Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

LỜI THỀ - TIỂU THUYẾT (Phần 9- HẾT)

By: Unknown On: 13:07
  • Chia sẻ bài này >
  • 38.
    Chỉ mấy ngày, nhờ thuận gió, thuận sóng, thuyền chiến nước Việt đã ra tới đảo Nước Lửa. Lý Nhất, Lý Đạt đón thuyền mừng lắm. Quân binh, thủy binh tay bắt mặt mừng rồi nhanh chóng giấu quân về các đảo lân cận.
    Phó tướng Thủy binh của triều đình được Lý Nhất đưa đi thám sát đảo Nước Lửa.
    Phó tướng hỏi:
    -Ta nghe đảo này có thứ nước lửa quý giá, thực hư ra sao mà Bắc triều lại thèm khát đến vậy?
    Lý Nhất nói:
    -Nước lửa là có, nhưng nằm sâu lắm, sâu không biết chỗ nào, nhưng hơi khí của nó bốc lên có thể bén lửa, có thể cho lẫn vào nước thì đốt cháy được.
    Phó tướng gật đầu:
    -Thế thì Bắc triều thèm là phải. Kẻ yếu thèm thì nuốt nước bọt, kẻ mạnh lại ngông cuồng khi thèm thì muốn tìm mọi cách chiếm lấy.
    Lý Đạt nói:
    -Thưa Phó tướng, nếu Bắc triều xua quân đánh, ta không sợ. Ta ở đảo, thuyền chiến của họ muốn vào thì phải dừng cách đảo mấy dặm, thủy binh họ muốn lên đảo lại phải dùng thuyền nhỏ. Những khó khăn đó sẽ làm họ bị động, nếu ta quyết đánh, trận nào cũng thắng.
    Phó tướng nhìn khắp mặt đảo:
    -Trận vừa rồi, ta thắng lớn nhưng anh em cũng thiệt hại nhiều, mất một người cũng làm Hoàng thượng mất ăn mất ngủ. Vì thế, ta phụng mệnh Hoàng thượng ra là cùng các ngài nghĩ được cách đánh, cách vây, cách hãm thủy binh Bắc triều, làm sao thắng lớn mà thiệt hại bé, đó là mong muốn của Hoàng thượng.
    Lý Nhất nói:
    -Xin Phó tướng hãy về nói với Hoàng thượng, quân binh, thủy binh trên đảo giới không tiếc tính mạng, miễn là bảo vệ được đất đai tiên tổ. Binh đao sống chết không thể nói trước được. Còn một người vẫn không sợ.
    Phó tướng đặt tay lên vai Lý Nhất:
    -Ta có nghe, Lý Thắm của ngài sắp sinh nở, chuyện này đúng không?
    Lý Nhất nói:
    -Thưa Phó tướng, cũng vài tháng nữa nàng sẽ sinh con.
    Phó tướng băn khoăn:
    -Không nên để nàng lại đảo, tới đây tình hình không yên ổn, ta không an tâm.
    Lý Nhất nói:
    -Nàng muốn sinh con ở đảo này. Ta mới đầu cũng băn khoăn lắm nhưng rồi lại thấy, nếu nàng không sinh con, nuôi con tại đảo, rồi đây còn ai dám làm điều đó?
    X   X
       X
    Nghe tiếng vỏ ốc của thủy binh cảnh giới thổi từng hồi dài.
    Xa lắm, đã thấy đoàn thuyền sứ thần của Bắc triều đang tiến lại.
    Trên thuyền chiến của Bắc triều chở sứ thần các nước còn có các quan đại thần, có cả Tể tướng. Chiến thuyền vừa thả neo thì Lý Nhất đã cho anh em thủy binh đưa nhiều thuyền bé ra đón. Trên đảo lại cắm cờ xì khắp nơi, còn có cả cờ đại của nước Việt, có cả đội quân binh thủy binh nước Việt xếp hai hàng nghênh đón, có cả các cô gái Việt vẫy chào, các sứ thần nhìn nhau, há hốc mồm miệng, thế này thì khác chi đi thăm thú nước Việt chứ liên quan gì tới Bắc triều. Tể tướng Bắc triều quạu mặt xuống, bực bội. Lý Bật kín đáo che mặt vào áo mão tủm tỉm. Sứ thần Lý Vân thì đứng trước mũi thuyền lớn, lòng đầy tự hào.
    Một cái lều vải lớn được dựng ở trung tâm đảo.
    Đứng đầu phía quốc gia nước Việt là sứ thần Lý Vân và Phó tướng thủy binh.
    Phía quốc gia Bắc triều là Tể tướng.
    Phó tướng thủy binh nước Việt ra tới tận mép đảo, thân chinh nghênh đón trịnh trọng Tể tướng Bắc triều.
    Sứ thần Lý Vân cùng Lý Nhất và Lý Đạt vui vẻ đón chào sứ thần các nước.
    Phía Bắc triều mang theo mấy trăm quân binh, thủy binh, gươm giáo cung nỏ oai phong lẫm liệt nhưng tất cả đều lớ ngớ không biết làm gì đành đứng túm tụm trên bờ, trông như lũ con nít đi xem người lớn trẩy hội.
    Các mâm tiệc đã được bày sẵn: nào ốc, nào thịt ba ba, nào các loại cá biển, cả bánh chưng đưa từ đất liền ra, rồi rượu ngô thơm lừng lững.
    Khách chủ vui vẻ ngồi bàn. Sứ thần Lý Vân đứng dậy:
    -Nhờ ân huệ của Hoàng đế Bắc triều, nay sứ thần Lý Vân ta và quan quân trên đảo giới nước Việt lấy làm hoan hỉ, đón tiếp sứ thần các nước, thật không cơ hội nào có được, lại được đón Tể tướng và các quan đại thần Bắc triều ra thăm thú, thật vui mừng khôn xiết. Nay có bữa cơm đạm bạc, chút rượu quê mùa, xin đa tạ sự có mặt của Tể tướng Bắc triều và các chư vị, xin cạn ly này.
    Tể tướng Bắc triều nóng nảy:
    -Thưa các sứ thần cùng quan khách. Ta phụng mệnh ý chỉ Hoàng đế Bắc triều đưa sứ thần các nước ra đảo là để tìm kiếm vật chứng, khẳng định chủ quyền đảo giới, đặng nhận sự bàn giao từ quan quân nước Việt, đảo của Bắc triều thì giao về Bắc triều, không phải để vui thú, ăn uống, không phải để ra thăm đảo giới nước Việt.
    Lý Vân ôn tồn:
    -Xin Tể tướng bình thân đã. Ta hiểu lời Tể tướng, muốn nhanh nhanh phụng mệnh ý chỉ Hoàng đế, nhưng việc đâu có đó, đường xa đã mấy ngày trên biển, thiết nghĩ cùng cần nghỉ ngơi, ăn uống, việc có sẽ có, việc đến sẽ đến, nếu thực đảo giới này do Bắc triều chủ quyền thì cũng coi đây là bữa tiệc nước Việt ta khoản đãi để bàn giao, có chi phải nóng vội. Xin cạn ly này.
    Ồn ào cười nói. Các sứ thần hoan hỉ ăn uống, lại được ngắm gái Việt đứng bên phục dịch, lại được thả sức rượu chè, thưởng thức đồ ngon vật lạ. Tể tướng gượng cười, gượng ăn, gượng nói nhưng trong lòng như lửa đốt.
    Lý Nhất lại sai nam nữ thủy binh, dân binh trên đảo múa hát.
    Lại sai mang những con vỏ ốc được khắc chạm hình rồng nhà Lý mang tặng cho các sứ thần.
    Lại sai mang tặng những vỏ ốc xoắn nhỏ, có khoét lỗ, thổi thì ngân nga vang động, khiến các sứ thần thi nhau thổi, tiếng vỏ ốc lúc trầm lúc bổng, lúc thánh thót lúc khoan nhặt, khiến Tể tướng và các quan đại thần Bắc triều mặt đỏ tía tai, miệng cười mà ruột héo, tiếng cười chắc vì thế mà cứ lục bục như miệng ngậm hột thị.
    Lý Vân ngả ngả nghiêng nghiêng, đưa chung rượu lên, mắt đỏ, mặt tái, cười cười nói nói say không ra say, tỉnh không ra tỉnh:
    -Ta xin lời cuối này. Lý Vân ta nước Việt coi là Đại học sĩ, sách đông tây kim cổ đọc cũng đã nhiều, được ân huệ của Hoàng thượng ta, đi đây đi đó cũng nhiều, tưởng có thể vỗ ngực khoe tài khoe giỏi, đệ nhất thiên hạ, nào ngờ khi được đi sứ sang Bắc triều, gặp Hoàng đế Bắc triều, trước một người kiến thức vô biên, trí tuệ sừng sững, lại thấy hổ thẹn trong lòng, rằng cái biết của ta chỉ bé nhỏ như hạt cát, than ôi, đời người ngắn ngủi, biết đến bao giờ gọi là biết, học đến bao giờ cho hết sự học, hổ thẹn, hổ thẹn…
    Mọi người ngơ ngác nhìn Lý Vân không biết có chuyện gì. Lý Vân đột ngột khóc, nước mắt giàn giụa:
    -Giờ ta đang cùng anh em quân binh, thủy binh nước Việt đứng ở đảo này, rõ ràng là đang ở trên đất Việt mà e chỉ trong chốc lát, lại hóa là đất của Hoàng đế Bắc triều, lại phải giao lại, đi ở sao đành, lòng thấy bâng bâng, nhớ nhớ, thương thương, dù gì thì hòn đảo này cũng đã ở cùng nước Việt trăm năm qua, ngàn năm qua, nay phải dứt áo về với Hoàng đế Bắc triều, sao không nghẹn ngào cảm động.
    Tể tướng Bắc triều đứng dậy, bước lại, ôm vai Lý Vân:
    -Ta hiểu lòng ngài, kể như ngài, trung hiếu vẹn toàn với nước Việt mà phải thay mặt nước Việt ký chứng chỉ để giao đảo giới cho Bắc triều ta kể cũng cảm động. Xin ngài bình tĩnh.
    Lý Vân khóc to hơn:
    -Nếu cho phép ta trách Hoàng đế Bắc triều thì ta trách thế này thôi, sao bao năm qua không lấy đảo giới này, không đưa đảo giới này về Bắc triều, để nước Việt ta khỏi tốn sức, tốn công, tốn của ra gìn giữ. Vừa hao người, hao sức, tốn kém ngân khố, nay bàn giao xong, quan quân lủi thủi về nước, lệ rơi biết mấy cho vừa?
    Tể tướng Bắc triều an ủi:
    -Ta sẽ tấu trình với Hoàng đế của ta, cho một ít vàng bạc bù đắp cho công cán nước Việt, không sao, không sao, xin ngài đừng khóc than ở chốn đông người, e không mấy hay.
    Các sứ thần cũng nhao nhao lên tiếng, số thì an ủi, số thì chia sẻ, số thì bùi ngùi cảm động theo Lý Vân.
    Lý Vân lại nói:
    -Giờ tiệc cũng đã tàn. Chuyện cũng đã cạn. Hát hò, ăn uống lúc này hỏi còn hứng thú gì nữa. Vậy xin Tể tướng Bắc triều, xin các quan Đại thần Bắc triều, xin các sứ thần mau mau làm những việc cần làm để chứng minh chủ quyền cương giới, rồi đường ai nấy đi, nước ai về nước đó, một lần cho xong một lần.
    Tể tướng Bắc triều phấn khởi:
    -Đúng đúng. Ngài nói chí phải.
    Mọi người dạt ra, ai chức sắc gì đứng theo chức sắc đó. Tể tướng Bắc triều nói:
    -Theo sử sách truyền lại, người Bắc triều ta từng sống ở đảo giới này, ngàn năm nay, trong đảo giới mặc nhiên còn lưu trữ nhiều vật dụng, nhiều vũ khí của người Bắc triều. Đó là chứng cứ.
    Các sứ thần gật gật đầu.
    Lý Vân hồ hởi:
    -Lời Tể tướng như lời Thánh chỉ, quá đúng quá đúng, vật dụng, vũ khí người xưa là chứng chỉ…
    Tể tướng dương dương tự đắc:
    -Nếu ta cho quân binh đào xới trên đảo mà tìm được vật dụng, vũ khí người xưa Bắc triều ta, thì ngài đồng ý mời các sứ thần cùng ký xác tín chủ quyền đảo giới cho Bắc triều ta chứ?
    Lý Vân ngoảnh mặt về phía Bắc triều vái một vái, rồi quay lại nhìn Tể tướng và quan quân, hai tay chắp lại cung kính nói:
    -Thánh chỉ Hoàng đế Bắc triều đã nói, vật chứng chủ quyền là vật dụng của người Bắc triều rơi rớt trên đảo, vùi lấp trên đảo cả ngàn năm, tìm được nó là tìm được chủ quyền, ta phận sứ thần, chỉ là nho sỹ, Hoàng thượng Bắc triều nói thế thì ta nghe theo thế, giờ biết làm thế nào.
    Tể tướng đắc ý ra lệnh cho quân binh dùng kiếm, dùng sắt nhọn tỏa quân đào bới khắp đảo. Khắc Ngôn và Hứa Văn bước vội theo.
    Dẫn đầu nhóm quân binh đào bới còn có Lý Bật.
    Khắc Ngôn, Hứa Văn chỉ ở đâu, quân binh Bắc triều đào ở đó.
    Chẳng mấy hồi mà đưa tới từng bó cung nỏ, vũ khí, gươm giáo, vật dụng người Bắc triều. Các sứ thần ùa tới xem, gật gật đầu. Quân binh, thủy binh của Đội Nhất cũng ngạc nhiên không kém.
    Lý Vân làm như đang hoa mắt chóng mặt, còn không dám nhìn, không dám sờ mó các vật chứng được đào lên.
    Tể tướng Bắc triều ôm vai Lý Bật, ôm vai Khắc Ngôn, cầm tay Hứa Văn “ Hảo a. Hảo a”, rồi nói lớn:
    -Thôi thì khỏi cần phải đào thêm nữa, chắc ngần này vật chứng đã đủ cho ngài Lý Vân đoán định?
    Lý Vân khúm núm:
    -Tể tướng làm ta thẹn quá… Vật chứng như thế rồi, chắc cũng chẳng cần nói thêm gì nữa.
    Các sứ thần xem xét, gật gù.
    Tể tướng Bắc triều hài lòng, sai châm thuốc trong tẩu mang tới, rít một hơi thuốc, phả khói mù mịt, khoan khoái.
    Lý Vân giờ mới khoan thai bước đến, đứng trước các vật chứng, cung kính nhìn Tể tướng và các quan đại thần Bắc triều, chắp tay cúi chào sứ thần các nước rồi  lên tiếng:
    -Xin Tể tướng cho ta hỏi vài câu gọi là lý cùn, thế yếu với ngài được không?
    Tể tướng Bắc triều gật đầu:
    -Ngài cứ hỏi.
    Lý Vân hỏi:
    -Vật chứng này đúng là của người Bắc triều đã dùng nó để sinh sống, để trận mạc, có cả ngàn năm nay?
    Tể tướng gật đầu:
    -Đúng vậy.
    Lý Vân nói:
    -Ngài nói phải. Tất cả những vật dụng, khí giới đều cũ, nhìn thì biết, cũng phải mấy trăm tuổi, có nhiều thứ cả ngàn năm tuổi. Không sai. Không sai. Nhưng xin hỏi Tể tướng và các đại quan Bắc triều câu hỏi nhỏ, sao vật dụng, khí giới của người Bắc triều vùi lấp trên đảo giới cả trăm năm, cả ngàn năm, đảo giới mệnh mông, mà các ngài đào đâu cũng trúng, nhìn đâu cũng thấy, thần tài thần tài…
    Tể tướng bối rối:
    -Việc này… Có thể do quan quân ta cảm được hồn thiêng tổ tiên, phù hộ độ trì nên đào đâu cũng trúng chăng?
    Các sứ thần cười ầm ĩ.
    Lý Vân lại đưa một bó cung tên lên:
    -Thưa Tể tướng, cung tên này, theo hiểu biết hèn mọn của thần thì có tới ngàn năm tuổi, người Bắc triều chắc đã có trận binh đao cách đây cả ngàn năm ở đảo giới này, nên đã chôn cung tên ở đây?
    Tể tướng nói:
    -Đúng thế, đúng thế, người Bắc triều ta đã chôn cung tên này cả ngàn năm nay phòng khi có xâm lăng thì dùng nó mà bảo vệ đảo giới, thế nên đảo giới mới là chủ quyền Bắc triều ta cả ngàn năm là như vậy
    Lý Vân ngắm nghía bó cung tên, lại đưa tới trước mặt các sứ thần và ôn tồn:
    -Cung tên có cả ngàn năm, nhưng dây buộc cung tên, vải bó cung tên là có từ lúc nào, xin các sứ thần chỉ bảo.
    Tể tướng tái mặt. Các sứ thần đưa nhau xem dây buộc, vải bó thì cười lăn lộn, quên cả giữ thể diện sứ thần quốc gia của mình.
    Lý Vân đột ngột rút kiếm, lấy chân đạp ngã Khắc Ngôn xuống cát, đưa mũi kiếm vào cổ Khắc Ngôn. Hành động ấy nhanh tới mức không ai kịp phản ứng. Tiếng Lý Vân vang vọng cả một góc đảo:
    -Ngươi đã làm ô uế uy danh của Hoàng đế Bắc triều, tội ngươi chém chưa hết tội, xé xác phanh thây chưa hết tội. Ngươi nhìn đi, lại dám lấy dây, lấy vải thời nay để bó cung nỏ thời xưa chôn xuống đảo giới, lừa nước Việt ta là tội nhẹ, lừa cả Hoàng đế, lừa cả Triều đình nước ngươi mới là trọng tội. Chém.
    Lưỡi kiếm của Lý Vân vung lên, Khắc Ngôn sụp xuống vái lạy:
    -Bẩm ngài tha mạng… Bẩm ngài tha mạng… Đây là con làm theo lệnh của ngài Hứa Văn mà thôi…
    Lý Vân quắc mắt nhìn Hứa Văn. Hứa Văn che tay lên mặt, lí nhí:
    -Việc này…
    Tể tướng ra vẻ giận dữ bước tới Hứa Văn:
    -Ngài làm thế là mất thể diện của ta, của triều đình.
    Lý Vân cả cười, đỡ Khắc Ngôn đứng dậy:
    -Không có chi. Không có chi. Việc rõ thế rồi. Chỉ vì quan đại thần Hứa Văn nhất thời nôn nóng, nhất thời dối trá, sai người chôn vật chứng trên đảo giới nước Việt mà làm Hoàng đế Bắc triều cũng nhầm lẫn, làm Tể tướng cũng mất công… Thôi mọi chuyện bỏ qua, xin các sứ thần cũng đừng lấy đó mà đàm tiếu, đặng ảnh hưởng đến mối bang giao giữa Bắc triều với các nước lân bang…
    Sứ thần các nước gật đầu.
    Lý Vân nói:
    -Thế nên, đảo giới này là của người Việt, truyền đời đều thế, bản đồ đều ghi rõ, đều vẽ ra, nay ta có mang theo xin các sứ thần nếu thuận ý với việc đảo giới này là của nước Việt, thì nước Việt xin mỗi sứ thần một chữ ký. Xin đa tạ. Xin đa tạ.
    Tể tướng Bắc triều chưa kịp nói gì thì Sứ thần các nước đã ký xong xác tín.
    Lý Vân lại nói:
    -Ta nghe quan phụ trách Khâm Thiên giám nước Việt bố cáo, mấy ngày nữa trên biển có bão táp, vậy xin Tể tướng, các đại thần Bắc triều và các sứ thần mau mau lên thuyền về đất liền, đặng bảo toàn tính mạng.
    Các sứ thần sợ hãi xuống thuyền.
    Tể tướng Bắc triều nấn ná đợi Lý Vân tới gần thì nói:
    -Nếu ta là Hoàng thượng, ta phong ngài là Tể tướng.
    Lý Vân chắp tay cung kính:
    -Xin đa tạ ngài. Xin Tể tướng cùng sứ thần, cùng các quan đại thần vạn dặm bình an, trời yên biển lặng để đi tới nơi về tới chốn. Xin bái biệt.
    Tể tướng quay gót.
    Lý Bật đi qua Lý Vân, tay họ nắm lấy nhau không nói.
    Chốc lát, thuyền Bắc triều đã ra khơi.
    Lý Vân nói với Lý Nhất:
    -Ngài chuẩn bị đón quân binh Bắc triều xâm chiếm đảo. Ta phải quay vào gặp Hoàng thượng. Việc gấp, cương giới giữ được hay không trông chờ vào tài trí của ngài và dũng khí anh em. Xin hãy hết lòng vì nước Việt.
    Lý Nhất cảm kích, đưa chân Lý Vân lên tới thuyền.
    Phó tướng thủy binh cũng lên thuyền về đất liền.
    Hôm nay, bầu trời nơi đảo giới e cao hơn, xanh hơn.
    Biển cũng thế, xanh ngắt và mênh mông.
    Lý Nhất, Lý Thắm đứng bên nhau nhìn mãi con thuyền nước Việt đang đi xa dần.
    Lý Thắm bỗng dưng bật khóc.



















    39.
    Nghe xong tấu trình của Tể tướng về việc Lý Vân đã làm cho Triều đình Bắc triều bẽ mặt trước sứ thần các nước về chủ quyền đảo giới, Hoàng đế Bắc triều chồm tới trước mặt Tể tướng:
    -Không cần chứng cứ, không cần lý do gây hấn, không cần, phải đưa quân đi chiếm lấy, cướp đấy đảo Nước Lửa, không chỉ cướp hết các đảo, mà cả đất liền nữa, cướp hết, đạp nước Việt xuống dưới gót chân của người Bắc triều, nhấn nó xuống bùn, vì sao à? Tất cả các  Hoàng đế Bắc triều có vị Hoàng đế nào chịu nhục trước nước Việt như ta không? Có không?
    Tể tướng nói nhỏ:
    -Bẩm Bệ hạ, đó chỉ là tên sứ thần Lý Vân…
    -Lý Vân sao? Lý Vân là sứ thần nước Việt, cũng là nước Việt… Hãy thảo ngay Thánh chỉ, đem quân đi ngay…
    Tể tướng vẫn bình tĩnh:
    -Bẩm Bệ hạ, chuyện đưa quân đi xâm lăng là việc trọng đại, xin Bệ hạ bình tĩnh… Nếu vội vã, nếu… thua thì còn nhục hơn…
    Hoàng thượng Bắc triều đứng lên, đi lại, ngó nghiêng tấm bản đồ lớn treo trên tường, quay lại Tể tướng:
    -Ta có bao nhiêu lần xâm chiếm nước Việt?
    Tể tướng nói:
    -Bẩm Bệ hạ, nếu thần nhớ không nhầm, kể khoảng mấy trăm năm trở lại, lớn nhỏ đếm  gần trăm cuộc.
    -Ta đã chiến thắng bao nhiêu lần?
    Tể tướng khoanh tay:
    -Bẩm Bệ hạ…
    -Nhiều tới mức không nhớ sao? Khanh cố nhớ xem, Bắc triều ta đã đè bẹp nước Việt ở bao nhiêu cuộc chiến?
    Tể tướng thở hắt ra:
    -Bẩm Bệ hạ… Tất cả đều thua… thua rất đau… tướng quân bị chết, bị bắt, bị đuổi… thua hết thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng Bắc triều ngồi bệt xuống long sàng.
    Im lặng.
    Nghe rõ cả tiếng thở dốc của Hoàng thượng.
    Hoàng thượng hỏi, tiếng yếu ớt như đứt hơi:
    -Khanh là Tể tướng… Khanh nói ta nghe… Vì sao ta thua? Ta lớn như thế? Khí giới ta hơn gấp trăm gấp ngàn nước Việt… Quân binh ta gấp trăm gấp ngàn nước Việt… Vì sao thua mãi… như vậy?
    Tể tướng ấp úng:
    -Mỗi lần thua, Triều đình đều có tìm ra nguyên cớ, lúc thì do bất lợi về địa hình, về địa lý, về thời tiết, lúc thì bất lợi về lòng người… Khi thì do chủ quan… Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều không lúc nào thuận…
    Hoàng thượng trợn mắt lên:
    -Ngu ngốc… Sao không tìm lý do từ phía nước Việt mà chỉ tìm lý do ở Bắc triều. Nước Việt. Nước Việt. Nước Việt. Vì sao nước Việt thắng? Nước Việt yếu mà vẫn thắng. Nước Việt bé mà vẫn thắng. Vì sao nước Việt thắng?
    Tể tướng lúng túng:
    -Việc này… thưa Bệ hạ…
    Hoàng thượng hét lên:
    -Gọi Lý Bật vào cho ta.
    Lý Bật vào, chưa kịp chào xong câu “ Hoàng thượng vạn tuế” thì đã nghe Hoàng thượng dí câu hỏi ngay trước mặt:
    -Nói ta nghe… Khanh vốn là đại thần nước Việt, khanh phải trả lời ta, vì sao lần nào Bắc triều mang quân đánh nước Việt, Bắc triều cũng thua? Vì sao nước Việt thắng?
    Lý Bật ngạc nhiên nhìn Hoàng thượng:
    -Thần có phải trả lời câu hỏi của Bệ hạ không, thưa Bệ hạ?
    Hoàng thượng nhíu mặt:
    -Khanh hỏi vậy là có ý gì?
    Lý Bật nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Thần hỏi vậy vì chính thần mới đây phụng mệnh Bệ hạ, dẫn quân đánh chiếm đảo Nước Lửa, cũng thua đau…
    Hoàng thượng bối rối:
    -Khanh thua cũng là Bắc triều thua, vì sao nước Việt thắng? Mấy trăm năm nay đều thắng? Ta xua quân cả trăm lần trong mấy trăm năm, lần nào cũng thua. Vì sao nước Việt thắng?
    Tể tướng buồn rầu nhìn Lý Bật:
    -Hãy nói với Hoàng thượng… Hoàng thượng hỏi ta mà ta không trả lời được… Ngài là đại thần nước Việt, ngài phải biết…
    Hoàng thượng cướp lời:
    -Đúng… Khanh phải biết…
    Lý Bật ấp úng:
    -Không nói thì Bệ hạ cho thần khi quân, sẽ bị chém đầu, mà  nói thì sợ Bệ hạ cũng sẽ nổi giận chém đầu…
    Hoàng thượng:
    -Ta đã phong cho khanh là đại quan Bắc triều, há dễ ta chém đầu khanh.
    Lý Bật ngước lên nhìn Bệ hạ:
    -Bẩm Bệ hạ… Thân phận thần với nước Việt chỉ là kẻ tạo phản… Lời của thần với Bệ hạ không biết có giá trị không?
    Hoàng thượng nóng nảy:
    -Ta đang chờ câu trả lời của khanh…
    Lý Bật lùi lại một bước, cung kính:
    -Bẩm Bệ hạ, nếu bây giờ thần giành lấy vương miện trên đầu Bệ hạ rồi hô hoán đó là vương miện của thần thì Bệ hạ có chịu không? Triều đình chịu không? Trăm họ Bắc triều có chịu không?
    Hoàng thượng đập bàn:
    -Ngu ngốc. Khanh dám làm việc đó? Khanh dám làm việc trái đạo, trái lý, trái khuôn vàng thước ngọc như thế sao? Ta giết khanh. Triều đình giết khanh. Trăm họ băm nát khanh ra.
    Lý Bật gật đầu cung kính:
    -Bẩm Bệ hạ, đó là lý do vì sao nước Việt thắng.
    Hoàng thượng nhìn Tể tướng lại nhìn Lý Bật:
    -Khanh cứ vòng vo như thế làm gì? Nói thẳng ta nghe..
    Lý Bật nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Nước Việt thắng vì Bắc triều cướp nước Việt cũng như khanh dám cướp vương miện của Bệ hạ. Cướp như thế thì lòng dân trăm họ đứng về một phía chống lại, mà bản thân người đi cướp cũng lo sợ không yên. Cái không yên của người đi cướp lại vấp phải sự giận dữ của cả một đất nước, trăm họ như một, triệu người như một, dựng nên thành lũy, hỏi như thế làm sao cướp được…
    Hoàng thượng phẩy tay:
    -Khanh nói tiếp…
    -Bẩm Bệ hạ… Mỗi lần Bắc triều xua quân đánh nước Việt, mọi người dân nước Việt đều quả quyết, nhất định sẽ thắng Bắc triều…
    -Nói tiếp…
    -Nước Việt bé nên không dùng bé địch lớn, mà dùng khôn ngoan đấu với ngu dại, dùng cái trí đấu với sự ngạo mạn, dùng cái khéo léo đấu với sự vụng về, dùng cái thế chủ nhà đấu với cái bất ổn hoảng hốt của kẻ ăn trộm…
    Hoàng thượng thở hắt ra:
    -Hết chưa?
    -Bẩm Bệ hạ… Còn một điều nữa…
    -Nói…
    -Nước Việt truyền nhiều đời kinh nghiệm chống ngoại bang xâm lăng, còn Bắc triều của Bệ hạ lại không thể truyền đời cho con cháu việc phải cướp nước Việt. Kinh nghiệm giữ nước thì dễ truyền, dễ nhớ, dễ được ủng hộ, còn kinh nghiệm cướp cương giới các nước lân bang e sử sách Bắc triều không có gì để truyền, lại còn giấu giếm, vì không thể khoe với con cháu về tội cướp nước, cũng không thể khoe với con cháu về những thất bại ê chề…
    -Hết chưa?
    -Bẩm Bệ hạ, đáng tiếc là, Bệ hạ vẫn tiếp tục làm cái việc mà trước đó, nhiều triều Hoàng đế Bắc triều đã làm là cướp đất đai nước Viêt, đòi thôn tính nước Việt…
    -Thì sao?
    -Thì sẽ thua, thưa Bệ hạ.
    -Thua?
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế.
    -Thua?
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế.
    -Thua?
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế.
    Hoàng thượng gào lên lần nữa:
    -Thua?
    Tể tướng bật lên một tiếng, nối với tiếng trả lời của Lý Bật:
    -Bẩm Bệ hạ đúng thế… Thua.
    Hoàng thượng quắc mắt nhìn Tể tướng:
    -Thua?
    Tể tướng cúi mặt.
    Hoàng thượng chỉ mặt Lý Bật:
    -Ta cám ơn khanh đã nói hết… Ta sẽ ban thưởng… Nhưng để ban thưởng, lần này ta giao cho khanh đưa quân chiếm đảo nước Việt. Khanh vốn là đại thần nước Việt, hiểu cách đánh nước Việt, hiểu binh pháp nước Việt thì chắc chắn biết cách tránh được cách đánh đó, biết cách hóa giải binh pháp đó… Lần này ta tin Bắc triều thắng, vì ít ra ta đã không đi đường mòn mà các Hoàng đế trước ta đã đi… Ta nói không sai chứ?
    Lý Bật cúi đầu:
    -Thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng cho Lý Bật ra.
    Còn lại Tể tướng, Hoàng thượng hỏi:
    -Ta nói thế không sai chứ?
    Tể tướng nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Triều đình thấy bất an nếu Bệ hạ lại giao cả đoàn thuyền chiến vào tay Lý Bật để ra đánh chiếm đảo giới nước Việt…
    Hoàng thượng nheo mắt nhìn Tể tướng:
    -Triều đình không tin ta?
    Tể tướng cung kính:
    -Bẩm Bệ hạ… Xin Bệ hạ tha tội… Nhưng đó là nỗi lo mà thần thấy Bệ hạ cần cân nhắc.
    Hoàng thượng mỉm cười:
    -Ta không quá ngạo mạn, cũng không quá ngông cuồng, cũng không quá cả tin… Khanh nghe ta nói đây…Ví dụ thôi… Hơi thô tục một chút… Người Bắc triều ta nhiều như cát sa mạc… Nếu mỗi người Bắc triều cùng nhổ một bãi nước bọt về phía nước Việt, thì lượng nước ấy đủ để cuốn trôi người nước Việt ra biển… Ta nói đúng chứ?
    Tể tướng không nhịn được, òa lên cười.
    Hoàng thượng cũng cười ha hả.
    -Khanh biết không… Nói thế để biết, với ta, cướp đất đai cương giới nước Việt là chuyện bé, lấy cả nước Việt mới là chuyện đáng làm… và ta lấy được.
    Tể tướng nói:
    -Bệ hạ vẫn nhớ những gì Lý Bật vừa nói?
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Ta không quên lời nào…
    -Bẩm Bệ hạ, nhưng lần này nếu ta thua?
    Hoàng thượng Bắc triều nổi khùng:
    -Nếu thua à ? Thì lần khác… lần khác… năm khác… trăm năm nữa… ngàn năm nữa… khanh hiểu chứ? Ngàn năm nữa cũng đừng quên phải cướp lấy nước Việt…
    Tể tướng rụt rè hỏi:
    -Bẩm Bệ hạ, có câu này thần muốn hỏi Bệ hạ?
    -Khanh cứ nói.
    -Bẩm Bệ hạ, cứ gì Bắc triều ta cứ phải đánh nước Việt?
    Hoàng thượng nhìn Tể tướng:
    -Nếu khanh không phải là ái khanh của ta… Nếu khanh không từng là ân nhân ngày xưa của ta… Câu hỏi này có thể khanh không mất mạng thì cũng bị phế chức, khanh hiểu chứ. Khanh đã hỏi thì ta nói cho khanh hay. Lấy nước Việt vì Bắc triều không muốn có một nước bé mà lợi hại ở bên hông mình, lại án ngự cả một địa thế hiểm yếu bên hông mình, lại bất trị, lại gan hùng, lại không biết thua cuộc chiến nào… Lấy được nước Việt thì nhiều nước ở sau nước Việt cũng bị ta thôn tính. Khanh hiểu chứ?
    Tể tướng nói:
    -Nhưng cứ đánh rồi lại thua như thế, Bệ hạ không thấy phải đắn đo?
    Hoàng thượng nói:
    -Nếu không đánh được bằng binh đao thì sẽ đánh bằng kế khác, phải làm sao để cho người Bắc triều lưu lạc nhiều ở nước Việt, sinh con đẻ cái ở nước Việt, gieo mầm Bắc triều ở nước Việt, cách này cần cả trăm năm, cần cả ngàn năm. Nhưng trước khi thực hiện kế dài lâu ấy, ta cần xuất binh, ta cần cho nước Việt thua đau một trận, có thua thì  mới lùi, có lùi thì mới phục, có phục thì ta mới ép nước Việt làm chư hầu, mãi mãi là chư hầu, như thế thì kế lâu dài thành kế ngắn ngày, hiểu chưa?
    Tể tướng cúi đầu:
    -Bệ hạ anh minh.
    Hoàng thượng lại nói:
    -Xuất binh lần này, nói là giao cho Lý Bật nhưng dùng Lý Bật làm mồi, làm con thiêu thân, quân binh của ta phải nghe theo chủ tướng của ta, khanh hiểu chứ?
    Tể tướng cúi đầu:
    -Bẩm Bệ hạ, thần hiểu.
    -Làm thế, Lý Bật muốn tạo phản cũng bị ta chủ động, muốn lập công thì càng lợi cho ta, được cả đôi đường…
    Tể tướng nhìn Hoàng thượng. Sống lưng Tể tướng cảm thấy nhồn nhột, lành lạnh.
     40.
    Đô tướng Lý Nhất giữ lại một lực lượng vừa đủ ở đảo Nước Lửa. Điều này khiến Lý Đạt rất  băn khoăn. Lý Thắm cũng ngạc nhiên với quyết định đó. Lý Nhất nói:
    -Đảo Nước Lửa đã có lửa là vũ khí, không cần nhiều quân. Với lại, Bắc triều không ngu dại gì lại tấn công chủ yếu vào đảo Nước Lửa. Lần này chúng sẽ tập trung vào đảo Ốc, đảo Hút, thậm chí cả đảo Vú Mẹ là những đảo thuận cho chúng. Hãy tin ta.
    Lý Đạt nói:
    -Lý Bật đã biết rõ thực lực, cách đánh của ta, lần này chúng lại tăng quân, tăng thuyền chiến, đại ca cần thận trọng.
    Lý Nhất nói:
    -Thông báo với tất cả quân binh, thủy binh, chỉ được phép bắt sống Lý Bật, không được giết hoặc làm bị thương Lý Bật.
    Lý Thắm, Lý Đạt nhìn nhau.
    Huệ Hương tức tối:
    -Biết thế, lần trước, em giết hắn luôn.
    Lý Nhất im lặng.
    Suốt mấy ngày qua, các lực lượng quân binh, thủy binh đã đào hầm, chuẩn bị khí giới, dàn binh kỹ càng ở ba hòn đảo quan trọng là đảo Nước Lửa, đảo Ốc và đảo Hút.
    Lý Nhất và Lý Đạt còn tập trung mấy chục thủy binh khỏe nhất, cả ngày tập lặn ngoài biển. Dù anh em chưa biết tập lặn để làm gì, nhưng Lý Nhất qua mỗi ngày tập lại loại bớt để chọn chưa tới hai mươi người có khả năng lặn xa nhất. Lý Nhất tập họp họ lại:
    -Ta phải đánh thủy binh Bắc triều ngay khi thuyền chúng vừa tới, chưa kịp chuẩn bị gì. Việc của anh em là lặn áp sát thuyền, dùng cây sắt nhọn đâm thủng thuyền của chúng trước. Muốn vậy phải thử.
    Anh em lại lặn, rồi thử với những con thuyền giả.
    Những ngày tập ấy, Lý Thắm cho anh em ăn nhiều thức ăn ngon.
    Số thủy binh còn lại, Lý Nhất cho Lý Đạt huấn luyện, cả việc đánh giặc bằng cung tên, gươm giáo cả việc tập nằm ép mình trong cát, chịu đựng nắng nóng, ẩn mình dưới gốc những bụi rau muống biển, bảo đảm bí mật, nhằm tạo được thế bất ngờ trong tấn công.
    Các cô gái thì suốt ngày tập bắn cung nỏ dưới sự chỉ huy của Huệ Hương. Dù biết đây chỉ là lực lượng dự phòng, nhưng các cô gái cũng luyện tập rất chăm chỉ.
    Lực lượng quân binh, thủy binh được Triều đình chi viện thêm ra tới mấy trăm người, được phân đều về các đảo. Cung nỏ, khí giới đầy đủ. Lương thảo, nước uống cũng được chuẩn bị rất kỹ càng.
    Đêm đêm, Lý Thắm vẫn lo lắng hỏi Lý Nhất:
    -Chàng không lo lắng chứ?
    Lý Nhất nói:
    -Ta chỉ lo lắng cho nàng…
    Lý Thắm nói:
    -Em hứa, dù bất cứ việc gì xảy ra, em cũng bảo vệ con của chàng, chàng đừng quá bận tâm…
    Lý Nhất áp tai vào bụng Lý Thắm:
    -Ta và anh em không sợ gì cả. Kẻ đánh từ thuyền vào bao giờ cũng yếu sức hơn với ta, ở trong đảo đánh ra. Nhưng chỉ e chúng mang quá nhiều thuyền chiến, quân binh, thủy binh, ép ta thì rất khó khăn.
    Lý Thắm hỏi:
    -Chàng có thể tấu trình với Hoàng thượng để sung thêm thuyền, thêm quân?
    Lý Nhất cầm tay Lý Thắm:
    -Có chuyện cơ mật này, nàng phải giữ, tất cả thuyền chiến, và lực lượng thủy binh thiện chiến nhất nước Việt, Hoàng thượng đã cho ta rồi. Trong đất liền, chỉ còn một lực lượng mỏng hơn để phòng vệ thôi.
    Lý Thắm thở dài:
    -Ta yếu, chúng mạnh, Đất ta, cương giới của ta mà chúng lại tham lam đòi giành, đòi cướp. Sao trời không giúp ta?
    Lý Nhất cứng rắn:
    -Nàng yên tâm. Trời sẽ giúp ta. Trời sẽ giúp nước Việt.

    X    X
       X
    Tể tướng Bắc triều sau khi kiểm tra các chiến thuyền, kiểm tra quân binh, thủy binh, thì vào gặp Hoàng thượng:
    -Bẩm Bệ hạ. Ta có 2000 thủy binh với khí giới, cung nỏ đầy đủ, thuyền chiến chắc chắn. Ta lại vừa mới chế tạo được súng phun lửa. Lần xuất binh này, bệ hạ yên tâm, các đảo cương giới nước Việt sẽ thuộc về ta.
    Hoàng thượng nói:
    -Chưa xuất binh vội.
    Tể tướng:
    -Bẩm Bệ hạ…
    Hoàng thượng:
    -Khanh truyền Thánh chỉ của ta, cho dấy binh ở cương giới đất liền, vừa làm cho nước Việt ngỡ rằng, ta chưa đánh chiếm đảo, vừa gây hao binh lực của họ, thu hút lực lượng quân binh nước Việt ở cương giới đất liền, như vậy thì ta dễ dàng lấy đảo giới mà nước Việt không kịp trở tay.
    Tể tướng:
    -Bệ hạ anh minh.
    Hoàng thượng hạ giọng:
    -Thủy binh chia thành hai đoàn thuyền chiến, đoàn thuyền ít nhất giao Lý Bật chỉ huy. Đoàn thuyền lớn hơn, giao Hứa Văn chỉ huy. Nếu Đội Nhất và quân binh trên đảo ngoan ngoãn đầu hàng, tha, bắt làm tù binh, nếu chống cự chém hết, giết hết…
    Tể tướng:
    -Trên đảo giới nước Việt còn có cả nữ binh, dân binh thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng phẩy tay:
    -Giết.
    Tể tướng:
    -Có nên thông báo với sứ thần các nước việc này thưa Bệ hạ?
    Hoàng thượng:
    -Ta đã nghĩ tới… Không thông báo thì ta bị coi như tiểu nhân, nhưng thông báo rằng ta xuất binh chiếm đảo nước Việt thì sứ thần các nước lại coi ta  tiểu nhân hơn. Nhưng kệ, cứ chiếm đã.
    Tể tướng:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.

    X    X
       X
    Hoàng thượng nước Việt thiết triều.
    Quan thượng thư Bộ Binh bẩm báo:
    -Bẩm Bệ hạ. Việc Bắc triều chuẩn bị cho thuyền chiến xâm chiếm đảo giới là đã nhìn thấy được. Ở cương giới đất liền, quân Bắc triều cũng bắt đầu cho nhiều lực lượng áp sát. Cương giới cả đất liền và biển đảo rất căng thẳng. Xin Hoàng thượng hạ chỉ.
    Hoàng thượng nói:
    -Ta biết rồi. Ngoài đảo giới, đại quan Lý Nhất và anh em cũng đã sẵn sàng nghênh chiến với giặc. Cương giới đất liền ta cũng đã sung quân. Nếu xảy ra binh biến, ta sẽ gặp thiệt hại rất lớn. Hiện tại, trí dũng ta có, khôn khéo ta có, nhưng chắc sẽ không địch nổi với quân Bắc triều. Né trận binh đao này nước Việt ta được lợi nhiều. Kéo hoãn cuộc xâm chiến của Bắc triều cũng là điều đáng làm. Ta không vì sự khiêu khích chuẩn bị của Bắc triều mà bị kích động.
    Im lặng nhìn các quan quân, Hoàng thượng nói tiếp:
    -Ta lại cần Lý Vân đi sứ Bắc triều lần nữa…
    Phó tướng Thủy binh ngạc nhiên:
    -Bẩm Bệ hạ, cuộc chiến chỉ còn trong gang tấc, đi sứ phỏng có ích gì? Hay Bệ hạ tính đến chuyện thỏa hiệp, phải giao nộp một phần cương giới cho Bắc triều để tránh binh đao?
    Hoàng thượng cả giận:
    -Khanh dám khi quân phạm thượng?
    Phó tướng thủy binh cúi đầu:
    -Xin Bệ hạ tha tội…
    Hoàng thượng nhìn Lý Vân:
    -Ta cần khanh đi sứ lần này, khéo nói, kiên nhẫn, khéo thuyết phục để Bắc triều hoặc là không tiến công, hoặc cùng lắm là trì hoãn cuộc chiến để nước ta có thêm thời gian sung quân, sung lực, kéo được yên bình cho thiên hạ ngày nào là tốt ngày đó. Khanh hiểu chứ?
    Lý Vân khoanh tay:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng nhìn Lý Vân:
    -Khanh còn điều gì cần nói với ta?
    Lý Vân nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Thần không xem việc đi sứ lần này có thể chấm dứt được chiến tranh, cũng khó mà trì hoãn được cuộc xâm chiến đảo giới của Bắc triều. Nhưng việc Hoàng thượng cử thần đi sứ là rất cần thiết. Thần cần làm cho sứ thần các nước biết rõ được sự bội ước của Bắc triều, cái lòng tham lam vô độ của họ, bất cần lý lẽ, bất cần đạo lý của họ. Ở nhà, Bệ hạ cần dốc lòng đôn đốc anh em quân binh, thủy binh, phải đánh thắng.
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Khanh nói phải lắm. Ta ít hy vọng Bắc triều dừng cuộc chiến, nhưng ta cần sự ủng hộ của các nước lân bang, ta cần cả sự vạch mặt chỉ tên của Lý Vân đối với Bắc triều để thiên hạ được tỏ tường. Cùng với việc này, nếu ta thắng thì sự bẽ mặt và xấu hổ của Bắc triều có thể không còn so sánh gì hơn nữa.
    Lý Vân bái biệt Hoàng thượng lên ngựa.

    X     X
       X
    -Ta lại gặp khanh? Hoàng đế Bắc triều nhìn Lý Vân- Ta cứ tưởng, ngày đó khanh chuồn theo thuyền nước Việt, không trở lại gặp ta là để tránh một sự trừng phạt vì đã làm bẽ bàng triều đình Bắc triều ta?
    Lý Vân từ tốn:
    -Bẩm Bệ hạ… Là  đại thần của triều đình, thì chết cho triều đình nào có hối tiếc… Nếu thần sợ chết, thần không qua gặp Bệ hạ thế này…
    Hoàng đế Bắc triều nói:
    -Khanh nói hay lắm… Lần này khanh sang là có việc gì? Vấn an ta? Xin ta tha mạng sống? Xin ta không gây chiến? Xin cống nộp đảo giới?
    Lý Vân nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Bệ hạ cũng đã biết, ở đời, cái mình xin thì không có, cái mình có thì không được cho ai…
    Hoàng thượng hậm hực.
    Lý Vân nói
    -Thần không phải đại thần của Bệ hạ, nên việc Bệ hạ làm gì thần không thể can gián nhưng cũng không ủng hộ. Thần chỉ tiếc một điều…
    -Tiếc? Hoàng thượng Bắc triều ngạc nhiên
    -Bẩm Bệ hạ… Bắc triều là nước lớn, không nước nào không ngưỡng mộ Bắc triều ta. Bắc triều lại có người thầy lớn, Khổng phu tử, người thầy không phải chỉ riêng Bắc triều mà còn với cả thiên hạ. Tiếc là trong khi cả thiên hạ học từng lời dạy của thầy Khổng phu tử để làm đúng việc đạo, việc đời, thì Bệ hạ lại làm trái với những gì Khổng phu tử đã dạy…
    Hoàng thượng chồm tới:
    -Khanh dám…
    Lý Vân nhỏ nhẹ:
    -Bẩm Bệ hạ… Khổng phu tử của Bắc triều là vạn thế sư biểu của thiên hạ, điều ấy ai cũng nể trọng và ghi tâm. Khổng phu tử dạy, người quân tử lấy nghĩa làm đầu, không vì lợi mà quên nghĩa. Khổng phu tử lại dạy, người quân tử không sợ kẻ mạnh, không hiếp kẻ yếu. Ngài lại dạy: Trong quan hệ bằng hữu, lấy chữ tín làm đầu.
    Hoàng thượng:
    -Đúng thế, đúng thế, đó lời của Ngài, của Khổng phu tử, thì sao, thì sao?
    Lý Vân nói:
    -Bậm bệ hạ, theo thiển ý của thần, việc Bệ hạ mong muốn chiếm lấy đảo giới của nước Việt là vì để được lợi, lợi cả tài nguyên của cải, lợi cả cái thế xâm lấn xuống các nước khác nữa trong khu vực, ấy là thấy lợi thì cố làm, không nghĩ đến tình nghĩa bang giao hai nước, không còn coi mình là quân tử,  khi đã cố làm thì sẽ bị trăm họ ca thán, thiên hạ dè bỉu. Nếu Đức Ngài Khổng tử sống lại, biết con cháu Ngài cố tình làm trái lời Ngài dạy, e  Bệ hạ không thể ngồi yên mà không bị phạt.
    Hoàng thượng quay mặt đi.
    -Bẩm Bệ hạ. Bắc triều là nước lớn, văn minh nhất thiên hạ, giàu có nhất thiên hạ, của nả, thần dân đông nhất thiên hạ, thế mà Bệ hạ lại đưa quân đi xâm chiếm đất đai của nước Việt nhỏ bé, há không phải là cố ý hiếp kẻ yếu sao? Há như vậy còn đâu chính nhân quân tử, còn đâu con cháu học trò của Khổng phu tử?
    Vẫn không thấy Hoàng thượng Bắc triều bày tỏ thái độ, Lý Vân nói tiếp:
    -Nếu thần không nhớ nhầm, thì cả trong văn tự, cả trong thánh chỉ gửi cho nước Việt, cả trong thư báo gửi sứ thần các nước, vừa rồi Bệ hạ đã xác tín cương giới nước Việt, có chữ ký của sứ thần, thế mà bây giờ Bệ hạ lại đùng đùng xuất quân chiếm đảo giới nước Việt, hóa ra là không coi chữ tín ra gì, hóa ra không còn vị trí đàng hoàng của người quân tử. Thấy Bệ hạ thất tín như thế, các vị tiền nhân, cả thầy Khổng tử liệu ngồi yên chăng?
    Hoàng thượng cựa quậy trên long sàng.
    Lý Vân khoanh tay kính cẩn:
    -Xin Bệ hạ cho thần nói câu  cuối. Thần biết được Bệ hạ vì sao phải làm trái đạo lý, làm trái lương tâm, làm trái lời dạy của Khổng phu tử…
    -Khanh còn biết cả việc ấy?
    -Bẩm Bệ hạ. Biết trái đạo mà vẫn làm, biết thất tín mà vẫn làm chỉ là vì thế này thôi: Như Bệ hạ cũng biết,  nếu một đứa trẻ tỏ ra vô lễ với người chung quanh, người đời chửi: đồ mất dạy. Chửi là vì cha mẹ đứa bé đã không biết dạy con những qui ước giao tiếp xã hội, không dạy chúng những điều hay lẽ phải, nên chúng hành xử trái với đạo đức xã hội. Hoặc chính cha mẹ chúng cũng không biết điều hay lẽ phải. Nếu nghe câu chửi này, có thể thầy Khổng tử sẽ vô cùng đau đớn. Thứ nữa, là cũng chính do Bệ hạ thấy cô độc. Cô độc vì những điều Bệ hạ đang hành xử đều không có nước nào ủng hộ. Làm trái mà không biết sửa, không biết nghe, dù biết cô độc vẫn cứ làm thì sẽ cuồng. Hoặc Bệ hạ biết trái vẫn làm vì tưởng thế là anh hùng thiên hạ. Nhưng đó là thứ anh hùng bánh vẽ, các nước lân bang và cả nước Việt của thần không tâm phục, khẩu phục, không hề tôn kính cái thứ anh hùng kiêu ngạo ấy. Nhưng thần thì thấy có thể Bệ hạ làm vậy đôi khi lại do bệnh lý, do di truyền, đời Hoàng đế này đến Hoàng đế khác của Bắc triều, chưa Hoàng đế nào ngưng xâm chiếm nước Việt. Nếu có bệnh lý ấy thật, e hết thuốc chữa.
    Lý Vân nói xong, nhẹ nhàng cởi bao kiếm, dâng lên trước mặt Hoàng thượng Bắc triều:
    -Trên đường sang gặp Bệ hạ, thần nghĩ, thần có thể nói để Bệ hạ ngưng cuộc binh đao, hai nước hòa hiếu, an bình, được lợi cho con dân trăm họ. Nhưng giờ thì thần biết, rồi đây máu của quân binh, thủy binh hai nước sẽ nhuộm đỏ biển khơi cương giới. Hôm nay Bệ hạ có thể thỏa mãn cướp được đảo nước Việt, nhưng mai này, con cháu nước Việt không quên việc này, sẽ lấy lại, sẽ đưa Bệ hạ ra mắng chửi và căm ghét. Bệ hạ muốn xuất binh cứ xuất binh. Quân binh thủy binh nước Việt có câu này xin gửi tới Bệ hạ: dù phải nhuốm đỏ máu ở biển khơi thì đảo giới nước Việt vẫn mãi là đảo giới nước Việt. Nói được với Bệ hạ thế, thần cũng thấy đã xong việc, nếu Bệ hạ muốn chém thần xin hãy dùng kiếm này.
    Hoàng thượng Bắc triều liếc nhìn cây kiếm trên tay Lý Vân đang dâng lên thì xua tay:
    -Ta tha chết cho ngươi. Giết tướng thì còn hy vọng quân sợ. Giết nhà nho các ngươi, giết người này mọc ra người khác, chém đầu người có thể đứt, chém chữ sao đứt.
    Lý Vân thu kiếm:
    -Bệ hạ anh minh.
    Hoàng thượng nói:
    -Nhưng những câu nói khích kháy, châm chọc, thọc sườn của khanh ta không quên được. Sao nước Việt nhỏ bé mà sinh được ra khanh?
    Lý Vân vừa lùi ra vừa nói:
    -Bẩm Bệ hạ… Bệ hạ quá khen, thần cũng chỉ là một thảo dân ngu muội thôi… Xin bái biệt Bệ hạ.
    -Khoan đã- Hoàng thượng Bắc triều nói to- Khoan đã. Không phải ta tha tội chết mà khanh vội bái biệt.
    Lý Vân dừng bước:
    -Bẩm Bệ hạ, còn có chuyện gì dạy bảo?
    Hoàng thượng nhìn Lý Vân:
    -Hoàng thượng nước Việt sai khanh sang xin ta không xuất binh, hủy trận chiến, khanh không làm được sao không thấy sợ hãi?
    Lý Vân nói:
    -Bẩm Bệ hạ, không ai đi khuyên kẻ đang muốn đánh mình mà chắc rằng họ sẽ thu kiếm. Thần sang đây trước là để cho Bệ hạ biết quyết tâm của nước Việt, không để mất đất đai cương giới vào tay ai, cũng không chịu hèn trước ai, nếu phải xảy ra cuộc chiến, còn một người vẫn đánh. Sau nữa là thần cũng muốn vấn an sứ thần các nước, để họ biết rõ rằng, Bắc triều của Bệ hạ đang chuẩn bị xâm chiếm đất đai cương giới của nước Việt để các nước lân bang biết thế mà cảnh giác, không quá tin vào lời cam kết hứa hẹn hữu hảo của Bệ hạ.
    Hoàng thượng nín lặng.
    Lý Vân cũng im lặng.
    Tiếng Hoàng thượng bé lại:
    -Ta cho khanh lui.
    Lý Vân bước ra. Thấy trước cửa đại điện đã có cỗ xe ngựa chờ sẵn. Người đánh xe là một người lính. Lý Vân lên xe. Xe ngựa chạy băng băng ra khỏi kinh thành.
    Lý Vân đột ngột thở dài:
    -Ta thấy có âm khí nặng quá.
    Tên lính đánh xe ngựa ghìm dây cương hoảng hốt:
    -Ngài nói vậy là sao?
    Lý Vân cả cười:
    -Người ta vẫn truyền nhau điều này, nếu ai đó mà lén lút giết ai đó thì con cái người đó sẽ cúi mặt cả đời, gia đình tang tóc, cha mẹ không chết vì bất đắc kỳ tử thì cũng chết vì sét đánh…
    Người lính đánh xe ngựa tần ngần nhìn Lý Vân:
    -Ngài nói vậy là ngài biết cả… Con chỉ là thằng lính trong nội điện, thân phận thấp hèn, chỉ biết y lệnh, không có quyền thả ngài mà cũng không có quyền không giết ngài…
    Lý Vân:
    -Than ôi, ta biết, ta không trách ngươi nhưng chắc trời đất không buông tha…
    Người lính run rẩy:
    -Nếu con tha cho ngài thì con cũng chết… Chi bằng con chịu đau để ngài sống mà con không bị trời đất nguyền rủa…
    Lý Vân ngạc nhiên:
    -Ý ngươi là sao?
    Người lính lấy kiếm, chém vào cánh tay mình:
    -Con biết ngài là bậc nho sĩ nổi danh nước Việt. Con phụng mệnh Hoàng thượng đưa ngài về là để giết ngài trên đường. Nhưng giết ngài thì con không đành. Con phải chém vào tay để coi như ngài đã chém con, ngài chém con rồi ngài cướp xe về nước Việt.
    Lý Vân cảm động:
    -Hãy theo ta về nước Việt, ta bảo đảm ngươi sống yên ổn, vì công ngươi cứu mạng…
    Lý Vân lấy vải băng bó vết thương cho tên lính.
    Chiếc xe ngựa cứ hướng về cương giới nước Việt phi nước đại.




    41.
    Thuyền chiến xếp hàng ra khơi.
    Nhóm thuyền đầu tiên do Lý Bật chỉ huy.
    Cách đó một quãng, nhóm thuyền thứ hai cũng xuất bến, do Hứa Văn chỉ huy.
    Trên thuyền đông đặc thủy binh, quân binh. Trên mũi thuyền là những khẩu súng lửa vừa được sản xuất.
    Cung nỏ, dao kiếm tua tủa trên tay những thủy binh, quân binh Bắc triều.
    Trong thuyền, còn chất đầy những cột gỗ lim rất dài, vuốt nhọn, khắc chữ Bắc triều để chiếm được đảo nào thì chôn cột mốc ở đảo đó.
    Mấy ngày qua, quân binh thủy binh được ăn uống thả sức. Đêm thì có bọn ca nữ phục vụ. Chưa lúc nào xuất quân mà rộn ràng như thế, khí thế như thế, chuẩn bị đầy đủ như thế.
    Trước ngày cho thuyền xuất binh, Hoàng đế Bắc triều làm hai việc cuối cùng. Một là viết thư gửi Hoàng đế nước Việt, chia buồn về việc do tai nạn mà Lý Vân đã tử, cả xe và người đều mất hút dưới vực sâu. Đó là ý trời, mệnh trời, số mạng Lý Vân, Bắc triều rất lấy làm cảm kích. Hai là Hoàng thượng gặp mặt sứ thần các nước nói rằng, do thủy binh đảo giới nước Việt ỷ vào việc đóng chốt trên biển nên đã làm càn, cướp bóc thuyền buôn Bắc triều nên Bắc triều phải xuất quân trừng trị. Một số quan đại thần có nói, Hoàng thượng dựng chuyện vậy e không ai tin. Nhưng Hoàng thượng nói, tin hay không là tùy, việc có cái cớ để xuất binh mới quan trọng. Nghe Hoàng thượng tuyên bố vậy, không quan quân nào nói gì nữa.

    X   X
       X
    Tiểu Tiểu mang kiếm bên hông, bước tới bên Lý Bật:
    -Ngài là người Việt lại được làm phó tướng, ta là người Bắc triều chỉ làm dưới quyền, Hoàng thượng thật không công bằng.
    Lý Bật nói:
    -Ta là phó tướng mà đôi khi lại bị người dưới quyền ta giám sát, Hoàng thượng làm vậy mới thực công bằng.
    Tiểu Tiểu cười ha hả:
    -Ngài nói hay lắm, nói hay lắm, biết mà làm như không biết mới gọi là biết.
    Lý Bật nói:
    -Đảo Nước Lửa thì ta và phó đô đốc không lạ, đánh một lần thua rồi, nay đánh lần nữa e cũng không chắc thắng, liệu mà giữ lấy mạng sống.
    Tiểu Tiểu rút kiếm ra, ngắm nghía:
    -Mạng sống ta nằm ở lưỡi kiếm này…
    Lý Bật cả cười:
    -Còn mạng sống ta nằm trong tay Hoàng thượng.
    Tiểu Tiểu nheo nheo mắt nhìn Lý Bật rồi bước đi.

    X    X
      X
    Chòi canh trên đảo lúc nào cũng có lính đứng quan sát.
    Và bây giờ thì âm thanh báo động từ cái vỏ ốc được thổi đã vang lên. Âm thanh mà Lý Nhất không mong muốn nghe đã vang lên.
    Từ xa tít ở chân trời, lính gác chòi canh đếm được gần 30 con thuyền chiến của Bắc triều.
    Lý Nhất bàng hoàng.
    Ba mươi con thuyền chiến của Bắc triều là mang theo mấy ngàn binh lính?
    Lý Nhất đưa vỏ ốc lên thổi.
    Các đảo đều báo động nối nhau.
    Các quân binh, thủy binh chạy ào ra ra các vị trí đã được bố trí từ trước.
    Đội lặn đang ngồi với  Lý Nhất để đợi thuyền chiến của Bắc triều tới gần hơn.
    Mặt trời đã chênh chếch hạ xuống.
    Trên biển, trên đảo, ánh sáng màu huyết dụ đã phủ tràn.
    Lý Nhất cầm quân ở đảo Nước Lửa. Lý Đạt cầm quân ở đảo Ốc. Huệ Hương cầm quân ở đảo Hút. Lý Thắm cầm quân ở đảo Vú Mẹ…
    Tất cả các đảo đều đã sẵn sàng.
    Lý Thắm cố bước lên đỉnh cát nhìn ra biển khơi. Xa lắm, rất xa, bóng những chiến thuyền của Bắc triều đang lúc khuất lúc hiện trên từng lớp sóng.
    Đột nhiên, Lý Thắm cúi gập người xuống. Một cơn đau nhẹ.
    Lý Thắm thì thầm: Con ạ, từ từ con nhé… Mẹ và cha con đang phải tham chiến trận này…
    Từ mấy ngày trước, Đô tướng Lý Nhất đã cho treo cờ nước Việt lên tất cả các đảo. Đảo nào cũng có một cột cờ làm bằng cột tre mang từ đất liền ra. Trong ánh nắng chiều ta, màu hồng đỏ của nắng trời, cùng màu cờ đỏ như máu trên đảo, nhìn đã thấy trong lòng hào hứng và dâng ngập cảm xúc.
    Lý Nhất đã bàn bạc với Lý Đạt, bằng mọi giá cũng phải bảo vệ được đảo, thế cùng thì rút hết về giữ lấy đảo Vú Mẹ rồi phản công chiếm lại đảo. Hôm qua Lý Nhất cũng đã cho người lên thuyền về nước Việt, có bao nhiêu của cải quý giá thu lượm được trên các đảo đều mang về hết. Lý Nhất cũng đã viết thư cho Hoàng thượng, lá thư mà nếu rồi đây vì trận chiến này phải chết, thì những dòng thư cuối cùng ấy cũng muốn cho Hoàng thượng và nước Việt hiểu rằng, cái chết của Lý Nhất và anh em là để đảo cương giới còn mãi với nước Việt, không ai có thể chiếm đoạt được.


    X     X
       X
    Đã bắt đầu nhìn thấy ánh vàng trên các đảo cát của nước Việt. Tiểu Tiểu hô hét cho quân binh, thủy binh chuẩn bị sẵn sàng. Lý Bật liếc mắt nhìn mấy khẩu súng phóng lửa rồi bí mật dùng nước đổ vào mấy cái máng thuốc nổ. Đang làm thì một tên lính nhìn thấy định la lên, nhanh như chớp, Lý Bật xộc mũi kiếm vào cổ hắn và kéo dìm xuống sau bánh lái thuyền.
    Hứa Văn cho thả những thuyền nan con xuống kẹp bên hông thuyền để tiện cho việc quân lính tấn công vào đảo.
    Hứa Văn nhìn về nhóm thuyền chiến của Lý Bật, quay sang nói với Khắc Ngôn:
    -Thuyền ấy chỉ dùng để đánh lừa cả Lý Bật và quân binh Lý Nhất. Thuyền chiếm đảo chính vẫn là đoàn thuyền của ta, ngươi hiểu chứ.
    Khắc Ngôn gật đầu:
    -Bẩm ngài con hiểu.
    -Tao không tin Lý Bật. Mày tin hắn không?
    -Bẩm ngài, không.
    Hứa Văn gật đầu hài lòng:
    -Hảo. Không tin ai ngoài bản thân mình. Huống chi hắn là người Việt. Không tin được.
    Khắc Ngôn nói:
    -Nếu cần, ngài cho con giết hắn để trừ hậu họa lâu dài.
    Hứa Văn lắc đầu:
    -Hoàng thượng giao cho hắn mấy thuyền chiến ấy là giao cho hắn cái chết rồi, khỏi phải ra tay. Hoàng thượng sáng suốt.
    Khắc Ngôn không hiểu. Hứa Văn cười lớn.
    42.
    Các thuyền chiến Bắc triều bắt đầu hướng tới đảo. Lý Nhất nói đúng, cả ba đảo đều nhận thấy mũi thuyền chiến của quân Bắc triều hướng tới: đảo Nước Lửa, đảo Hút và đảo Ốc.
    Trên các đám rau muống biển dọc chân đảo, phía dưới đều có các thủy binh ẩn náu.
    Đội lặn nằm ép sau một ghềnh đá san hô để đợi thuyền của giặc áp sát.
    Lý Nhất nhìn thấy đoàn thuyền ít hơn hướng thẳng tới đảo Nước Lửa, còn một đoàn thuyền rất lớn, nhung nhúc quân binh thì hướng tới đảo Ốc, đảo Hút.
    Lý Nhất cảm thấy lo lắng.
    Ở đảo Vú Mẹ, trên đỉnh cát, Lý Thắm đứng nhìn, hai tay ôm lấy bụng bầu, mắt nàng không chớp.
    Chỉ cần nhìn đoàn thuyền chiến của Bắc triều đang rùng rùng tiến vào áp đảo, đầy hung hãn, nàng tự thấy một tai họa lớn đang tới.
    Mấy cô gái chạy tới, đứng bên cạnh.
    Lý Thắm nói:
    -Các em chuẩn bị thuyền để ứng cứu. Quân giặc quá đông.
    Các cô gái vội lao về mép đảo, kéo những con thuyền nhỏ trong hốc đá ra, sẵn sàng đợi lệnh.
    Đã nhìn thấy cờ quạt của quân Bắc triều.
    Đã nghe thấy tiếng thanh la, tiếng kèn hú lên từng hồi trên thuyền chiến của giặc.
    Hình như gió trên đảo cũng ngừng thổi.
    Cả những con còng gió cũng nằm im trong hang cát.
    Trên tất cả các đảo, hàng trăm các chiến binh nước Việt đang đợi giặc.
    Đảo dưới chân họ.
    Cờ chủ quyền cương giới trên đầu họ.
    Cột mốc cương giới ở bên cạnh họ

    X     X
       X
    Lý Bật im lặng lệnh cho lính neo giữ chặt gần bảy con thuyền trong đoàn thuyền do mình chỉ huy, dùng khóa sắt móc néo thuyền này qua thuyền khác trước khi thả neo cập kề đảo Nước Lửa. Tiểu Tiểu mải chỉ huy quân ở mũi thuyền chuẩn bị xuống các thuyền con nên không quan sát việc buộc néo thuyền của Lý Bật.
    Lúc đầu, các thủy binh Bắc triều còn theo lệnh Tiểu Tiểu xuống thuyền con vào, sau thấy lâu quá, Tiểu Tiểu lệnh cho thủy binh lao xuống biển bơi vào đảo. Các thuyền con dùng để chở những khẩu súng phun lửa.
    Một quãng biển ngắn từ thuyền vào đảo phút chốc đã nhung nhúc thủy binh Bắc triều. Tiểu Tiểu ngồi trên con thuyền nan, vừa vung kiếm lên trời vừa hét dồn cả ngàn tên lính nhanh nhanh lên đảo: Tả lơ. Tả lơ. Tả lơ.
    Hàng nghìn tên lính cùng đồng thanh hô to: Tả lơ. Tả lơ. Tả lơ.
    Nhung nhúc quân.
    Nhung nhúc gươm giáo.
    Nhung nhúc những cái đầu lính.
    Rền vang những tiếng Tả lơ.
    Nhưng Tiểu Tiểu thoáng giật thót, khi thấy đảo im lìm đến mức tưởng như đảo hoang, không có người nào.
    Hàng ngàn tên lính sau những tiếng hô tả lơ khản cả tiếng cũng đột ngột ùn lại với nhau vì thấy đảo vắng teo, không bóng người, không kháng cự.
    Tiểu Tiểu nhìn lại, thấy Lý Bật vẫn đứng trên thuyền, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, miệng vẫn hò hét hai tiếng Tả lơ thì lấy làm yên tâm, lại xua lính nhanh nhanh ào lên chiếm đảo.



















    43.
    Bắt đầu nghe tiếng la ó. Mấy trăm tên lính đầu tiên chạm vào đảo bị sập hầm, dưới đó là những mũi tên vót nhọn có tẩm độc. Dưới hầm còn dựng lên tua tủa những mũi giáo nhọn. Có những tên lính sụp hố, mũi giáo đâm dọc từ dưới thân lên tận cổ, máu đỏ vọt thẳng lên trời, phun vào cả mặt thằng bên cạnh. Bọn lính hoàng sợ lùi lại, để mặc cho hàng trăm nhân mạng đang giãy dụa chết dần dưới hố sâu, chúng men theo chân đảo, lần mò tới các đám rau muống biển để tránh bị sập hố. Bất ngờ, dưới những đám rau muống biển im lìm ấy, hàng mấy chục thủy binh nước Việt nhoài lên, thúc ngược lên, rồi thì giáo mác vung thẳng, chém xa xả vào đám quân Bắc triều. Người rời đầu, kẻ lìa tay, kẻ nát bụng, máu đỏ trào ra, thân người ngả xuống, những bãi cát vàng phút chốc đỏ lòm. Hai bên ào ào xô vào nhau. Quân thủy binh Lý Nhất sau phút bất ngờ phản công thì lẹ làng rút chậm để nhử cho thủy binh Bắc triều ào ào đuổi theo. Lại sập hố bẫy. Lại la ó. Lại phóng vút lên những dòng máu đỏ. Thủy binh Lý Nhất cũng đã có thương vong, có nhiều người trúng tên độc đã ngã xuống. Ngay khi đó, khi mà quân Bắc triều đang ùn ùn vón cục lại đông như kiến cỏ thì lửa ở đâu từ bốn phía bốc lên ngùn ngụt, vây kín chúng lại. Chỉ riêng việc quân lính đạp lên đầu nhau quẫy cựa trong lửa cũng đã tự chúng giết chúng tính cả mấy trăm người. Sau những mô cát, hàng chục tay cung của thủy quân nước Việt bắt đầu tấn công. Quanh là lửa cháy, dưới là hố bẫy, trên đầu bị giáo mác chém xa xả, trước mặt thì cung tên bắn tới, quân thủy binh Bắc triều chết như ngả rạ, thân xác những tên lính chồng lên nhau. Tưởng thế là thủy binh nước Việt đang thắng thế, nhưng không thể ngờ, bắn mấy, chém mấy cũng không ăn thua với sóng người ùn ùn tiến vào, đông không đếm xuể.
    Súng phóng lửa của thủy binh Bắc triều đã không bắn được, thuốc súng đã ẩm nước.
    Nhóm thủy binh ở đội lặn do Lý Nhất chỉ huy lặng lẽ gieo người vào biển. Trong chốc lát, các thủy binh đã bám chắc mạn thuyền của quân Bắc triều. Các thủy binh nước Việt dùng kiếm nhọn, giáo mác đâm thủng thuyền, nước biển chảy vào thuyền ồ ồ như vỡ đê. Số nữa thì bắt đầu trèo lên thuyền, châm lửa đốt. Từng con thuyền chiến không mấy chốc như những bó lửa lớn.
    LýNhất cố tìm Lý Bật.
    Lý Bật thì đang hò hét Tả lơ tả lơ nhưng vừa hét vừa đưa kiếm chém rất nhiều những tên lính còn chưa kịp nhảy xuống vào đảo.
    Tiểu Tiểu đã nhận ra điều gì khác lạ ở Lý Bật, một mặt tiếp tục hò hét binh lính chiếm đảo, một mặt im lặng theo thuyền nan áp sát thuyền chiến, rồi bí mật quan sát hành tung của Lý Bật. Lý Bật vung kiếm chém xa xả lính của mình đồng thời đã nhìn thấy thuyền cháy, thuyền chìm, nhìn thấy cả bóng Lý Nhất thấp thoáng ở bên kia thì lấy làm vui sướng. Nhưng ngay lúc đó, Tiểu Tiểu đã đứng trước mặt Lý Bật:
    -Ngươi là tạo phản.
    Lý Bật:
    -Không. Người nhầm rồi. Ta không tạo phản, ta là người nước Việt.
    -Ta đã nghi ngờ lâu rồi, giờ thì ngươi rõ là tạo phản.
    Lý Bật cả cười:
    -Ta bảo vệ nước Việt mà tạo phản a?
    Nói rồi thì vung kiếm. Tiểu Tiểu né đường kiếm của Lý Bật đồng thời nhún chân đưa một đường kiếm đến loáng mắt, cánh tay của Lý Bật bị cắt rời, văng xuống biển, chìm xuống biển, để lại một vũng nước đỏ máu. Lưỡi kiếm thứ hai của Tiểu Tiểu lại vung lên nhưng bất ngờ bị lưỡi kiếm khác chém xả, văng khỏi tay và một nhát kiếm nữa đâm thẳng vào ngực Tiểu Tiểu. Tiểu Tiểu lộn đầu xuống biển.
    Lý Nhất ôm lấy Lý Bật:
    -Ngài cố gắng nhé… Ta sẽ băng bó…
    Lý Bật:
    -Ta tự lo được… Ngài hãy chỉ huy anh em giữ đảo…
    Lý Nhất nói:
    -Thuyền sắp chìm, ngài phải theo ta rời thuyền
    Lý Bật nói:
    -Không được. Không nên vì ta. Nếu ta chết, xin hãy ghi vào Thánh chỉ của Bệ hạ còn để trống cho tội tạo phản của ta rằng, ta đã chết vì Bệ hạ, vì nước Việt.
    Nói rồi, Lý Bật lao xuống biển, trườn người về đám quân lính Bắc triều đang lúc nhúc tiến vào đảo, chém xa xả, chém xa xả cho tới khi gục xuống, trên thân thể của chàng đầm đìa máu.
    Cả trăm tên lính Bắc triều đang vây chặt Lý Nhất. Thuyền đang chìm. Lửa cũng đang cháy. Những tên lính hằm hằm nhìn Lý Nhất rồi lao vào hét: Tả lơ. Tả lơ.
    Lý Nhất vung kiếm.
    Thủy binh Bắc triều dồn Lý Nhất về mũi thuyền.
    Lưng tựa vào thành thuyền, hai tay hai kiếm, Lý Nhất chém vào mặt từng tên một, số bị vào mặt, số bị vào ngực, số bị vào tứ chi, xác bọn lính rơi xuống biển như rạ.
    Lý  Nhất nhún người, lao xuống biển, mang theo trên mình nhiều vết thương, chàng lặn sâu xuống, thoát khỏi vòng vây.
    Tụi lính Bắc triều sau khi đã vượt qua bẫy hầm, bẫy lửa thì ùn ùn vây chặt anh em thủy binh ở trung tâm đảo. Sau lưng chúng, các chiến thuyền đã bốc cháy, đã chìm, đã ngả đổ xuống biển, trước mặt chúng là thủy binh nước Việt. Không còn đường lùi, không còn lựa chọn, cả ngàn tên lính lao tới.
    Các thủy binh nước Việt lưng tựa vào nhau, tựa vào cột mốc giới ở trung tâm đảo, chém xa xả vào quân Bắc triều. Cuộc chiến không còn cân sức. Thủy binh Bắc triều cứ ùn ùn đến từng lớp, từng lớp, người chồng lên người. Dưới cột mốc chủ quyền, xác các thủy binh nước Việt chết chất đống lại, quấn lấy nhau, người này quấn lấy tay người kia, quấn chặt lấy chân cột mốc giới, như đá, như đất, như sắt, như thép, khiến cho thủy binh Bắc triều cũng phải hoảng hốt dừng lại.
    Hứa Văn nhìn thấy đoàn thuyền chiến của Lý Bật tấn công đảo Nước Lửa đang ngụt cháy thì hoảng sợ, vội vã xua quân ào ào vào đảo Ốc, đảo Hút. Không thể đếm được là bao nhiêu quân. Trong từng con thuyền chiến, thủy binh Bắc triều cứ ùn ùn xuất hiện, phút chốc, cái màu vàng của đảo Ốc, đảo Hút mất biến, chỉ còn lại màu áo của thủy binh Bắc triều đang di chuyển, đang la hét, đang vung kiếm vung gươm.
    Lý Đạt thét gọi anh em không sợ, cứ lao tới, cứ chém, phút chốc thủy binh nước Việt và thủy binh Bắc triều như trộn lấy nhau, gươm kiếm loang loáng, máu đỏ chảy ào ào, xác người chồng chất. Lý Đạt liếc mắt nhìn thấy Hứa Văn đang nép mình sau ghềnh đá, thét giục quân lính chiếm đảo thì chàng lăn mấy vòng, luồn người qua những xác chết đang chồng chất lên nhau, rồi bất ngờ nhảy dựng lên, dùng hết sức mình, chém một nhát kiếm vào đầu Hứa Văn, đầu Hứa Văn chẻ đôi, máu, óc phóng vọt lên cao. Nhưng cũng ngay lúc đó, một tên thủy binh Bắc triều kịp đâm một nhát kiếm vào ngực Lý Đạt. Lý Đạt cố ôm lấy vết thương, chạy về cột mốc giới. Lý Đạt nhìn quanh, anh em đã giết chết không biết cơ man nào là lính Bắc triều nhưng lính Bắc triều quá đông, cũng đã giết hết anh em. Còn Lý Đạt là đang thoi thóp sống. Chàng lết đến bên cột mốc, hay tay cầm lấy cột mốc gắng sức đứng dậy. Thủy binh Bắc triều xô tới, chém xa xả vào Lý Đạt, thân hình chàng bị băm nát  nhưng hai cánh tay chàng thì giữ chặt lấy cột mốc, và chàng vẫn nhìn thấy rõ ràng lá cờ Nước Việt  bay phần phật trong gió, bay phần phật, ngạo nghễ, mạnh mẽ trong mắt chàng.
    Huệ Hương quên mình là đàn bà, kiếm sắc trong tay, nàng cùng anh em lao về phía thủy binh Bắc triều, vừa chém, vừa hét, bóng nàng như một mặt trời đỏ, chói sáng tinh thần, khiến cho cả đám lính Bắc triều phải khiếp đảm. Dân binh, thủy binh, nữ binh, tất cả đều dồn lên cùng Huệ Hương. Và tất cả đều ngã xuống. Huệ Hương cũng ngã xuống, kiếm vẫn tư thế vung lên trời.
    Lý Thắm đã ra lệnh điều hết mọi người sang chi viện cho các đảo.
    Và bây giờ chỉ còn một mình nàng.
    Từ trên đỉnh Vú Mẹ, nàng nhìn thấy khói lửa, nàng nghe vẳng đến tiếng la hét, nàng cảm thấy như tim mình đang bị xé nát trong nỗi đau đớn.
    Hai tay đỡ lấy cái bụng chửa, nàng đứng nhìn mà nước mắt đầm đìa.
    Nhưng khi ấy thì trời đất đột ngột chuyển mình, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn lốc từ khơi xa ào ào xô vào đảo.
    Lý Thắm chồm người vào một hốc cát, nằm im, chịu cho từng cơn gió mang cát xát mạnh qua người.
    Bão tố kinh khủng.
    Tất cả lều bạt trên đảo bị cuốn đi.
    Những chiến thuyền của Bắc triều phút chốc bị gió bão vặn xoắn lại, hất tung ra biển.
    Gió bão chà lên từng đảo, hất tất cả người sống, người chết ra biển.
    Những con sóng lừng lững từ ngoài khơi tiến vào, như cái chổi lớn, quét hết mọi thứ trên các đảo ra biển khơi.
    Chiến trận kết thúc trong sự cuồng phong của lốc tố.
    Chiến thuyền mất hút trên biển. Xác thủy binh Bắc triều, xác thủy binh nước Việt cũng mất hút trên biển, các đảo chỉ còn cát, trơ trơ cát, vắng hoang vắng ngắt. Chỉ có ở đảo Nước Lửa, ở chân cột mốc, còn một số xác thủy binh nước Việt quấn chặt vào cột mốc, gió bão không thổi bay được, không cuốn đi được. Còn lại ở chân cột mốc đảo Ốc, xác Lý Đạt vẫn đấy, quấn chặt vào chân cột, cưỡng lại sự chà xát khủng khiếp của cơn lốc lớn.
    Ngay lúc ấy thì Lý Thắm đau quặn từng cơn.
    Nàng cảm tưởng như nỗi đau đang kéo nàng bổ sấp xuống cát.
    Bão tố đã bớt sự mạnh mẽ nhưng vẫn chà xát mạnh trên mặt đảo.
    Nàng biết, cái giây phút sinh nở đã tới.
    Nàng lết người đi trong cát, cái đỉnh bụng cà thành từng cái hào nhỏ trên cát mịn. Nàng vớ phải một nắm vỏ ốc li ti. Nàng nắm lấy cái vỏ ốc, cào mạnh lên bụng mình, cào cho thật đau để giảm cái nỗi đau sinh nở đang ùa tới.
    Nàng lết thân mình trong gió bão, trong mưa lớn, kéo nỗi đau sinh nở đi từng đoạn ngắn, hy vọng về tới được chỗ ở của mình.
    Nàng còn không biết anh em trên đảo hiện giờ ra sao, không biết tính mạng Lý Nhất hiện giờ ra sao, nhưng đứa con này thì nàng phải bảo vệ, nàng phải sinh thành an toàn, đó là của Lý Nhất, của đảo, của anh em, của nước Việt.
    Nàng gục đầu xuống, miệng cắn đầy cát, nhai cát rau ráu, rau ráu, cố hét lên thật to cho bớt đau. Tay nàng vịn vào được cái vỏ ốc lớn nhất trên đảo mà nàng đã dùng nó để hứng nước. Cái vỏ ốc thật lớn, đựng đầy nước. Nàng kéo người áp tới bên cái vỏ ốc, rồi dùng hết sức đổ nước trong vỏ ốc ra. Nàng cởi áo, lau sạch ruột vỏ ốc, lót cái áo của mình đang mang vào vỏ ốc.
    Một cơn đau giật khiến nàng như có thể cắn phải lưỡi.
    Nàng đưa hai tay xuống dưới, đỡ lấy sinh linh bé nhỏ đang nhào ra.
    Nàng bế lấy con. Một thằng con trai đỏ hỏn, ướt nhẽm trong tay nàng và đang khóc rất to.
    Nàng đưa miệng cắn cho đứt cái đoạn nhau dính trên bụng thằng bé.
    Nàng đưa lưỡi liếm sạch những vết nhơ bẩn, nhớp nhúa trên thân thể con rồi đặt nó vào trong lòng vỏ ốc lớn.
    Nàng vừa lết, vừa kéo vỏ ốc về phía chỗ ở.
    Nhưng chỗ ở cũng đã bị gió bão cuốn mất.
    Nàng quay lại, còn lại một nơi nàng có thể nương tựa vào đấy, đó là hốc đá nằm dưới chân cột mốc giới.
    Nàng kéo con trong vỏ ốc tới chân cột mốc giới.
    Gió đã bớt thổi.
    Mưa cũng đã bớt.
    Bão tố cũng đã tan dần
    Có ánh hồng bật sáng lên phía chân trời.
    Lý Thắm đứng lên, bế trong tay cái vỏ ốc với đứa con trai nhỏ, mắt nàng tan tác nhìn khắp đảo.
    Từ rất xa, nàng nhìn thấy một cái gì đó đang động cựa.
    Nàng nhìn kỹ hơn.
    Bóng hình đó đã đứng lên được.
    Nàng như khịu chân xuống vì sung sướng và hạnh phúc.
    Nàng muốn reo lên mà cổ họng nghẹn ứ lại. Trước mặt nàng là Lý Nhất.
                                                            Viết tại quê nhà Quảng Bình, tháng 1/2012
                                                             Chỉnh sửa lần cuối  tại Hà Nội, 30/4/2013