Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Tagged Under:

VỀ LÀNG VIẾNG MỘ ĐÀO TẤN

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 20:49
  • Chia sẻ bài này >
  • Đào Tấn tự là Chỉ Trúc, hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng (1845- 1907), nhà viết tuồng vĩ đại, là quan triều Nguyễn với nhiều chức vị quan lớn: Từ Tổng đốc An Tịnh, rồi Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh.

    60 tuổi Cụ từ quan về quê ở làng Vinh Thanh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
    Mình tới ngôi làng của Cụ, lên núi thăm mộ Cụ, nghe ông cháu Đào Tụng Phi, năm nay đã 80 tuổi, gọi cụ Đào Tấn là cụ Cố, kể rất nhiều chuyện về Cụ, một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu nước, khí khái và còn là một nhà viết tuồng, đạo diễn tuồng, làm nên tuồng Bình Định hôm nay.
    Ngày từ quan về quê, Cụ ngồi ở cửa, nhìn ra phía núi Huỳnh Mai, rồi tự Cụ lên đó, tìm nơi đào huyệt, xây trước mộ cho mình, tạo nên 200 bậc từ dưới chân núi lên mộ, hướng mộ nhìn xuống cánh đồng làng xanh mướt, cảnh quan tuyệt đẹp và lãng mạn. Cụ đã xây lăng mộ cho mình xong, 3 năm sau thì Cụ mất.

    Một kỷ vật còn lại của Cụ là cây gậy trúc, có khắc 4 câu thơ của Cụ, trên đầu gậy còn có chữ Vạn thọ. Cây gậy đã theo Cụ đi nhiều vùng miền đất nước, một kỷ vật mà Cụ cháu Đào Tụng Phi ngày đó phải tìm kiếm, rồi bỏ ra mấy cây vàng để chuộc về.

    60 tuổi nghỉ hưu, Cụ Đào Tấn còn không thèm nhận tiền suất hưu của Triều đình, về quê, làm ruộng, phát nương, lấy lúa gạo nuôi gánh hát tuồng quê mình để gửi gắm ở những vở tuồng cái cảm khái của một vị học giả về nhân tình thế thái.

    Cây me cổ trên sân nhà đã có tuổi 200 năm tuổi, từng được Cụ Đào Tấn mang từ kinh thành Huế về vườn nhà mình chăm sóc.

    Ông cháu Đào Tụng Phi vốn là thượng sĩ trong Quân đội Việt Nam cộng hòa, là kỹ sư thuyền máy của Lực lượng hải quân, đã từng ra Hoàng Sa trước năm 1974 để sửa chữa tàu thuyền.

    Cuộc đời sau đó của con cháu cụ Đào Tấn vì những hệ lụy do Cụ làm quan lớn triều đình Phong Kiến, rồi sau đó, một số người con, cháu lại làm quan chức trong chính quyền Sài Gòn, nên có không ít năm nhiều người lao đao vì chủ nghĩa " lý lịch".
    Bây giờ thì ổn.

    Rất nhiều chuyện thú vị về vị tiền nhân Đào Tấn, về gia đình Cụ, về thân phận người cháu của cụ hôm nay đã cho mình rất nhiều tư liệu phong phú.