Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

By: Unknown On: 13:16
  • Chia sẻ bài này >
  •  KỲ 1: VƯỢT HUNG TRÂU

    Tháng 10 năm 2006, lũ trắng Quảng Bình. Thiệt hai nặng nề nhất là hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá. Cay cực vì lũ thuộc về đồng bào dân tộc Mã Liềng, Sách, Rục. Từ ngày 2 đến mồng 4/10 lũ chia cắt nhiều vùng dân cư. Trong khoảng thời gian này, cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng bình do Bí thư tỉnh uỷ Hà Hùng Cường và chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương lại dẫn đầu đoàn lãnh đạo Quảng Bình đi nước ngoài- đi trong khi biết lũ lớn đang vào, đi với lý do ” không thể thay đổi kế hoạch”.
    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh ( đội mũ tai bèo) cùng Phan Phương, Minh Phong vượt Hung Trâu. Ảnh chụp khi đã vào gần bờ.
    Thế mới có chuyện.
    Tôi, Minh Phong ( Phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng), Phan Phương ( phóng viên báo Quảng Bình) gặp anh Chất, chủ tịch huyện Minh Hoá. Đang lũ lớn nhưng gặp chủ tịch huyện quá dễ vì ông ta vẫn đang trong phòng làm việc. Hỏi, lũ lớn lắm phải không anh? Dạ. Lũ lớn. Toàn huyện ngập lênh láng, nhiều xã ngập trắng. Nhất là xã Thượng Hoá bị cô lập. Thế các anh đã có ai vào Thượng Hoá chưa? Dạ anh em báo cáo lũ ngập đường vào xã tới 4 cây số, không ai vào được. 7 ngày rồi mất liên lạc với xã.  Phó Bí thư tỉnh ủy vào đến đoạn đường ngập, thấy lũ lớn quá, quay về. Phó chủ tịch UBND tỉnh vào đến đoạn đừng ngập, thấy lũ lớn quá, quay về. Ba anh em nhìn nhau ngán ngẩm. Thôi đi.
    Hồi ấy mình còn đi xe rách, vẫn lái xe vượt lũ
    Tôi lái xe chở Phan Phương và Minh Phong đến xã Thượng Hoá.
    Tình hình đúng như chủ tịch huyện Minh Hoá nói. Con đường vào xã Thượng Hoá ngập trắng trong lũ. Trước, đây là con đường bê tông, nay là biển nước. Đoạn đường qua Hung Trâu dài chừng 4 cây số ngập trắng, ngập lên cả cột điện.
    Minh Phong xuýt xoa: mần răng vô anh?
    Phan Phương nói: Chỗ sâu nhất cũng phải 7 mét mà nước đang chảy xiết. Có bơi vào cũng chết cóng vì lạnh.
    Tôi nói: Về  đã.
    Quay về thành phố Đồng Hới, mua mấy cái săm ô tô rồi lại chất lên ô tô chạy lên.
    Chúng tôi quyết định  vào xã Thượng Hóa. Đồn biên phòng 525 cử một chiến sỹ. Hỏi đồn trưởng, thế mấy ngày nay có ai liên lạc ra không. Không. Nước ngập thế là bị cô lập. Chúng tôi nói chúng tôi bơi vào. Đồn trưởng đùa: nếu các nhà báo vào được, tôi bái phục. Anh em chúng tôi còn chưa dám. Thấy chúng tôi cương quyết, đồn cử một chiến sỹ khoẻ nhất theo cùng. Anh là Đinh Hoà.
    Chúng tôi bơm căng ba cái săm ô tô. Kéo mấy khúc gỗ khô lại néo với nhau làm bè. Tôi vác từ trên xe xuống một bao tải bánh trái, lương khô, gạo, mỳ tôm, kẹo bánh để vào cho bà con. Ba anh em góp lại được hai triệu, mua hết.
    Cởi tung quần áo.
    Vừa dìm người xuống, cả nhóm chúng tôi nhảy tót lên, co gập người. Ui trời lạnh thấu xương. Mùa này giá rét, nước lạnh đã không dám sờ tới, đằng này đây là thác lũ, lạnh như kem. Đinh Hoà nói: Nước lạnh lắm, các anh cẩn thận chuột rút.
    Tôi hô: Một hai ba nhảy nào. Thằng nào còn chui lên véo chim đấy.
    Liều.
    Trong nhóm, tôi cao tuổi nhất. Minh Phong, Phan Phương thanh niên. Đinh Hoà cũng thanh niên. Noi gưong lão già tôi, tất cả lại lao xuống. Cắn răng chịu lạnh. Toàn thân tê cứng. Chúng tôi bấu tay vào săm ô tô, vào bè gỗ, đẩy người đi.
    Mênh mông nước.
    Gần một tiếng trôi qua, tất cả đuối sức mà nhìn lại cũng chỉ mới bơi được một quãng.
    Tôi hét: Nghỉ chút đã, cứng hết chân tay rồi.
    Phan Phương: Anh ghé vào lùm cây kia nghỉ đi anh Vinh, bọn em đi trước.
    Đinh Hoà và tôi ghé vào một lùm cây đã ngập gần đến ngọn. Tôi định với tay vào một cành cây để đu người lên khỏi nước thì hốt hoảng lao xuống. Ui trời, một ổ rắn mấy chục con đang đeo bám trên ngọn cây, thè lưỡi ra trước mặt.
    Đinh Hoà kêu: Anh Vinh, chết rồi, em bị chuột rút ở bàn chân, không đạp nước được, cứng rồi.
    Tôi nói: Cố gác bàn chân lên bè gỗ tao xử lý cho.
    Tôi nhoài nửa người lên bè gỗ, vạch quần đái vào bàn chân của Đinh Hoà. Nhưng mà trời ơi, cả tiếng đồng hồ ngâm trong nước lạnh buốt, thằng ” em trai” co lại, chẳng thấy đâu. Phải vuốt, phải dỗ dành mãi nó mới hoạt động trở lại. Tôi đái lên bàn chân Đinh Hoà. Chưa ăn thua, tôi dùng sức ẩy Đinh Hòa nằm hẳn trên bè gỗ. Mày đái tiếp đi. Đinh Hoà cũng vạch quần đái. Rồi tôi xoa bóp chân cho cậu ấy. Một lúc thì đỡ.
    Đi tiếp.
    Phan Phương nói: Anh Vinh, bây giờ có em chân dài rơi xuống trên phao này, anh mần răng?
    Tôi làu bàu: Thì biết ngắm thôi, mần chi được, thun hết rồi.
    Tất cả cười.
    Bơi đến tiếng thứ 3 thì tất cả im lặng.
    Chỉ còn biết cố sức đẩy người đi.
    Mệt đến độ tôi không còn cảm giác chân tay mình là gì, tất cả cứng ngắc.
    May lúc này thì nước không chảy xiết nữa.
    Minh Phong vừa thở vừa nói: Nếu mấy anh em mình chết lũ, sẽ được phong là liệt sỹ.
    Phan Phương càu nhàu: Liệt sĩ cặc. Đang mong sống, ai muốn chết mà liệt sĩ.
    Tôi nói: Hay là họ sẽ nói mấy thằng nhà báo điên. mắc mớ chi mà phải bơi vô dân.
    Đinh Hoà nói: Thực sự em cảm phục các anh.
    Tôi nói: Bọn mình nghe lãnh đạo tỉnh, huyện nói không thể vào xã này được vì lũ lớn, ức quá thì vào thôi. Chính quyền họ có thể huy động ca nô, thuyền chứ. Sao lại bỏ dân cô lập trong lũ như thế?
    Minh Phong nói: Thì hôm qua ông chủ tịch huyện nói đã làm tờ trình xin thuyền vào mà mãi không có.
    Lại tờ trình.
    Khùng.
    Vào bờ. Ba anh em vội vã mang áo quần. Ngồi co ro với nhau. Lạnh đến mức lưng tôi cứ cong gập xuống như muốn gãy.
    Còn phải bơi thêm hai khúc đường ngập  nữa mới qua khỏi Hung Trâu vào tới xã Thượng Hoá.

    Ông Cao Xuân Hiếu nói: Đói lắm cán bộ ạ…”
    Xã này có 3 thôn: Thôn Ón là của  người Rục, thôn Mò o ồ ồ của người Sách và thôn Yên Hợp là của người Mã Liềng.
    Chúng tôi chạm vào thôn Ón đầu tiên.
    Sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh, người được giao nhiệm vụ công tác tại thôn thấy chúng tôi mừng quýnh. Nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo, Lĩnh nói: bà con đói cả vùng rồi, đứt bữa hết rồi. Gạo anh em biên phòng còn một bao mấy ngày trước chia cho bà con hết. Mỗi nhà vài lon thôi, giờ thì hết sạch rồi. Cao Xuân Tư phó thôn kể: Thôn em có 55 hộ, 237 người, ba tháng nay trong nhà không còn hột gạo, một số nhà còn sắn ăn, nhà hết sắn thì vào rừng đào củ mài, củ nhút. Nhà không có ai khoẻ vào được rừng là đói rục. Trưởng thôn Cao Xuân Tình: Bà con đói kiệt  mấy ngày vừa qua, bị  lũ cô lập hết, vào rừng đào củ mài cũng không được.
    Chúng tôi vào thôn.
    Khủng khiếp.
    Tôi không hình dung được, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lại có một thôn sống trong cảnh lay lắt như vậy. Tan hoang. Nhà nào cũng đói. Nhà chị Cao Thị Liên đang ngồi ôm đứa con nhỏ, đói lả, bên chị là cái nồi chứa những con nòng nọc. Đó là món ăn duy nhất còn lại trong ngày của nhà chị.

    Mẹ con nhà chị Cao Thị Hóa ăn cả nòng nọc
    Nhà ông Cao Xuân Hiếu, 7 người đang ngồi, nằm trên nền đất, đói lả.
    Nhà nào cũng như vậy. Cái đói bao trùm.
    Chúng tôi chia vội bánh kẹo, gạo, mỳ tôm cho bà con, cho các cháu nhỏ.
    Hình ảnh cảm động nhất là khi chúng tôi tập trung trẻ con trong thôn tới để chia kẹo, tất cả các cháu ngồi  trật tự và nhận bánh kẹo rất từ tốn. Trông các cháu rất thương vì đói và vì cả sợ chúng tôi.
    Chúng tôi nhờ một con thuyền quay ra ngay. Nói là thuyền của dân, thực chất chỉ là mấy cái thùng phuy ghép lại, buộc lên trên mấy tấm ván, đi rất nguy hiểm trong nước lớn, nhưng dù sao thì cũng nhanh và đỡ phải bơi ra. Mấy thanh niên trong thôn Ón giúp chúng tôi chèo thuyền này ra.

    Thuyền dã chiến của bà con thôn Ón đưa chúng tôi vượt thác lũ để vào bờ về viết bài.
    Tối đó tôi viết ngay bài trên báo Lao Động khẳng định bà con ở xã Thượng Hoá đói vì nước lũ cô lập và trong nhiều ngày, lãnh đạo tỉnh, huyện xã đều không ngó ngàng. Bà con thì ở trong này, uỷ ban xã lại ở ngoài đường Hồ Chí Minh, thấy lũ lên cũng không ai vào nắm tình hình.
    Lũ trẻ con ngồi chờ chúng tôi cho bánh kẹo, mỳ tôm
    Bài báo cũng khẳng định: lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã bỏ dân trong lũ.
    Bí thư, chủ tịch tỉnh trong khi nước lũ ngập trắng nhiều nơi, nhưng vì kế hoạch có trước, nên cứ thế dẫn tất cả cán bộ đầu ngành đi nước ngoài.
    Phần này báo cắt không in.
    Sau khi truyền bài và ảnh đi, tôi gọi điện thoại cho anh Vương Văn Việt xin gạo cứu đói cho dân. Anh Việt nói, ngày mai sẽ cho xe chở ngay 5 tấn gạo vào liền.
    Sau khi báo phát hành, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư phát công văn khẩn cấp yêu cầu lãnh đạo Quảng Bình báo cáo.
    Mấy ngày này trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn loan báo chỉ thị của Trung ương, địa phương nào bỏ dân đói phải cách chức lãnh đạo.
    Bài báo của tôi, của Minh Phong trên Sài Gòn giải phóng, của Phan Phương trên Công an nhân dân và trên Nông thôn ngày nay …ngay lập tức đốt nóng dư luận cả nước và đe dọa sinh mệnh chính trị của những quan chức Quảng Bình.
    Anh em tòa soạn gọi cho tôi, tuyệt vời Bọ ơi, một bài điều tra rơi nước mắt.
    Phó Tổng biên tập Tô Phán nhắn tin: Thường trực Ban biên tập biểu dương tinh thần làm việc quyết liệt của Bọ đấy. Tuổi như Bọ mà dám lao vào nơi nguy hiểm đó rất đáng trân trọng.
    Nhà văn Vĩnh Quyền, trưởng văn phòng thường trú báo Lao Động tại miền Trung- Tây Nguyên ( phụ trách trực tiếp tôi) gọi: Vinh ạ, bài điều tra hay dễ sợ. Tuyệt quá, anh sẽ đề nghị thưởng hí.
    Dư luận Quảng Bình xôn xao. Có người nói: Lần này lãnh đạo Quảng bình bị mất chức với Trung ương.
    Thằng Minh Phong và Phan Phương cười tít mắt vì được nhiều người khen. Minh Phong ao ước: Em nhận tiền thưởng bài điều tra ni, em mua cái áo ấm mới anh ạ. Phan Phương nói: Em nhận tiền thưởng, em thay cái dy động để cho oai.
    Ngay sau đó là một cuộc chiến thực sự giữa những người phát hiện sự thật và những người cố chống chế né tránh sự thật.
    Một cuộc chiến căng thẳng và đang mang lại nguy hiểm cho ba anh em chúng tôi.
    (Còn nữa)
    Kỳ 2: MÀN KỊCH ( 1)
    —————–
    Phụ lục:
    Nguyên văn bài đăng trên báo Lao Động:
    Vùng rẻo cao Xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình):
    600 người dân kiệt – lả vì đói
    Lao Động số 278 Ngày 09/10/2006 Cập nhật: 4:51 AM, 09/10/2006

    (LĐ) – Đã ba tháng qua, nhân dân các thôn Mò o ồ ồ, Ón và Yên Hợp thuộc xã Thượng Hoá không còn lấy một hạt gạo. Tất cả sống nhờ vào củ mài, củ nhút đào trên núi. Từ ngày 2.10 họ lại bị vây chặt trong nước lũ. Việc đi lấy củ mài, củ nhút cũng không được nữa. Nhiều hộ gia đình lả đi trong cơn đói. Điều đáng nói là hiện chưa thấy cấp chính quyền nào quan tâm đến sự kiện thương tâm này.
    Lũ sâu, dân đói!
    Nước mênh mông lại chảy ngược, con đường vào các thôn rẻo cao Thượng Hoá ngập chìm trong nước lũ sâu 5 đến 7 mét, có nơi sâu 10 mét, bằng chứng là cột điện dọc đường gần chìm trong lũ.
    Hơn 4 giờ bơi trong nước lũ, chúng tôi nhoài được vào bờ, nằm vật ra thở nhưng còn phải bơi qua một khe sâu nữa mới vào đến thôn Ón. Nhiều người dân nhìn nhóm phóng viên chúng tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao chúng tôi lại vượt qua được lũ để vào đây.
    Sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh – người được giao nhiệm vụ công tác tại thôn – mừng quýnh. Anh Lĩnh đau buồn: “Bà con đang đói, đứt bữa hết rồi, đói cả vùng rồi…”.
    Cao Xuân Tư – Phó thôn – líu ríu kể: “Thôn em có 55 hộ, 237 người, ba tháng nay không nhà nào còn gạo. Ba tháng nay, bà con phải bám vào rừng đào củ mài, củ nhút ăn trừ bữa. Nhiều người trong thôn bị cảm hàn, kiết lỵ nhưng trạm xá cũng hết thuốc rồi. Mấy ngày lũ, quá nửa trong thôn bị ngập sâu, nhiều bà con không ra khỏi nhà được, không đi lấy củ mài, củ nhút được, đành nằm đói…”.
    Anh Trần Ngọc Lĩnh thêm: “Thấy bà con quá đói, lại đau yếu, Trạm biên phòng chúng tôi chốt quân ở đây quyết định lấy 50kg gạo dự trữ cuối cùng phát cho bà con. Nhà nào có người ốm yếu thì được một lon, nhà có người đi lại kiếm sống được thì được nửa lon, nấu cháo cầm hơi…”.
    Trưởng thôn Cao Xuân Tình – nguyên là sĩ quan quân đội – nói chậm: “Nếu kéo dài thêm nữa, không chết vì đói, bà con cũng chết vì bệnh tật. Sao không có cán bộ nào vào với bà con chúng tôi?”.
    Anh Cao Xuân Tư và sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh đưa chúng tôi vào một số nhà dân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh bi đát đến như vậy. Chị Cao Liên ôm đứa con gầy thóp, bên cạnh chị là một mớ con ốc nóc mới xúc được (ốc nóc sau khi lớn thêm chút nữa, rụng đuôi thành con nhái).
    Nhà anh Cao Xuân Hiếu 7 người đang ngồi – nằm trên nền đất. Anh Hiếu đang bị sốt rét, vẫn cố lết vào rừng kiếm củ cho cả nhà. Trông người anh không còn ra người, tiếng nói cũng chỉ thì thào trong cổ họng.
    Một cái đói vò chặt cả ba thôn Mò o ồ ồ, Ón, Yên Hợp. Vây chặt ba thôn là dãy núi Ka Rung, Hung Pơ Nung, Hung Sạt, Hung Trâu, và trắng xoá nước lũ.
    Tôi mang theo được một bao bánh quy mua ở thị trấn Quy Đạt. Tôi nói với cô giáo Đinh Thị Thu Hà: “Cô gọi các cháu đến lớp học, tổ chức phát bánh kẹo cho các cháu”. Tôi nhìn các cháu mà không cầm nổi nước mắt. Cháu nào cũng xanh xao, gầy yếu vì đói.
    Cô Hà nói: “Năm nay vì lũ lớn, nhà trường không thể tổ chức cho các cháu đón Trung thu được. May có các anh, các cháu có được chút bánh kẹo thế này là bọn em vui lắm”.
    Lãnh đạo các cấp ở đâu?

    PV Báo Lao Động cùng Phó thôn Cao Xuân Tư đang phát bánh kẹo cho các cháu.
    Sau lũ một tuần, gần một vạn dân ở huyện Tuyên Hoá (trong đó có 500 người dân tộc Mã Liềng) đang có nguy cơ đói vẫn chưa được cứu trợ. Kế hoạch cứu trợ đã có, nhưng đến hôm nay (8.10) vẫn nằm trên giấy.
    Còn 600 người dân ba thôn rẻo cao của xã Thượng Hoá như chúng tôi phản ánh ở trên đang đói lả, cho đến ngày 8.10, vẫn chưa có một cấp chính quyền nào đếm xỉa.
    Lãnh đạo xã Thượng Hoá ở cách ba thôn nói trên chưa tới 4 cây số, cũng chưa có ai vào với bà con để nắm tình hình. Nếu không có bộ đội biên phòng tại chỗ cứu giúp, chắc chắn tình hình còn khốn đốn hơn.
    Dân đang đói, dân đang khốn khổ trong lũ, nhưng một bộ phận lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã rời địa bàn đi công tác, những cấp phó ở nhà thì chỉ biết nắm tình hình, báo cáo, làm tờ trình mà vẫn không giải quyết được việc gì.
    12 giờ trưa ngày 8.10, từ vùng lũ trở về, phóng viên Lao Động đã thông tin và đề nghị mạnh mẽ việc phải cứu dân ba thôn xã Thượng Hoá, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá Đinh Minh Chất hứa: Không chờ được cứu trợ của tỉnh, huyện sẽ điều thuyền chở khẩn cấp 1 tấn gạo và mì tôm lên cứu dân.
    Ông Cao Xuân Hiếu: “Cán bộ ơi, nhà tui 7 miệng ăn, tui đang đau yếu thế này, e chết đói cả nhà…”.
    Nguyễn Quang Vinh