Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Tagged Under:

EM BÉ BÁN CÁT

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 15:03
  • Chia sẻ bài này >



  • Như thế làTết thứ ba, dọc đường vào chợ xuân Đồng Hới, tôi lại gặp em ngồi đấy, đúng chỗ ấy, hai tay vân vê chậu cát trắng tinh. Em tên Thảo, 13 tuổi, còi cọc, phong phanh áo xống, co ro trong gió lạnh buốt xương, chiếc nón cời đặt bên cạnh, trong đó đựng cái ống bơ dùng để đong cát.

    Em đến chợ rất sớm, thân người gầy nghiêng hẳn về một phía, hai cánh tay bấu lấy thành chậu cát trắng nặng trĩu. Chọn chỗ, em ngồi như bất động, hai bàn tay khoả nhẹ trên mặt cát. Trước mặt sau lưng em, hàng tết bày bán la liệt, hoa quả, bánh trái, đủ sắc màu, chỉ có riêng hàng tết em bán màu trắng.
    Hình như đã quá nửa buổi sáng, hàng trong chợ bán đã giòn, người mua dần vãn, nhưng chậu cát trước mặt em vẫn nguyên xi. Hai bàn tay gầy của em vẫn bình thản khoả trên mặt cát. Và im lặng, bán như không bán, như đang chờ đợi. Tôi lân la bên cạnh. "Nhà em ở đâu?". Lắc đầu. "Ai bày cho em đi bán cát chợ tết?". "Mẹ". "Mẹ em đâu?". Lắc đầu. Tôi to tiếng: "Quê mình toàn cát, ai còn thiếu gì cát mà còn đem bán cát. Từ sáng tới giờ ai mua đâu?". Thảo cười, không tranh luận.
    Tôi đi một vòng, mua đủ hàng tết cho nhà mình rồi quay lại. Em vẫn ngồi đấy. Chậu cát trắng vẫn nguyên. Chiều chợ vãn. Còn em, ngồi yên, chậu cát vẫn nguyên. Thấy tôi quay lại, em cười rất tươi, bê chậu cát, trút hết vào cái bao nhỏ, đặt lên xe tôi: "Cháu tặng chú. Rứa là hôm nay không ai mua". "Thì ngày mai bán". " Ngày mai có cát ngày mai chú ạ". "Thế thì cho chú gửi tiền". Con bé cười. "Năm trăm đồng một lon, chậu này 20 lon, nếu chú trả tiền thì phải trả mười ngàn". "Thì mười ngàn đây này". "Cháu đùa. Cháu cho chú". "Thế thì chú cho cháu tiền, lì xì năm mới cũng được".
    Tôi nảy ra ý đi theo cô bé. Thảo không về nhà mà đi thẳng lên đỉnh cát trắng. Khi chỉ còn một mình Thảo và tôi, Thảo bỗng như thay đổi hẳn tính nết, nói huyên thuyên, trò chuyện, tựa như thế giới của những triền cát trắng này là của riêng Thảo. "Chú ạ. Cát cháu đem bán là cát trên đỉnh, trắng, sạch. Cháu mang cát ở đây về, xối rửa qua nước, phơi khô, sàng sảy, sạch tinh mới đem bán. Mỗi năm cháu chỉ bán cát có một tuần trước tết. Mẹ cháu nói, cát này người ta mua, cho vào lư hương để cắm nhang, thiêng lắm. Nhưng răng không ai mua hả chú?".
    Tôi nói: "Chú đã nói rồi, quê mình toàn cát trắng, nhà ai cần cắm hương thì đi lấy cát về dùng, ai đi mua. Mà sao không ai mua mà cháu vẫn đem bán?". Thảo im lặng lâu, mới nói: "Ngày mẹ cháu đi khỏi nhà, mẹ nói, sau này nếu có dịp về quê, mẹ sẽ ra chợ tết, nếu để mẹ con nhận ra nhau, con chỉ cần ngồi với chậu cát trắng ở chợ là mẹ nhận ra...". Gió thổi hùn hụt. Những đỉnh cát trắng tinh buốt lạnh trong gió rét. Tôi co ro ngồi bên Thảo. "Cha mẹ cháu bỏ nhau. Mẹ cháu đi khỏi nhà lâu lắm rồi. Cha cháu chết rồi. Cháu sống bằng nghề bán vé số. Tết nào cháu cũng đi bán cát để tìm mẹ...".
    Tôi mang chuyện Thảo kể với mọi người. Hôm sau, rất lạ, chỉ trong chốc lát, chậu cát trắng của bé Thảo bán hết veo. Hôm sau nữa cũng bán hết veo. Trẻ con thấy vậy đua nhau lấy cát về ngồi bán. Một dãy hàng cát trước cổng chợ, toàn những bé gái sàn sàn tuổi Thảo. Tôi đang vui vì Thảo bán được cát lại trĩu buồn vì nghe thấy người hàng chợ nói với nhau: "Hôm qua có người đàn bà về đây tìm con gái. Con gái chị ấy bán cát. Nhưng nhiều đứa bé bán cát quá, chị ấy không nhận ra con mình. Vội việc, chị ấy đi rồi...". Tôi không dám kể chuyện đó cho bé Thảo. Hoá ra vì tôi, bởi nếu không bán được cát thì Thảo đã gặp mẹ. Nhìn Thảo tung tăng đi ngược lên đỉnh cát, tôi chạy theo.
    Không ngờ, trên xa tít đỉnh cát kia, một người đàn bà đang đứng ngóng đợi. Hình như nghe tiếng cát cười.