(Các bác đọc mấy chuyện viết lung tung lang tang dùng nhiều chữ rất tục, các bác cứ mắng yêu nhà cháu viết tục, nay nhà cháu mần văn đọc đêm khuya cho ấm nhé)
Những hạt cát quê tôi như những khối thạch anh nhỏ xíu, ba cạnh, bốn cạnh, năm bảy cạnh và trắng lắm, trắng tựa gì nhỉ, như mạ tôi hay ví von, trắng như nước mắt. Hạt cát sắc cạnh ấy nhỡ vào mắt có thể làm sây sát, sưng tấy, đỏ hoe. Vài hạt cát thô ráp, nhọn sắc kia có thể làm chầy da, làm tổn thương thân thể. Nhưng khi cả triệu triệu hạt cát bên nhau, thành lớp, thành mái cát, thành động cát, thành doi cát, ta đặt bàn chân lên thấy êm ru, thấy mát tươi, thấy mềm như lụa. Ơ. Hóa ra những nỗi đau, những tổn thương, những số phận sắc nhọn nếu đứng một mình đôi khi gục ngã, đôi khi bị loại bỏ, đôi khi bị oan nghiệt, nhưng đứng hết bên nhau, lớp lớp bên nhau, như ngàn vạn cái cực, cái khổ, cả làng, cả thôn, cả xã dân tôi bên nhau, cái khổ xếp bên nhau, cứ thế, thì hình như không còn cái khổ nữa mà nỗi đau mềm lại, sự cực nhọc mềm lại, thân phận thua thiệt mềm lại, mềm hết lại như mái cát, để rồi làng trên xóm dưới, ùa òa tiếng cười, đạp trên nỗi cực khổ mà cười, mà nương tựa nhau như những hạt cát, thành sức mạnh, thành chí hướng, thành bờ lũy, chống lại cái cực, chống lại thân phận nghèo khó, chống lại những thua thiệt, cả ngàn ngàn con người quánh lại với nhau như thế, như cát thế, còn sợ chi bom đạn, sợ chi giông bão, sợ chi tai ương. Ba tôi, mạ tôi, dì tôi, cậu tôi, anh tôi...bà con làng xóm của tôi và cả tôi- những hạt cát NGƯỜI bên những hạt cát NGƯỜI, qua ngày, qua năm, tầng tầng lớp lớp trường tồn mãi như những động cát kia kìa. SỐNG.
Trên cát là phi lao. Những cây phi lao trên cát quê tôi là những cây lạ. Thân cây mọc không cao, cũng không thẳng. Gió bão chà đi xát lại, nắng nóng nung chín cả vỏ cây. Có lẽ thế, những thân cây phi lao như lưng những cụ già, da dẻ sần sùi, thân cuồn cuộn thành từng khúc, từng đụn, nhìn gân guốc, nhìn vừa thấy thương vừa thấy kính phục cái sức chịu đựng bền bỉ, gan góc, chai lỳ trước sự khắc nghiệt tột đỉnh của môi trường và khí hậu. Có những gốc phi lao chỉ còn sót lại mấy chỏm lá xanh, còn nữa là thân cành, còng queo, đầy thương tích qua nhiều lần gãy đổ, nhưng rễ cây thì choãi ra, vươn dài, bám sâu trong cát. Có những gốc phi lao chồng chất mấy gốc phi lao liền, cây này trồng nối cây kia, nhiều thế hệ cây cùng chung một gốc, đó là dấu vết của bàn tay con người trồng phi lao chắn cát, trồng đi trồng lại, cây này chết trồng cây khác, những cây tưởng chết lại cố sống, thành ra mới xuất hiện nhiều gốc phi lao mọc chen nhau ở một nơi. Những thân cây phi lao già bao giờ cũng lấm lem cát. Những hạt cát bay tới chen vào lấp đầy những vỏ cây sần sùi, khô cháy. Có những gốc cây già quá thì chết. Người làng đào những gốc cây ấy về làm củi đun. Có những buổi trưa, thời bé, tôi đi học về gọi mạ không thấy. Chạy ra sau cát. Từ xa, đã thấy tấm lưng cong gập của mạ với cái cuốc chim mòn vẹt trong tay, mạ hì hục đào những gốc cây phi lao chết về làm củi. Mạ gầy gò, da dẻ sần sùi như vỏ cây phi lao già, hai bàn tay chai sần, run run nâng cán cuốc bổ mạnh xuống thân cây. Mỗi lần thế, những giọt mồ hôi của mạ rơi xuống theo, tan khô trên cát.
Con gái con trai làng cát lớn lên, yêu, những nụ hôn đầu đời vương những hạt cát trên bờ môi, những hạt cát làm chứng những cuộc tình. Yêu thương nhau, cát là chăn đệm, là giường chiếu, là cả không gian êm như nhung lụa. Giận hờn nhau, cát là chỗ để chôn chân, để giẫy đạp, để gục mặt vào đấy mà khóc, mà kể lễ, nước mắt xuống cát thấm thật nhanh, ráo hoảnh. Cát che chắn sự hờn giận, vo lại những câu giận dỗi, để rồi, mở ra một sự bao dung bát ngát giữa người với người. Phải chăng vì thế, người quê cát của tôi nói năng thô mộc, to tát, thẳng băng, giận nói giận, thương nói thương, thương thì trường tồn, thủy chung như cát, giận thì bị gió thôi qua đi, cho qua mọi sự vướng bận, lại yêu thương, quấn quýt nhau như cát với cát.
Cát trắng quá nên cánh đồng không xanh nỗi. Quê tôi vật vã theo từng bữa ăn. Không đủ gạo thì rau cháo, khoai sắn. Nhưng để nuốt được rau cháo khoai sắn hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, suốt đời phải có cách gì chứ. Cát mở đường cho người nghèo quê cát bằng những thẻo đất cát ẩm trồng ớt. Mùa hè, cát trắng, ớt đỏ, những khoảnh đỏ đan nhau dọc chân những triền cát, như những tấm thảm nhung, nhìn mê mẩn. Bữa ăn kèm ớt, cái vị cay làm người làng quên đi cái thiếu. Một quả ớt, một nhúm muối, có thể nuốt được mấy bát khoai, mấy củ sắn, một bát canh rau. Đời này truyền đời kia, thiếu ăn thì phải ăn ớt để bù cái ngon. Lâu thành quen. Nay trong bữa ăn của làng, không có ớt là không thành hương, thành vị. Âu đó cũng là sự bù đắp của cát.
Cát trắng, gió lào, bão lũ, chiến tranh, sự khắc nghiệt ấy mài dũa cho người làng cát tôi ý chí sống, niềm tin sống. Đến như con trai làng cát đã yêu là yêu đến chết, yêu tận cùng, có đuổi, có đánh, có xô, có đạp cũng lao vào yêu, không bỏ, không quay lưng, không chịu thua. Đến như đói thì chịu nhịn một bữa, hai bữa, ba bữa, để tìm cho ra cái ăn, dù phải đào phải húc, phải cào phải cấu, phải giành phải giật cũng không chịu buông tay đầu hàng số phận. Đến như sự học, dù ăn khoai, ăn cháo, dù nhịn mặc, nhịn ăn, đã học là học tới cùng, học không thua ai, học cho tới khi thành danh thành phận, học cho tới ngày về lại làng, đàng hoàng mà bước trên cát, đàng hoàng mà đứng trên cát, đàng hoàng mà chết trên cát, đàng hoàng suốt cuộc đời.
Tôi vẫn thường ra mộ ba mạ tôi thắp hương, bất kể ngày rằm, bất kể ngày giỗ, ngày lễ, ngày tết, hễ thấy nhớ ba nhớ mạ là tôi chạy ra động cát, mang theo cả ấm trà, cả manh chiếu, rồi thắp hương, rồi trải chiếu, pha trà, ngồi nói chuyện huyên thuyên trên trời dưới biển với ngôi mộ ba mạ. Và tôi nhìn thấy hình như dưới những ngôi mộ này còn là ngôi mộ khác, dưới những ngôi mộ khác còn là lớp lớp những ngôi mộ khác nữa. Động cát chất chứa bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu thân xác, bao nhiêu hồn vía nhiều đời của người làng tôi. Và trên cát, lại lớp lớp thế hệ khác, như những mầm sống, như chồi cây xương rồng, tiếp tục vươn lên, tiếp tục đâm chồi và sống.
Sau những cơn mưa, cát phẳng lỳ, in rất rõ những dấu chân bé thơ chạy trên mặt cát, in rất rõ những dấu chân bước loạng choạng, run run của người già trên mặt cát, in rất rõ cả những bàn tay yêu chập vào nhau trên mặt cát, in rất rõ cả những dấu chân con nhông chạy kiếm ăn trên cát. Sau đó là nở xòe những thân nấm cát, trắng muốt. Sau đó là những tiếng gió thổi vu vơ, thổi nhẹ mát trên những gợn sóng cát đã đẫm nước. Và hình như có một đôi dấu chân con gái con trai, in đậm, xê dịch, lúng túng, hồ hởi, vồ vập nhau sau một gốc cây phi lao già.
Ngày ba mạ tôi mất, huyệt cát chôn ba mạ bên chân tôi, cảm giác người sống và người ra đi sao gần quá, gần tới mức hình như cái chết không tồn tại ở miền cát này, chỉ có sự sống nối sự sống, sự sống trên cuộc đời vẫn liên kết, nối mãi với sự sống dưới cát kia, khăng khít, thương yêu, mãi mãi trường tồn như vậy. Vì thế, ở làng cát quê tôi, cái chết là cách đã đến lúc người ta đi vào cát thôi, đi sâu vào cát thôi, thế thôi, chứ không phải chết.
Tôi tin như thế.