Kỳ 4: NGẠT THỞ
Mở màn cho cuộc phản pháo những bài điều tra của chúng tôi ngoài Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình, báo Quảng Bình, chính là báo Tuần Tin tức. Phóng viên Ngọc Châu viết” 600 người dân ở 3 thôn Ón, Mò o ồ ồ và Yên hợp: Khó khăn là có, kiệt- đói thì không”.
Bài báo làm râm ran không khí phấn khởi trong lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Minh Hoá vì đã viết đúng với chỉ đạo: Nêu ra được những khó khăn của đồng bào chịu mấy cơn lũ liên tiếp, nhưng khẳng định không có ai đói, không ai đứt bữa, không ai kiệt quệ vì thiếu ăn. Các cấp lãnh đạo vẫn quan tâm, không bỏ dân trong lũ. Chắc chắn phóng viên Ngọc Châu sẽ được khen ngợi. Gặp tôi, phóng viên Ngọc Châu nói: trách nhiệm của báo mình là hướng dẫn dư luận. Điều đó càng khẳng định, thông tin của chúng tôi là bịa đặt.
Ban biên tập báo Lao Động tỏ ra rất băn khoăn với bài báo của phóng viên Ngọc Châu trên Tuần Tin tức. Hỏi tôi: Sự thật là sao, bây giờ đã có báo viết ngược với báo ta. Anh là người điều tra, anh trả lời xem sao? Tôi nói, hãy tin tôi đi, viết báo là ở chứng cứ. Phóng viên báo họ sau ba bốn ngày nước rút mới lên, gạo cứu trợ tràn trề, làm sao thấy dân đói kiệt. Ban biên tập tin tôi.
Sau khi đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tình hình ở Thượng Hoá về, ngay hôm sau, tôi thấy ông Ái, phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo tỉnh nhìn tôi có vẻ căng thẳng và với nét mặt quan trọng. Tôi hỏi, hôm nay anh có vẻ bận nhỉ. Anh Ái huơ tay, ua chầu chầu, tỉnh giao mình ngày mai tổ chức cho một đoàn nhà báo lên Thượng Hoá.
Tôi điện cho Phan Phương, Minh Phong ra quán cà phê.
Đi theo không? Ba anh em ngồi rất lâu trước câu hỏi này.
Tôi kết luận: Nếu họ mời, mình đi đàng hoàng, Họ không mời mình không cần đi. Sự thật bây giờ trong tay mình, hình ảnh đấy, tiếng nói của nhân dân, của lãnh đạo cơ sở công nhận đấy, dù có ai làm gì cũng không thể thay đổi.
Không khí cẳng thẳng tới mức như đang vào trận. Đài truyền hình tỉnh, báo tỉnh, tạp chí văn nghệ tỉnh…những cơ quan ngôn luận của tỉnh lao xao bàn tán. Tỉnh đã quan tâm cho cả đoàn nhà báo của Hội lên thị sát tình hình là chuyện to. Chưa bao giờ xảy ra chuyện này.
Điều làm tôi buồn nhất là mới đấy, một số đồng nghiệp còn coi nhau như anh em , bây giờ nhìn nhau đã khác. Nhiều người tránh mặt. Ai cố gặp thì nói bóng gió rằng, chúng tôi sẽ chết. Có một cậu nhà báo trẻ, coi tôi như anh, có gì khó khăn cũng kêu anh Vinh ơi giúp em, vợ ốm lần nào cũng anh Vinh ơi giúp em. Tôi cho tiền cũng có, xin hộ tiền cho nó mang vợ con đi bệnh viện cũng có, tình cảm sâu nặng. Tôi vẫn tưởng, trong chuyện này, nó phải an ủi tôi, sát cánh bên tôi, ai ngờ… Hàng ngày nó bám theo mấy nhà báo khác, bàn bàn tính tính, thì thà thì thầm, gặp tôi lãng đi, tôi gọi thì tìm cớ bận không gặp, xun xun xoe xoe, nhìn vừa hèn hạ vừa tội nghiệp. Bi hài là không ai ép nó làm thế nhưng nó đã làm thế, nó đã tự tách ra khỏi chúng tôi, xúm với nhóm nhà báo tỉnh, tâm huyết bàn cách viết bài phản pháo. Những ngày đó trông ánh mắt của nó như ánh mắt của thằng đi ăn cắp. Tôi vừa gịân vừa thương hại. Thôi nó nghèo, nghèo thì hèn, chấp làm cái gì.
Trong những đồng nghiệp bắt buộc quay lưng, tôi mến Tâm Phùng. Bây giờ Tâm Phùng đã là phóng viên báo Nông nghiệp, ngày đó là phóng viên báo Quảng Bình. Nó nói thẳng: Toà soạn phân công em đi, yêu cầu em phải viết ngược với những gì các anh phản ánh, em phải làm, nhưung các anh yên tâm, em viết không ngược gì với các anh hết, dân đói, dân khổ thì mình phản ánh thế, mất việc thì thôi. Bài Tâm Phúng viết rất khéo, không mếch lòng lãnh đạo nhưng cũng phản ánh được một sự thật cuộc sống bà con vô cùng gian nan. Dù trước đó, chính Tâm Phùng khuyên Minh Phong rút lại bài điều tra về dân đói ở bản Rục.
Sau chuyến đi của đoàn nhà báo tỉnh, lại phóng sự truyền hình, lại ca ngợi dự án ở bản Rục mang lại ấm no cho bà con, lại khẳng định dù khó khăn nhưng các nhà báo chúng tôi vẫn thấy bà con ấm no, không có gạo thì vẫn có đủ sắn, ngô, khoai ăn, không đói.
Dồn dập mấy ngày liền, báo chí trong tỉnh thả sức thông tin.
Những thông tin đó càng khẳng định chúng tôi sai.
Chúng tôi cảm thấy ngạt thở.
Bạn bè xa lánh, cán bộ xa lánh, hỏi ai cũng ậm ờ.
Tiếp đến, báo Tiền Phong lại đăng một bài khẳng định hiệu quả của Dự án định cư cho đồng bào Rục.
Không còn gì để nói nữa.
Không khí hoan hỉ của những người được coi là thắng cuộc lan toả khắp nơi.
Ngoại trừ một vài anh em đồng nghiệp biết là mình phải làm theo chỉ đạo, còn nhìn chúng tôi thông cảm, còn hầu hết là hí hửng, hầu như chờ một quyết định đuổi việc với 3 anh em chúng tôi.
Thật giả lẫn lộn. Ngay vợ tôi cũng hoang mang, không biết chồng mình đúng hay người khác viết đúng. Vì tôi viết một bài, họ đáp trả hàng chục bài, vợ tôi và người dân làm sao hiểu được đúng sai lúc đó.
Minh Phong bỏ cả cơm ngồi phờ phạc ở quán cà phê.
Phan phương bước vào cơ quan, không ai thèm hỏi, không ai thèm nhìn. Có người nói:” Tao nói với mày rồi, mày cứ chơi với thằng cha Vinh, coi chừng…”.
Lại nghe tin, cậu Lĩnh sĩ quan biên phòng cắm bản Rục do ” tội” đưa chúng tôi đi thăm bà con đói khát ngày đầu tiên, nay đã chuyển đến một vùng còn khó khăn hơn, xa vợ con hơn. Coi như bị kỷ luật ngầm. Lại nghe, ông trưởng thôn, ông phó thôn Ón cũng bị xã kêu lên kêu xuống, truy xét trách nhiệm tiếp đón và thông tin cho nhà báo.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi ra: Vinh ơi, em chuẩn bị tất cả chứng cứ để giải trình với Ban biên tập. Nếu mình thông tin sai mình phải nhận. Tôi hỏi: Anh tin em không? Vĩnh Quyền nói: Anh tin. Anh tin em có đủ chứng cứ. Nhưng tình hình có vẻ đang căng đấy em ạ. Lãnh đạo tỉnh gọi điện ra toàn soạn nói em viết sai hết, bịa đặt hết.
Tôi gọi cho anh Hân Hương, trưởng ban cuối tuần của báo Lao Động đề nghị in tiếp một phóng sự ảnh về cảnh dân đói trong vùng lũ. Hân hương hiểu ý tôi, đồng ý ngay. Ban biên tập cũng đồng ý duyệt ngay. Trên Lao Động cuối tuần, in lừng lững một trang phóng sự ảnh khẳng định là bà con Rục đói khát, thiếu ăn, đứt bữa, hết gạo. Có cả ảnh mẹ con chị Hoá nấu nòng nọc ăn.
Phan Phương đột ngột gọi tôi: Anh ơi gay rồi.
Tôi gặp Phương. Phương nói: Báo em mới nhận công văn của tỉnh uỷ yêu cầu giải trình việc có hay không việc cử phóng viên Phan Phương vào vủng Rục.
Tôi cáu: Hỏi gì ngu thế. Làm nhà báo, chỗ nào có tin, chỗ nào xảy ra sự việc thì tới liền, sao lại còn chất vấn là cử đi hay không cử đi. Thế chẳng lẽ một cảnh sát hình sự đi phép, thấy cướp không hành động với lý do là đơn vị không cử tôi đi bắt cướp à. Mày yên đấy. Sáng mai đọc Lao Động biết liền.
Tôi đưa tin ngay: Phóng viên Phan Phương buộc làm giải trình về việc đã bơi qua lũ vào với đồng bào ngập lụt để viết bài. Hàng loạt trang báo điện tử dẫn lại tin này trên Lao Động.
Bên tỉnh uỷ im lặng. Cũng không thấy ai giục Phan Phương giải trình nữa.
Phan Phương thấy ảnh mình trên hàng loạt trang báo điện tử thi khịt khịt mũi: Em thành ngôi sao ca nhạc.
Liên đoàn Lao động tỉnh lại nhận được công văn của tỉnh uỷ, yêu cầu báo cáo trực tiếp với Bí thư tỉnh uỷ Hà Hùng Cường nội dung: Tại sao chở gạo cứu trợ đồng bào mà không xin ý kiến tỉnh. Anh Nguyễn Quang Tuynh, chủ tịch Liên đoàn Lao động trả lời thẳng với Bí thư: Chưa có quy định nào đi cứu trợ cho dân phải xin phép cấp trên hết. Nếu có văn bản yêu cầu như vậy chúng tôi chịu kỷ luật. Chúng tôi có nhiệm vụ phải huy động phương tiện xe và người khẩn cấp chở hàng chục tấn gạo từ Quỹ Tấm lòng vàng báo Lao Động về cứu đói cho dân vùng lũ, việc đó không thể gọi là sai được. Bí thư Hà Hùng Cường không nói gì.
Sau cuộc đưa đoàn nhà báo đi thị sát Thượng Hoá về, ban tuyên giáo triệu tập cuộc giao ban báo chí. Gọi là giao ban báo chí thường kỳ nhưng thực chất là xoay quanh sự thật bà con vùng đồng bào Rục, Sách, Mã Liềng ở Thượng Hoá đói kiệt không, đứt bữa không. Minh Phong hỏi tôi: Mình đi dự không anh? Tôi nói không. Phan Phương điện thoại cho tôi mình đi dự giao ban báo chí không anh, tôi nói không. Không có anh em mình, mình sẽ nghe ý kiến khách quan hơn và nếu ai đó muốn tố cáo mình víêt sai sự thật họ cũng dễ nói hơn. Nhưng yên tâm, nội dung cuộc họp ấy mình sẽ được nghe lại hết. Minh Phong cười, anh cao kiến, không dự mà như dự. Phan Phương khịt khịt mũi.
Đó là một cuộc giao ban nảy lửa nóng rực. Những ý kiến phê phán chúng tôi gay gắt. Rồi kết luận: Dù khó khăn, nhưng trước sự chứng kiến của đoàn nhà báo, bà con vẫn đủ ăn, có hết gạo nhưng vẫn đủ sắn ăn, ngô ăn, không ai đói. Nội dung cuộc giao ban này là căn cứ để Ban tuyên giáo báo cáo tỉnh, báo cáo lên Trung ương. Và với nội dung báo cáo này, một lần nữa khẳng định, những bài điều tra của 3 anh em chúng tôi sai sự thật.
Sau đó, hai đoàn kiểm tra của 2 Bộ vào, lên thị sát, kết luận: Bà con dân tộc do thói quen canh tác yếu, nên dù được tỉnh, được nhà nước giúp đỡ, cuộc sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tuyệt nhiên không có hộ đói, không có hộ đứt bữa. Minh Phong hét toáng lên trong máy điện thoại: Anh ơi, họ về kiểm tra khi mà hàng trăm tấn gạo, mỳ tôm cứu trợ kìn kìn đổ về cho bà con , làm sao thấy đói, thấy đứt bữa như anh mình đã viết. Nội dung kiểm tra của 2 Bộ là căn cứ để báo cáo Thủ tướng. Tóm lại, căn cứ vào các báo cáo này thì những bài điều tra của chúng tôi hoàn toàn sai sự thật.
Tôi nói với 2 đồng nghiệp thân mến của mình: Mục đích viết bài cho bà con có gạo ăn đã đạt được. Thậm chí lượng gạo cứu trợ đủ cho bà con ăn cơm vài ba năm. Kho huyện, kho xã, kho biên phòng chật cứng gạo. Chưa bao giờ bà con ba thôn này lại nhiều gạo đến như vậy. Vì sao? Vì cả nước đọc bài của chúng ta, đồng lòng góp tiền mua gạo về giúp, thông qua báo Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng cũng nhiều, mà trực tiếp mang gạo lên cho bà con cũng nhiều, hàng trăm đoàn cứu trợ như vậy. Đó là thắng lợi lớn. Vì điều này mà 3 anh em bị kỷ luật, bị đuổi việc thì cũng đành. Nhưng nếu cần thiết, hai em cứ đổ vấy cho anh, anh nhận hết, rằng chính anh ép các em viết bài. Minh Phong giãy nãy lên: Anh nói chi rứa. Tụi em có lòng tự trọng làm báo của tụi em chứ. Phan Phương khịt khịt mũi: Anh đừng lo cho tụi em. Có chết thì cùng chết anh ạ.
Tôi nhìn hai thằng em: Nói vậy thôi, chết thế đéo nào được. Anh em mình còn một chứng cứ cuối cùng, chứng cử này đủ cho tất cả mọi cố gắng của họ tan thành mây khói.
Minh Phong hiểu ý: Tung ngay chứ anh
Tôi lắc đầu: Không. Chưa phải lúc. Tao vẫn muốn nhìn thấy rõ ràng sự việc này nó ra làm sao.
Phan Phương khịt khịt mũi: Có anh cứng cỏi thế, bọn em sợ đéo gì.
Trong suốt chừng 10 ngày như vậy, không khí thực sự ngột ngạt với 3 anh em.
Tất cả những công tác chuẩn bị từ đi thị sát, tổ chức đoàn nhà báo đi thực tế, chất vấn, họp hành, thậm chí là kiểm điểm nội bộ, rồi giao ban báo chí, đón tiếp và tổ chức cho 2 Bộ vào kiểm tra, tổ chức việc truyền thông rộng lớn phản pháo lại, tất cả những việc ấy cuối cùng cùng là tạo cơ sở để lãnh đạo tỉnh Quảng Bình hoàn thành báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về nội dung những bài điều tra của chúng tôi.
Có người thì thầm: Nguyễn Quang Vinh, Phan Phương, Minh Phong đã đứng cận kề đoạn đầu đài.
(Còn nữa)
(Còn nữa)
Kỳ 5: U ÁM
—————————————————————————————————————————————
—————————————————————————————————————————————
CM CỦA THUẬN NGHĨA ( Cộng hòa Đức)
Sau loạt bài của Báo Lao động và một số báo khác, liên quan đến vụ ấy, mà vẫn thấy Bọ và 2 nhà báo kia đàng hoàng tháp tùng đoàn cán bộ Tỉnh lên bản. Hơn nữa trong tay vẫn còn đầy đủ máy ghi hình, máy thâu băng và vẫn còn tự do tác nghiệp. Và đến hôm nay vẫn còn tự do viết bài về đề tài này. Chứng tỏ Tự Do Báo Chí ở ta là chuyện có thật. Bảo vệ Sự Thật là một công việc gian nan nguy hiểm đến tính mạng, đó đặc điểm chung của tất cả những người cầm bút trên thế giới chứ không phải chỉ ở chúng ta.
Chính Trị, thực chất là sự tranh dành và cũng cố địa vị quyền lực của một tập đoàn, và cá nhân trong tập đoàn đó. Chính trường là chiến trường, ở đó không những là ngòi nỗ cho những cuộc đụng độ súng đạn, mà còn là trung tâm của những va chạm về khát vọng của những thế lực đối địch. Ở đó bản năng tự bảo vệ sinh tồn rất cao.
Chỉ những bậc thánh nhân đã xuất thế gian mới thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của danh vọng và tiền tài. Những nhà lãnh đạo Tỉnh và Huyện viết trên, họ không phải thánh nhân. Họ phải tự bảo vệ chính mình. Những thao tác kỷ thuật chống lại sự cố uy hiếp quyền lợi và địa vị của họ là bản năng, có tính qui luật, tính tất yếu. Sự cố có từ “phương tiện truyền thông”, Họ đã lợi dụng “phương tiện truyền thông” làm vũ khí để tự bảo vệ, Họ “chơi” vậy là rất văn hóa.
Sự thật chỉ có một, sự kiện xảy ra không thể thay đổi, Nhưng quan niệm, và tư duy để nhận thức ra chân lý trong sự thật đó, không phụ thuộc vào tình tự xảy ra của sự kiện. Mà phụ thuộc vào thái độ của người tiếp cận sự kiện đó theo gốc độ nào.
He he..tui đặt mình vào địa vị của những người bị Báo Chí “áp bức” và “uy hiếp”. Để thấu cảm những entry này. Thì thấy mình còn quá “nhẹ tay”
“cuộc chiến” truyền thông này cả 2 bên đều chiến thắng, vì kết quả là dân đã no. Cái mãnh lực hấp dẫn nhất của các entry này là ở chổ Dân Bản Rục là Ngư Ông, còn ai bại, ai thắng miềng không quan tâm, đó là chuyện của Cán Bộ.
Sau loạt bài của Báo Lao động và một số báo khác, liên quan đến vụ ấy, mà vẫn thấy Bọ và 2 nhà báo kia đàng hoàng tháp tùng đoàn cán bộ Tỉnh lên bản. Hơn nữa trong tay vẫn còn đầy đủ máy ghi hình, máy thâu băng và vẫn còn tự do tác nghiệp. Và đến hôm nay vẫn còn tự do viết bài về đề tài này. Chứng tỏ Tự Do Báo Chí ở ta là chuyện có thật. Bảo vệ Sự Thật là một công việc gian nan nguy hiểm đến tính mạng, đó đặc điểm chung của tất cả những người cầm bút trên thế giới chứ không phải chỉ ở chúng ta.
Chính Trị, thực chất là sự tranh dành và cũng cố địa vị quyền lực của một tập đoàn, và cá nhân trong tập đoàn đó. Chính trường là chiến trường, ở đó không những là ngòi nỗ cho những cuộc đụng độ súng đạn, mà còn là trung tâm của những va chạm về khát vọng của những thế lực đối địch. Ở đó bản năng tự bảo vệ sinh tồn rất cao.
Chỉ những bậc thánh nhân đã xuất thế gian mới thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của danh vọng và tiền tài. Những nhà lãnh đạo Tỉnh và Huyện viết trên, họ không phải thánh nhân. Họ phải tự bảo vệ chính mình. Những thao tác kỷ thuật chống lại sự cố uy hiếp quyền lợi và địa vị của họ là bản năng, có tính qui luật, tính tất yếu. Sự cố có từ “phương tiện truyền thông”, Họ đã lợi dụng “phương tiện truyền thông” làm vũ khí để tự bảo vệ, Họ “chơi” vậy là rất văn hóa.
Sự thật chỉ có một, sự kiện xảy ra không thể thay đổi, Nhưng quan niệm, và tư duy để nhận thức ra chân lý trong sự thật đó, không phụ thuộc vào tình tự xảy ra của sự kiện. Mà phụ thuộc vào thái độ của người tiếp cận sự kiện đó theo gốc độ nào.
He he..tui đặt mình vào địa vị của những người bị Báo Chí “áp bức” và “uy hiếp”. Để thấu cảm những entry này. Thì thấy mình còn quá “nhẹ tay”
“cuộc chiến” truyền thông này cả 2 bên đều chiến thắng, vì kết quả là dân đã no. Cái mãnh lực hấp dẫn nhất của các entry này là ở chổ Dân Bản Rục là Ngư Ông, còn ai bại, ai thắng miềng không quan tâm, đó là chuyện của Cán Bộ.
Viết bởi thuannghia