Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

DẺ QUÊ

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 23:57
  • Chia sẻ bài này >


  • DẺ QUÊ
      Cứ vào dịp cuối năm, một chút gió heo may, một chút mưa rất nhẹ, không gian đang chuyển sang xuân, như thế là vào mùa dẻ ra hoa. Năm nào tôi cũng lên rừng dẻ Quảng Lưu và ngắm dẻ ra hoa. Hoa dẻ nở bung ra bé xíu như đồng tiền, trắng phau, cả rừng dẻ bùng lên một màu trắng của hoa trông như đêm qua tuyết mới rơi, còn đọng lại chút bông tuyết trên những ngách lá xanh thẩm. Hoa dẻ ra vào đầu mùa xuân. Một cây dẻ nhìn thấy cả một vòm hoa trắng xoá đã sướng mắt. Một rừng dẻ 2000 hecta như rừng dẻ xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)- rừng dẻ được chính nhân dân tự bảo vệ và chăm sóc- là cả một vòm trời hoa trắng, nở bung ra sức lực, tê dại mắt nhìn.
    Dẻ nở hoa là dẻ đang vào mùa hứng tình. Nhưng bông hoa trắng ấy, nhuỵ đực nhuỵ cái bay bay trong làn gió xuân, hoan lạc với nhau trong gió xuân, rồi đâu chừng nửa tháng hơn, hoa rụng hết, những cánh hoa rãi thảm trắng trên đất rừng, như những nụ hôn yêu rụng xuống để đợi mùa sinh nở. Tôi đã từng ngây người nhìn những bông hoa thả nhuỵ đực nhuỵ cái ra giữa gió trời se lạnh, trong một chút nắng hiếm, vàng óng như mật ong. Những nhuỵ đực nhuỵ cái vờn nhau trên cao, đuổi nhau, níu nhau, chạm vào nhau rồi lại bay xa nhau, đó là khi nhuỵ hoa đáng hứng tình. Những cuộc hoan lạc như thế tự do giữa thanh thiên bạch nhật, tự do trong gió, tự do như vậy nên nhuỵ đực nhuỵ cái khi chạm vào nhau thì cho hết và nhận hết. Không ồn ào, không một tiếng động, chỉ có gió đưa cánh rừng xào xạc lá, chỉ có gió như ru như dồn nén thêm nỗi khát thèm dục tình của nhuỵ đực nhuỵ cái để rồi trong khoảng nửa tháng, cả rừng dẻ bạt ngàn những cuộc tình mãnh liệt. Sau cuộc hứng tình mạnh mẽ và hoan lạc ấy, những cánh hoa mệt nhoài rơi xuống. Tôi đứng giữa rừng dẻ, đứng lặng, và cảm động nhìn những cánh hoa dẻ rơi xuống, đậu trên vai, trên tóc, trên chân, trên lối đi. Còn trên cao kia, nụ trái đã hé ra nhỏ xinh bé xíu nhưng vững chắc, náu mình trong những ngách lá, được chở che với những chùm lá dẻ xanh và dày. Kỳ lạ chưa, đến mùa thu sang năm, tức là khoảng 9 tháng, từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt dẻ non. Cứ như vòng đời của thai nhi trong bụng mẹ. Cứ như dẻ cũng mang nặng đẻ đau 9 tháng như người đàn bà. Cái chùm quả dẻ non ấy lớn dần trong nắng ấm. Đến khi chớm vào mùa đông thì hạt dẻ đã cứng cáp lắm, lại được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, cho đến khi hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, tự rơi xuống đất. Cây dẻ thả mầm sống mình đã mang nặng đẻ đau 9 tháng ấy xuống đất, hào phóng, và im lặng nhìn những người nông dân hồ hởi ới nhau vào rừng "ăn" hạt dẻ. Thế là xong một kỳ ra hoa kết trái. Hạt dẻ ấy theo người về từng bếp lửa. Ngồi bên bếp lửa giữa mà đông tháng giá, trên lửa là cái chảo gang. Hạt dẻ được rang cho vỏ sém vàng là vừa đủ. Mang xuống, ủ trong bao tải, trong giấy báo, nóng cả ngày. Ở các chợ quê, hạt dẻ bán cho trẻ con, cho học sinh, cho thanh niên. Ai đứng ra thống kê đã có bao nhiêu đôi yêu ở làng quê tôi dùng hạt dẻ làm quà nhau, dùng hạt dẻ để đưa đẩy những lời thề thốt. Anh nắm hạt dẻ đặt vào bàn tay em, hạt dẻ nóng rực trong bàn tay chúng mình như lời yêu sắp thốt ra. Đi xa, đến mùa đông, chợt thấy buồn, chợt thấy bàn tay trống trãi và lạnh lẽo lại nhớ nắm hạt dẻ mẹ rang thời trẻ con. Mỗi hạt dẻ như mang theo một chút lửa của bếp lửa nhà mình, không quên được. Năm nay tôi lại về rừng dẻ xã Quảng Lưu. Thắp nén hương cho mộ cụ Nguyễn Hàm Ninh. Xã Quảng Lưu là quê hương cụ Nguyễn Hàm Ninh - Danh nhân văn hóa nước nhà, người từng là Thái sư triều Nguyễn, thầy dạy vua Thiệu Trị. Đến thời vua Tự Đức, cụ được bổ nhiệm làm quan Án sát một tỉnh Nam Trung bộ. Chuyện kể rằng, một hôm vua Tự Đức mở tiệc khoản đãi đại thần, cụ cũng được mời. Đang tiệc, vua cắn nhầm lưỡi và láu cá lấy đó ra đề thơ cho các quan. Ai có thơ hay sẽ được thưởng mỗi câu 10 lạng bạc. Lớn bé trong triều đều im lặng, duy có cụ Nguyễn đọc mấy câu: "Thuở bác sinh ra, chú chửa sinh. Từ sinh ra chú, bác làm anh. Ngọt bùi, cay đắng từng chia sẻ. Cốt nhục đan tâm nghiến đứt tình!". Vua khen thơ hay cả lời lẫn ý và thưởng 40 lạng bạc; nhưng rồi lại hạ lệnh phạt cụ 40 roi. Nguyên do là vị vua sính thơ văn này hiểu bài thơ muốn ám chỉ chuyện ông nghe lời gièm pha mà định chém anh ruột là Thiệu Bảo. Cụ Nguyễn ung dung... tuột quần chờ phạt. Vua Tự Đức giận quá định xử chém, nhưng ngại mang tiếng chém thầy dạy cha mình nên đánh 40 roi rồi trả về quê làm thứ dân. Suốt đời, cụ Nguyễn Hàm Ninh đã tạo nên một sự nghiệp thơ văn khá lừng lẫy, mang đậm lối sống của một kẻ sĩ trọng đạo lý, nghĩa tình mà khinh cường quyền. Mộ của cụ chính do cụ tự chọn đất. Cụ Nguyễn Hàm Ninh đã chọn cho mình nơi an nghỉ quá đắc địa. Đầu hướng về rừng dẻ bạt ngàn bông hoa nở trắng, chân hướng về hồ nước Vân Tiền trong vắt. Cụ nằm đó, thảnh thơi, thụ hưởng cái mùi hương rất nhẹ, thơm nhẹ của màu hoa dẻ. Và bây giờ trên mộ cụ, lại trắng xoá một lớp hoa dẻ trắng. Cụ sống thanh cao. Khi nằm xuống, ngôi mộ cũng thanh cao như đời cụ. Đến mùa nhặt hạt dẻ, lũ trẻ con lại kiếm nắm củi khô, ngồi trong góc mộ của Cụ để đốt lửa, nướng hạt dẻ ăn. Cụ nằm giữa rừng, tưởng vắng vẻ mà gần gũi, tưởng xa cách mà ấm áp. Rừng dẻ không những tạo nên cảnh quan. Rừng dẻ còn là tài sản quý báu của bà con trong xã. Mỗi mùa dẻ, bà con thu hoạch hạt dẻ từ cánh rừng này bán ra thị trường thu về gần cả tỷ bạc. Nhiều đoàn Trung ương về tham quan đều thốt lên ngạc nhiên trước cánh rừng dẻ do chính nhân dân tự giác bảo vệ. Nhiều dự án trồng cây phá sản. Nhưng rừng dẻ Quảng Lưu không có một đồng tiền nào hỗ trợ của nhà nước vẫn sum suê suốt gần 20 năm nay, không mất một cái cành nhỏ. Tôi lại lang thang trên những con đường mòn trong cánh rừng. Ngây ngất giữa bát ngát một vòm trời hoa dẻ trắng. Miên man nhớ lại bao kỷ niệm thương yêu của tuổi ấu thơ. Nhớ lắm cái túi áo học trò, mùa động rét mướt vẫn ấm rực lên bởi nắm hạt dẻ mẹ rang cho mang theo để ăn dọc đường đến lớp. Nhớ lắm nắm hạt dẻ nóng trong bàn tay bé xíu của tuổi mới lớn, dấm dúi vào tay bạn gái dưới một vòm tre góc làng quê nhỏ. Nhớ lắm ngày sơ tán, đói kém, mẹ lui hui rang hạt dẻ, bóc vỏ, lại giã nhỏ với muối để ăn với cơm thay muối vừng. Nhớ lắm cảnh mẹ ngồi bệt trên đất, trước mặt là rá hạt dẻ rang chín, ủ trong cái mảnh chăn cũ, bán mỗi lon mấy hào lẻ dưới cái lạnh tê tái và mưa phùn. Tôi đã từng mua hạt giẻ bán ở Thủ đô, hạt dẻ to như ngón tay cái, người ta bảo là dẻ Trùng Khánh. dẻ này là dẻ ngoại tình, không phải dẻ quê tôi; hạt dẻ quê bé hơn, thơm hơn, bùi hơn... Hình như cái hạt dẻ bé xíu ấy sinh ra trên đời cốt không phải nuôi sống con người mà níu giữ cho con người bên mình, bên rừng, bên bếp lửa, níu giữ cho con người những kỳ niệm. Hình như cái hạt dẻ quê có lớp vỏ ngoài xù xì ấy lại có thể khiến ta nâng niu như nâng niu tuổi thơ mình, nâng niu kỷ niệm. Cánh rừng dẻ xã Quảng Lưu còn ghi được một kỷ lục: Rừng dẻ tự nhiên duy nhất ở nước Việt. Cánh rừng dẻ Quảng Lưu còn ghi được một khẳng định: nếu lòng dân thuận, thì ngay cánh rừng đại ngàn sát nách nhà mình cũng mãi mãi được gìn giữ, không cần dự án, không cần kiểm lâm, không cần họp hành. Hãy sẽ sàng những bước chân. Rừng dẻ đang ra hoa. Một cuộc tình đang ra hoa. Như mùa xuân này, trên đất nước tôi, ngàn vạn cuộc tình cũng đang mùa ra hoa và hẹn mùa thu năm sau những đứa con của đất sẽ chào đời, tròn trĩnh, bụ bẫm như những hạt dẻ này.