Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Tagged Under:

ÔNG ĐÁI LÙN

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 17:34
  • Chia sẻ bài này >
  • Ông không sinh ra tại làng. Quê gốc của ông nghe nói cách làng mình rất xa. Người ta đồn nhau, khi sinh ra, thân ông chỉ ngắn một gang tay, cái đầu vừa bẹt vừa sần sùi, không phân biệt nổi đâu là mũi, đâu là miệng. Có mấy người đàn bà đi bán rượu sớm nhặt được ông giữa trãng cát, không biết đây là đứa bé, là con người lại ngỡ con thú lạ ở đâu chaỵ tới, họ túm vào trong tay nải, hồ hởi xách về nhà. Loạng choạng sáng, mấy tay đàn ông bợm rượu xách dao ra, lôi cổ thằng bé đang ngủ say tới bên cạnh giếng nước để chuẩn bị làm thịt. Mấy bà mấy cô xăng xái đun nước.
    Người ta bàn cãi nhau chí chóe rằng nên nấu giả cầy hay luộc quách, mỗi nhà cắt một miếng cho tiện. Rốt cuộc, khi nước đã sôi, người ta cũng thống nhất là nấu giả cầy. Hai gã đàn ông xách ngược thằng bé lên, chuẩn bị chọc tiết. Vừa lúc thằng bé tỉnh giấc, khóc váng óc. Cả mấy gã đàn ông buông dao chạy. Một ông già bình tĩnh hơn cầm đèn ra soi, vẫn không rõ con thú gì béo núc nhưng lại biết khóc như người. Xem xét kỹ lưỡng, lật qua lật về thì hóa ra là một đứa bé thật. Sáng tỏ mặt người, mới thật tin đó là một đứa bé. Nhưng ai cũng lắc đầu thè lưỡi, thằng bé xấu như ma mút, lại ngắn cũn, ngắn đến kì cục, đen thui như một con chồn. Vất vưỡng nhà này năm ngày, nhà kia nửa tháng, thằng bé cũng lớn dần, khỏe, tròn lẳn như củ khoai nướng. Cho đến thời điểm cao nhất của tuổi hai mươi, anh Lùn cao chín mươi hai phân già.

    Mặt ông Lùn được thiết kế theo kiểu nếp gấp. Từng lớp da sần sùi sếp một cách cẩu thả lên nhau, tạo nên trên mặt vô số những hào rảnh, lúc nào cũng đầy ắp mồ hôi, tựa như mương nước tưới tiêu. Mũi ông thể hiện sự lãng phí không thể chấp nhận được của bà Mụ khi tạo ra ông: Một khối thịt đỏ tím, vuông chằn chặn dính một cách mạo hiểm trên bề mặt không mấy phẳng. D
    ưới mũi, cái miệng cũng chất chứa tiềm tàng khả năng nghiền ngấu thức ăn. Chung lại, khuôn mặt ông Lùn đã trở thành vật hữu ích cho các bà mẹ dọa con, còn lũ con nít thì cũng vinh hạnh chứng kiến dung nhan của ông Ba Bị làng. Bất cứ nhà nào, hễ có đứa bé đang khóc hoặc hư đốn, bóng dáng của ông Lùn là nỗi sợ hãi kinh hoàng thường trực của chúng.

    Cả đời ông Lùn sinh sống ở làng nh
    ưng không có nhà. Ông không thích có nhà riêng. Nghề chính của ông là đi làm thuê cho cả làng với cái giá cố định: Một lon gạo và một ngàn bạc. Đêm, tiện nhà nào ông ngủ nhà đó. Cũng có khi ông ngủ ngay ngoài cát, dưới chân cột rơm hoặc trong lò vôi bỏ không. Ông đi lúc cúc cả ngày. Tới nhà nào, ông cũng đứng ngoài ngõ hỏi, không cần biết trong nhà có người hay không. “ Có việc chi không? Lùn đây. Có việc chi không? Lùn đây”. Ông vừa đi vừa lẩm bẩm câu nói đó. Người làng thấy nhớ. Họ cho con kêu ông Lùn đến, bày ra việc cho ông làm, khi thì chẻ củi, khi thiến con lợn, có khi chỉ là để nối cái dây võng. Việc to hay nhỏ, việc làm trong một ngày cũng như việc chỉ làm ngang với thời gian người đứng đái, ông cũng lấy đúng một giá: Một lon gạo và một ngàn bạc. Gạo ông nấu cơm ăn, đồng bạc ông cất kỹ vào túi vải lúc nào cũng đeo trước ngực. “Có việc chi không? Lùn đây”. Từ mờ sáng đến khuya, ông vừa đi vừa xướng. Với làng, ông Lùn là người duy nhất không uống rượu. Bọn trai làng đã nhiều lần rình rập chuốc rượu cho ông nhưng bất thành. Vì lũ trẻ con sợ ông nên ông còn tự giác làm một việc khác cũng bận bịu. Khi nhà ai có con nít khóc nhè, ông tất tả bước đến, thò cái mặt Ba Bị của mình trước mũi đứa bé. “Chi rứa, Lùn đây” ngay tức khắc, đứa bé im thít, ngủ. Ông Lùn hai lần có vợ. Lần đầu là một bà góa. Nhưng ngay đêm đầu tiên, người đàn bà góa đã vọt chạy ra khỏi nhà ông, ai hỏi chị cũng cười, tủm tỉm, cười và bỏ. Lần thứ hai, vợ ông là một người đàn bà làng khác. Họ sống với nhau đúng sáu đêm. Sang ngày thứ bảy, vợ ông chào ông về lại quê, cũng coi như bỏ. Người làng kháo nhau nguyên nhân tan vỡ các cuộc tình có lẽ vì ông lùn, vì thân người lùn thế thì cái gì lại không lùn? Ông Lùn chẳng mảy may buồn. mặc lời dèm pha, trêu ghẹo, cứ gà gáy canh năm ông bắt đầu đi qua ngõ từng nhà. “Có việc chi không? Lùn đây”

    Nhờ thân hình ngắn, vâm vấp, cũng có thể nhờ cuộc sống của ông không mấy lo nghĩ, nên ông Lùn khỏe nh
    ư voi. Từ ngày ông có mặt tại làng cát, qua nhiều thế hệ, không ai thấy ông ốm một lần nào. Nhưng cũng không ai thấy ông nhếch mép cười. Có nhiều người tò mò hỏi ông sao không cười cho bà con nhìn thấy một lần, ông im lặng.

    Ông Lùn bắt đầu nổi tiếng như cồn khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ leo thang ở miền Bắc. Ông không mấy quan tâm đến cuộc chiến tranh này. Ông chỉ ngạc nhiên khi thấy làng th
    ường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, rồi người chết, những cái chết vô lý và đau thương, những căn nhà cháy, những lò rượu tan nát… Người làng gấp gáp đào hầm tránh bom, ông đi giúp suốt ngày đêm nhưng không bao giờ chui vào hầm khi bom nổ. Thậm chí ông cũng chẳng có thói quen tránh bom đạn. Nếu ông đang đi mà có bom nổ, trong khi mọi người cuống quýt tìm hầm thì ông vẫn nhênh nhang bước, bước ngang qua bãi bom bi đang nổ dày, nằm ngủ ngay giữa quả bom nổ chậm, ăn cơm khi mảnh bom xé nát cả soong nồi, ông vẫn bình an vô sự. Chuyện bom đạn tránh ông đã làm nên lịch sử của ông, sự nổi tiếng tự nhiên, ông không ý thức được.

    Một lần, ông có việc phải về phố chợ. Trên đường về làng thì cũng sẩm tối. Ông đang lưỡng lự không biết nên kiếm chỗ nào ngủ hay đi tiếp thì máy bay ập đến. Từng loạt bom nổ dày đường. Trong ánh chớp bom, ông nhìn thấy hai chiếc ô tô chở đầy trẻ con diện K8 ra miền Bắc. Ông chạy tới. Một chiếc xe bốc cháy. Đám trẻ khóc inh ỏi. Tay lái xe chết gục trong ca pin. Xe còn lại ch
    ưa hề hấn gì nhưng lái xe cũng đang tính bỏ chạy. Ông túm cổ áo anh lái xe. “Lên đi. Sao lại chạy, bom chứ có phải là ma đâu mà chạy”. Rồi ông trèo lên chiếc xe cháy, ông quàng tay xốc mấy đứa trẻ, cắp nách, nhảy sang xe bên cạnh. Bom vẫn nổ dày. Ông chạy qua chạy về trong bom, đưa hết số trẻ nêm chặt lên xe chưa dính bom, nói với lái xe – “Bật đèn pha lên” . Tay lái sừng sộ - “Ông điên à. Máy bay đang quần đảo thả bom, sao lại bật đèn pha. Tự sát à?”. Ông gằn giọng – “Bật đèn pha lên mà chạy cho đàng hoàng, đường của mình, sợ chi”. Thấy gương mặt quỷ thần của ông, lại nghe tiếng nói rắn như đanh của ông, tay lái xe bật đèn, rú ga phóng xe như điên. Máy bay đuổi theo. Bom nổ chói lòa sát sườn xe. Ông Lùn nhìn thấy lái xe đang run, nói-“Cứ bình thường mà chạy. Có Lùn trên xe, bom không rơi trúng đâu mà sợ. Đi đi. Việc của máy bay là thả bom. Việc của chú là lái, can cớ chi hè?”. Xe đã vượt qua trọng điểm, cũng vừa chạm ngõ làng Vú Cát. Máy bay rút. Ông Lùn đập cửa xin xuống. Tay lái xe kỷ niệm ông cái mũ cối, ông nói “Cho thêm đôi giày cao cổ nữa”. Tay lái xe cho luôn. Anh hỏi “Sao cụ biết là máy bay sẽ không thả bom trúng xe? Lại yêu cầu cháu bật đèn pha? Liều quá. Cháu chưa gặp trường hợp nào liều như hôm nay”. Ông Lùn vừa đeo giày cao cổ vào chân vừa nói: “Ai biết. Đoàn mò thôi mà. Chẳng lẽ máy bay lại không biết xe của chú chở trẻ con. Nó bom đâu thì bom cũng phải biết tránh bom vào con nít chớ”. Nghe vậy, tay lái xe lạnh buốt sống lưng. Một tháng sau, ông được tỉnh tặng bằng khen về thành tích cứu hai trăm cháu nhỏ thoát trọng điểm. Ông không nói gì chỉ hơn thắc mắc “Sao người ta tặng thưởng cho ông như vậy”. Lời thắc mắc ấy chưa ai giải đáp thì hai tháng sau, ông Lùn lại được nhận bằng khen thứ hai về thành tích bắt sống được tên biệt kích đi ỉa trên cát. Chuyện này cả làng tự hào khoe ra toàn huyện. Ông Lùn không thích người ta kể nhiều. Ông sợ mấy chú nhà báo chụp ảnh ông. Bởi vì cũng do thành tích này, ông được chụp ảnh, và từ hôm đó, chính ông cũng khiếp đảm vì không ngờ gương mặt mình lại xấu xí đến như vậy, xấu và quái đản đến mức, ông định kiện lên tỉnh vì ngỡ tay nhà báo chụp ai đó, gán mặt cho ông để bôi bác ông…

    Làng không ai quên trận bom ngày hôm đó, trận bom cuối cùng tr
    ước ngày chấm dứt chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ trên miền Bắc. Buổi chiều, nắng chưa tắt, bóng những động cát đổ dài vượt ra ngoài tầm mắt. trong làng, một số lò rượu đã bắt đầu đỏ lửa. Mùi hương men vấn vít trong từng xóm. Dưới chân đồi cát, hai lớp học của lũ con nít làng đang vào bài tập đọc. Tiếng trẻ vang rộn. Hai lớp học dưới nhà hầm. Dù vậy, tiếng trẻ đọc bài cũng vượt ra ngoài vách cát, vang xa nửa làng. “Có việc chi không? Lùn đây”. Dân làng chưa ai kịp nhờ đến ông thì máy bay đến. Đàn đàn lũ lũ máy bay hình như đã núp sẵn dưới chân động cát, vọt lên, sát sàn sạt, rồi đồng loạt cắt bom. Đủ loại bom. Trời làng như chợ bom, đủ hết: Bom tấn, bom xuyên, rốc két, từ trường, bom bi, đủ loại, vung vãi, giăng dít khắp trời, sau đó nổ dậy làng. Chưa xong, loạt bom cuối cùng xen chừng không ồn ào nhưng nguy hiểm, đó là bom napan. Hai quả bom napan rơi ngay gần lớp học. Ông Lùn chạy đến. Ông không biết bom gì, nhưng thấy bom rơi vào lũ con nít thì ông ưu tiên chạy đến cứu trước. Nhựa napan cháy đỏ, lửa xanh lét, dính vào là thiêu rụi thịt da. Ba cháu nhỏ chết cháy. Cô giáo gục xuống trên bàn. Ông Lùn ôm trong tay một lúc năm đứa trẻ, chạy ào xuống hầm. Chân ông vương phải nhựa napan, cháy khét lẹt. Bom vẫn tiếp tục. Khi ông Lùn cứu được xong lũ trẻ, ông định chạy đến xóm giữa để giập lửa ở mấy ngôi nhà bị cháy thì một quả rốc két nổ vùi lên ông. Đó là tiếng nổ cuối cùng trong trận bom ngày hôm đó. Ông chết. Cả làng phúng viếng. Người ta bàn cãi nhau suốt buổi, không biết là nên đặt thi hài ông ở đâu. Ông không có nhà.Cả làng đều là nhà của ông. Chẳng lẽ lại khiêng thi hài ông dạo qua từng nhà? Cuối cùng, người ta đồng ý khâm liệm ông bên bờ sông của làng. Khi đặt thi hài ông xuống đất, đột nhiên mắt ông mở ra trừng trừng và một dòng máu tươi chảy từ thân thể của ông, chảy một mạch xuống dòng sông. Dù các già làng đã phun rất nhiều rượu vẫn không làm cách nào để ông nhắm mắt. Bỗng có một người tiện tay múc nước sông lên, rảy nhẹ vào mặt ông, tự dưng mắt ông nhắm lại, máu cũng thôi chảy. Ai đó òa lên khóc. Rồi nhiều tiếng khóc. Làng khóc. Làng hiểu ông không muốn lìa xa dòng sông. Làng hiểu, dù không thực sự sinh ra ở đây, chôn rau cắt rốn tại làng nhưng ông là tài sản của làng, là cây cổ thụ của làng, là một động cát của làng – như người làng vẫn tự hào gọi ông là một động cát trọc đầu của làng mình. Ông nằm giữa tiếng khóc của làng, giữa vòng tay, trong nước mắt. Ông nằm, cao cao trên bờ đất. Nắng chiều rọi xiên qua mặt ông, tự dưng da ông ửng hồng, ngời ngời trong nắng. Đấy là lần đầu tiên làng phát hiện ra rằng, khuôn mặt ông rất đẹp.