Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

LỜI THỀ- TIỂU THUYẾT (Phần 1)

By: Unknown On: 12:47
  • Chia sẻ bài này >
  • LỜI THỀ
    Tiểu thuyết của nhà văn
    NGUYỄN QUANG VINH


    … “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…”
    Trích sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa


    Nhà văn không tạo ra được chứng cứ bản đồ, thư tịch, nhà văn đồng hành với thân phận con người. Cuốn tiểu thuyết này là luận chứng về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo cát vàng mà hậu thế đặt tên là HOÀNG SA. Cuốn tiểu thuyết này ghi lại lời kể của những sinh linh đã sống, đã chết, đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên Hoàng Sa, những sinh linh gốc Việt. Cương giới Việt ở đây là bằng xương cốt của nhiều thế hệ, vì thế nên cát mới vàng, màu vàng của xương cốt, của hồn vía, tầng tầng lớp lớp xương cốt Việt ở đây đã dẫn đường cho nhà văn tìm đến, để nghe họ kể lại, và ghi ra đây bằng tất cả những gì mà nhà văn cảm được, thấy được, nghe được. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu lần theo những dấu chân người Việt cổ đầu tiên đặt lên quần đảo cát vàng, khi ấy quần đảo hoang vu, quần đảo mồ côi mà người Việt đã phát hiện, đã đặt tên, đã đưa hình hài nó vào hình hài Tổ Quốc. 

    1.
    Hoàng đế nước Việt, thời Vua Lý Công Uẩn ra sắc chỉ, nghe những người đi biển bị bão cuốn, sóng dập mà may mắn không chết về kể lại, thì ngoài khơi xa, cách đất liền mấy trăm dặm, có một dải đảo cát vàng, vì xa xôi cách trở mà nước Việt chưa đặt chân tới để đưa vào bản đồ đất nước. Nay ra sắc chỉ giao cho một đội thuyền, cứ nhằm hướng đông mà tới, cắm mốc cương giới, lập ấp, rồi gửi tin tức về đất liền. Đội thuyền giao cho Đô tướng Lý Nhất cầm đầu, lại mang theo 200 người, đội thuyền 10 chiếc, lương thảo mang đủ cho ba tháng, được quyền mang theo mấy nữ nhi phục dịch nấu nướng, khi tới nơi thì theo hướng gió mà khắc dấu vào gỗ, vào ván, vào thân cây thả trôi về đất liền báo tin.
    Đô tướng Lý Nhất cho thuyền xuất bến nhằm ngày 1 tháng 11 năm 1011.
    Bọn thủy binh hỏi, sao lại chọn ngày ấy, Đô tướng Lý Nhất nói, nhìn trời thấy có một sao sáng đứng cao trên một đám mây, quanh đó có hàng ngàn vì sao khác xúm xít, vui vầy, thấy vận nước tốt, thời tiết tốt, hướng gió tốt thì đi thôi, không hỏi.
    Ngoài mấy trăm thủy binh, Đô tướng Lý Nhất chọn được năm nữ nhi cao ráo, mông chắc, vú chắc, tóc dài đen, xem thầy tướng thì nói giống đàn bà này mắn đẻ. Rắp tâm trong đầu Đô tướng, việc đi khó có ngày trở lại, nên phải chọn được đàn bà tốt, đẻ tốt, ra đấy lập làng, lập ấp, dần dần sinh con đẻ cái, đưa cương giới Việt ra ngoài khơi xa, giữ cương giới Việt bắt đầu từ sinh con đẻ cái, không có đàn bà không có gia đình, không có trẻ con không có làng.
    Hoàng đế đích thân ra tận bến sông tiễn chân đoàn thuyền ra khơi. Hoàng đế hỏi Đô tướng Lý Nhất, đội thuyền chuẩn bị như vậy đủ chưa? Đô tướng bẩm đủ. Hoàng đế nói, biển cả mêng mông, tai họa khó lường, liệu có đi tới nơi an toàn không? Đô tướng bẩm, xui xẻo lắm cũng phải có một thuyền tới đảo. Hoàng đế nói, ta tin, tới nơi thì làm sao báo tin? Đô tướng bẩm, có trời, có nước, có cây có cối thì báo tin được. Hoàng đế nâng một chung rượu, chúc phúc cho Đô tướng Lý Nhất và đoàn thủy binh hanh thông trong chuyến đi xa xôi và nguy hiểm.
    Đô tướng Lý Nhất chuẩn bị lương thảo, nước uống, không quên chuẩn bị cả giống cây, không quên chuẩn bị những bó tre chẻ dài thành nẹp, để nếu ai chết thì nẹp tre quanh người thả  trôi về đất liền, không quên mang theo cờ xí, không quên mang theo cả đất sét, mang theo cả vũ khí, sắt thép, vải vóc, không quên mang theo cả thú nuôi, đoàn thuyền như cuộc hành hương chuyển làng.
    Đi ngày thứ nhất, đất liền mờ xa, thành Thăng Long mờ xa, những đỉnh núi chỉ còn những hình màu xanh đậm, phía trước thì trùng trùng sóng cả. Đi tới ngày thứ năm thì không còn thấy đâu là bến bờ. Cứ qua một khắc giờ, Đô tướng Lý Nhất lại cho người đánh một hồi trống, một hồi chiêng la, lại thả xuống biển một bó tre khắc ngày khắc tháng khắc năm và khắc cả tên mình cùng thủy binh trên 10 con thuyền.
    Năm ả đàn bà suốt ngày lo nấu nướng. Con thuyền của Đô tướng Lý Nhất là to nhất, chắc nhất, thuyền được khoét từ một cây gỗ lớn, cây gỗ mấy chục người ôm mới xuể, sóng to gió lớn mấy cũng không làm vỡ thuyền, nếu bị lật úp, thuyền trở thành cái phao lớn, con người vẫn có thể bám lấy mà sống sót. Năm ả đàn bà ở trên thuyền lớn, nấu nướng, phục dịch, đến giờ ăn thì thả thức ăn vào thúng, cho trôi về những con thuyền lân cận. Đêm, Đô tướng Lý Nhất đi kiểm tra, thấy năm ả đàn bà nằm ườn người bên nhau, ả nào cũng béo tốt, trắng trẻo, xinh xắn, rắn chắc, Đô tướng mấy lần nuốt nước bọt rồi tự hứa, lúc nào tới đảo thì tự thưởng cho mình và những thủy binh những ả đàn bà kia, giờ thì không phải lúc.
    Trong năm ả đàn bà đó có một ả tên là Thắm, họ Lý. Ả này đẹp, mắt sắc, tóc dài, chân dài, ngực nở. Nửa đêm ả mò tới phòng riêng của Đô tướng Lý Nhất. Đô tướng thấy động vùng dậy tuốt gươm sáng bóng đưa phía trước mặt ngăn chặn bóng đen đang sà tới. Mũi gươm chạm vào bầu vú của ả Thắm.
    Ả Thắm nói:
    -Chàng định giết em?
    Đô tướng nói:
    -Không có chuyện đang đêm lại mò đi như thế, nếu chết không oan.
    Ả Thắm cười cười:
    -Chàng cứ vậy mà ngủ sao? Em nghe nói, bọn em được chọn để phục vụ chàng, chàng giết bọn em thì còn đàn bà đâu phục vụ.
    Đô tướng tra gươm vào bao, nói:
    -Nàng không nên tới đây.
    -Tại sao?
    -Chỗ của nàng là ở hầm tàu.
    -Không. Chỗ của em là nằm trên bụng chàng. Đàn bà ban đêm phải nằm trên bụng đàn ông mới là đàn bà. Chàng tuyển em lên đây, lại để em nằm vò võ là không đúng.
    -Nhưng chưa tới đảo thì không ai được đụng đến các nàng, kể cả ta.
    -Chàng tin là sẽ ra tới đảo ư?
    -Ta tin.
    -Chàng tin là cả đoàn thuyền này sẽ sống sót ư?
    -Ta tin, ít nhất cũng sống sót vài người.
    -Vài người? Vài người là ai, có em, có chàng chứ?
    -Chưa chắc lắm.
    -Biết chết sao chàng vẫn đi.
    -Lệnh Hoàng đế, không ai được chống lại.
    -Lệnh Hoàng đế ban dù biết chết cũng đi ư?
    -Đúng vậy. Hoàng đế giao ta dẫn đoàn thuyền ra đảo Cát Vàng, mở rộng cương giới, ai chống lệnh là phạm trọng tội.
    -Thế đêm nay em đến với chàng có phạm trọng tội không?
    Đô tướng Lý Nhất lúng túng không biết trả lời thế nào.
    Lý Thắm sà tới, bước chân của nàng bước tới, váy xống, yếm đào rơi lả tả như lá vàng, cho tới khi tay nàng chạm vào người Đô tướng thì trên người nàng đã trần truồng, thân thể nàng thơm phức, da nàng ánh sáng, cái mông rắn chắc của nàng bắt đầu trèo lên thân thể Đô tướng.
    -Đêm nay chàng phải ôm em, chàng phải có con với em.
    -Tại sao? Đô tướng hỏi.
    -Như chàng nói, chuyến đi chết nhiều hơn sống. Em thế này, chàng thế kia, chết mà không biết về nhau, không nằm được lên nhau, chết thế uổng lắm.
    -Phải phải, nàng nói phải. Nhưng sao nàng lại tìm ta mà không tìm người khác?
    -Đàn bà biết đàn ông nào cần cho mình. Đàn ông ngu muội hơn, thấy con đàn bà nào cũng như con đàn bà nào.
    Đô tướng cười.
    -Đàn bà biết chọn giống. Đàn ông ngu muội biết nằm lên đàn bà mà không cần biết đàn bà thuộc giống tốt hay xấu. Em là giống tốt. Chàng là giống tốt. Em tìm đến chàng.
    Đô tướng đưa bàn tay to lớn, mạnh mẽ nắm chắc lấy bầu vú Lý Thắm, nhay qua nhay về như vặn dây chão thuyền, gật gù:
    -Đúng là giống tốt. Nếu ta lên đảo an toàn, nàng sẽ làm vợ ta. Nàng sẽ đẻ con cho ta.
    -Như vậy là em không còn đường về đất liền?
    -Ra tới đảo, ở đó, sinh con đẻ cái, đảo sẽ là đất liền. Ta sẽ cho nàng sung sướng. Ra tới đảo thì đảo là của Hoàng đế, phải giữ, ai bỏ đi là trọng tội.
    Lý Thắm cong cớn người trước mặt Đô tướng. Đô tướng Lý Nhất kéo khố vứt đi rồi đứng dậy, lao thẳng vào Lý Thắm mạnh mẽ như con voi đực lao vào con voi cái. Con thuyền nghiêng qua bên phải, rồi nghiêng qua bên trái, rồi dập dềnh, bọn thủy binh đang chèo thuyền không hiểu có chuyện gì, hô hoán lên là sắp gặp sóng ngầm. Gần một giờ sau, Đội Nhất vật ngửa ra trên người Lý Thắm thở. Con thuyền lấy lại cân bằng. Lý Thắm gạt từng dòng mồ hôi chảy dài trên tấm lưng to lớn, đen trùi trũi của Lý Nhất khen:
    -Giống chàng tốt thật.
    Lý Nhất cắn vào tai Lý Thắm:
    -Giống nàng cũng tốt, chỗ nào cũng nóng như lửa, e có thể đốt cháy ta thành than.
    Lý Thắm nói:
    -Nếu còn sống ra tới đảo, chàng hãy cho em làm vợ chàng, vợ nhất.
    -Tất nhiên rồi.
    -Chàng hãy cho em cai quản cả lũ đàn bà.
    -Tất nhiên rồi.
    -Nếu đẻ con, em phải là người đẻ con trước.
    -Tất nhiên như vậy.
    -Nhưng chàng cũng phải ngủ với mấy ả kia chứ? Họ là của chàng. Chàng phải ngủ với họ trước khi trao họ cho kẻ khác?
    -Tất nhiên như vậy rồi.
    -Đi với chàng, coi như em phó thác mạng sống cho chàng. Chàng không được bỏ rơi em.
    -Hẳn rồi.
    -Nhưng ở đảo ấy toàn cát. Lấy chi sống?
    -Cá dưới biển.
    -Rồi áo quần, rồi nhà cửa, rồi nhiều thứ nữa, lấy ở đâu?
    -Không biết.
    -Rồi đẻ đái, rồi đau ốm, làm sao?
    -Không biết.
    -Sao chàng phó thác mạng sống của mình vào cái nơi nguy hiểm như thế?
    -Lệnh Hoàng đế giao ta đi mở cõi, từ chối là phạm trọng tội, tìm được đảo,  nước Việt thêm đất, cõi nước Việt thêm rộng, cương giới nước Việt thêm xa, mệnh nước vì thế sẽ thêm mạnh. Không nói nữa, về đi.
    Lý Thắm mang váy xống, thắt yếm rồi về.
    Đúng lúc Lý Thắm thắt xong dây yếm cuối cùng thì biển nổi sóng, gió thổi, mưa tạt, trời đất tối đen mù mịt. Tiếng la hét. Tiếng chiêng trống báo động. Đô  tướng Lý Nhất đẩy Lý Thắm vào sâu trong góc phòng rồi lao lên mặt thuyền.
    Biển đầy ánh chớp.
    Những ánh chớp như những lưỡi kiếm tử thần sáng chói, sắc ngọt chém xa xả xuống không trung.
    Quanh đấy, đoàn thuyền bị biển nuốt chửng, mù mịt trong sóng lớn, những con sóng lừng lững lao tới, đẩy cả đoàn thuyền lên rất cao, chới với rồi đột ngột đè dúi xuống.
    Đô tướng Lý Nhất cố tìm trong bạt ngàn sóng cả đoàn thuyền của mình. Chỉ nghe tiếng va đập của sóng biển. Chỉ nghe tiếng ván gỗ gãy răng rắc. Chỉ nghe những tiếng kêu cứu dậy vang khắp bốn phương tám hướng. Chỉ nghe tiếng gió hùi hụi quất tơi tả vào mặt, xé nát cánh buồm, bẻ gãy cả chân chèo.
    Bão biển bất ngờ, không nằm trong quy luật, không nằm trong kinh nghiệm đi biển dạn dày của Lý Nhất.
    Hay là ý trời? Thêm một hòn đảo cho nước Việt là phải đổi mạng sống của hàng trăm thủy binh chăng?
    Lý Thắm bò lên, níu lấy chân Lý Nhất la lớn:
    -Có sống được không?
    -Sống.
    -Các thuyền khác sống được không?
    -Không.
    -Sao biết chết vẫn đi?
    -Không đi là phạm trọng tội. Xuống dưới kia.
    Con thuyền lớn của Đô tướng Lý Nhất tơi tả, nằm xoài trên biển mất hết phương hướng, mất hết sức lực. Mấy chục thủy binh sau mấy giờ chống chọi với bão biển, tất cả đều bị hất xuống biển, còn lại Lý Nhất và hai thủy binh nữa sống sót. Cho kiểm tra mấy ả đàn bà thì cả bốn ả đàn bà cũng bị hất xuống biển. Chín con thuyền nhỏ đi kèm cũng mất hút giữa biển khơi.
    Đô tướng Lý Nhất đứng trơ trơ nhìn bốn chung quanh, sống lưng thấy lạnh.
    Đột ngột, con thuyền như vấp phải cái gì đó, đứng khựng.
    Mờ sáng. Mở òa trước mắt Lý Nhất là dải cát vàng, ánh lên trong nắng.
    Lý Nhất muốn reo lên vì đã tới nơi nhưng tiếng reo của ông bị chẹn lại bởi một nỗi đau: gần 200 thủy binh và 4 ả đàn bà mất tích.
    Lý Nhất cầm tay Lý Thắm bước lên đảo. Cạnh ông là hai thủy binh sống sót.
    Đích đã tới. Đảo đã có. Nhưng nhìn qua nhìn lại chỉ còn ba thằng đàn ông và một ả đàn bà trên dải cát vàng vắng ngơ vắng ngắt.
    Lý Nhất không còn vẻ của một dũng binh khí phách. Vàng ngợp lên trước mặt họ là những dải cát chạy lô xô, lúc phình ra, lúc thắt lại và cảm giác như là không phải chỉ có một hòn đảo, mà trùng điệp kéo nhau đến ngút tầm mắt.
    Hoang vắng.
    Gió thổi xô cát lăn lào xào dưới chân. Xa lắm, tít tầm mắt có những chỏm cây, lá không xanh mà màu bàng bạc. Tiếng sóng biển nghe quá lớn, cộng với tiếng gió rít, cộng với không gian quá hoang vu, khiến cả nhóm níu lại bên nhau, không ai dám di chuyển. Ngó về phía đất liền, chỉ còn những áng mây trắng đùn lên cuồn cuộn trôi, ngỡ như đang đứng trên chót vót mây trời. Ngó bốn bề biển xanh ngắt, ngỡ như đang lọt thỏm giữa một vũ trụ nước.
    Hai thủy binh còn sống sót quay đầu qua lại, mặt xanh, môi tái, đôi mắt vằn lên nỗi sợ hãi và vô vọng.
    Lý Thắm mếu máo:
    -Đây là đâu hở trời?
    Không ai trả lời. Đô tướng Lý Nhất cầm trên tay mảnh ván thuyền, im lặng nhìn đất, nhìn cát, nhìn trời, nhìn biển.
    Lý Thắm gào lên với Lý Nhất, mắt nàng đẫm nước:
    -Chàng nói đi chứ? Sao tất cả đều câm lặng? Đây là đâu?
    Lý Nhất nói từng tiếng rõ ràng:
    -Đất của nước Việt.
    Lý Thắm như không hiểu, vẫn hỏi:
    -Vùng đất chết? Hòn đảo chết? Đất hoang, đảo hoang, ta đã tới đâu đây? Nói đi, chàng nói thật với em đi, đây là đâu?
    Đô tướng Lý Nhất cắm phập miếng ván thuyền xuống cát:
    -Đây là  nước Việt mình. Cương giới nước Việt mình kéo ra tới đây. Mảnh ván này là mốc giới, cắm mảnh ván này xuống, treo lên đó thẻ bài Hoàng đế, đây là đất của mình.
    Rồi trong khi mọi người đang ngơ ngác, Đô tướng Lý Nhất quỳ xuống, ngửa mặt lên trời cao, nước mắt đầm đìa:
    -Lạy trời cao… Lạy đất dày… Hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế, Đô tướng Lý Nhất tôi đã đưa anh em ra tận đảo cát vàng này, cắm mốc cương giới tại đảo cát vàng, chết gần 200 thủy binh, mất 10 thuyền lớn, còn 4 mạng người, nhưng đã tới đảo cát vàng, đã hoàn thành sứ mạng. Đội Nhất tôi ơn tổ tiên đã cho hoàn thành công vụ. Có thể trên đảo không có nước, không có cái ăn, rồi lũ bọn tôi cũng chết, nhưng cương giới nước nhà đã được khẳng định, mốc giới đã được lưu giữ, xin đa tạ thánh thần, tổ tiên nước Việt, bọn tôi chết cũng không thấy hổ thẹn.
    Lý Thắm ngồi khóc. Lý Nhất sai hai thủy binh sống sót cùng mình dùng kiếm khắc chữ lên mốc giới, rồi lại dùng kiếm khắc chữ lên những mảnh ván khác, khắc họ tên, khắc ngày tháng tới đảo cát vàng và cứ thế thả trên biển để sóng biển đẩy ván thuyền vào bờ báo tin cho Hoàng đế.
    Lý Nhất bước tới Lý Thắm:
    -Sao nàng khóc. Nàng phải mừng vì ta đã hoàn thành công vụ, sao nàng khóc?
    Lý Thắm cay đắng:
    -Có cái gì ở đảo hoang này mà cương giới?
    -Nó là phên dậu. Nhà không có hàng rào, kẻ cướp vào phá. Nước không có phên dậu, kẻ thù rình rập xâm lược. Đảo là phên dậu. Phên dậu rơi vào tay kẻ thù, nước nhà thậm nguy. Ai để cho phên dậu rơi vào tay kẻ thù, kẻ đó phạm trọng tội với tổ tiên, với Hoàng đế, với đời đời con cháu.
    Hai thủy binh rụt rè:
    -Thưa Ngài. Giờ ta về?
    Lý Thắm bò tới:
    -Đúng rồi, chàng đã hoàn thành công vụ, giờ ta sửa chữa thuyền bè quay vào đất liền, có khi lại được trọng thưởng.
    Lý Nhất khoát tay:
    -Đặt chân tới đâu, lập làng ở đó.
    Mọi người nhao nhao:
    -Thưa Ngài, lập làng là sao? Làng ở đâu? Người ở đâu?
    -Ba thằng đàn ông, một con đàn bà như em, lấy đâu ra người nữa để lập làng, lập ấp? Chàng nói gì thế?
    Lý Nhất khoan thai:
    -Tìm ra được đảo này là tìm thêm cho nước Việt đất đai, mở rộng bờ cõi. Tìm được thì phải giữ. Một người cũng giữ. Hai người cũng giữ. Ba người cũng giữ. Rồi Hoàng đế sẽ nhận được tin ta gửi về, sẽ cho người ra tiếp, giữ lấy đảo này. Giờ ta đã có đủ rồi, đàn ông, đàn bà đủ rồi, có đàn ông có đàn bà là có gia đình rồi, là sinh con đẻ cái được rồi, cớ gì không thành ấp, thành làng?
    Hai thủy binh nhìn Lý Thắm, Lý Thắm nhìn Lý Nhất, Đô tướng vốc lên nắm cát nhìn chăm chăm và nói tiếp:
    -Cát này chắc không trồng được cây cối nhưng biển bao quanh đảo cho ta nhiều thứ để sống, để tìm kiếm nhiều sản vật quý dâng lên Hoàng đế. Không có gì dựng nhà dựng cửa thì đào hốc, khoét hang mà sống. Ra tới đây thì sống ở đây, lập làng lập ấp, là gây dựng cơ nghiệp ở đây, không bàn tới bàn lui chi nữa. Ai cứ nằng nặc đòi về là phạm trọng tội. Ta không giết thì Hoàng đế cũng giết.
    Lý Thắm mỉa mai:
    -Mà ở lại thì cũng chẳng ai trọng thưởng.
    Lý Nhất:
    -Ngày xưa tổ tiên mở cõi, ai trọng thưởng?
    Lý Thắm nói nghẹn:
    -Ngày xưa mở cõi, hàng ngàn, hàng vạn người, giờ thì nhìn đi, sống sót còn từng này…
    Lý Nhất nắm lấy tay Lý Thắm:
    -Chúng ta có ít người, nhưng đủ đàn ông đàn bà, thế là trời đã có ý cho lập làng rồi. Vui lên. Không ai bàn xuôi ngược chi nữa. Vui lên.
    Lý Nhất và hai thủy binh nhặt nhạnh những xác thuyền dạt vào bờ, dựng vội lên ba túp lều. Lý Thắm hỏi, sao bốn người mà ba túp lều?
    Lý Nhất lau mồ hôi trên mặt:
    -Nàng ở với ta. Nàng là chủ nhân của cả ba cái lều. Đêm đêm, nàng phải đến cả ba lều, ta cần nàng đẻ con, càng sớm càng tốt, nàng hiểu ý ta chứ. Ta hứa sẽ cho nàng sung sướng, không cực đâu, đảo này sẽ nuôi ta, không cực đâu, dưới bãi san hô kia, thềm biển kia nhiều sản vật quý giá lắm, không cực đâu.
    Lý Nhất đào hố chôn cọc làm lều nhưng vội dừng tay. Mọi người xúm lại. Lý Nhất bới lên một bộ xương, rồi dưới đó còn mấy bộ xương người nữa, bộ xương trong cát, xương trắng, sạch sẽ. Lý Nhất nhìn cái miếng bạc đeo trên cổ bộ xương người rồi ngồi lặng đi. Rồi Lý Nhất đứng lên, chạy bời bời trên cát, nhìn xuôi nhìn ngược và đột ngột quỳ xuống bên một trụ gỗ đã gãy mục, hai tay ôm cứng lấy khúc gỗ mục, cảm động:
    -Các người xem này, các người xem này…
    Một thủy binh nói:
    -Trông như thẻ bài cương giới của Hoàng đế nhà Đinh.
    -Đúng đúng- Lý Nhất gật gù.
    -Vậy là Hoàng đế nhà Đinh đã phát hiện ra đảo cát vàng, đã cho thủy binh ra tới đây cắm mốc giới?
    -Đúng đúng. Ta không phải là người đầu tiên.
    -Có thể đảo này đã thành đất đai nước Việt từ mấy trăm năm trước nữa.
    -Đúng đúng. Khắc chữ báo tin. Khắc chữ báo tin. Khắc chữ lên ván thuyền, lên cột gỗ thả biển báo tin cho Hoàng đế.
    -Có thể ngày đó, những thủy binh nhà Đinh cũng khắc gỗ báo tin cho Hoàng đế nhưng đường xa, biển rộng, mãi mãi những cột gỗ khắc chữ báo tin ấy không bao giờ tới được tay Hoàng đế…
    -Đúng đúng. Nhưng từ đó, đảo này đã thuộc đất đai nước Việt.
    -Rồi họ cũng như ta, chờ đợi, giữ đảo, lại chờ đợi và chết như thế này..
    -Đúng…đú…ng- Tiếng Lý Nhất bất ngờ nghẹn lại.
    Lý Thắm khóc.
    Hai thủy binh khóc.
    Đô tướng Lý Nhất mân mê cột mốc, im lặng.
    -Đành thế. Phận tôi tớ, sống chết là theo ý trời, theo Hoàng đế. Các bậc Tiên đế ra đảo cắm mốc, chết, họ có kêu ca chi. Nên ta và các ngươi cũng thế, không kêu ca…
    Lý Thắm đang ngồi khóc chợt bổ sấp xuống hét lên một tiếng.
    Một con ốc biển to lớn, nằm im trong cát, nay cựa mình bò lên, hất cả người Lý Thắm ngả sấp.
    Lý Nhất vui sướng:
    -Ta nói đúng mà, ta nói đúng mà… Ốc biển đấy, ốc biển khổng lồ chưa… một con ốc biển nuôi sống chúng ta cả nửa tháng đấy, làm thịt đi, ta đang đói, các người cũng đang đói phải không?
    Hai thủy binh dùng mấy hòn đá cuội kỳ cạch lấy lửa.
    Lý Nhất nhìn đống lửa cháy, nói:
    -Từ giờ, ta giao cho nàng phải giữ lửa.
    Lý Thắm im lặng.
    Con ốc nhanh chóng được xẻ thịt. Thịt được xiên vào từng que gỗ nướng lên lửa, mùi thơm ngào ngạt.
    Một thủy binh bưng tới một cái vỏ ốc lớn, trong đó đựng đầy nước mưa.
    Bữa ăn dọn ra. Lý Nhất ngắm nghía từng gương mặt gật gù:
    -Vậy là như một gia đình.
    Lý Thắm lau nước mắt, thở dài.
    Đêm xuống.
    Đống lửa vẫn âm ỉ cháy.
    Ba ngôi lều nằm ở ba hướng đống lửa.
    Lý Thắm thấy Lý Nhất đang hì hục dùng tay đào cái hố trong lều.
    -Chàng làm gì vậy, trông như đào huyệt mộ?
    -Làm gì có huyệt mộ, ta đang làm chỗ ngủ cho ta và nàng
    -Chỗ ngủ? Trông như huyệt?
    -Nàng nằm xuống thử đi, nằm trên cát, êm như trên nhung lụa, mát mẻ, nàng nằm xuống đi.
    -Rồi toàn thân dính cát?
    -Đúng thế. Toàn thân dính cát.
    Lý Nhất kéo tay Lý Thắm, nàng ngả sấp xuống trên người Lý Nhất, cát hai bên miệng hố cũng rơi theo, dính bết cả hai người.
    Lý Thắm không còn hứng thú gì, nàng suốt ngày âm u trong những ý nghĩ mù mịt về cuộc sống, đầy sự thất vọng và đau khổ. Nhưng Lý Nhất thì khác, thường trực một ý nghĩ cần phải có con nít trên đảo để lập làng. Có tiếng con nít khóc là có làng. Lý Nhất kéo tuột Lý Thắm vào người mình, mạnh mẽ và dứt khoát, đưa nàng vào cuộc tình dữ dội như đốt lửa. Những tiếng thình thịch dội vang sang cả hai lều cạnh đó làm hai thủy binh cũng phải vùng dậy. Cát phủ lên người Lý Nhất, phủ lên người Lý Thắm, Lý Thắm kêu thét lên từng chập vì đau đớn, vì Lý Nhất lùa cả vào nàng những dòng cát sắc cạnh, rát buốt. Kệ, Lý Nhất như con cá voi, giày xéo, vật vã Lý Thắm lúc ngửa, lúc sấp, lúc đứng, lúc ngồi, cát cứ theo cuộc tình vào sâu hút trong tận cùng của Lý Thắm.
    Lý Nhất vừa thở vừa dằn Lý Thắm xuống vừa hỏi:
    -Mấy tháng đẻ?
    -Chín tháng mười ngày
    -Tầm bậy. Ai nói?
    -Ông bà nói.
    -Tầm bậy. Nhanh lên, đẻ nhanh lên.
    Hai thủy binh không chịu được, lồm cồm bò qua lều Lý Nhất.
    Rồi cũng không chịu được, họ lao vào, giật Lý Thắm lên tay mình, lôi xềnh xệch Lý Thắm về lều của mình.
    Lý Nhất nói to:
    -Cố lên anh em. Giống nàng tốt lắm. Nàng phải đẻ con.
    Lý Thắm như thành điên. Nàng lao bổ vào người này, rồi lại lao bổ vào người khác.
    Suốt đêm, bàn chân của Lý Thắm chạy từ lều này sang lều khác, dấu chân nhằng nhịt trên cát.
    Cho tới khi mặt trời ửng hồng, nàng mệt lử, nằm vắt qua người một thủy binh.
    Lý Nhất đứng ngắm hai người, gật gù đắc ý.
    Hình như đâu đó, xa lắm, giữa vần vụ trời đất mệnh mông, oe oe vọng về tiếng trẻ con khóc.
    Lý Nhất đưa tay lau nước mắt.

    2.

    Đô tướng Lý Nhất mang tới  một vỏ ốc rất lớn, đặt vào tay Lý Thắm:
    -Hàng ngày, ta giao nàng hai việc, giữ lửa và tích nước.
    Lý Thắm ngắm nghía vỏ ốc lớn, gương mặt rạng rỡ:
    -Em sẽ đi tìm các vỏ ốc này để tích nước mưa.
    -Đúng thế. Nhưng nàng đừng đi xa, đảo hoang vắng, nhiều bí hiểm, đi xa dễ lạc. Hôm nay ta và hai tên thủy binh sẽ bắt đầu thám sát hòn đảo này. Khi cần thì gọi ta.
    Lý Thắm hỏi:
    -Chàng đi xa, gọi làm sao nghe?
    -Gọi bằng cái này- Lý Nhất đưa tiếp cho Lý Thắm một cái vỏ ốc bé hơn, đầu ốc đã được khoét một lỗ nhỏ, đưa lên miệng thổi, vỏ ốc ngân lên tiếng hú vang to như tiếng voi rừng-Nàng chỉ cần thổi vỏ ốc này là ta nghe được.
    Lý Thắm ranh mãnh:
    -Ngay cả khi em cần chàng ôm ấp cũng thổi vỏ ốc này sao?
    -Đúng thế.
    Lý Nhất vẫy tay, hai thủy binh đi theo, cả ba vượt mấy quả đồi cát rồi mất hút.
    Lý Thắm ngắm nhìn cái vỏ ốc to lớn trên tay mình, đoạn, nàng đặt vỏ ốc ngay ngắn trên cát, miệng vỏ ốc hướng lên trời cao.
    Rồi nàng tha thẩn đi dọc bờ biển, dọc các triền cát, tha về vô số những vỏ ốc khổng lồ, và cứ thế xếp bên nhau thành hàng thành lối.
    Nàng đứng nhìn công trình của mình, thỏa mãn.
    Gió ở phía tây thổi mạnh.
    Lý Thắm ngây ngất trong âm thanh rất lạ, âm thanh lúc thì véo von, lúc thì trầm bổng, lúc lại gầm lên mạnh mẽ như tiếng voi, tiếng hổ, lúc mơn man nhè nhẹ như tiếng róc rách của suối ngàn. Mới đầu Lý Thắm ngạc nhiên trước những hợp âm kỳ lạ và lôi cuốn ấy, sau rồi nàng nhận ra rằng, gió thổi qua hàng trăm cái miệng vỏ ốc, phát ra âm thanh. Nàng mê mẩn lắng nghe. Nàng thụp xuống bên những vỏ ốc, áp tai gần hơn, nghe rõ hơn hợp âm của gió, của biển, của sự va đập thanh âm vào thành vỏ ốc lớn, những âm thanh ấy nàng chưa nghe thấy bao giờ.
    Nàng chạy xa hơn, thật xa, và thật kỳ lạ, càng chạy xa, âm thanh gió thổi qua miệng vỏ ốc càng lớn, càng tha thiết, réo rắt, cứ như nàng đang cùng Hoàng đế đứng trước cả một dàn kèn đồng của Hoàng cung tấu nhạc lễ.
    Nhưng chính âm thanh ngân nga từ hàng trăm vỏ ốc, làm nàng nhớ quay quắt tiếng sáo đồng quê. Nàng đứng sững, nhìn xa lắm về phía đất liền, nước mắt rơi lả tả. Cuối chân trời hướng quê nhà, một đám mây trắng ửng hồng trong ánh nắng, đám mây như hình mẹ nàng đang đứng bên bờ ruộng mong ngóng con gái; đám mây như cái nón lá nghiêng nghiêng, che che trên mái tóc bạc già nua của mẹ; đám mây vươn cao hơn chút nữa, như hình bàn tay mẹ đang vẫy nàng; đám mây chảy dài mềm mại như cánh võng mà hồi bé thơ nàng vẫn nằm ru dưới bóng tre làng; đám mây co lại, chụm lại, hồng chín, như môi nàng hồng chín lần đầu trao cho người trai quê bên hàng dâm bụt trong đêm trăng rằm vào tuổi nàng mười sáu. Nàng đứng ngẩn ngơ nhìn, gương mặt chan chứa nước mắt.
    Nàng thấy cô đơn quá. Bốn phía vắng vẻ. Ngoài âm thanh lúc khoan lúc nhặt từ hàng trăm miệng vỏ ốc phát ra, ngoài tiếng sóng biển trễ nải đang vỗ bờ, ngoài tiếng cát bay lào xào không mệt mỏi, nàng chỉ còn một mình, trong vắng vẻ, trong hoang vu, trong nỗi cô độc xát mạnh vào tâm can, vào mắt, vào ruột gan.
    Mấy lần nàng định đưa cái vỏ ốc bé lên miệng thổi để gọi Lý Nhất nhưng nàng lại thôi.
    Nàng đi tha thẩn, bàn chân bé nhỏ kéo rê trong cát.
    Bất ngờ bàn chân nàng chạm phải vật gì đó. Nàng cúi xuống, bới cát lên. Nàng reo òa. Quá nhiều ngọc ngà châu báu, ở đâu quấn quýt trong cát, ở đâu dạt vào bờ đảo, dâng lên trước mắt nàng cả một khối của cải mà chắc chắn cả đời nàng cũng không bao giờ nhìn thấy. Nàng vốc lên trên tay những sợi dây vàng, những vật trang sức bằng ngọc, cả những hộp thiếc đựng đầy trang sức. Nàng nhìn quanh, những mảnh ván thuyền tấp đầy trên cát. Nàng biết có thể đây là một con thuyền buôn bị bão tố. Nàng tỉ mẩn đào, nhặt, chất lên trước mặt quá nhiều đồ vật quý giá. Nàng vui thích đeo lên tay, lên cổ, quấn quanh chân mình những sợi vàng, chuỗi ngọc và ngắm mình như ngắm một công chúa giàu có.
    Nàng còn tìm thấy vô số những súc vải lụa đẹp mê hồn, những súc vải dù bên ngoài đã mục nát, nhưng gần trong lõi của nó, vẫn còn nhiều mảnh vẹn nguyên, đủ màu sắc.
    Nàng hứng thú nâng con ốc lên, hướng về bốn phương tám hướng của đảo, thổi thật lớn, gọi Lý Nhất trở về.
    Lý Thắm trang trí cho căn lều của mình và Lý Nhất như trang trí Hoàng cung. Những mảnh lụa đủ màu được che chắn, được treo, được trải bốn quanh lều. Những vòng vàng, vòng ngọc cũng được nàng thả dọc lối đi. Nàng ngắm nghía căn lều chất đầy của nả. Bỗng dưng nàng trở thành chủ nhân của một núi tài sản mà Hoàng đế nhìn thấy cũng phải ngạc nhiên sửng sốt.
    Vào đúng lúc ấy, nàng chợt nhìn thấy cầu vồng vắt chéo qua một góc đảo, những đường cong sặc sỡ hiện lên giữa nền trời, chiếu ánh sáng ngũ sắc xuống màu vàng mơ của cát. Nàng sững sờ nhìn ngắm bầu trời. Từ phía cầu vồng đi tới là Lý Nhất và hai thủy binh.
    Lý Nhất hết nhìn Lý Thắm lại nhìn căn lều được trang trí như hoàng cung, lại nâng lên ngắm nghía những vật trang sức quý, lại nhìn dọc bãi biển, mắt Lý Nhất ánh lên niềm hứng khởi:
    -Hoàng đế vạn tuế… Người đã đúng khi sai ta ra đảo cát vàng này. Hóa ra đảo giàu có, đảo chất đầy vàng bạc ngọc ngà… Hoàng đế vạn tuế.
    Lý Thắm đột nhiên nặng lời:
    -Của em hết đó, đâu phải của Hoàng đế. Em giờ giàu nhất. Em là công chúa. Của cải này trong kia, dù có là Hoàng đế cũng không thể kiếm được.
    Lý Nhất nhìn hai thủy binh:
    -Các người còn đứng đó nhìn sao? Hãy kiếm những mảnh ván tốt, đóng thành hòm, chất của cải này vào, đợi ngày dâng nộp cho Hoàng đế nước Việt.
    Lý Thắm xô tới:
    -Của em mà, em nhặt được.
    Lý Nhất:
    -Nàng nhặt được, Hoàng đế sẽ ghi công nàng. Nhưng của cải này thuộc về quốc gia, nàng hiểu không?
    -Rồi tới khi ta chết cả, quốc gia có cứu được ta không?
    -Cái chết của chúng ta cũng thuộc về quốc gia.
    Lý Thắm phụng phịu. Hai thủy binh đã đóng xong hòm gỗ. Của cải được chất vào đấy, dùng những sợi dây thép vương vãi trên cát buộc chặt.
    -Ai xin giữ? Lý Nhất hỏi
    Lý Thắm nhanh nhảu:
    -Em giữ được không?
    Lý Nhất gật đầu:
    -Là đàn bà, giữ nước, giữ lửa, giữ của cải. Được.
    Hai thủy binh mang hòm của cải vào trong lều của Lý Nhất.
    Lý Thắm hỏi:
    -Chàng vừa đi đâu về?
    Lý Nhất nói:
    -Cuối đảo kia có người.
    -Có người? Ai? Người nước nào?
    -12 người đàn ông người nước Việt.
    -Sao lại là người nước Việt?
    -Họ đã sống ở đây nhiều năm. Trước, nhiều người, nay chết cả, còn 12 đàn ông. Họ là dân chài lưới, bị bão tố đánh thuyền dạt vào đảo.
    Lý Thắm vui mừng:
    -Ôi trời ơi, thế là thêm người mà chưa cần em phải đẻ.
    -Đúng vậy. Trên đảo giờ đã có 15 đàn ông.
    Lý Thắm lo lắng:
    -Cứ như thế, em chịu sao được, 15 đàn ông?
    -Đúng vậy. Nàng sẽ không chịu được.
    -Vậy giờ làm sao?
    Lý Nhất cầm lên mấy miếng ván:
    -Phải khắc chữ gửi thư vào cho đất liền, gửi lời khẩn cầu cho Hoàng đế xin cứu viện.
    -Cứu viện?
    -Đúng vậy. Ta nghĩ kỹ rồi. Cần phải xin Hoàng đế cứu viện.
    -Cứu viện gì? Lý Thắm ngạc nhiên- Cứu viện vũ khí, lương thực? Cứu viện thuyền bè, chài lưới? Cứu viện cây trồng?
    -Không. Không cần cứu viện những thứ đó.
    Lý Thắm nhìn Lý Nhất không hiểu.
    Lý Nhất ngắm nghía mấy mảnh ván, nói:
    -Xin Hoàng đế cứu viện thêm đàn bà.
    Lý Thắm suýt kêu thành tiếng vì bất ngờ.
    Một thủy binh nói:
    -Vậy là ngài đã yên tâm, nếu Hoàng đế chấp nhận cứu viện thêm đàn bà, sẽ không lâu nữa, đảo đầy trẻ con.
    -Đúng vậy- Lý Nhất gật gù.
    -Ngài tin Hoàng đế sẽ chấp nhận lời cứu viện này chứ?
    -Đúng vậy.
    Lý Thắm chen tới:
    -Nhưng em là người đàn bà đầu tiên, em phải trở thành chủ nhân đàn bà trên đảo chứ?
    -Đúng vậy.
    -12 người đàn ông của em đâu? Có bước đi nổi không? Có sắp chết đói cả không?
    Lý Nhất nhìn Lý Thắm:
    -Họ khỏe như ta, vâm váp như ta.
    Lý Thắm ngạc nhiên:
    -Ôi trời, sao họ lạc lên đảo mà vẫn vâm váp, khỏe mạnh?
    Lý Nhất nói:
    -Đây là đất Mẹ. Đảo nuôi. Biển nuôi. Không để ai chết đói.
    Lý Thắm hỏi:
    -Họ nói được chứ?
    -Họ là người Việt.
    -Họ hiểu ta nói chứ?
    -Họ là người Việt.
    -Họ đồng ý cùng ở lại với chúng ta chứ?
    -Họ là người Việt.
    -Họ đồng ý cùng lập làng, lập ấp, cùng sống, cùng sinh con đẻ cái ở đây chứ?
    -Họ là người Việt.
    3.
    Lý Thắm tỉnh giấc vào lúc nửa đêm. Nói đúng ra là nàng không ngủ, nàng giả vờ ngủ thật say bên Lý Nhất nhưng chong mắt nhìn ra ngoài cửa lều, đợi lúc nửa đêm thì nhẹ nhàng bò ra khỏi lều.
    Hồi chiều, Lý Nhất có đưa về mấy người đàn ông Việt từ cuối đảo tới, và như ma ám, Lý Thắm không cưỡng được đôi mắt nhìn đau đáu của một người đàn ông tên là Thắng. Anh cao lớn, khỏe mạnh, mái tóc dài phủ mặt, da đen, tiếng nói vang to, bước chân đi lún cát. Anh nhìn nàng. Ánh mắt như một ánh chớp khiến nàng suýt quỵ  xuống. Lúc chia tay để về lại nơi trú chân của mình, anh đi sát qua nàng, bàn tay anh cầm lấy tay nàng, ấm như một bếp lửa. Nàng nhìn anh đi trong ánh chiều tà, bóng anh đổ dài, di chuyển trong mắt nàng. Nàng cứ đứng sững ra thế cho tới khi Lý Nhất hích tay vào người nàng:
    -Nàng thích hắn?
    Lý Thắm giật mình.
    -Ta cũng thích hắn.
    -Chàng nói sao? Lý Thắm ngạc nhiên- Chàng cũng thích hắn?
    -Ta thích hắn. Thằng này có thể thay ta cai quản lũ người ở đây nếu chẳng may ta bị hề hấn chi.
    -Chàng nghĩ vậy ư?
    Lý Nhất áp mặt mình sát mặt nàng, thả từng tiếng:
    -Ta thích hắn nhưng không có nghĩa là hắn được quyền thay ta điều khiển nàng. Nàng hiểu ý ta chứ?
    Trong ánh mắt của Lý Nhất vằn lên một tia máu nhỏ.
    Lý Thắm dí bàn chân trong cát, không nói gì.
    Lý Nhất lầm bầm:
    -Cha ta từng dạy, trong đám đông cần có một người cầm chịch.
    -Là chàng mà. Chàng là người cầm chịch. Chàng là người được Hoàng đế ra sắc chỉ.
    -Điều đó đúng, nhưng chỉ có nàng và hai thủy binh biết điều đó, còn những kẻ kia, họ cũng chỉ coi bọn ta như họ, cũng bị bão đập phá tan thuyền và dạt vào đảo. Ta đã giải thích, đã nói chuyện với chúng rất nhiều, nói cả việc ta được Hoàng đế giao phó ta ra giữ đảo, cắm mốc cương giới, nhưng bọn nó hầu như không mấy quan tâm, bọn nó chỉ đang tìm cách vào đất liền. Nàng phải cẩn thận.
    -Sao chàng dặn em cẩn thận?
    -Ta sợ chúng nó rủ rê nàng vào đất liền. Ta … sợ mất nàng …
    Lý Thắm nhìn Lý Nhất im lặng. Trong câu nói của Lý Nhất nghe rất đáng thương. Chẳng lẽ nàng quan trọng với chàng đến thế?
    Dù rất sợ, nhưng Lý Thắm vẫn quyết định đi trong đêm tới nhóm đàn ông kia, gặp Thắng.
    Nàng cũng thấy khó giải thích vì sao mình lại hành động như vậy. Nhưng chân nàng đã guồng trên cát rồi, không cưỡng lại được.
    Trăng bị che mây, sáng nhờ nhờ trên trập trùng những triền cát. Lý Thắm vừa đi vừa chạy. Nàng thấy đỡ run hơn vì biết chắc Lý Nhất không biết, không đuổi theo.
    Nàng trở nên như con mèo hoang đi tìm đực.
    Những mỏm cát cao đã khuất dần sau lưng.
    Cát ướt trong sương. Bàn chân nàng nóng bỏng đặt xuống cát, xới qua cát, xát mạnh vào cát, hình như nàng cảm giác như cát đang quấn lấy bàn chân, đang ôm ấp, đang liếm láp, đang làm tình với bàn chân mình. Người nàng như bó lửa cháy. Nàng lọt thỏm trong vòng tay mạnh và dẻo dai như dây chão buồm. Nàng không ngờ Thắng đã đợi sẵn đón nàng. Hóa ra chính Thắng cũng đang khao khát muốn tìm đến nàng.
    -Chàng biết em đến?
    -Biết.
    -Sao biết?
    -Soi bụng ta ra bụng người.
    -Chàng biết em thích chàng?
    -Không biết. Mà chính là ta thích nàng.
    -Họ đâu cả?
    -Ngủ.
    Chớp nhoáng vài câu rồi cả hai vùi trong nhau, vùi trong cát, vùi trong ánh trăng.
    Thắng cắn vào vú nàng, nói:
    -Ta có nhiều kho báu? Rất nhiều. Nếu nàng chịu làm vợ ta, nàng là người giàu có nhất thế giới.
    -Kho báu ở đâu?
    -Đảo này rất nhiều của cải. Cả nhiều năm qua, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn thuyền buôn đi qua đây gặp giông tố, thuyền bè dạt vào đảo, mang theo nhiều châu báu. Ta và anh em đã gom hàng tháng trời, đóng thành nhiều thùng gỗ, chôn giấu, đợi ngày có thời cơ thì về đất liền.
    Lý Thắm choáng váng. Nàng nhớ lại việc nàng tìm được ít của cải, tưởng đã lớn…
    Thắng lại cắn vào vú nàng:
    -Nhưng dù có nhiều kho báu cũng không dễ vào đất liền. Nếu ta kéo nhau vào đất liền với kho báu, dù có an toàn trở về cũng bị giết chết.
    -Vì sao?
    -Vì quy tội ăn cắp của cải quốc gia.
    -Của thuyền bè trôi dạt vào đảo, quốc gia gì?
    -Mọi thứ trên đất này, trên nước non mây trời này thuộc về Hoàng đế, thuộc bách nhà, nàng hiểu không?
    -Vì thế nên chàng và mọi người đã không thể mang của cải về đất liền?
    -Ừ… Nhưng giờ thì có một cách.
    -Thế à?
    -Ta biết, Lý Nhất có sắc chỉ của Hoàng đế. Có sắc chỉ của Hoàng đế thì đi đâu cũng được, đưa kho báu vào đất liền không ai dám kiểm soát.
    -Thế à?
    -Nhưng Lý Nhất lại nhận lệnh Hoàng đế ra giữ đảo, mở rộng cương giới, vì thế, Lý Nhất không thể thuận ý theo bọn ta trở về.
    -Thế à?
    -Ta và anh em chỉ là ngư phủ, cả đời sấp mặt trên biển kiếm cá, kiếm tôm, rồi không may gặp bão, chết nhiều lắm, mười mấy người của ta may mắn thoát chết. Đáng ra cũng có thể đóng lại con thuyền, đợi thời tiết tốt, có thể về đất liền. Nhưng cả kho báu kia thì sao? Tiếc lắm. Chở về thì sợ phạm luật vua tôi. Để lại thì tiếc.
    -Thì dâng tặng lên Hoàng đế lĩnh thưởng- Lý Thắm gợi ý.
    -Không.
    -Thế à?
    -Ta mong ước giàu có. Mong muốn thoát cảnh bần hàn. Kho báu như của trời cho, dại gì không hưởng, đúng không?
    Thắng lại cắn vào vú nàng lần nữa. Lý Thắm ngồi dậy, vấn tóc, chỉnh sửa xiêm y.
    -Nàng về với hắn sao?
    -Hắn?
    -Đúng. Lý Nhất.
    -Ngài là người được Hoàng đế ra sắc chỉ ra giữ đảo. Ngài là Chúa đảo.
    -Chúa đảo ư? Còn ta? Ta có trong tay hàng chục thùng gỗ đựng vàng bạc, ta giàu có như Hoàng đế, gọi ta là gì?
    -Chàng nên nộp toàn bộ báu vật ấy cho Chúa đảo Lý Nhất để dâng lên Hoàng đế.
    -Nàng theo ta hay theo Lý Nhất?
    -Em là thần dân của Hoàng đế, như chàng, như Lý Nhất, như anh em.
    -Hãy trốn theo ta về đất liền. Hãy giúp ta lấy sắc chỉ từ Lý Nhất rồi cùng đóng thuyền vào đất liền.
    Lý Thắm im lặng.
    Thắng kéo tay Lý Thắm vào sau một hốc đồi cát. Thắng châm đuốc. Thắng lật nắp nhiều thùng gỗ. Lý Thắm choáng người trước những thùng gỗ chất đầy vàng bạc.
    -Hãy trốn theo ta vào đất liền, nàng sẽ thành người giàu có nhất thế gian. Nàng không cần giết Lý Nhất, chỉ cần lấy sắc chỉ Hoàng đế ban trao cho ta, ta sẽ ép Lý Nhất nghe theo ta.
    -Chàng quyết như vậy thật chứ?
    -Cũng có thể.
    -Chàng không ân hận khi phải phạm tội tày đình này chứ?
    -Cũng có thể.
    -Thậm chí để có sắc chỉ Hoàng đế từ Lý Nhất, chàng sẵn sàng giết hắn?
    -Cũng có thể.
    -Và ngay cả khi anh em không chiều theo ý chàng, chàng cũng sẵn sàng giết họ để mang kho báu về đất liền làm giàu?
    -Cũng có thể.
    Lý Thắm cầm lên ngắm nghía một thanh kiếm có cán bằng vàng ròng, những hoa văn được khắc chạm tinh vi. Lý Thắm ngắm thanh kiếm rồi bất ngờ quay người đâm thẳng vào ngực Thắng. Máu từ ngực Thắng vọt thẳng ra, chảy ào ào xuống cát.
    -Nàng… Nàng giết ta?
    -Không. Em không giết chàng. Lưỡi kiếm này giết chàng.
    -Nàng… tại sao?
    -Tại sao ư? Vì chàng không phải đàn ông Việt. Đàn ông Việt lấy tính mạng mình giữ đảo không phải lấy đảo làm giàu cho bản thân mình như chàng. Lý Nhất là đàn ông Việt. Chàng là kẻ xa lạ. Em không giết chàng thì Hoàng đế, bách tính cũng giết chàng. Chàng chết ở đây không ai biết, chết như bị bão tố, đó cũng là ân huệ.
    Lý Thắm đang nói thì Thắng vùng dậy, lao một cây sắt nhọn về phía Lý Thắm. Nhưng bất ngờ, ai đó dùng chân đá hất cây sắc nhọn bay đi. Hóa ra là Lý Nhất. Lý Nhất đã cứu Lý Thắm.
    Thắng gục chết.
    Lý Thắm nhìn Lý Nhất.
    -Tối nay nàng có công lớn.
    -Chàng đã theo em?
    -Đúng vậy.
    -Chàng không giận vì em đã chiều tên này hồi nãy chứ?
    -Kh…ôông.
    -Chàng nghe hết câu chuyện của hắn nói với em về kho báu chứ?
    -Đúng vậy.
    -Cám ơn chàng.
    Lý Nhất cầm con ốc nhỏ lên thổi mấy tiếng hú dài. Đuốc cháy rừng rực. Mười mấy người đàn ông như chui trong cát lên chạy tới. Lửa vây quanh Lý Nhất, vây quanh xác Thắng.
    Lý Nhất nói:
    -Tên này trái lệnh Hoàng đế thì chết. Anh em nhìn cho kỹ. Ta vâng lệnh Hoàng đế ra trông coi đảo. Anh em đã thoát chết vào đảo thì ở lại cùng ta. Hoàng đế sẽ gửi nhà, gửi cây cối, gửi thóc gạo, gửi đàn bà ra cho anh em. Kho báu này ta phải gửi vào cho Hoàng đế. Ai chống lại, ai phản bội, ai thay lòng đổi dạ, giết.
    Mọi người nhìn nhau.
    Lý Nhất nói:
    -Mọi thứ ở đảo từ nay theo lệnh ta. Có một thứ không cần theo lệnh ta, anh em vẫn có thể tự do.
    Mọi người nhìn nhau.
    Lý Nhất bỏ đi. Anh em nhao nhao hỏi sao thế, sao thế, cái gì tự do?
    Lý Nhất quay lại, vén tấm vải che bộ ngực của Lý Thắm, soi ánh đuốc lên đôi vú tròn, cao, đầy đặn của Lý Thắm, nói:
    -Đứa con đầu tiên sinh ra, giống ai, người đó được làm phụ tá cho ta, ta sẽ đề nghị Hoàng đế sắc phong.
    Lý Thắm ưỡn ngực hỏi:
    -Ai trước nào.
    Đồng loạt 11 bàn chân của  11 người đàn ông cùng bước lên, hướng về Lý Thắm.
    Lý Thắm nói:
    -Đêm nay hai người thôi. Ai?
    Không ai trả lời.
    Lý Nhất cầm tay hai thanh niên:
    -Hai người này.
    Lý Thắm quay bước. Hai thanh niên đi theo.
    Lý Nhất nói với những người còn lại:
    -Không lo. Rồi Hoàng đế sẽ gửi đàn bà ra. Ta đã gửi tin cầu viện đàn bà. Ngủ đi.
    Lý Nhất về.
    Lý Nhất chui vào lều, nằm sấp trên cát, người nóng ran, tai nóng ran, miệng lẩm bẩm: Hãy cố gắng, nàng là của ta nhưng ta không thể chiếm hữu nàng, hãy vì điều lớn lao của đảo, hãy vì tiếng trẻ con của đảo, hãy nghĩ đến những thần dân sau này của đảo…
    Sau mé đồi cát, dưới ánh trăng, chỉ còn Lý Thắm và hai gã thanh niên.
    Hình như họ khỏa thân trong trăng, trong cát, trong gió biển.
    Đồng loạt 9 người đàn ông còn lại đứng ngẩn ngơ nhìn và cùng nuốt nước bọt.
    >> Xem tiếp phần 2