(Hôm nay trong quê sẽ mần Lễ to kỷ niệm 410 năm danh xưng hai tiếng Quảng Bình. Viết bài báo gửi vô)
Từ năm 1604, dù tồn tại dưới nhiều tên hành chính khác nhau là phủ, dinh, dinh trực lệ, trấn và tỉnh thì danh xưng “Quảng Bình” đã liên tục được các thể chế phong kiến ở Việt Nam sử dụng. Và tên gọi đó cũng đã liên tục được sử dụng cho đến ngày nay. Nếu xét trên phương diện địa vực hành chính thì thời gian này, Quảng Bình đã định hình trên một phạm vi khá ổn định, song trái ngược với sự ổn định về hành chính thì xét trên phương diện an ninh chính trị và quân sự, trong hai thế kỷ XVII-XVIII, vùng đất Quảng Bình lại là nơi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, là nơi xung đột và tranh chấp của hai thế lực Trịnh và Nguyễn.
Danh xưng Quảng Bình như vậy đã được 410 năm.
Tháng 4 năm nay, tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 410 năm danh xưng.
Quảng Bình- nhân chứng của những va chạm lịch sử.
Là vùng đất giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hoá, lại gắn liền với quá trình giữ nước và mở cõi của cha ông, chính điều này đã tạo cho Quảng Bình một diện mạo văn hóa phong phú và đa dạng, hội đủ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của khu vực Bắc Trung Bộ. Không những thế, Quảng Bình còn có một hệ thống di tích lịch sử minh chứng về một thời khói lửa đạn bom, là nhân chứng đau thương về sự hy sinh của con người nơi đây, như: di tích Thành Đồng Hới, di tích Lũy Thầy, di tích Quảng Bình Quan, di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa với chi chít những vết đạn bom - thể hiện rõ nét về sự tàn ác của bọn đế quốc, Đèo Ngang là ranh giới Đất nước thời Đại Việt và Chiêm
Thành, Sông Gianh là ranh giới của đất nước thời Trịnh - Nguyễn phân tranh...
Từ năm 1627 đến năm 1672, họ Trịnh và họ Nguyễn đã giao tranh liên tục với nhau 7 lần: Lần thứ nhất năm 1627; lần thứ hai năm 1633; lần thứ ba năm 1643; lần thứ tư năm 1648; lần thứ năm 1655-1660; lần thứ sáu năm 1662; và lần thứ bảy là năm 1672. Và trong 45 năm chiến sự, vùng đất Quảng Bình trở thành chiến trường giao tranh chính. Và trong thời gian tiếp sau đó, vùng đất này luôn được coi là điểm “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nổ ra chiến sự.
Để đề phòng sự tấn công của chúa Trịnh từ phía Bắc, các chúa Nguyễn đã xây dựng tại Quảng Bình một hệ thống phòng lũy kiên cố. “Canh Ngọ, năm 1630, mùa xuân, tháng 3, đắp lũy Trường Dục (thuộc huyện Phong Lộc, Quảng Bình)… hơn một tháng thì xong” ; “Tân Mùi, năm 1631, mùa thu, tháng 8, lũy Nhật Lệ (tức là trường thành Quảng Bình ngày nay) đắp xong. Lúc đầu là chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế núi sông. Bọn Duy Từ đến Quảng Bình xét biết hết những hình trạng cao thấp rộng hẹp. Khi về Đào Duy Từ nói với chúa rằng: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy Trường Dục”. Chúa ngại khó. Duy Từ nhân cáo ốm, thác ý vào những bài ngâm vịnh để ví, lời rất khích thiết. Chúa liền làm cho. Duy Từ với Hữu Dật trông coi công việc. Duy Từ đến, tính công họp dân để khởi công đắp không lũy dài. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 30 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn.
Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc. Lại đặt xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lê và Minh Linh” ; “Quý Dậu, năm 1633, trấn thủ Nguyễn Phúc Kiều xin đóng cọc gỗ để chặn cửa biển. Nguyễn Hữu Dật xin đắp lũy Trường Sa để bảo vệ lũy chính. Chúa đều theo cả” . Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 1630 đến năm 1633, một hệ thống lũy phòng ngự kiên cố đã được xây đắp xong tại địa bàn của Quảng Bình, đây là không chỉ là hệ thống phòng ngự quan trọng của chính quyền Đàng Trong trong thế cuộc đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, mà cũng từ đây một ranh giới cố định đã được định hình để chia cắt hai miền Nam Bắc trong trong gần 200 năm.
Nhưng đặc biệt nhất với Quảng Bình vẫn là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong đó, với cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình trở thành vùng tuyến lửa, là hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam,là nơi thử thách gian nan nhất, khốc liệt nhất nhưng cũng anh hùng nhất.
Nếu tính gộp cả hai lần chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã cho đủ các loại máy bay đánh vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52) với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người. Đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà. Trong khói lửa chiến tranh hủy diệt của kẻ thù, Quảng Bình đã rất xứng đáng với sứ mệnh mà cả nước giao phó. Vừa là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.
Suốt theo chiều dài lịch sử, vùng đất này đã hình thành nên nhiều làng văn hoá nổi tiếng “Bát danh hương” - “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim” và đã đào luyện, hun đúc, sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, danh nhân với những tố chất cao quý và đặc biệt xuất chúng trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa - xã hội như: Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phạm Tuân, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp... Nhiều danh nhân trong cả nước đến với vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt” này và đã có nhiều công lao to lớn đặc biệt quan trọng, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Quảng Bình như: Lý Thường Kiệt, Hoàng Hối Khanh, Hồ Cưỡng, Đào Duy Từ, Phan Thúc Duyện... Họ là những bậc tinh anh, hiền tài, là hào quang tỏa sáng muôn đời, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, mãi mãi là niềm tự hào của Dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Quảng Bình.
Những lời thề viết bằng máu
Vào tháng 5 năm 1965, tại trận địa Ca Tang ở huyện Tuyên Hóa, đại đội pháo cao xạ của bộ đội đã chiến đấu quyết liệt với máy bay Mỹ. Và đại đội trưởng Nguyễn Viết Xuân dù bị thương gãy tay, đã yêu cầu đồng đội dùng dao cắt đứt rời cánh tay của mình để tiếp tục chỉ huy chiến đấu với lời thề vang vọng đến nhiều thế hệ " Nhằm thẳng quân thù. Bắn". Sau Nguyễn Viết Xuân, có mẹ Choàng ở xã Quảng Thuận huyện Quảng Trạch, ngày đêm huy động mọi lực lượng giúp đỡ bộ đội, tháo nhà lót đường cho xe bộ đội vượt qua qua bến phà Gianh và chính mẹ đã nói ra một lời thề nổi tiếng" Xe chưa qua nhà không tiếc". Sau đó, từ câu nói của mẹ Choàng, lực lượng thanh niên xung phong ở Trường Sơn đã khắc lên vách đá tai mèo một câu thề bất tử " Xe chưa qua nhà không tiếc". Đường chưa thông không tiếc máu xương". Thôn quê, làng xã sinh ra lời thề nghe rất dân giã nhưng thấm đẫm ý thức cách mạng thời chiến tranh :" Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại". Nhớ lại thời đó, khi tàu Hồng Kì của nhân dân Trung Quiốc chở hàng trăm tấn gạo giúp nhân dân Quảng Bình đỗ tại đảo Hòn La. Máy bay Mỹ vây ráp suốt ngày đêm, bom thủy lôi, từ trường thả xuống, tạo thành vòng vây bao quanh tàu. Không có cách nào có thể ra lấy gạo được. Người ta quyết định thả hàng trăm tấn gạo xuống biển cho sóng đánh vào đất liền. Các xã ven biển như Quảng Đông, Quảng Xuân,. Quảng Kim, Quảng Phúc, Thanh Trạch, gạo tấp vào bờ nhiều vô kể. Ngày đó, cái đói đổ ập xuống trên đầu dân. Gạo hết, khoai hết, có nơi phải xào cả xương rồng ăn với cháo loãng.
Nhưng tất cả những bao gạo thả trôi vaò bờ, nhân dân đều giao hết cho chính quyền, không sót một bao nào. Điều ấy chỉ có thể có được ở một vùng đất lửa khi mà mục tiêu giải phóng đất nước đặt cao hơn nghìn lần quyền lợn ích kỉ của cá nhân mình. Vì thế mà Đảng bộ Quảng Bình mới có những lời thề với dân, ghi nhận công sức của nhân dân:' Dân là vàng mười" " Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". "Bám làng mà chiến đấu, bám ruộng mà sản xuất", Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay chèo tay súng", Hợp tác xã là pháo đài, chi bộ là cốt thép, nhân dân là chiến sĩ", "Tiếng hát át tiếng bom", " Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", " Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm" " Địch đánh rừng già ta ra rừng non, địch đánh rừng non ta ra bãi trọc, địch đánh bãi trọc ta bám mặt đường"...Những lời thề như vậy sinh ra từ máu, từ sự hy sinh vô cùng vô tận cho đất nước. Đến Quảng Bình, người ta có thể rẽ vào bất cứ một gia đình nào cũng nghe kể về sự hy sinh đổ máu của người thân. Đến Quảng Bình, gặp bất cứ người nào vào tuổi 50, cũng đều được nghe những câu chuyện truyền kì về những năm chống Mỹ. Một mảnh đất như vậy thực sự là một mảnh đất thép. Chỉ có những con người thép mới sinh ra những lời thề thép vang vọng đến mọi thế hệ.
Trong ngày lễ trọng mừng danh xưng 410 năm của năm nay, Quảng Bình còn có một vinh dự lớn, là nơi mà Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã chọn để an nghỉ cuối đời mình, và ngay ở phía bắc của tỉnh, khu mộ Đại tướng trở thành một địa chỉ tâm linh hết sức đặc biệt.
Hàng ngày, hàng ngàn lượt du khách vào viếng mộ Đại tướng, từ khu mộ, có thể nhìn thấy dọc dài hình hài Quảng Bình uốn cong theo bờ biển Đông, và hình như từ tầm cao ở khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bắt đầu cho một lời thề thứ nhất mà ông đã gửi lại cho cháu con: Dĩ công vi thượng.