Xin hãy đọc Entry này trong giai điệu bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sỹ Hoàng Vân do NSƯT Thùy Linh và tốp ca nam nữ đoàn Nghệ thuật Quảng Bình trình diễn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Báo chí, Ban văn hoá Tư tưởng Trung ương, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc gặp giữa các báo viết về vụ đồng bào Rục đói, đứt bữa trong và sau lũ, quen gọi là ” vụ Rục” với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
Một cuộc gặp tổ chức quá muộn nhưng dù thế nào thì có nó cũng hơn không.
Đến cuộc này, hai bên có hai tâm trạng: Phái báo chí thì mạnh mẽ, phấn khởi, tự tin, phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thì bắt đầu bối rối ( vì vậy đoàn Quảng Bình chỉ cử ra những cán bộ nghe mà không quyết: Một phó chủ tịch tỉnh, một trưởng ban tuyên giáo, một đồn trưởng đồn biên phòng) còn các báo thì chủ yếu là Tổng biên tập, phó Tổng biên tập.
Trong 3 anh em chúng tôi, chỉ có Phan Phương có mặt trong cuộc họp này.
Tôi không ra vì chỉ cần Phó tổng biên tập của tôi: Nhà báo Tô Phán là quá đủ.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng là lãnh đạo báo, họ cũng không cần Minh Phong có mặt.
Đó là thể hiện sự tự tin.
Riêng Phan Phương, là phóng viên báo Quảng Bình, cộng tác viên báo Công an, nên anh Hữu Ước cho gọi Phan Phương ra để cùng anh đến cuộc gặp.
Thấy chỉ có mình được mời, Phan Phương rất ” kiêu”, chia tay chúng tôi tại quán cà phê, Phương khịt khịt mũi khoe: Chú Ước còn gửi giấy mời cho em dự Đại lễ 60 năm báo Công an ra số đầu, có chương trình ca nhạc các em chân dài ở Nhà hát.
Minh Phong nheo mắt: Nhà báo nhớn có khác.
Tôi nói: Mày đừng phát biểu gì, chỉ cần khịt khịt như vậy thôi.
Minh Phong: Khịt khịt thế họ lại tưởng có con khỉ ở bản Rục về dự.
Ba anh em ha hả cười.
Thời gian này ở Quảng Bình im ắng. Nếu có ai nói đến chuyện đồng bào Rục đói thì chỉ là thì thầm. Các cuộc họp cũng không ai bàn đến. Kiểu như ngày hôm qua không có chuyện gì xảy ra.
Chúng tôi cũng giữ thái độ bình thường.
Cuộc đời làm báo, chuyện này bình thường, chẳng cay cú, cũng chẳng hoan hỉ. Chỉ biết bà con no đủ, thậm chí là số gạo cứu trợ này nếu tổ chức phân phối tốt, có thể giúp bà con đủ lương thực ăn vài năm.
Đó mới là kết quả.
Còn chuyện lãnh đạo, nếu Trung ương thấy lãnh đạo tỉnh có sai phạm thì kỷ luật, mà thấy cần rút kinh nghiệm thì cũng chẳng sao cả, vì đó không phải là mục đích bài viết của chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải chứng minh chúng tôi viết đúng vì đơn giản đó là lòng tự trọng của người cầm bút và chúng tôi trên cả tư cách công dân và tư cách một người làm báo, chúng tôi không cho phép ai dối trá với nhân dân mình.
Tôi yêu cầu Phan Phương, mày phải ghi âm hết cuộc gặp đó, chẳng làm gì nhưng ít ra thì ở nhà bọn mình cũng nắm chắc chắn toàn bộ nội dung, để biết thôi chứ nghe mày kể, câu đực câu cái, không sướng.
Tôi đưa cho Phan Phương cái máy ghi âm tuyệt hảo.
Máy ghi âm này có thể ghi âm được cuộc nói chuyện kéo dài ….3 ngày.
Phương đi.
Hôm sau tôi nói với Minh Phong, bỗng dưng nhớ thằng Phương, cái thằng hiền như cục đất, ai nói gì oan , cãi mãi vẫn không ra lời, thế mà với vụ Rục tỏ ra mạnh mẽ can trường ghê gớm. Làm phóng viên một tờ báo địa phương mà nó không ngại ngần. Viết cho báo tỉnh mình, toà soạn sợ không dám in, bài bị bóc khi lên khuôn, đã dũng cảm viết cả cho báo Công an nhân dân và báo Nông thôn Ngày nay, cốt là cùng chúng tôi thông tin một sự thật thật nhanh đến người đọc. Phương chưa vợ. Yêu nhiều nhưng yêu em nào cũng chỉ loanh quanh mấy quán cà phê, mấy quán chè thập cẩm, nên các em..chán. Minh Phong khích: Mày ngu. Yêu rồi thì khẩn trương hun ngay. Hun rồi thì khẩn trương nắm lấy vú ngay. Mày cứ khịt khịt ở quán chè, quán cà phê thì các em …biến là phải. Phương tự ái: Kệ tau. Tôi can: Thôi, rồi sẽ có em đến ôm cứng lấy nó bắt hiếp là xong. Rồi một hôm có đoàn sinh viên báo chí Huế ra Quảng Bình thực tập. Bốn em ở một phóng trọ. Mất cắp hết. Phan Phương lao đến giang tay hào hiệp, chiêu đãi bốn em hai ngày cơm bụi, lại tặng cho em Uyên 200 ngàn về lại nhà để xin tiền mẹ. Cảm động trước cái tình của Eng Phương, Em Uyên iu…Tưởng chơi chơi hoá ra chúng nó yêu thật. Tôi nói, năm nay mày cưới, tao cho 20 triệu. Không cưới được. Năm sau tôi nói năm nay mày cưới tao cho 10 triệu. Cũng không cưới được. Năm nay (2009) nếu cưới được 5 triệu. Phương cười, em cưới Uyên ngay. Chậm năm nữa lại không có đồng nào của anh. Và khịt khịt.
Tôi chuyển cho Phương thêm cái đĩa ghi âm cuộc họp quan trọng.
Báo công an chuẩn bị như đi chiến đấu: Chuẩn bị đầu đĩa, chuẩn bị thêm hai cái loa thùng. (Ui trời, em nói răng mang loa toa rứa, các anh ấy bảo, loa to cho mấy cha nghe thủng lỗ nhỉ về chứng cớ luôn).
Cục trưởng Cục báo chí mở đầu cuộc họp, tóm tắt vài lời. Đại diện tỉnh Quảng Bình phát biểu ( nói lại y phoóc báo cáo gian dối gửi Thủ tướng- đó là điều rất bi hài). Báo chí phát biểu. Thiếu tướng Hữu Ước ( bây giờ đã là Trung tướng và anh hùng lao động) thay mặt báo Công an phát biểu. Khuôn mặt Hữu Ứoc đỏ gay, tiếng anh gay gắt, tay anh cầm tờ báo Công an trong tay huơ huơ trong không khí; Lời anh Hữu Ước đại ý: Tôi nói cho các đồng chí biết, báo tôi in về vụ đồng bào Rục bị đói, bị đứt bữa trong và sau lũ là đúng, các anh lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thiếu trách nhiệm là đúng, báo tôi in bài này không sai một chữ. Tôi cảm tưởng các anh ở Ban tư tưởng văn hóa, ở Văn phòng Chính phủ, ở Cục báo chí không đọc báo, chỉ nghe một phía từ UBND tỉnh Quảng Bình. Các anh tưởng các anh lên gặp Thủ tướng mà chúng tôi không lên gặp được Thủ tướng à? Trong khi hàng năm báo Công an nhân dân ủng hộ, cứư trợ nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Quảng Bình không biết bao nhiều lần, chúng tôi thương dân thì làm thế, còn các anh thiếu trách nhiệm, báo cáo không trung thực với Thủ tướng, các anh lại còn đòi chúng tôi cải chính, đòi xử lý người viết. Đấy. Băng ghi âm phản ánh chính lời thừa nhận của các anh là dân đói đấy, đói triền miên đấy, các anh cãi đi. Tôi bận, báo tôi đang chuẩn bị tổ chức 60 năm ngày ra số đầu, tôi không có thời gian, tôi nói vài lời thế tôi về, còn cán bộ tôi ở lại.
Rồi Hữu Ước ra ngay. Không khí cuộc họp căng thẳng và nóng rực.
Và tôi tự hào để mời bạn về quê mình, vào thăm Động Phong Nha, qua cổng Vườn Quốc gia Phong Nha này …
Tô Phán phó tổng biên tập Báo Lao Động đứng lên. Hôm nay, tiếng nói của Tô Phán như lạc đi vì giận, vì bực mình: Chúng tôi đã chuẩn bị đủ chứng cứ để khẳng dịnh chúng tôi viết đúng, khẳng định bà con đồng bào Rục trong và sau lũ là đói, thậm chí là đói triền miên. Khi các anh báo cáo không trung thực với Thủ tướng, chủng tôi đã trực tiếp gặp Thủ tướng để báo cáo. Tôi nhắc lại với các anh, trong khi phóng viên của chúng tôi bơi trong lũ đến với đồng bào thì lãnh đạo các anh ở đâu? Ở đâu?
Đại diện báo Sài Gòn giải phóng, báo Nông thôn ngày nay cũng phát biểu như ý kiến của Tô Phán và Hữu Ước.
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Phan Lâm Phương và mỗi người dân Quảng Bình đều tự hào khi nhận bằng công nhận Phong Nha Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên của toàn nhân loại
Anh Nam, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong ( Tờ báo có bài phản pháo lại báo Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng, báo Công an…): Tôi không biết phóng viên chúng tôi vào đó thấy gì lại viết như thế, lại vào sau những 10 ngày, khi mà nước đã rút. Còn với bản thân tôi, tôi tin các đồng nghiệp của tôi ở báo Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng…không nhà báo nào điên mà bơi trong nước lũ mùa đông suốt 4 giờ đồng hồ, vào được tới nơi lại viết sai sự thật. Và trong khi họ chứng kiến cảnh dân đói, dân kiệt sức vì thiêú ăn, họ có viết quá lên vài ba chữ, cũng không sao hết. Tình cảnh nhân dân như vậy, ai không thương tâm, ai không ứa nước mắt.
Nói tới nói lui như vậy rồi kết thúc.
Cục trưởng báo chí cũng phát biểu xoa bớt không khí căng thẳng chứ cũng không đưa ra kết luận nào.
Sau này cũng không báo nào in thông báo kết quả về cuộc họp này.
Tất cả đều tự hiểu: Báo chí đã phản ánh đúng sự thật và lãnh đạo Quảng Bình thiếu sót.
Kết thúc một cuộc đấu tranh cam go giữa chúng tôi với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất…nhạt.
Và tôi, ngoài nhiệm vụ của một phóng viên, lại đi đến các nhà hát, các đoàn nghệ thuật dự khai trương ra mắt những vở diễn mới của mình
Nhưng đó là việc của cơ quan quản lý Nhà nước không phải là việc của chúng tôi.
Nhiềm vụ của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc: Từ những bài viết điều tra đầu tiên đã kêu gọi được hàng trăm tấn gạo đến tay bà con nghèo của tỉnh Quảng Bình.
Từ vụ việc này, những mùa lũ sau đó, sự chỉ đạo chống bão lũ và khắc phục hậu quả bão lũ của Quảng Bình rất tốt.
Tôi vẫn thường xuyên gặp anh Phan Lâm Phương chủ tịch tỉnh và anh Hà Hùng Cường Bí thư tỉnh uỷ.
Chuyện trò vui vẻ và ai cũng cố tránh nói đến cái vụ Rục.
Sau đó anh Hà Hùng Cường ra lại Hà Nội làm Bộ trưởng Tư pháp, là nơi trước đó anh đã tạm biệt vào làm lãnh đạo Quảng Bình theo sự phân công của Đảng.
Ngành Tư pháp là ngành của anh Cường. Vì anh ấy đã bảo vệ xuất sắc luận văn Tiến sỹ luật và trước khi vào Quảng Bình là Thứ trưởng Bộ này.
Tôi mừng khi anh Cường ra Hà Nội, đơn giản vì lại được gần nhà. Vì những năm điều động vào Quảng Bình, cứ chiều tối thứ 6, tôi lại thấy anh nhảy tàu ra Hà Nội thăm vợ con, nghĩ cũng cực lắm.
Mỗi người một công việc. Anh Hà Hùng Cường làm Bộ trưởng, chúng tôi vẫn làm báo. Mỗi người đều phải tự hứa với mình, hoàn thành tốt công việc và sống tử tế.
Tôi hy vọng anh Hà Hùng Cường đọc Sự thật này .
Có thể anh chẳng thích thú, thậm chí giận dữ khi tôi viết 9 kỳ liền chỉ để nói về một vụ vịệc được coi là tai tiếng nhất trong thời gian anh ấy làm lãnh đạo Quảng Bình. Nhưng mọi thứ dù công khai hay không công khai, chúng ta cũng phải đối mặt. Tôi tin rằng, anh Hà Hùng Cường hiểu sâu sắc vì sao tôi viết lại Sự thật, và vì sao chúng tôi phải bảo vệ đến cùng Sự thật của mình. Cũng như anh hiện nay, trên cương vị mới, chắc chắn anh lại cùng bao người khác, bảo vệ tận cùng Sự thật cho đất nước, cho nhân dân. Nói cho cùng, bát cơm của nhà báo, của người cán bộ, hay của ông Bộ trưởng, của Thủ tướng, tất cả đều do nhân dân làm ra và nuôi nấng chúng ta. Bát cơm ấy có mồ hôi, nước mắt của chính cha mẹ ta, bà con anh em ta, làng quê ta. Và chúng ta cần phải cố gắng, cần phải rèn luyện để không ngượng ngùng và hỗ thẹn khi nâng bát cơm của nhân dân mình trên tay.
Và cả anh Phan Lâm Phương đang làm nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cuối cùng để về hưu. Tôi và anh gặp nhau thường nhật. Anh em vẫn quý nhau. Cuộc sống như chặng đường dài, có thể đèo dốc gập ghềnh, có thể cùng bước trên đại lộ, nhưng nếu chúng ta có tấm lòng, chúng ta vẫn có thể phê phán sai phạm về công việc của nhau nhưng chúng ta vẫn tiếp tục là bạn của nhau. Tôi và anh Phương từ sau vụ Rục vẫn quý nhau như bao năm nay vậy.
Nhưng chắc chắn rằng, sau vụ Rục, những mùa bão lũ sau đó, anh Phan Lâm Phương đã gây được uy tín rất lớn trong cán bộ và nhân dân bởi những hành động chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, cụ thể, cương quyết. Hồi cơn bão số 8 năm 2008, ngay giữ rốn lũ, chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương đã có mặt khi cơn bão vừa đến và quần quật cùng các cán bộ chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống bão, giảm thiểu vô cùng lớn thiệt hại của nhân dân.
Và những anh em báo chí khác, dù thời điểm ấy có khi quay mặt với nhau, thậm chí ” làm hại” nhau, nhưng anh em vẫn gặp nhau, cà phê và tán phét.
Cuộc sống là như vậy.
Khái niệm cuộc sống có vẻ mơ hồ nhưng Sự thật thì hiện hữu.
Người ta nói nhiều về quyền lực.
Tôi chỉ trân trọng nói rằng: Quyền lực thuộc về SỰ THẬT.
Hết.
===================
CM CỦA LÃO HÂM ( PHAN CHÍ THẮNG)
Câu chuyện kết thúc rất “mở”, nó mở ra một cách suy nghĩ, một cách sống đàng hoàng, cao thượng, tử tế. Ta không thù hằn cá nhân, ta sẵn sàng tha thứ nếu sự tha thứ đó cần cho nhân dân, cần cho sự tiến bộ xã hội.
Những ai cay cú muốn tìm một kết cục có tính “trả đũa” sẽ không hài lòng vơí hồi 9 của câu chuyện.
Nhưng tôi thì tôi nhất trí với Thuận Nghĩa:
“Cảm ơn Bọ, rất cảm ơn entry đầy tình người này.
Sẽ có nhiều người thất vọng vì đoạn kết này, nhưng với tôi là một thúc kết tuyệt vời nhất, một entry hay nhất trong 9 kỳ này.
Cảm ơn! “
Cần có dũng khí và lòng tin để đấu tranh cho SỰ THẬT, rất cần đại nghĩa để lo cho cái chung, càng rất cần nhân cách để không hằn học, hạ thấp uy tín những người đã lúc nào đó đã không làm đúng bổn phận, lại còn vì “tự bảo vệ mình” mà họ đã cố tình làm hại ta.
Hoan hô bọ Vinh, theo tôi, tính tư tưởng và tính giáo dục của serie “Sự thật” là rất cao.
Viết bởi pcthang
====================
CM CỦA TẤN ĐỊNH:
Tôi đã giành khá nhiều thời gian để đọc đi đọc lại toàn bộ 9 số trọn bộ SỰ THẬT. Đọc 9 entry của Bọ, đọc cả hàng trăm comment của mọi người, đọc tất cả các trả lời phúc đáp comment của Bọ Vinh. Đọc nhiều lần, đọc kỹ và có hệ thống. Cuối cùng tôi cho cả 9 entry của Bọ vào thiết bị nén cao áp, nén chặt rồi dát mỏng thành một tấm vật liệu siêu bền, cực quý với kích cỡ nhỏ xinh. Tôi cũng lại cho tất cả các comment cùng các câu trả lời của Bọ và một lò luyện nhiệt độ cực cao với áp suất cực lớn, tôi thu được một loại vật liệu mới: một thứ ánh sáng tinh khiết chưa từng thấy. Tôi dùng thứ vật liệu ánh sáng đó phủ lên, dán lên, tráng lên trên tấm vật liệu siêu bền kia. Và tôi có trong tay một chiếc GƯƠNG vô cùng quý hiếm. Rồi hàng ngày hàng giờ, tôi soi mình vào đấy!
HẾT