Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tagged Under:

ÂM BINH- Kịch bản sân khấu

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 03:29
  • Chia sẻ bài này >

  •   
                                     Nhân vật

    +Nhi:
    Năm 1972 là bà mẹ trẻ 18 tuổi. Năm 2012 là cụ bà 58 tuổi
    +Quân:
    Năm 1972 chiến sĩ quân giải phóng 20 tuổi. Năm 2012 là ông Chủ tịch
    +Trung:
    Năm 1972, lính Việt Nam cộng hòa 22 tuổi. Năm 2012 Việt kiều, chủ đầu tư dự án Khách sạn 5 sao
    +Gốc cây già trên cát


       Lời của Gốc cây già trên cát:
    Tôi là một gốc cây già trên cát, không nhớ tuổi.
    Câu chuyện này có thể là câu chuyện của người đàn bà, có thể là chuyện của hai người đàn ông, có thể là chuyện của cát, của gió, của sóng biển, chuyện của những ngôi mộ.
    Nhưng đây là câu chuyện của tất cả chúng ta.
                          

                                PHẦN THỨ NHẤT- 1972
    Chiến trường miền Trung năm 1972.
    Vùng quê làng cát ven cửa biển.
    Mùa hè đỏ lửa. Màn mở, sân khấu chớp lửa, những tiếng rít ghê rợn của đạn pháo. Tiếng trẻ con hét, tiếng người dân la hét, tiếng hô xung phong, tiếng súng tiểu liên, ồn ào, huyên náo, nhức tai bởi những trận đánh khủng khiếp. Tiếng đổ vỡ của tường nhà. Tiếng lửa cháy. Tiếng máy bay vần vũ. Âm thanh đủ cho khan giả cảm nhận được sự khốc liệt của chiến trường.
    Cô Nhi, áo quần tơi tả, nón rách, chân đất, tay ôm đứa con bé nhỏ, bò, trườn, cố sức vượt qua hỏa lực bom pháo, lúc ẩn lúc hiện qua từng bức tường đổ, qua ánh lửa, qua hầm hào, qua những hàng rào dây thép gai.
    Một tiếng nổ rất lớn, hất tung hai mẹ con Nhi ngả sấp.
    Đột ngột im lặng. Chỉ có khói đen.
    Nhi vùng dậy, bế xốc con lên trên tay, hét một tiếng nghe đến lạnh run cả không gian:
    Nhi:- Con…
    Chị lay gọi, chị xoay xở thi thể đứa con, rồi chị ngồi thụp xuống, chết lặng. Nhưng giọt nước mắt lăn dài trên má. Chị đặt đứa con xuống đất, cào cấu đất chôn cất đứa con trên mảnh đất dưới chân mình, trong khói bom, khói pháo.
    -Con…Mẹ đang bị bủa vây trong bom đạn…Mẹ chôn con ở đây, không kịp thắp cho con que hương, không kịp khâm liệm…Nếu không chôn con, chút nữa mẹ chết thì ai chôn con hả con…Mẹ sẽ chết trên mộ của con…Xác mẹ sẽ che chở cho ngôi mộ bé nhỏ của con…Hai mẹ con mình sẽ ở lại đây, trong vườn nhà, cùng chết bên nhau, con đừng sợ gì hết con nhé, đừng sợ…Mẹ luôn ở bên con, ngay cả lúc này, ngay cả khi cái chết đến…Con đừng sợ…
    Nhi chôn con xong, nhìn quanh.
    Bom pháo khủng khiếp. Sao cái vùng đất giáp ranh giữa quân đội Chính phủ và Quân giải phóng lại đầy máu lửa thế này. Họ cần gì? Lại giành đất thôi. Lại giành đất nữa rồi. Những ngôi mộ trong vườn nhà tôi bom pháo xới tung cả rồi…
    Nhi bên thúng đựng cát, vun vén lại từng ngôi mộ, mỗi ngôi mộ Nhi lại cắm lên đấy một cành phi lao làm dấu.Đột nhiên Nhi khựng lại, hai tay ôm lấy bầu ngực, đau nhói.Nhi lao tới, quỳ xuống bên ngôi mộ con gái.
    Con…Mẹ đang căng sữa…Sao không bú…Sao con nằm yên lặng thế…Mẹ muốn nghe tiếng con khóc đòi sữa con ạ,..Khóc cho mẹ nghe một tiếng đi con…Mẹ đau…Mẹ đau…
    Nhi lết tới, quờ tay lấy mấy cái bát sứt mẻ, rồi vục bát vào ngực, nặn sữa, để từng bát sữa trước mộ con và gục đầu xuống.
    Con chết rồi…Sữa mẹ bây giờ nuôi ai hả con…Nuôi ai? Nuôi ai???
    Phía sau bức tường đổ, Trung- lính Việt Nam cộng hòa, mặt mày bê bết máu, áo quần xám ngoét khói bom, chân đất, kéo lê súng, bò trườn rồi lăn nhào trên tường xuống ngay chân của Nhi. Nhi giật mình lùi ra.
    Trung:
    -Cứu…Cứu tôi…Tôi là lính Việt Nam cộng hòa…Đơn vị tôi đã bị pháo binh Việt Cộng tiêu diệt..Chết hết rồi…Cứu…
    Nhi:
    -Bối rối, lúng túng, nhìn quang cảnh chiến trường, lại nhìn Trung đang chới với trong cơn nguy kịch. Anh nói lại đi, Việt Cộng sẽ tới à?
    Trung:
    -Tôi không biết…Trên kia, cả Việt Cộng và lính Chính phủ đang cài vào nhau, bắn nhau, chiếm của nhau từng thước đất…Hãy cứu tôi…

    Nhi:
    -Khoan đã, loạt pháo vừa rồi rơi xuống ở đây là từ phía nào bắn? Từ phía nào?
    Trung:
    -Tôi không nhớ…Có thể là từ Việt Cộng…Có thể là từ quân Chính phủ…
    Nhi:
    -Lao tới, giằng lấy cổ áo của Trung, mắt đỏ như mắt thú dữ. Nói đi…Pháo từ phía nào?Pháo từ phía nào? Phía lính Chính phủ đúng không? Nhìn đi, nhìn đi, mở mắt ra mà nhìn, khoét to mắt ra mà nhìn, dưới lớp đất này, dưới nấm mộ này là ai biết không? Là con gái tôi… Con gái tôi chết…Vì pháo…Con gái tôi vừa chết, nó đây, nó đây, nó đây, ai giết con gái tôi…Anh? Các anh? Đúng không? Chỗ này là xóm dân ở, các anh đã nả pháo về phía Việt Cộng nhưng lại nả pháo vào xóm dân, vào vườn nhà tôi, vào con gái tôi…Đúng không? Thở hổn hển, nói như mộng du. Con gái tôi đã chết…Nó mới 3 tháng tuổi…Nhìn đây này…Vuốt ve từng cái bát mẻ vừa đựng sữa…Bầu ngực tôi căng sữa…Bây giờ sữa tôi nuôi ai? Nuôi ai? Con ơi, sữa mẹ đang chảy ướt áo đầm đìa nhưng con không cần nữa phải không con gái? Con phải bú chứ? Đây này…Mẹ cho con bú đây này con…đây này con, sữa ngọt ngào, thơm thảo của mẹ cho con đây này con….Nhưng sao con im lặng? Cái miệng con cười đâu rồi…Hai bàn tay bé nhỏ xinh xinh của con đưa lên ôm lấy mặt mẹ mỗi khi con bú đâu rồi? Sao con im lặng? Sao con chết? Con chết mà sữa mẹ cứ dâng ngập lên đây con ơi…Nhìn đi…Khu vườn này, khu vườn nhà tôi, những xác chết, những nấm mộ, bao con người của gia đình tôi chết, ông bà tôi, cha mẹ tôi, anh em tôi chết vì bom đạn, vì chiến tranh…chết chết chết…mộ mộ mộ…nhìn đi….Kia là những ngôi mộ của ông bà tổ tiên…Kia nữa là những ngôi mộ của lính Việt Nam cộng hòa ông tôi chôn cất…Kia nữa là những ngôi mộ của quân giải phóng do chồng tôi chôn cất…Đây nữa này, đây nữa này…Nhìn đi…
    Trung:
    -Hãy cứu tôi…Tôi xin em…Anh xin em..Hãy cứu…Đừng để tôi phải chết như con gái em…Tôi không muốn sống…Tôi là sinh viên Sài Gòn…Tôi bị sung lính…Ở nhà chỉ còn mẹ…Tôi muốn sống để về với mẹ…Tôi nhớ mẹ…Tôi đau…Tôi đói lắm…Mẹ ơi…Khóc…Kia kìa, cái khăn trắng kia, hãy băng bó vết thương cho tôi…Tôi đói…Tôi kiệt sức…Tôi bị mất máu…
    Nhi:
    -Tôi chỉ còn cái mảnh vải trắng này…Tôi phải chít khăn cho con gái tôi chứ..Anh là cái quái gì mà tôi phải cứu anh...Pháo các anh giết chết con gái tôi thì việc quái gì tôi cứu anh…Tôi không điên…Tôi không điên rồ đi cứu kẻ đã giết con gái mình…Không điên…Tôi sẽ giết anh…Tôi sẽ chôn sống anh tại đây…Không. Anh có quyền gì nằm chết trong vườn nhà tôi…Vườn nhà tôi là nơi để tôi chôn cất ông bà, cha mẹ, anh em, chôn cất con gái tôi, đất này là đất của tôi, đất này đâu phải thừa thãi và dễ dãi để chôn loại khốn kiếp các anh…Cút đi…Cút đi…Cút đi…Đừng để tôi lấy đá tôi đập nát đầu anh ra đấy…Cút đi…
    Trong khi Nhi gào thét, thì người lính Việt Nam cộng hòa quằn quại, chới với, gắng sức vươn người dậy rồi đổ sập người xuống, miệng gọi vang vang hai tiengs Mẹ ơi hãy cứu con…. Người lính Việt Nam cộng hòa hậc lên một tiếng. Nhi hốt hoảng nhìn, bừng tĩnh, im lặng sà tới sà tới,nửa muốn xem xét người lính nửa muốn quay mặt. Gương mặt người lính cộng hòa run bần bật. Máu ồ ra. Nhi nhìn trước ngó sau rồi xé cái áo trắng,  vội vã băng bó.
    Trung:
    -Nước…Tôi khát…
    Nhi ngồi im.
    -Nước…Cho tôi nước…
    Nhi ngồi im.
    -Nước…
    Nhi lấy nước cho Trung uống.Nhưng cái bầu nước cạn ráo. Qunah đấy vẫn tiếng pháo.  Lại tiếng súng nổ rất gần. Tiếng đất đá bay rào rào. Nhi cúi sấp xuống che chắn cho Trung. Trung co giật. Nhi kéo Trung gác đầu trên chân mình.
    Nhi:
    -Anh nói tôi nghe nào, tên anh là gì?
    Trung:
    -Trung…Tên Trung, là sinh viên trường Luật Sài Gòn…Tôi bị sung lính…lính dù Sài Gòn…
    Nhi:
    -Nằm yên đi, đừng nói gì nữa…Máu đã cầm…Anh chỉ bị thương nhẹ thôi, bị sức ép của pháo thôi, hãy nằm yên, anh không chết được đâu…Nghe tôi hỏi lần nữa, không phải pháo của các anh giết chết con gái tôi chứ…Anh đừng trả lời…Nếu không phải thì lắc đầu…Lắc đầu đi…Lắc đầu đi…Không phải pháo các anh bắn chết con gái tôi đúng không? Lắc đầu đi…Lắc đầu đi…
    Trung nhìn trừng trừng vào Nhi, hai cánh tay anh run run đưa lên, đưa lên, rồi chắp lại như cái vái lạy yếu ớt và anh nhè nhẹ gật đầu.
    -Trời ơi…Tôi có một hai ba bốn yêu cầu anh công nhận đâu mà anh gật đầu…Tôi hỏi là có phải pháo các anh đã giết chết con gái tôi không? Thì anh cứ lắc đầu…Anh lắc đầu sao lại gật đầu…Ngu lắm…Ngu lắm…Sao ngu thế…(Nhi khóc)
    Trung:
    -Nước…Tôi khát…Nước…
    Nhi lúng túng…Rồi bất ngờ cô vớ lấy cái bát đựng sữa đang để trên mộ con rồi đưa vào miệng Trung. Trung ghì chặt lấy cái ca, nuốt từng giọt sữa…
                Trung tỉnh lại, nhổm lên…
    Trung:
    -Cô…em…em cho tôi uống sữa của con gái em…Nghẹn ngào. Đúng thế không?…Em là ai?
    Nhi:
    -Con em chết rồi…Mới chết vì đạn pháo…Mộ nó đây này…
    Trung:
    -Nghe anh hỏi này…Em là ai? Tên em? Em đã cứu tôi em hiểu không? Em nói đi, em là ai?
    Nhi:
    -Nhi…Tên em là Nhi… Con em chết rồi…Mới chết vì đạn pháo…Mộ nó đây này…
    Trung:
    -Em đã cứu tôi Nhi ạ…
    Nhi:
    - Con em chết rồi…Mới chết vì đạn pháo…Mộ nó đây này…

    Trung:
    -Nhi ơi…Anh biết rồi…Em đừng nói nữa…
    Nhi:
    -Nhà tôi. Vườn tôi. Pháo nổ vào vườn. Cả pháo Việt Cộng và pháo Chính phủ quốc gia đều rơi vào vườn. Kia nữa là hố bom. Máy bay quốc gia thả bom xuống vườn. Còn mấy quả chưa nổ…Anh không sao đâu, đi đi, theo hướng kia mà về đơn vị, đi đi…
    Trung:
    -Đừng, đừng đuổi tôi... tôi chứa thể đi đâu hết…Quanh đây Việt Cộng nhiều lắm…Nghe đi, hai bên đang bắn nhau như thế, đi là chết…Tôi sợ lắm…
    Nhi:
    -Kệ xác anh…Ưa bắn nhau, giết nhau thì về đơn vị đi, đi đi…Ở đây làm gì? Đi đi…ở đây không được…Khu vườn này chỉ có tôi và những ngôi mộ, không an toàn đâu…Rồi chút nữa, cả tôi cũng sẽ là ngôi mộ thôi…Đi đi…
    Trung:
    -Nhi…Em đã cứu tôi thì hãy mở lòng cưu mang tôi đi, che chở tôi tránh gặp Việt Cộng…Tôi mang ơn em mà…Hãy tìm chỗ nào kín đáo dấu tôi đi…Tôi sợ gặp Việt Cộng, họ sẽ giết tôi…Tôi yếu sức lắm…Tôi không đủ sức chiến đấu…Hãy cứu tôi em nhé, Nhi nhé…
    Nhi:
    -Ngớt tiếng pháo, tiếng súng rồi đấy, anh đi đi…Anh làm tôi đổi ý, tôi giết anh đấy, không đợi Việt Cộng giết anh đâu…Nhìn đi, có gì ở đây an toàn để che chở anh? Mảnh vườn bị đạn pháo cày xới…Cày xới cả những ngôi mộ của ông bà tôi, cha mẹ tôi, anh em tôi, cày xới cả những ngôi mộ vô danh, không tên không tuổi…Cày xới hết…Tôi cũng sẽ chết…Chẳng ai che chở anh được…Đi đi…
    Trung:
    -Thì tôi đi đây…
    Vừa chống người đứng dậy thì ngả quỵ. Nhi xốc cho Trung nằm xuống.
    Những tiếng nổ quyết liệt. Tiếng đất đá rơi rào rào. Rồi đột ngột, bóng một chiến sĩ giải phóng lăn ào ào và rơi vào đúng chỗ Nhi và Trung. Trung giật lấy khẩu súng trên tay. Nhi lao tới, giằng lấy súng.
    Nhi:
    -Anh định làm gì thế?
    Trung:
    -Việt Cộng đấy…hắn là quân giải phóng…Tránh ra để tôi bắn…Tôi giết hắn là để cứu cô đấy…Thằng chó…
    Nhi:
    -Không được bắn…Hiểu chưa?
    Nhi bò tới phía người lính Việt Cộng. Người lính quân giải phóng cũng bê bết máu, nằm gục trên đất, tay vẫn cầm khẩu AK.Nhi rụt rè tới gần, hoảng hốt trước cảnh máu me thương tích của người lính giải phóng. Đằng kia, Trung cảnh giác, rê súng theo.
    -Này…ông giải phóng…Ông còn sống đấy chứ?
    Người lính giải phóng đột nhiên lật người lại, hai tay nâng súng lên. Nhi hoảng hốt.
    -Này…Đừng bắn…Để tôi băng bó vết thương cho đã, máu ra nhiều lắm, nghe…đừng bắn nghe…
    Nhi vội vàng băng bó.
    Quân:
    -Cô làm gì ở đây?
    Nhi:
    -Em là dân vùng này…Em ở đây…Nhà này…Ông giải phóng đừng bắn em…Em tay trắng..Con gái mới chết vì đạn pháo…Có phải đạn pháo của các ông?
    Quân:
    -Tôi không biết…Tôi cũng bị thương vì đạn pháo…Ở đây, chỗ này, chúng tôi và lính Việt nam cộng hòa đang cài răng lược  lấy nhau, không biết đạn của ai…

    Nhi:
    -Cũng chỉ là dành đất của nhau thôi, chỉ là dành đất thôi, đúng không?
    Quân:
    -Đó là nhiệm vụ của chúng tôi…Giành lấy đất, giữ lấy đất, mở rộng vùng giải phóng…
    Nhi:
    -Ông im đi…Nhiệm vụ khỉ gió…Nhiệm vụ gì mà phá nát nhà nát đất, giết chết bao người, giết chết cả con gái tôi…Nhiệm vụ gì mà vô hậu thế…
    Quân:
    -Mộ con gái cô đây phải không? Tôi xin lỗi cháu…Nhưng chiến tranh…chiến tranh…
    Nhi:
    -Chiến tranh à? Tại chiến tranh à? Cười chua chát. Con ạ, có nghe ông giải phóng nói gì không? Ông ấy xin lỗi con đấy…Cứ một cái chết đổi lấy một lời xin lỗi con nhỉ? Nhẹ nhàng con nhỉ? Ông bà con, các bác, các chú, cô cậu của con cũng chết vì đạn pháo, nằm ở kia kìa, những ngôi mộ vô danh kia nữa,  mỗi ngôi mộ là một lời xin lỗi đấy con ạ…Hét Các người câm mồm đi...Những ngôi mộ kia, cả ngôi mộ con gái tôi nữa, không ai nghe lời xin lỗi của các người…Tôi đây, rồi tôi sẽ chết vì đạn pháo, vì mũi tên hòn đạn, ông xin lỗi trước tôi đi để tôi còn nghe, nói đi…Lao tới giằng lấy cổ áo Quân.Nói tôi nghe nào…Xin lỗi xác chết đang đứng trước mặt ông đi…
    Quân:
    -Hất hàm về phía Trung. Hắn vẫn sống chứ?
    Nhi:
    -Xin lỗi…xin lỗi…xin lỗi…chiến tranh khốn nạn…
    Quân:
    -Hắn vẫn sống chứ?


    Nhi:
    -Ông bà tôi chết khi đang ngồi hầm, cha mẹ tôi chết khi đang vá lưới ở cửa sông, anh chị cô cậu tôi chết vì đi lính, chồng tôi chết khi đang lái xe…con gái tôi chết ngay khi còn ngậm vào vú mẹ…Năm tôi 15 tuổi, khu vườn này có 4 ngôi mộ…Năm tôi 17 tuổi, khu vườn này có 7 ngôi mộ…Năm tôi 20 tuổi, khu vườn này có 9 ngôi mộ…Năm tôi 22 tuổi, khu vườn này có 11 ngôi mộ…Và bây giờ, nhìn đi, ngôi mộ này này…con gái tôi đấy…thêm nhiều ngôi mộ vô danh khác nữa, những ngôi mộ cả hai phía của cuộc chiến đấy…các người thỏa mãn chưa?
    Quân:
    -Ôm chặt lấy mặt của Nhi, hét lên.Cô lảm nhảm cái gì thế? Nghe tôi hỏi không? Kia, thằng kia, hắn vẫn sống chứ?
    Nhi:
    Như sực tĩnh, lau nước mắt, quay lại nhìn Trung.
    -Như ông thôi, cũng bị thương nặng, mất máu, lạc đơn vị…
    Quân:
    -Bộ đội hả?
    Nhi:
    - Lính Quốc gia.
    Quân bổ chồm tới, lên đạn. Trung cũng bổ chồm tới lên đạn. Nhi vùng người hai tay cầm chặt hai nòng súng. Hai loạt đạn nổ chúi xuống đất.
    Nhi:
    -Các anh làm cái gì thế? Không được bắn…
    Trung:
    -Cô tránh ra…Không liên can gì đến cô…Tránh ra…Tôi không giết hắn thì hắn giết tôi…Lính quốc gia gặp lính Việt Cộng làm sao không nổ súng?
    Quân:
    -Cô buông nòng súng tôi ra… Nghe tôi nói chứ, buông nòng súng tôi ra, tôi bắn hắn…

    Trung:
    -Đừng…Cô hãy nắm đè nòng súng của hắn xuống, buôn súng tôi, tôi bắn hắn…Thằng khốn…
    Quân:
    -Buông súng tôi để tôi giết hắn, thằng khốn.
    Nhi:
    -Hét.Câm hết đi.,..Các anh đều thằng khốn…hiểu chưa?
    Quân:
    -Cô Nhi…Cô tên là Nhi đúng không? Tôi là quân giải phóng…Hãy giúp tôi giết tên bán nước này…
    Trung:
    -Đừng tin lời hắn…Nhi…Hãy nghe tôi…Hắn là Việt Cộng…Việt Cộng là kẻ thù của Quốc gia…
    Quân:
    -Mày…Láo…
    Đột ngột, cả Trung và Quân đều vùng dậy, giương súng vào nhau, run rẫy rồi cùng ngả quỵ xuống.
    Nhi:
    -Các anh muốn giết nhau thì ra khỏi vườn nhà tôi…Cút hết đi…Nhìn hai người. Không đủ sức giết nhau nữa phải không?Hoảng hốt nhìn láy Quân..Này…Sao thế? Sao thế…Xỉu rồi…
    Trung:
    -Yếu ớt…Cho nó chết…
    Nhi:
    -Quay lại Trung. Anh im đi…
    Nhi quay người, lại lấy cái bát sữa đổ vào miệng Quân. Quân uống rồi cựa quậy…Quân cố sức nhổn dậy..
    Quân:
    -Cô vừa cho tôi uống gì?
    Trung:
    -Sữa cô ấy đấy…
    Quân ói. Trừng mắt nhìn Nhi.
    Quân:
    -Cô…cô…dám…Rồi lại ngất xỉu.
    Trung cố lết lại gần Quân.
    Trung:
    -Này…Tôi và cô trói hắn lại, bắt sống được Việt Cộng là lĩnh thưởng đấy…
    Nhi:
    -Nằm yên đấy…Anh ta đang xỉu đi kia kìa, sao anh ác thế? Dừng lại…
    Quân tỉnh. Dưa tay lên chùi miệng, lẩm bẩm.
    Quân:
    -Xin lỗi cô…Từ khi mẹ tôi sinh ra, mẹ tắc sữa, tôi chưa bú mẹ lần nào…Tôi không quen mùi sữa mẹ…Xin lỗi cô…Thằng kia đâu…Nhìn thấy Trung lại vùng lên cầm súng. Nhi hốt hoảng giằng hai khẩu súng.Nhi hất hai nòng súng lên cao. Lại hai loạt đạn nổ.Nhi bực tức xô dúi hai khẩu súng, cả hai người ngả sấp xuống đất.
    Nhi:
    -Thấy chưa? Các anh còn chút sức lực nào nữa đâu mà đòi giết nhau. Nằm đấy. Em thu súng nhé. Nằm yên nghe.
    Nhi giật hai khẩu súng lại, để xa…Nhi kéo hai người lại gần, gối đầu lên đùi mình.
    Em không quan tâm Việt Cộng là gì, lính quốc gia là gì…Hai anh đều bị thương, cần giúp đỡ, thế thôi.
    Mấy ngày nay chiến sự vùng này căng thẳng, dữ dội. Các anh đánh nhau, nả pháo vào nhau, dân chết, con em cũng mới chết, khổ lắm. Con em chết rồi, mộ nó kia, ai làm chết con gái em? Pháo Việt Cộng hay pháo Quốc gia. Đáng lẽ, gặp các anh, em phải thù, em phải giết để trả thù? Lại còn chăm sóc, là em muốn cứu các anh. Không. Đừng nghĩ là em tốt. Tốt sao được khi gặp được kẻ đã làm chết con gái mình. Nhưng nếu không cứu các anh thì các anh sẽ chết. Lại có hai bà mẹ mất con. Làm mẹ mà mất con đau lắm các anh biết không? Em mất con em đau đớn bao nhiêu thì mẹ các anh mất các anh cũng đau đớn như vậy. Các anh giết nhau ở ngoài chiến trường kia chưa chán, vào tới đây, ngả xuống đây rồi, kiệt sức rồi, mà sao vừa thấy nhau đã muốn bắn chết nhau? Các anh có biết gì về nhau đâu mà sao thù nhau ghê thế? Sao lại muốn giết nhau ghê thế. Các anh bắn nhau, dân chịu, mất nhà, mất cửa, chết chóc, tang thương…Đừng bắn nhau nữa nhé…Nếu không đi với nhau một con đường thì đường ai người đó đi, nhà ai người đó về, phe nào theo phe đó, nhưng đừng bắn nhau nữa các anh nhé…Bắn nhau như thế, ai thắng thì người dân cũng khổ, chẳng sung sướng gì hết đâu các anh ạ…
    Trung:
    -Việt Cộng thua, nhất định thua, chúng nó trong tay cái gì? Vũ khí lạc hậu. Ăn đói mặc rách…Thua
    Quân:
    -Láo. Lũ chúng mày mới thua, lịch sử Việt chứng mình cả ngàn năm nay, chẳng bao giờ bọn bán nước lại thắng được cả.
    Trung:
    -Em đừng tin luận điệu của thằng Việt Cộng què chân này, Quốc Gia sẽ đè bẹp cộng sản, tiến ra Bắc Việt nay mai
    Quân:
    -Hỗn xược, lũ quân đại bại chúng mày thì có sức lực đâu nữa nào, đầu hàng hết…Cách mạng sẽ giải phóng toàn miền Nam
    Trung:
    -Láo. Cố gắng vùng dậy.
    Quân:
    -Quay đầu vào bờ thì sống, ngoan cố thì chết, hiểu chưa? Cũng gắng sức nhổm người dậy.
    Nhi đè dúi hai người nằm xuống

    Nhi:
    -Trời ơi, băng bó cho các anh, chăm sóc các anh, lấy được chút sức tàn lại cãi nhau, chửi nhau là sao…Nằm yên…Em thương cả hai anh…Ai cũng là con dân nước Việt hết, dân tụi em không muốn ai trong các anh phải bị chết, cũng không muốn các anh bắn nhau, làm hại đến dân lành…Nằm yên đi…Đừng cãi nhau…Hãy yên tĩnh cho em ngắm mộ con gái em một chút…Nó chết mà không khâm liệm, không hương khói…nằm kia kìa…Hiểu không? ( Khóc. Trung đưa cánh tay lên về phía gương mặt Nhi, Quân cũng đưa cánh tay lên về phía gương mặt Nhi, rồi bất ngờ hai cánh tay chạm nhau, cả hai nắm lấy nhau, vặn, xoắn, Nhi hét lên)Khổ quá, buông nhau ra đi…
    Nhi ngồi nhìn. Ánh sáng tập trung vào Nhi. Nhi tự sự.
    Người lính giải phóng bị thương tên là Quân. Anh ấy sau đó đã được tôi đưa xuống thuyền, chở vào giao cho cách mạng. Còn anh Trung thì cũng về đơn vị. Trong một đêm, tôi tiễn hai người lính về hai ngả.
    Trở lại cảnh cũ. Hai người lính ngồi quay lưng với nhau, Nhi ngồi ở giữa. Hai người lính vẫn còn bị băng bó. Tất cả im lặng. Nhi đưa tay ra. Trung đưa tay ra. Quân đưa tay ra. Cả ba  bàn tay của ba người im lặng, tìm kiếm, nắm lấy nhau. Cả ba người nhìn về ba hướng khác nhau.
    Nhi:
    -Bây giờ các anh khỏe rồi đúng không…Đã có thể về theo đơn vị mình đúng không? Đã biết nhau rồi đúng không? Nếu hôm nay em giao anh Trung giải phóng cho chính quyền Quốc gia chắc lĩnh thưởng lớn. Hoặc nếu em giao anh Quân cho quân giải phóng chắc cũng được khen thưởng…
    Trung:
    -Cô Nhi đừng sống ở đây nữa, trong vùng chiến sự, nguy hiểm lắm…Trong vườn nhà cô, 12 ngôi mộ của người thân và những ngôi mộ vô danh là đủ cay nghiệt rồi cô ạ…
    Quân:
    -Cách mạng sẽ giải phóng quê hương cô, cô cứ ở đây, rồi sẽ tới ngày hòa bình, không sao cả…


    Nhi kéo tay Trung về một góc.
    Nhi:
    -Anh Trung…Những ngày anh bị thương nặng, ở đây, lúc hôn mê anh đều gọi tên mẹ..,Hãy về với mẹ anh…Nhớ chưa? Em gửi anh cái này…Một túi cát nhỏ lấy trong vườn nhà…Hãy giữ lấy, đi đâu, làm gì cũng đừng quên cát vùng này, đừng quên khu vườn và những ngôi mộ này, đừng quên em…
    Trung cảm động nâng niu túi cát. Nhi đẩy Trung vào bong tối, Trung đi.
    Nhi lại bên Quân.
    Nhi:
    -Anh Quân…Anh sẽ về nhà với mje anh chứ?
    Quân:
    -Tôi sẽ tìm đơn vị, tiếp tục chiến đấu, giải phóng miền Nam.
    Nhi:
    -Còn mẹ anh thì sao?
    Quân:
    -Mẹ tôi sẽ tự hào về tôi nếu tôi phải hy sinh…
    Nhi:
    -Những người mẹ Việt, tự hào khi con sống, tự hào cả khi con đã chết sao?
    Trung đứng lên.
    Trung:
    -Nhi ạ…Anh không quên ơn em…Không quên lối về khu vườn có những ngôi mộ của em…Không quên…Chào em…
    Trung đi khuất.
    Ánh sáng tập trung vào Nhi.
    Nhi tự sự.
    Nhi ngồi một mình, tay cầm cái sang, sang cát. Vừa sang vừa nhón từng nhúm rác bỏ sang một bên.

    Nhi:
    -Hàng ngày tôi lại sàng cát…Nhà tôi trên cát, chổi không thể quét được rác trên cát thì tôi phải sàng cát cho sạch nhà, cho sạch vườn, cho sạch những ngôi mộ…Ngày nào, đêm nào, tôi cũng không quên anh Trung, không quên anh Quân. Từ ngày đó, tôi không biết họ có tham gia chiến trận nữa không? Họ có gặp nhau không. Còn tôi, ngay sau hôm đó, người của Quốc gia khép tội tôi đã che dấu Việt Cộng, bắt tôi vào trại giam, tra tấn tôi chết đi sống lại, thân tàn ma dại rồi trả về. Về nhà được mấy tháng thì quê hương cũng giải phóng. Chính quyền cách mạng địa phương lại gọi tôi lên truy vấn vì tội đã che dấu nuôi nấng lính quốc gia, bà con ghẻ lạnh, anh em quay mặt, láng giềng không gặp gỡ, tôi sống trong cô độc, buồn nản và vô vọng. Rồi cũng tới ngày đất nước thống nhất. Khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, tôi ra thắp hương trên mộ con tôi, tôi nói, con ạ, thế là chú Quân đã thắng chú Trung rồi. Ai thắng mẹ không quan tâm, mẹ chỉ mong hòa bình, mẹ mong yên ổn. Không có hòa bình mẹ mất con. Có hòa bình, mẹ ngồi với mộ của con. Vẫn là mảnh vườn hoang vắng này. Cả làng không còn ai ở đây nữa. Chỉ còn mảnh vườn hoang vắng này và những ngôi mộ…. Tôi không muốn bỏ mảnh vườn hoang vắng của tôi. Ở đây có mộ con gái tôi. Ở đây có mộ ông bà tôi, mộ những người thân yêu của tôi. Ở đây còn là địa chỉ của anh Trung, anh Quân, mà họ hứa, thế nào họ cũng quay lại. Hòa bình rồi, các anh có còn sống để quay lại?  Giờ thì đã là dân của một nước, hai anh cứ quay lại, không còn chiến tranh, không còn bắn giết nhau, không còn đề phòng nhau, các anh cứ quay lại, em vẫn ở đây, trong khu vườn hoang vắng buồn bã này đợi các anh…. Tôi cứ sống, một mình thui thủi như thế ở mảnh vườn rất rộng với những ngôi mộ. nhưng cũng vì rất rộng nên càng hoang vắng. Ngày rằm nào tôi cũng thắp hương khắp khu vườn nhà tôi. Hương lấp lóa khắp nơi, rộng dài như nghĩa địa. Mảnh vườn của tôi vẫn nguyên, rộng lắm, nhưng hoang vắng. Không biết đến bao giờ người ta mới đến ở khu vực hoang vu này. Sau giải phóng, người ta dắt díu nhau về gần thị xã sống. Chỉ còn lại tôi ở đây. Đêm đêm, tôi thắp đèn dầu, thèm khát nhìn về ánh điện của thị xã, cũng muốn đi lắm nhưng dưới đất đai vườn nhà mình, có những phần mộ…Tôi cứ ở lại, hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác…Mới đấy, sau giải phóng cũng đã được gần mười năm rồi…





                                
                                PHẦN THỨ HAI- 1982
     Đêm. Ngôi nhà của Nhi. Năm 1982. Bóng người đàn ông thập thò, rụt rè nhìn về ngọn đèn dầu cháy leo lét trong ngôi nhà. Nhi xỏa tóc, nằm trên võng, ngân nga hát, hát véo von một bài dân ca. Bóng người đàn ông tiến gần lại. Chúng ta nhận ra đó là Trung, người lính Việt nam Cộng hòa cách đây 8 năm. Trung khoác trên vai cái túi vải, đầu đội mũ vải, chân đi giày vải.
    Tiếng hát của Nhi.
                                     Nghèo chi nghèo rứa mà nghèo
                              Đêm nằm cát vẫn còn theo lên giường
    Trung:
    -Nhi…Nhi ơi…Em ơi…
    Nhi:
    -( Dừng hát, quát) Cút đi. Chui đầu vào đây, tôi chém đấy…Đồ dâm đãng..Cút đi
    Trung:
    -Nhi ơi, anh đây, anh Trung đây…
    Nhi:
    -Anh Trung đây, anh Đào đây, anh Lộc đây, anh Quỳnh đây…Khốn nạn đàn ông các anh…Muốn bị chém không?
    Nhi đứng dậy, cầm cái con rựa, bước về phía cửa. Nhi đưa chân đạp mạnh cửa tung ra rồi đưa con rựa lên cao quá đầu.
    Trung hốt hoảng lùi lại.
    Trung:
    -Nhi…Em sao thế? Nhìn cho kỹ đi, anh Trung đây cơ mà, nhớ không, anh Trung, thằng lính ngày trước em cưu mang, cứu sống đây…
    Nhi hạ con rựa xuống, thẫn thờ nhìn Trung rồi vứt ngay con rựa, đứng trân trân nhìn Trung:
    Trung:
    -Nhi…Anh ghé thăm em một lát rồi đi…gần 10 năm rồi anh mới trở lại…Mà sao vườn tược cỏ cây mọc um tùm…Mà sao không còn nhà nào nữa sống ở đây…Anh tìm mãi, tìm mãi, vạch lau lách, cỏ lác tìm mãi mới ra chỗ ở của em…May quá, nghe tiếng em hát…Anh lần theo tiếng em hát…
    Nhi vươn hai cánh tay choàng lấy người Trung, kéo Trung vào lòng mình.
    Trung:
    -Đừng khóc em…Anh ghé thăm chào em một câu rồi đi…Đừng ôm anh chặt thế…Nói đi chứ, nói gì đi em…Sao em không nói gì hết…
    Nhi:
    -Anh Trung…Lâu quá rồi, em sống một mình, không cầm tay ai, không có được hơi ấm của ai…Khu vườn này, rộng mệnh mông thế nhưng hoang vắng. Đêm lại càng hoang vắng. Chỉ có những thằng đàn ông say rượu đêm đêm mò tới..Em đuổi, em chửi, em chém vẫn không hết…Vì cứu các anh mà trong làng trong xã đồn nhau, con Nhi ngủ với hai thằng đàn ông trong nhiều đêm…Người khinh bỉ, kẻ chửi bới, còn những thằng đàn ông thì nghĩ em là gái thèm giai, đêm nào cũng có người mò đến gạ tình…Nhục nhã lắm anh ạ…Cho em khóc một chút nữa…Lâu nay em khóc một mình, có ai bên cạnh để nói chuyện, để khóc đâu anh…Nhưng sao anh lại nói ghé thăm em một chút rồi đi ngay…Anh sợ? Hòa bình rồi mà? Anh sợ gì?
    Trung:
    -Nhi…Nghe anh nói này..Mãi mãi em là ân nhân cứu mạng của anh…Anh không quên ơn nghĩa ấy…Sau giải phóng, anh phải đi cải tạo lao động…cải tạo mãi…cho đến tháng trước mới được tha về, cũng vì thế mà anh không thể ra thăm em được…Hoàn cảnh như vậy chứ không phải anh quên em, không phải anh vô ơn, không phải anh không nhớ tới ân nhân cứu mạng của mình.
    Nhi:
    -Anh nói đi, nói nữa, em thèm nghe ai đó nói chuyện với mình, giờ gặp anh, lại càng thèm nghe anh nói, thèm tiếng đàn ông trong nhà em, anh hiểu chứ, lâu quá rồi, gần mười năm rồi, đêm đêm không có tiếng đàn ông trong nhà đâu anh ạ..Đêm đêm chỉ có tiếng sóng biển, tiếng, gió, tiếng cát bay, tiếng lá rụng lào xào trên những ngôi mộ,  tiếng những bước chân rình rập của những thằng đàn ông say rượu tìm gái…Anh nói đi, nói nữa, nói gì cũng được anh ạ…
    Trung:
    -Anh không nghĩ là em vẫn sống một mình…
    Nhi:
    -Không sống một mình thì sống với ai nữa anh…Đàn ông tới là chỉ gạ gẫm mua bán tình chứ có ai thèm lấy em làm vợ…Hàng ngàn đêm như thế rồi, một mình thôi anh ạ…Em khóc vì các anh nhiều lắm…Nếu các anh sống, sao không ai về thăm em. Anh mất hút, anh Quân cũng mất hút. Em thì không nghĩ các anh chết. Em không mong điều đó. Nhưng nếu các anh sống cả, sao ngần ấy năm không về thăm em một lần. Có những đêm, gió thốc vào cánh cửa, em vùng dậy, cứ như nghe các anh gọi tên…Đến khi em chống cửa lên, cầm đèn chạy ra sân, chỉ có khu vườn hoang vắng, hoang vắng và những ngôi mộ…Trong vườn nhà em đông đúc âm binh, em sống với âm binh, em chăm sóc âm binh, âm binh che chở an ủi, bao bọc em. Ngần ấy năm qua, em chạy chợ trên chợ dưới, tần tảo kiếm tiền, dồn từng đồng, từng đồng, để làm gì anh biết không, để xây cất lại cho đẹp đẽ những ngôi mộ…Người làng nói em điên, bỗng dưng biến vườn nhà mình thành nghĩa trang…Đêm đêm em ra với những ngôi mộ, sống với âm binh trong vườn, nhưng đó là ông bà, bố mẹ, người thân, những người vô danh…Sau giải phóng, người người đua nhau làm ăn, xây nhà, mua sắm, em thì chỉ gom góp từng đồng để xây cất lại những ngôi mộ…Có khác người không hả anh?
    Trung:
    -Nhi ơi, nghe anh nói này…Anh không còn nhiều thời gian…Anh sắp đi xa Nhi ạ, đi rất xa, mãi mãi xa…Vì thế mà em tới thăm em một lần…
    Nhi:
    -Vượt biên?
    Trung:
    -Anh lạy em, nói bé lại…Anh vượt biên…Anh đã vượt biên ba lần, lần nào cũng bị bắt lại…Rồi anh nghĩ,  muốn vượt biên trót lọt, anh phải về đây, thắp hương cho những ngôi mộ xin phù hộ độ trì, về thăm em một lần…Lần này nếu trót lọt, chúng ta không còn cơ hội gặp nhau nữa, em hiểu chứ, Nhi?

     Nhi:
    -Anh vượt biên?
    Trung:
    -Cả nhà anh đã đi…Giờ anh cũng phải đi…Sống chết cũng phải đi em ạ…
    Nhi:
    -Anh vượt biên?
    Trung:
    -( Gật đầu)
    Nhi:
    -(Kéo mạnh tay đưa Trung vào nhà) Anh…Đừng đi đâu hết…Ở lại…Ở lại với em…
    Trung:
    -Số phận chọn đường cho anh như thế…Anh phải đi…Anh về đây để tạ ơn em, coi như em là ân nhân, người cứu mạng…tạ ơn em…
    Nhi:
    -Nếu anh nói em là ân nhân của anh, nếu anh nói, anh tới đây để chia tay em, ra đi, không biết ngày nào trở lại, nếu như thế, em xin anh một ân huệ được không?
    Trung:
    -Em nói đi
    Nhi:
    -(Nhi bước tới, vừa bước tới vừa cởi cái áo ngoài ra vứt sau lưng, rồi xõa tóc, rồi sà tới, ngồi xuống, ôm lấy hai chân của Trung)Hãy cho em một lần…Nếu may mắn, hãy để lại cho em một đứa con…
    Trung:
    -Nhi…Em đứng dậy đi…đừng thế…anh không xứng đáng cho em phải làm thế…


    Nhi:
    -Em có ai là đàn ông nữa đâu mà xứng đáng với không xứng đáng. Anh là người em quen duy nhất lúc này..Hãy chiều em…
    Trung:
    -(Vội vã định đứng dậy) Nhi…Anh xin em…Anh phải đi…
    Nhi:
    -Đứng lại…Anh không đi đâu hết…Anh muốn em xin anh một lần hay anh muốn lũ đàn ông nó hiếp, nó phá, nó hại đời em…Nói đi..Anh muốn gì…(Nhìn Trung)Anh ạ…Em khổ lắm anh biết chứ…(Khi Nhi định choàng tay lao tới thì Trung vùng chạy, hất cho cánh cửa nhà đóng sập xuống, Trung nói từ bên ngoài) Nhi ơi, anh đi nhé…Anh mang ơn em suốt đời…Anh đã không làm được gì cho em hết…Anh tạ tội với em Nhi ạ…Anh đi…(Trung bỏ chạy)
    Nhi từ từ chống cửa nhà lên. Nhi đứng giữa cửa, nhìn theo bóng Trung đang chạy.
    Trung bỏ chạy khuất vào bóng đêm. Người ta thấy một người đàn ông khác khẩn trương bước tới, đứng im ngoài cửa. Khán giả nhận ra đấy là Quân.
    Nhi bước ra, Quân xoay lưng về phía Nhi. Trời tối. Nhi lao tới ôm lấy sau lưng Quân.
    Nhi:
    -Em vẫn nghĩ là anh đã bỏ đi rồi…Trung ơi…đừng bỏ rơi em vào lúc này…Đêm vẫn còn tối lắm…Tối quá…Chúng ta đứng bên nhau còn nhìn mặt nhau không rõ thì anh sợ ai trông thấy chứ…Ở đây lại hoang vắng…Rất hoang vắng anh ạ…( Bàn tay Nhi quờ quạng, run rẫy, cuồng nhiệt mơn trớn trên thân thể Quân- mà cô vẫn nhầm là Trung) Trung ơi…Anh đi đâu cứ đi, nhưng nếu anh còn nghĩ tới cái ơn cứu mạng của em, hãy để lại cho em một giọt máu của anh…Em cần một đứa con anh hiểu chứ? Em thèm hát ru con hàng đêm…Cái vùng đất hoang vắng ngầm ngập hồn vía, linh thiêng, vùng đất của thế giới âm binh này đang cần một tiếng khóc trẻ thơ anh hiểu chứ…Không có con, em chết anh ạ, em chết vì cô độc…Vào nhà anh nhé…Mà không cần…Cần gì phải vào nhà…Chúng ta ở đây…Cho nhau ở đây….Cát trắng là giường…Để em cởi áo cho anh…Em thèm được hít hà mùi mồ hôi đàn ông trên cơ thể anh…Lâu quá rồi, lâu quá rồi, em quên mất hương vị mặn chát mồ hôi của mùi vị thân thể đàn ông…Không có hương vị đàn ông thì người đàn bà không có gì hết đâu anh ạ…Không có con thì cuộc đời người đàn bà gẫy mục, tan nát thôi anh ạ…(Gục đầu vào bờ vai trần của Quân) Anh Trung…Thịt da anh đầy cám dỗ…Anh ơi…Em đây này…Người đàn bà đơn độc của anh đây này…Anh muốn làm gì em cứ làm đi…làm đi anh…nhanh lên anh…
    Quân:
    -Em có nhầm không?
    Nhi:
    -Nhầm gì hả anh? Chỉ có em và anh, một người đàn bà khao khát sinh con và một người đàn ông, nhầm gì anh?
    Quân:
    -Hãy ghé thật sát vào mặt anh đi…Biết ai đây không?
    Nhi giật mình nhảy lùi
    Nhi:
    -Đúng rồi, anh Quân, anh Quân, đúng anh Quân rồi…(Nhi lao vào) Anh Quân…
    Quân:
    -(Chống cánh cửa nhà lên cao, ánh sáng trong nhà hắt ra thấy rõ mặt hai người) Sao cô nhận ra tôi nhanh thế?
    Nhi:
    -Gần mười năm rồi mới gặp lại phải không anh? Ai quên em thì cứ quên, em không quên các anh, không quên Trung, không quên anh…Gần mười năm nay không ngày nào em không chống cửa nhìn con đường đất chạy thăm thẳm giữa trập trùng những triền cát để mong được thấy hai anh trở lại thăm em…Mong như vậy, đợi như vậy thì làm sao nhầm được hả anh…
    Quân:
    -Hồi nãy, Nhi ôm tôi, Nhi gọi tên thằng Trung…
    Nhi:
    -(Lúng túng cúi mặt)
    Quân:
    -Cô không ngờ tôi lại xuất hiện?
    Nhi:
    -Tối nay, các anh có hẹn với nhau đến nhà em không?
    Quân:
    -Tại sao em lại làm thế?
    Nhi:
    -Làm gì?
    Quân:
    -Tại sao em lại chứa chấp hắn?
    Nhi:
    -Hắn nào?
    Quân:
    -Thằng Trung. Hắn đã tới đây. Hắn đã vượt biên mấy lần đều bị bắt…Hắn đi đâu đều có người theo dõi…Và hắn đã tới đây…Đã trốn ở đây. Đã vượt biên từ đây. Tôi nghe cấp dưới báo cáo như thế.
    Nhi nhìn Quân, cô vén tóc lại, nhìn Quân rồi cười, cười chua chát.
    Nhi:
    -Anh tới đây để bắt anh Trung?
    Quân:
    -Nếu thế thì sao?
    Nhi:
    -(Nhìn Quân) Sao lại bắt anh ấy?
    Quân:
    -Vượt biên tức là phạm tội phản bội Tổ Quốc, là kẻ phản động.
    Nhi:
    -Vâng…

    Quân:
    -Kẻ nào chứa chấp kẻ vượt biên cùng đồng lõa với tội phản bội Tổ Quốc.
    Nhi:
    -Vâng…
    Quân:
    -Tôi nghe tin báo, có một con thuyền với nhiều hành vi lạ neo đỗ ở cửa biển kia…Bỗng dưng tôi nghĩ, hay là thằng Trung ngày xưa đang tổ chức vượt biên ở nơi hoang vắng này…Hắn có thể tổ chức gom người ở vùng này lắm chứ vì ít ra hắn còn có một cơ sở quen biết là cô mà…Tôi đoán mò vậy thôi và một mình tới nhà cô để tìm hiểu…Hóa ra đúng…Cô đã chứa chấp hắn…Đúng không?
    Nhi:
    -Vâng…
    Quân:
    -(Xô tới Nhi, trừng mắt) Cô ngu lắm…Sao lại vâng…Hả? Sao lại vâng?
    Nhi:
    -Có sự thật như vậy mà anh.
    Quân:
    -Không có sự thật nào hết…Không có ai tên là Trung ghé nhà cô hết…Cô hiểu lời tôi nói chứ…Không có…
    Nhi:
    -Nhưng đó là sự thật anh ạ…Anh Trung tới đây…Và em thậm chí còn mong mỏi xin anh ấy một đứa con anh ạ…Mà anh ấy sợ anh ạ…Mà anh ấy không chịu anh ạ…Mà anh ấy từ chối anh ạ…Mà anh ấy lại bỏ chạy anh ạ…(Khóc)
    Quân:
    -Tôi nhắc lại một lần nữa, cô phải nói rằng, dù có ai hỏi thì cô phải nói rằng, không có ai gặp cô trong đêm nay hết, không biết ai tên là Trung hết, không biết, không nghe, không thấy gì hết, hiểu không?

    Nhi:
    -Vì sao lại thế hả anh?
    Quân:
    -Tôi đang cứu cô? Tôi mang ơn cứu mạng của cô trong chiến tranh…Bây giờ thì coi như tôi trả ơn cứu mạng của cô bằng cách cứu cô vụ này…
    Nhi:
    -Em có làm gì đâu? Em có cần anh cứu em đâu anh?
    Quân:
    -Nghe này…Cô ở xa quá, đơn độc quá, không đài, không báo, không thông tin, không sinh hoạt tổ xóm gì hết nên không biết…Nếu cô nói cô chứa chấp kẻ vượt biên, người ta sẽ bắt cô, sẽ bắt cô đi cải tạo, thậm chí sẽ bỏ tù…Hiểu rồi chứ? Chỉ có tôi biết…Và tôi trả ơn cô bằng việc tôi không biết cô đã chứa chấp hắn…Cô cũng không hề chứa chấp hắn? Hiểu chứ?
    Nhi:
    -Anh Trung có làm sao không anh?
    Quân:
    -(Xem đồng hồ) Tôi sẽ thông tin cho anh em bắt giữ con thuyền vượt biên ấy lại…
    Nhi:
    -Bắt anh Trung?
    Quân:
    -Đó là công việc của chính quyền…
    Nhi:
    -Không…Không được anh ạ…Sao lại bắt anh ấy…Không được anh ạ…
    Nhi quỳ xuống ôm ghì lấy hai chân của Quân. Không được anh ạ, không được bắt anh Trung…Em không muốn điều đó…Em mong cả hai anh đều bình an, không muốn ai phải khổ đau…Anh ấy vượt biên là để đoàn tụ gia đình…Anh hiểu không?

    Quân:
    -Nhi…Cô đứng lên…đứng lên…Tôi làm gì là việc của tôi, nhưng tôi nhắc cho cô nhớ rõ, từ giờ, bất cứ ai hỏi cô rằng có ai tên là Trung vào nhà cô không thì cô phải nói là không? Nhớ chưa? Quân hất tay Nhi và bước thẳng vào đêm. Nhi chời với…
    Đột ngột, có bàn tay ai đặt lên vai Nhi. Nhi giật mình quay lại, nhận ra Trung. Nhi hốt hoảng kéo Trung vào nhà, lo lắng.
    Nhi:
    -Ôi trời anh Trung, sao anh còn ở đây, anh đi đi, anh trốn đi, người ta đang vây bắt anh…
    Trung:
    -Anh nghe rõ chuyện rồi em ạ…Nghe rõ hết…
    Nhi:
    -Nghe rõ hết thì anh phải trốn đi chứ…trốn đi…
    Trung:
    -Nhi ơi…em nói lại với anh lần  nữa đi…Em cần có một đứa con?
    Nhi:
    -Không không không…Anh đi đi…Em nói đùa đấy…Em nói dối đấy…Em ở một mình thế này quen rồi…Có con làm gì cho khổ hả anh…Em có thích có con đâu…Em nói dối…Em nói dối…Em nói dối…
    Trung:
    -Nhi…Anh xin lỗi…Hồi nãy anh đã làm em bị tổn thương…Đã làm em buồn lắm phải không? Em có xin anh điều gì quá sức đâu…Một đứa con…Lần này anh đi, có thể mãi mãi chúng ta không gặp nhau…Mãi mãi…Ơn cứu mạng anh của em, anh chưa trả được…Thế mà anh đã nỡ phũ phàng từ chối nguyện vọng của em…
    Trung tiến lại, Nhi nhìn nhìn nhìn rồi hét lên
    Nhi:
    -Anh đứng lại…Nghe tôi nói đây…Nếu anh muốn bị bắt thì cứ ở lại đây..Anh muốn đi tù vì tội phản bội Tổ Quốc như chính quyền nói thì cứ ở lại đây…Người ta đang truy bắt anh…
    Trung:
    -Nhi…Thực sự là em không cần tôi…
    Nhi:
    -Không.
    Trung:
    -Em không cần tôi cho em một đứa con thật sao?
    Nhi:
    -Không. Anh đi đi…Tôi ghét anh…
    Trung:
    -Anh đi đi…Tôi kêu lên cho người ta tới bắt anh bây giờ…Đi đi…
    Trung:
    -Nhi…Anh đi…
    Trung nhìn rồi quay gót bước nhanh ra khỏi nhà.
    Nhi chạy ra cửa, quỵ chân xuống, khóc.
    Nhi từ từ chống cửa nhà lên. Nhi đứng giữa cửa, nhìn theo bóng Trung đang chạy.
    Ánh sáng tập trung vào Nhi.
    Nghe có tiếng hỏi.
    Tiếng hỏi:
    -Cô khai cho thật, cô đã che dấu bao nhiêu người vượt biên ở cửa biển này. Khai ra.
    Nhi:
    -Chỉ một người. Chỉ anh ấy. Nhưng không phải là che dấu, anh ấy đến chào để đi, chào đàng hoàng.
    Tiếng hỏi:
    -Trói cô ta lại, bắt giam, che dấu kẻ vượt biên là che dấu tội phạm. Cô nhận của hắn bao nhiều tiền?
    Nhi:
    -Một cái cầm tay cũng không. Một nụ hôn cũng không. Xin anh ấy để lại một đứa con cũng không.
    Tiếng hỏi:
    -Láo với chính quyền. Nghe cho rõ câu hỏi để trả lời, cô nhận của hắn bao nhiêu tiền?
    Nhi:
    -Tôi nói rồi…Một cái nắm tay cũng không. Một nụ hôn cũng không. Xin anh ấy để lại một đứa con cũng không.
    Tiếng hỏi:
    -Cô nhận của hắn bao nhiều tiền?
    Nhi:
    -Không
    Tiếng hỏi:
    -Cô nhận của hắn bao nhiêu tiền?
    Nhi:
    -Kh…ông
    Tiếng hỏi:
    -Cô nhận của hắn bao nhiêu tiền?
    Nhi:
    -(Hét lên).Không. Không. Không. ( Nhi hét và gục xuống)
    Lúc đó, ánh sáng lên lại. Nhi vẫn ngồi gục trên chiếc chõng tre giữa nhà, giữa khu vườn hoang vắng.
    Ánh sáng lại tập trung vào Nhi.
    Nhi:
    -Tôi  bị bắt giam. Xong án, tôi lại trở về đây, ngôi nhà, này, mảnh vườn hoang vắng này…
    Nhi quay lưng về khán giả.
    Tiếng Nhi cất lên một câu hát ru:
    À ơ...cái bóng ru buồn
    Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau
    À ơ...cánh vạc về đâu
    Khói sương chưa dễ phai màu thời gian
    À ơ...sợi nắng ở tim
    Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?!
    À ơ..."con trống gà vàng"
    Cớ sao lại gáy vội vàng làm chi
    Lời ru đọng giữa đêm khuya
    Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm...

    Hết câu hát ru, bà Nhi quay lại, đã là một người đàn bà 60 tuổi, tóc bạc, da nhăn, mắt mờ, giọng đục
    Một mình, thui thủi sống, sống như thây ma, vật vờ, hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Mái tóc tôi bạc dần. Chân tôi yếu dần. Mảnh vườn tôi cỏ mọc. Những ngôi mộ trong vườn cỏ mọc. Nhưng hố bom trong vườn cỏ mọc. Tôi như con thú già giữa khu vườn cỏ rác chất cao. Con thú già cô đơn sống thui thủi như thế thêm gần 30 năm nữa….Tôi không hiểu được vì sao tôi có thể sống như thế, một mình, giữa những ngôi mộ. Người ta nói những ngôi mộ che chở, cưu mang tôi. Người ta nói, khu vườn tôi đầy âm binh. Người ta nói tôi đã già. Ừ thì tôi đã già, nhưng các ngôi mộ của tôi thì vẫn thế. Mộ con gái tôi vẫn là mộ của đứa trẻ 3 tháng tuổi. Nhưng tôi đã già thật rồi…
    Bà Nhi đứng lên, chống gối, vác bó củi đi khuất.
                       




                          PHẦN 3: NĂM 2012
    Vẫn ngôi nhà giữa mảnh vườn hoang vắng.
    Trung- lúc này ăn vận sang trọng, tóc muối hoa tiêu, đi đi lại lại trong ngôi nhà của Nhi, tay cầm cái tẩu thuốc, trông ra dáng rất ông chủ.Trung bước hẳn ra khỏi nhà, nhìn ngó khắp khu vườn rộng mênh mông.
    Nhi vác bó củi trên vai bước về và giật mình chạm trán Trung. Nhi đứng sững. Hai tay bà buông bó củi. Nhi dụi mắt không tin vào mắt mình.
    Nhi:
    -Ôi trời…có phải anh Trung?
    Trung:
    -Chị Nhi…Tôi đây…Trung đây
    Nhi:
    -30 năm xa nhau rồi phải không anh? 30 năm bặt tin…Tôi không dám nghĩ điều gì xấu cho anh nhưng vẫn lo…Nỗi lo kéo dài 30 năm…Bây giờ thì yên ổn rồi…Anh đã về nước…Bây giờ anh là Việt Kiều?
    Trung:
    -Một Việt Kiều yêu nước. Chính xác là như vậy.
    Nhi:
    -Ừ…Tôi vẫn nghe người ta nói thế, Việt Kiều yêu nước…Chúc mừng anh…( Cười chua chát) Hồi ấy, cách đây 30 năm khi anh vượt biên, anh Quân gọi anh là kẻ phản bội Tổ Quốc, bây giờ thì anh đã là Việt Kiều yêu nước…Chắc anh phải đóng góp gì lớn lắm cho quê hương nên mới được gọi là Việt Kiều yêu nước anh nhỉ? Còn tôi…Bấy nhiêu năm tôi vẫn là dân thôi anh ạ…Dân lành…
    Trung:
    -Chị  vẫn ở đây, không thay đổi, vẫn ngôi nhà xiêu vẹo, lợp tôn này, giữa khu vườn này, với những ngôi mộ,  hoang vắng quá, tôi rất áy náy chị Nhi ạ…


    Nhi:
    -Già rồi…Còn mong gì nữa đâu mà nhà với cửa hả anh…Tôi ở đây…Đêm ngày làm bạn với âm binh trong khu vườn, chẳng sao đâu anh ạ…Thấy anh như thế này, tôi vui lắm…Coi như đời tôi cứu mạng được hai người đàn ông, một người thành Việt Kiều yêu nước, một người thành lãnh đạo, với kẻ dân lành như tôi, thế cũng là vui lắm rồi anh ạ…
    Trung:
    -Chị vào thị xã sống với mọi người cho vui nhé…Tôi sẽ mua nhà cho chị…Coi như quà của tôi cho chị…Ơn cứu mạng của chị, trả gì cũng không xứng đâu chị Nhi ạ…
    Nhi:
    -Tôi chẳng muốn đi đâu…Ở đây…Khu vườn này…Có mộ con gái tôi…Có mộ ba má tôi…Còn bao thân xác những người lính đã chết trong cuộc chiến…Nhiều lắm…Nhìn vậy thôi, dưới lớp đất kia còn là thân xác của bao con người anh ạ..Tôi già rồi…Tuổi này thích sống cô đơn…sống với người đã khuất hơn là chốn đô thành…quen rồi anh ạ…Quanh tôi toàn âm binh, vui mà…
    Trung:
    -Chị chưa già …Cuộc đời vẫn còn dài lắm…Chị vào sống trong thị xã, đông đúc, đầy đủ, tôi sẽ lo cho cuộc sống của chị thật sự đầy đủ…
    Nhi:
    -Tôi nghe nói, đang có con đường lớn từ thị xã chạy qua đây xuống biển. Bỗng dưng nhà tôi lại ở sát con đường như thế thì vui quá rồi, đi đâu nữa…Không đâu bằng nhà mình mà…đúng không anh? Anh về chơi nhà tôi lâu không? Ăn với tôi bữa cơm rau nhé…
    Trung:
    -Tôi ở đây…Làm ăn tại đây…Tôi mang về mấy chục triệu đôla để biến khu vực này thành một khu du lịch và khách sạn cao cấp…
    Nhi:
    -Anh giàu nhỉ. Cứ giàu thì được chính quyền gọi là Việt Kiều yêu nước hả anh?

    Trung:
    -Tôi được gọi là nhà đầu tư nước ngoài…Vùng quê này đang khát thèm các nhà đầu tư nước ngoài…Tôi sẽ làm giàu cho cả vùng quê này, chị Nhi hiểu chứ…Tôi là khách quý của địa phương…
    Nhi:
    -Anh về đây, chắc anh Quân đón tiếp anh tưng bừng lắm nhỉ?
    Trung:
    -Rất tưng bừng chị ạ…
    Nhi:
    -Không ai gọi anh là thằng phản động nữa à?
    Trung:
    -Tôi tới đâu cũng được chính quyền nể trọng, trân trọng gọi ông, thưa bẩm, thậm chí khúm núm…
    Nhi:
    -Sao lại phải thưa bẩm, khúm núm anh?
    Trung:
    -Tôi mang về nhiều tiền…
    Nhi:
    -Anh không thấy tôi đang khúm núm anh đấy chứ?
    Trung:
    -Không…Không…Chị là người tôi phải mang ơn cứu mạng…Vì thế, tôi muốn chị rời khỏi khu vườn này, về thị xã sống…Tôi sẽ đưa cho chị tiền để nếu thích, chị có thể làm từ thiện, hoặc nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi…Chị muốn làm gì chị muốn…
    Nhi:
    -Tôi chẳng đi đâu khỏ khu vườn này…Cám ơn anh…Có anh về đây xây dựng khu du lịch, lúc rảnh, anh tới nhà chơi, thế là vui rồi…Anh ngồi đợi tôi chút nhé, tôi muốn ra vườn nhổ mấy bụi khoai mì nấu cho anh ăn..Anh giàu có, là ông chủ, chắc là không thiếu cao lương mĩ vị, nhưng khoai mì nhà tôi ngon lắm…
    Bà nhi đi ra vườn.
    Quân vào.
    Quân:
    -Tôi đợi anh lâu quá…Sao rồi?
    Trung:
    -Thôi anh ạ…
    Quân:
    -Thôi là thôi thế nào…Anh bàn bạc với chị Nhi thế nào rồi?
    Trung:
    -Chưa bàn gì cả anh ạ…
    Quân:
    -Ơ kìa. Sao lại chưa bàn…Cả khu du lịch của anh địa phương đã cấp đất. Duy còn mảnh vườn rộng lớn của chị Nhi là chưa đụng đến…Anh hứa với chị ấy đền bù bao nhiêu để địa phương chúng tôi làm thủ tục thu hồi…
    Trung:
    -Tôi sẽ cho tính toán lại…Có thể không cần đến khu vườn này…Không cần anh Quân ạ…Khi có con đường lớn chạy qua, toàn bộ khu vườn này sẽ ở bên mặt đường lớn…Bà Nhi sẽ được hưởng lợi anh ạ…Cuộc đời chị ấy khổ sở thế, thiệt thòi thế, bây giờ cũng cần phải hưởng lợi anh ạ…Tôi và anh chưa làm được gì trả ơn chị ấy…Bây giờ biết chị ấy không muốn rời mảnh vườn của chị ấy, tôi cũng thấy áy náy, không ép chị ấy anh ạ…Khu đất này có vẻ tâm linh…
    Quân:
    -Anh Trung. Chúng tôi đã thực hiện đúng chủ trương, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư…Anh là nhà đầu tư lớn…Anh cứ thực hiện dự án như kế hoạch, không phải áy náy, không cần phải động lòng trắc ẩn gì cả…


    Trung:
    -Vâng. Thảm đỏ. Đúng thế, cám ơn ông Chủ tịch. Thực sự đây là một khu đất vàng. Ngay khi phóng xong con đường về thị xã, đây chắc chắn đã là khu đất vàng.
    Quân:
    -Chỉ vừa mới nghe phong thanh rằng có một nhà đầu tư Việt Kiều từ Mỹ về lấy khu đất này xây khu du lịch cao cấp, lại sắp có con đường lớn chạy từ thị xã về đây, ra bãi tắm, giá đất đột ngột tăng vọt hàng trăm lần. Trước đây mấy tháng, khu đất này cho không cũng không ma nào lấy.
    Trung:
    -Bây giờ thì chị Nhi ấy giàu hơn cả tôi và ông chủ tịch
    Bà Nhi vào, nhìn hai người.
    Bà Nhi:
    -Hôm qua có người tới trả khu vườn của tôi một núi tiền. Chào ông chủ tịch. Trung:
    -Ý anh Quân là thị xã muốn thu hồi khu đất vườn của chị, đền bù xứng đáng để đưa khu đất này vào dự án du lịch cao cấp…Nếu chị cần chuyển vào nhà ở trong thị xã, như tôi đã nói, chúng ta sẽ cùng bàn, tôi sẽ lo chu đáo chị Nhi ạ.
    Quân:
    -Chúng ta không xa lạ nhau chị Nhi ạ…Chị nên rời khu vườn này…Chúng tôi sẽ đền bù thỏa đáng…Khu du lịch không thể không lấy khu vườn rộng lớn của chị…Chị hãy vì sự phát triển của quê hương…
    Bà Nhi:
    -Tôi không đi đâu cả. Đây là vườn nhà tôi mà…Tôi ở đây cả đời mình với những ngôi mộ, với âm binh của tôi…Tôi vẫn sống được…Sao lại đền bù…Đền bù cái gì ở đây…Tôi và những ngôi mộ cưu mang nhau được rồi, ổn các anh ạ, không cần gì nữa đâu…
    Trung:
    -Vâng…Đây là khu vườn của chị. Tất nhiên rồi, vì thế chính quyền mới thu hồi và đền bù…

    Quân:
    -Với số tiền nhận được, chị có thể thuê cả trăm người phục vụ, chăm sóc chị đến cuối đời cũng không hết…
    Bà Nhi:
    -Tôi có người chăm sóc rồi, không cần các ông lo
    Quân:
    -Ai?
    Bà Nhi:
    -Âm binh
    Quân, Trung:
    -Ai? Ai cơ?
    Bà Nhi:
    -Âm binh…
    Quân và Trung nhìn nhau cười phá lên nhưng tiếng cười tắc lặng khi vẫn nghe bà Nhi khảng khái.
    Bà Nhi:
    -Âm binh. Các ông từng đánh nhau ở đây, suýt chết ở đây, các ông lạ gì…Trong khu vườn tôi, đào ở đâu cũng thấy xương người. Bao nhiêu người chết trận. Cả con gái tôi cũng chết. Cả chồng tôi cũng chết ở đây. Cả bố mẹ tôi cũng chết ở đây. Âm binh nhiều lắm. Không tin sao?
    Trung:
    -Coi như chị chỉ nói cho chúng tôi nghe nhé, nói lần này thôi và im lặng.
    Quân:
    -Coi như chị chỉ nói cho chúng tôi nghe nhé, nói lần này thôi và im lặng.
    Bà Nhi:
    -Đúng rồi. Âm binh thì không cần phải nói ra…

    Trung:
    -Đúng thế, không cần nói ra. Chị cứ thế đi, việc còn lại là của chúng tôi…
    Quân:
    -Ngày mai nhé, chúng tôi thanh toán hết tiền đền bù, và chị đi, chị có thể mua bất cứ biệt thự nào chị muốn ở trung tâm thị xã…Chúng tôi sẽ hỗ trợ…
    Bà Nhi:
    -Còn âm binh?
    Trung:
    -Âm binh không phải người trên dương thế, chắc không cần tiền đền bù. ( Cười)
    Quân:
    -Nếu âm binh cũng cần tiền đền bù chắc các nhà đầu tư sạt nghiệp ( Cười)
    Bà Nhi:
    -Các ông nói phải lắm…Âm binh không cần nhận tiền đền bù…Tôi cũng không cần nhận tiền đền bù…Vì thế âm binh không đi đâu cả…Tôi cũng không đi đâu cả…Tôi ở đây..Chăm sóc cho các âm binh, cho các phần hồn chết trận, cho phần hồn con gái tôi, cho phần hồn bố mẹ tổ tiên tôi, không đi đâu cả.
    Quân:
    -Ông Chủ tịch?
    Trung:
    -Tôi hiểu. Nếu vậy chỉ còn cách cuối cùng: cưỡng chế.
    Quân:
    -Khoan đã ông Chủ tịch…Tôi không thích nghe hai từ cưỡng chế.
    Bà Nhi:
    -Cưỡng chế cả âm binh ư?
    Quân:
    -Có lẽ phải thế.
    Bà Nhi:
    -Tôi cũng biết, nếu không đi, khu vườn tôi thế nào cũng bị chính quyền cưỡng chế để giao đất cho nhà đầu tư.
    Quân:
    -Biết thế sao chị vẫn không đi, vẫn không nhận tiền đền bù?
    Bà Nhi:
    -Là vì tôi chờ các ông nói ra điều đó. Tôi không tin các ông lại nói ra điều đó nhưng hóa ra tôi nhầm. Có thể tôi đã già. Tôi vẫn nghĩ các ông như ngày xưa ấy. Biết rõ vùng đất này. Biết rõ các ông đã nhờ ai mà sống sót. Biết rõ vì sao tôi lại sống thui thủi ở đây mà không đi. Biết rõ vì sao mấy chục năm qua, khu đất này không ai ngó ngàng. Cỏ mọc, đất hoang, không đường, không điện, không nhà cửa. Tôi chỉ sống một mình với những ngôi mộ, với xương cốt, với đất đai hoang lạnh. Đêm đêm, tôi nhìn thấy những âm binh đi lại, nói cười, kêu khóc, có khi là bóng một người lính trận, có khi là một cô gái trẻ, có khi là một đa bé. Âm binh khắp nơi, đi lại đông đúc như người dương thế trong mảnh vườn này, dưới gốc cây kia, trên mái nhà dột nát của tôi. Tôi sống yên ổn. Yên ổn trong hoang lạnh, trong sự bỏ rơi, trong cô độc. Có một người đàn ông tôi tha thiết xin một đứa con thì đi xa quá, xa quá, đi mãi không về. Tôi vẫn tưởng lại sống cùng âm binh. Quen thế rồi. Sống cùng âm binh cả đời người thì cũng phải quen thôi. Nhưng không ngờ hai người đàn ông kia đã trở lại. Trở lại và cướp đất, cướp đất của tôi cho Khu du lịch. Cướp đất của cả âm binh.
    Trung:
    -Khoan đã. Chị đừng dùng từ cướp, nặng nề quá, chỉ là thu hồi và đền bù thôi chị Nhi
    Quân:
    -Đúng đúng, đền bù rất cao.Đền bù là nói theo luật, thực tế là chúng tôi mua lại đất của chị, mua, nói thế nghe nhẹ nhàng hơn.
    Bà Nhi:
    -Như mua dâm? Mua dâm mà con điếm nó không cho còn chịu. Nhưng ở đây, tôi không chịu thì các ông sẽ cưỡng chế, sẽ tống cổ tôi đi, đuổi cả âm binh? Không sợ âm binh?

    Trung:
    -Không có âm binh gì ở đây. Chính quyền thu hồi đất của chị, chị phải đi, không đi thì cưỡng chế. Như vậy là thượng tôn pháp luật.
    Bà Nhi:
    -Nếu các ông không sợ âm binh thì có sợ bom nổ chậm không? Nhiều lắm. các ông biết mà. Khu vực này dày đặc bom nổ chậm.
    Trung:
    -Chị lại dọa trẻ con…Bom nổ chậm nếu có thì tháo gỡ. Dễ…
    Bà Nhi:
    -Hãy để yên khu vườn này lại…Tôi xin hai ông…Các ông có thể xê dịch khu du lịch khách sạn 5 sao ấy xa ra, dưới kia kìa…Hãy để yên cho tôi sống…để yên cho các âm binh của tôi…hãy nhớ lại chút đi…Tôi là ân nhân đã cứu mạng hai ông…Tôi có gì trong tay đâu…Tôi có cần gì đâu…Tôi cần đất…Tôi muốn giữ đất…Nếu các ông cưỡng chế là các ông giết đất…Tôi không muốn phải để tang đất…Để tang đất là có tội…
    Bà Nhi vừa nói vừa thắp lên một bó hương và đi vào khu vườn của mình, đi khuất.
    Ánh sáng gói lại vào hai điểm sáng, một cho Trung, một cho Quân. Họ như vừa tự sự như vừa nói với bà Nhi, như vừa nói với nhau.
    Quân:
    -Tôi không còn bao lâu nữa sẽ nghỉ hưu, nghỉ công tác. Tôi mong muốn khi mình về, sẽ để lại cho địa phương một công trình lớn, mang dấu ấn lãnh đạo của tôi, tên tuổi tôi. Địa phương này nghèo quá, xa sân bay, xa thành phố, không một nhà đầu tư nào về hết. May có anh Trung đã vì tình vì nghĩa mà mang hàng chục triệu đô la về để biến khu đất này thành một Khu du lịch cao cấp, một khu Du lịch tầm cỡ khu vực. Nhưng chị Nhi ơi, nếu không lấy khu vườn rộng lớn của chị cho dự án thì dự án khó hoàn thành theo thiết kế. Tôi biết chị không cần gì ngoài khu vườn này, với những ngôi mộ của chị. Nhưng nếu ai cũng giữ đất, giữ lấy kỷ niệm, giữ lấy mồ mả tổ tiên mà không giao đất thì làm sao phát triển, làm sao thay đổi bộ mặt địa phương. Chị hiểu không?
    Trung:
    -Tôi đã trở lại đây, cái nơi đã cứu mang, cứu sống tôi. Tôi đã tìm về đúng cái nơi mà chị Nhi là ân nhân để đầu tư xây dựng dự án. Nhưng bây giờ thì tôi mới hiểu, chị Nhi không cần gì hết ngoài khu vườn này, chị ấy muốn ở đây, với những ngôi mộ, với âm binh của chị, không cần gì hết. Chị cứ sống ở đây, yên ổn đi chị nhé, tôi sẽ không dám đụng vào khu vườn của chị, không dám nữa, và khu du lịch cao cấp này sẽ nhanh chóng được xây dựng…
    Bà Nhi:
    Đèn lên.
    Bà Nhi bưng một mâm cúng toàn hương khói nói như nói với trời với đất, với âm binh:
    -Nào…Mời mọi người, lại đây, lại hết cả đây, ăn với nhau bữa cơm cuối cùng rồi cùng lên đường…Nào…Nào…Mời mọi người…
    Bà Nhi đến từng ngôi mộ, lấy ra từng cái tiểu sành, chất lên quang gánh.
     Bà Nhi gánh trên vai nặng trĩu những cái tiểu sành.
    -Tôi và những ngôi mộ của tôi sẽ ra đi, lên xa kia, trên kia, dành khu vườn này cho dự án. Tôi đã thắp hương, xin đất đai, xin những phần mộ hãy chiều ý của tôi, đi cùng tôi, chúng tôi luôn bên nhau như thế, không thay đổi. Chỉ xin các anh khi thi công khu vực này, hãy nhẹ tay, dưới lớp đất này, vẫn còn nhiều lắm những xương cốt của người đã chết. Đừng ai làm họ đau đớn. Đừng ai làm họ tổn thương. Hãy nhẹ tay, đừng ai làm cho xương cốt còn sót lại trên mảnh đất này phải lần nữa phải rơi nước mắt. Các anh hứa chứ? Lại đây. Lại bên tôi. Các anh nhớ cái ngày các anh chia tay tôi để về đơn vị đấy chứ. Lại đây.
    Quân và Trung bước lại. Bà Nhi chìa tay ra. Quân và Trung đặt tay lên tay bà Nhi.
    Hãy hứa các anh nhé, hứa với đất, hứa với âm binh, hứa với bao thân xác còn nằm đâu đó dưới lớp đất này, rằng các anh làm gì cũng không làm họ tổn thương, không làm họ đau, hứa đi các anh. Và các âm binh của tôi, hãy lắng nghe lời họ, họ đang hứa đấy. Hãy lắng nghe lời hứa của họ…
                 Xuống đèn. Hết kịch