Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tagged Under:

DƯỚI CÁT LÀ NƯỚC Kịch bản sân khấu

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 03:27
  • Chia sẻ bài này >


  • Nhân vật:
    NẬY:18 tuổi và 50 tuổi.
    GIÓ: Con gái bà Nậy, 30 tuổi.
    LỦI: 20 tuổi và 52 tuổi.
    HOA LÔNG CHÔNG TRÊN CÁT

              
    Câu chuyện này xảy ra ở một làng cát trắng của miền quê Quảng Bình, cát trắng ngơ trắng ngất, trắng như nước mắt.
    Câu chuyện này kéo dài từ trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam cho đến sau ngày hòa bình thống nhất đất nước.
    Câu chuyện này được kể lại từ một câu chuyện có thật mà phần hư  cấu văn học chỉ đạt tới 99,9%.
    Câu chuyện này vì thế chỉ đơn giản là một câu chuyện.









    1
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Nậy vác trên vai bó củi  phi lao bước lúc nhanh lúc chậm trên cát, phía trước chùm hoa lông chông lúc bị gió cuốn đi, lúc dừng, và có vẻ như  Nậy đang cố gắng đuổi theo bông hoa lông chông này, tiếng cô cười khanh khách
    Lủi nhô đầu lên một triền cát, hét oang oang.
    LỦI
    -Nậy….Nậy ơi….Tránh  ra…tránh ra….Ngồi xuống…
    NẬY
    -Anh Lủi phải không? Anh làm cái gì thế…Đừng bắn…đừng bắn….đừng bắn…
    Hai tiếng nổ liền nhau, sau đó thêm một tiếng nổ đanh.Nậy ngả sụp xuống. Lủi xách con thỏ đã bị bắn chết, cười phơi phơi, chạy lại với Nậy.
    LỦI
    -Cho Nậy này…Con thỏ này béo lắm…
    NẬY
    -Đạn bay qua mang tai em đấy, anh làm em  sợ…
    LỦI
    -Anh  đuổi theo  nó cả hai đồi cát đấy…Thoát sao được mà thoát…Anh bắn giỏi không?

    NẬY
    -Nhất anh vùng này, chả ai nghiện săn thỏ như anh nhỉ
    LỦI
    -Nậy…Tối qua mình tập tới câu hát nào rồi nhỉ?
    NẬY (hát)
    Cho em hỏi anh:
    Chữ chi là chữ chôn xuống đất.
    Chữ chi là chữ cất lên cao?
    Chữ chi nặng không ai na nổi?
    Chữ chi mà gió thổi không bay?
    Trai nam nhi, anh đà đối đặng, miếng trầu cay cho chàng.
    LỦI ( gật gật đầu hát tiếp)
    Này hỡi em ơi, Chữ tử là chữ chôn xuống đất,
    Hai chữ nhân nghĩa anh cất lên cao,
    Hai chữ nhờ thương không ai  na nổi,
    Chữ tình chữ hiếu gió thời không bay.
    Trai nam nhi, anh đà đối đặng, miếng trầu cay đâu nào?

    NẬY
    Em đố anh , ở trên trần một trăm cái hố, cái hố chi là hố không nước
    Một trăm cái thước, cái thước chi là thước không cây
    Một trăm cái cây, có cây chi là cây mà không trái
    Một trăm con gái, có gái chi là gái không chồng
    Trai nam nhi anh mà giải đặng, gái má hồng em xin dâng.
    LỦI
    - Em hởi  em ơi, một trăm cái hố, cái hố khoan là hố không nước
    Một trăm cái thước, cái thước thợ mã là thước không cây
    Một trăm cái cây, có cây đờn là cây không trái
    Một trăm con gái, gái tố nữ là gái không chồng
    Trai nam nhi anh đây giải được,hỏi má hồng em ở đâu?
    NẬY
    -Hay quá đi…Sao anh có nhiều bài hát dân ca hay vậy anh Lủi?
    LỦI
    -Còn nữa, nhiều lắm..
    NẬY
    -Sao anh săn thỏ cũng giỏi, rồi hát cũng hay vậy anh Lủi
    LỦI
    -Không phải là anh thích săn thỏ lắm đâu…Cũng không phải anh thích hát đến vậy đâu….
    NẬY
    -Là sao?
    LỦI
    -Vì muốn gặp em
    NẬY
    -Thật không
    LỦI
    -Thật
    NẬY
    -Gặp em để làm gì?
    LỦI
    -Anh nói với mẹ anh rồi, anh muốn lấy em  làm vợ…
    NẬY
    -Mẹ anh bảo  sao?
    LỦI
    -Mẹ  anh mong anh cưới vợ, lang thang mãi, suốt ngày đi săn thỏ lú người…Em thì đẹp như thế…Đẹp nhất làng cát…Lấy được em làm vợ là nhất chứ gì nữa…Anh 20 tuổi…Em 18 tuổi…Nhất…Sao em cười…
    NẬY
    -Sao hôm qua, hôm kia, tuần trước…anh không nói ra…
    LỦI
    -Nói gì?
    NẬY
    -Nói anh muốn lấy em
    LỦI
    -Thì hôm nay nói, bây giờ nói
    NẬY
    -Nhưng tối qua em nhận lời làm vợ  anh ấy rồi
    LỦI
    -Cái gì? Em nhận lời làm vợ thằng đó thật à? Cái thằng giữ kho đạn của bộ đội pháo?
    NẬY
    -Dạ…
    LỦI
    -Vì sao? Vì sao nhận lời làm vợ hắn?
    NẬY
    -Vì anh ấy là bộ đội anh ạ…Vì anh ấy tỏ tình muốn lấy em làm vợ anh ạ
    LỦI
    -Thế còn anh?
    NẬY
    -Vì anh nói sau anh ạ
    LỦI
    -Nhưng anh quen em trước…Anh nói  sau nhưng anh quen em trước, em phải làm vợ anh…
    NẬY
    -Tối qua đã đính hôn rồi anh ạ…Mấy ngày nữa cưới rồi anh ạ…
    LỦI
    -Tại sao em lại yêu hắn?
    NẬY
    -Vì anh ấy là  bộ đội anh ạ…
    LỦI
    -Tại sao em lại yêu hắn?
    NẬY
    -Vì anh ấy là bộ đội anh ạ…
    LỦI
    -Không…Không đời nào…Không đời nào…(Đưa súng lên bắn mấy phát) Không đời nào…Không đời nào….
    Lủi nằm ngửa trên cát hét oang oang, oang oang….


    2.
    Sau một mô cát, dưới những gốc cây xương rồng, Lủi đang lao tới đấm đá, hò hét, cát tung bụi  mù mịt….
    LỦI
    -Tránh ra, mày hiểu chứ, cô  ấy là của tao, Nậy là của tạo, cô ấy là con thỏ trắng đẹp đẽ nhất, xinh xắn nhất, đáng yêu nhất của làng cát này, cô ấy là của tao, mà không có quyền gì hết…cút…cút…cút…Mày nghe rõ chưa, cút …Việc của mày là giữ kho đạn…Việc của mày là ở đó, giữ kho đạn, còn cô ấy là của tao…Hiểu chưa? Từ giờ phút này, tao không muốn nhìn thấy  mặt mày, hiểu chưa…..
    NẬY
    -Anh Lủi, anh làm gì thế?
    LỦI
    -Anh đấm vỡ mặt nó ra, nó không được phép cưới em làm vợ…em là của anh…anh đấm vỡ mặt nó ra…
    NẬY
    -Nó đâu? Anh đang giữ kho đạn bên kia kìa…
    LỦI
    -Biết rồi

    NẬY
    -Sao  anh lại đấm đá, hét hò ở đây
    LỦI
    -Ơ cái cô này lạ nhỉ…Thì sao nào?Thì tôi đang luyện tập trước khi đánh vỡ mặt thằng ấy, thì sao nào…
    NẬY
    -Anh Lủi…Anh nhìn này…Thấy cái gì đây không?
    LỦI
    -Hừ..Thiếp cưới hả…Mời tôi hả…Đưa đây…Thiếp cưới à…Đôi bồ câu đang cắn mỏ nhau kia đấy…Thiếp cưới này…(Cho vào  miệng nhai ngấu nghiến, lại đưa cái chai lên tợp một ngụm rượu) Thiếp cưới cơ đấy…Thiếp  cưới cơ đấy…Thiếp cưới cơ  đấy….(Gục xuống khóc bù lu bù loa)
    NẬY
    -Anh Lủi
    LỦI
    -Đưa súng lên bắn mấy phát…Tránh ra cho tôi đi săn thỏ…Tránh ra….Tránh ra….
    Kéo lê súng trên cát, đi khuất, vừa đi vừa khóc….




    3.
    Căn hầm  nửa nổi nửa chìm trên cát. Xa kia là kho đạn. Nậy đang ru con trên võng. Lủi mò tới.
    LỦI
    -Nậy à, Lủi đây…
    NẬY
    -Kìa, anh Lủi, anh đừng nói to, con em vừa ngủ…Tối qua, máy bay ném bom vùng này cả đêm, anh biết rồi đấy, trẻ  con không đứa nào  ngủ được
    LỦI
    -Tôi  đi săn thỏ cho Nậy nhé
    NẬY
    -Anh về đi…Em đã có chồng, có con, ngày nào anh cũng đi vào đi ra chỗ em ở, không tiện đâu anh ạ…
    LỦI
    -Kệ tôi…Tôi nhớ Nậy thì tối đến nhìn chút tôi đi, có sao, tội lỗi gì nào? Chồng em đâu
    NẬY
    -Anh ấy đang ở kho đạn kia kìa, anh đi chỗ khác đi, đừng làm  anh ấy hiểu sai anh ạ…Anh Lủi, anh ngắm súng gì đấy
    LỦI
    -Im nào…Có con thỏ đang ở cửa hầm kho đạn….Nậy nhìn kìa, con thỏ béo quá…

    NẬY
    -Ấy không phải…Đó là con thỏ chồng em mới bẫy đấy, đang buộc ở cửa hầm đấy, không phải thỏ hoang đâu…
    LỦI
    -Cô im đi….Thỏ hoang đấy….Tôi sẽ biếu cô con này…
    NẬY
    -Anh Lủi..Nhưng đó là kho đạn, không được bắn…
    Nậy vừa lao lên định giữ súng thì Lủi bóp cò
    Lủi bóp cò. Ngay sau đó là những tiếng nổ, những tiếng nổ khủng khiếp…
    NẬY
    -Trời ơi, kho đạn nổ rồi….Ai cứu chồng tôi…Ai cứu chồng tôi…Ai cứu chồng tôi….
    Lủi bỏ chạy.
    Nậy choáng váng trong tiếng đạn nổ, trong khói  bụi….và gục xuống.





    4.
    30 năm sau.
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Bà Nậy vác trên vai bó củi  phi lao bước lúc nhanh lúc chậm trên cát, phía trước chùm hoa lông chông lúc bị gió cuốn đi, lúc dừng, và có vẻ như  bà Nậy đang cố gắng đuổi theo bông hoa lông chông này, tiếng bà làu bàu
    Bà Nậy:
    -Ái chà, chạy nhanh thế, đây là đường dốc đấy, chứ có phải đường bằng đâu mà chạy nhanh thế? Thế chẳng lẽ không đợi người ta được à? Nóng ơi là nóng, hoa cả mắt. Lại còn phải vác trên vai nặng thế này, đi nhanh làm sao được. Ái chà (bà Nậy khịu chân ngã quỵ xuống. Bông hoa lông chông dừng ngay trước mặt. Bà Nậy nâng bông hoa lông chông lên nhìn và tiếp tục nói) Hôm nay là ngày may mắn đấy. Người ta nói, ở vùng cát này, ngay cả mảnh bom, mảnh máy bay rơi, vỏ đạn cũng bị lấy hết cả rồi (cười). Người ta nói, chỉ có em mới điên sống ở đây và đi nhặt phế liệu chiến tranh, nhìn kia kìa, toàn cát thôi, trắng ngơ trắng ngất, có thấy gì nữa đâu mà tìm phế liệu. Nhưng có đấy, người ta sống ở đây từ cái thời chồng người ta còn là thủ kho đạn pháo ở đây, người ta biết, khu vực này còn nhiều phế liệu lắm, đúng không? Thế nên bao năm qua hai mẹ con người ta mới có tiền để mua gạo, để sống chứ, đúng không? Ái chà, ba mươi năm rồi nhỉ, nhanh thật đấy, nhưng người ta không bao giờ đi khỏi vùng đất này, dù khổ mấy cũng không đi vì phải tìm hắn, phải tìm hắn, hiểu không, phải tìm cái thằng khốn nạn ấy, vì nó, vì hắn mà người ta trắng tay, tan cửa nát nhà, chỉ còn cát thôi, chỉ còn cát trắng thôi, khổ lắm, cát trắng ngơ trắng ngất. (Vân vê chùm hoa lông chông trên tay, nhìn xa xôi, khuôn mặt bà Nậy buồn thăm thẳm và rắn lại trong nắng hè cát trắng. Bà đặt bông hoa lông chông xuống cát. Lấy cái bi đông ra uống nước. Lại mở bọc lá chuối lấy khoai ăn. Bà nằm ngửa trên cát, chân gác lên bó sắt phế liệu, đầu gối lên cái nón rách và ngân nga) Nghe người ta hát đây này, câu này là người ta được dạy từ ngày xưa đấy, từ hồi mới về làm vợ, đúng không? (Bà Nậy nghiêng mặt,  đưa tay kéo chùm hoa lông chông lại gần và trong thăm thẳm hồi ức, thăm thẳm nỗi nhớ, thăm thẳm cả nỗi buồn xót xa, bà cất tiếng hát) Chứ thiếp hỏi thăm chàng, trong trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?/ Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?/ Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt?/ Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu? (Bà Nậy nhay nhay chùm hoa lông chông) Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu? Bạc chi là bạc không tiêu? Bạc chi là bạc không tiêu? (Bà vật ngửa người ra, dang chân múa tay, hò hét giữa không gian đất trời cát trắng) Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu? Bạc chi là bạc không tiêu? Bạc chi là bạc không tiêu? A… A… A!
    (Đột ngột vang lên một tiếng súng chập đôi: pằng pằng. Bà Nậy bật người vùng đứng dậy. Lại một tiếng súng nổ chát chúa: pằng. Bà Nậy gồng người lại, quan sát khắp bốn phía của những triền đồi cát, rồi chạy tới ẩn mình sau một gốc phi lao già, nhìn ngược ngó xuôi và lẩm bẩm).
    Hắn rồi. Đúng hắn rồi. Tiếng súng này là của hắn thật rồi. Thằng khốn nạn. Ba mươi năm nay tao tìm mày, nhá. Tao không quên được tiếng súng này đâu, nhá. Mày chứ ai nữa. Hóa ra ba mươi năm rồi  mày vẫn không bỏ được cơn nghiện săn thỏ trên cát hả Lủi? Mày tên là Lủi, đúng không? Ba mươi năm nay mày biết tao đi kiếm mày để trả thù nên mày cứ lủi, cứ lủi, cứ lủi để tránh mặt tao, đúng không? Tránh mặt hai mẹ con tao, đúng không? (Cười chua chát) Nhưng mày lại không bỏ được cơn nghiện săn thỏ trên cát… Không bỏ được… Không bỏ được… Đúng là mày rồi… Đúng là hắn rồi… (Đột ngột quắc mắt nhìn rồi bà Nậy phóng tới  bổ chồm trên cát ôm lấy một con thỏ trắng đã bị trọng thương) Hắn đâu? Hắn đâu? Hắn…… đâ… đâ… đâu? (Bà Nậy ôm con thỏ bị trọng thương chạy ngược lên đỉnh cát. Cô Gió – con gái bà Nậy đột nhiên xuất hiện chạy đuổi theo mẹ)
    Cô Gió:
    -Mẹ… Mẹ sao thế?  (Gió chạy tới ghì lấy tay mẹ) Mẹ làm sao thế?
    Bà Nậy:
    -Hắn con ạ. Hắn đã xuất hiện con ạ. Kẻ thù của gia đình mình đã xuất hiện con ạ. Gã đàn ông đã làm tan cửa nát nhà chúng ta, đã làm cha con chết trong nhục nhã, đã làm cuộc đời của mẹ tan nát và đắng ngắt đã xuất hiện con ạ. Con nghe mẹ nói chứ, hắn đã xuất hiện. Mẹ phải đi tìm hắn.
    Cô Gió:
    -Mẹ! Mẹ bình tĩnh nghe con hỏi đã. Nếu mẹ tìm được ông ấy, mẹ sẽ làm gì?
    Bà Nậy:
    -(Gằng từng tiếng như có cát trong cổ họng) Mẹ sẽ làm gì ư? Mẹ sẽ bóp cổ hắn. Mẹ sẽ giết hắn. Mẹ sẽ lôi cổ hắn đến công an để cho người ta bỏ tù hắn, cho người ta tử hình hắn, hắn là kẻ giết người… Thằng khốn nạn.(Cầm tay Gió kéo con gái chà đi trên cát) Đi. Đi với mẹ. Hắn vẫn ở quanh đây. Đây này. Con thỏ đã bị hắn bắn chết đây này. Hắn vẫn ở quanh đây. Đi với mẹ. Nhanh.
    Cô Gió:
    -(Ôm ghì lấy mẹ, giằng mẹ ngồi thịch xuống cát, cô hét lên) Mẹ, mẹ không đi đâu cả. Không đi.  Mẹ hiểu không? Hãy để cho ông ấy yên.
    Bà Nậy:
    -(Quẫy cựa trong vòng tay con gái) Buông mẹ ra. Buông… ra. (Bà Nậy xô bật Gió ngả ngữa trên cát và lao đi.)
    Cô Gió:
    -(Chồm người theo, đưa tay giật lấy chân mẹ mình, bà Nậy ngã sấp xuống cát) Mẹ, dừng lại. Nghe con đi, dừng lại. Mẹ hiểu con muốn nói gì chứ.
    Bà Nậy:
    -(Co chân đạp vào con gái, vừa nói vừa khóc) Gió, buông mẹ ra. Hồi ấy con mới hai tháng tuổi, con chưa biết gì đâu, con không hiểu được nỗi căm thù của mẹ với hắn lớn đến mức độ nào đâu. Ba mươi năm nay mẹ tìm hắn không gặp. Ba mươi năm nay, mẹ lôi con đi lên rừng xuống biển, đi qua đi về vùng đất này cả trăm lần, cả  ngàn lần, để tìm hắn mà không thấy. Mẹ đã từng có những tháng ngày ăn ngon ngủ yên vì hy vọng hắn đã chết, không chết vì bom đạn thì chết bằng bệnh tật, chết vì quả báo, chết vì sự khốn nạn, chết vì sự hèn hạ, nhưng không ngờ hôm nay là tiếng súng của hắn, rõ ràng là tiếng súng của hắn, tiếng súng của hắn thì mẹ không quên được, cái thằng nghiện săn thỏ, cái cách bắn của hắn, cách bóp cò của hắn, cách nhả đạn của hắn vào những con thỏ trắng trên cát thì mẹ không quên được. Và bây giờ hắn đang ở đây. Đúng là hắn đang ở đây. Ba mươi năm tìm kiếm bây giờ mới biết hắn ở đây. Sao con lại có thể ngăn cản mẹ, tại sao?
    Cô Gió:
    -Con không biết tại sao hết. Nhưng con không cho mẹ đi tìm kiếm ông ta. Dứt khoát như vậy.
    Bà Nậy:
    -Buông mẹ ra.

    Cô Gió:
    -Không
    Bà Nậy:
    -Buông mẹ ra. Buông…mẹ… ra.
    Cô Gió:
    -Không! Không! Không!
    (Bà Nậy tát đánh bốp vào mặt Gió. Gió xô tới đè người lên bà Nậy. Hai mẹ con lăn mấy vòng trên cát).
    Cô Gió:
    -Mẹ nằm im cho con nhờ. Mẹ nằm im là mẹ cứu con, mẹ hiểu không?
    Bà Nậy:
    -(Kéo ghì mặt con gái áp sát vào mặt mình, gào lên) Gió? Con nói thế là con biết hắn? Con nói thế là con muốn cứu hắn? Đúng… vậy… không?
    Cô Gió:
    -Mẹ!
    (Òa lên khóc nức nở trên vai mẹ)



                                 


    5

    Vẫn là cảnh trên những triền cát trắng ngơ trắng ngất. Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Ông Lủi, người đàn ông săn thỏ bò lổm ngổm qua những bụi cây xương rồng, lấp ló qua những gốc phi lao sần sùi, người cúi thấp, tay cầm dây súng, kéo rê khẩu súng theo mình, toàn thân của ông Lủi gần như áp sát xuống cát, dáng như con chuột chũi, lủi lủi lủi… Có vẻ như từ nãy đến giờ, người đàn ông tên Lủi này đã theo dõi hết cuộc đối thoại giữa hai mẹ con bà Nậy và cô Gió.
    Ông Lủi bò sát tới một cây phi lao rồi leo tót lên ngồi ở chạc ba, khẩu súng vứt ở dưới gốc cây trên cát, ông Lủi đưa tay che nắng, quan sát, theo dõi, lẩm bẩm…
    Ông Lủi:
    -Nậy phải không? Nếu mà gọi cô Gió bằng con thì đúng là Nậy rồi chứ gì nữa. Ba mươi năm rồi nhỉ? Nậy năm mươi tuổi rồi. Còn mình thì năm hai. Ba mươi năm rồi. (Đập đầu xuống vỏ cây phi lao, như là cười, như là khóc, hai bàn tay của ông Lủi cào cấu ở vỏ cây) Ba mươi năm rồi tôi trốn em, trốn miết, tôi lủi đi trong ba mươi năm trời để em khỏi phải gặp mặt. Bởi  vì như em nói, nếu mà em gặp mặt tôi thì em sẽ xiết cổ, thì em sẽ băm nát mặt tôi ra, thì em sẽ nộp tôi cho công an và người ta sẽ tử hình tôi, người ta sẽ lôi tôi lên trên đỉnh cát này này, người ta tuyên án, rồi pằng pằng pằng (lại như khóc lại như cười), rồi sau khi người ta bắn tôi, em sẽ  co chân đạp tôi xuống hố cát, đúng không? Ba mươi năm nay em đi tìm tôi cũng là vì điều đó, đúng không? Ba mươi năm nay tôi trốn chui trốn nhủi, tôi thay hình đổi dạng, tôi thay tên đổi tuổi, tôi lủi xa ra khỏi vùng này để trốn em cũng vì sự căm thù của em. Tôi trốn em và khoác lên người một gương mặt gian dối, khoác lên người cái vỏ đạo đức man trá, lừa lọc, rồi lủi về một miền quê xa thẳm, gắn trên ngực những tấm huân chương, nhét vào mồm những bài phát biểu man trá về thành tích cá nhân, về sự cống hiến của cá nhân, về sự dũng cảm của cá  nhân, rồi bắt đầu lủi hết cổng nhà lãnh đạo này đến cổng nhà lãnh đạo khác, lủi xuống gầm bàn, lủi xuống ghế, lủi như con chạch, như con thạch sùng, như con tắc kè hoa để rồi ngày đó lãnh đạo cảm động mà kéo tôi lên, nhấc tôi lên, đặt hết vào ghế này đến ghế khác, để rồi tôi lại trở  thành lãnh đạo (lại như khóc lại như cười) Lãnh đạo cái mả mẹ gì tôi, nhân cách cái chó đẻ gì trong con người tôi, đạo đức cứt đái gì trong tôi, tôi chỉ là thằng đàn ông của các bà thôi, tôi chỉ có năng lực ủi trên các bà thôi, ủi và xin, ủi và xin, ủi và xin, rồi được các bà phu nhân của lãnh đạo nâng đỡ. Mười hai năm mát mặt, nhỉ. Mười hai năm bỗng dưng mình thành người lãnh đạo, nhỉ? Mười hai năm đi đâu cũng được chào đón, nhỉ? Mười hai năm đi đâu cũng được vỗ tay, nhỉ? Mười hai năm sặc sụa những lời dối trá, sặc sụa những lời ton hót, sặc sụa những lời xu nịnh để gắng mà bươn, để gắng mà trườn, để gắng mà leo, leo từ ghế này sang ghế khác, leo từ ghế thấp lên ghế cao, leo từ ghế gỗ lên ghế nhựa, leo từ ghế nhựa lên ghế đệm rồi một ngày đẹp trời, mả mẹ nó chứ, lại chọn đúng  ngày đẹp trời nhất, nhỉ? Hôm đấy trời trong veo, nhỉ? Hôm đấy gió mát rượi, nhỉ? Hôm đấy bờ cát dưới bóng dãy phi lao êm muốt và mềm mại như lông ngỗng, nhỉ? Đêm ấy, tôi nghiến răng làm một cú rúc cuối cùng, tôi nhắm mắt làm một cú ủi cuối cùng trên thân thể một người đàn bà mà da dẻ đã sần sùi và xám xịt như da cá sấu để đổi lại một sự nâng đỡ cuối cùng, chót vót hơn, chói lọi hơn, để giành lấy suất đi đào tạo lãnh đạo ở nước ngoài. Mẹ cha nó chứ, những họng súng của dân quân đã chỉa thẳng vào mặt, bắt quả tang vì tội ngoại tình và sau đó là sự dồn đuổi, đuổi tôi từ ghế đệm xuống ghế nhựa, từ ghế nhựa xuống ghế gỗ và bây giờ là đất, chạm đất, chạm cát, chạm cứt bò… Và bây giờ lại như ba mươi năm trước, một thằng dân quèn, và khẩu súng ăn cắp, đi săn thỏ, đi mua phế liệu, nhặt nhạnh từng đồng rách, sống như con nhông trên cát, lạc lối giữa muôn trùng triền cát, nhưng trời ơi, sao lại dạt về vùng này, sao lại săn thỏ vùng này? Nậy? Sao tôi lại gặp em ở đây? (lại như khóc lại như cười)
    (Nghe vang vọng lên ba tiếng súng pằng pằng pằng. Ông Lủi hoảng sợ co hết cả người lại lên chạc ba ngọn cây. Cứ mỗi lần có tiếng súng nổ, ông Lủi lại co lại, giật bắn, run rẩy. Rồi bất chợt như bị ma ám, khẩu súng dưới gốc cây phi lao động cựa, lung lay rồi dịch chuyển theo hướng bông hoa lông chông đang lăn. Ông Lủi há hốc mồm nhìn rồi buông tay tụt người xuống đất, vừa chạy đuổi theo khẩu súng, vừa chộp, chạy và chộp, chạy và chộp, chạy và chộp…)
    Ông Lủi:
    -(Bông hoa lông chông dẫn dụ khẩu súng chạy loằng ngoằng trên triền cát. Phía sau, ông Lủi tơi tả đuổi theo, vừa đuổi vừa chộp, trượt ngã, lăn lộn, bổ kềnh bổ càng, nhưng vẫn không thể nào chộp được khẩu súng cho tới khi ông leo lên một gốc cây phi lao rồi từ đó ngó nghiêng, nhăm nhe, rào đón hướng khẩu súng đang di chuyển và nhún chân lao bổ xuống, choàng tay ôm ghì lấy khẩu súng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mày bê bết cát trắng) Của tao… Của tao… Khẩu súng là của tao cơ mà… Ma ám à… Sao lại kéo nó đi… Của tao hiểu không? (Bông hoa lông chông nhảy tót lên thân thể ông Lủi, hết bông hoa lông chông này đến bông hoa lông chông khác như từ dưới đất chui lên, như từ trên trời rơi xuống, rất nhiều, rất nhiều những bông hoa lông chông như thế xúm lại, nối lại, kết lại thành một tấm lưới hoa lông chông xù xì, gai góc phủ kín lấy người ông Lủi. Ông Lủi quẫy cựa, xô đạp, vật vã, lăn lộn và hét lên) Cứu tôi với!...




    6
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Chênh vênh ở dưới chân triền cát trong vạt cây phi lao mọc còng queo thấp thoáng nơi ở của mẹ con bà Nậy.
    Nơi ở ấy không phải là một ngôi nhà. Nhưng đó lại là một ngôi nhà. Ngôi nhà này chính là con thuyền gỗ có mái che, đã cũ được đặt trên triền cát làm chỗ ở cho hai mẹ con. Có cái cầu thang từ thuyền bước xuống cát bằng những cây phi lao gác với nhau, buộc với nhau thành hình cái thang gỗ. Cạnh con thuyền – nhà ở, là một khoảng sân hẹp. Một phía là đống phế liệu gồm những mảnh bom, thùng phi rách, tấm tôn, quả đạn pháo đã tháo ngòi nổ, nửa thân quả bom đã nổ toác, cuộn dây thép gai, mấy cái mũ sắt của bộ đội pháo binh rỉ sét và thủng nham nhở, một vài nòng pháo cháy còng queo.
    Phía bên kia góc sân là một cái chum nước đặt cạnh một gốc phi lao, có cái gáo dừa được treo ở thân cây. Sau cái chum sành đựng nước là một tấm phên nứa uốn cong che chắn lại một góc như là chỗ nhà tắm, tuy nhiên phên nứa đã cũ, đã co rút, lộ ra nhiều lỗ nhỏ mà mắt thường có thể nhìn thấu qua bên kia được.
    Hàng rào bao quanh khoảng sân và ngôi nhà thuyền là những dãy cây xương rồng được trồng thẳng hàng, đang nở hoa đỏ chói như những viên đạn lửa.
    Cổng nhà là hai vỏ bom dựng hai bên mà chữ viết vẫn còn lưu lại không rõ nét, một vỏ bom có hai chữ “Quyết tâm”, một vỏ bom có hai chữ “Đánh thắng”.
    Ở mũi thuyền, trên một cây sào được giăng ngang phất phơ mấy bộ áo quần của nữ đang phơi.
    Trên mũi thuyền đằng đuôi, là một cái bàn thờ làm bằng nắp thùng đạn pháo có bức di ảnh của người đàn ông trong bộ quân phục lính pháo.
    Vài cái cuốc, xẻng, xà beng, quang gánh và một chiếc xe đạp đã cũ mòn “không phanh, không chuông, không gác-đờ-bu”.
    Mái vòm che trên thuyền cũng được làm bằng phên nứa uốn cong lại và cũng đã cũ nát.
    Cạnh một phía hàng rào hoa  xương rồng có mấy bụi mía cao quá đầu người.
    Treo ở bên cạnh thành con thuyền là rất nhiều những con diều giấy to nhỏ.
    Bà Nậy ngồi ở trên sân cát, hai chân tự vùi trong cát, hai tay chống ngửa ra sau, nước mắt cứ thế chảy dài xuống má.
    Cô Gió ngồi ở đầu mũi thuyền, hai chân thả lỏng, tay vân vê một con diều giấy.
    Không gian trống vắng, yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rít qua hàng phi lao, chen vào đấy là tiếng nấc và tiếng sụt sịt khóc của bà Nậy. Xa hơn chút nữa là tiếng sóng biển.
    Bông hoa lông chông trên cát lăn qua lăn lại trước mặt bà Nậy rồi lại dừng rồi lại lăn xoáy từng vòng trước mặt bà.
    Cô Gió:
    -(Lẩm nhẩm hát) Thương anh thì có thương anh.
                              Có bát cơm nguội trót chan canh mất rồi.
                              Nuốt đi thì nóng anh ơi.
                             Nhả ra thì sợ tội trời ai mang
                             Tội trời đã có người mang.
                             Tội đâu đến thiếp đến chàng mà lo.
    Bà Nậy:
    -Con im đi. Cát đang xát vào óc não mẹ đây này. Hiểu không?
    Cô Gió:
    -Con hiểu ạ. (Hát tiếp)Anh đến tìm hoa, hoa đến thì, hoa phải nở.
                                     Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông.
                                     Chứ đến duyên em thì em phải lấy chồng.
                                      Mà em yêu anh rứa hỏi có mặn nồng thì tùy anh.
    Bà Nậy:
    -(Chồm người vùng dậy, lao tới phía con thuyền, bấu tay vào đôi chân trần của con gái, quát lên) Không đúng! Không phải như thế. Đừng hòng. Mẹ yêu bố con. Yêu lắm! Con không hiểu được đâu. Yêu đến cháy ruột cháy gan. Chỉ cần xa bố con một ngày là mẹ có thể ngồi ngẫn ngơ ra như câm như điếc. Ngồi ăn cơm mà nhớ bố con, mà lùa cả cát vào miệng. Ngoài bố ra, mẹ không có ai hết.  Không có một người đàn ông nào hết cho đến tận bây giờ… Cho đến tận bây giờ… (Quay ra, đi lững thững đến giữa sân lại ngồi thụp xuống, lại vùi chân vào cát, hai tay nâng bông hoa lông chông lên cao và lại lẩm bẩm) Cho đến tận bây giờ… Cho đến tận bây giờ… Cho đến tận bây giờ…
    (Cô Gió vội vã trèo xuống theo từng bậc thang chạy tới quỳ bên mẹ)
    Cô Gió:
    -Thế thì tại sao mẹ lại căm thù người đàn ông săn thỏ đến như vậy?
    Bà Nậy:
    -Có một người còn căm thù gã đó hơn cả mẹ, đó là bố con.

    Cô Gió:
    -Nhưng mà tại sao? Người đàn ông săn thỏ thì liên quan gì đến mẹ? Đến bố? Liên quan gì đến vùng đất này? Con tưởng ông ấy chỉ liên quan đến những con thỏ trên cát thôi chứ. 
    Bà Nậy:
    -(Kéo cô Gió vào lòng. Nhặt bông hoa lông chông đặt lên đỉnh tóc của con gái, bàn tay vừa vân vê bông hoa lông chông, bà vừa kể) Lúc đó con hai tháng tuổi. Mẹ vừa sinh con ra trong yếu ớt. Ở đây, tại triền cát này, chính xác là ở đây, là kho đạn pháo mà bố con có nhiệm vụ phải bảo vệ và canh giữ. Ở đây, chính xác là ở đây, nơi bố quen mẹ, yêu mẹ, nơi bố hôn nụ hôn đầu tiên với mẹ, nơi bố và mẹ làm đám cưới… Ở đây, chính xác là ở đây, vào một đêm trăng, bố con đang đứng gác kho đạn pháo này, còn gã đàn ông kia thì như mọi ngày, như con nghiện, lại đi săn thỏ. Anh ta đã bắn thỏ, con thỏ bị thương giẫy giụa trước kho đạn. Anh ta lao tới bắn tiếp, viên đạn cuối cùng của anh ta trượt qua lưng con thỏ xuyên vào kho đạn. Lúc ấy, mẹ vừa sinh con ra được hai tháng, đêm đó, con lên cơn sốt rất nặng, mẹ hoảng hốt chạy ra kho đạn tìm bố và mẹ nhìn thấy gã đàn ông này đang rê khẩu súng về phía kho đạn để nhằm vào con thỏ. Con biết không, bố đã bẫy được con thỏ buộc ở cạnh kho đạn để gửi về cho mẹ có chút thịt tươi bồi dưỡng có sữa cho con bú. Và gã đàn ông ấy đã soi đèn nhìn thấy con thỏ. Mẹ đã hét lên, không được bắn, con thỏ của tôi đấy. Nhưng gã chỉ cười khẩy rồi bóp cò. Và sau cái bóp cò súng của gã, kho đạn nổ tung. Trời ơi! Cả một góc trời cháy đỏ, tiếng đạn pháo nổ đinh tai nhức óc, lửa và khói bùng lên cháy khét và trong ánh lửa khủng khiếp ấy, mẹ nhìn thấy thân xác của bố con bị hất tung lên cao rồi rơi xuống ngay trước mặt của mẹ, toàn thân bố con bị xé ra bầm dập, mềm nhũn. Gã đàn ông bỏ chạy mất hút trong đêm.
    (Bà Nậy vùng dậy đi như cày chân trong cát, bước rất nhanh, bàn chân cày cát tung tóe cả lên, bà bước một vòng hai vòng ba vòng… Bốn vòng năm vòng sáu vòng… Bảy vòng tám vòng chín vòng… quay xung quanh cô Gió và vừa nói vừa gào, thảng thốt, uất nghẹn, căm tức, đau đớn)
    Bà Nậy:
    -Bố chết. Bố đã chết vì kho đạn đó. Và người  ta phải kiểm tra, người ta phải thanh tra, người ta phải kết luận. Một kho đạn pháo trong chiến tranh, nó to lớn lắm, nó quý giá lắm, nó quan trọng lắm, dù bố đã chết nhưng không ai bỏ qua được chuyện này. Và người  ta phải kiểm tra, người ta phải thanh tra, người ta phải kết luận. Người ta cần nhân chứng con hiểu không? Vì bố đã chết rồi, người ta càng phải cần nhân chứng con biết không? Mẹ là nhân chứng số một của việc này, mẹ nhìn thấy tất cả, nhìn thấy tất cả, nhìn thấy tất cả và nhớ như in từng chi tiết một, nhớ như in con ạ, nhưng không ai tin mẹ hết, không ai yêu cầu mẹ làm chứng hết vì đơn giản, mẹ là vợ của bố, con biết không? (Hạ giọng) Vì đơn giản, lời của mẹ sẽ không khách quan con biết không…(Vò xoắn hai bàn tay vào mái tóc của mình, nói gằng từng tiếng một) Vì – đơn – giản – người – ta – cho- mẹ -sẽ - là - người- bảo – vệ - bố, - con – biết – không?
    (Bà Nậy bổ chồm qua người con gái, quỳ trước mặt con, giằng lấy cổ áo con và nói như hét)
    Bà Nậy:
    -Và người ta đã tìm ra một nhân chứng mới, chính là gã săn thỏ. Chính là gã đã chủ động gặp đơn vị pháo binh, chủ động khai báo rằng, bố con  mượn súng của hắn để săn thỏ và bắn vì thế đã bắn vào kho đạn. Ai cũng tin lời gã, ai cũng kết luận chính bố gây nổ kho đạn này. Người ta đọc quyết định kỷ luật, tước quân tịch ngay trên nấm mồ của bố con. Người ta cần làm như thế, vì phải có kết luận như thế để tất cả đổ dồn trách nhiệm vào bố con, người đã chết. Mọi việc lớn nhỏ xảy ra mà khi đã tìm được ai đó để trút trách nhiệm thì coi như những người khác sẽ an toàn, con hiểu không? Mẹ đã đi tìm gã săn thỏ ngay trong đêm đó, ngay trong đêm chôn cất bố con, ngay trong đêm bố con nhận quyết định tước quân tịch khi đã nằm dưới mộ, ngay đêm đó con hiểu không, mẹ bế con trên tay, đứa con gái hai tháng tuổi để đi tìm gã săn thỏ, để lôi cổ gã về, bắt    phải thú nhận trước đơn vị của bố rằng, chính là gã chứ không phải bố đã làm nổ kho đạn. Chính là gã… Chính là gã…  Chính là gã con hiểu không?
    (Bà Nậy đổ người xuống cát, khóc nấc lên, tiếng khóc của bà âm u trong cát bỏng. Cô Gió kéo mẹ lên, đặt mẹ ngả vào lòng mình. Tiếng bà Nậy khản đặc)
    Bà Nậy:
    -Mẹ đã bế con đi ngay đêm đó để tìm gã săn thỏ. Đi hết ngày này sang ngày khác. Đi hết tháng này sang tháng khác. Đi hết năm này sang năm khác. Vừa đi vừa làm thuê kiếm sống để nuôi con, để tìm cho ra kẻ săn thỏ, để minh oan cho bố. Mẹ và con đã đi qua quá nhiều làng quê, quá nhiều vùng đất, hỏi thăm hết người này đến người khác, hỏi thăm từ nhà này sang nhà khác, từ thôn này sang thôn khác, xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác mà vẫn không tìm ra tung tích của gã săn thỏ. Hòa bình lặp lại, con đã lớn, con cần phải đi học, mẹ lại đưa con trở về đây, vay mượn bà con cô bác đóng con thuyền nhỏ làm nghề chèo đò ngang chở khách và chuyến đò nào mẹ cũng hy vọng, nếu gã săn thỏ còn sống, kiểu gì chẳng qua đò ngang một lần. Hai mươi năm như thế ở bến đò, hai mươi năm mẹ chở bao nhiêu lượt người hả con nhưng mà không thấy hắn. Rồi như con biết đấy, con sông nhỏ của làng, người ta đã xây nên một cây cầu. Mẹ con mình lại thuê người vác con thuyền gỗ nhỏ lên ở đây, chính xác chỗ này để làm thành cái nhà cho gần mộ của bố con,  để được ở ngay chính nơi mà bố con đã chết trong oan uổng, trong nhục nhã, trong cay đắng. Mẹ và con, hằng ngày lang thang trên triền cát, nhặt nhạnh phế liệu chiến tranh, những võ đạn, những mảnh tôn, những mảnh xác máy bay để bán kiếm tiền. Mẹ vẫn cứ tiếp tục hy vọng là sẽ gặp được gã săn thỏ. Nếu hắn chết thì không nói làm gì, đó âu là quả báo rồi,  nhưng nếu còn sống thì sớm muộn gì gã cũng quay về đây. Quay về đây không hẳn vì đây là quê hương của gã đâu, mà vì cơn nghiện của gã, cơn nghiện săn thỏ trên cát, mà chỉ vùng cát này mới có thỏ hoang. Mẹ hiểu cơn nghiện của gã, mẹ hiểu tường tận nên mẹ chắc rằng nếu gã còn sống thì gã sẽ mò về vùng cát này để săn thỏ. Và mẹ sẽ bắt được gã sau ba mươi năm trời mẹ truy đuổi, mẹ tìm kiếm, mẹ phải bắt được gã, con ạ, mẹ phải lôi gã ra ngôi mộ của bố, bắt gã phải thú tội, bắt gã phải xin lỗi, rồi giao nộp gã cho chính quyền như giao nộp một tên tội phạm, một tên phá hoại, một tên vu oan giáo họa. Chính hắn là kẻ giết bố hai lần, lần làm nổ kho đạn là giết đi một thân xác nhưng đau đớn hơn nữa là hắn giết cả danh dự của bố. Danh dự con hiểu không? Ba mươi năm nay, mẹ truy tìm hắn để trả thù, để truy bắt cũng là để phục hồi danh dự cho bố con, bố con phải là một người lính hy sinh chứ không phải chết vì kỷ luật. Ba mươi năm nay, trong giấc ngủ của mẹ, trong ý nghĩ của mẹ, lúc nào tiếng nổ của loạt đạn bắn thỏ cũng vang lên, mới đầu là hai tiếng nổ liền nhau, sau đó, là một tiếng nổ đơn. Bao giờ và lúc nào cũng thế, mẹ nghe quen rồi,   gã săn thỏ này đều bắn thỏ như thế, hai phát đạn liền nhau, và một tiếng nổ đơn… Hai phát đạn liền nhau và một tiếng nổ đơn…
    (Bà Nậy như sực nhớ ra điều gì, vùng đứng dậy. Bà xăm xăm bước về phía đôi quang gánh, giật lấy cái đòn gánh, rồi vội vã ngồi thụp xuống, dùng đòn gánh gạt cát cho phẳng)
    Cô Gió:
    -Mẹ làm cái gì đấy?
    Bà Nậy:
    -(Vừa hối hả dùng đòn gánh gạt cát, vừa nói) Con lên thuyền đi, nhanh lên, kệ việc mẹ ở đây, đi đi.
    (Cô Gió nhìn mẹ rồi bước giật lùi về phía cầu thang dẫn lên thuyền. Bà Nậy vẫn tiếp tục dùng đòn gánh gạt cát. Rồi sau khi gạt xong, bà bước nhanh tới chum nước, vội vã cầm cái gáo dừa, múc nước ở chum rồi cho vào miệng và phun nước trên mặt cát, cứ mỗi lần phun xong một ngụm, bà lại nhìn con gái nói, lại bụm miệng vào gáo dừa ngậm nước phun trên cát, rồi lại nhìn con gái nói…)
    Bà Nậy:
    -Chắc chắn hắn sẽ trở lại đây. Chắc chắn hắn sẽ tìm được chỗ ở của mẹ con mình. Chắc chắn đêm nay hắn sẽ tới. Trăng lên cao rồi phải không? Chắc chắn trên sân nhà mình, nếu hắn tới, hắn sẽ để lại dấu chân. Nếu sáng mai có dấu chân lạ in trên cát ướt thì chắc chắn đó là dấu chân của hắn. Kiểu gì mẹ cũng tóm cổ được hắn. Ba mươi năm rồi, đây là cơ hội cho mẹ trả thù. Ba mươi năm rồi, chắc chắn mẹ sẽ túm cổ được gã săn thỏ. Lên đi. Lên thuyền đi.
    (Bà Nậy lùi về phía cầu thang thuyền, rồi đẩy con gái vào phía trong thuyền. Bà kéo tay Gió ngồi xuống bên cạnh mình, đưa hai bàn tay nâng khuôn mặt của Gió lên, bà nhìn thẳng vào mắt Gió và hỏi gằn từng tiếng)
    Bà Nậy:
    -Con đã gặp lão săn thỏ, đúng không? (Cô Gió gật đầu) Con đã đưa gã săn thỏ về đây rồi, đúng không? (Cô Gió gật đầu) Và mỗi lần gặp lão con đều giấu mẹ, đúng không (Cô Gió gật đầu) Ngay cả những con diều giấy xanh đỏ kia chính là lão ấy làm cho con, đúng không? (Cô Gió gật đầu) Lão đã nói gì với con?
    Cô Gió:
    -Anh ấy chỉ là người đi mua phế liệu ở vùng này. Và trong một lần đi bán phế liệu, con đã gặp. Anh ấy đã tới nhà thuyền của chúng ta mua phế liệu mấy lần nhưng mẹ đều không ở nhà. Mẹ không ở nhà nên mẹ không biết chứ con không giấu mẹ. Anh ấy cũng không nói gì với con về chuyện ngày xưa anh ấy ở đâu, làm gì. Nếu mẹ không kể ra thì con cũng không thể biết được anh ấy chính là gã săn thỏ. Chính là người đã gây tội với bố mẹ, chính là kẻ thù của bố mẹ.

    Bà Nậy:
    -Như vậy hắn đã trở lại và hắn không thể ngờ mẹ đã ở đây, không thể ngờ con là con gái mẹ. (Đột ngột quay lại ôm lấy vai Gió)Thế thì chính là con, chính là con sẽ là cái bẫy để kéo hắn vào và mẹ sẽ tóm cổ hắn, trị tội hắn, mẹ sẽ băm nát xác hắn ra. Con hiểu chứ. Con phải là cái bẫy để giúp mẹ trả thù cho bố, để lấy lại danh dự cho bố. Sao? Sao con im lặng? Con hiểu làm cái bẫy là như thế nào chứ?
    Cô Gió:
    -Mẹ có nhớ năm nay con bao nhiêu tuổi không?
    Bà Nậy:
    -Con phải là cái bẫy để dụ hắn con ạ.
    Cô Gió:
    -Mẹ có nhớ năm nay con bao nhiêu tuổi không?
    Bà Nậy:
    -Con phải là cái bẫy để dụ hắn con ạ.
    Cô Gió:
    -Ba mươi tuổi mẹ ạ… Chính xác là ba mươi tuổi mẹ ạ. Và hôm nay là sinh nhật con mẹ ạ. Lần đầu tiên con biết đến sinh nhật mẹ ạ.  Lần đầu tiên có người nhắc đến chữ sinh nhật trước mặt con mẹ ạ.  Lần đầu tiên có người tặng quà sinh nhật cho con mẹ ạ. Tặng quà chỉ là một câu hát thôi mẹ ạ. Anh ấy hát thế này, mẹ này:
    Đêm nằm thổn thức vào ra.
    Chờ cha mẹ ngủ, lén qua thăm mình.
    Tui than hết sức, tui dứt hết tình.
    Thiếu điều cắn ruột trao cho mình, mình ơi!
    Dẫu mà chẳng được kết đôi.
    Một lần này nữa xin thôi cang thường.
    Nhu thắng cang, nhược thắng cường.
    Tui ở mềm như chuối, đạo cang thường còn xa.
    Bà Nậy:
    -(Hát lại bốn câu đầu) Đêm nằm thổn thức vào ra.
    Chờ cha mẹ ngủ, lén qua thăm mình.
    Tui than hết sức, tui dứt hết tình.
    Thiếu điều cắn ruột trao cho mình, mình ơi!
    (Rồi đưa tay lên mặt như khóc như cười)
    Cô Gió:
    -Mẹ làm sao thế?
    Bà Nậy:
    -Con thích hắn rồi phải không?
    Cô Gió:
    -Con tròn ba mươi tuổi rồi mẹ ạ.
    Bà Nậy:
    -Con bị hắn hút hồn rồi phải không?
    Cô Gió:
    -Con tròn ba mươi tuổi rồi mẹ ạ.


    Bà Nậy:
    -Bây giờ thì con biết rõ rồi phải không? Hắn là kẻ thù của  bố mẹ. Ba mươi năm nay mẹ đi tìm hắn để trả thù. Con biết rõ điều đó rồi phải không?
    Cô Gió:
    -(Hầu như không để ý đến thái độ của mẹ, cô ngửa mặt lên, như nói với trời, với đất) Năm con mười chín tuổi, có một người con trai đến tìm hiểu để cưới con làm vợ, mẹ đã lôi tuột con đi vùng đất khác vì mẹ nghĩ ở đó có gã đàn ông săn thỏ - kẻ thù của mẹ đang sinh sống. Năm hai mươi mốt tuổi, con yêu một  thầy giáo ở thị trấn, cho đến ngày chuẩn bị cưới nhau thì mẹ lại lôi con sang một vùng đất khác vì tin rằng ở đó có gã săn thỏ - kẻ thù của mẹ đang sinh sống. Năm hai mươi lăm tuổi, con suýt làm vợ một người đàn ông thủy thủ đã luống tuổi thì mẹ lại lôi tiếp con đi sang một vùng đất khác vì mẹ nghe tin rằng, ở đó có gã đàn ông săn thỏ - kẻ thù của mẹ đang sống. Năm hai mươi bảy tuổi, con chuẩn bị kết hôn với một anh thương binh thì mẹ lại lôi tuột con về đây, ở bến đò, vì mẹ tin rằng gã đàn ông săn thỏ - kẻ thù của mẹ kiểu gì cũng có một lần qua sông. Bây giờ con đã ba mươi tuổi, bây giờ mẹ và con đã trở lại đây. Cái vùng đất ngày xửa ngày xưa bố mẹ đã gặp nhau, đã yêu nhau, đã cưới nhau, đã sinh ra con. Và con đã gặp anh ấy. Con đã quen anh ấy. Con đã thân thiết với anh ấy. Con đã nhớ anh ấy hằng đêm, mẹ ạ. Con đã mong gặp anh ấy mỗi ngày, mẹ ạ. Cho dù bây giờ mẹ có nói anh ấy chính là gã đàn ông săn thỏ thì con cũng kệ thôi. Cho dù bây giờ mẹ có nói anh ấy là kẻ thù của mẹ thì con cũng kệ thôi. Con đã ba mươi tuổi mẹ ạ. Con thèm có một đứa con mẹ ạ. Những cánh diều giấy xanh đỏ kia là dành cho trẻ con mẹ ạ. Trong cuộc sống cô đơn của mẹ con mình, cần một tiếng khóc trẻ thơ,  mẹ ạ. Con cần anh ấy mẹ ạ. Con yêu anh ấy mẹ ạ. Con sẽ cưới anh ấy mẹ ạ.

    Bà Nậy:
    -(Hét lên) Im đi! (Rồi chồm tới giật lấy từng cánh diều vò nát,  xé tan và tiếp tục hét lên) Không! Không! Không thể như thế được. Thà con giết mẹ đi còn hơn. Không được đâu con ơi! Không được đâu con ơi! Không…được…đâu…con…ơi!
    (Hai cánh tay của bà Nậy bóp nát những con diều giấy, ghì chặt vào lòng bàn tay và đổ người ngồi xuống)

















    7
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Vẫn là ngôi nhà – thuyền của bà Nậy.
    Rất nhiều những bông hoa lông chông chạy ào ạt qua sân cát.
    Ông Lủi như bị ai xô bắn ra ngã sấp xuống, hai tay bị trói, cổ bị tròng bởi một dây chảo. Ông Lủi lết vào bằng hai đầu gối. Bà Nậy một tay cầm dây chảo, một tay cầm khẩu súng săn kéo rê trên mặt cát, hầm hập đi phía sau.
    Bà Nậy:
    -(Kéo ông Lủi lại phía gốc cây phi lao ở chum nước, quàng dây cột chặt vào gốc phi lao. Bà Nậy đứng chống nạnh trước mặt ông Lủi) Ba mươi năm rồi mới gặp nhau, nhỉ? Chào.
    Ông Lủi:
    -(Nhăn nhở) Chẳng lẽ phải như thế này sao em, Nậy?
    Bà Nậy:
    -Không như thế này thì như thế nào? (Lao tới, quỳ xuống túm lấy cổ áo của ông Lủi, hét lên) Không như thế này thì như thế nào…. Không như thế này thì như thế nào…. Không như thế này thì như thế nào…ào...
    Ông Lủi:
    -Em có thể làm gì tôi cũng được. Vì cả cuộc đời “hoạt động cách mạng” của mình, tôi còn nhục hơn nhiều lần như thế này. Tôi đã từng bị người ta chửi là con chó, thằng khốn nạn, thằng vô ơn, thằng cơ hội, thằng háo sắc, thằng kiếm chác và lợi dụng trên mông má vú vê của đàn bà… Tóm lại là không có cái từ nào thế gian này sinh ra dùng để chửi bới nhau mà tôi lại không vinh dự được thụ hưởng. Đời tôi là quả báo rồi em ạ….(Như là cười như là khóc)
    Bà Nậy:
    -Ba mươi năm nay tôi đi tìm ông không phải là để chửi ông, mà để vạch mặt ông, mà để kết tội ông, mà để tống cổ ông vào tù…
    Ông Lủi:
    -Một kẻ như tôi, buộc phải lủi ba mươi năm để tránh mặt em chưa đủ để em nguôi cơn giận sao?
    Bà Nậy:
    -Không phải là giận, hiểu chưa? Mà là căn thù. Mà-là-căm-thù. Ông đã giết chết chồng tôi. Ông đã giết chết cả danh dự gia đình tôi. Một người lính chết nằm xuống mộ còn bị tước quân tịch là vì ai?  Là vì ông. 
    Ông Lủi:
    -(Vừa như cười vừa như khóc) Xét cho cùng, mọi sự đều có nguyên nhân của nó. Xét cho cùng, mọi sự đều có lý do của nó. Xét cho cùng, mọi sự đều có căn nguyên của nó.
    Bà Nậy:
    -Im đi.
    Ông Lủi:
    -Ngày ấy chúng ta còn rất trẻ. Em thì đẹp như thế. Giữa cái vùng cát trắng mênh mông này, giữa bao bạt ngàn những cô gái làng cát ấy, ai đã sinh em ra đẹp như thế. Đẹp đến độ em đi về phía nào thì lũ con trai trong làng chạy xúm về phía đó như một đàn chó con. Thế thì làm sao trách anh được. Em quá biết là anh theo đuổi em. Em quá biết ngày nào cũng như ngày nào, anh rình rập, anh chờ đợi, anh đi đường ngang ngõ tắt, anh leo lên cây phi lao rồi tụt xuống đỉnh dốc cát cũng chỉ mong được nhìn em một lần trong ngày. Em có biết không, anh còn phải mang nước ra ở cái lối cát em hay đi về, rồi khỏa cát cho phẳng trên một đoạn đường, rồi ngậm nước phun đều trên mặt cát, để khi em đi qua, dấu chân em in lại, để anh đưa tay mang cái dấu chân của em về nhà, nâng niu, ngắm nghía, gọi tên em… Nhưng anh chỉ là thằng đàn ông nghèo trong làng, em có để mắt tới đâu. Anh chỉ là thằng dân quân, làm sao so được với thằng bộ đội chủ lực thủ kho đạn pháo. Anh biết em đã yêu anh ta. Anh biết mãi mãi em không bao giờ thuộc về anh. Anh biết em và anh ta cưới nhau. Biết như thế, rõ như thế mà anh không quên em được. Sáng nào trưa nào chiều nào, anh không mò mặt lên đỉnh cát để nhìn thấy em một lần là anh không chịu được, dù biết em đã có chồng, dù biết em đã sinh con, dù biết em đã thuộc về người ta, dù biết em không ngó ngàng gì đến anh, nhưng trời ơi, dù chỉ là tình yêu một phía hay như ngôn ngữ của bọn nhà văn láo toét, thì đây là tình yêu một phía của anh với em. Nhưng một phía hai phía ba phía bốn phía thì kệ mẹ nó, anh chỉ biết rằng, đây là tình yêu đầu đời của anh, sự rung động đầu đời của thằng con trai, em hiểu không, sự rung động của tình yêu đầu đời nó lớn lao lắm, nó vật vã lắm, nó day dứt lắm, nó điên rồ lắm, nó mong manh lắm. Khi nghe tin em cưới chồng, cái nòng súng kia kìa, đã dí vào cổ anh mấy lần. Ngón tay của anh đây này, đã đưa vào cò súng mấy lần,  nhưng rồi anh không muốn mình chết. Chết thì dễ lắm, đúng không, một cái bóp cò nhẹ nhàng lắm, đúng không, rồi người làng sẽ đào  một hố cát, đặt mình xuống huyệt và thành một ngôi mộ, đúng không? Nhưng như thế thì làm sao còn nhìn thấy em hằng ngày, cho nên anh phải gắng sống. Và ngày ngày lại tìm cớ đi săn thỏ, săn những con thỏ hoang, nhưng trời ơi một mắt thì ngắm vào thỏ hoang, một mắt thì tìm em, để được nhìn, dù chỉ là bóng em xa tít tắp ở trên đỉnh cát, hay chỉ là dáng em ngồi khuất trong làn khói của một bữa cơm chiều, hay được nhìn thấy dấu chân em đi trên cát bỏng. Đêm đó, anh say, say vì nhớ em quá. Anh không biết làm cách nào  liền vùng chạy ra phía đồi cát. Anh chạy về nhà em, không thấy. Anh chạy trên đường làng, không thấy. Anh chạy lên đỉnh cát. Trăng sáng quá và biết chắc trăng sáng thế này thì em lại ra kho đạn thăm chồng em thôi. Rồi anh nhìn thấy con thỏ. Anh biết, biết rõ lắm, đó không phải là một con thỏ hoang, đó là con thỏ mà chồng em đã bẫy được, chồng em giữ ở đấy để  về  cho em. Và anh lồng lên vì ghen tuông, vì hận đời, vì tủi thân, vì căm ghét, mà cũng không biết vì sao mình hận đời, mình tủi thân, mình căm ghét, chỉ biết là người anh nóng lên như một cục lửa và anh nâng súng lên bóp cò, anh bắn, anh bắn con thỏ ấy như là cách để bắn vào sự hận đời, sự tủi thân, sự căm ghét. Thế đấy em ạ. 
    Bà Nậy:
    -Đồ hèn. Sao ông không dám nhận tội với đơn vị. Chồng tôi chết rồi ông còn đổ tội cho chồng tôi. Chết rồi mà vẫn phải chịu kỷ luật. Ông sống như vậy, ông hèn như vậy, vu oan giáo họa cho người ta như vậy, thì ông không phải là con người nữa rồi (vốc cát ném ầm ầm vào người ông Lủi và hét lên) mà là con chó… con chó… con chó….
    (Ông Lủi vẫn ngồi yên mặc cho bà Nậy ném cát)
    Ông Lủi:
    -Khi nhìn thấy cả một kho đạn lớn bị nổ tan tác, anh hoảng loạn, anh chối tội, anh nghĩ ra cả việc phải chối tội như thế nào, anh đã khai chính là chồng em đã mượn súng của anh để săn thỏ. Những lời khai vội vã và hấp tấp trong hoảng sợ rồi anh bỏ trốn, trốn suốt ba mươi năm rồi đấy… Trốn suốt ba mươi năm (như là cười như là khóc) Trốn suốt ba mươi năm…  Cho đến khi thân bại danh liệt, không chốn nương thân thì anh lại phải mò về làng mình, lủi về làng mình, ngay ở đây,  để vật vã từng ngày kiếm sống bằng nghề đi gom phế liệu cho các đại lý và săn thỏ hoang, và gặp cô Gió. Anh không biết cô Gió là con của em. Anh không biết đâu em ạ. Anh không biết gì hết. Ba mươi năm rồi mà….

    Bà Nậy:
    -(Tháo sợi dây) Nhìn kia kìa, bàn thờ của chồng tôi đấy, ông bước tới mà thú tội đi rồi tôi sẽ dẫn ông lên chính quyền… Tôi sẽ dẫn ông đi tìm gặp đơn vị cũ của chồng tôi để ông phải nhận  rằng chính ông là kẻ phá hoại, chính ông chứ không phải chồng tôi đã làm nổ kho đạn.
    Ông Lủi:
    -Tôi sẽ làm tất cả những gì mà em yêu cầu. Em cũng chẳng cần phải giải tôi đi đâu hết, tôi sẽ tự đi được, thậm chí, nếu em cần tôi bắn vào tôi lúc này, tôi cũng sẽ tự xử.
    Bà Nậy:
    -(Như sực nhớ ra điều gì, lao tới giằng  lấy súng, chỉa thẳng vào mặt ông Lủi) Không cần ông phải tự xử, tôi sẽ bắn ông, tôi sẽ bắn ông. (Đưa nòng súng lên trời, bóp cò. Hai viên đạn nổ. Rồi như giật mình, bà Nậy dí nòng súng vào mặt ông Lủi)
    Ông Lủi:
    -(Như là cười như là khóc) Em vẫn nhớ cách bắn của tôi, hai phát đạn liền nhau và một tiếng nổ đơn… Còn một tiếng nổ đơn nữa, em ạ. Anh sẵn sàng rồi đây.
    (Cô Gió lao vụt vào đổ người như chà trên cát, hai tay nâng nòng súng lên cao)
    Cô Gió:
    -Mẹ!
    (Một viên đạn nổ. Tiếng nổ đơn côi, cộc lốc, chói vang. Bà Nậy vứt súng, gục xuống khóc. Cô Gió vội vã tháo dây trói cho ông Lủi và kéo ông Lủi chạy khuất. Bà Nậy đứng lên, bước như vô hồn về phía con thuyền, bước như vô hồn về phía bàn thờ và gục xuống trước bàn thờ chồng)
    Bà Nậy:
    -Anh đã nghe hết rồi đấy. Bây giờ thì em phải làm thế nào, hả anh? (Hai tay nâng di ảnh của người chồng lên cao và hét lên, tiếng hét chấn động khắp bốn phương tám hướng) Em phải làm thế nào?
    (Những bông hoa lông chông không biết ở đâu túa ra rơi lả tả như một cơn mưa).



    8
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Trên một triền cát dốc, cô Gió chạy tới chân đỉnh cát hốt hoảng ngước lên nhìn thấy ông Lủi đang vác trên vai  một bao vải hành lý cá nhân và đi như lủi.
    Cô và hét vừa chạy ngược lên.
    Cô Gió:
    -Đứng lại. Đứng lại đã.
    (Ông Lủi dừng lại, im lặng. Cô Gió chạy đến áp sát kéo ông Lủi xuống chân đỉnh cát. Cô giật cái túi hành lý trên người ông vứt xuống chân mình.
    Họ im lặng nhìn nhau).
    Cô Gió:
    -Phải chạy trốn ba mươi năm rồi mà anh chưa chán sao?
    Ông Lủi:
    -Phải nói chính xác là tôi đã lủi ba mươi năm cô Gió ạ. 
    Cô Gió:
    -(Quắc mắt lên) Và bây giờ sau khi gặp mẹ tôi, anh lại lủi tiếp?
    Ông Lủi:
    -(Cười nghẹn) Bây giờ thì không phải là lủi mà là tôi đang đi.
    Cô Gió:
    -Đi đâu?
    Ông Lủi:
    -Có thể đây là lần cuối cùng tôi gặp cô.  Có thể đây là lần cuối cùng tôi nghe tiếng nói của cô. Có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy làng cát của mình cô Gió à.
    Cô Gió:
    -Anh cứ đi đi. Anh thích thì anh cứ đi đi. Anh đi đâu thì tôi cũng tìm ra anh. Có mà đi cùng trời cuối biển thì tôi cũng tìm ra anh. Người đời đã nói rồi, không sai: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Thất bát giang cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua”.
    Ông Lủi:
    -(Lẩm bẩm) Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/Đừng như con thỏ đứng đầu truông/  Khi vui giỡn bóng, khi buồn bỏ đi.
    Cô Gió:
    -Anh đi đâu cho thoát khỏi vùng đất này. Lên trời à? Tôi có tìm anh trong một năm, hai năm, năm năm tôi cũng tìm. Mẹ tôi đã đi tìm anh ba mươi năm còn được cơ mà. Anh tưởng cứ bỏ đi thì dễ lắm à?
    Ông Lủi:
    -Cô Gió, hãy nghe cho kỹ này, lần này là tôi đi chứ không phải là trốn. Lần này tôi đi  là để không ai tìm tôi nữa, cô hiểu không?  (Im lặng một lúc) Những gì cần phải thú tội, cần phải chứng thực, cần phải làm chứng thì tôi đã viết hết trong lá thư gửi mẹ cô rồi. Lá thư dài lắm, tôi thú tội hết cô Gió à, như mẹ cô nói, tôi chính là kẻ có tội, tôi chính là kẻ phá hoại, tôi chính là kẻ giết bố cô. Cô và mẹ cô không biết đâu, tối qua, tôi đã bò vào nơi cô ở, tôi đã đặt lá thư ấy trên bàn  thờ của bố cô, tôi chỉ còn biết làm cách đó trước vong linh của bố cô thôi. Và bây giờ thì tôi đi. Tôi tìm lại đơn vị cũ của bố cô. Tìm một ngày năm ngày mười ngày tôi cũng tìm. Tìm suốt phần đời còn lại của tôi, tôi vẫn tìm, để nhận tội, để được xử tội, làm được thế, thì thế gian loại bỏ đi được một thằng đểu, loại bỏ đi một thằng hèn, loại bỏ đi một thằng vô tích sự, loại bỏ đi một thằng cơ hội, loại bỏ đi một thằng  vu oan giá họa. Tôi xứng đáng được như vậy. Tôi chết lần này thì bố cô sẽ sống, danh dự bố cô sẽ sống, sống có danh dự mới là sống, cô Gió à. Còn loại như tôi (như là cười như là khóc) chết lâu rồi cô Gió à. Chết từ cái giờ phút  tôi ngoạc mồm ra đổ vấy tội cho bố cô cơ, chết từ cái giờ phút tôi lủi như một con chuột khỏi làng mình cơ, chết từ cái giờ phút tôi đổi họ thay tên để bắt đầu hành trình của cuộc sống dối trá cơ. Nhưng bây giờ, ba mươi năm, khi mẹ cô gặp tôi,  tóm cổ được tôi, vạch mặt chỉ tên tôi là thằng phạm tội, chẳng lẽ tôi lại còn lủi đi nữa hả cô Gió, con người ta chết thì chết một lần thôi chứ, phải không cô?
    Cô Gió:
    -Đời của em lớn lên ngần này tuổi, chỉ có hai người đàn ông trong cuộc đời của mình. Người đàn ông thứ nhất là bố em. Người đàn ông thứ hai và có lẽ là cuối cùng… có lẽ là cuối cùng… có lẽ là cuối cùng… vì cái tuổi quá lứa nhỡ thì này, ở cái vùng cát trắng ngơ trắng ngất này, thì còn đâu ra đàn ông cho em lựa chọn. Vì thế, anh là người đàn ông cuối cùng của em. Em không thể để cho người đàn ông cuối cùng này mất tích trong cuộc sống của em được, không thể chết được. Không, anh ơi, không bao giờ.(Lao tới ôm ghì lấy ông Lủi) Bằng mọi cách, em cũng phải có anh, người đàn ông cuối cùng của em.
    Ông Lủi:
    -(Tiếng nghèn nghẹn) Cuộc đời của tôi nó bi đát như thế này sao? Mối tình đầu thời trai trẻ, mối tình đầu dữ dội, mối tình đầu đau đớn, mối tình đầu đơn phương thì lại là chính tình yêu với mẹ em. Cho đến hôm nay, khi gặp em, khi biết em, khi chúng ta thương nhau, khi chúng ta yêu nhau, thì anh đang có mối tình cuối cùng của cuộc đời. Nhưng trời ơi, mối tình cuối cùng của cuộc đời tôi sao lại là em mà không phải là ai khác? Sao em lại là con của mẹ em? Sao em lại là con của người bố mà anh là kẻ thù? Trời ơi tại sao…?
    (Họ ôm ghì lấy nhau trong câm lặng. Trong tiếng gió thổi hun hút qua những đồi cát, qua những tán lá phi lao và dưới chân họ, những bông hoa lông chông cứ xoay lông lốc trong gió.
    Rồi bất chợt vang lên giữa không gian câu hát nghe nghèn nghẹn:
    Nữ:
    Em đố anh , ở trên trần một trăm cái hố, cái hố chi là hố không nước
    Một trăm cái thước, cái thước chi là thước không cây
    Một trăm cái cây, có cây chi là cây mà không trái
    Một trăm con gái, có gái chi là gái không chồng
    Trai nam nhi anh mà giải đặng, gái má hồng em xin dâng.
    Nam đáp:
    - Em hởi  em ơi, một trăm cái hố, cái hố khoan là hố không nước
    Một trăm cái thước, cái thước thợ mã là thước không cây
    Một trăm cái cây, có cây đờn là cây không trái
    Một trăm con gái, gái tố nữ là gái không chồng
    Trai nam nhi anh đây giải được,hỏi má hồng em ở đâu?

    Ông Lủi và cô Gió giật mình buông nhau ra, nhìn ngược ngó xuôi.

    Cô Gió:
    -(Hoảng loạn chạy về bốn phía) Mẹ! Mẹ ơi!
    Ông Lủi:
    -(Níu lấy tay cô Gió) Là sao? Nói cho tôi biết đi, có chuyện gì đang xảy ra phải không?
    Cô Gió:
    -Anh không biết có chuyện gì xảy ra à? Đáng ra anh phải biết chứ? Đáng ra em phải hỏi anh câu này, chứ không phải anh hỏi em.
    Ông Lủi:
    -Nhưng mà có chuyện gì đang xảy ra?
    Cô Gió:
    -Anh nghe em hỏi này, bình tĩnh nghe em hỏi này, đang có chuyện gì xảy ra với mẹ, anh trả lời đi.
    Ông Lủi:
    -Đang có chuyện gì xảy ra với mẹ em ư? Có chuyện gì? Có chuyện gì đây? Em đã kéo tay anh chạy trốn khỏi nhà trong khi mẹ em đã trói gô anh lại để nộp cho chính quyền, thế thì chỉ còn câu trả lời là mẹ em đã đi báo cho chính quyền để bắt anh, để bỏ tù anh, để tử hình anh, ôi không Gió ơi! (Sụp xuống ôm lấy chân của Gió) Em phải cứu anh. Nếu là chỉ một mình anh thôi, thì anh sẵn sàng chịu chết, nhưng còn tình yêu của chúng ta thì sao? Mối tình cuối cùng của anh thì sao? Phần đời hạnh phúc cuối cùng của anh thì sao? (Nhưng đột ngột lại vùng đứng dậy, rồi lùi, một bước hai bước ba bước đối diện với cô Gió) Không, không cần, em không cần phải cứu anh. Nếu anh xin em cứu anh thì anh hèn lắm. Ba mươi năm nay anh hèn thế là đủ rồi. Ba mươi năm nay cứ mỗi lần cần nhờ vả gì, cần nâng đỡ gì là anh lại gục mặt dưới chân đàn bà… Nhưng đó là những người đàn bà lăng loàn, những người đàn bà háo danh, những người đàn bà cơ hội, những người đàn bà nịnh bợ, những người đàn bà ham hố. Còn em thì không, em là tình yêu cuối cùng của anh. Nếu anh không bảo vệ được tình yêu cuối cùng này thì thôi, chứ không thể quỳ gối được.
    Cô Gió:
    -Bây giờ phải làm sao? Anh nói đi.
    Ông Lủi:
    -Bây giờ thì em về đi. Về nhà. Về với mẹ.
    Cô Gió:
    -Còn anh?
    Ông Lủi:
    -Anh sẽ đối diện với sự thật.
    Cô Gió:
    -Nhưng sự thật không phải là việc mẹ đang tố cáo anh với chính quyền, không phải sự thật đó… Đúng rồi, chắc chắn không phải là sự thật đó mà mẹ sẽ bỏ làng ra đi, đúng rồi, mẹ sẽ bỏ làng ra đi vì chúng ta, đúng rồi, mẹ sẽ bỏ làng ra đi vì chúng ta, mẹ ơi, mẹ ơi!
    Ông Lủi:
    -Gió!
    (Ông Lủi hét lên và đuổi theo cô Gió)





     9
    Gió thổi như xát trên những triền cát – nơi có những cây phi lao già cỗi trơ cành lá, thân cây xoắn lại, xương xẩu, khổ hạnh. Trập trùng những triền cát trắng chạy xa tít về phía biển.
    Ngôi nhà – thuyền của mẹ con bà Nậy.
    Cô Gió chạy lao vào sân nhà mình, vừa chạy vừa gọi.
    Cô Gió:
    -Mẹ ơi… Mẹ ơi… Mẹ ơi! (Ông Lủi cũng chạy đuổi theo sau. Cô Gió đứng sững ở sân) Em linh tính có sai đâu… Nhưng chẳng lẽ mẹ lại đi báo chính quyền đề bắt anh? Chẳng lẽ lại như thế?
    (Cô Gió hấp tấp lao lên thuyền, quan sát, tìm kiếm, lục lọi, rồi lại  chạy bổ về phía bàn thờ bố, rồi lại chạy tới ôm cái vali ra lục lọi, rồi cô lao về phía mũi thuyền, vừa khóc vừa gọi)
    Cô Gió:
    -Mẹ ơi! Đừng làm thế.
    Ông Lủi:
    -Em chắc chắn mẹ đi báo chính quyền chứ?
    Cô Gió:
    -Mẹ mới vừa đi thôi, nắm hương mẹ thắp cho bố vừa cháy hết. Bộ quần áo đẹp nhất của mẹ trong vali phải là những lúc quan trọng lắm mẹ mới mang, nhiều năm qua, mẹ chỉ mang vào ngày giỗ bố, nhưng hôm nay có phải ngày giỗ bố đâu mà mẹ vẫn mang. Thế thì chắc chắn hôm nay là một ngày rất quan trọng với mẹ… Rất quan trọng anh biết không?
    (Ông Lủi ngồi thịch xuống cát, tựa lưng vào mạng thuyền)
    Ông Lủi:
    -Rất quan trọng… Làm sao mà không quan trọng được chứ, ba mươi năm nay bà ấy tìm tôi, ba  mươi năm nay bà ấy đi tìm danh dự cho chồng mình… Trời ơi! Ba mươi năm chứ không phải là ba mươi ngày, không phải là ba mươi tháng. Ba mươi năm là nửa đời người, nửa đời người, nửa đời người truy đuổi kẻ phạm tội, kẻ vu oan giáo họa cho chồng mình, kẻ đã giết chết danh dự của chồng mình. Nỗi căm thù chất chứa ba mươi năm như vậy làm sao mà bà ấy có thể tha thứ cho tôi được. Nếu là tôi? Tôi có tha thứ không? Tôi có tha thứ cho kẻ đã làm hại cuộc đời của mình không? Kẻ đã giết người không? Chắc là không? Chắc là không đâu chị Nậy ạ. Chị báo với chính quyền là phải. Tôi bị trừng trị là phải. Loại chó má như tôi thì tha thứ để làm gì? (Như là cười như là khóc)
    (Đứng ở mũi thuyền trên cao, cô Gió cúi xuống, hét lên)
    Cô Gió:
    -Anh có im đi được không? Không ai có thể bắt anh đi vào lúc này. Không ai có thể trừng trị anh vào lúc này. Không ai có thể cướp anh vào lúc này. Dù mẹ có muốn thế thì cũng không được.
    (Ông Lủi vẫn ngồi yên với tư thế rã rời đó, hai tay từ từ đưa lên khỏi đầu)
    Ông Lủi:
    -Gió à… Thực sự là anh không muốn  chính quyền đưa lực lượng dân quân đến đây bắt anh. Không muốn một chút nào. Vậy nên, em hãy xuống đây, dùng dây thừng kia kìa, trói tay anh lại, rồi dong cổ anh lên chính quyền, như dong cổ một con chó, như dong cổ một thằng trộm, như dong cổ một thằng tội phạm.
    (Ông Lủi vừa nói thì cô Gió vừa đau đớn bước từng bước trên thuyền lại phía ông Lủi)
     Mà anh chính là tội phạm chứ gì nữa. Có gì đâu oan ức. Có gì đâu mà sợ hãi. Có gì đâu mà xin xỏ. Tội phạm của ngày hôm nay hay tội phạm của  ba mươi năm trước cũng là tội phạm thôi. Thằng phá hoại của ba mươi năm trước mà bây giờ tóm cổ được thì cũng là thằng phá hoại thôi. Kẻ giết người ba mươi năm trước mà nay truy đuổi được, thì cũng hiện thân là kẻ giết người thôi. Gió ơi! Nếu em yêu anh, nếu thực sự em coi đây là mối tình cuối cùng của em, nếu thực sự em coi anh là người đàn ông cuối cùng của em thì hãy dành cho anh chút danh dự cuối cùng, chút liêm sỉ cuối cùng, bằng cách em hãy trói anh lại và dong cổ anh nộp cho chính quyền. Làm đi… Anh xin em đấy. Hãy làm ơn…
    (Cô Gió quỳ xuống trước mặt ông Lủi)

    Cô Gió:
    -Vâng! Em sẽ làm… Anh nói rất phải… Em cần phải trói để dong cổ anh lên nộp cho chính quyền, em cần phải làm cho mẹ em vui, làm cho hương hồn của bố em vui, khi suốt ba mươi năm trời, bây giờ mới tìm ra được kẻ đã làm cho bố em thân bại danh liệt, đã giết chết ông ấy, giết chết cả danh dự của ông ấy, giết chết cả cuộc đời thiếu nữ của mẹ, tội ác phải bị trừng phạt phải không anh?
    Ông Lủi:
    -Tội ác phải bị trừng phạt… Tội ác phải bị trừng phạt… (Và như cười và như khóc)
    Cô Gió:
    -(Cầm tay ông Lủi) Lên thuyền với em.

    Ông Lủi:
    -Em nói cái gì? Đi ngay lúc này?
    Cô Gió:
    -(Kéo ông Lủi đứng lên) Lên thuyền với em.
    Ông Lủi:
    -Anh không nghe rõ. Em vừa bảo là dong cổ anh đến nộp cho chính quyền?
    Cô Gió:
    -Đúng thế anh ạ.
    Ông Lủi:
    -Rồi hình như anh cũng vừa nghe em nói, lên thuyền với em?
    Cô Gió:
    -Đúng thế anh ạ.
    (Cô Gió lặng lẽ kéo ông Lủi bước lên từng bậc thang để vào thuyền. Khi lên tới thuyền, ông Lủi dằn tay lại)
    Ông Lủi:
    -Em đang dẫn anh đi đâu?
    (Cô Gió lặng lẽ cởi áo ra. Lặng lẽ xỏa tóc ra. Lặng lẽ cởi cúc áo của ông Lủi thì bàn tay ông Lủi ngăn lại)
    Ông Lủi:
    -Em điên rồi, em đang làm cái gì thế? Em lại muốn xô anh vào tội lỗi nữa hay sao?


    Cô Gió:
    -Không! Đây không phải là tội lỗi. Đây là tình yêu! Đây là khát vọng của em. Nếu rồi đây chính quyền bắt anh,  chính quyền xét xử anh, chính quyền bỏ tù anh, chính quyền tử hình anh thì sao? Thì em mất anh vĩnh viễn… Thì em mất tình yêu cuối cùng của em vĩnh viễn… Thì em mất  người đàn ông cuối cùng của đời em vĩnh viễn… (Vừa nói vừa đưa tay mơn trớn gương mặt, mái tóc, thân thể của  ông Lủi) Em cần anh gieo vào trong em một giọt yêu, một mầm sống, anh hiểu chứ.  Có thể người đàn ông xấu xa trong anh bị trừng trị, bị giết chết, bị xóa bỏ thì mầm sống của anh trong em vẫn còn, rồi  được sinh ra, được nuôi dưỡng, được bú mớm bằng những giọt sữa đầu tiên dính cát trên vú mẹ nó, được bước đi những bước chân lấm lem đầu tiên trên cát, được ăn những hạt cơm đầu tiên dính cát, được hát những câu hát đầu tiên về làng cát, được hưởng cái ánh sáng đêm rằm đầu tiên trên làng cát của mình… Và đứa con của chúng ta chắc chắn sẽ là một người tử tế. Nếu là con trai, nó sẽ trường thành mạnh mẽ và gân guốc như gốc phi lao kia kìa… Nếu là con gái, nó sẽ dịu dàng và bay bổng như cánh diều kia kìa… Em cần anh vào lúc này. Và chắc chắn mẹ cũng cần anh vào lúc này… Vào đây… Anh…
    (Hai người khuất sau vòng thuyền. Nghe âm thanh của sự va chạm cơ thể. Nghe âm thanh của tiếng yêu. Nghe âm thanh của khát khao. Nghe âm thanh của nước mắt. Nghe âm thanh của đau đớn. Nghe âm thanh của sự chờ đợi… Nghe âm thanh của sự mạnh mẽ. Con thuyền như rung lên, nghiêng sang bên này rồi lại nghiêng sang bên kia, chới với bên này rồi lại chới với bên kia, cảm tưởng như con thuyền có khi đang lướt nhẹ trên sóng, có khi đang chồm đứng lên, như vượt qua bão giông, có khi lại chung chiềng quăng quật, như cố vươn lên đỉnh của  ngọn thác dữ…
    Đúng lúc đó, bà Nậy bước nhanh về, tay bên này xách những bó  rau, tay bên kia xách một chân giò heo, bà bước vào giữa sân và đứng sững ra, đôi chân như muốn khụy xuống, gương mặt thất thần, hai cánh tay như run lên bần bật, bà lê từng bước lại bên con thuyền, ngả lưng vào thành con thuyền, rau và chân giò heo rơi xuống cát, hai bàn tay bàn run run cố bấu lấy mạn thuyền cho khỏi ngã. Bà mắm môi, nước mắt cứ thế chảy dài trên má, cảm giác như bà đang mụ mị đi trong mê sảng, trong vọng nhớ, trong ao ước, trong khát khao, trong kỷ niệm… Đôi bàn chân bà chuầy đạp trong cát, và sau lưng con thuyền vẫn như đang chao đi: Nghe âm thanh của sự va chạm cơ thể. Nghe âm thanh của tiếng yêu. Nghe âm thanh của khát khao. Nghe âm thanh của nước mắt. Nghe âm thanh của đau đớn. Nghe âm thanh của sự chờ đợi… Nghe âm thanh của sự mạnh mẽ. Con thuyền như  rung lên, nghiêng sang bên này rồi lại nghiêng sang bên kia, chới với bên này rồi lại chới với bên kia, cảm tưởng như con thuyền có khi đang lướt nhẹ trên sóng, có khi đang chồm đứng lên, như vượt qua bão giông, có khi lại chung chiềng quăng quật, như cố vươn lên đỉnh của  ngọn thác dữ…
    Đột nhiên, nghe một tiếng hét đau đớn của cô Gió.  Bà Nậy bừng tĩnh, vội vàng nhặt lấy rau, vội vàng nhặt lấy giò heo, bước như chạy về phía chum nước. Bà vứt rau và giò heo xuống cạnh rồi vội vã dằng lấy gáo dừa, vội vã dùng gáo dừa múc nước ở trong chum, khỏa nước lên mặt mình rồi dội cả lên đầu mình, dội cả lên người mình, ào ào, ào ào, ào ào… Rồi bà đứng như trời trồng. Sau đó, bà từ từ ngồi xuống, kéo cái thớt, cầm con dao, đặt chân giò lên thớt, rồi đưa cái dao lên cao, chặt như điên như dại vào chân giò, nghe như tiếng gõ báo động, dồn dập, quyết liệt, dữ dằn.
    Trên thuyền, cô Gió và ông Lủi lao ra và tụt nhanh xuống đất.
    Cô Gió:
    -Ôi mẹ!
    Bà Nậy buông dao, đứng thẳng lên, nhìn ông Lủi và cô Gió rất lâu. Cô Gió bước từng bước chậm về phía mẹ. Bà Nậy nhìn Gió và nhìn ông Lủi.

    Bà Nậy:
    -Nói với người này, không phải đi đâu cả.
    Cô Gió:
    -Mẹ!
    Bà Nậy:
    -(Kéo Gió vào lòng mình, bà nói như với trời với đất) Dù đã ba mươi tuổi, nhưng tối nào nó cũng không dám ra sân một mình, bắt buộc phải có mẹ theo cùng đấy. Vào dịp mùa đông tháng rét, cứ hay bị ốm vặt, hay bị sốt nóng, rồi ho, mỗi lần như thế, nó không thích nằm một mình, nó cứ muốn mẹ ôm vào lòng, gác đầu lên tay mẹ, rồi cứ đòi mẹ hát mãi đấy, hát cho tới khi ngủ. Vẫn là bài tôi hát ru nó từ ngày xưa thôi, sau này tôi kể, bài hát ấy bố nó đã dạy cho tôi. (Hát) Trong trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?/ Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?/ Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt,  trong triệu thứ bạc, bạc gì là bạc không tiêu? Bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu, phải không con? (Dừng một lúc) Dù đã ba mươi tuổi, nhưng nó vẫn không quen bị quát mắng đâu, nó không quen bị bỏ rơi đâu, nó không quen ăn cơm một mình đâu, nó không quen ngủ một mình đâu, tóc nó không quen gội với dầu, chỉ gội với  quả bồ kết, được nướng qua lửa, giã nhỏ rồi ngâm vào chậu nước nóng. Dù đã ba mươi tuổi, nhưng nó khâu vá vụng  lắm, đừng ép nó phải khâu vá, đó là lỗi của tôi, tôi  chiều    quá. Con ạ, gạo nhà mình vẫn đủ ăn đến hết tháng này. Dưới lư hương của bố, là một hộp giấy nhỏ, mẹ giấu ở đó. Trong hộp giấy là tiền mẹ đã tằn tiện và tiết kiệm để mua những nhẫn vàng làm của cho con khi về nhà chồng. Trên nóc thuyền, mẹ có treo một thùng sắt, trong đó, có bốn tấm vải lụa để cho con may quần áo cô dâu, mẹ đã mua và cất giữ vải áo cô dâu hơn mười năm nay rồi con ạ. Dưới đuôi thuyền, trong hộp gỗ, cạnh mái chèo là một cái vali tôn, trong đó đựng chăn gối và áo quần trẻ sơ sinh của con ngày xưa, con có thể dùng lại cho con của mình.
    Đẩy nhẹ con gái ra.
    Bà Nậy lấy từ trong túi áo ra hai vòng dây được tết bởi những bông hoa lông chông rồi lặng lẽ quàng vào cổ của cô Gió một vòng, lặng lẽ quàng vào cổ ông lủi một vòng.
    Cả cô Gió và ông Lủi cùng đột ngột quỳ xuống.
    Cô Gió:
    -Mẹ ơi!
    Bà Nậy:
    -(Nói như hát) Đã yêu thì yêu cho chắc/
    Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn.
    Đừng như con thỏ đứng đầu truông.
    Khi vui giỡn bóng, khi buồn bỏ đi.
    (Vừa như khóc vừa như cười)
    Trong vạn thứ than, than thở than là than không quạt.
    Trong triệu thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu.
    Trai nam nhi đối đặng.
    Dải lụa điều nàng đã trao chưa?

    Hết!