Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Tagged Under:

THẦN HOÀNG LÀNG

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 17:35
  • Chia sẻ bài này >
  • Mình nghe kể, thị trấn Ba Đồn ( rộng ra là cả vùng dân bắc sông Giang- tên cũ là sông Linh Giang) xuất hiện từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, cũng gần 300 năm rồi. Người từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây làm lính Trịnh đánh Nguyễn, sau
    đó đàn bà con gái ngoài bắc vào phục vụ, bán buôn, dần dần thành ấp thành làng.
    Trên c
    ơ sở đó, mình viết cái này, coi như lập gia phả văn chương cho làng Ba Đồn mình.
    Gia phả làng dưới mắt nhìn của một nhà văn:
    ------------
    Năm thằng khật khưởng đùn đẩy nhau trèo qua những động cát khô rạp dưới nắng. Suốt ba ngày, cả năm thằng như câm. Vũ khí, lương thực, áo quần, vứt hết, chỉ còn trong tay mỗi thằng một bầu r
    ượu. Rượu lôi kéo năm thằng kết với nhau thành tình huynh đệ, xô đẩy họ vào âm mưu trốn chạy khỏi doanh trại, thoát thân khỏi cuộc binh đao đang ngày càng khốc liệt ở bờ bắc sông Linh Giang, vái hai lạy vì tội khi quân, bỏ Chúa, bỏ binh, cả năm thằng im lặng thoát thân, chạy không ngoái đầu, phiêu diêu ngất ngưỡng giữa trùng trùng cồn cát, trắng như nước mắt.
    Rượu thay cơm đã đành, rượu còn thay nước. Nếu không thoát ra được xứ cát nóng rang, khi hết rượu cả năm thằng sẽ chết cùng nhau, còng queo, khô táp trên cát, trong nắng, vô vọng đường về. Cái chết có thể đã rình rập nhưng vẫn còn xa, hiện tại, cả năm thằng còn khỏe, còn dai sức, còn có thể bước ào lên động cát mà chưa phải chống tay vào đầu gối. Cát ngập mắt. Mồ hôi ngập mắt. Bàn chân hết nóng, chỉ cảm giác ran ran tựa như thịt da đã được hong khô, teo cứng lại. Có thể đây là đỉnh cát cuối cùng, bên kia là đồng bằng? Là nhà cửa? Là sự sống? Không thằng nào biết. Nhưng rõ là, nếu không phải là đỉnh cát cuối cùng thì cả năm thằng sẽ phải gục ngã, không cách gì lết thêm một quãng nào nữa. Những giọt rượu cuối cùng. Cả những giọt mồ hôi cuối cùng. Chút sức lực cuối cùng. Niềm khát khao cuối cùng. Còn cát vẫn trải dài đau đớn trước mắt nhìn, dài vô hồi, nóng chang chang, lung lăng ánh thủy tinh xói sâu trong mắt.
    Đột ngột gió. Đột ngột một mảng xanh tràn mắt, đột ngột một thẻo đất hoang dọn sẵn dưới chân đỉnh cát. Năm thằng đổ người xuống, khóc và cười. Thế là đã thấy sự sống. Nhìn đến no mắt, thỏa chí. Cái thẻo đất chạy loi thoi dưới chân núi cát kia giống hình chai rượu: Ba phần dài thưỡn, phần cuối tóp vào, như chai rượu của trời vứt lại. Đất hoang. Cả năm thằng hét toang toang với cát, với nắng và ào ào chạy xuống.
    Cũng không hẳn chạy, cả năm buông người, tuột vun vút từ đỉnh cát xuống chân, cùng úp mặt lên thẻo đất hoang sơ, rối rít tạ trời, dấm dúi nước mắt vào sâu trong đất.
    Dạng chân đếm, thẻo đất dài hai vạn b
    ước. Cả năm thằng đồng ý chia đất. Mỗi thằng một vỏ trái bầu đựng rượu chôn ngay xuống thành năm cái mốc. Thế là đã quyết ở lại. Doanh trại Chúa Trịnh đã quá xa, hết lo đuổi. Nơi tít mù dòng Linh Giang còn nhìn thấy dập dìu những bóng thuyền buồm, thế là gần chợ. Nhưng năm thằng không thể tạo thành làng, không thể an cư. Cả năm thằng lùng trong đêm tìm gái. Lóp ngóp hai ngày một đêm, lóp ngóp tự tình, dung dăng vuốt má cầm tay rồi cũng lôi về năm ả đàn bà, không là gái chính chuyên, hẳn rồi, nhưng mông má vú vê đủ cả. Năm cái máy đẻ nhìn nhau cười toe toét, bám thắt lưng năm thằng bợm rượu. Đủ đực đủ cái, nên vợ nên chồng, tựa như tạo hóa đã xếp đặt, đã dọn chỗ. Đám cưới giữa trời, trên thẻo đất hoang, dưới chân cồn cát. Cưới vùi trong rượu, trong bánh đa nướng, trong khoai luộc và một rổ ốc nhồi. Cũng vừa sẩm tối. Năm đôi đực cái chui vào năm góc, tất bật ùa tới nhau, cắn xé, bấu véo, la hét, lõa thể cuộc tình, trần truồng hoang thú, nhàu nát đất, xao xác không gian, đêm chia nhỏ năm phần, tiếng thở dồn vung vãi, nụ hôn tràn cát, mồ hôi ngập lũ, đực cái có một đêm quăng vào nhau sức lực, hoang tàn thân xác, khao khát, mệt lữ trong mơ muội. Chính ngọ ngày hôm sau, mặt trời con phải ngượng ngùng chui vào mây khi trên thẻo đất, năm đực năm cái phơi trắng thân hình, ngủ lịm, ngủ nhòa sau những đợt bạo tình rung chuyển xé đêm. Họ cùng vùng thức, nhìn nhau, cười ù òa, rồi cùng níu tay nhau, lại khóc. Rình rập cuộc sống, rình rập miếng cơm manh áo, rình rập ước mơ đang đẩy họ sát vào chân núi cát. Năm đôi vợ chồng đã quyết ở lại trên năm thẻo đất. Họ ngước mắt nhìn, hóa ra hai đỉnh cát kia cao tròn, vuốt nhọn như bầu vú đàn bà. Họ gọi cái thẻo đất mà mình sẽ sống là làng, họ đặt tên cho làng dựa vào hình thù cồn cát: Làng Vú Cát. Họ reo hò vì tên làng. Họ nhảy ào xuống khe nước trong lẻo chảy ra từ trong lòng cát, chảy râm ran khắp làng, mát tươi, mát và ngọt lành như sữa. Quần quật mười ngày đêm, kiếm tấm gianh, miếng ván, bụi lá, năm túp nhà úp xuống trên năm thẻo đất, nhìn đã ấm mắt, yên lòng. Đêm đêm, trong mỗi túp lều tranh lại hỗn hà hỗn hển, lại hấp tấp tình, hoang dại cho nhau, cố sao để thêm người, thêm người mới thành làng, có tiếng trẻ thơ mới gọi là làng, có đàn bà chửa mới gọi là làng...
    Chín tháng mười ngày, đúng giờ thìn, năm ả đàn bà đồng loạt lăn đùng ra đẻ. Năm túp lều chen kín tiếng kêu khóc, rung chuyển vật vã. Năm thằng đàn ông sắp thành cha ngồi ngơ ngẫn nhìn, ngơ ngẫn đếm, thóp ruột chờ đợi. Oe oe năm đứa trẻ cùng chui ra một lúc, lăn tròn ra khỏi lòng mẹ nó, lăn tròn xuống cát, lấm lem, nhàu nhòe, hai cái ba đực, tròn lẳn như năm củ khoai, đỏ hỏn như củ gấc, khuầng khoàng quờ quạng, nửa chối từ, nửa chấp nhận làm dân làng Vú Cát này.
    Miếng ăn dồn thúc từng ngày. Năm thằng đàn ông, năm người cha trẻ lúng túng xoay dọc xoay ngang, quanh quẩn hoảng loạn bên chân vú cát vẫn không đủ no cho một dây người. Năm ả đàn bà được tạo hóa ban sẵn sự ma mãnh, sự toan tính, đã bày đường cho năm thằng chồng khờ khạo. Nghe lời, cả năm ông cha còng lưng gần nửa tuần trăng, gò, uốn, xây cất thành năm lò rượu. Men sẵn ở chợ. Nước trong mạch nguồn vú cát. Rượu đâu có thứ rượu lạ lùng, trong lẻo, sùng sục bọt tăm, thơm lững, ngon tươi, như không phải rượu mà ma lực của đất trời, không uống thì thôi, uống một lần thao thiết, giăng dít mãi. Rượu bán ở chợ dành nhau. Gạo, mắm, vải vóc cứ thế nêm chặt vào làng Vú Cát. Sống bằng nghề rượu ngon ơ. Người tứ xứ dạp dìu mang vác vợ con, lều chõng về làng, xin một thẻo đất, cắm chân, theo nghề nấu rượu. Làng đông dần lên. Lò rượu kín làng. Hương rượu vần vụ khắp không gian, chuồn chuồn cũng say, chim chóc cũng say, tiếng tăm làng rượu Vú Cát vang ngọt khắp vùng. Năm ả đẻ thêm năm đứa con nữa. Trẻ con lúc nhúc thòi ra. Làng thắt lại vì tiếng khóc trẻ thơ. Làng nêm chặt người cư trú. Danh làng Vú Cát vang rộng. Năm gã đàn ông đầu tiên lập làng thành năm ông Tổ.
    Nhùng nhoằng đã hàng chục năm. Năm gã đàn ông ngày xưa nay thành lão. Rồi họ cùng chết già một ngày. Xác họ chôn trên đỉnh vú cát, chôn chung, thành mộ tổ của làng. Người làng gọi mộ tổ của mình là Gốc Cát. Gốc Cát còn, làng còn. Mỗi năm một lần, cả làng rùng rùng kéo nhau lên vú cát, dội xuống Gốc Cát mỗi người một chai rượu, tế thần làng, kể ơn, xúm xít vái lạy, thổn thức khẩn cầu xin năm ông tổ đã có công khai sinh lập địa ra làng Vú Cát thì tiếp tục phù trì bảo hộ, giữ phúc cho cháu con ăn nên làm ra, trên thuận dưới hòa, con đàn cháu đống, sung túc mãi...
    Làng rượu Vú Cát truyền đời. Đàn ông làng khác thèm rượu, âm mưu lấy con gái làng Vú Cát về để nấu ra rượu ngon uống đều bất thành. Gạo ở đâu cũng giống nhau. Chỉ có nước làng Vú Cát là nước thánh nên tạo ra rượu thánh. Nước ấy, nhỏ nhoi, chảy mỏng tang trên mặt cát, nhưng là thứ nước được vắt ra, vò xoắn ra từ sự vật vã, sự khô nóng, từ nguồn cội khát khao của điệp trùng cồn cát, nước như máu, như nước mắt của cát trắng ngời, nước như sữa cát, không thay thế được.
    Muốn an cư tại làng Vú Cát thì phải nấu rượu. Đã nấu ra rượu không lẽ không uống. Cả làng khi nào cũng chao chiêng trong say. Say thì bày chuyện gây sự chửi nhau, không vì hận thù mà vì thú chơi, chửi cũng là cách chơi của người say, khi say, chửi sướng cả mồm, chửi vã mồ hôi, chửi bay cả rượu. Người làng Vú Cát thành ra quen chửi. Con gái làng Vú Cát cũng vì đẫm rượu nên cũng đẫm tình. Lớn lên, nếu không ngã ngớn, vụng trộm với dăm ba thằng đàn ông thì hổ danh đàn bà làng Vú Cát.

    Làng Vú Cát nay khác thời lập làng. Cát đã lấn làng, ăn lẹm vào mạng sườn của làng mỗi năm vài mét, mấy đời qua, cát cướp đất làng vừa đúng hai chục nóc nhà. Thẻo đất có hình chai rượu đang thóp lại, dài ra, hổn hển cất giữ cả ngàn sinh mạng, cả ngàn lò rượu với đàn đàn lũ lũ súc vật. Làng Vú Cát còn thêm tiếng cất giữ nhiều kho chuyện, lại toàn chuyện của người làng, do người làng truyền miệng kể, thật giả, đúng sai, hư thực không ai quan tâm. Cứ đêm đêm, rủ rỉ dưới gốc tre, bên chân lò vôi, trên đồi vú cát, trên võng... đâu đâu cũng thấy người làng khề khà rượu và khề khà chuyện. Có người chỉ một mình cũng rổn rảng kể cho mình nghe như say.
    Ngay những chuyện về gốc gác của làng Vú Cát này, mọi người cứ về, đến xóm Cầu Bánh Tét, hỏi anh Cu Vinh thì rõ...