6 giờ sáng, Tô Phán gọi Bọ ra chưa. Tôi nói ra rồi nhưng tôi còn phải xử lý vài việc quan trọng, hẹn trưa gặp ở Tòa soạn.
7 giờ sáng, Nhung – phóng viên Ban thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam đợi tôi ở Trung tâm kỹ thuật. Tôi nói, Nhung ạ, có một vấn đề mình cần Nhung giúp. Nhung hỏi luôn, có phải anh cần xủ lý băng ghi âm? Tôi gật đầu. Băng ghi âm này bọn anh ghi trong một hoàn cảnh đặc biệt, nên tiếng rất xấu. Tiếng này, anh em mình nghe thì được, nhưng để Thủ tướng nghe thì không ổn. Nhung gật đầu, anh yên tâm, Đài em mới nhập thiệt bị lọc tiếng cực kỳ hiện đại. Đi với em.
Tôi theo Nhung vào phòng kỹ thuật. Tôi đợi Nhung. Anh em Ban thời sự nghe tin Bọ Vinh vụ Rục thì xúm đến. Nhưng tôi không còn lòng dạ đâu để trò chuyện.
Một tiếng sau, Nhung cầm mấy cái đĩa CD ra, giọng phấn khởi. Tuyệt vời anh ạ. Nghe rõ cả từng tiếng thở. Anh nghe thử nhé.
Nhung cho tôi vào phòng máy đặc biệt.
Đoạn băng ghi âm này được ghi tại phòng họp riêng của tỉnh ủy Quảng Bình. Có mặt Bí thư Hà Hùng Cường, Chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương, chủ tịch huyện Minh Hóa Đinh Minh Chất ( nơi xảy ra vụ người Rục) và vài cán bộ nữa. Cuộc họp này tổ chức ngay sau khi đoàn lãnh đạo tỉnh vội vã từ nước ngoài về để thực hiện báo cáo theo công điện của Thủ tướng về nội dung phản ánh một số bài điều tra trên báo Lao Động, Sài Gòn giải phòng về chuyện trong và sau lũ, bà con người Rục đói, đứt bữa.
Đây là cuộc họp đầu tiên và quan trọng vô cùng, vì chính cuộc họp này đã thể hiện được hai điều: Một là sự xác nhận của địa phương về tính xác thực của bài báo, hai là thể hiện sự gian dối ngay từ phút đầu khi lãnh đạo tỉnh cố sức ép lãnh đạo cấp dưới không được nói dân đói. Bằng chừng này cho thấy, những thông tin điều tra của chúng tôi là đúng đắn, và hành vi lấp liếm sự thật của lãnh đạo tỉnh lộ rõ.
Trích ghi âm:
-Lời ông Đinh Minh Chất (ĐMC), chủ tịch huyện Minh Hoá: Báo cáo với lãnh đạo tỉnh: Xin báo cáo các anh lãnh đạo tỉnh, trước hết xin cám ơn nhà báo. các anh đã vật lộn vất vã để vào được với đồng bào Rục chúng tôi và tất cả nội dung bài báo viết về chuyến đi đã phản ánh được cơ bản, sát thực tế đồng bào Rục, đồng bào mà trình độ phát triển thấp nhất nước, do vậy được Thủ tướng đầu tư dự án 32 tỷ để bảo tồn đồng bào này rất ít người còn lại.
-Ông Hà Hùng Cường (HHC) Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình: Nói đầy đủ xem, nói cơ bản sát tình hình.
-Ông ĐMC: Dạ. Sát tình hình. Báo cáo anh, tình hình đồng bào Rục, là đoàn nào cũng thế, không chỉ có nhà báo, không biết các anh nhà báo vào được mấy lần, nhưng mà chính thức có đoàn của chị Hoa Phó chủ tịch nước, đoàn của Chủ tịch Hội nông dân, sau đó đoàn nào đến họ cũng kêu như thế hết. Và thực tế trong dân thì dân ở đó….
-Ông Phan Lâm Phương (PLP) Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Ê. Cái này tôi nói việc đồng bào Rục mà đồng bào khó khăn là người ta biết rồi. Nhưng đây tôi muốn nói tình hình vừa qua để như thế báo chí người ta nêu đúng không chứ còn ông cứ nói thẳng theo việc đó, hai là đừng có nói là đồng bào người ta kêu như rứa, đồng bào kêu là không được, mình nói rứa là không được, trách nhiệm của mình sao thì mình cứ nói cho khách quan, tình hình sau lũ bão, báo nêu như thế này có đúng không? Anh phản ánh khách quan cho tôi, còn sau đó mình nói trách nhiệm sau, bàn sau, trách nhiệm của tỉnh như thế nào, trách nhiệm của huyện như thế nào? Trách nhiệm của các ngành mình nói sau. Nhưng bây giờ, anh bây giờ, tôi nói khách quan báo nêu như thế này có đúng không. Nói thế cái đã. Thực tế cái việc sau chứ không nêu chung riêng, ai lại không biết đồng bào Rục nhà không có, mới ở trong hang ra, đói kém.
-Ông ĐMC: Dạ. Báo cáo đồng chí chủ tịch là, Thiếu gạo rồi là thiếu thức ăn là có thiếu như bài báo là có thiếu chứ không có đủ, lúc nào cũng thiếu, thực sự là như vậy. Thứ hai nữa là ở chính quyền thì chúng tôi chưa kịp cách nào vào được bằng nhà báo. Cái đó là đúng. Chúng tôi vẫn chưa vào được. Bởi vì lúc nhà báo đi đúng như phản ánh trên báo, tức là chỗ bơi ngập gần 2 cây số, hôm qua chúng tôi đi thì hơn 1 cây, hôm trước thì hơn 2 cây số và đúng như vậy. Riêng việc mà để cho bà con chết đói thì không. Trong đó chúng tôi có một trạm biên phòng, biên phòng này là trách nhiệm chúng tôi giao cho đồng chí trưởng đồn là thông tin với đồn và thông tin về địa bàn huyện. Cho nên thông tin hàng ngày là cập nhật thông tin chứ không phải không cập nhật. Thì vẫn bình thường.
-Ông PLP: Như thế trong này là ông vẫn công nhận vẫn nói cái đói, cái thiếu đói là có, còn chết đói không có.
-Ông ĐMC: Tui vẫn tin rằng, thấy rằng không ai bị chết đói, không ai bị chết bão, không ai bị chết lụt, khẳng định như thế, còn đói thì đói vẫn triền miên đói, trăm phần trăm hộ đói, mà đợt bầy tui đã thống kê báo cáo với tỉnh, ban dân tộc miền núi cũng thống kê rồi, báo cáo các anh tại sao có là vì dự án 32 tỷ là hết năm 2006 không có nữa đâu, nên không có viện trợ hàng năm nữa, các năm trước có viện trợ anh ạ. Cho nên có cấp đầy đủ nhưng mà năm 2006 là không có…
-Ông PLP: Thôi thôi thôi. Cái đó ông nói sau. Nhưng mà ông là chủ tịch một huyện, mà ông không báo cáo với uỷ ban, mà ông nói là ông xin trăm tấn gạo mà người ta viết trong báo ông xin trăm tấn gạo, năm mươi tấn muối, ông xin ba trăm tấn gạo hoặc một ngàn tấn cũng đủ năng lực..Báo chí bơi được, anh là chủ tịch huyện mà anh không vào được thì anh phải tìm cách khác vô nắm tình hình cái đã, còn việc có đưa đến các thứ thì nhờ tỉnh, tỉnh không có thì nhờ Trung ương, một chiếc trực thăng thì thả xuống đó thì có gì đâu mà Quân khu không cho một chiếc trực thăng được.
-Ông ĐMC: Dạ không. Nhà báo hỏi, bây giờ cần kíp nhất là thế nào thì em nói rứa thôi. Năm nay là năm lớn nhất cho nên ngoài dự kiến của huyện, thực sự, bây giờ lũ của hai cơn bão số 5, số 6 kề liền nhau, chưa khắc phục được số 5 thì bão số 6 đến, cho nên thời gian có lâu thiệt, ngoài sự chủ động của huyện
-Ông HHC: Tỉnh có ai lên kiểm tra lũ lụt không?
-Ông ĐMC: Báo cáo đồng chí Bí thư, anh Bính (Phó Bí Thư) anh Thu
(Trưởng ban dân vận) có lên, không đi được đâu hết.
-Ông HHC: Thông tin về việc dân đói và thiếu ăn như thế nào?
-Ông ĐMC: Vì nó đói triền miên ra rứa.
-Ông HHC: Đói triền miên là khác, sao lại đói triền miên? Nói vô trách nhiệm. Tỉnh nói không có hộ đói. Khẳng định là không hộ đói, tại sao lại đói triền miên, có nghĩa là còn hộ đói. Còn thiếu ăn là có.
-Ông PLP: Tôi nói với anh Chất như thế này. Cái đói của mình là đói trong chương trình xoá đói giảm nghèo. Còn báo chí người ta nêu là đói lả, đói sắp chết…Còn đói bình thường thì nói thế sao được…Trong khi ông nói ngày nào ông cũng biết, ngày nào ông cũng đi, nhưng mà cuối cùng cái này tôi về tôi cũng nắm qua, trong cuộc họp và tôi cũng dành gần hết cuộc họp để nói về tình hình lụt bão của tỉnh, dành nửa thời gian nói về tình hình bão lụt nhưng mà cũng không ai nói với tôi, anh Hoài (Phó chủ tịch tỉnh) cũng không nói với tôi, tôi đi (Đi Lào cùng đoàn lãnh đạo của tỉnh vào ngày 2.10) tôi giao cho anh Hoài ở nhà và anh Bính ở nhà cũng không bám được tình hình đồng bào Rục, trước hết tôi nói thông tin cái đã, anh nắm tình hình đồng bào cái đã, còn việc xử lý nói sau. Các anh báo rồi mà tỉnh không xử lý là trách nhiệm của tỉnh. Nhưng mà các anh không báo…
-Ông HHC: Bây giờ anh nói hôm qua đoàn của huyện mang theo những gì cho đồng bào Rục?
-Ông ĐMC: Dạ, báo cáo anh, đoàn của huyện giúp cho đồng bào 1,5 tấn gạo, 600 gói mỳ tôm, một số mỳ chính, bột canh, mỡ nấu, dầu hoả. Bọn tôi đã vận chuyển vô đến 10 giờ đêm (8.10) mới xong.
-Ông HHC: Thế hôm qua thì bà con thế nào?
-Ông ĐMC: Bà con phấn khởi anh ạ, thấy gạo là phấn khởi.
-Ông PLP: Vùng trong nước rút hết chưa?
-Ông ĐMC: Dạ chưa, trong vùng Mò o ồ ồ vẫn chưa. Bọn em tăng bo đủ kiểu. Tui thì tui vô trong nớ liên tục, chỉ có đợt ni không có phương tiện mà vô. Tui vô đó tui hỏi có nhà nào đứt bữa không, họ nói không đứt bữa mô chú ạ, nhưng mà là thiếu gạo, nói rõ như rứa, đứt bữa là không đứt bữa nhưng mà thiếu gạo.
-Ông HHC: Không đứt bữa?
-Ông ĐMC: Dạ, không đứt bữa nhưng mà thiếu gạo thì thiếu. ở đó còn có sắn, sắn ở đó ngon nữa. (Tiếng ai đó: Đồng bào ở đó lâu nay ăn sắn). Lâu nay ăn sắn, ngô làm bồi.
X X
X
Tô Phán Phó Tổng biên tập báo Lao Động nghe lui nghe tới mấy lần băng ghi âm này và nhìn tôi: Thắng rồi.
Rồi kéo tôi lại máy tính. Tôi đã viết xong báo cáo gửi Thủ tướng. Thêm chứng cứ cuối cùng này là ổn. Băng ghi âm này vô cùng quan trọng, nó khẳng định hai điều: Lãnh đạo các cấp ở Quảng Bình đã thiếu trách nhiệm, cho bà con đói, đói triền miên. Hai là cái cách ép Chủ tịch huyện không được nói dân đói thì quá rõ rồi. Chất lượng ghi âm rất tuyệt. Nhưng vì sao các ông ghi âm được cuộc này, tớ nghĩ là một cuộc họp kín…
Tôi cười.
Tô Phán pha tôi ấm trà ngon rồi tiếp tục ngồi vào máy tính để chỉnh sửa lần cuối cùng báo cáo gửi Thủ tướng.
Anh nói: Tôi chấp bút báo cáo, nhưng anh Việt sẽ ký. Thủ tướng dù rất bận với Hội nghị Apec nhưng vì Thủ tướng rất tin cậy và quý mến Báo Lao Động , do đó đúng 6 giờ chiều nay, tại phòng làm việc của Thủ tướng, Thủ tướng nghe hết đoạn băng ghi âm quan trọng này để Thủ tướng hiểu rằng, báo cáo vứa qua của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình với Thủ tướng là gian dối.
Chỉ như thế thôi là được.
Việc còn lại là thái độ chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhưng mình tin, với báo cáo và chứng cứ sắt thép này, mình tin, lãnh đạo Quảng Bình không thể cãi…
Tô Phán nói chậm, chắc, mạnh mẽ. Tôi cầm trong tay bản báo cáo gửi Thủ tướng, đọc liền một mạch và gật đầu đồng tình.
Trích Báo cáo của Bảo Lao Động gửi Thủ tướng Chính phủ.
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng nước chxhcn Việt Nam
Đồng kính gửi : – Ban tư tưởng văn hoá trung ương
- Bộ văn hoá thông tin
- Văn phòng Chính phủ
- Văn phòng Trung ương Đảng
-Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
-Hội nhà báo Việt Nam
-Cục báo chí Bộ văn hoá thông tin
-Cục báo chí ban ttvh trung ương
Đầu tháng 10/2006, báo Lao Động cùng một số báo đưa thông tin đồng bào Rục ở miền núi tỉnh Quảng Bình bị đói vì thiếu gạo 3 tháng, phải ăn sắn, bắp, thậm chí ăn cả củ rừng. trong khi đó lãnh đạo xã, huyện, tỉnh không lên vùng người Rục định cư để nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời công tác cứu đói. Qua thông tin từ báo chí, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình báo cáo sự việc, nhanh chóng cứu trợ không được để bà con bị đói. ngay sau đó, các báo và các tổ chức nhân đạo đã chở gạo lên cứu đói bà con người Rục. Cũng do báo chí và sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới tổ chức đưa gạo lên cứu trợ bà con.
Tuy nhiên, khi báo cáo Thủ tướng thì các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy và ubnd tỉnh Qủang Bình chỉ thừa nhận việc đồng bào Rục thiếu gạo nhưng không bị đói, không đứt bữa như các báo đã thông tin. Theo lập luận của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, lương thực chính của người Rục là sắn, bắp, nên việc thiếu gạo không thể nói là đói, là đứt bữa được.
….. Tại văn bản số 140- cv/tu ngày 31/10/2006 gửi Ban ttvh tư, Bộ vhtt, Văn phòng Trung ương Đảng, hội Nhà báo VN, Tổng lđlđ VN, báo Lao Động…, tỉnh uỷ Quảng Bình khẳng định: thông tin phản ánh trên báo Lao Động là “không chính xác, không trung thực, thậm chí bi kịch hoá, thê thảm hoá tình hình địa phương, gây hậu quả lớn, thậm chí nghiêm trọng trong dư luận trong nước và quốc tế” .. .; “ những thông tin đó đã ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm chuẩn bị hội nghị Apec”.
Kết luận của tỉnh uỷ Quảng Bình như vậy là một kết luận rất nặng nề mang tính quy chụp về chính trị đối với một tờ báo chính trị- xã hội có uy tín trong xã hội, suốt 77 năm qua được Đảng, Nhà nước và công đoàn giao cho nhiều nhiệm vụ phục vụ cách mạng và đã hoàn thành suất sắc. Vì vậy, báo Lao Động thấy có trách nhiệm phải báo cáo các đồng chí toàn bộ sự việc.
Sau khi kiểm tra hồ sơ ( tài liệu, băng ghi âm, ảnh chụp… của phóng viên có mặt tại chỗ ) và đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu liên quan, báo Lao Động xin trân trọng báo cáo như sau:
1/ Phóng viên báo Lao Động đã vượt lũ đến với đồng bào Rục (khi chính quyền địa phương chưa hề biết việc thiếu đói của bà con) trực tiếp chứng kiến thực tế tình hình thiếu đói của bà con:
Ngày 6/10/2006, phóng viên báo Lao Động và phóng viên của một số báo khác dùng săm ô tô cũ vượt lũ vào với đồng bào Rục trong khi chưa hề có một cán bộ nào của xã, huyện và tỉnh đến với bà con. Phóng viên nắm bắt tình hình đời sống khó khăn, thiếu đói của bà con ở bản Ón trước và sau lũ bằng mắt quan sát, bằng việc hỏi bà con, bằng các cuộc làm việc với phó thôn, trưởng thôn.
Thực tế là đã ba tháng qua, bà con không có một hạt gạo nào; hai bản Ón và thôn Mò o ồ ồ của người Rục thậm chí sắn, ngô cũng hết, hoặc còn lại rất ít, nhiều người dân phải đi đào củ mài, củ nhút, ăn nòng nọc, 10 hộ gia đình đói quá phải trở vào hang đá sống trở lại theo cách hái lượm. Những gia đình khác thì đi mót sắn. Thôn Yên Hợp khá hơn, nhiều nhà còn sắn, ngô nhưng gạo thì nhiều tháng nay cũng đã hết. Thôn Ón vay bộ đội biên phòng cắm bản 50 kg gạo, chia cho mỗi gia đình một lon gạo nấu cháo cho các cháu nhỏ. Nhiều gia đình trống hoác, thức ăn hàng ngày chỉ là những nắm sắn, rau rừng, củ mài, rất ít nhà ở bản Ón, Mò o ồ ồ có ngô. Một số người của các gia đình nằm lả trên manh chiếu rách giữa nhà, không ít người mệt lả vì thiếu đói. ( xin gửi kèm theo nội dung băng ghi âm lời nói của các bộ thôn và bà con người Rục) .
2/ Ý thức chính trị của báo Lao Động :
Báo Lao Động xin khẳng định, những thông tin mà báo phản ánh về tình trạng thiếu đói của bà con đồng bào Rục là chính xác.
Báo Lao Động có ý thức trách nhiệm chính trị rất rõ: báo chí phải dũng cảm lao vào điểm nóng, vượt qua lũ lớn, đến với dân, vừa viết bài phản ánh để các cấp chính quyền và nhà nước quan tâm cứu trợ cho dân, vừa kêu gọi sự giúp đỡ của toàn cộng đồng, vừa trực tiếp mang vác gạo cùng dân để cứu trợ. Cụ thể, song song với việc đăng báo về sự việc này, báo Lao Động đã làm việc và đề nghị lãnh đạo huyện có biện pháp và phối hợp với Quỹ tấm lòng vàng của báo Lao Động để cứu trợ đồng bào.
Việc làm của báo Lao Động và các cơ quan báo chí khác đã có kết quả: Thủ tướng có công điện yêu cầu lãnh đạo tỉnh cứu trợ cho đồng bào, sau đó lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tổ chức cứu trợ. Đồng thời các cá nhân, đơn vị trong cả nước cũng tham gia cứu trợ cho đồng bào . Đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản trong tỉnh Quảng Bình vừa rồi đều được cứu trợ đồng loạt. Như vậy báo chí đã tác động tích cực đến cuộc sống khó khăn của bà con dân tộc ở Quảng Bình sau lũ. Khi Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, báo chí quan tâm không để người dân tộc ít người bị đói, thì đó là càng củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc của đảng và nhà nước ta.
Thông tin sự việc và giúp cho cấp uỷ, chính quyền địa phương biết tình hình thiếu đói của người dân tộc thiểu số, từ đó cấp uỷ, chính quyền có biện pháp cứu trợ bà con kịp thời , không để xảy ra hậu quả lớn, không làm ảnh hưởng đến chính sách dân tộc của đảng và nhà nước – đó chính là ý thức chính trị cao của ban báo lao động.
……………….
3/ Sự thiếu trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền địa phương:
Suốt thời gian diễn ra lũ do bão số 5, số 6 trong năm 2006 gây ra, mặc dù bị thiếu đói như vậy nhưng bà con người Rục chưa hề được xã, huyện và tỉnh trợ cấp gạo. ngay trong những ngày lũ do con bão số 6, không có vị lãnh đạo nào của xã, huyện và tỉnh vượt lũ vào với bà con. Khi phóng viên báo Lao Động phản ánh tình trạng thiếu đói của bà con đồng thời đề nghị huyện tổ chức cứu trợ, ngày 8/10/2006 chủ tịch ubnd huyện Minh Hoá- đồng chí Đinh Minh Chất – đã tổ chức thuyền, lực lượng mang vào cho bà con 1,5 tấn gạo và mỳ tôm.
Ngày 8/10/2006, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra tình hình, khẩn trương cứu đói cho bà con người Rục, thì cuối giờ sáng 9/10/2006, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới họp để nắm tình hình và ngày 10/10/2006 mới tổ chức đoàn vào kiểm tra đời sống đồng bào Rục.
Điều đáng nói là tại cuộc họp ngày 9/10/2006, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ và đồng chí Chủ tịch ubnd tỉnh đã có những biểu hiện ngăn không cho chủ tịch ubnd huyện Minh Hoá báo cáo đúng sự việc dân thiếu đói ( xin gửi nội dung băng ghi âm kèm theo). và vào thời điểm lãnh đạo tỉnh đến với bà con người Rục là khi nước lũ đã rút hết, xe ô tô có thể vào sát bản. Và cũng lúc này – sau 4 ngày được báo chí và các tổ chức xã hội cứu trợ, bà con đã có gạo ăn no - tỉnh mới đưa gạo, muối, thực phẩm vào cho bà con. Trong khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, bà con đã phản ánh : mất mùa ba năm nay, mỗi năm chỉ đủ ăn vài ba tháng, con lại bà con bị đói, bị thiếu gạo, có gia đình phải ăn củ mài, củ nhút, vào cả hang đá sống kiểu hái lượm. có người dân bản còn đề nghị được dẫn lãnh đạo tỉnh vào hang để thấy bà con sống thế nào
Cũng trong ngày đó, khi phóng viên báo Lao Động gặp bà con, bà con cho biết lãnh đạo xã yêu cầu khi lãnh đạo tỉnh đến thì bà con không được nói là đứt bữa, không được nói bị đói . Chưa biết ai chỉ đạo cán bộ xã làm việc đó, nhưng rõ ràng có những biểu hiện cán bộ bắt dân nói dối để che dấu sự thật.
Trách nhiệm của lãnh đạo các cấp của tỉnh Quảng Bình là rất lớn: người Rục bị thiếu đói kéo dài mà cán bộ huyện, tỉnh không biết ; lũ lớn ập đến, dân bị lũ cô lập, bị đói và đứt bữa nhưng lãnh đạo tỉnh, huyện không hề nắm được thông tin; hai cán bộ tỉnh có lên sau lũ nhưng nhìn nước lũ rồi quay về; khi báo chí nêu và khi Thủ tướng yêu cầu cứu trợ cho bà con lãnh đạo tỉnh mới họp để nghe báo cáo và sau đó mới lên tìm hiểu, kiểm tra. một trong việc làm đáng trách sau đó là lãnh đạo tỉnh tìm cách phản bác lại thông tin báo chí đưa để né trách trách nhiệm của mình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khi báo cáo Thủ tướng đã lập luận rằng : đồng bào Rục chỉ thiếu gạo chứ không bị đói, không đứt bữa như các báo đã thông tin. lương thực chính của người Rục là sắn, bắp, nên việc thiếu gạo không thể nói là đói, là đứt bữa được. Thực tế, cách lập luận này của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình suy cho cùng là nhằm né tránh trách nhiệm trước việc để đồng bào Rục bị thiếu đói kéo dài. nếu các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định đồng bào Rục không thiếu đói, báo Lao Động đưa tin sai sự thật, vậy tại sao sau khi báo phản ánh, lãnh đạo tỉnh lại phải khẩn cấp đưa gạo vào cứu trợ bà con ?
Chúng tôi còn có thể viết sâu về những bất cập, sai phạm khi thực hiện của dự án định cư cho đồng bào Rục Quảng Bình. vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền các cấp ở Quảng Bình, dự án cho đến nay có thể nói là đã thất bại, gây lãng phí tiền bạc của nhà nước mà đồng bào vẫn rất khó khăn, vẫn phải ăn sắn, ăn ngô thay cơm, vẫn phải hái lượm. Đó là điều khó có thể chấp nhận được.
Từ năm 1930 chúng ta có Đảng. từ năm 1945 ( cách đây hơn 60 năm) chúng ta có chính quyền cách mạng. Suốt gần một thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống bà con dân tộc thiểu số. trong tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ , trong các văn bản pháp luật của chúng ta đều thể hiện tinh thần này. Và thực tế, nhà nước đã dành rất nhiều ngân sách để chăm lo cho bà con. tỉnh Quảng Bình có đủ các cấp uỷ, chính quyền , thế nhưng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con người Rục lại sống cực khổ, thiếu đói như vậy, là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, tộc người Rục được phát hiện từ năm 1960, sau 46 năm hoà nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà người Rục vẫn “không quen” ăn gạo, chỉ ăn sắn, ăn bắp như lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định, lại càng không thể chấp nhận được.
……………………….
Kiến nghị:
Qua sự việc này, báo Lao Động kính đề nghị :
- Chính phủ cho kiểm tra lại chương trình giải quyết lương thực lâu dài cho người Rục để điều chỉnh, có biện pháp khả thi hơn, phù hợp hơn với thực tế.
- Các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh tình trạng thực hiện không hiệu quả của chính quyền các cấp ở Quảng Bình trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người Rục.
- Đề nghị Chính phủ cử đoàn kiểm tra làm rõ thái độ thiếu trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Quảng Bình trong việc để cho đồng bào Rục bị thiếu đói, nhất là trong thời gian bị bão, lũ. bởi vì việc lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra và kết luận đồng bào người Rục không bị thiếu đói như báo chí nêu, là không thuyết phục.
-Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền khoa học tiến hành khảo sát, nghiên cứu vấn đề người Rục cần gạo hơn hay cần sắn, ngô hơn để ra kết luận về lương thực chính của người Rục hiện nay là gạo hay sắn, từ đó có kế hoạch phù hợp trong đầu tư cải thiện cuộc sống cho bà con người Rục.
- Cử đoàn kiểm tra chất lượng các dự án đã đầu tư cho đồng bào Rục ( 2 năm với vốn đầu tư 32 tỉ đồng nhưng đang được đánh giá là không có hiệu quả), để điều chỉnh, xử lý những tồn tại, thiếu sót, nếu người nào sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Báo Lao Động xin được đưa thông tin công khai trên mặt báo về những yếu kém, sai phạm trong việc thực hiện triển khai dự án đầu tư cho đồng bào Rục ( vốn đầu tư 32 tỉ đồng), đồng thời sẽ tranh luận công khai trên báo với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về tình hình thiếu đói của đồng bào Rục.
Báo Lao Động trân trọng báo cáo các đồng chí và xin ý kiến chỉ đạo .
Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Tm Ban biên tập Báo Lao Động
Tổng biên tập
Tiến sĩ Vương Văn Việt
X X
X
Công văn, báo cáo, những chứng cứ đã được giao trực tiếp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tôi an lòng quay về Quảng Bình.
Tô Phán nói rằng, Thủ tướng đã hiểu rõ toàn bộ sự thật. Việc còn lại là chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng. Nhưng như thế là chúng tôi đã đủ tự tin để nói rằng, chúng tôi đã trói lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào trách nhiệm, không thể nào chối bỏ.
Cuộc chiến đang đi vào hồi kết.
Chúng tôi có hai điểm tựa quan trọng: Ban biên tập Báo Lao Động và chứng cứ.
Nhưng sự việc không kết thúc hoàn toàn ở đây.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Báo chí tổ chức cuộc gặp tay đôi giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các báo.
Vẫn tưởng đó chỉ là cuộc gặp gỡ để ” thông cảm”.
Nhưng không.
Đó là một cuộc gặp nóng bỏng.
Cuộc gặp để lần nữa chứng minh về Quyền lực của Sự thật
(Còn nữa)