Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

By: Unknown On: 13:35
  • Chia sẻ bài này >
  • KỲ 7: MŨI TÊN ĐỘC
    Ai làm gì, mặc, hàng ngày chúng tôi vẫn tiếp tục đi về những vùng lũ để đưa hàng cứu trợ( Người ngồi ngoài cùng, áo sọc là nhà báo Phan Phương yêu mến của chúng ta, người mang máy ảnh hơi bị điệu chắc chắn là Bọ Vinh rùi)
    Có người lạc quan nghĩ, khi được hàng loạt báo ủng hộ chúng tôi, khẳng định sự thật, phê bình gay gắt trách nhiệm của lãnh đạo Quảng Bình thì coi như không  còn gì bàn cãi nữa, thông tin của chúng tôi đã được khẳng định.
    Thậm chí thời gian này, lãnh đạo Quảng Bình cũng bắt đầu lúng túng, không biết ứng xử với dư luận ra sao, trả lời báo chí thế nào. Minh Phong hồ hởi, an tâm, ngủ một lèo cả ngày, bù những đêm trằn trọc, hôm sau gặp tôi mắt sưng húp, cái bụng cóc tròn căng, nhìn đẫy đà và sức lực. Phan Phương bước ra bước vào cơ quan báo Quảng Bình tự tin hơn. Những đồng nghiệp cơ hội, xun xoe trước đó cũng bắt đầu cẩn trọng. Thái độ, ý tứ phát biểu của lãnh đạo tỉnh thận trọng hơn. Chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương gọi cho tôi nói có vài tờ báo muốn phỏng vấn anh. Tôi nói chân thành, cái anh phải làm là xin lỗi dân một tiếng lúc anh lên đó, anh đã không làm, thì đừng trả lời báo chí. Tính anh dễ kích động, họ nói vài câu, anh nổi khùng  phát biểu này nọ là vấp. Em không thích căng thẳng như vậy. Còn nói thật với anh, em rất bất bình trước công văn của tỉnh gửi Thủ tướng, hay nói trắng ra là rất dối trá. Em sẽ chứng minh điều đó bằng chứng cớ với Thủ tướng. Tôi rất cáu nhưng nhẹ lời với anh Phương, đơn giản là anh em chơi với nhau từ hàng chục năm. Anh cũng chỉ phải làm theo chỉ đạo của Thường vụ. Thường vụ lại do ông Hà Hùng Cường đứng đầu. Lúc này là lúc tôi cần chứng minh anh em chúng tôi viết Sự thật có cơ sở, không viết càn, nói càn, mình đã có chứng cứ thì nặng lời với nhau cũng chẳng ích gì.
    Sau khi được bạn bè các báo chia lửa, tình hình dịu xuống.
    Phan Phương, Minh Phong lại có vẻ hí hửng, cười cả ngày như đười ươi.
    Càng vui, Phan Phương xoang mũi càng khịt khịt tợn.
    Và bà con bản Ra Mai xa xôi cũng đã nhận được gạo của Quỹ Tấm lòng vàng báo Lao Động do chúng tôi mang đến
    Tôi nhắc hai em cảnh giác, phải chờ xem tình hình. Họ không dễ gì nhận khuyết điểm đơn giản vì có nhiều bài phê bình đâu. Vấn đề là công văn trả lời Thủ tướng vẫn nằm trên bàn Thủ tướng. Và dù nhiều báo ra tiếp  bài, thậm chí có những bài căng như dây đàn như bài của nhà báo Trương Duy Nhất trên báo Đại Đoàn Kết, thì Thủ tướng cũng không có ý kiến gì thêm, chứng tỏ, dù được chia lửa, dư luận nhẹ lòng, chúng ta cũng nhẹ lòng, không thấy cô đơn, nhưng những gì Quảng Bình báo cáo lên Thủ tướng vẫn còn nguyên giá trị …dối trá. Nên phải cẩn thận. Mấy anh em hãy giả vờ như rất lúng túng, rất sợ bị kỷ luật, bị đuổi việc, phải diễn cho giỏi vai trò này để ai đó thù chúng ta họ cũng thấy hả hê, mát lòng.
    Em bé này hôm chúng tôi đến, “khoe” cái nồi không, và ngay ngày hôm đó cả nhà em đã no vì có gạo cứu trợ
    Minh Phong cười cười, anh nói làm em thấy lạnh xương sống.
    Phan Phương gật gù: Em cũng thấy rứa.
    Báo Lao Động đưa cái tin nhỏ xíu: Công ty điện lực 3 ủng hộ 3 triệu đồng mua gạo cho bà con các thôn Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp.
    Tin ấy không còn ai để ý vì hàng ngày, nhiều báo đưa tin hàng trăm đơn vị gửi gạo ủng hộ đồng bào lũ lụt Quảng Bình. Cái tin ủng hộ 3 triệu không còn mấy ai quan tâm nữa vì rất bé so với hàng trăm tấn gạo cứu trợ đã mang về.
    Nhưng có một người để ý.
    Anh ta là tác giả phản pháo đầu tiên trên báo Trung ương về việc chúng tôi thông tin sai sự thật.
    Anh ta là người đã nói trúng cái mong muốn né tránh sai phạm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
    Anh ta cay cú vì nhiều báo khác và những cơ quan thông tấn lớn dù lên Thượng Hóa sau anh ta nhưng vẫn viết bài khẳng định trong và sau lũ, dân đói, chính quyền bỏ dân.
    Và sau khi cái tin nhỏ bé kia trên báo Lao Động vừa ra, anh ta vội vã lên xã Thượng Hóa.
    Anh ta hỏi ủy ban xã, anh Nguyễn Quang Vinh có mang 3 triệu đồng tiền gạo của Công ty Điện lực 3 lên cho địa phương không. Xã nói không. Anh ta mở sổ sách nhận hàng cứu trợ, dò từng chữ, cũng không thấy gạo của Công ty Điện lực 3.
    Anh ta về.
    Mấy ngày sau anh Vương Văn Việt, Tổng Biên tập báo Lao Động gọi tôi ra Hà Nội ngay. Anh đưa cho tôi xem  lá đơn tố cáo. Đơn tố cáo mang tên chính xác: Nguyễn Văn Ninh, phó giám đốc Dự án xóa nghèo huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lá đơn tố cáo viết đầy chất điều tra, gửi khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban biên tập báo Lao Động, Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin. Nội dung: Chúng tôi đã điều tra kỹ càng và có chứng cứ xác thực rằng, nhà báo Nguyễn Quang Vinh, phóng viên báo Lao Động đã lợi dung việc cứu trợ gạo cho đồng bào dân tộc, tham ô tiền. Toàn bộ số tiền ủng hộ của Công ty Điện lưc 3 đã bị nhà báo Nguyễn Quang Vinh xà xẻo trắng trợn. Một nhà báo như vậy có xứng đáng là nhà báo không, có xứng đáng cầm bút viết tiêu cực không….Còn nhiều câu chữ mạt sát bỉ ổi như vậy nữa.
    Tôi biết ngay là anh ta. Anh ta dấu mặt, dùng Nguyễn Văn Ninh ký tên, đóng dấu vào đơn. Vì anh ta tin rằng, chỉ cần cái tội này tôi đứt, bị khởi tố.
    Hàng cứu trợ cùng chúng tôi vượt hàng chục con thác mang đến tay bà con ở xã rẻo cao Ngư Hóa
    Lá đơn cũng gửi đến công an tỉnh.
    Và một tổ công tác của công an kinh tế lên đường.
    Hơn thế, họ còn cử trinh sát ra làm việc với tòa soạn, với công ty điện lực 3.
    Một vài cuộc họp cấp tỉnh đã bắt đầu xì thông tin Nhà báo Nguyễn Quang Vinh ăn chặn tiền cứu trợ gạo. Những cú điện thoại hỏi tôi. Những ánh mắt dò xét. Cả những lời chửi mắng tôi như chửi một con chó.
    Những kẻ xấu hoan hỉ vì chẳng cần đao to búa lớn gì cũng tiêu diệt được Nguyễn Quang Vinh và hạ nhục cho bõ tức báo Lao Động.
    Tôi điện cho anh ta, từ tốn hỏi, anh đi xác minh việc Vinh tham ô tiền cứu trợ đấy à. Anh ta ấm ớ nhưng cũng công nhận. Tôi lại hỏi, anh thông báo việc này để Nguyễn Văn Ninh viết đơn tố cáo đấy à. Anh ta ấm ớ nhưng cũng công nhận.
    Thế là rõ.
    Tổng biên tập Vương Văn Việt  hỏi tôi: Thật như đơn tố cáo không em?
    Tôi nói : Thật.
    Anh Việt hoảng: Thật?
    Tôi nói: Họ điều tra rằng 3 triệu đồng tiền gạo chưa về xã Thượng Hóa là thật. Nhưng họ đã rất vội. Báo ta đưa tin trước, nhưng gạo đã chuyển ra cho em đâu mà bảo em đưa? Mà nếu em có đưa thì em cũng không chuyển cho Thượng Hóa nữa vì gạo trên ấy nhiều quá, mà bà con dân tộc Mã Liềng ở huyện Tuyên Hóa cần gạo hơn.
    Anh Việt cúi nhìn lá đơn, vò lại, im lặng nhưng tôi biết là anh rất căm phẫn sự vu cáo. Tôi nói, ta kiện thằng này ra tòa về tội vu khống cho vui anh ạ. Ít ra thì cũng để công an điều tra khỏi mất thời gian. Anh Việt nói, thôi, tập trung vào việc chính hơn em, để anh viết báo cáo trả lời xác minh tất cả những nơi mà nó đã gửi đơn. Khốn nạn thật.
    Bích Thủy, cán bộ văn phòng báo Lao Động tại miền Trung ở Đà Nẵng ấm ức gọi cho tôi: Trời ơi, sao làng báo mình còn có kẻ khốn nạn thế anh?
    Tôi nói, quê anh toàn người tốt, cát vẫn trắng, nhưng em ơi, dù cồn cát trắng mấy vẫn có cứt em ạ. Chấp làm gì.
    Ạnh ta sau đó biết là anh ta bị hớ, cúi cúi mặt khi đối diện với tôi.
    Tôi coi hành vi tố cáo có chủ đích  kia như một mũi tên độc.
    X   X
    X
    Có những ý kiến thúc giục báo Lao Động khẩn trương đính chính.
    Anh Việt nói, thành tích bơi vào vùng lũ, viết bài, trực tiếp cứu trợ cho dân của em được Ban biên tập thưởng. Nhưng tiền thưởng phải treo lại vì vẫn chưa có ý kiến chính thức của Thủ tướng về tính xác thực của bài báo.
    Một số đoàn công tác của Quảng Bình ra Hà Nội. Tích cực nhất vẫn là Ban Tuyên giáo, vì họ là cơ quan tham mưu cho tỉnh về báo chí, họ muốn các báo cải chính, và thực hiện hình thức kỷ luật phóng viên.
    Một cuộc giao ban báo chí thường kỳ, bất ngờ xuất hiện tình huống, một vị có trách nhiệm  lên thông báo rằng, vừa qua các báo Lao Động, Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay, Sài Gòn giải phóng đưa tin về lũ lụt vùng đồng bào Rục tỉnh Quảng Bình là thiếu chính xác, bi kịch hóa đời sống đồng bào, gây hiểu lầm, gây hoang mang, yêu cầu cải chính và xử lý kỷ luật phóng viên.
    Thông tin  đó như là thông tin chính thức dù không có kết luận.
    Anh Vương Văn Việt Tổng biên tập gọi cho tôi: Tình hình như vậy Vinh ạ. Dù nhiều cơ quan báo chí viết bài khẳng định thông tin của chúng ta đưa là đúng, nhưng họ vẫn cứ cột chặt chúng ta thông tin quá sự thật, đòi cải chính, đòi xử lý phóng viên. Em ra Hà Nội ngay cho anh. Hàng ngày anh cũng nhận nhiều điện thoại lắm, phức tạp lắm, không hiểu vì sao, trong khi Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến.
    Nhưng sau đó một ngày, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Theo báo cáo của tỉnh Quảng Bình, đời sống bà con dân tộc Rục, Mã Liềng, Sách ở xã Thượng Hóa tuy có khó khăn nhưng không ai đói, không ai đứt bữa như báo chí phản ánh. Phóng viên các báo đã bi kịch hóa thực tế, gây hiểu lầm, gây hoang mang trong du luận và làm ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước về đồng bào dân tộc. Thủ tướng yêu cầu các báo cải chính và xử lý phóng viên theo luật định.
    Coi như hết đường.
    Không ít những tiếng cười sảng khoái tiễn đưa sớm sinh mạng chính trị của 3 anh em chúng tôi.
    Minh Phong buồn lắm, ngồi cúi mặt vào li cà phê.
    Phan Phương không khịt khịt như ngày thường mà đưa tay xoa cho cái mũi đỏ lững.
    Lại râm ran bàn tán.
    Chúng tôi nhận được lời an ủi, chia sẻ và lời nói kháy, móc máy bằng nhau.
    Ly cà phê có khi đắng như ly thuốc độc.
    Tô Phán, Phó Tổng biên tập báo Lao Động, người từng cầm chịch trang thời sự của báo, người từng tham chiến muôn vàn vụ tiểu cực, hiểu tôi hơn cả, gọi điện: Vũ khí bí mật đâu?
    Tôi cười.
    Bây giờ thì Ban biên tập giao cho hai anh em mình rồi phải đối diện với rắc rối rồi đây. Hoặc là bác nhận thưởng, uống bia hoan hỉ với anh em, hoặc là bác chịu kỷ luật, báo mình mất mặt.
    Tôi nói: Mình cũng chẳng cần tiền thưởng mà cũng chẳng bị gì hết.
    Tô Phán: Thế à? Phải thế chứ. Kinh nghiệm điều tra mà, phải không bác, thông tin đưa ra cuối cùng mới là thông tin trói. He he
    Tô Phán rất đằm tính, nói năng lịch lãm, có duyên, không băm bổ, suốt ngày văng tục như tôi. Tôi thích cha này. Dù hắn là xếp, nhưng ngồi với nhau, hai thằng nói đủ chuyện trên trời dưới đất, đéo mẹ đéo bọ ỏm tỏi cả lên.
    Tô Phán dặn: Ông chuẩn bị cẩn thận nhé, bảo vệ tài liệu đến mức cao nhất có thể. Ra ngay. Tôi và ông cùng chuẩn bị báo cáo gửi Thủ tướng.
    Tôi chia tay Phan Phương và Minh Phong. Hai thằng cứ bịn rịn, cứ muốn đi theo tôi. Tôi bảo, chúng mày làm cái gì thế, cứ bình thường đi. Tao đá cho mỗi thằng một phát bể dái đấy. Cười. Một. Hai. Ba.
    Tôi thuê lái xe đánh xe tôi rời nhà sáng sớm nhưng tôi không ngồi trên xe.
    Tôi đi tàu.
    Làm thế  ít ra cũng đánh lạc hướng.
    Lúc này tính mạng chẳng quan trọng, chứng cứ tuyệt mật tôi mang theo người quan trọng hơn nhiều. Cần phải bảo vệ chứng cứ, bảo vệ lòng tự trọng của một người cầm bút, cái đó quý hơn tính mạng.
    Tàu chạy. Tôi mua hai vé nằm ở 2 khoang khác nhau. Chứng cứ cũng cất dấu ở hai giường nằm ở hai khoang khác nhau. Mất chỗ này, còn chỗ khác. Tôi chốt chặt cửa khoang ngủ nhưng thức trắng suốt đêm ra Hà Nội.
    (Còn nữa)
    Kỳ 8: ĐIỂM TỰA
    CM CỦA Phan Chí Thắng ( Blogs Lão Hâm)
    • Thử viết tiếp:
      Tàu ra đến ga Hà nội lúc tờ mờ sáng, những ngọn đèn ngái ngủ sau một đêm thức trắng rọi xuống con đường xe cộ qua lại tung những đám bui mù, vài tờ bão cũ bẩn bay tấp vào vỉa hè…
      Bọ Vinh cúi sát vào bà bán xôi hỏi mua gói xôi lạc 2.000đ, để đưa mắt kín đáo quan sát xem có cái đuôi nào không.
      Cầm gói xôi, bọ nhảy ngay lên cái taxi vừa trườn tới:
      - Lên Anh Tú Nhật Tân!
      Gã lái xe taxi thầm nghĩ rằng ít ai lại đi ăn thịt chó vào cái lúc tờ mờ sáng này nhưng gã ngán khuôn mặt giang hồ của bọ Vinh nên không dám hỏi. Xe lên đến đường Thanh niên. Đường Thanh Niên chỉ đông vui chiều tối, giờ này vắng tanh, đủ để bọ biết là không có “đuôi”. Bất ngờ bọ kêu dừng xe, vội vã chui vào quán cafe ven hồ Trúc Bạch, gọi ly đen đá.
      Rít thuốc lá, nhấm nháp thứ nước giải khát quen thuộc, bọ Vinh tận hưởng những phút thanh bình còn lại trước khi bước vào cuộc chiến khốc liệt nhất, cuộc chiến cuối cùng của chiến dich “Người Rục đói hay không đói?”
      Bà chủ quán cafe tuổi đã xồn xồn, mặt bôi son phấn khá nặng, thầm đánh giá người đàn ông gai góc đang nhâm nhi ly cà phê, thả khói thuốc tan trên mặt hồ: “Nếu hắn là của mình…”.
      Bọ Vinh tinh quái cười với mụ: “Hôm nay anh bận, hôm khác ra Hà nội anh sẽ ghé thăm em”…
      Bắt một chiếc xe ôm về chợ Đồng Xuân, bọ Vinh đi xuyên qua chợ, sang Chợ Bắc qua, gọi tiếp một cái xe ôm nữa về Toà soạn. Tô Phán đứng chờ ở cửa.
      He he, viết thế cho nó
       hình sự!pcthang Viết bởi pcthang – 07 Jan 2009, 09:59