Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

LỜI THỀ - TIỂU THUYẾT (Phần 8)

By: Unknown On: 13:05
  • Chia sẻ bài này >
  • 34.
     Hứa Văn giật thột khi được tin Hoàng thượng triệu vào cung. Gặp Lý Vân ở hành lang chính điện, Hứa Văn kéo tay Lý Vân lại:
    -Ngài không làm cho Hoàng thượng của ta nổi giận đấy chứ?
    Lý Vân vờ ngạc nhiên:
    -Sao ngài hỏi vậy?
    Hứa Văn lúng túng:
    -Là vì… Thực ra ta đang rất hoảng sợ khi nghe Hoàng thượng gọi vào điện. Ta biết tội của ta nhưng hy vọng vì việc lớn hơn, Hoàng thượng sẽ tha thứ…
    Lý Vân thăm dò:
    -Ngài nghĩ, vì kế hoạch chuẩn bị xuất binh lần nữa để chiếm đảo của nước Việt mà Hoàng thượng sẽ tha thứ tội bất y lệnh của ngài?
    -Ngài biết cả việc đó? Chẳng lẽ Hoàng thượng lại có thể thông báo cho sứ thần nước Việt biết cả việc cơ mật?
    -Thế thì sao?
    -Thế thì chỉ có một cách hiểu là ngài đang chịu phụng sự Bắc triều như Lý Bật.
    -Như Lý Bật?
    -Đúng thế… Lý Bật đã được Hoàng thượng thăng làm quan đại thần chỉ huy việc xuất binh lần nay… Là ta nghe nói vậy…
    Lý Vân thoáng cau mặt nhưng lại xởi lởi:
    -Ta không có cái vinh hạnh ấy. Ta chỉ là kẻ nho sĩ, chữ nghĩa nhiều mà gan bé, tay yếu, phỏng có ích gì cho việc quân cơ của Hoàng thượng Bắc triều…
    Hứa Văn hạ giọng:
    -Hoàng thượng có quở trách ta không?
    Lý Vân cả cười:
    -Ngài muốn biết thì giờ vào gặp Hoàng thượng sẽ biết, cần gì hỏi ta…
    Lý Vân bước thẳng. Hứa Văn nhìn theo một lúc rồi vội vội vàng vàng chạy vào nội điện.
    Lý Vân gặp quan cận thần xin được gặp Lý Bật. Quan cận thần sau chút đắn đo rồi đồng ý.
    Lý Bật ngồi với Lý Vân tại phòng trà trong nội cung.
    Lý Vân chắp tay ra chiều cung kính:
    -Bẩm Đại quan Lý Bật… Xin một lạy chúc mừng ngài được lòng Hoàng thượng Bắc triều.
    Lý Bật lúng túng:
    -Hoàng thượng đã nói với khanh?
    Lý Vân nói:
    -Thiên hạ đang đồn lên khắp nơi, cần gì Hoàng thượng phải nói. Một kẻ mang tội chết vì phản loạn của nước Việt, nay lại được phong làm quan đại thần Bắc triều, việc này thiên hạ nghe được e không thể không nhếch mép cười khẩy khinh bỉ.
    Lý Bật im lặng.
    Lý Vân hỏi:
    -Giờ ngài đã là quan đại thần Bắc triều, ngài không phải lo bị nước Việt trị tội, thánh chỉ về tội lỗi của ngài do Hoàng thượng nước Việt ban ra giờ chẳng có ích gì nữa..
    Lý Bật vẫn im lặng.
    Lý Vân lại nói:
    -Ta e thân ngài thì yên bề nhưng cha mẹ, vợ con ngài ở nước Việt chẳng lẽ ngài đang tâm nhìn họ bị trị tội tru di tam tộc…
    Lý Bật ấp úng:
    -Ngài nói vậy là có ý gì?
    Lý Vân nói:
    -Ngài không nghĩ tới việc xin Hoàng thượng Bắc triều cho cha mẹ của ngài sang Bắc triều, giữ được mạng sống của bậc sinh thành?
    Lý Bật cầm tay Lý Vân:
    -Đa tạ… Đa tạ… Đa tạ…
    Lý Bật vội vã chia tay Lý Vân, vội vã vào triều gặp Quan cận thần.

    X   X
         X
    Hoàng thượng Bắc triều ngắm nghía Hứa Văn từ đầu tới chân, đoạn hỏi:
    -Ta không để khanh phải thua kém tiền bạc, thua kém vinh hoa phú quý, nhỉ?
    Hứa Văn run lẩy bẩy:
    -Bẩm Bệ hạ, thần mang ơn mưa móc của Bệ hạ, suốt đời không trả được
    -Khanh trả rồi…
    -Bẩm Bệ hạ…
    -Khanh trả cho ta sự nhục nhã… Hành động tham lam, bất minh, ngông cuồng dám chống lệnh của khanh khiến sứ thần nước Việt nhân cơ hội đó mắng ta như mắng con chó…
    -Bẩm Bệ hạ…
    -Đường đường ta là  Hoàng đế nước lớn mà phải nuốt hận nghe thằng nhãi nho sĩ ấy nói càn, chửi rủa, khích kháy mà cứng họng.  Nó mang sang đây cả thánh chỉ của ta cho ngươi lui quân. Tệ hại. Đáng xấu hổ. Khanh nhìn đi, đúng không?
    Hứa Văn hoa mắt khi nhìn sắc chỉ lui quân nhuốm đỏ cả máu. Tiếng Bệ hạ ghìm xuống:
    -Nếu ngươi tham lam thế, ham hố thế, lại mang cả gan trời trong người chống lệnh ta, thì giết hết, giết hết, sao lại sơ sẩy để lọt một thằng cầm thánh chỉ, để nó trôi dạt vào tay nước Việt, làm lộ hết mọi chuyện. Để một nước bé như nước Việt, lấy được chứng cứ, xỏ mũi ta như thế, khanh thấy tội khanh đáng khép vào tội gì?
    Hứa Văn nhả giọng con buôn:
    -Bệ hạ giận thần, nhưng Bệ hạ hỏi vậy là Bệ hạ không muốn giết thần. Đã không muốn giết thần thì thần xin Bệ hạ mở đường cho thần lập công chuộc tội vậy.
    Hoàng thượng cho vời cả quan cận thần vào.
    Hoàng thượng nói:
    -Các khanh thấy cần phải đối xử với Lý Vân, sứ thần nước Việt thế nào?
    Quan cận thần:
    -Hắn ỷ vào một vài bằng chứng, bắt chẹt Bệ hạ, lỗ mãng với Bệ hạ, coi thường Bệ hạ, tội ấy không chỉ có giết mà phải voi giày mới hả giận triều đình ta.
    Hứa Văn nói:
    -Lý Vân kinh thông sử sách, cái gì cũng biết, lý lẽ chặt chẽ, là cái miệng của Hoàng thượng nước Việt với các nước lân bang, với thiên hạ, cắt cái lưỡi của Lý Vân như là cắt được lưỡi của Hoàng thượng nước Việt vậy thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng Bắc triều cau mặt:
    -Các khanh chỉ nói được vậy thôi sao?
    Quan đại thần và Hứa Văn nhìn nhau chột dạ.
    -Bắc triều ta, có ai được như Lý Vân?
    Quan đại thần và Hứa Văn lại nhìn nhau.
    Quan đại thần đánh liều trả lời:
    -So sánh thì rất khó. Nhưng xem ra, nếu đối đáp được, triều đình ta e chỉ ngài Hứa Văn đây mới có bản lĩnh mặt giáp mặt với Lý Vân.
    Hoàng thượng nhếch mép cười:
    -Hứa Văn. Khanh thấy sao? Khanh vừa nói với ta, xin lập công chuộc tội.
    Hứa Văn cúi đầu:
    -Như thần nói, chỉ có cách cắt lưỡi Lý Vân thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng nổi giận:
    -Bất lực về trí mà giết người giỏi là hạ sách. Lấy trí người giỏi làm lợi cho ta là thượng sách. Các khanh hiểu ý ta chứ?
    Quan đại thần:
    -Bẩm Bệ hạ, việc này…
    Hứa Văn liến láu:
    -Bẩm Bệ hạ… lấy lưỡi Lý Vân chắp vào lưỡi ta để có lợi cho ta, chắc ý Bệ hạ muốn thế?
    Hoàng thượng nhìn Hứa Văn:
    -Khanh nói ta nghe…
    Hứa Văn lúng túng:
    -Bẩm Bệ hạ, việc này…
    -Việc này…Việc này…Việc này là thế nào?-Hoàng thượng lớn tiếng quát.
    Rồi Hoàng thượng hạ giọng:
    -Bắc triều ta không thể nói là không kiếm được ai giỏi như Lý Vân, giỏi hơn Lý Vân, nho sĩ nước ta thiên hạ đều ngưỡng mộ… Nhưng đây là việc cơ mật, các khanh phải nhận lấy…
    Hứa Văn cúi đầu:
    -Bẩm Bệ hạ, thần là cận thần của Bệ hạ, mang ơn mưa móc của Bệ hạ, Bệ hạ nói chết thần chết. Nhưng thân phận của thần chỉ là con buôn, giỏi buôn, giỏi mánh lới, mà đã là con buôn thì chỉ giỏi lừa gạt, miệng lưỡi thần có thể lấy tiền thiên hạ mà không tốn sức, tốn của, còn nếu Bệ hạ bảo thần dùng trí chọi trí e thần bất thành, lại làm xấu mặt triều đình, làm Bệ hạ lại bất an, có  hại đến ngọc thể mà thôi…
    Hoàng thượng vỗ đùi:
    -Nói hay lắm… Ta cần chính cái điều khanh tự nhận… Ta cần như thế…
    Quan cận thần vội vàng nói vào:
    -Bẩm Bệ hạ, xin Bệ hạ nghe rõ lời của Hứa Văn… Ngài Hứa Văn chỉ dám nhận mình là một con buôn, giỏi mánh lới, giỏi lường gạt…
    Hứa Văn cúi đầu:
    -Bẩm Bệ hạ, đúng vậy, đúng vậy….
    Hoàng thượng cười lớn:
    -Ta nghe rõ chứ… ta nghe rõ lắm… vì thế ta mới cho gọi Hứa Văn vào…
    Quan cận thần và Hứa Văn im lặng.
    Hoàng thượng nói nhỏ:
    -Việc xuất binh chiếm đảo Nước Lửa, chiếm hết các đảo khác của nước Việt là việc bất đắc dĩ phải làm. Các khanh nên nhớ như vậy. Là việc bất đắc dĩ. Bắc triều ta vốn đã bị thiên hạ ca thán vì các triều hoàng đế trước ta cứ xua quân đi cướp đất các nước lân bang, cướp đất nước Việt. Nhưng đó vẫn là việc bất đắc dĩ phải làm. Ta lại muốn có đảo nước Việt mà không phải xảy ra binh đao, không mang tiếng cướp, không phải bất đắc dĩ xuất binh. Muốn thế thì phải dùng trí, phải dùng chứng, phải dùng mánh lới, hiểu không?
    Nhìn quan cận thần và Hứa Văn im lặng, Hoàng thượng nói tiếp:
    -Việc của Bắc triều ta là phải cho thiên hạ biết đảo Nước Lửa và các đảo khác ở cương giới nước Việt đều là của Bắc triều, không phải của nước Việt.
    Nếu ta làm được thế, hoặc ép thiên hạ tin như thế, thì không cần đánh cũng có, không cần binh đao vẫn có, không cần chiếm cũng có, nước Việt phải trả lại đảo cho Bắc triều. Làm được thế, ta dùng các nước lân bang hùa theo ta, ép nước Việt phải giao trả đảo cương giới cho ta, giao trả mà tâm phục khẩu phục, thế mới gọi là đánh bằng trí. Mà muốn đánh bằng trí thì phải khuất phục kẻ có trí của nước Việt, là Lý Vân.
    Hứa Văn há hốc mồm:
    -Đảo cương giới nước Việt là của Bắc triều ta?
    -Đúng vậy- Hoàng thượng gật đầu.
    Quan cận thần cũng ngỡ ngàng:
    -Bẩm Bệ hạ, nghĩa là lịch sử ngàn năm nay chứng minh, các đảo đang thuộc cương giới nước Việt thực ra thuộc về Bắc triều, thuộc về tổ tiên nước ta?
    -Đúng vậy- Hoàng thượng lại gật đầu.
    Hứa Văn ấp úng:
    -Bẩm Bệ hạ, hình như Bệ hạ không được khỏe, ngọc thể bất an, xin Bệ hạ nghỉ ngơi…
    Hoàng thượng ngạc nhiên:
    -Ý khanh là…
    Quan cận thần:
    -Xin Bệ hạ cho thần được nói thật… Xin Bệ hạ tha tội chết nếu thần nói thật..
    -Khanh cứ nói, ta cho phép…
    Quan cận thần nuốt nước bọt, khó nhọc lắm mới buông mấy lời:
    -Bẩm Bệ hạ… Nếu nói như Bệ hạ, thần e thiên hạ cho rằng triều đình ta chắc đang điên cuồng, hay chí ít thì cũng quá ngu ngốc mà nói xằng nói bậy…
    Hoàng thượng đập bàn:
    -Là khanh…
    Quan cận thần lùi một bước:
    -Sử sách Bắc triều ta ngàn năm nay không đả động gì đến cương giới đảo ấy, nhất nhất đều ghi đó là của người Việt. Nay bỗng dưng ta lại nói đảo ấy là của ta, dễ bị thiên hạ chê cười, cho ta đã nước lớn mà cuồng, ỷ vào nước lớn mà ép, dựa vào thế mạnh mà càn quấy, tiếng tăm xấu xa như thế phỏng có ích gì.
    Hứa Văn cũng đỡ thêm lời cho quan cận thần:
    -Bẩm Bệ hạ, cả đời thần đi lại buôn bán trên biển, đi trên biển thì phải có bản đồ, có sơ đồ, từ cổ chí kim ở nước ta đều ghi chú dãy đảo ấy là của nước Việt, giờ ta lại nói của ta thì e không ai tin, người ta không tin thì sinh ngờ, đã sinh ngờ thì sinh căm ghét, khinh bỉ, xin Bệ hạ xem xét lại.
    Hoàng thượng bực bội đứng dậy, đi lại mấy vòng quanh bệ rồng rồi lại ngồi xuống, hạ giọng:
    -Ta biết các khanh nói thật. Nhưng nếu ta nói với các khanh, ta có chứng cứ khẳng định đảo ấy là của Bắc triều thì các khanh cãi được không?
    Quan cận thần và Hứa Văn nhìn nhau.
    Hoàng thượng nói:
    -Ta nói rằng, trên đảo Núi Lửa, vốn là nơi thần dân của Bắc triều cả ngàn năm qua đã sinh sống, đã để lại trong lòng đảo, dưới cát sâu nào cung tên, nào vật dụng có từ thời xa xưa, từ nhiều đời, các khanh cãi được không?
    Rồi Hoàng thượng cười ha hả.
    Hứa Văn chột dạ nhớ lại chuyến thuyền chở Lý Bật ra đảo nước lửa, Hoàng thượng đã cho chở theo rất nhiều vật dụng, gươm giáo có từ thời xa xưa, cách đến cả mấy trăm năm, vả ngàn năm trước, lúc đó Hứa Văn còn không hiểu để làm gì. Nay thì nghe Hoàng thượng khảng khái nói vậy, Hứa Văn tâm phục khẩu phục, không còn gì để kính nể hơn nữa.
    -Khanh chắc đã biết ý ta?-Hoàng thượng hỏi Hứa Văn.
    Hứa Văn cả cười:
    -Bẩm Bệ hạ, thần hiểu rồi… Hèn chi Bệ hạ muốn sai khiến thần…
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Ta sẽ cho một chiếc thuyền tốt, mời thêm sứ thần của nước Việt, mời thêm  sứ thần các nước lân bang, cung phụng ăn uống thả sức, quà cáp không tiếc, đưa họ ra đảo Nước Lửa để họ biết rằng, đảo Nước Lửa là của Bắc triều.
    Hứa Văn cúi đầu:
    -Thần lĩnh chỉ.
    Hoàng thượng lại nói:
    -Đi cùng Lý Vân, khanh phải biết khanh là con buôn, miệng lưỡi phải miệng lưỡi con buôn, lắt léo, mánh lới, lấy lừa gạt làm chủ ý, dù có bị chửi mắng, dù có bị khích bác thì mặt phải dày, miệng phải cười, không được kích động, cứ theo cái lý buôn bán mánh lới mà lập luận, khiến sao cho lưỡi Lý Vân phải cứng lại, miệng Lý Vân phải há hốc ra mà cùng sứ thần các nước lân bang đặt bút ký vào tấu trình gửi cho ta, gửi cho nước Việt xác tín đảo Nước Lửa là của Bắc triều. Làm được thế ta ban thưởng. Không làm được thế ta chém.
    Hứa Văn run rẩy:
    -Bẩm Bệ hạ, thần lĩnh chỉ.
    Hoàng thượng nhìn sang quan cận thần:
    -Một mặt ta lấy cái lý ra khẳng định chủ quyền, kéo đảo Nước Lửa về ta, một mặt cho chuẩn bị thuyền chiến, thủy binh, vũ khí, cung nỏ, chuẩn bị đội quân hùng hậu, cần thì xuất binh.
    Quan cận thần:
    -Bẩm Bệ hạ, thần lĩnh chỉ.
    Hoàng thượng nói tiếp:
    -Mau mau cho người mang thư của ta về cho Hoàng thượng nước Việt, kẻ đưa thư khi cần đi ngựa thì dùng ngựa, khi cần đi thuyền thì xuống thuyền, chạy ngày, chạy đêm, ta muốn Hoàng thượng nước Việt nhận được thư của ta càng sớm càng tốt.
    -Bẩm Bệ hạ, tuân chỉ.
    -Ngày mai, ta muốn thết đãi sứ thần nước Việt là Lý Vân cùng sứ thần các nước lân bang để chuẩn bị cho chuyến đi ra đảo Nước Lửa.
    -Thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng ngả người sau long sàng, lim dim mắt, nói như tự nói một mình:
    -Lão Tử nói: “Tri túc, tri chỉ”, biết đủ, biết dừng, biết đủ là đủ. Lão Tử dạy thế đúng hay sai hỡi các khanh? Đúng hay sai? Sai! Sai! Sai! Biết đủ không phải là cái lý của người Bắc triều ta. Biết đủ không phải là cái cần của Bắc triều ta. Biết đủ không phải là điều nên làm của người Bắc triều ta. Nay ta muốn sửa lời Lão Tử, ban cho thiên hạ câu này: Muốn biết đủ thì phải biết là chưa đủ. Hảo a?

    35.
    -Ngông cuồng- Hoàng thượng nước Việt giận dữ lên tiếng sau khi đọc xong thư của Hoàng đế Bắc triều- Các khanh nghĩ xem, Hoàng đế Bắc triều lại còn viết rằng, có nhiều chứng cứ để khẳng định đảo Núi Lửa là của Bắc triều, không phải của nước Việt. Lại còn chuẩn bị đưa thuyền ra đó, mời sứ thần các nước theo để minh chứng, mời cả Lý Vân đi cùng để minh chứng. Đúng là ngông cuồng.
    Các quan đại thần nhìn nhau.
    Quan nội cung nhã nhặn:
    -Bẩm Bệ hạ… Bắc triều xuất binh một lần, thua đau, nay chưa tính tới việc xuất binh chiếm đảo lại tính tới chuyện dùng chứng cứ để xác định chủ quyền cương giới là có ý gì? Chứng cứ là gì? Sao lâu nay không nói gì, sử sách hai nước rành rành ghi rõ là cương giới Việt, từ khi phát hiện thấy nước lửa thì sinh tham lam, bày đặt đủ trò cướp đảo, xin Bệ hạ chọn lựa phương cách khôn khéo để xử lý.
    Hoàng thượng cố ghìm cơn giận dữ, phân tích:
    -Lục lại sử sách, Bắc triều vốn thế, không chỉ muốn cưỡng đoạt cương giới nước Việt ta mà còn muốn ôm mộng cưỡng đoạt hết các nước lân bang. Nước lớn mà tham thì sinh ác mộng. Dùng quân binh không được thì nay họ dùng mưu lược. Ta chỉ còn phải chờ đợi tài khôn khéo của Lý Vân, ở đây xa xôi, liệu bàn tính được gì đây?
    Quan đại thần phụ trách việc quân cơ thưa:
    -Bẩm Bệ hạ, một mặt ta phải tin tưởng và chờ đợi tài xử thế của Lý Vân, một mặt xin Bệ hạ xuống chỉ cho trăm họ chuẩn bị nghênh chiến bọn Bắc triều cả trên bộ, cả trên biển. Ông bà ta có câu, chó dại cắn càn, không ăn thì đạp đổ, xin Bệ hạ cảnh giác và khôn khéo.
    -Khanh nói phải. Ta vẫn phải cương quyết giữ đất đai cương giới, nhưng cương thì cương đến cùng nhưng nhu thì cũng phải nhu, kiên nhẫn giữ hòa hiếu với họ, nếu thế cùng không giữ được hòa hiếu thì ba quân phải sống chết vì nước Việt. Nay ta cần thảo một lá thư gửi lại Hoàng đế Bắc triều, trong các khanh, ai sẽ chấp bút?
    Quân nội cung nói:
    -Bẩm Bệ hạ. Ngoài Lý Vân, không ai làm được việc đó. Nay ta sai quan nội cung nhanh chóng lên đường sang gặp Lý Vân, mang theo khống chỉ dấu thư, dấu tên Bệ hạ, nói Lý Vân phải thảo lá thư, mạnh mẽ về ý chí, nhũn nhặn về quan hệ, gửi tới Hoàng đế Bắc triều.
    Hoàng thượng nói:
    -Ta phê chuẩn.

    X    X
     X
    Đêm ấy, Lý Vân không ngủ được. Dồn dập quá nhiều thông tin bất lợi cho nước Việt. Nào là Lý Bật lại được Bắc triều phong làm đại quan, lại giao chỉ huy thuyền chiến chiếm đảo, là dùng kế người Việt đi xâm lược người Việt, nếu thắng thì Bắc triều được, nếu thua thì nước Việt mang tiếng nồi da xáo thịt, thật quá thâm hiểm. Lại nghe Hoàng đế Bắc triều sắp mở tiệc tiếp sứ thần các nước lân bang, rồi lại mời ra đảo Nước Lửa, xem chứng cứ việc đảo Nước Lửa ngàn năm qua là của Bắc triều, của người Bắc triều, mang dấu vết sinh tồn của người Bắc triều, không phải của nước Việt. Lại có thư Hoàng đế Bắc triều gửi Hoàng thượng nước Việt khẳng định chủ quyền về đảo Nước Lửa.. Tình hình rối rắm. Thông tin đứt rời. Địa lý xa cách. Hoàng thượng ở xa không biết hỏi ai. Bây giờ Lý Vân phải gánh, sống chết ở từng câu từng chữ, cương giới đảo của nước Việt giờ này mất còn cũng tùy thuộc vào từng câu từng chữ của Lý Vân này. Lại làm sao thu phục được nhân tâm, lôi kéo sứ thần các nước theo cái lý của mình, vạch rõ thâm hiểm của Bắc triều, những trò mánh lới, buôn bán xảo trá. Lại còn Lý Bật. Làm sao để Lý Bật có thể quay đầu vào bờ, làm quan Bắc triều nhưng lòng dạ phải tiếp tục trung thần với Hoàng thượng nước Việt. Từng khắc giờ đi qua là nguy hiểm tới gần, vận nước đang giục, cương giới đang lâm nguy, Lý Vân ta nhỏ bé và cô đơn nơi đất khách quê người, toan tính, quyết đoán, suy nghĩ tất cả chỉ một mình ta trong đêm trường nơi xứ lạnh.
    Bất ngờ có tiếng gõ cửa.
    Lý Vân châm to ngọn đèn.
    Lý Bật bước vào.
    Nhác thấy gương mặt Lý Bật hốc hác, chắc cũng không ăn không ngủ được, Lý Vân dâng trà, ân cần:
    -Chẳng hay ngài có chuyện chi bất an?
    Lý Bật gãi đầu:
    -Bất an… Bất an quá…
    -Ngài cứ nói. Dù lúc này ta và ngài, hai người đã là người của hai nước, nhưng ta tin, trong huyết thống ngài, máu nước Việt vẫn chảy, lòng tự trọng của người Việt vẫn còn dâng trào, quê hương, gốc gác người Việt trong ngài vẫn không nguôi ngoai, vợ con, cha mẹ, họ hàng của ngài ở quê hương vẫn làm ngài day dứt…
    Lý Bật rít một hơi thuốc, phả khói chầm chậm, nói như tiếng nức nở:
    -Chỉ có Lý Vân ngài mời thực sự hiểu ta. Ta giờ chỉ đáng là thân chó bỏ chủ, chạy sang quấn chân chủ khác, tưởng được yêu chiều, nào hay, thân chó lại còn hơn thân chó.
    Lý Vân nhích người lại gần:
    -Ngài có chuyện chi cứ nói. Lý Vân ta xuất thân từ nho sĩ, dù biết mình tài hèn sức mọn, trí lực bé nhỏ nhưng cũng có thể chia sẻ với ngài đôi điều tâm sự… Ngài cứ nói…
    Lý Bật vuốt mặt, thở dài:
    -Ta ham hố nên sinh cuồng, háo danh quá nên sinh ngu ngốc. Đời người tiền bạc thì rất cần nhưng sống được bao năm mà ham hố? Danh phận quý giá nhưng nếu không tận tụy thì người đời e cũng khinh rẻ nếu sau này từ quan về làm dân. Nhưng con người dễ cuồng, dễ tham, dễ ngu, dễ phản bội. Ta cũng thế. Chốc lát thành kẻ vong ân bội nghĩa, quay lưng với tổ tiên, làm thân chó ngựa nước người. Tưởng lên được đại quan e có thể ăn ngon ngủ yên, e có thể công thành danh toại, nào hay cũng phận chó sủa theo chủ…
    Lý Bật im lặng hồi lâu, nói tiếp:
    -Trước mắt quan quân triều đình Bắc triều, ta vẫn là kẻ đã bỏ nước Việt mà qua, kẻ đã phản bội một lần thì thiên hạ có thể suy ra còn phản bội lần nữa. Ta tấu trình lên Hoàng thượng Bắc triều xin Người hãy liên hệ với nước Việt, cho cha mẹ, vợ con ta qua đây, nguyện vọng ấy nào có lớn lao chi, thế mà Hoàng thượng Bắc triều nói một câu làm ta đau đớn…
    Lý Vân:
    -Đó là câu gì vậy?
    -Hoàng thượng nghe xong lời thỉnh cầu của ta, hỏi, nay khanh muốn đưa cha mẹ vợ con của khanh sang, mai khanh đưa họ hàng sang, mai nữa khanh đưa nốt Hoàng thượng của khanh qua đi. Bắc triều ta không thiếu người. Khanh đã bỏ nước Việt mà qua Bắc triều, việc của khanh là cắm đầu phục vụ mà không được yêu sách. Khanh chạy sang với ta chứ ta không mời khanh. Bắc triều người tài không thiếu.
    Lý Vân ôm vai Lý Bật:
    -Ở nước Việt, ngài là phận chủ, sang đây ngài thành phận tớ, chuyện ấy lẽ thường. Ở nước Việt, ngài là đại quan, trăm họ nhìn vào kính trọng. Ở đây ngài cũng là đại quan nhưng trăm họ dè chừng. Ở nước Việt, xấu tốt gì thì ngài cũng là cận thần của triều đình, muôn họ nghe lời. Ở đây, dù ngài có giỏi như thánh thì cũng chỉ là kẻ ở thuê, sống thuê, ăn thuê, làm thuê, là kẻ thuê thì cần người ta dùng, hết cần người ta thải. Sống đã thế, nếu chết thì hồn quê xa ngái, đất lạ, chốn lạ, thân xác có nằm xuống cũng như kẻ ăn mày sống vô gia cư chết vô địa táng, chẳng ai ngó ngàng, chẳng ai hương khói, sống như thế, chết như thế, nào khác chi thân phận của con chó hoang, con thú hoang. Ngài nghĩ xem, làm thân một kẻ tầm thường, dân đen quê mùa, sống vẫn có bầu có bạn, có cha có mẹ, có làng mạc quê hương, ốm đau có người thăm kẻ viếng, chết có hương khói của đất tổ, liệu có vinh quang hơn kẻ đại thần như ngài ở xứ Bắc triều? Nay ngài tâm sự thì ta cũng dốc bầu tâm sự, uống trà cùng đêm, nói hết với nhau cho cạn lòng cạn nghĩa người Việt với nhau, không có ý chi khác.
    Lý Bật nhòa nước mắt, nghẹn ngào hỏi Lý Vân:
    -Từ ngày ta quay lưng phản bội, Hoàng thượng nghĩ thế nào?
    Lý Vân nhìn vào mặt Lý Bật:
    -Hoàng thượng phụng mệnh trời, chăn dắt con dân nước Việt. Cây cỏ bị cháy héo, lòng Hoàng thượng còn đau huống hồ nhìn thấy cảnh ngài, mang danh một đại quan triều đình phản bội chạy theo nước khác, phục vụ nước khác, mưu toan cướp lại nước mình, thử hỏi, kẻ ngu muội ở đầu đướng xó chợ nghe vậy còn thấy xấu hổ không dám ngước mặt nhìn huống hồ là Hoàng thượng. Nhưng Hoàng thượng bao dung, người giận dữ và đau đớn nhưng không phẫn nộ. Nếu Hoàng thượng không bao dung, thử hỏi, theo luật triều đình thì cha mẹ, vợ con, dòng họ của ngài có còn được sống nữa không? Nếu Hoàng thượng không bao dung, thử hỏi, việc chi Hoàng thượng lại ra Thánh chỉ gửi đến ngài mà để trống?
    Lý Bật cúi gập đầu xuống, nước mắt rơi lã chã.
    Lý Vân tiếp lời:
    -Cây sống có cội, nước chảy có nguồn, bậc đại quan hay dân đen, tất cả cũng đều là con dân nước Việt. Giết một người, dù kẻ đó phản trắc, lòng Hoàng thượng cũng đau như muối xát. Cứu một người, dù người đó tạo phản, cũng là làm theo ý trời, cũng là làm theo lòng bao dung độ lượng, theo lời dạy lấy hỉ xả đối nhân xử thế của Phật giáo. Cứu người, bao dung độ lượng để người xấu thành người tốt, kẻ tạo phản thành người có ích, kẻ cao chạy xa bay còn nhớ về tổ tiên để quay đầu về núi, đó là khí chất người Việt ta, mà như ngài, học cao biết rộng nào có quên?
    Lý Bật im lặng gật đầu.
    -Như ta đây, chỉ là kẻ nho sĩ, phụng mệnh Hoàng thượng đi sứ, được Hoàng đế Bắc triều hứa ban cho không biết bao nhiêu của cải vàng bạc, ban cho cả danh thế, nếu chỉ nghĩ đến mình ta thì cả đời cứ thế sung sướng, rượu ngon gái đẹp, một đời nhàn nhã, thi ca nhạc họa cứ thế mà sống. Nếu ta gật đầu là có hết. Nếu ta từ chối e dễ bị chém đầu. Nhưng ta thà bị chém đầu còn hơn hưởng cái lộc ban phát nhục nhã để làm con hát cho kẻ ngoại bang, để làm kẻ cầm bút viết ra thơ, ra văn ngợi ca kẻ ngoại bang đã bao lần sang cướp nước mình. Ta chỉ là thân phận hèn mọn của nước Việt mà ta vẫn còn mang được khí khái của người Việt, huống chi ngài, làm đến quan đại thần, trăm họ ngưỡng mộ, Hoàng thượng hết mực tin yêu, cha mẹ, vợ con, dòng họ hãnh diện, lại có thể cam tâm chỉ vì miếng ăn, chỉ vì chỗ nằm, chỉ vì chút tiền bạc mà nỡ tâm bội phản?
    Lý Bật câm như hến.
    Lý Vân quan sát thái độ Lý Bật, tiến tới nữa:
    -Ta vốn thông hiểu sử, thông hiểu văn chương, thông hiểu sự đời, ta mạo muội nói với ngài mấy lời từ tâm can vậy thôi. Thôi thì cũng như là lần gặp cuối. Sau này, nếu gặp lại, e ta lại gặp ngài trên tư thế của một kẻ chỉ huy đạo tặc đi cướp đất đai cương giới nước Việt, gặp khi ấy e chẳng còn lời hay ý đẹp mà nói với nhau nữa. Gặp khi ấy sợ chỉ nghe lời trăm họ phỉ nhổ, ngàn câu khinh bỉ tới ngài mà thôi. Nhưng ta lại nghĩ thế này, người nước Việt luôn ngợi ca những quan quân hết lòng vì nước Việt, nhưng cũng sẽ không quên ngợi ca những ai nhất thời suy nghĩ không trọn đạo, nhất thời gặp sai lầm, nhưng đã biết sửa chữa cái sai, lấy công chuộc tội, làm lợi cho đất nước, kẻ đó muôn đời cũng được ngợi ca như những anh hùng, như những thánh nhân, ta chắc như vậy.
    Lý Bật đưa tay đỡ lấy tay của Lý Vân, giọng run run:
    -Đêm nay ta tới gặp ngài cũng là để chờ đợi một câu này…
    Lý Vân cả mừng:
    -Ta cũng muốn nói ra hết để chờ đợi một lời này của ngài.
    Lý Bật nhìn Lý Vân. Rồi cả hai ôm ghì lấy nhau.
    Lý Vân nói:
    -Ở đây là nơi đất khách, ngồi giữa lòng tham, ngồi giữa mưu mô, mắt nhìn nhau như thế là hiểu, lời nối lời như thế là cạn ý, người nước Việt vẫn là người nước Việt, ta yêu ngài vì lòng ngài vẫn hướng về đất tổ, dòng máu ngài vẫn hướng về quê cha, thế là ta thỏa lòng lắm.
    Lý Bật hỏi:
    -Giờ ta phải làm gì?
    Lý Vân nói:
    -Ngài chỉ làm một việc thôi, ngài là người nước Việt.
    Lý Bật gật đầu:
    -Ta hiểu.
    Lý Vân nói:
    -Ta sẽ là người làm chứng cho công cán của ngài trước Hoàng thượng
    Lý Bật lại ôm vai Lý Vân:
    -Ta hiểu, ta tin…
    Lý Vân ghé tai Lý Bật:
    -Ngài là người nước Việt mà quan đại thần Bắc triều.
    Cả hai nhìn nhau rồi lại ghì lấy nhau tưởng không dứt ra được.


















    36.
    Hôm sau, Hứa Văn phụng mệnh Hoàng thượng Bắc triều, dẫn Lý Vân đi thăm thú cảnh đẹp trong Hoàng cung, thưởng ngoại vườn thượng uyển, lại cùng nhau ngâm nga thơ phú trong tiếng đàn, tiếng hát của các cô gái đẹp như thiên thần. Lại cùng thưởng thức rượu ngon. Lại cùng thử đàn. Lại cùng thử bút. Xem cung cách phục vụ thì Hoàng thượng Bắc triều coi Lý Vân như một bậc quan đại thần của nước lớn chứ không phải của sứ thần nước Việt.
    Hứa Văn nâng ly rượu lên, hỏi:
    -Ngài thông thái thi hoa nhạc họa, lại rõ kinh sử, am hiểu sự đời, đi đây đó khắp thiên hạ, thấy rõ là Bắc triều ta cái gì cũng lớn, cái gì cũng mạnh, bốn phương gộp lại cũng không so được, ngài có cảm kích?
    Lý Vân nói:
    -Con kiến bé xíu ở trong cái tổ của mình thì khen tổ mình đẹp nhất thiên hạ. Con voi ở rừng, nhìn cái chân của mình, thì khen chân mình mạnh mẽ nhất thiên hạ. Con người ở nước mình thì khen nước mình, chuyện đó không lạ. Ngài khen Bắc triều to mạnh thì ta cũng nghe vậy, ta cũng cảm kích theo ngài vậy thôi.
    Hứa Văn ương ngạnh:
    -Nhưng ta muốn nghe từ ngài lời ca ngợi Bắc triều của ta?
    Lý Vân nói:
    -Bắc triều có nhiều bậc nho sỹ, chữ nghĩa vô vàn, tài năng vô biên, bao đời nay viết văn, làm thơ, vẽ tranh ngợi ca Bắc triều, thế chưa đủ sao?
    Hứa Văn:
    -Nhưng ta vẫn muốn ngài hãy làm một bài thơ ngợi ca Bắc triều ta, ngợi ca Hoàng thượng ta, ngợi ca sức mạnh, ngợi ca vị thế Bắc triều? Bài thơ ấy sẽ được dâng lên Hoàng thượng, sẽ được đọc cho sứ thần các nước cùng nghe trong đêm yến tiệc. Hảo a?
    Lý Vân cả cười:
    -Ta chỉ dùng bút lực viết cho nước Việt thôi, chữ của ta, thơ của ta, vần điệu của ta không quen ca ngợi người khác…
    Hứa Văn cả giận:
    -Trong lời của ngài có sự thù hận?
    Lý Vân nói:
    -Ta qua đây không phải đi vui thú, mà là sứ thần nước Việt. Thấy Bắc triều của ngài đang  rắp tâm muốn cướp cương giới đảo của nước Việt ta, biết thế mà vẫn làm thơ ca ngợi được sao?
    Hứa Văn nói:
    -Hoàng thượng ta nói là có chứng cứ. Đảo ấy có chứng cứ người Bắc triều ta từng sinh sống và làm chủ cả ngàn năm, trước người Việt. Không ai cãi được.
    Lý Vân cả cười:
    -Nếu không ai cãi được thì xin ngài nói với Hoàng thượng cũng chẳng cần bày vẽ yến tiệc thết đãi sứ thần các nước. Như nước Việt ta, cương giới trên đất, ngoài biển, ngàn năm cha ông để lại như thế, không cướp của ai, nên cũng chẳng phải đãi đằng, ép buộc hoặc xu nịnh thiên hạ công nhận…
    Hứa Văn dằn cốc rượu xuống:
    -Ngài nói câu ấy là đang đưa đầu vào chỗ chết.
    Lý Vân cầm cây đàn, buông mấy âm thanh réo rắt, gật đầu:
    -Ta như phận cây đàn, ngân lên thành âm thanh, đứt dây thì câm lặng, cái gì cần nói thì ta đã nói, việc của một sứ thần ta cũng đã làm, làm quan một nước, sống chết vì nước mình, nào có gì phải hổ thẹn hoặc lo sợ…
    Hứa Văn nói:
    -Ta muốn khuyên ngài, lần này xin ngài ngó lơ, chỉ là một hòn đảo thôi, cho thỏa lòng Hoàng thượng ta, rồi hai nước mãi hòa hiếu, hai bên qua lại vui vẻ, lợi ích hai nước cứ thế chia sẻ, quyền lợi của cá nhân ngài Hoàng thượng ta không bỏ quên, như vậy là lợi cả nước, lợi cả mình, chắc ngài không từ chối?
    Lý Vân:
    -Làm việc cho nước, không phải đi buôn, thấy lãi thì lao vào, thấy lỗ thì bỏ chạy. Cái gì có lợi cho nước Việt, chết ta cũng theo. Cái gì có hại cho nước Việt, ban thưởng cả thuyền vàng, núi ngọc ta cũng chối từ. Xin ngài hãy nhớ cho như vậy.
    Hứa Văn lúng túng:
    -Ngài nói theo cái lý của ngài, nhưng cái lý của ngài, cái lý của nước Việt không bằng vật chứng của Bắc triều ta, sự chứng kiến của các sứ thần. Lúc ấy e ngài sẽ ân hận…
    Lý Vân cười:
    -Ta cũng mong là ta ân hận vì hóa ra đúng là đảo ấy của Bắc triều không phải của nước Việt.
    Hứa Văn trố mắt:
    -Ý ngài là sao?
    Lý Vân cười. Tay lại nâng cây đàn lên, gảy một bài, tiếng đàn réo rắt, nghe như chim hót, suối chảy.
    Hứa Văn bỏ chỗ đứng dậy.

    X   X
       X
     Khu đại điện được giăng hoa kết đèn trông thật lộng lẫy. Hoàng hôn vừa xuống, trong và ngoài đại điện đã như hội. Nào là đèn. Nào là hoa. Nào là đàn hát. Nào là người hầu kẻ hạ đi lại như mắc cửi. Rồi bàn nối bàn, bày biện không biết cơ man nào là của ngon vật lạ, mà lại toàn những thức ăn được chế biến từ hải sản biển, quả cũng có dụng ý.
    Sứ thần các nước lần lượt mời vào bàn. Mỗi bàn có hai cô gái xiêm y lộng lẫy, miệng cười tươi rói, luôn tay phục dịch.
    Các quan đại thần cùng ngồi ở một dãy bàn.
    Hoàng đế Bắc triều trực tiếp làm chủ tiệc khoản đãi các sứ thần.
    Lý Vân ngồi ở trung tâm, đối diện với chỗ ngồi của Hoàng đế. Lý Vân mang theo cả một ống quyển lớn, được bịt kín, không biết để làm gì.
    Không biết đi bằng cách nào mà viên quan Cơ mật viện nước Việt lại có mặt ở Kinh thành Bắc triều thật đúng lúc. Giờ thì Lý Vân đã có trong tay thư chiếu của Hoàng thượng nước Việt do chính mình thảo trên ấn triện của Hoàng thượng. Lại có thêm cả ống quyển đựng những thứ lợi hại. Trong thâm tâm, Lý Vân rất mực khâm phục Hoàng thượng của mình, tao nhã mà khôn khéo, mạnh mẽ mà nhu mì, cương quyết mà uyển chuyển, dù Người ở xa, nhưng Lý Vân như thấy có Người bên cạnh, vững tin, vững lòng, vững chí vô cùng.
    Ngồi ở dãy bàn dành cho quan đại thần Bắc triều còn có Lý Bật, gương mặt tươi tỉnh, phong thái chững chạc, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn Lý Vân ra chiều đắc ý. Mắt người, ánh nhìn đôi khi thay cả vạn lời.
    Sau hai tuần rượu, sau khi thưởng lãm những tiết mục múa hát tưng bừng, tất cả im lặng ngước nhìn.
    Hoàng đế Bắc triều đứng dậy, tiếng nói sang sảng:
    -Ta lấy làm vui vì yến tiệc hôm nay có mặt không sót sứ thần nào của các nước. Bắc triều ta dù là nước lớn nhưng luôn lấy hòa hiếu các nước lân bang làm trọng, sống biết mình biết người, mọi việc trên cuộc đời đều theo ý trời không làm khác được.
    Các sứ thần nhìn nhau, mặt mày vui vẻ.
    -Yến tiệc thết đãi sứ thần hôm nay ta cho làm toàn những món ngon sơn hảo hải vị chế biến từ tôm cá ngoài biển khơi. Ta mời các khanh ăn những món ngon lấy từ biển khơi là cũng để đàm đạo với các khanh chuyện biển khơi…
    Các sứ thần buông đũa, dừng nghe.
    -Bắc triều ta nói là nước lớn nhưng cũng chưa phải lớn. Nhiều triều đại Bắc triều cũng mới chỉ làm được việc thống nhất giang sơn trên đất liền mà chưa có dịp vươn ra biển cả. Chưa vươn ra là cũng để có thời gian, có sức lực để cũng cố vương triều, khẳng định vị thế. Nay vị thế ta đã mạnh, sức ta đã cường, quân binh thì triệu voi chiến, ngựa chiến, cung nỏ, giáo gươm đứng đầu các nước, thủy binh giờ đã hùng mạnh, thuyền chiến, thuyền hàng nườm nượp, buôn bán cũng thuận mà nếu xảy ra chạm trán với quân ô trọc, quân thảo khấu cũng đủ sức đè bẹp. Biển cả Bắc triều rộng lớn, giàu có, nên không thể không lo quản lý, không lo đến chủ quyền, để đất đai biển đảo vắng chủ ngoài khơi xa dễ bị các nước lân bang lợi dụng chiếm đoạt. Mà bằng chứng là có nhiều đảo ở khơi xa đã vào tay nước Việt chiếm đoạt, ta không biết là vô tình hay chủ ý, nước Việt lại mang quân binh, thủy binh ra đảo của Bắc triều, rồi nói với thiên hạ là đảo của họ, nói mà không có chứng cứ thì lời nói ấy phỏng có giá trị gì. Nay ta mời các sứ thần tới, trước là mở yến tiệc khoản đãi, bang giao, sau là để cho các sứ thần biết rằng, cương giới đảo hiện nay của nước Việt thực ra ngàn năm qua là của Bắc triều ta, nay ta không thể không chủ quyền, không thể không lấy lại, không thể không công bố.
    Các sứ thần ồn ào, số thì ngơ ngác, số thì gật gù, số thì tiếng to tiếng nhỏ.
    Các quan đại thần Bắc triều gật gù ưng ý.
    Lý Bật có vẻ ưng ý nhất, cười giả lả, cười giả lả, cười giả lả.
    Lý Vân điềm nhiên ngồi nghe, cung kính trước lời Hoàng đế Bắc triều, không để ý tới cả trăm đôi mắt đang dồn vào mình, như xoi như mói, như đốt như xoắn.
    -Bắc triều ta không cậy nước lớn mà mang quân đi cướp đất đai cương giới nước nào, không ỷ nước lớn mà nói lấy là lấy, nói chủ quyền là chủ quyền, ta muốn các sứ thần, ta muốn triều đình nước Việt biết là biết thế để hiểu, hiểu rồi thì công nhận, công nhận rồi thì trao lại cho Bắc triều cái gì thuộc Bắc triều, như các đảo cương giới biển của nước Việt là của Bắc triều thì mau mau trao lại cho Bắc triều. Ta muốn cuộc bàn giao cương giới trong ấm êm, trong lời ca tiếng nhạc, trong rượu mừng, rồi cứ thế hai nước lại hòa hiếu, tay trong tay, núi sông liền kề như vậy, bên mạnh bên yếu tựa nhau mà sống, mà kinh bang tế thế, muôn năm thuận hòa, trăm họ hai nước vui vẻ, tiếng thơm lừng lẫy non sông, làm các nước lân bang coi đó để nêu gương.
    Nhìn khắp lượt các gương mặt sứ thần, lại nhìn chăm chăm vào gương mặt của Lý Vân nãy giờ ngoan ngoãn lắng nghe, Hoàng đế Bắc triều hạ giọng:
    -Sẽ có nhiều sứ thần hỏi ta, nếu cương giới đảo là của Bắc triều mà nước Việt cương quyết vẫn chiếm đoạt, cương quyết không giao trả thì làm thế nào? Điều không muốn thế cùng cũng phải làm: mang quân chiếm lại. Ai ngăn trở Bắc triều việc này, chém. Ai cố tình bóp méo sự thật chủ quyền này, giết. Nước nào dám cưỡng đoạt của Bắc triều đất đai cương giới, Bắc triều không tha thứ. Ta lấy làm hài lòng vì các sứ thần đã chăm chú nghe ta nói. Ta lấy làm cảm kích vì sứ thần nước Việt là Lý Vân đã nghe như nuốt lấy từng lời của ta. Ta cảm thấy vui vì quan đại thần nước Việt là Lý Bật đây đã vì ủng hộ nghiệp lớn của Bắc triều, từ bỏ nước Việt bé mọn và hàm hồ, sang làm quan đại thần Bắc triều, lại đại diện Bắc triều nhận bàn giao đảo cương giới của Bắc triều từ nước Việt. Lòng ta hoan hỉ. Xin các sứ thần một ly này.
    Từng chung rượu nâng lên uống cạn.
    Tiếng nói cười rổn rảng.
    Lý Vân cầm chung rượu đi tới từng sứ thần chạm ly, mặt mày tươi rói.
    Lý Bật ngất ngưỡng, gật gù cùng nâng ly với các quan đại thần Bắc triều, cười giả lả, cười giả lả, cười giả lả…
    Hoàng thượng Bắc triều ra dấu yên lặng:
    -Sứ thần là người đại diện cho quốc thể, cũng như sứ thần Lý Vân là người đại diện cho nước Việt. Ta nói như thế. Lý Vân cứ đáp từ. Khanh cứ nói thành thật, nếu vì ủng hộ ta mà sợ không dám về nước Việt thì giang sơn Bắc triều mời khanh ở lại, muốn gì có đó, sống cuộc đời vương giả, Bắc triều coi khanh là bạn tri kỷ.
    Lý Vân đứng dậy.
    Đại điện nín lặng.
    Các sứ thần đổ mắt dồn về phía Lý Vân.
    Hoàng thượng tự tin, cả cười nhìn các Đại thần.
    Lý Vân đưa mắt nhìn khắp lượt các sứ thần, lại cung kính nhìn Hoàng thượng Bắc triều, rồi từ tốn cất lời:
    -Bẩm Bệ hạ. Thần phụng mệng ý chỉ của Hoàng thượng nước Việt sang sứ, trước là để vấn an Hoàng đế Bắc triều, sau là để vụng dại nói mấy lời này…
    Lý Vân dừng lời một chút, nói tiếp:
    -Trên đời này, từ Bắc triều, nước Việt hay ở mọi nước, con người sinh ra thì phải đặt tên, đến như con thú hoang, chim hoang còn có tên gọi, cái thẻo đất bé tẹo nằm loi thoi nơi đầu nguồn cuối bãi vẫn có tên gọi, huống chi là cương giới, huống chi là đất đai tổ tiên, thần muốn xin Bệ hạ chỉ tên đảo cương giới của Bắc triều là những đảo gì? Hỏi để biết, biết để ghi nhớ, ghi nhớ để truyền cho con cháu, không phải nhầm lẫn, không mang tiếng hồ đồ, xin Bệ hạ xướng tên đảo giới?
    Hoàng thượng Bắc triều nhìn các đại thần, các đại thần nhìn nhau.
    Các sứ thần xì xầm bàn tán.
    Vẫn lời Lý Vân:
    -Thần cũng biết, Bệ hạ các triều đại Bắc triều lắm công nhiều việc, lo cho thiên hạ thái bình, trăm họ yên vui, không có mấy thời gian để nắm hết những vùng đất còn bỏ hoang, những đảo giới ngoài khơi xa, nên có thể chưa kịp đặt tên là lẽ thường, không ai trách cứ.
    Hoàng thượng Bắc triều cười cười:
    -Phải phải. Khanh nói phải lắm.
    -Nước Việt cũng không phải đã đặt tên hết đảo giới của mình, hết mọi vùng đất trên cương giới mình, chuyện đó không lạ. Nhưng không đặt tên khác với không  biết. Nước Việt biết hết, đâu là đất đai cương giới đất liền, đâu là đảo giới, biết hết. Cũng như Bắc triều, cũng như các nước lân bang, sao lại không thể không biết?
    Tất cả gật gù tán thưởng.
    Hoàng thượng Bắc triều cũng gật gù tán thưởng.
    Lý Vân hỏi:
    -Bẩm Bệ hạ. Dù không đặt tên, chưa đặt tên, nhưng đã là đất đai tổ tiên, chắc hẳn trên bản đồ nước mình phải có. Các nước lân bang cũng thế. Bắc triều hay nước Việt cũng thế. Nước phải có cương giới, muốn biết cương giới phải có bản đồ nước mình. Xin Bệ hạ cho thần và các sứ thần xem bản đồ Bắc triều, nếu bản đồ Bắc triều cũng ghi rõ cả đảo giới thì thần tạm thời nghe lời đó là cương giới Bắc triều.
    Hoàng thượng Bắc triều hỏi các quan đại thần rồi cười cười:
    -Lý Vân. Khanh nói đúng lắm. Đã là một nước thì phải có bản đồ. Nước nào chả thế. Nhưng bản đồ Bắc triều chưa kịp vẽ đảo giới, chưa vẽ thì sẽ vẽ, có sao đâu.
    Lý Vân mở ống quyền, giăng ra cho mọi người tấm bản đồ nước Việt, lại ôn tồn:
    -Bản đồ nước Việt truyền từ đời này sang đời khác, đời nào cũng ghi rõ những đảo giới này, ở đây, không những thế, nước Việt còn cho người ra đảo, đo bề ngang bề dọc, chỉ rõ cả bãi đá ngầm, cát ngầm, lại chỉ rõ hướng đi, khoảng cách, lại chỉ rõ chiều cao thấp… Đấy là đảo giới của nước Việt hay của Bắc triều?
    Tất cả các sứ thần truyền tay nhau bản đồ nước Việt gật gù.
    Lý Vân nói:
    -Một mảnh đất hoang, một hòn đảo hoang, muốn là của nước mình thì phải có ba điều làm được: Một là phải đưa vào bản đồ, hai là phải cho người ra quản lý giữ gìn, ba là phải có được số liệu đo đạc. Đảo giới nước Việt có được ba điều ấy, Bắc triều không có được, há dễ lại nhận là của Bắc triều được sao? Bệ hạ anh minh, học một biết mười, đứng trên thiên hạ về học vấn, tinh thông kinh sử, chắc biết điều đó, thần không dám nhắc nhở.
    Hoàng thượng Bắc triều tái mặt, định xua tay ngăn Lý Vân ngừng nói mà không kịp.
    Lời Lý Vân như suối tuôn, thác đổ:
    -Thần mang ơn Bệ hạ đã cho thần có dịp diện kiến đầy đủ các sứ thần. Lại được thưởng thức yến tiệc, rượu ngon, thức ăn ngon, lại được nghe đàn hát, thực lòng vô cùng cảm kích. Lại nghe Bệ hạ truyền chỉ, sau đây cho thần và các sứ thần ra đảo giới nước Việt, để thăm thú, để khẳng định chủ quyền, quả thật dịp may hiếm có, ơn trời biển của Bệ hạ làm thần như muốn khóc.
    Hoàng thượng Bắc triều nổi giận:
    -Nhà người thôi không nói nữa. Ta là chủ tiệc, không phải ngươi. Đúng thế. Ta sẽ cho ngươi và các sứ thần ra đảo giới nước Việt, để thiên hạ nhìn thấy chứng cứ người Bắc triều ngàn năm đã ở đấy, đã sinh sống, đã làm ăn. Không có chứng cứ nào về chủ quyền bằng điều này.
    Lý Vân cung kính:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng cả cười mà ruột gan cháy thành lửa:
    -Ta hơi chút nóng giận, xin các sứ thần bỏ qua. Ngày mai, ngày lành tháng tốt, vào giờ Hoàng đạo, thuyền rồng ta đã lo liệu, các sứ thần lên thuyền ra cương giới đảo. Giờ ta thấy không được khỏe, xin cáo từ trước, mời các sứ thần cứ ăn uống, cứ nghe đàn hát, thưởng ngoạn phong cảnh Hoàng cung.
    Hoàng thượng Bắc triều tọt nhanh vào màn rồng, mất dạng.


















    37.
    Lý Vân thảo xong thư, đưa cho viên quan ở Cơ mật viện nước Việt, ngậm ngùi:
    -Ta có thư gửi Hoàng thượng, lại có thư gửi vợ ta. Có gì trong thư ta đã nói hết. Ta đã thề giữ cương giới đảo cho nước Việt, ta sẽ làm được. Nhưng ngài cũng biết ở đây là nơi móng vuốt, thân ta sẽ khó bảo toàn, vậy nên xin ngài hãy nói với Hoàng thượng, Lý Vân ta cả đời sống bằng chữ nghĩa, phụng sự nước Việt, vì nước Việt mà rơi đầu nơi đất khách cũng không lấy làm buồn. Chỉ xin Hoàng thượng lo cho vợ con ta có cái nhà để ở, có mảnh ruộng để trồng cấy cối, chăn nuôi heo gà, nuôi dạy các con ta nên người. Ơn phúc ấy của Hoàng thượng dù xuống dưới suối vàng ta cũng không quên. Xin một lạy này từ biệt ngài, một lạy này từ biệt Bệ hạ, một lạy này từ biệt vợ con ta.
    Quan thư  cảm kích:
    -Ta sẽ nói lại hết những điều ngài nhắn gửi, nhưng vẫn cầu mong ngài bảo trọng.
    Lý Vân nói:
    -Ngài nhanh chóng về nước, trong thư ta đã thảo binh lược chống Bắc triều ở cương giới đảo, cương giới đất liền. Trong thư ta cũng đã nói với Hoàng thượng về Lý Bật, giờ Lý Bật là quan đại thần Bắc triều nhưng là người nước Việt, vẫn trung hiếu với nước Việt, xin nước Việt chớ quên điều này…
    Quan thư vội vã lên ngựa.
    Lý Vân nhìn theo, tay chắp trước ngực, nhìn mãi bóng ngựa của quan thư đang về quê nhà, lòng đau mà không buồn, nước mắt rơi mà không phải vì xấu hổ, Lý Vân trọn đời trọng tín, trọng hiếu, trọng nước, chết cũng là để giữ chữ trọng ấy mà thôi.

    X   X
       X
    Hoàng đế Bắc triều lật qua lật về lá thư của Hoàng thượng nước Việt, nói mà như hét với các quan đại thần:
    -Nước Việt bé nhỏ, ta bóp là chết, ta xé là nát, ta giẫm là chìm, cớ sao còn dám ngang ngược thảo thư này, lời lẽ thật ngông cuồng, lý lẽ thật nực cười, khí khái không đúng chỗ. Các khanh xem đi.
    Quan Thượng thư Bộ Lễ xem, bất ngờ thốt ra:
    -Trời… Chữ viết như rồng bay phượng múa, lời lẽ như thơ ca nhạc họa, đọc một lần là nhớ, xem một lần là ghi, lời lẽ sáng sủa, lý lẽ khúc chiết, ai nghe cũng lọt tai, nước Việt có thần chữ là đây thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng quắc mắt lên:
    -Khanh còn khen ngợi?
    Quan Thượng thư Bộ Lễ cúi mặt:
    -Tội thần đáng chết…
    Theo ý Hoàng thượng, quan Thượng thư Bộ Hình cho vời Lý Vân vào.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Thư này là do chính khanh viết?
    Lý Vân nói:
    -Bẩm Bệ hạ, thần chỉ là người cầm bút mà chép ra.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Chép ra là viết, viết là của khanh viết, lời lẽ như thế, thái độ như thế, khanh dám trêu ngươi ta?
    Lý Vân nhã  nhặn:
    -Bẩm Bệ hạ. Thần có mấy chữ dắt lưng là cũng nhờ hồng phúc của nước Việt. Người nước Việt lâu nay vẫn vậy, ý Hoàng thượng cũng là ý thần dân trăm họ, thần viết ra cũng là ý Hoàng thượng, cũng là ý thần dân, không có gì lạ.
    Hoàng thượng Bắc triều hằm hằm:
    -Ta biết ngươi lắm chữ, lắm lý, nhưng chữ phỏng làm được gì trước gươm giáo cung nỏ, voi chiến, ngựa chiến, thuyền chiến của ta?
    Lý Vân nói:
    -Bẩm Bệ hạ, chữ chỉ dùng để viết, nhưng chữ thì sống bền, truyền đời truyền kiếp, ngựa chiến, voi chiến, cung nỏ dùng một lần, dùng vài lần rồi cũng bỏ, chữ thì vẫn còn, thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng cướp lời:
    -Ta nhắc ngươi, chuyến ra đảo tìm kiếm chứng cứ lần này, ngươi phải như mù, như điếc, như câm thì mong sống, bằng không thì chịu chết, tùy ngươi chọn lựa.
    Lý Vân cúi đầu, từ tốn:
    -Bẩm Bệ hạ. Bệ hạ anh minh cũng biết, con người vốn có cái tai để nghe lời nói phải, có đôi mắt để nhìn rõ ánh hào quang, có cái miệng để hoan ca điều thánh thiện. Nếu vì điều đó mà thần bị Bệ hạ chém đầu, thì e số thần đến thế là hết, mạng thần đến thế là kết, đời thần đến thế là dừng, mọi việc theo ý trời, thần không lấy làm hối tiếc.
    Hoàng thượng kêu lên:
    -Ta mệt. Ngươi lui ra. Người lui ra. Ngươi lui ra.
    Lý Vân khoan thai bước ra.
    Hoàng thượng kéo quan Thượng thư Bộ hình tới gần:
    -Giờ thì làm gì với hắn?
    Quan Thượng thư Bộ hình:
    -Bẩm Bệ hạ, việc này…
    Hoàng thượng lại quắc mắt hỏi các quan đại thần:
    -Giờ thì các khanh khuyên ta nên làm gì với hắn? Với Lý Vân?
    Các quan đại thần cúi rạp:
    -Bẩm Bệ hạ, việc này…
    Hoàng thượng sừng sộ:
    -Ta nuôi các khanh, ban cho không biết bao nhiêu là bổng lộc, phụng sự ta, phụng sự Bắc triều, mà khi ta không cần hỏi thì các khanh đua nhau tấu, khi ta cần hỏi thì các khanh đua nhau im, thế nghĩa là sao?
    Tất cả im lặng.
    Hoàng thượng Bắc triều khoát tay.
    Bãi triều.

    X    X
       X
    Hoàng thượng nước Việt thiết triều khẩn cấp sau khi nhận được thư tấu trình của Lý Vân gửi về. Không khí trong nội điện là rất căng thẳng. Có lẽ đã sang canh ba. Hiếm khi nào Hoàng thượng lại thiết triều vào giờ này. Quan quân trong triều không ai nói với ai nhưng bắt đầu nghĩ tới vận nước đang gặp nguy biến.
    Trước khi các quan đại thần vào điện thì  Hoàng thượng đã bàn bạc mọi chuyện cơ  mật với quan Thượng thư Bộ Hình, quan Thượng thư Bộ Binh, phó tướng thủy binh, quan Thượng thư Bộ Lại, các viên quan phụ trách Khâm thiên giám, Hàn lâm viện và  Cơ mật viện.
    Hoàng thượng húng hắng ho vì đã thức nhiều đêm, tiếng khản đặc nhưng rành rọt:
    -Ta nhận được thư tấu trình của Lý Vân, lòng vừa tự hào có một quan đại thần trung hiếu, trí dũng, vừa lo lắng ăn không ngon, ngủ không yên, nhìn thấy trước cương giới đảo của nước ta đang có nguy cơ bị chiếm đoạt mà lòng đau xót. Ta với các khanh, đã từng bên nhau sát cánh từ những ngày đầu ta phụng mệnh trời lên làm Hoàng đế. Những mong kinh bang tế thế, những mong thiên hạ yên bình, những mong các mối bang giao với các nước láng giềng, với Bắc triều hòa hiếu, nhưng ta và các khanh càng cố gắng thì e thế sự lại không chiều ý. Giờ này Bắc triều đang tổ chức thuyền chiến, đưa sứ thần các nước ra đảo Núi Lửa để mục kích bằng chứng về việc người Bắc triều đã sống ở đấy cả ngàn năm nay. Một mặt thì làm ra vẻ khách quan như thế, mặt khác lại đang rầm rộ tổ chức thuyền chiến, thủy binh, quyết lấy đảo giới nước Việt cho bằng được.
    Các quan đại thần nhìn nhau cùng nổi giận.
    -Về lý, sứ thần Lý Vân của ta đã làm cho sứ thần các nước công nhận đảo giới ấy là của nước Việt, Lý Vân cũng đã chủ động để lần nữa làm cho Bắc triều bẽ mặt vì những cái gọi là chứng cứ của họ trên đảo. Nhưng Bắc triều không buông tha. Lý không được thì họ dùng binh. Điều đó đã nhìn thấy rõ ràng. Thâm hiểm hơn, Bắc triều lại sai Lý Bật, vốn là quan đại thần nước Việt ta, nay phong làm quan đại thần Bắc triều, dẫn quân Bắc triều ra chiếm đảo.
    Nhìn khắp lượt các gương mặt quan đại thần, Hoàng thượng hạ giọng:
    -Ta cũng thông báo với các khanh việc cơ mật này, theo Lý Vân tấu về, Lý Bật tuy là quan đại thần Bắc triều nhưng là người của ta, đó là việc thuận. Công này nhờ Lý Vân mà có. Nếu lập công, ta tha tội Lý Bật, thành công lớn, tìm cách thay đổi thế trận, làm tan tác quân binh xâm chiếm của Bắc triều, ta sẽ phục hồi chức quan đại thần cho Lý Bật. Đây là chuyện cơ mật, thắng thua nằm ở tài vận dụng của Lý Bật, Lý Bật có thể sống vinh quang về với nước Việt nhưng cũng có thể chết nếu bại lộ. Ta thực lòng rất cảm kích.
    Nay có hai việc phải làm ngay: Một là cho thuyền chiến xuất binh ra đảo Nước Lửa, mang theo thủy binh, mang theo vũ khí, hỗ trợ thêm cho Đô  tướng Lý Nhất. Tính đường đi, thì thuyền chiến của ta sẽ ra đến đảo giới nhanh hơn  so với thuyền chở sứ thần của Bắc triều. Thuyền chiến ngụy trang như là thuyền dân binh do ta điều ra để đón tiếp các sứ thần. Thứ hai, cương giới trên bộ cũng phải sẵn sàng, không biết được Bắc triều vào thế bí lại tấn công cả đảo giới cả đất liền cương giới của ta. Ta muốn nghe ý các khanh trước khi thiết triều.
    Viên quan phụ trách Khâm thiên giám lên tiếng:
    -Bẩm Bệ hạ, theo như tính toán về địa pháp, thiên văn của thần thì thuyền ta ra đảo thuận gió hơn, thuận sóng hơn, có thể tới trước hơn cả mười canh giờ, còn hướng Bắc triều thì ngang sóng, ngang gió, con nước không thuận, thuyền sẽ bị cản trở, đi chậm. Để chủ động, xin Bệ hạ cho lệnh xuất binh ngay, sớm một giờ ta chủ động một giờ thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Khanh giỏi lắm, ta chuẩn tấu, cho thuyền chiến ngụy trang dân binh ra đón sứ thần xuất bến ngay.
    Hoàng thượng quay sang vị đại thần ngồi bên phải:
    -Còn khanh,  khanh cai quản Thượng thư Hàn lâm viện, khanh có thể tấu trình trước.
    Viên quan ở Hàn lâm viện đáp lời:
    -Bẩm Hoàng thượng. Bắc triều ranh ma đưa sứ thần các nước ra đảo giới để xác tín chủ quyền. Theo ngài Lý Vân báo về thì ta đủ chứng lý khẳng định đảo giới là của ta trước các sứ thần. Không thể cứ nói mà được. Thần đã chuẩn bị một bản xác tín rõ ràng, có bản đồ, có số liệu, có vị trí các đảo giới nước Việt, lần này đưa ra đảo, nếu sứ thần các nước xác tín chủ quyền đảo giới của ta, ta mời các sứ thần ký vào bản xác tín này làm chứng. Chứng này sẽ khiến Bắc triều có muốn trở mặt cũng không thể trở mặt. Xin Bệ hạ ngự lãm.
    Hoàng thượng xem xét kỹ lưỡng và gật đầu:
    -Khá khen cho Khanh đã chuẩn bị chu tất. Việc của Khanh làm là rất phải.
    Viên quan ở Cơ mật viện tấu trình:
    -Bẩm Bệ hạ. Mọi việc ứng xử với Bắc triều lần này đều là việc cơ mật. Chỉ cần lộ ra thì công sức của sứ thần Lý Vân ta và cả công sức của Triều đình đều vứt bỏ, lại có thể làm tai hại đến sinh mệnh nước Việt ta. Vì thế, theo thần, những việc đã được bàn bạc, chỉ nên gói gém ở đây, không đưa ra trong lễ thiết triều tới. Vào thiết triều, Bệ hạ chỉ ra sắc chỉ giao từng việc cho các quan quân, cái gì không cần biết thì không cho biết.
    Hoàng thượng và các quan đại thần gật gù đồng tình.
    Phó tướng thủy binh lên tiếng:
    -Bẩm Bệ hạ. Việc binh đã gấp, thủy binh, quân binh đều cần sung thêm lực lượng, xin Bệ hạ ra thánh chỉ để trong dân chúng góp thêm quân, góp thêm lương thảo, cùng một lòng bảo vệ cương giới.
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Ta chuẩn tấu.
    Các quan đại thần rút ra ngoài đại điện, nơi Hoàng thượng thiết triều.
    Hoàng thượng ra hiệu quan Thượng thư Bộ Lại tới:
    -Khách quý của ta đâu?
    Quan Thượng thư Bộ Lại đưa Hoàng thượng vào phòng riêng. Ở đó có một người thiếu phụ trẻ đẹp đang đợi. Thiếu phụ thấy Hoàng thượng thì luống cuống. Hoàng thượng ôn tồn:
    -Ta cho ngươi bình thân.
    Người đàn bà ngồi xuống ghế.
    Quan Thượng thư Bộ Lại nói:
    -Bẩm Bệ hạ, đây là nàng Lý Xuân, vợ Lý Vân. Nàng ở quê, nhà tranh vách đất, có hai con thơ dại…
    Hoàng thượng cảm kích:
    -Lý Vân của nàng đang nhận sứ mạng của ta phải sang Bắc triều đi sứ, ngày về chưa biết. Công trạng Lý Vân ta không quên. Nay ta ban cho mấy mẹ con nàng bổng lộc của triều đình, nàng có nhà ở khang trang, có ruộng đất, có tiền bạc để nuôi dạy các con của nàng thành người có trí dũng cho nước Việt.
    Quan Thượng thư Bộ Lại nhắc:
    -Nàng quỳ xuống tạ ơn Bệ hạ đi…
    Nhưng Lý Xuân lại đứng lên:
    -Bẩm Bệ hạ, ân huệ của Bệ hạ thảo dân không dám quên. Nhưng việc của thảo dân muốn biết về Lý Vân, chàng sống hay chết? Thảo dân chỉ cần biết Lý Vân khỏe mạnh, đang phụng sự Bệ hạ là được, ngoài điều đó ra, thảo dân không dám nhận bất cứ bổng lộc nào của triều đình. Thảo dân có thể làm ruộng, quay tơ dệt vải nuôi các con như bao năm. Xin Bệ hạ hãy nói rõ cho thảo dân biết về sinh mạng của chồng thảo dân thôi.
    Hoàng thượng cả cười, nhưng tiếng thì trĩu xuống, cảm động:
    -Đàn bà nước Việt coi gia đình, coi chồng con cao hơn bổng lộc. Ta rất lấy làm cảm kích. Nàng yên tâm, chồng của nàng hoàn toàn bình an vô sự, chỉ có điều vì phải công cán ở Bắc triều nên không phải ngày một ngày hai mà về với mẹ con nàng. Vì thế, triều đình mới ban bổng lộc để nàng yên ổn sống…
    Quan Thượng thư Bộ Lại nói thêm:
    -Nàng đừng từ chối tấm lòng của Hoàng thượng, nàng và các con nàng xứng đáng hưởng bổng lộc triều đình vì công lao của chồng nàng.
    Lý Xuân cung kính:
    -Bẩm Bệ hạ. Tới khi nào thảo dân hết cái ăn, cái mặc, nhất định thảo dân xin nhận ân huệ của Bệ hạ.
    Hoàng thượng cầm tay Lý Xuân, cảm động và hài lòng.
    Buổi thiết triều kết thúc cũng vừa lúc canh năm. Thuyền chiến xuất bến. Hoàng thượng quay về phòng, nhưng vẫn không lấy làm yên tâm, lại cho vời quan Thượng thư Bộ Lại tới.
    -Chuyện của Lý Bật tạo phản trước đây ta có bảo khanh giữ bí mật, khanh có làm tốt không?
    Quan Thượng thư Bộ Lại nói:
    -Bẩm Bệ hạ. Thánh chỉ khống chỉ của Bệ hạ chỉ có Bệ hạ, hạ thần, quan đại thần Đô tướng Lý Nhất, phó đô đốc Lý Đạt, quan Thượng thư bộ Hình biết thôi. Tới phút này, trong triều đình vẫn chưa ai hay, chỉ biết Lý Bật phụng mệnh Hoàng thượng ở Bắc triều.
    Hoàng thượng gật đầu:
    -Khá khen cho Lý Vân đã thuyết phục được Lý Bật quay đầu vào bờ. Con người không phải là sắt đá, có khi nóng khi lạnh, nếu mình bao dung thì còn, nếu mình vội vã nghiêm trị thì mất. Ta cũng cám ơn khanh là người đã khuyên ta mở rộng cửa sống cho Lý Bật và họ hàng Lý Bật để đắc dụng lâu dài.
    -Bẩm Bệ hạ, ý thần là một việc, nhưng tấm lòng Bệ hạ cao cả mới nghe lời tấu trình của thần được. Nay Lý Bật đã thuận ý, việc này có lợi vô cùng.
    Hoàng thượng nâng chén ngọc, nhấp một ngụm trà sen:
    -Sớm muộn Bắc triều cũng xua quân ra cương giới. Một mặt ta ra sức làm cho mạnh mẽ sự hòa hiếu để các nước lân bang hiểu ta, một mặt, đôn đốc quân sĩ, nếu xảy ra chinh chiến thì đánh cho quân binh Bắc triều phải thua lớn, thua lớn để sợ, giảm đi cái thói hung hăng ngông cuồng nước lớn đè nước bé. Ý triều đình còn phải thuận ý trăm họ. Các khanh phải cùng  ta truyền thánh chỉ để trăm họ một lòng vì nước.
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.