Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

By: Unknown On: 13:31
  • Chia sẻ bài này >
  • KỲ 6: CHIA LỬA
     

    Ngay trong mấy ngày đầu tiên, khi lãnh đạo Quảng Bình đang nỗ lực chứng mình rằng không có chuyện bỏ dân trong và sau lũ, không có chuyện dân đói, và trong khi nhiều người tưởng rằng, với sức mạnh cả một hệ thống công quyền từ tỉnh đến xã, có thể đè bẹp được sự thật phản ánh của những bài điều tra của chúng tôi; trong khi ngay cả một số đồng nghiệp đã có thể xả hơi và hí hửng hùa theo chiến thắng áp đảo bước đầu của các cơ quan truyền thông tỉnh và vài tờ báo kết tội chúng tôi bịa đặt; trong khi không còn mấy ai tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này thì quả bom thứ nhất ở Báo Đại Đoàn Kết tung ra giữa thanh thiên bạch nhật.
    Dù cái tin rất ngắn, nhưng nhà báo Trương Duy Nhất đã làm náo động tỉnh Quảng Bình. Trước đó, Nhất gọi: Anh Vinh, vì sao trong bài điều tra của anh, không nói đến việc lãnh đạo Quảng Bình bỏ địa bàn đang nước sôi lửa bỏng vì lũ để kéo nhau đi nước ngoài? Tôi nói, anh viết, nhưng tòa soạn cắt. Vì sao cắt? Ông hỏi thế thì tôi hỏi ai? Nhất cười. Cái giọng ồm àm, ăn to nói lớn của Nhất khiến những ai mới quen rất khó chịu và…sợ. Nhưng lòng Nhất thẳng băng, không lấp lững, không vòng vo, thích nói ngay, không thích chửi liền, hơi cực đoan nhưng tốt bụng với bạn bè và không bao giờ đứng ngoài mọi chuyện thế sự. Nhất lại điện: Em đưa tin này nhé. Tôi nói với Nhất, chuyến đi nước ngoài này thu hút hầu hết đội ngũ cốt cán của Quảng Bình, các cấp trưởng của các ngành. Đến như Giám đốc Sở giao thông quá nóng ruột vì đường sá đang bị sụt lún, gây ách tắc giao thông, xin lãnh đạo ở nhà chỉ đạo khắc phục vẫn không được. Chỉ một người duy nhất dám chống lại lệnh xuất ngoại: đó là Đại tá Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trưởng tỉnh đội Quảng Bình. Tôi hỏi đúng là anh cương quyết ở nhà để chỉ huy bộ đội giúp dân chống lũ không? Anh Trị nói: Vinh phải hiểu, mình là chỉ huy quân đội, trong lúc nước sôi lửa bỏng này, chỉ huy lại bỏ mặt trận sao được. Mình cương quyết ở nhà. Tôi thông tin hết cho Nhất. Hôm sau báo Đại Đoàn Kết đưa tin: Trong lúc lũ lớn, lãnh đạo Quảng Bình bỏ dân để đi nước ngoài giao lưu. Một số cán bộ lãnh đạo Quảng Bình cay cú nhất hai chữ bỏ dân và giao lưu. Tôi điện cho Nhất thông tin về phản ứng này. Nhất cười khì khì: Ủa, giao lưu thì chi xấu? Đi công tác hổng lẽ không gặp gỡ, hát hò, uống, cơm nước zui zẻ là chuyện thường. Bất thường là ở chỗ, họ lại đi trong lúc nhân dân cần họ có mặt nhất. Đúng là dân Quảng Nam hay cãi. Hì hì.
    Lên rừng, sướng nhất là khi  ngồi thuốc lào. Rít hơi thuốc, trước khi bơi vào vùng Rục

    Hai ngày sau Nhất gọi: Em biết tình hình các anh rất căng. Em ra nhé. Tôi nói: Nhất ra đi nhưng anh em mình chỉ liên lạc điện thoại thôi, không gặp nhau. Nhất đồng ý. Nhất nói em phải gặp bằng được ông Hà Hùng Cường. Em nghĩ cách rồi. Lại cười. 5 giờ chiều hôm sau, Nhất gọi: Anh Vinh, em và lão Hà Hùng Cường vừa nói chuyện xong đấy. He he he. Tôi hỏi, ăn cơm nhé. Nhất từ chối: Không, anh ơi, em chạy vô Đà Nẵng trong đêm đây, phải viết ngay lập tức. Rồi Nhất hạ giọng: Này, anh biết không, trước mặt lão Hà Hùng Cường, em chửi bọn anh chẳng ra gì đâu. Tôi cười, tao hiểu mẹo cứt gà của mày rồi. Đi cẩn thận nhé, đang làm việc, trên đường vào không có chân dài chân ngắn gì đâu nghe chưa? Nhất cười he he he.
    Quả bom thứ hai nổ lớn trên báo Đại Đoàn Kết: Bài phỏng vấn của Trương Duy Nhất với Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường. Nội dung xoáy quanh chuyện lũ lụt, chuyện lãnh đạo bỏ dân, chuyện dân đói. Điểm nóng nhất trong bài này có đoạn, Bí thư Hà Hùng Cường hạ cái giọng rất “hàng chợ” khi nói về tính xác thực của những bài điều tra chúng tôi. Khi Trương Duy Nhất hỏi, ông đánh giá thế nào về nội dung mấy bài điều tra của các báo vừa rồi ( ý nói trên  Báo Lao Động, báo Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng), ông Hà Hung Cường buông ra: Đó là mấy tờ báo lá cải, tin làm gì.
    Trương Duy Nhất cò cưa Bí thư cả buổi, ” chôm” được câu đắt giá này là ” chuồn” và he he cười, quên cả ăn.
    Câu nói của Bí thư đã làm rung chuyển tòa soạn và phóng viên của ba tờ báo trên, của anh em báo chí và gây ra một sự phẫn nộ.
    Nhất đã chia lửa rất dũng cảm và rất kịp thời.
    Sau đó một thời gian, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình ký công văn trả lời báo Đại Đoàn Kết, lên án mạnh mẽ quan điểm và nội dung của báo Đại Đoàn Kết phê phán tỉnh Quảng Bình trong vụ lũ lụt. Mấy ngày sau, báo Đại Đoàn Kết vừa in nguyên văn công văn này vừa tiếp tục in một bài lớn, phân tích tận cùng gốc rễ trách nhiệm trước dân của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Bài viết sắc sảo, chắc chắn, và cột chặt trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã bỏ rơi dân. Tỉnh Quảng Bình im lặng.
    Cùng thời gian Trương Duy Nhất ra chia lửa, tôi nghe một cú điện thoại lạ, tiếng Hà Tĩnh: Anh Vinh à, nhà em là Dũng đây, phóng viên báo Dân Trí anh ạ, mần răng mà vô được bản Rục. Tôi hỏi Dũng đang ở đâu. Dũng nói em đi xe máy, mưa to, đường toàn bùn, ì ạch mãi vẫn không biết đi đường mô vô bản. Tôi nói, ua trời, gần tối, mày vào bản nguy hiểm lắm, đường đèo dốc, bùn lầy, sụt lở, quay lại huyện ngày mai đi. Dũng căng: Anh nói chi rứa, em nhận được tin các anh đang bị tỉnh ” đánh” lại, ở nhà chịu thế đéo nào được. Anh chỉ đường, em vô, chết cũng vô. Tôi hướng dẫn đường cho Dũng. Hóa ra Dũng đi cùng Xuân Thành phóng viên báo Công an thường trú ở Hà Tĩnh.
    Chiều hôm sau, nghe Dũng ơi ới: Anh Vinh mô, cà phê, cà phê, cà phê.
    Hỏi chuyện dân, ngoài cùng bên phải là nhà báo Minh Phong
    Tôi, Minh Phong, Phan Phương kéo đến Quán cà phê Tháp Nước. Dũng và Xuân Thành ngồi đấy rồi, thêm cả Nam, phái viên báo Thanh Niên, rồi Hải, phóng viên báo Đầu tư và một phóng viên báo Gia đình xã hội, một cậu ở báo Thanh Tra. Giành nhau nói chuyện. Hoa chân múa  tay. Cười. Mếu. Ôm nhau. Cứ như các cánh quân lâu ngày mới gặp nhau, thoát chết trở về vậy. Dũng nói: Em vô thôn Ón, thấy cán bộ cố ý bám theo. Hỏi dân mới thấy, mấy ngày nay cán bộ huyện xã cử người thường trực ở thôn, cảnh giác với nhà báo, giám sát nhà báo. Em máu nhất chi tiết dân bỏ nhà vào hang đá ở nên bí mật móc hai người dân dẫn đường vào hang đá xem sao nhưng cán bộ cứ bám riết. Xuân Thành có nghiệp vụ công an, đánh lạc hướng, thế là em thoát. Ua chầu, bà con ở trong hang khổ như…con heo rừng các anh ạ, không thể không khóc được. Hỏi sao lại vào hang. Bà con nói, mình không có chi ăn, mình vô đây để lên núi kiếm củ mài gần hơn, ở thôn vô núi xa, cái chân yếu, đói, không bước được. Em chụp mấy cái ảnh. Nhưng mà tài, biết có nhà báo vô, hôm sau, cán bộ ra hang đá, kéo dân về hết. Họ dối trá hết cỡ.
    Minh Phong nói to: Họp cái hè.
    Phan Phương khịt khịt mũi cười.
    Xuân Thành nói: Thằng cha Phan Phương hắn viết điều tra, hắn ăn nhuận bút, còn tòa soạn lại cử tui vô thẩm tra sự thật, nếu sai thì cải chính, không sai mần tới nơi. Ông Hữu Ước Tổng biên tập đọc báo Đại Đoàn Kết thấy lão Hà Hùng Cường nói báo Công an là báo lá cải, giận run người.
    Hải cười: Chỉ có báo Đầu tư chúng em là báo lớn, các anh lá cải hết.
    Xuân Thành thụi  Hải: Địt mẹ mày.
    Lâu lắm cả 10 ngày nay, quán cà phê này mới rôm rả như vậy.
    Rồi kéo nhau đi ăn cơm.
    Ồn ào, thằng nào cũng to mồm. thi nhau nói như khát nói, nói, ăn, xì xụp, gào thét. Nói tục, cười như một lũ mất dạy. Nhưng đó là lũ mất dạy đáng yêu nhất mà tôi chứng kiến.
    Nằm vật ra đường, nghỉ tí

    Em ơi bia.
    Em ơi cho thêm cơm, đói quá, hai ngày nay toàn ăn lương khô, uống nước suối.
    Em ơi, cho thêm đĩa thịt. Đéo mẹ, chúng mày ăn uống gì như heo. Nhà báo mà thế à? Đói bỏ mẹ, giữ ý cứt, hai ngày chạy mấy trăm cây số xe máy đưởng rừng trong lũ lụt, bùn lầy chưa dập đầu xuống đường là may. Này, góp tiền lại tối làm một nhát Karaoke nhé, nghe nói các em Quảng Bình khá lắm hả. Làm tươi mẹ nó đi, Kara làm chi cho mỏi tay. Một nhát bao nhiêu. Khoảng 100 ngàn thôi. Phan Phương rú lên: Phá giá, các anh phá giá, 70 ngàn thôi, các anh mần rứa giết bọn em, sau này các em ấy đồng loạt lên giá thì tiền lấy mô trả.
    To mồm nhất là Dũng. Dũng nhìn tôi, nhìn Phong, nhìn Phương: các anh viết sai bét hết, viết thế tỉnh nó đòi đánh lại là phải. Đói đâu, đứt bữa đâu. Em chụp ảnh cả đống, ghi âm cả túi kia kìa. Chẳng qua lũ lớn, chẳng qua cán bộ không ai ngó ngàng, chẳng qua bà con nghèo quá, không có  gạo ăn thì ăn khoai, ăn sắn, hết khoai hết sắn thi ăn cóc, nhái, nòng nọc, củ rừng, đói thế đéo nào được.
    He he he. Khức khức khức.
    Tôi nói: Chúng mày vào với bọn tao rất vui. Nhưng mỗi thằng làm một tờ báo. Chơi thì có thể như anh em nhưng viết thì theo quan điểm riêng, chứng cứ riêng. Nếu thấy bà con không đói, đủ ăn, no, cứ viết. Nếu thấy lãnh đạo các cấp Quảng Bình quan tâm đến dân thật, cứ viết. Nhưng chỉ yêu cầu trung thực.
    Hải thúc sườn vào tôi: Anh nói như họp.
    Xuân Thành: Em viết còn ghê răng hơn các anh nữa.
    Nam thủng thẳng: Dân đói thì viết dân đói, cán bộ thiếu trách nhiệm thì phản ánh thiếu trách nhiệm, có chi hè.
    Liên tục mấy ngày sau, báo Thanh Niên, Công an, Thanh Tra, Dân Trí…đăng hàng loạt bài khẳng định là trong và sau lũ, bà con ba thôn Ón, Mò o ồ ồ , Yên Hợp là đói, là đứt bữa. cán bộ các cấp thiếu trách nhiệm, không ngó ngàng đến nhân dân.
    Nhiệt độ dư luận trong Quảng Bình lần nữa sôi sùng sục.
    10 giờ 30 phút trưa, chuông điện thoại réo, tôi cầm máy. Tiếng con gái Hà Nội nghe long tim: Em là Nhung ở Ban thời sự  Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Vinh đang ở đâu ạ?. Tôi  hơi chột da, lại các em Hà Nội kéo vào lúc này thì hơi phức tạp chỗ ăn, chỗ ngủ đây, vì kế hoạch của mấy anh em là tiếp tục lên đường. Anh ơi, anh vào ô tô của anh đi, còn 15 phút nữa em phỏng vấn trực tiếp anh nhé, anh nói hết, nói đầy đủ những gì các anh đã chứng kiến trong ngày đầu tiên bơi trong lũ vào với bà con ba thôn rẻo cao của xã Thượng Hóa. Bọn em đang lên sóng chương trình chuyên đề   cảnh dân đói, phê bình trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các anh là người đầu tiên bơi trong lũ vào với dân, các anh trả lời nhé. Anh gọi anh Mình Phong đến nữa, sắp đến giờ lên sóng rồi anh. Và chương trình thời sự trưa hôm đó, Đài tiếng nói Việt Nam đã làm một chương trình kỹ càng, có tôi và Minh Phong trả lời. Minh Phong cười tít mắt với Phan Phương: Cái giọng em Nhung nghe đã, răng gặp em được hè. Tôi nói, tao tranh thủ điều tra rồi, tuổi em làm chị mày. Minh Phong trố mắt ua chầu chầu.
    Chương trình Thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam lại thêm một đợt tấn công vào những ai mưu toan bóp méo sự thật. Chưa hết, chiều hôm sau, lúc 17 giờ, Đài tiếng nói Việt Nam lại có mục điểm báo gần 30 phút dành nói về Sự kiện này.
    Nhưng tin này còn vui hơn: Gạo cứu trợ đã về tận tay bà con vùng lũ hàng trăm tấn. Không chỉ bà con ở ba thôn chúng tôi phản ánh, mà tất cả các vùng bị ngập lụt gạo đã về. Phần lớn là gạo cứu trợ của cộng đồng xã hội. Gạo, quần áo, thuốc men y tế, sách vở, lương khô, áo quần…
    Tôi đập tay vào cái bụng tròn như bụng ếch của Minh Phong: Bây giờ không phải chuyện thắng thua giữa anh em mình và mấy lão, đéo cần, dân no là số 1.
    (Còn nữa)
    Kỳ 7: MŨI TÊN ĐỘC
    ———————-
    CM CỦA THUẬN NGHĨA(Cộng hòa LB Đức)
    Dù rất bận, nhưng cũng phải ghé thăm để nghẹt thở theo Bọ. Chưa kịp trả lời comment trong blogs mình, nhưng phải com với Bọ cái đã!
    Sự thật của Bản Rục như thế nào, từ entry đầu người đọc đã đoán được. Chuyện xảy ra tiếp, về thực chất là không còn là một cuộc bảo vệ Sự Thật nữa, mà là chuyện cánh nhà báo “Gan cóc Tía” tự bảo vệ mình thông qua việc chứng minh bài viết của mình. Bản Rục có bị đói kiệt trong 7 ngày lũ hay không? đó là mấu chất của vấn đề. Bọ chứng minh được điều đó, phía Bọ thắng, Bọ và đồng nghiệp an toàn. Họ chứng minh Bản Rục chỉ đói bữa, chứ chưa đói kiệt, họ thắng.
    Tôi nghĩ rằng viết những entry này mục đích của Bọ không phải dương oai sự gan dạ của cách Nhà báo. Và cũng không phải kêu gọi lòng dũng cảm của Nhà Báo. Vì ai cũng biết rằng Sự Dũng Cảm của Nhà Báo là xứ sở của Sự Thật. Một xã hội muốn có sự công bằng, phải có một chế độ truyền thông Công Bằng. Một hệ thống truyền thông Công Bằng, tất yếu phải có những Nhà báo chiến sĩ, những ngọn bút anh hùng.
    Tôi có cảm nhận rằng, Bọ không ca ngợi sự Dũng cảm, mà Bọ muốn lý giải một vấn đề : Dũng Cảm nhằm mục đích gì, Và Dũng cảm không phải là Liều Lĩnh.
    Trong cuộc bảo vệ sự thật và bảo vệ mình này. Bọ đã chứng minh điều đó. Mặc dầu có rất nhiều lúc Bọ và đồng nghiệp đã nói “Sợ đéo gì”. Nhưng chắc chắn Bọ vẫn sợ. Cái hay là Bọ đã khá am hiểu về “Binh Pháp”. Bọ biết cách “Tri bỉ, tri kỷ”, biết cách “Dĩ Dục Đãi Lao”, biết cách dụng ” bốn lượng đãi ngàn cân”. Biết chờ thời, biết đưa “Ngọn Nhất Dương Chỉ” ra lúc nào thì nhằm vào tử huyệt. Biến cái thế ngàn cân treo đầu sợi tóc thành cái thế vững như bàn thạch. Đó mới là Anh (anh minh) và Hùng (dũng cảm)= Anh Hùng. Mong rằng thế hệ đàn em trong làng báo nắm được điều đó, Dũng Cảm mà không bảo vệ được chính mình, dù là vì mục đích gì thì đó là sự liều lỉnh chứ không phải dũng cảm.
    Tui lại đặt tui vào địa vị của phía những người đối lập với Bọ. Nếu tui không tự phụ vào quyền lực của mình, mà đầu tiên nhún nhường, xin lỗi nhẹ nhàng trước, để cho cú “đánh” của phía Bọ đánh vào khoảng không, rồi chờ thời cơ cho cánh Bọ chủ quan trong hào quang của chiến thắng, tìm sơ hở quật ngược trở lại. Bọ “chết” là cái chắc! he he…
    Sắc bén, đúng sự thật, có lợi cho cộng đồng, nhưng phải đúng thời cơ và điều quan trọng là bảo vệ được chính mình, đó mới là bản chất anh hùng của Nhà báo. Hì hì chỉ mạn đàm cho vui, đừng quan trọng hóa nghe Bọ!