Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tagged Under:

TỲ BÀ HÀNH...

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 03:25
  • Chia sẻ bài này >



  • Cụ Nguyễn Thị Chúc, một ca nương nổi danh của đất Hà Thành, đang sống ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã yếu mệt. Tấm ảnh này lấy trên fb Pham Thi Hue, cũng là một ca nương nổi tiếng, chị Huệ tới thăm cụ Chúc, đàn và hát cho Cụ nghe, và trong yếu mệt, theo chị Huệ kể ở fb, tiếng đàn, lời hát ca trù đã làm cụ như khỏe thêm.

    Tôi không biết cụ Chúc, tôi chỉ biết nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu ở Ninh Bình và đã từng cùng Điệp Hoàng về thăm bà Cầu, nghe bà hát trước ngày bà mất vài năm.

    Ca nương Phạm Thi Huệ tôi cũng không quen, chỉ biết hiện nay chị là Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long. Chị cũng là đào nương đầu tiên của thời hiện đại được các bậc thầy cho ra nghề một cách bài bản, bằng một lễ "mở xiêm áo" năm 2006. Chị cũng là người đầu tiên đưa ca trù trở lại với khán giả định kỳ bằng cách phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ tổ chức biểu diễn tại các điểm di tích trong khu phố cổ. Hiện nay, Giáo phường Ca trù Thăng Long biểu diễn định kỳ vào các tối thứ ba, thứ năm, thứ bảy hằng tuần tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây.
    Sau những báu vật ca trù của một thế hệ xưa như ca nương Hà Thị Cầu, Nguyễn Thi Chúc, có một thế hệ ca nương nối tiếp như Phạm Thị Huệ, và kế tiếp đã kịp có một thế hệ trẻ hơn, nối gót xứng đáng như các ca nương trẻ Nguyễn Huệ Phương ( con gái chị Huệ), những đào nương trẻ tuổi khác như: Nguyễn Thị Thu Thủy, Vũ Thị Thùy Linh...

    Cuộc sống bây giờ quá nhanh, quá gấp, quá bộn bề, chúng ta dễ bỏ qua những nốt "bè trầm" này- như ca trù, nhưng sâu thẳm đâu đó trong ngày, trong đêm, trong ý thức, nếu bạn dành một khoảng lặng, tặng cho mình một khoảng lặng, níu tâm thức mình vào tiếng hát nghệ nhân, nghe họ nhả chữ, buông câu, gõ phách, đánh đàn và có thể thả mình trôi trong một không gian rất lắng đọng, rất sâu thẳm, bạn thấy dường như guồng quay cơm gạo áo tiền được phanh lại, cho ta nhìn rõ hơn gương mặt bạn bè, nghe rõ hơn tiếng nói bạn bè, thấm thía hơn hơi thở bạn bè, âu cũng là điều cần lắm.

    Còn họ, cuộc đời ca nương, xưa nay đều thế, buồn như tiếng đàn tỳ bà, buồn như câu hát ca trù trong bài thơ "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị đã lưu lại thế gian suốt mấy trăm năm: Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
    Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non.
    Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
    Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng.

    Cầu mong cụ Chúc chóng khỏe.
    Trân trọng tấm lòng của những ca nương hậu sinh như chị Huệ luôn mang nghĩa nặng tình sâu với những thế hệ bậc thầy của mình, mà nhân dân luôn coi họ là báu vật sống của văn hóa dân gian nước nhà. Còn nhà nước- những ông quản lý văn hóa, sau những câu chữ ngợi ca, thậm chí khoe không mỏi miệng với quốc tế về văn hóa dân gian, đặc biệt ca trù, thì có ngó ngàng, thì có ra được chính sách gì cho họ hay không, rồi lại phải chờ, như nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng cả thế giới Hà Thị Cầu, cứ chờ mấy đồng bạc phụ trợ của nhà nước tới khi chết vẫn chẳng thấy đâu nhưng mấy ông văn hóa lại kéo từng đoàn rất đông tới viếng cụ như là cách để khoe mẽ trên ti vi, trên truyền thông thì lại rất giỏi nghề.

    Biết là đành kiếp "Tỳ bà hành" nhưng chẳng lẽ cứ mãi buồn như thế với nước non?