bom thả cho trầy trụt, tạo thành hố, thành đống đất đá lổn nhổn. Các cô gái dùng xà beng bẩy đá, san đất, vội vã san bằng lối đi, cốt cho xe phải qua ngầm thật nhanh, không qua nhanh thì máy bay đến nữa là chết hết. Xuân kéo anh tài xế trong capin ra, vác trên vai chạy vào sâu trong cánh rừng. Nụ hét, chị Xuân, chị Xuân, bây giờ làm gì…Xuân hét, tao đưa anh lái xe vào rừng đã, anh ấy chết rồi, đưa vào rừng xa trọng điểm đã, mày thay tao chỉ huy chị em, cho xe qua ngầm nhanh lên. Nụ hét, chúng mày ơi xuống ngầm dẫn xe. Mấy chục chị em xuống ngầm, đứng thành hai lối bao hai bên thành ngầm. Nụ gọi to, các anh ơi, cho xe qua ngầm nhanh lên. Bọn em là cọc tiêu, đi chậm thôi nhé, không sao đâu. Hai hàng cọc tiêu bằng những cô gái cầm tay nhau kéo dọc hai bên bờ ngầm lô nhô hố bom và đất đá. Đoàn xe lăn bánh, trườn qua từng tảng đá, từng ụ đất. Lái xe thò đầu ra, tối quá, không nhìn thấy gì hết. Nụ hỏi lại, tối à. Chúng mày ơi, cởi áo ngoài, mang áo lót trắng cho các anh ấy nhìn thấy đường. Đồng loạt cởi áo. Hai dây người hiện lên rõ hơn dưới cái màu trắng sáng của áo lót nữ. Đoàn xe bò qua ngầm từng chiếc một. Lái xe thò đầu qua capin, cám ơn mấy o, cám ơn mấy o, thấy đường rồi. Chúc các anh đi an toàn nhé. Các o anh hùng lắm. Đi đi, cẩn thận các anh nhé.
    Đột ngột ánh trăng oà ra khắp mọi nẻo đường. Nụ kêu lên, trời ơi, trăng rồi chúng mày ơi, sáng quá rồi, thấy đường cho xe qua trọng điểm rồi. Trăng sáng rực. Trăng sà thấp xuống thung lũng. Trăng sáng đến mức, các xe đều nhìn con đường rõ mồn một và lăn bánh nhanh hơn. Máy bay lại đến. Những loạt bom nổ trùm lên trọng điểm. Bóng những cô gái vẫn đứng im làm cọc tiêu cho xe qua ngầm. Nụ hét đến khản giọng trong tiếng bom, không ai bỏ vị trí nhá, giữ nguyên cọc tiêu nhá. Các anh ơi, nhanh lên, cho xe qua ngầm nhanh lên các anh ơi…Bom nổ ùng oàng, chói tai bốn bề. Xe qua dần hết ngầm. Còn một chiếc nữa. Nụ ngạc nhiên, ơ kìa, sao chiếc xe này lại đi chập choạng là thế, hay lái xe bị thương. Nụ hét, anh gì ơi, anh có sao không, xe đi gì lạ thế. Nụ nghe có tiếng con gái, được rồi, yên tâm, ổn định rồi đây. Trời ơi chị Xuân. Xuân bặm môi, tay cầm vô lặng, cả người dồn hết về phía trước. Nụ không ngờ chị Xuân lại lái được xe. Nhưng lúc này không phải lúc hỏi thăm nhau điều đó. Hàng cọc tiêu co lại rồi dãn ra, hướng cho chiếc xe Xuân lái dần dần vượt qua trọng điểm.
    Nụ quay xuống nhìn chị em, thắng rồi, thành công rồi chúng mày ơi.
    Ba thân người đổ gục xuống mặt đất. Nụ lao tới. Trời ơi, bạn cô đã bị mảnh bom, tất cả đều bị thương nặng, nhưng tất cả đều im lặng, cắn răng chịu đựng để giữ nguyên hàng cọc tiêu cho xe qua ngầm. Bây giờ thì họ gục xuống, máu oà chảy lênh láng thấy rõ dưới ánh trăng. Nụ cùng chị em xé áo ra, băng bó vội vã vết thương cho chị em rồi phân công một bộ phận đưa những người bị thương về bệnh xá.
    Tất cả bỗng trở lại yên lặng.
    Máy bay cũng rút.
    Tiếng xe cũng đã ầm ì mất hút sau chân núi.
    Nụ bảo chị em về lán nghỉ ngơi.
    Còn lại Nụ một mình trên ngầm. Nụ đứng dưới ánh trăng. Nụ nhìn thấy rõ những vệt máu đỏ của đồng đội vương lại trên đất, sóng sánh trong ánh trăng sáng.
    Nụ nhìn thấy cả gương mặt xám đen bụi khói của mình trong vũng nước đọng ở một hốc đá, vũng nước trong vắt như chưa hề vừa qua một trận bom, vũng nước tràn trề ánh trăng sáng, và gương mặt Nụ mờ mờ hiện ra trong màn nước long lanh ánh trăng ấy. Nụ khoát nước rửa mặt. Nghe tiếng gọi, Nụ ơi, tao quay lại rồi đây. Xuân chạy tới. Tao lái xe dấu trong rừng rồi. Khiếp. Lâu nay lái chơi chơi, bây giờ phải lái qua ngầm, toát mồ hôi mày ạ, nhìn đường toét cả mắt ra. Mấy cha lái xe giỏi thật. Nụ nói, sao chị giỏi thế. Chị Xuân nói, anh Dũng dạy tao lái xe đấy, chỉ dạy được mấy buổi thôi. Nụ kéo chị Xuân lại vũng nước trong vắt, chị nhìn đi, đẹp lắm. Xuân nhìn xuống vũng nước, đẹp gì đâu. Nụ cười, là em nói trăng trong vũng nước đẹp lắm. Xuân oà lên cười, thế mà tao tưởng mày khen tao đẹp, sướng tê người. Nụ ôm vai Xuân, chị đẹp thật mà, rất đẹp, em mà đàn ông, em mê chị lắm. Xuân nhìn Nụ, vén mấy sợi tóc ướt trên mặt Nụ, em giỏi lắm Nụ ạ, qua thử thách vừa rồi, chị rất yên tâm về em, chị sẽ đề nghị lên đại đội cho em giữ chức tiểu đội phó. Nụ kêu lên, ôi chị, chức vụ gì hả chị, em không làm đâu. Xuân nói nghiêm nghị, chức vụ ở đây là gánh thêm cái chết về mình, em hiểu chứ. Nụ im lặng.
    Hai chị em cầm tay nhau đi dọc trọng điểm.
    Ánh trăng đi cùng họ, theo từng bước chân, soi rõ cái bắp chân con gái trắng ngời, sức lực.
    Xuân nói, em biết hồi nãy chị vừa lái xe vừa nói gì không. Nụ nhìn Xuân, thì chị hô khẩu hiệu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…Xuân cười, không, tao nói, anh Dũng ơi, em lái xe qua trọng điểm được rồi anh này, anh khen em giỏi không anh, anh nhớ em không anh…Nụ kêu lên, trời ơi, giữa bom rơi đạn nổ ác liệt như thế, nguy hiểm như thế, chị lại còn anh Dũng, anh Dũng là sao. Xuân cười, tao không biết, nhưng kêu tên anh ấy, tao tự tin lắm…
    Rồi họ dừng, nhìn hút tầm mắt về trọng điểm.
    Xuân thì thầm, anh Dũng nói, anh ấy sẽ qua đây vào một đêm trăng. Anh ấy sẽ cùng tao ra suối. Anh ấy nói, khi đó nhất định anh ấy sẽ không nắm tay nữa mà sẽ ôm tao đấy mày ạ.
    Nụ ghì lấy Xuân.
    Trăng dát ánh bạc như một dòng sông ánh sáng trước hai người.
    Không gian ấy, ánh trăng ấy, cảnh núi rừng ấy, không ai tưởng tượng được, nơi đây lúc này là trọng điểm.
    Hình như ánh trăng vá víu mọi vết thương của đất, của rừng, phủ tràn lên đấy cái ánh sáng ngọt ngào, yêu thương và làm dịu bớt nỗi nhớ nhung ở những cô gái như Xuân, như Nụ.
    Hai chị em bước qua một dãy hố bom ứ nước.
    Bóng Xuân và Nụ chao nghiêng trong ánh trăng, lấp lánh như bóng những thiên thần.











    12
    HỔ TRẺ
    Chỉ vì một quả bom mồ côi mà cung đường đang thông xe bỗng ùn tắc. An lẩm bẩm, mẹ kiếp, nó ỉa xuống quả bom mồ côi vu vơ mà trúng ngay tim đường. An gọi ba nữ chiến sĩ tới, quán triệt, vì các tổ khác mới đi san đường về, kiệt sức cả, nên ba cô phải thay họ ra mặt đường ngay, tạm lát đá, vá đường cơ bản cho xe qua là được. Có thêm anh em công binh hỗ trợ và một chiếc xe húc của tiểu đoàn cử xuống nữa, khoảng tiếng xong. Ba cô gái vội vàng chạy ra mặt đường.
    Hơn một giờ, thông xe. Một cô chạy về, trung đội trưởng ạ, cho tụi em ra suối tắm cái nhé. An nhắc, ừ đi đi, nhưng về sớm còn nghỉ ngơi. Các cô ù té chạy, cười khanh khách.
    Khúc suối nằm sâu trong rừng, xa trọng điểm. Trên suối, có những hòn đá lớn, to như cả cái giường. Các cô gái mò mẫm lội ra chính hòn đá ấy, trút bỏ áo quần và nhào xuống làn nước trong vắt. Suồi không sâu nhưng rộng. Hai bên bờ, cây cối um tùm. Ánh trăng cuối mùa mờ nhạt. Ba cô gái thoả thích tắm, gội đầu, nghịch nhau và cười khanh khách.
    Cô gái có mái tóc ngắn sải tay bơi về phía bên kia suối, nằm trườn lên một tảng đá lớn, hai chân thõng xuống nước, hai tay giang rộng trên mặt đá, mặt ngửa nhìn trời. Cô cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
    Ẩn sau một cành lá rậm rạp, trong ánh sáng mờ mờ, gương mặt một con hổ đang nhìn về phía cô gái tóc ngắn. Khuôn mặt nó đầy kích động. Hàng ria mép giật giật liên hồi, cái lưỡi đỏ lòm và dài ngoằng thòi lòi ra như ngọn lửa. Con hổ gườm gườm nhìn, đôi mắt đỏ rực nhìn về tảng đá, trên đó cô gái nằm lõa thể, gương mặt thanh tú, da thịt trắng ngời như trêu người. Nước miếng hổ nhỏ giọt, rơi lỏng thỏng xuống đất, da nổi sóng cuồn cuộn, con hổ có vẻ không thể kiên nhẫn hơn được nữa trước con mồi. Nó thu mình lại, lớp lông dồn thành nếp như một cái lò xo bị ép cứng. Vụt một cái, toàn thân con hổ lao ra, hai chân trước đưa thẳng, nhanh như chớp giật. Bóng con hổ lao vụt ra phía tảng đá. Một tiếng thét nghẹn tắc giữa chừng. Hai bàn chân trước với những cái vuốt sắc của hổ đồng thời vục xuống mặt cô gái. Máu tươi vọt ra chảy oà trên mặt đá. Con hổ dùng miệng cắn ở phần xương ngực của cô gái và kéo lùi cô gái mất hút sau lùm cây. Bốn chân nó đạp roàn roạt trên sỏi đá, giẫm nát vội vã cả lớp cỏ lau lách, kéo xác cô gái lướt nhanh, xa tít trên đỉnh đồi. Nó ngó nhìn vị trí, rồi kéo cô gái lại bên một hốc cây. Nó ngồi chồm hổm, thỏa mãn nhìn con mồi. Con hổ đưa lưỡi liếm láp quanh mép rồi nó bắt đầu thỏa mãn cơn đói bằng việc ăn thịt cô gái. Hai chân hổ nhay, giật, tước mảng tóc cô gái rồi lân la xuống dưới, vục mạnh vào bầu ngực trẻ. Một bên vú bị toạc rời ra trong tức thì. Con hổ vục cả mặt xuống nửa bộ ngực bị khoét lõm, hối hả cắn, nhai, xé, giật. Sau một lúc nhay, xé, nhai, nuốt, con hổ dường như đã no. Nó dùng mõm ủi thân xác đã tan nát của con mồi vào hốc cây, dùng chân khểu lá khô lấp kín lại. Con hổ ngó nghiêng chút rồi bỏ đi.
    Hai cô gái đứng bên kia bờ nghe tiếng kêu liền hớt hãi bơi qua. Họ kéo tay nhau trèo qua tảng đá. Nhưng vừa đứng lên, vừa kịp lia đèn pin thì cả hai khịu chân xuống, cứng hết mồm mệng, không kêu nổi một tiếng nào. Hai cô gái bò tới, run lập cập, không tin được trên phiến đá, chỉ còn máu bạn mình loang đỏ, rơi lại lổn nhổn vài bộ phận cơ thể. Vệt lá rừng toang hoác, in sâu những dấu chân hổ trên đất và máu tưới cả một vệt dài. Phải lâu lắm, sau khi hiểu được cái gì vừa xảy ra, tai họa nào vừa đến, hai cô gái mới oà khóc và chạy như điên dại về đơn vị.
    Hai cô gái không còn ý thức được là mình đang cởi truồng.
    Cả đơn vị nháo nhác nhận được tin báo hổ vồ chiến sỹ của mình.
    An giật bắn hết người, gọi điện thoại báo lên cấp trên mà lúng búng mãi mới nói được hết câu.
    An khoác súng, cùng anh em lao về phía con suối.
    Chỉ còn lại những dấu chân hổ.
    Chỉ còn lại xác người bị hổ nhay nát tanh bành.
    Chỉ còn những vùng máu và những đống thịt lầy nhầy dính bê bết vung vãi cả một vùng. Một bao ni lông mang tới gói gém thi thể không còn nguyên lành.
    Một giấy báo tử sau đó được gửi về địa phương, báo rõ, một nữ chiến sĩ đã hy sinh ở mặt trận phía nam.
    Mặt trận điện khẩn về tất cả các đơn vị việc có con hổ rừng đang ăn thịt người và đã vồ chết chiến sĩ. Đêm, tất cả mọi người đi đâu phải mang vũ khí. Cấm không được vào rừng vì bất cứ lý do gì. Cấm tắm suối ban đêm. Cấm ra khỏi khu vực lán vào ban đêm.
    Không khí thực sự căng thẳng.
    Trong lán, các cô gái giành nhau nằm giữa.
    Mỗi đêm, từng tiểu đội lại thêm một suất gác hổ.
    Ban ngày đối diện với bom đạn, tối, đối diện với con hổ ăn thịt người. Ai cũng phờ phạc.
    Một tiểu đội được trang bị vũ khí lùng sục khắp khu rừng để giết hổ.
    Những cái bẫy giăng khắp nơi, những tảng thịt heo làm mồi nhử đêm nào cũng bị biến mất nhưng bẫy thì không sập.
    Bà con địa phương trong vùng cũng nhận lệnh đi săn hổ.
    Có cả những giải thưởng.
    Nhưng trong khi đơn vị đang ráo riết tìm mọi cách lùng sục giết hổ thì lại nhận được tin, một chiến sĩ lái xe bị hổ vồ ngay trong capin xe khi xe dừng nghỉ trong một hốc núi.
    Tình hình nóng rực toàn cung đường.
    X X
    X
    Vết thương không chạm nhiều vào xương, nên chỉ chưa tới một tháng, Hà đã có thể đi lại được quanh trạm xá.
    Tối nào Bá cũng đến thăm Hà.
    Thậm chí, ban ngày Bá vẫn xuất hiện.
    Bá nhớ, cái hôm bươn bả đến gặp Hà, rồi bị sụp xuống hố, rồi được mang tới trạm xá một cách tình cờ và gặp Hà, Bá đã phải chuẩn bị nhiều lời rất công phu để thuyết phục Hà. Nào là Hà phải nghe Bá, phải tự coi mình là con gái ông Cục trưởng. Nào là cơ hội cho Hà được ra Bắc theo tiêu chuẩn của một chiến sĩ lập thành tích cao, ra Bắc rồi, mãi mãi Hà sẽ không phải trở vào chiến trường. Nhưng chính Hà đã làm Bá giật thót người. Hà nhìn Bá, sao anh biết em là con Cục trưởng. Bá nói anh bịa ra để cứu em khỏi bị trung đội trưởng An báo cáo lên cấp trên là em tự thương. Hà khen, anh bịa mà như thật. Bá hỏi sao lại thế. Hà nói, bố em vừa từ Cục trưởng lên chức Thứ trưởng. Bá rụm người, ước như có thể reo lên, hét lên. Hà nói, ở trạm xá, chỉ có trưởng trạm xá mới biết em con ai, còn mọi người chỉ biết em là con gái cán bộ cao cấp bị thương. Bá nhìn Hà như nhìn một thiên thần.
    Bá tìm mọi cơ hội để thực sự chiếm lĩnh hoàn toàn trái tim Hà. Hà nói, em có tội với bố em, làm nhục bố em, nhưng chuyện này hiện nay chỉ một mình anh biết. Bá hiểu ý, gật gật đầu.
    Người trong trạm xá không còn lạ gì cảnh Bá dìu Hà đi bách bộ quanh khu vực, không lạ gì cảnh họ ngồi bên nhau thân mật, và xa hơn, khi chân Hà đã bắt đầu nhúc nhắc đi lại được, đêm đêm, Bá lại đến đưa Hà đi xa hơn, ra ở những khu vực thanh vắng để tâm sự.
    Hà không biết Bá đã có vợ.
    Bá thì đang nghĩ đến việc bỏ vợ.
    Làm con rể ông Thứ trưởng với Bá đã là một con đường tiến thân nhẹ nhàng.
    Nhưng chiều tối nay thì ở trạm xá có một biến cố nhỏ, với mọi người chỉ là một xao động, nhưng với Bá là một cơn lốc lớn.
    Bá từ đơn vị vừa mon men đến gần trạm xá thì giật mình nhảy tót bên một hốc đá lớn.
    Gần một tuần nay Bá mới có dịp lên thăm Hà.
    Nhưng những gì đang hiện ra trước mắt, khiến Bá hoảng hốt.
    Một ca bị thương khẩn cấp mang vào trạm xá. Nghe tiếng lao xao, Bá biết, đây là anh lái xe bị hổ vồ còn sống.
    Và người ta vào báo cáo bác sĩ ra.
    Người bác sĩ ấy chính là Kim Anh.
    Như một giấc mơ.
    Bá sững sờ nhìn Kim Anh trong bộ áo quần blu xanh nhanh nhẹn ra tiếp nhận bệnh nhân.
    Bá không thể ngờ Kim Anh lại xuất hiện ở trạm xá.
    Kim Anh lại là cháu của Chính uỷ mặt trận.
    Và Kim Anh sẽ không để yên cho Bá nếu biết Bá đã quan hệ với Hà.
    Bá chần chừ, suy nghĩ, toan tính.
    Bá quyết định quay trở lại đơn vị ngay trong chiều tối ấy, không vào trạm xá nữa. Nhưng trước khi đi, Bá viết vội một lá thư rồi khéo léo nhờ một thương binh chuyển cho Hà.
    X X
    X
    Bá rời nhanh khỏi trạm xá, hướng về đơn vị ở trọng điểm.
    Đêm xuống rất nhanh. Con đường mòn vắt qua mấy cánh rừng bỗng dưng hun hút, dài mãi dưới chân Bá bước vội vã.
    Khẩu AK trĩu nặng trên vai.
    Bá vừa bước vừa tính toán những ứng xử của mình với hai người đàn bà không hiểu sao lại cùng đang ở trạm xá. Đầu óc Bá mụ mị. Quá bất ngờ, Bá chưa sẵn sàng cho bất cứ một giải pháp nào.
    Vừa qua một hẻm núi, cách trạm xá khoảng vài cây số thì Bá bị té ngửa bởi một bóng đen lao vụt xuống. Bá lia đèn pin. Con hổ vằn vện đứng ngáng giữa đường. Đôi mắt đóng đèn đỏ như hai hòn than. Gương mặt nó co giật. Miệng gầm gừ. Lưỡi hổ liếm mép. Hàng ria giật mạnh. Con hổ như một cỗ pháo tiến đến, từng bước một, không chút hoảng sợ.
    Bá há hốc mồm, cổ họng cứng như khúc gỗ. Bá giật lùi và áp sát người vào vách đá. Con hổ vẫn tiến đến. Tiếng gầm gừ của nó mỗi lúc một dữ tợn. Quần Bá ướt sũng nước đái. Chiếc đèn pin trong tay Bá run bần bật. Ánh sáng quét run rẫy về phía trước. Gương mặt con hỗ dữ dằn nhìn Bá, hai hàm răng nhọn hoắt xỉa ra trước.
    Đầu gối Bá khịu xuống. Bá sụp xuống đất, miệng lưỡi ngọng cứng, Bá nghe rõ ràng âm thanh tiếng bước chân của con hổ đang tiến đến gần và âm thanh gầm gừ của nó như mũi dao nhọn xoáy long lóc trong đầu óc Bá.
    Bá nhắm mắt, hình dung cảnh con hổ sẽ bay tới, vục hai móng sắc nhọn vào mặt mình, xé ra, vò nát.
    Bá cố nuốt nhiều lần nước bọt và đau đớn nhìn lên chờ cái giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
    Con hổ chỉ cách Bá một quãng ngắn.
    Bá lập cập tháo cái bi đông, vứt về phía con hổ. Con hổ đưa bàn tay nhẹ nhàng đỡ cái bi đông, hít hà rồi dùng mõm hất cái bi đông ấy xuống vực.
    Bá lại lia về phía nó cái mũ tai bèo.
    Con hổ cướp lấy hít hà rồi dùng hàm răng bập vào cái mũ, xé tan vẻ giận dữ.
    Miệng Bá co giãn, lập bập, lúng búng những âm thanh, sau rồi, những âm thanh ấy bật ra thành tiếng, mà chính Bá cũng không biết là mình đang nói gì, chỉ nghe những tiếng nói của Bá, nghèn ngẹn, tức tưởi, run rét bật xô ra ào ào trước mũi con hổ.
    -Con lạy ngài, con là Nguyễn Hữu Bá, con là thằng đàn ông khốn nạn, con là thanh niên xung phong, con dại gái, con mê gái, con sợ chết, con nhớ nhà, con không thích chiến tranh, con yêu rừng, con yêu biển, con yêu cát, con 25 tuổi, con còn trẻ….
    Bá vừa nói vừa ẩn người lùi trên đường. Bá chà mạnh đít quần trên mặt đá lổn nhổn mà không biết đau.
    Con hổ vẫn gầm gừ tiến đến.
    Bá gào lên như hát, mà hình như là Bá hát, hát cuống quýt, hát như điên dại…
    -Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn…Hai đứa ở…Hôm nay lên đường hành quân ra mặt trận…Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây…thanh niên quê tôi làm chiếc gậy Trường Sơn…Năm anh em trên một chiếc xe tăng…Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác—Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng…Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ biết đi đường nào…biết đi đường nào…biết đi đường nào…
    Bá khóc. Bá rú lên điên cuồng. Bá chủi bới. Bá la hét. Bá không ý thức được mình là ai, mình đang nói hay đang hát, hay đang chửi bới, hay đang gào thét…Nỗi sợ hãi làm Bá tê tái, lạnh cóng, làm Bá rúm ró, nhàu nhò như mớ giẻ rách đang bị kéo lê trên đường núi.
    Con hổ dừng, không tiến thêm nữa. Nó đứng nhìn Bá, nhìn một con mồi lu loa, hét hò, inh tai nhức óc. Rồi không hiểu sao, con hổ vươn người dậy, hai chân đưa lên trước, nhấc bổng cơ thể nó lên cao và gầm một tiếng rung chuyển cả núi rừng.
    Bá nghẹt thở bởi tiếng gầm ấy.
    Con hổ đột ngột quay người bỏ đi.
    Như một sức mạnh bùng dậy, như dưới đít có cái lò xo lớn, toàn thân Bá lập tức nhao lên, và Bá cũng quay đầu chạy.
    Nghe tiếng chân Bá chạy, con hổ quay ngoắt lại, gầm một tiếng. Bá đứng chết sững. Lưng Bá dính bết vào vách đá, đầu gối va nhau lập cập, rõ ràng hai tay Bá đang ôm chặt khẩu súng mà cảm giác như ôm một cây gỗ. Con hổ gầm lên một tiếng. Nó lao tới. Bá rụt tay, co người định chạy thì ngón tay bất ngờ xiết mạnh vào cò súng. Một loạn đạn nổ. Bá ngã vật xuống, sùi cả bọt mép ra vì sợ. Bá rụng rời bởi tiếng súng xé tai.
    Loạt đạn găm thẳng vào ngực và đầu con hổ khi nó đang lao tới Bá.. Con hổ rú lên, nhảy dựng lên rồi ngả vật xuống, chết tươi.
    Bá vẫn chưa định thần.
    Những tiếng bước chân chạy rần rật.
    Bá nghe có tiếng gọi nhau.
    Bá chống tay ngồi dậy, ép sát người vào hốc đá để hy vọng có người đến cứu.
    Ba chiến sĩ chạy tới, vấp phải con hổ đã chết gục thì reo lên mừng rỡ.
    Bá nghe tiếng reo con hổ đã bị ai bắn chết thì chống tay đứng dậy, tay cầm súng. Bá lia đèn pin về phía trước.
    Bá bước lại, gắng sức ghim những bước chân vào đất để đi cho vững.
    Ba chiến sĩ ngơ ngác nhìn Bá rồi họ lao tới, ghì lấy Bá, hét lên, anh đã bắn chết con hổ, mình anh đã tiêu diệt được con hổ ăn thịt người, sao anh tài như thế, sao anh dũng cảm như thế, sao anh tuyệt vời như thế.
    Bá nói nhỏ, khiêng con hổ theo tôi.
    Ba chiến sĩ dạ dạ rồi buộc dây khiêng con hổ theo Bá.
    Bá quay trở lại trạm xá.
    Khi còn cách trạm xá vài chục bước chân, Bá yêu cầu mấy chiến sỹ đặt con hổ lên vai mình. Mấy chiến sĩ trẻ hơi ngạc nhiên những cùng làm theo.
    Bá vác con hổ, bặm môi, cố hết sức bước nhanh về phía chỉ huy trạm xá.
    Mọi người chạy ùa ra.
    Ai nghe tin con hổ bị Bá bắn chết cũng chạy ùa ra.
    Bá vác con hổ bước thẳng vào hang đá trạm xá. Trong ánh đèn măngxông sáng, Bá như một Võ Tòng.
    Toàn người Bá loang lỗ máu tươi tử con hổ.
    Bá vác con hổ, quan sát mọi người đang nhìn mình rồi hất con hổ xuống đất.
    Kim Anh lao tới, hét:
    -Ạnh Bá.
    Bá giả vờ sững sờ nhìn Kim Anh:
    -Ôi kìa em..
    Kim Anh:
    -Trời ơi, chính anh đã giết con hổ này.
    Bá gật gật đầu.
    Kim Anh chẳng cần biết quanh mình có ai, lao tới ghì lấy Bá:
    -Anh ơi, em vào đây là vì anh, là vì anh, anh ạ. Anh là niềm tự hào của em đấy anh biết không.
    Ông trung tá bác sĩ trưởng trạm xá bước đến, vỗ lên vai Bá:
    -Cậu là một con hổ trẻ của chúng tôi. Cậu đã làm được một việc đáng kính trọng. Cậu xứng đáng để toàn mặt trận phải nêu gương học tập.
    -Không có gì đâu thủ trưởng, trên đường công tác, con hổ lao ra vồ tôi, tôi phải vật lộn với nó mấy giờ đồng hồ mới bắn chết được. Nó đã giết hại chiến sĩ chúng ta..không thể không tiêu diệt…
    Bá xin ông trạm trưởng một điếu thuốc. Bá châm thuốc hút trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng chục y, bác sĩ và thương bệnh binh tại trạm xá.
    Hà nghe tiếng ồn ào, chống nạng bước từ hang đá của mình qua hang đá trung tâm.
    Trong ánh sáng đèn, trong tỉếng vỗ tay ầm ĩ, tiếng hoan hô náo nhiệt, Hà nhìn rõ ràng bác sĩ Kim Anh đang ghì chặt lấy Bá.
    Hà nhìn Bá như nhìn một con hổ.


    13
    MŨI TIÊM

    Dãy hang đá nằm sâu trong chân núi. Bên ngoài nhìn không thể biết được, ẩn sau những lớp cây lá, những vách đá sần sùi là cả một bệnh xá tiền phương.
    Ngày ngày, thương binh, bệnh binh ở các tuyến đường đưa về đây. Và ngày ngày, cái thẻo đất hoang xa xa cách đấy chừng vài chục phút đi bộ là nơi chôn cất các liệt sĩ.
    Cũng chỉ nằm cách các khu vực trọng điểm một quãng đường không dài nhưng máy bay Mỹ chưa phát hiện được trạm xá này. Bên kia vách núi là bom đạn, là tiếng gầm rú suốt ngày đêm của máy bay, là thương vong, là cái chết, thì bên này dãy núi, khu vực bệnh xá vẫn hoàn toàn yên tĩnh.
    Những thương binh nặng thường ở trong căn hầm gần lối vào nhất. Đó là phòng cấp cứu. Bác sĩ Kim Anh được bố trí trực ở phòng cấp cứu.
    Rất nhiều những thương binh cần cấp cứu đưa vào.
    Trên tay Kim Anh thường trực ống nghe, kim tiêm.
    Và mỗi khi cô tiêm, thấy cái ngón cái đẩy thuốc bị tắc lại giữa chừng, thuốc không chảy, nghĩa là người thương binh tử vong.
    Những ngày đầu tiên vào mặt trận, Kim Anh không chịu nỗi những lần tiêm như vậy. Quá nhiều chiến sĩ tử vong sau vài lần tiêm. Và bao giờ cũng thế, khi kim tiêm run lên bần bật trên tay cô, khi thuốc tiêm không còn đẩy được vào bắp tay người chiến sĩ, Kim Anh lại oà khóc rồi đau đớn dùng bút gạch chéo lên bệnh án, cái gạch chéo tựa như dấu chấm hết cho đời một con người.
    Cứ sau một trận bom ở trọng điểm là vài giờ sau, thương binh được đưa đến. Đa phần vết thương đều rất nặng. Phương tiện cấp cứu, thuốc men đều vô cùng thiếu thốn. Thuốc mê dùng cho phẫu thuật lúc có lúc không.
    Trên cái thẻo đất nơi chôn cất của các liệt sỹ, huyệt mộ ngày càng dày theo ngày tháng. Những nấm đất tươi rói cùng với một mảnh gỗ nhỏ khắc tên tuổi của liệt sĩ.
    Mỗi ngày lại xuất hiện thêm những ngôi mộ mới.
    Mỗi ngày sau cái mũi tiêm bị tắc nghẹn, là thêm một huyệt mới.
    Đất chôn cứng tuổi 20 của bộ đội, thanh niên xung phong.
    Hàng hàng lớp lớp các chiến sĩ nằm bên nhau, tang tóc.
    X X
    X
    Hà đập gãy cái nạng vào tảng đá trước cửa hầm điều trị. Cái nạng gỗ gãy đôi. Hà bất lực ngồi bệt xuống trên cỏ, nhìn hút bóng của Kim Anh và Bá vào chân núi. Một anh thương binh nhìn thấy, bước tới, nhặt cái nạng gỗ lên, xuýt xoa:
    -Cái nạng gỗ này gửi từ Hà Nội vào đẹp thế mà cô không thích à? Sao lại đập gãy nó đi, phí quá.
    -Anh thích nó đến thế à? Cái nạng, cái chân giả, gì mà tiếc hộ em thế anh
    -Khi chân thật bị thương thì phải dùng chân giả, dùng nạng chứ cô. Cô đập gãy rồi, cô đi làm sao? Hay để tôi nẹp lại cho cô nhé
    -Tôi không cần.
    Hà vùng đứng lên, bước, bước, bước rồi ngả nhụi. Anh thương binh lao tới.
    -Cô sao thế?
    Hà oà khóc.
    Anh thương binh làu bàu:
    -Tôi không khóc thì thôi, vết thương cô ở chân, có gì mà khóc
    Hà quắc mắt lên:
    -Tôi thì sao? Anh thì sao?
    Anh thương binh:
    -Tôi bị vết thương ở chỗ hiểm lắm cô ạ…Bác sĩ nói tôi không thể có con nữa…Ra viện, tôi sẽ được phục viên, chân tay lành lặn thì về nhà lấy vợ sao được hả cô.
    Hà im lặng.
    Hà bước lại bên người thương binh:
    -Anh biết cái người vừa bắn hổ chứ
    -Biết. Rất anh hùng.
    -Hèn nhát.
    -Sao cơ? Anh ta?
    -Vâng. Anh ta nói yêu tôi. Giờ lại kéo tay bác sĩ Kim Anh vô rừng. Hèn.
    -Phức tạp thế cơ à?
    -Anh cho tôi mượn anh chút.
    Hà tiến đến, bấu tay vào anh thương binh.
    -Cô muốn mượn tôi làm cái nạng.
    -Anh giúp em chút. Đi.
    Hà vịn tay vào anh thương binh vào rừng.
    Kia rồi, dưới một hốc đá, Kim Anh và Bá đang vần lấy nhau như hai con trăn. Anh thương binh hoảng:
    -Việc cô nhé. Tôi không liên can.
    Không thấy Hà nói gì, anh thương binh đi khuất.
    Hà chẳng nghe anh thương binh nói gì hết, cô đứng chết trân.
    Không hiểu sao Hà lại đứng chết trân rất lâu, không động cựa. Còn trước mặt thì bác sĩ Kim Anh như có thể tan ra trong bàn tay Bá.
    Hà cũng không ngờ tiếng cô uất nghẹn trong lồng ngực lại bật ra rung chuyển đến như thế:
    -Anh Bá.. á.. á.!!!
    Bá và Kim Anh tàn cuộc vì tiếng gào của Hà.
    Kim Anh hỏi Bá:
    -Cô ấy là…
    Bá nhìn Hà:
    -Hà…Em về đi…Sương đang xuống, lạnh đấy.
    Hà vẫn đứng chết trân, không nói nhưng hai đầu gối đã run lắm.
    Kim Anh bất ngờ tát Bá một cái bạt tai:
    -Anh đểu lắm.
    Và cô vùng chạy.
    Còn lại Bá và Hà. Bá châm thuốc hút:
    -Em ra đây làm gì?
    Hà sấn tới:
    -Thế mà anh nói anh sẽ bỏ vợ để cưới tôi.
    Bá:
    -Phải. Đúng vậy
    Hà nhào người tới:
    -Rồi anh cũng nói với cô ấy là anh sẽ bỏ vợ để lấy cô ấy chứ?
    -Cũng có thể…
    -Rồi một mai anh gặp cô gái khác, anh cũng nói cái giọng ấy ra chứ?
    -Cũng có thể…
    -Có gì ở tôi, tôi cho anh hết, cho anh hết, cho anh hết, anh không quên chứ?
    -Không!
    -Anh nói, anh và tôi sẽ ra miền Bắc, sẽ nhờ bố tôi cho cả hai đi nước ngoài học, anh không quên chứ?
    -Không!
    -Thế mà chỉ vừa gặp cô ta, anh đã quên tôi ngay, theo hút cô ta ngay, vì bác ruột cô ta là chính uỷ mặt trận đúng không?
    -Đúng!
    -Vì như thế, cô ta sẽ tạo cơ hội cho anh tiến thân dễ dàng đúng không?
    -Đúng!
    -Anh sẽ dựa vào bóng cô ấy để dễ bề xin xỏ chính uỷ mặt trận những điều kiện mà anh cần đúng không?
    -Đúng!
    -Tại sao tôi có thể cả tin vào anh thế nhỉ?
    -Cô nói hết chưa?
    -Tại sao tôi lại ngu ngốc tin vào anh, thậm chí còn nhờ anh giúp tôi tự thương, tại sao thế nhỉ?
    -Cô nói hết chưa?
    -Tại sao anh nói cái gì tôi cũng gật, tại sao tôi có thể bị anh lừa trắng trợn giữa ban ngày ban mặt thế nhỉ?
    -Cô nói hết chưa?
    -Tại sao tôi lại không lấy súng bắn nát mặt anh ngay lúc này cơ chứ?
    -Cô nói hết chưa?
    -Đồ bỉ ổi.
    -Mọi thứ với cô, tôi không bỉ ổi. Điều bỉ ổi nhất thì tôi đã không làm. Nếu tôi tuyên bố cô tự thương và trung đội trưởng An xác nhận như vậy thì tương lại cô là gì? Tước quân tịch. Bố cô là gì? Là cha của một đứa con hèn nhát. Cô thích tôi bỉ ổi như vậy chứ?
    -….
    -Chiến tranh nay sống mai chết, cô ghen tuông làm cái gì. Thì đấy, bộ đội cả rừng đấy, cô muốn đi với thằng nào thì đi đi, tôi có ghen đâu.
    -….
    -Tôi có ép cô phải ngủ với tôi, phải cho tôi trinh tiết đâu? Tôi ép cô không? Không. Tôi có ép cô yêu tôi đâu? Ép không? Không. Tôi có một hai năm mười ép cô phải sống chết với tôi đâu. Ép không? Không. Tôi có nằng nặc ép cô phải làm vợ tôi đâu. Ép không? Không. Chính là cô tha thiết yêu tôi đấy chứ? Đúng không? Đúng. Chính là cô gào lên trong nước mắt nói rằng, anh ơi, em muốn làm vợ anh, em muốn sống bên anh trọn đời đấy chứ. Đúng không? Đúng. Chính cô van xin tôi hãy im lặng, hãy giữ bí mật việc cô tự thương để giữ danh dự cho cô, để giữ danh dự cho bố cô đấy chứ. Đúng không? Đúng. Thế bây giờ cô muốn sao? Cô gào lên giữa đơn vị là các thủ trưởng ơi, em yêu anh Bá, anh Bá phá trinh em, em muốn làm vợ anh Bá, anh Bá không thể yêu bác sĩ Kim Anh được. Cô làm thế đi. Làm đi. Không dám chứ gì? Cô viết bản tự thú rằng cô tự thương để chuồn khỏi nơi bom rơi đạn nổ, viết đi. Không dám chứ gì? Cô báo cáo với chỉ huy rằng, cô muốn tôi bỏ vợ để lấy cô? Báo cáo đi. Không dám chứ gì?
    Hà suy sụp hoàn toàn. Cô ngồi bệt trên đất. Cái chân bị thương tưởng như gãy. Bá nhẹ nhàng kéo Hà ngồi ngay ngắn trên một phiến đá phẳng.
    Bá ôn tồn:
    -Bố cô làm to đấy nhưng ở xa. Tại mặt trận này, bác ruột của bác sĩ Kim Anh là trời. Muốn thoát chết thì phải nhờ trời. Muốn ra Bắc trong danh dự sáng ngời thì phải nhờ trời. Muốn đi học, thoát khỏi nơi chảo lửa này cũng phải nhờ trời, hiểu chưa?
    Hà cúi gầm mặt xuống.
    -Một cái hôn của tôi với bác sĩ Kim Anh để mang đến cho tôi và cô cả một sự bình yên, thoát cảnh bom đạn, cô thấy giá ấy bèo chứ? Ngay cả việc tôi có ngủ nghê với cô ấy và đổi lại cả tôi và cô cùng được ra Bắc trong danh dự sáng loà thì giá ấy cũng bèo đấy chứ?
    Hà mềm như một cục đất khô đã bị rưới đẫm nước.
    -Quê mình có câu, trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Cô nhớ câu ấy chứ? Bác của Kim Anh là trời, tôi nhắc lại, và chúng ta phải chiều cô ấy để làm đẹp lòng trời. Nếu cô thấy tôi nói phải thì đứng lên.
    Hà đứng lên.
    Hà gục vào vai Bá khóc nấc.
    Bá làu bàu:
    -Cái hành động hôm nay của em làm tôi phải tổn hao sức lực mới lấy lại được lòng bác sĩ Kim Anh đấy. Hiểu chưa?
    Hà lí nhí:
    -Em xin lỗi anh…
    X X
    X
    Kim Anh thả rơi mình trong ngách phòng dành riêng cho cô. Thân thể cô tự rơi. Lúc này, trong cô, những cảm xúc u uất, nặng nề bưng bít hết mọi ý nghĩ, làm cô nghẹt thở, làm cô nóng rực lên như một quả bom hẹn giờ. Kim Anh giang rộng hai cánh tay, đập bôm bốp lên mặt ván. Tiếng đập tay của cô nghe như tiếng trống ếch bị thủng mặt. Kim Anh nằm úp mặt lên giường, bất động. Tự trong cô, sâu thẳm, bật vang lên một tiếng nấc, hai tiếng nấc, ba tiếng nấc. Tiếng nấc như không thể thoát ra được, vần vụ, nghẹn cứng, dồn đẩy hai dòng nước mắt chảy ùa ra, ướt nhoà cả hai bàn tay.
    Kim Anh chửi mình, mắng mình, gào lên trong lòng rằng, cô ngu lắm, cô khờ dại lắm, cô cả tin lắm, cô điên rồ lắm. Cô vào đây là vì anh ta, vì yêu, vì nhớ, vì thèm khát cái mùi mồ hôi trên thân thể anh ta; cái hàng ria mép lúc nào cũng cong cớn của anh ta; cả chùm lông dài mướt ở nách; cả dãy lông lưa thưa ở rốn; cả cái gồng mình bặm trợn; cả cái nụ hôn như nuốt, như nhay, như rút hết hồn vía, thân thể cô; cả cái kìm kẹp đôi chân anh ta vào cô, nó xoắn lại, riết nóng, vừa mơn trớn vừa dữ đội, như muốn nhào, muốn nặn, muốn xé tan cô ra từng mảnh.
    Thế đấy, hoá ra anh ta còn có cô khác ở đây, lại đang điều trị ở đây. Thế đấy. Thế đấy. Những móng tay Kim Anh gãy gập khi cô cào cấu mạnh lên mặt sàn bằng gỗ cô cũng không hay biết.
    Rồi Kim Anh giật mình quay lại thì đã thấy Bá ngồi cạnh tự lúc nào. Kim Anh xô tới, nhay mạnh vào cổ áo Bá:
    -Anh cút ngay. Cút ngay đi…
    Bá từ tốn:
    -Ngày mai anh sẽ đi…anh lại về trọng điểm…và có thể vài giờ sau, một đợt B52, em sẽ nhận được tin anh đã chết…
    -Kệ xác anh…Anh chết đi, chết ngay đi…
    -Phải…Anh lại muốn chết trước mặt em…Anh muốn trước khi chết, được nhìn thấy em, được em vuốt mắt…thế thôi em ạ…Anh biết anh là một thằng tồi, đã phản bội tình yêu em dành cho anh, nên anh không muốn sống làm gì…Rất xấu hổ…Ngày mai anh về trọng điểm, anh sẽ xung phong vào tổ trực bom. Tổ này hy sinh nhiều lắm. Và anh sẽ nằm trong số đó.
    Kim Anh áp sát mặt Bá:
    -Anh với cô ta là gì?
    Bá bình thản:
    -Một chút xao động giữa chiến trường đầy chết chóc thôi em ạ…
    Kim Anh hậm hực:
    -Chút xao động của anh cũng đã giết chết đời con gái người ta rồi…
    -Cô ấy sẽ trực tiếp xin lỗi em…
    -Sao? Xin lỗi?
    -Đúng. Cô ấy sẽ xin lỗi…
    Kim Anh há hốc mồm nhìn Bá.
    -Cô ấy sẽ xin lỗi tôi?
    -Phải…Ngày mai cô ấy sẽ xin lỗi em…
    Kim Anh buông Bá ra:
    -Tôi khó tin anh lắm…Miệng anh như sợi dây chun…
    Bá:
    -Anh biết, anh là đồ chó chết, đồ thối tha, bom đạn sẽ băm nát anh ra em ạ…
    Kim Anh:
    -Hy vọng là thế…là thế…là thế…
    Kim Anh bước nhanh ra khỏi hang.
    Bá châm thuốc, rít từng hơi thuốc thật dài, thở hắt ra khoan khoái.
    Tay Bá cầm cái ống tiêm lên, nhìn, mỉm cười.
    X X
    X
    Cậu y sỹ chạy tới gặp Kim Anh:
    -Chị ạ…chị giúp em đi…
    -Việc gì?
    -Cậu thương binh kia cứ nằng nặc muốn bác sĩ Kim Anh tiêm cơ. Cậu ấy nói, chỉ cần một lần được bác sĩ Kim Anh tiêm thì sau này tiếp tục vào trận, có chết cậu ấy cũng vô cùng hạnh phúc.
    -Gì mà quan trọng thế?
    -Cậu ấy nói, vì bác sĩ quá xinh đẹp, quá dịu dàng, những mũi tiêm của bác sĩ rất êm nhẹ, không ai thấy đau hết…
    Kim Anh đi theo anh y sỹ.
    Đầu óc cô vẫn đang quay cuồng vì Bá.
    Cơn ghen tuông đang sôi sùng sục trong cô, lại hoang mang không biết nếu Bá ngày mai ra trọng điểm có đúng như Bá nói không. Có ghét cay ghét đắng Bá thế nhưng nếu mà anh ta bị bom thì sao. Trọng điểm mà. Cái chết mà…
    Người thương binh vui sướng chìa cánh tay ra.
    Kim Anh cầm kim tiêm.
    Người thương binh mặc sức ngắm nhìn cô, ánh mắt khát khao và mê đắm.
    Anh chuẩn bị để tận hưởng sự êm dịu của mũi kim từ bàn tay nuột nà, thon thả của nữ bác sĩ xinh đẹp.
    Còn Kim Anh thì đang dội vang trong đầu ý nghĩ lẩn thẩn, nửa lo lắng, nửa ghen tức, nửa hoảng loạn.
    -Ái…ôi giời ơi…cô làm cái gì thế?
    Kim Anh bập kim tiêm vào tay người thương binh như trút vào đấy cả nỗi niềm đắng chát, bực bội, nặng trĩu của lòng cô.
    Anh thương binh giật bắn người, gào lên thất thanh.
    >> xem tiếp phần 3