Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Tagged Under:

KỶ NIỆM VỚI ĐỒNG LỘC

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 14:22
  • Chia sẻ bài này >
  • (Có một bài báo viết về chuyến đi thực tế của mình gần 20 năm trước ở Đồng Lộc để viết kịch bản điện ảnh Ngã ba Đồng Lộc, hôm nay mới được đọc....)

    Khoảng tháng 8/1996, lúc đó tôi đang làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, được tiếp một vị khách lạ đó là anh Nguyễn Quang Vinh (nay là Nhà văn, nhà báo). Nguyễn Quang Vinh chìa tấm giấy giới thiệu của Hãng phim truyện Việt Nam đề nghị Hội Văn nghệ Hà Tĩnh giúp đỡ thâm nhập thực tế để viết kịch bản phim Ngã ba Đồng Lộc. Tôi báo với nhà văn Đức Ban – Chủ tịch Hội và hôm sau cùng anh Ban, anh Vinh lên Đồng Lộc. Qua thị trấn Nghèn, chúng tôi dừng lại mua hương, hoa và rượu, thứ rượu làng Trảo Nha quê nhà thơ Xuân Diệu được cất bằng gạo nếp, trong veo, thơm ngon có tiếng rồi vào thẳng nghĩa trarng 10 liệt sĩ thắp hương.

    .....
    Chúng tôi làm xong thủ tục hương khói, chợt từ rừng thông phía Tây mấy con quạ đen kêu quàng quạc bay qua khu vực nghĩa trang rồi hút về một cánh rừng thông khác. Lâu lắm rồi không thấy quạ đen xuất hiện, nay lại giữa khu nghĩa trang của những trinh nữ, tiếng quạ thật thê lương, gợi một thời lũ diều hâu Mỹ gieo rắc tang thương trên chiến địa này. Một cảm xúc thương xót trào dâng trào trong tôi. Để mặc nhà văn Đức Ban hướng dẫn Nguyễn Quang Vinh về địa hình, về sự tích, về sự ác liệt của Ngã ba Đồng Lộc thủa xưa (Đức Ban vốn là cựu TNXP ở Tổng đội 299 từng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc), tôi một mình ra ngồi ngoài hố bom trước cổng nghĩa trang – hố bom oan nghiệt đã vùi Mười cô gái ngày nào, và viết bài thơ “Hà ơi!” rất nhanh, như từ đâu trong sâu thẳm ký ức tuôn trào: “Chén rượu trắng chắc em không biết uống/ Khói hương thơm bay hết cả lên trời/ Giọt lệ anh rơi vào lòng đất/ Có ấm chỗ em nằm?/ Hà ơi!”…
    .....
    Đọc qua mấy bài lục bát thấy cũng thường, tôi định tìm cách trả lại cho anh vì Nguyễn Quang Vinh cũng sốt ruột thì thấy bài “ Cúc ơi…ời…ơi”. Bài thơ thể tự do, với tiếng kêu ha thiết, đau thương của một người trong cuộc đang hoảng hốt, cuống cuồng đào bới tìm đồng đội. Không cần giải thích, tự bài thơ đã nói được ngữ cảnh lúc ấy, ngay và sau khi bom Mỹ nổ, Mười cô gái hy sinh, đồng đội đào bới tìm được thi thể 9 người và chờ đợi tìm người cuối cùng trong họ: chiến sĩ Hồ Thị Cúc. Tác giả là người trong cuộc, là người thân quen của cô Cúc, đau đớn và xúc động trước sự mất mát này, trong 3 ngày trời đằng đẵng mà chưa tìm thấy xác người em, người đồng đội: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ mặt…/ Chỉ thiếu mình em…” Bài thơ xúc động quá. Đọc lại mấy lần, tôi chuyển cho Nguyễn Quang Vinh rồi góp ý với Thanh Bính nên sửa lại tên bài thơ là “Cúc ơi!”. Nguyễn Quang Vinh cũng rất xúc động, anh xin Nguyễn Thanh Bính chép lại bài thơ này. Ít lâu sau cả hai bài thơ trên ( Hà ơi! và Cúc ơi!) đều được in trên Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…và khi bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” ra mắt công chúng, người người xem phim đều rơi nước mắt khi cảnh cuối phim, lời bài thơ “Cúc ơi” như một tiếng gọi nghẹn ngào, vĩnh cửu của đồng đội, của nhân dân, của Tổ quốc khi mất đi những người thân yêu nhất.

    -

    Cúc ơi!

    Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
    Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
    Chín bạn đã quây quần đủ hết
    Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh
    A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
    Chỉ thiếu mình em
    (Chín bỏ làm mười răng được!)
    Bọn anh đã bới tìm vết cuốc
    Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
    Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
    Cúc ơi! Em ở đâu?
    Ðất nâu lạnh lắm
    Da em xanh
    Áo em thì mỏng!
    Cúc ơi! Em ở đâu?
    Về với bọn anh
    Tắm nước sông Ngàn Phố
    Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
    Chăn trâu cắt cỏ
    Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
    Gối còn thêu dở
    Cơm chiều chưa ăn
    Ở đâu hỡi Cúc
    Đồng đội tìm em
    Đũa găm, cơm úp
    Gọi em
    Gào em
    Khan cổ cả rồi
    Cúc ơi! (http://www.baohatinh.vn/m/doi-song-van-hoa/ve-hai-bai-tho-viet-o-nga-ba-dong-loc/57938)