Báo chí bắt đầu "chương 2" về Người rừng, không còn viết về " giải cứu", không còn viết về "hòa nhập", không còn viết về "tình cảm cộng đồng", không còn viết về nguyện vọng "người rừng", bắt đầu chiến dịch 2, chiến dịch nỏ mồm, xỉ vả, mỉa mai, là ơ,a về cái giá tiền phải trả nếu muốn được phỏng vấn, chụp ảnh, thăm " nhà ngưởi rừng"...
Khoan bàn đến việc người cháu ấy lợi dụng sự hiếu kỳ của người đời trong đó có báo giới, lợi dụng sự "nổi tiếng" của "người rừng" để kiếm chác.
Ở đây,trước hết bàn đến hai chữ CƠ HỘI- nguyên nhân gốc.
Tôi không coi việc lôi tuột cha con ông Lang từ trong rừng sâu ra mà goi là "giải cứu", là nhân đạo, "trách nhiệm", không, bởi vì bản chất của sự giải cứu không nằm ở trường hợp này, người ta ăn ở ổn định 40 năm, đùng đùng vào vây, bắt, trói, cùm, lôi cổ về rồi đồng thanh to mồm " giải cứu" là nghĩa làm sao. Cái chính là tìm hiểu, cái chính là giúp đỡ, cái chính là đồng cảm và chia sẻ. Địa phương thì vội vã, báo chí thì nhào vô kích, mở, thổi, trầm trọng hóa sự việc, hóa ra cũng là hai chữ CƠ HỘI mà thôi, cơ hội khoe khoang vì đã " giải cứu", cơ hội kiếm chác bạn đọc thông qua tin, ảnh, phỏng vấn, quay chụp, viết nhăng viết cuội, đủ thứ khai thác về người rừng mà ít để ý đến việc hỏi họ xem họ thích về với đồng bằng không? Họ muốn ở rừng không? Họ thấy khó chịu không?...
Chưa có một tờ báo nào có một bài tử tế với bạn đọc nhìn về khoa học nhân văn về thân phận của hai con người này, chỉ toàn là những chi tiết hiếu kỳ, và có vẻ như họ- NGƯỜI RỪNG, cuối cùng chỉ là phương tiện không hơn không kém cho báo chí ngấu nghiến tin bài ảnh và cho địa phương và gia đình hưởng lợi mà thôi, nói ác hơn chút, như hai con thú lạ trong công viên mà thôi. Tính nhân văn đã bị hoen ố, đã bị chà đạp, đã bị lợi dụng, đã bị biến chất, đã bị kinh doanh theo rất nhiều hình thức.
Và cuối cùng thì sao?
Cuối cùng thì mọi thứ khi đã biến thành hàng hóa thì lấy tiền ra trao với nhau thôi. A ha, mày muốn phỏng vấn thì chi tiền ra, mày muốn đi xem, chi tiền ra, mày muốn chụp ảnh, chi tiền ra.
Cái nhẫn tâm, cái ác đã nảy nở từ một môi trường CƠ HỘI như thế.
Người rừng bây giờ ở lại làng cũng không yên mà vào rừng cũng không yên. Cuộc sống của họ lần nữa bị đe dọa, không chỉ là môi trường sống, không chỉ là thói quen, nếp nghĩ, tâm sinh lý, mà bây giờ là mua bán, là chợ búa, là thực dụng.
Rồi cũng sẽ qua hết. Vài tháng nữa, sẽ không còn ai về coi, không còn nhà báo nào đưa tin, lắng xuống, phẳng lỳ, và lúc đó, thậm chí "người rừng" có khi ngửa nón đi ăn mày cũng chẳng ai hay, vì người " giải cứu" đã hoàn thành nhiệm vụ, kẻ bôi chuyện cũng đã xong, còn lại những đêm trắng bất an của cha con họ, còn lại cuộc sống lớ ngớ, vụng dại, bất cẩn, bế tắc của cha con họ, còn lại cái lườm, cái nguýt, câu chửi, chắc chắn thế của chính những con, những cháu của họ mà bây giờ đã nảy nòi ra trò kiếm tiền bẩn thế kia...Còn lại sự cô đơn vô cùng vô tận của cha con họ, họ sẽ thất lạc ngày càng xa, xa lắm, xa hơn núi cao rừng sâu với những con người đông đúc bên cạnh mình.
Và hãy nhìn lại coi, chính họ- những kẻ đã cơ hội, đã lợi dụng vụ việc này chính là thứ NGƯỜI RỪNG đang đối xử một cách bất nhẫn và khốn nạn với hai CON NGƯỜI.
Tôi muốn thay họ- cha con ông Lang để hét lên: Câm hết đi, giải tán hết đi, quên chúng tôi đi như đã quên 40 năm, để chúng tôi yên ổn, để chúng tôi trở lại rừng, để chúng tôi tự do....
-----------------
Ảnh trên báo Dân Trí: ông Lâm,cháu của " người rừng"chỉ trong nửa tháng, bỗng biến hình thành một lái buôn...
Nguồn:http://dantri.com.vn/su-kien/phong-van-nguoi-rung-1-trieu-dong-tham-nha-4-trieu-dong-767742.htm