KỲ 5: U ÁM
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đầy đủ trong tay tất cả những tài liệu để báo cáo Thủ tướng đúng hạn định.
Nội dung báo cáo này tóm tắt 3 phần: Một là khẳng định Dự án định cư cho đồng bào Rục do Chính phủ đầu tư trên 30 tỷ đồng đang vận hành tốt, điện, đường, trường, trạm đúng như yêu cầu đặt ra. Bà con bắt đầu quen với việc canh tác lúa, trồng thêm ngô, sắn và cuộc sống đã dần ổn định vững chắc. Hai là, dù qua hai cơn lũ lớn, nhưng đời sống bà con tuy khó khăn nhưng không có người chết đói, không ai đói, không nhà nào đứt bữa. ba tháng liền hết gạo nhưng nhà nào cũng có ngô, sắn ăn, không bị đói, không bị đứt bữa. Bà con ở khu vực này vẫn có thói quen dùng lương thực chính là sắn. Tết, lễ, tỉnh huyện đều trợ cấp cho mỗi gia đình từ 5 đến 10 kg gạo. Do không thể trì hoãn việc đi công tác nước ngoài dù lũ lớn đang đến, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn phân công cấp phó ở nhà đảm trách nhiệm vụ, nắm chắc tình hình, bảo đảm tình hình trong và sau lũ ổn định. Từ những nhận định trên, báo cáo khẳng định những thông tin về việc dân đói, bị cán bộ bỏ rơi trong và sau lũ là không đúng sự thật. Yêu cầu Thủ tướng chỉ đạo Cục báo chí và các Ngành chủ quản của các báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay xử lý nghiêm những phóng viên viết sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng chính sách dân tộc của Nhà nước ta.
3 anh em chúng tôi có ngay văn bản báo cáo này sớm nhất theo cách của chúng tôi.
Như thói quen nghề nghiệp, chúng tôi nghiên cứu báo cáo này của tỉnh gửi Thủ tướng để tìm giải pháp hồi đáp khi có yêu cầu.
Báo cáo rất dài và lê thê.
Đọc rất mệt.
Chúng tôi chú ý đoạn kết luận về tính xác thực của những bài báo của chúng tôi: Kết luận sai sự thật.
Minh Phong làu bàu: Nói láo không biết ngượng.
Phan Phương khịt khịt mũi: Báo cáo này do Sở Lao động chấp bút đây.
Tôi nói: Viết hay đấy chứ, có lý lắm, logíc lắm, chi tiết lắm, cẩn thận và thuyết phục lắm. Thủ tướng sẽ tin.
Minh Phong quay lại: Anh nói thế thì anh em mình chết, báo mình chết à.
Phan Phương nhìn tôi, khịt khịt mũi.
Nhưng trước khi báo cáo gửi đến Thủ tướng, căn cứ vào báo cáo của tỉnh Quảng Bình, Cục báo chí ký công văn trực tiếp gửi Thủ tướng và khẳng định: Các báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân, Nông thôn ngày nay đã bi kịch hoá sự việc, sai sự thật, gây dư luận xấu trong nhân dân và yêu cầu đính chính và kiểm điểm các phóng viên thực hiện bài điều tra nghiêm khắc.
Mới chỉ có trong tay văn bản báo cáo Thủ tướng của Cục báo chí, Phó Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình Lương Ngọc Bính ngay lập tức ký công văn khẩn gửi tất cả các cơ quan, ngành, đơn vị trong tỉnh, gửi các cơ quan truyền thông của tỉnh khẳng định thông tin về việc cơn lũ vừa qua, đồng bào ở xã Thượng Hoá tại ba thôn Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp đói lả, đứt bữa là sai, hiện nay các báo Lao Động, Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay, Sài Gòn giải phóng phải cải chính và kiểm điểm nghiêm khắc các phóng viên đã đưa tin sai sự thật.
Các Ban biên tập chờ Thủ tướng ra kỷ luật.
Các phóng viên chờ Ban biên tập ra kỷ luật.
Quán cà phê quen thuộc của chúng tôi, nơi tập trung các nhà báo, sáng nào cũng ồn ào tiếng cười nói của các nhà báo. Hồ hởi, đắc thắng, khen ngợi nhau và nếu chúng tôi đến, tất cả đều nhìn chúng tôi đầy thương hại.
Uy tín của Hội nhà báo, báo Quảng Bình, đài phát thanh truyền hình Quảng Bình, báo Tiền Phong, báo Tuần Tin tức vụt sáng trước mắt các nhà lãnh đạo tỉnh.
Hầu hết mọi người đều coi như sự việc khép lại, chỉ còn chờ xem các báo cải chính và xin lỗi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ra sao, các phóng viên như chúng tôi có bị đuổi việc, kỷ luật mức nào mà thôi.
Ai đó quên nhưng bà con bản Ón của người Rục không thể quên, lâu lắm rồi, các cháu mới lại được nhận bánh kẹo của chúng tôi cho vào đúng tết Trung thu. Hỏi các cháu biết Trung Thu không? Tất cả lắc đầu ngơ ngác.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi điện thoại cho tôi, Email cho tôi liên tục. Anh em phóng viên thường trú báo Lao Động ở miền Trung gọi điện thoại thể hiện thái độ rất mạnh mẽ. Ban Biên tập chính thức yêu cầu tôi giải trình. Báo Sài Gòn giải phóng, báo Nông thôn Ngày nay, báo Công an nhân dân cũng bắt đầu yêu cầu Minh Phong giải trình, Phan Phương ( vì là cộng tác viên) nên đề nghị báo cáo sự thật.
Nhà văn Vĩnh Quyền nói với tôi: Nếu Quảng Bình cho rằng bà con người Rục có thói quen ăn sắn thay cơm thì Vinh nói với tỉnh làm ngay công văn thông báo trên cả nước, đừng ai gửi gạo cứu trợ về cho bà con nữa mà gửi sắn. Tổ chức lương thực Thế giới đã khẳng định, lương thực của người Châu Á là gạo chứ không phải là sắn. Anh Vĩnh Quyền mạnh mẽ: Nếu thế này, anh sẽ đề nghị Ban biên tập cử một tổ phóng viên ra ngay Quảng Bình để lật lại hồ sơ về Dự án định cư người Rục mà thực sự là đang tiềm ẩn nhiều tiêu cực.
Anh Vương Văn Việt Tổng biên tập Lao Động thúc giục tôi làm báo cáo. Tôi viết ngay. Phần 1 là những chứng cứ. Tôi sẽ nói vào En try tới. Tôi đăng nguyên văn phần 2 báo cáo của Tôi gửi Thường trực Ban Biên tập:
Phần 2: Quan điểm và trách nhiệm của phóng viên
1. Sau khi vượt lũ vào tận nơi dân đói, không chỉ viết báo, phóng viên báo Lao Động đã yêu cầu rất mạnh mẽ chủ tịch UBND huyện Minh Hóa mang ngay gạo vào cứu đói cho bà con. Hỏi bất cứ người dân nào ở ba thôn này, bà con đều nói: có gạo cứu trợ là nhờ nhà báo.
2.Chúng tôi nhìn nhận vấn đề cuộc sống người Rục theo quan niệm truyền thồng, quan điểm này phù hợp với tiêu chí đánh giá của chính phủ: hết gạo là đói là đứt bữa. cha ông ta đã nói :” thiếu cơm nhạt muối” không có câu ” thiếu sắn nhạt muối”. trong khi tình hình khi chúng tôi vào, nước lũ vây bọc, sắn ngô đều cạn kiệt, củ mài củ nhút trên núi cao cũng đã khó kiếm, nhiều gia đình nằm trên manh chiếu rách vì đói. sự thật đó chúng tôi không thể nào có cách nhìn nhận khác hơn: dân kiệt và đói. Sau 4 ngày dân được cứu trợ, có cơm ăn, lãnh đạo tỉnh mới vào, các báo địa phương mới vào, trong đó có báo Tuần Tin tức và Tiền Phong vào sau cả đoàn lãnh đạo tỉnh, dân đã có cơm ăn, làm sao thấy được cảnh dân kiệt và đói? Các phóng viên các báo Thanh niên, Công an nhân dân, Lao động và xã hội, Đầu tư, Người đại biểu nhân dân, Thanh tra vào sau này, hỏi kỹ, tìm hiểu kỹ, vẫn viết bài khẳng định đồng bào Rục sau lũ là đói và đứt bữa.
3. Người Rục, người Mã Liềng hay người Kinh chúng ta đều lấy gạo làm lương thực chính. Tỉnh Quảng Bình nói rằng, đồng bào quen ăn sắn nên dù có hết gạo cũng không chết đói. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quan niệm này. dự án định cư đồng bào Rục của chính phủ trên 30 tỷ đồng là mong đồng bào sản xuất được lượng thực, có gạo ăn, chứ không phải như bây giờ, sau 5 năm thực hiện dự án, đồng bào vẫn không có đất trồng lúa, không có thuỷ lợi, không có nước sạch, đói triền miên- như lời chủ tịch huyện đã khẳng định. trong tất cả nội dung phỏng vấn chính quyền và người dân bản địa đều vang lên trang trọng chữ gạo, đều tha thiết cần gạo ăn, đó là một sự thật.
4. Trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là rất lớn: Lũ lớn ập đến, dân bị lũ cô lập, đói và đứt bữa nhưng lãnh đạo tỉnh không hề nắm được thông tin nào hết. Hai cán bộ lãnh đạo tỉnh có lên sau lũ nhưng nhìn nước lũ rồi quay về. ( nội dung ghi âm gửi kèm)
5. Chúng tôi ý thức chính trị rõ ràng: nhà báo phải dũng cảm lao vào điểm nóng, vượt qua lũ lớn, đến với dân, vừa viết bài phản ánh để các cấp chính quyền và nhà nước cứu trợ cho dân, vừa kêu gọi sự giúp đỡ của toàn cộng đồng, vừa trực tiếp mang vác gạo cùng dân để cứu trợ. Việc làm của chúng tôi đã có kết quả: Thủ tướng có công điện, sau đó lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cứu trợ, và rất nhiều sự trợ giúp của các cá nhân, đơn vị trong cả nước. Đồng bào dân tộc ở tất cả các thôn bản trong tỉnh Quảng Bình vừa rồi đều được cứu trợ đồng loạt, đây là việc làm chưa từng xảy ra lâu nay. Như thế, nhờ ý thức chính trị và trách nhiệm của một phóng viên báo chí, chúng tôi đã làm được nhiều việc quan trọng tác động tích cực đến cuộc sống khó khăn của bà con sau lũ.
6. Đến lúc, này, khi bình tâm xem xét lại tất cả những gì mắt thấy tai nghe, xem xét lại những chứng cứ, cả những lời tự công nhận của chính quyền địa phương các cấp ở Quảng Bình, chúng tôi khẳng định chúng tôi đã phản ánh đúng sự thật và sau đó, nhờ sự thật này, đồng bào dân tộc và vùng lũ Quảng Bình đã được cứu trợ, đến lúc này, tất cả bà con đã vượt qua cơn hiểm nghèo của cái đói và đứt bữa.
7. Nếu còn phải viết thêm thì chúng tôi sẽ viết sâu về những bất cập, sai phạm và thất bại của dự án định cư cho đồng bào dân tộc Quảng Bình. Vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, dự án thất bại, lãng phí tiền bạc của nhà nước mà đồng bào vẫn cứ cay cực sống, vẫn suốt đời đói, vẫn phải ăn sắn, ngô thay cơm, vẫn phải hái lượm.
Chúng tôi, phóng viên báo Lao Động đã làm hết sức mình trên ý thức chính trị của một người cầm bút, ý thức công dân để phản ánh sự thật.
Người báo cáo
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Phóng viên Thường trú báo Lao Động
Báo cáo gửi đi và tôi không nhận được bất cứ hồi âm nào từ Tòa soạn.
Lại nghe tin Bí thư Hà Hùng Cường trực tiếp làm việc với Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt nam- cơ quan chủ quản của Báo Lao động.
Ban biên tập cử Phó tổng biên tập Vũ Mạnh Cường sang.
Nhà văn Vĩnh Quyền cáu: Nếu là mình, mình không sang. Họ muốn làm việc với báo thì họ phải sang trụ sở của báo. Nếu sang, khi nói về chuyên môn của Báo thì về.
Mạnh Cường về đưa ra thông tin xấu. Căn cứ vào báo cáo của tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo Báo Lao Động qua Phó Tổng biên tập Vũ Mạnh Cường cần phải kiểm tra thông tin ngay, nếu sai phải cải chính, phải xử lý kỷ luật phóng viên.
Chỉ có thông tin này là khả quan: Chủ tịch Tổng liên đoàn cũng nói với Bí thư Hà Hùng Cường, việc chuyên môn là do Ban biên tập Báo Lao Động tự chịu trách nhiệm, Tổng Liên đoàn không thể can thiệp sâu được.
Tổng Biên tập Vương Văn Việt nói với tôi: Bình tĩnh Vinh nhé. Em cố gắng khẳng định lại chứng cứ, càng nhiều chứng cứ càng tốt. Chúng ta không sợ sai, nếu đưa thông tin sai thì ta cải chính ngay. Nhưng nếu chứng cứ chúng ta chắc chắn thì phải đấu tranh đến cùng.
Tô Phán Phó Tổng biên tập và Vũ Mạnh Cường Phó tổng biên tập báo Lao Động đều ít tuổi hơn tôi, nhắn tin: Bác cứ tự tin, lúc này là chứng cứ, chứng cứ và chứng cứ bác nhé. Ban biên tập tin vào khả năng chuyên nghiệp của bác. Đừng nóng giận.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi điện thoại liên tục, động viên tôi, tiếng anh nhẹ nhàng nhưng rất nung nấu: Mình đồng ý với Vinh, chẳng có thằng phóng viên nào ngu lại vượt lũ 4 giờ đồng hồ trong giá lạnh, trong nước chảy xiết, trong nguy hiểm để rồi về phản ánh sai sự thật hết. Viết sai để mần chi.
Minh Phong, Phan Phương cũng như tôi, buồn, cay đắng, uất ức.
Minh Phong hối thúc tôi tung ra chứng cứ cuối cùng. Tôi không. Tôi không vội. Hãy chờ xem ra sao. Phải để cho tất cả mọi người đều khẳng định mình chết rồi, lúc đó mình mới cho họ biết mình làm báo vì ai và làm báo như thế nào.
Động viên nhau thế nhưng không khí từng ngày vô cùng u ám.
Chúng tôi không buồn đi cà phê nữa.
Lại có tin: Nguyễn Quang Vinh, Minh Phong, Phan Phương bị triệu hồi ra Hà Nội làm kiểm điểm rồi.
Biết thế, tôi nói với hai đồng nghiệp mà tôi thương yêu như em mình, cứ đi uống cà phê bình thường.
Gắng thêm chút thời gian nữa.
Càng chín muồi tung chứng cứ cuối cùng càng hiệu quả. Các đồng nghiệp khác của anh em mình đang vào cuộc cả rồi. Anh em mình không cô độc đâu mà sợ. Anh tin vào nhân cách làm báo của những người bạn của anh.
Nếu Thủ tướng quyết định kỷ luật Báo mình, lúc đó mình sẽ đưa chứng cứ ” độc” báo cáo hết với Thủ tướng rằng, báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về tình hình đời sống đồng bào Rục trong và sau lũ là dối trá.
(Còn nữa)
Kỳ 6: CHIA LỬA
————————
CM CỦA NGUYỄN:
Chiều nay nhìn vào mắt Bọ cũng thấy được loạt bài SỰ THẬT này được Bọ viết ra trong nhiều cảm xúc. “Nói lên được sự thật thì cũng sướng nhưng mà…buồn” – ánh mắt của Bọ nói lên như vậy.
Mong muốn : – Tính quyết liệt mãi mãi còn trong Bọ.
- Giữ gìn sức khỏe cho bản thân Bọ ( tức là cho nhiều bạn bè nữa đấy ).
Nhìn thần sắc của Bọ chiều nay mà thương: phờ phạc, giọng khàn, dáng mỏi mệt; NHƯNG : Ánh mắt sáng rực không hề khoan nhượng. Tui nhớ mãi câu hai anh em mình chiều nay nói với nhau: Mục đích của bài báo đã đạt được là bà con có gạo ăn cho dù có chuyện gì xảy ra. Tui tự hào có một người bạn đồng hương là Nguyễn Quang Vinh – Nhà văn – Nhà báo.
Giữ gìn sức khỏe Vinh nhé.
Viết bởi Nguyen