Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Tagged Under:

MÌNH LÁI XE THĂM NƯỚC MỸ

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 01:30
  • Chia sẻ bài này >
  • 1.
    Phải công nhận Nguyễn Quang Nhàn kiếm được chỗ ở khá tuyệt. Phố Uinon là nơi không xa lạ gì với mình. Nhưng nhờ Blog nay mình mới biết nhà Blogge Nguyễn Quang Nhàn lại ở đây. Anh này lại kiếm được cái nhà hai mặt phố mới kinh, trước có vườn, sau có vườn, rộng lắm. Nhàn nói, đáng lẽ hôm nay anh lái xe đưa Vinh đi chơi, nhưng vì Vinh sang Mỹ như đi chợ, tay anh hôm nay lại hơi bị đau, nên Vinh chở anh đi nhé. Được không. Mình nói, thì ở bên nhà, vẫn lái mà, em không lái thì ai lái. Anh Nhàn băn khoăn, nhưng đây là nước Mỹ, luật Mỹ em ạ. Mình vung tay, luật nào cũng không bằng luật nước mình. Luật giao thông nước mình là nhất. Thứ hai, thứ ba, thứ tư không có. Luật Mỹ chỉ là thứ năm.
    Anh Nhàn nhìn mình rồi lẳng lặng lên xe ngồi cạnh.

    Đứa con gái anh Nhàn đưa tay vẫy chào.
    Mình nhấn gia. Xe lao vù vù.
    Anh Nhàn nhắc, Vinh chú ý tốc độ, chú ý đèn đỏ em ạ. Anh rất sợ phạt. Mình cười, lái xe mà sợ đèn đỏ, sợ tốc độ thì lái xe mần chi. Ơ sao thế? Đó là quy định mà, phạm lỗi đó phạt nặng lắm. Mình cười.
    Tuýt.
    Mình mãi nhìn nước Mỹ, quên, vượt luôn đèn đỏ. Cảnh sát tuýt còi. Tuýt thì dừng sợ chi. Anh Nhàn tái mặt. Chết thôi em ạ. Mình nói, anh cứ ngồi đấy. Có gì đâu mà lo.
    Cảnh sát cười rất tươi. Nhớ lời anh Nhàn, khi CSGT Mỹ cười tươi là có chuyện. Thì khác chi Việt Nam, CSGT thấy xe nào vi phạm luật, mừng lắm, cười tươi hơn CSGT Mỹ ấy chứ.
    Hê lô. Thằng cảnh sát chào mình. Mình cũng Helo.
    Hắn định đưa giấy phạt ra, ghi biên bản, mình đưa tay ra. Khoan. Mày làm gì mà vội thế. Thằng cảnh sát ngạc nhiên hỏi, mày không vội? Không. Ở nước tao, khi xe vi phạm, CSGT không vội ghi biên bản như mày đâu. Thì làm gì? Hắn hỏi. Lúc ấy, lái xe sẽ khoác tay CSGT bước vào bên hè đường. Anh khỏe không? Dạo này nắng quá anh nhỉ? Thế đứng cả ngày thế à? Vừa nói, tài xế vừa đưa giấy tờ tận tay ( nhắc lại) tận tay CSGT, không quên ngón tay cái gãi gãi vào lòng tay CSGT. Rút kinh nghiệm nhé. Dạ dạ dạ. Xong. Thằng cảnh sát Mỹ nhìn mình, thế là xong à? Xong. Thế gãi gãi vào tay nhau nghĩa là sao. Mày thích tao gãi không? Mình kẹp tờ 10 đôla vào giấy tờ xe, đưa tận tay thằng cảnh sát Mỹ, dùng ngón tay cái, gãi gãi. Thằng CS Mỹ tái mặt. Không được. Thế này là hối lộ người thi hành công vụ. Mình cãi, các ông thì ỉ vào nước Mỹ văn hóa cao, hay bày đặt chữ nghĩa. Hối lộ là sao. Hả? Tôi bị lỗi, thay vì phạt, tôi đưa ông 10 đôla sao gọi là hối lộ a? Nước Nam tôi gọi là bồi dưỡng, gọi là bôi trơn, gọi là chút tình cỏn con, gọi là cái tình của anh em cùng chiến hào giao thông. Nhưng ở Mỹ như thế này là hối lộ. Mình lại cãi, các ông thế nên các ông nghèo, các ông phải đi xâm lược nước khác cũng phải. Thằng CS Mỹ tự ái, không được xúc phạm nhau. Mình nói, xúc phạm gì đâu, cho 10 đôla không lấy thì nghèo cũng phải thôi. Không lấy thì phạt đi. Bằng lái của ông đâu. Mình nói sang Mỹ chơi, quên bằng ở xóm Bánh Tét rồi. OK. OK. Tên gì? Nguyễn Quang Vinh. OK. Thằng CS cho tên vào máy tính, hòng tìm kiếm lý lịch cá nhân, số tài khoản để ghi biên bản phạt. Tìm mãi, mồ hôi mồ kê vã ra. Mình thông cảm, hỏi, sao thế mày. Thằng CS Mỹ lúng túng. Tìm thấy có tên Banhtet, tên Bọ Vinh, không có tài khoản. Mình cười, nước tao, tiền mặt thiếu gì mà phải tài khoản. Thôi được. OK. Đi đi. Không có dữ liệu để phạt. BB. Chúc khỏe nha.
    Anh Nhàn nãy giờ tái mặt theo dõi cuộc đối đầu lịch sử nay thở phào.

    2.
    Mình chở anh Nhàn chạy vèo vèo qua mấy cái cầu. Anh Nhàn có vẻ rất tự hào khoe, ở Mỹ đây là những cái cầu vĩ đại Vinh ạ. Cầu Vịnh Oakland, dài 5,92km, Cầu Vàng dài 1,280km, khánh thành năm 1937, Cầu San Mateo dài 11,265 km, khánh thành năm 1967Cầu Richmond – San Rafael Bridge dài gần 9km, khánh thành năm 1957.
    Thay mặt nước Mỹ khoe thế mà vẫn thấy Bọ chẳng mảy may cảm xúc. Vinh sao thế. Không sao. Thấy Vinh buồn. Ừ. Có mấy chiếc cầu vớ vẩn mà anh cứ gào lên đầy tự hào là răng? Anh Nhàn tròn xoe mắt, trời ơi, Vinh nói thế nào, anh không hiểu. Cầu ở đây làm bao nhiêu năm như thế vẫn đẹp, vẫn model, vẫn là biểu tượng văn hóa, điểm đến du lịch. Vinh sao thế. Mình thong thả nói. Các ông rời nước Mẹ đi xa, thấy của người ta cái gì cũng khoe, cũng khen. Làm sao bằng cầu Việt Nam ta nào. Thua cả cầu Bánh Tét bên nhà em. Cầu Bánh Tét mới khánh thành xong, hai năm sau, đường hai đầu cầu tụt xuống, mỗi lần xe đi qua nó dần một cái rầm, âm thanh ấy có thể làm người già đứng tim nhưng đó là lời nhắc nhở của ngành giao thông rằng, các bác đang đi qua cầu của chúng em xây, các bác cần nhớ ơn. Ví như cầu Quảng Hải quê mình, kế hoạch xây 2 năm, chỉ làm trong 5 năm thông cầu luôn. Đang làm thì thuyền qua sông chìm, chết 42 người, ngày khánh thành cầu, lãnh đạo náo nức khen thưởng cho thợ cầu đã vì nhân dân mà kéo dài thêm được 3 năm thi công. Đến như cầu Cần Thơ, đang thi công thì sập cái ùm. Thế mới có thương hiệu. Đến như cầu Thanh Trì to lù lù ở Hà Nội, cầu làm xong từ tám hoánh, thế mà người ta không thèm khánh thành đường hai đầu cầu, thế thì nhân dân mới có cơ hội đứng hai bên ngắm cầu to lừng lững chứ. Rồi nữa, ở Mỹ, qua cầu vé cầu chỉ thu một lần. Thu phí qua cầu một lần còn đâu là văn minh. Ở ta mới văn minh. Cái trạm thu phí gần nhà em, đi qua bên kia uống cà phê ở quán một em chân dài, thu phí 10 ngàn, tiền cà phê 5 ngàn, quay lại về với chị gái thu phí 10 ngàn nữa. Thu thế mới sướng. Tổng kết, tiền thu phí qua cầu phà ở Việt Nam rất chi là hiệu quả, chứng minh: Toàn bộ số tiền thu phí trong năm vừa đủ chi trả lương, thưởng cho anh em công nhân. Thế mới gọi là thu phí. Cầu mà đèn đường cứ sáng choang như ban ngày thế này hả nước Mỹ? Ở nước mình, đèn đường ngày khánh thành cầu bật lên chói sáng, sau vài tháng cứ 3 bóng nghỉ giải lao một bóng sáng. Vài năm sau, bóng vỡ toang hoác hết vì bọn trẻ thấy cái bóng cứ nhô ra, đẹp long lanh dưới nắng mặt trời, nên cầm viên đá tiu cái, choang. Sau hai năm đưa vào sử dụng, cầu tối om. Tối om mới gọi là cầu chứ.

    3.
    Anh Nhàn khoe, ô tô ở Mỹ sau khi đăng ký, chỉ cần giữ nguyên số khung, còn nữa, chủ xe có thể làm lại vỏ tùy thích, có xe biến dạng như con cú mèo, như con rùa, như thùng bia hơi, tùy thích. Nước Mỹ người ta thế đấy. Tự do thế đấy. Mình trợn mắt lên làm anh Nhàn phải im bặt. Nước Mỹ sao tự do bằng nước ta. Nước ta í, ra chợ mua cái máy nổ. Về mua mua mấy thanh sắt, hàn hàn, gò gò, đặt ngang cái máy nổ lên, lắp thêm mấy cái bánh lốp phế thải ở gara, thành xe mang thương hiệu CONG NONG. Xe này chạy, ngon trớn, tiếng máy to như tiếng quê hương, đang chạy, nếu không thích, gãy cổ nằm vắt ngang qua đường là chuyện thường. Ở ta, Chính phủ rất nghiêm trong việc loại bỏ các loại xe quá hạn sử dụng. Ở Mỹ cũng thế. Nhưng ở Mỹ, xe hết hạn sử dụng phải mang ra bãi rác, làm thế là rất ngu. Ở ta, xe quá hạn sử dụng cho chạy luôn trên đường, như thế mới gọi là tự do chứ. Chưa hết đâu. Ở ta, còn có xe bán tạp hóa di động, náo nức làng quê. Trên chiếc xe tự chế, người ta chất lên đấy muôn vàn hàng hóa, sau đấy mở cái loa thùng to tổ bố, và hát cải lương: “Em ơi nếu tình không thành thì sao?”. Và bán nước mắm. Ở ta í, thích nhất là đến ngày kiểm định. Ở Mỹ mình lạ gì, vào kiểm định, chỉ cần xe không đạt một trong muôn vàn tiêu chuẩn là loại. Ngu. Nước ta, xe chạy vô kiểm định. Lái xe không theo xe mà theo anh cán bộ kĩ thuật. Anh kĩ thuật không kiểm định kĩ thuật mà kiểm định ví lái xe. Thế mới gọi là kiểm định. Lái xe mà trong ví không có tiền thì sao gọi là ” bác tài”. Đến khi xe hư nát quá, gây tai nạn, các cấp bắt đầu vào cuộc và kết luận: Tại sao xe nát như thế mà vẫn được lưu thông? Lỗi này thuộc CSGT. CSGT ra kết luận: Xe nát vẫn cho lưu thông là hành vi thiếu trách nhiệm của kiểm định. Cơ quan kiểm định ra kết luận: Xe nát vẫn cho lưu thông là do ý thức vô cùng kém của tài xế. Tài xế thở dài kết luận: Là do lúc đó ví mình còn tiền.

    4.
    Mình đưa Nguyễn Quang Nhàn về thăm một làng quê. Bà con nông dân khoe với mình, chúng em sản xuất ra nông sản, Nhà nước mua hết, mua trên giá thị trường, dù giá hạ thì nhà nước vẫn mua trên giá thành. Mình bĩu môi, thế mà cũng khoe, đúng là nước Mỹ tệ thật. Ở ta í, khi nào được mùa là giá hạ, là nghèo, là nợ, thế mới gọi là chỉ đạo kinh doanh chứ. Được mùa thì giàu có, xưa rồi, nói thế thì ai chẳng biết. Được mùa mà lo ngáy ngáy, mà thiếu nợ, mà ăn mày mới là vinh dự tự hào chứ. Nước ta í, tỉ lệ người nghèo thỉnh thoảng lại thay đổi. Làng nào cũng phải bầu người nghèo. Bầu người nghèo là cuộc bầu bán dân chủ nhất. Ai cũng vung tay lên, dứt khoát tôi là người nghèo. Mình đã dự họp nhiều cuộc bầu người nghèo thế này. Có người đứng lên, khóc, các bác ơi, các bác cho em vào danh sách người nghèo lần này, em hứa với các bác, là em chỉ xin nghèo lần nữa thôi. Đến như ở huyện Minh Hóa quê mình, danh sách người nghèo còn có cả gia đình ông Phó Bí thư huyện ủy. Mình hỏi ông trưởng thôn, sao gia đình ông này cũng được nghèo. Ông trưởng thôn hồn nhiên, thôn tôi nghèo, lâu không có chi biếu lãnh đạo quà cáp, nay có đợt bình bầu nhà nghèo, biếu cho nhà ông ấy một suất. Bà con đồng ý rần rần.Tóm lại, sau vài chuyến đi với mình ở Mỹ, blogNguyenQuangNhan thấy mình còn rất lạc hậu, tóm lại là chẳng biết gì. Cũng như nước Mỹ, chẳng biết gì. Mình chán nước Mỹ quá, mình về xóm Bánh Tét thôi. Xa nước lâu ngày, thấy nhớ đường giao thông rộn ràng tiếng chân bò, nhớ những cây cầu mỗi lần chạy xe qua thì nghe rầm một cái, nhớ những dãy đèn đường không bao giờ thèm có điện, nhớ những mùa vụ bội thu ngồi lo thiếu nợ, nhớ lắm, ôi quê hương.
    He he.