Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

LỜI THỀ - TIỂU THUYẾT (Phần 7)

By: Unknown On: 13:03
  • Chia sẻ bài này >
  • 30.
    Lý Nhất nhìn về phía đoàn thuyền chiến của Bắc triều đang tới gần, lúc ẩn lúc hiện sau những lớp sóng, sau những ráng mây, đoàn thuyền nhiều hơn tính toán của Lý Nhất. Đoàn thuyền lúc dàn hàng ngang, lúc xếp thành hàng dọc, như bàn tay bẩn của bọn thảo khấu, nhăm nhe, chờ chực để có thể vồ tới, chộp tới xé nát đảo cát vàng.
    Lý Nhất nhìn khắp lượt đảo Nước Lửa, nhìn khắp lượt những gương mặt hừng hực sẵn sàng tham chiến của anh em mình, rồi chàng nâng cái vỏ ốc lên miệng, thổi một hồi dài.
    Đó là mệnh lệnh chuẩn bị tham chiến.
    Đó là mệnh lệnh của trận binh đao sắp xảy ra.
    Đó là lời thúc giục các chiến binh nắm cung nỏ, gươm giáo chuẩn bị xả thân vì cương giới.
    Tiếng kêu vang vọng, trầm âm của vỏ ốc như tiếng nước non.
    Nắng chiều chìm dần vào biển cả.
    Trận binh đao sắp xảy đến.

    X   X
       X
    Đêm.
    Hứa Văn kéo Khắc Ngôn lên mũi thuyền:
    -Giờ thì nhà ngươi phải vào đảo trước xem động tĩnh. Ta không tin là Lý Nhất dễ dàng cho ta vào chiếm đảo như thế. Người Việt mưu kế truyền đời, không thể chủ quan.
    Khắc Ngôn nói:
    -Ngài quá lo xa. Cho dù Lý Nhất kéo hết quân binh tới đảo thì cũng làm gì được ta? Ngài xem, quân binh của ta đông như kiến, chỉ cần Ngài xua quân lên đảo, chẳng làm gì cũng đập nát được người nước Việt
    Hứa Văn nhếch mép:
    -Ta biết thế, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Ta đã giấu Bệ hạ, xin một lấy hai, nên trên các chiếc thuyền, quân binh tính cả mấy trăm người. Quân Lý Nhất đông lắm cũng chỉ non trăm người, chống sao được ta. Nhưng ý ta không muốn tốn một mũi tên nào, ta đã xua quân lên tức là bóp nát chúng, giết sạch, bắt sống Lý Nhất, vậy là xong việc. Quân binh cứ thế lấy nước lửa chất lên thuyền. Hảo a?
    Khắc Ngôn chắp tay:
    -Vậy thần sẽ vào trước.
    Hứa Văn hỏi:
    -Còn bao xa?
    Khắc Ngôn nói:
    -Ngài nhìn đi. Dù là đêm tối, cũng đã thấy đảo mờ mờ trong sương, thế là gần rồi, có thể bơi vào được. Ngài thúc thuyền nhanh chóng dàn hàng ngang áp sát. Khi nhìn thấy thần đốt lửa trên đảo thì cứ thế mà vào.
    Hứa Văn gật đầu ưng ý.
    Khắc Ngôn chốc lát đã mất hút dưới làn nước.

    X   X
       X
    Lý Nhất và anh em đã nhìn thấy bóng những con thuyền lớn lù lù áp sát vào chân đảo.
    Bất ngờ, Lý Nhất nhìn thấy có tiếng động lạ ở bờ sóng rồi một bóng đen trườn từ nước lên, trườn nhanh tới căn lều của Tiểu Tiểu và Lý Bật. Lý Nhất ra hiệu cho hai thủy binh bí mật bám theo.
    Một lát, Lý Nhất nhận được tin báo, có quân của Hứa Văn lẻn vào gặp Tiểu Tiểu. Lý Nhất tới lều. Lý Bật liến thoắng:
    -Bẩm ngài. Đây là Khắc Ngôn, tay chân của Tiểu Tiểu đang từ thuyền lẻn vào bắt mối.
    Khắc Ngôn liếc mắt nhìn thanh kiếm sắc trên tay Lý Nhất, lại nhìn Tiểu Tiểu.
    Tiểu Tiểu nhìn Lý Nhất, nói:
    -Bẩm ngài, thần đã nguyện nghe lời ngài, xin ngài cứ sai bảo.
    Lý Nhất hỏi Khắc Ngôn:
    -Chiến thuyền Bắc triều của ngươi có bao nhiêu chiếc? Bao nhiêu lính?
    Khắc Ngôn líu ríu thưa:
    -Dạ 12 chiến thuyền, hơn 300 lính.
    Lý Nhất hỏi:
    -Hứa Văn yêu cầu ngươi làm gì khi lẻn vào đảo trước?
    Khắc Ngôn hạ giọng:
    -Dạ bẩm… Chỉ cần thấy đảo đốt lửa là quân binh ào ào xông vào.
    Lý Nhất nhìn Tiểu Tiểu và Lý Bật:
    -Các ngươi theo ta hay theo Hứa Văn?
    Cả Tiểu Tiểu và Lý Bật run rét mà cùng nói:
    -Dạ bẩm… Không theo ngài thì theo ai, xin ngài cứ sai bảo.
    Lý Nhất nói:
    -Ta vốn không muốn gây chuyện binh đao. Bệ hạ ta muốn giữ hòa hiếu hai nước. Nay ta sai các ngươi ra thuyền, nói với Hứa Văn, đảo này là của nước Việt, không gây chiến, không tranh giành, về đi.
    Tiểu Tiểu, Lý Bật, Khắc Ngôn nhìn nhau.
    Lý Nhất gằn giọng:
    -Đi ngay. Ta cho thuyền nhỏ đưa ra. Đi đi.
    Hai thủy binh lấy con thuyền nhỏ cho Tiểu Tiểu, Lý Bật, Khắc Ngôn lên thuyền.
    Lý Đạt ngạc nhiên nhìn Lý Nhất:
    -Đại ca. Quân ta đã bày binh bố trận, phần thắng nắm chắc trong tay, cơ hội giết giặc đã tới, sao đại ca lại có ý đình chiến?
    Lý Nhất nói:
    -Ta không đình chiến mà là hủy chiến. Nếu thuyết phục được chúng quay về, không xảy ra binh đao vẫn là tốt. Đảo này của nước Việt, ai khiêu khích, ai xâm hại, giết không tha. Nhưng nếu chúng biết phận mà quay về, không phải đánh giết nhau vẫn tốt. Ta phụng mệnh Bệ hạ, lấy hòa hiếu làm chủ.
    Lý Đạt tỏ vẻ không bằng lòng:
    -Nếu chúng vẫn không chịu rút thì sao?
    Lý Nhất ôm vai Lý Đạt:
    -Nếu nó không chịu rút, vẫn cương quyết cướp đảo ta, ta và đệ đánh đến cùng, đệ hiểu chứ.

    X   X
       X
    Hứa Văn cười hơ hớ, chỉ mặt Lý Bật:
    -Nói ta nghe, ngươi  vốn là quan đại thần nước Việt, ngươi nói thử coi, quân binh ta thế này, Lý Nhất sợ không đánh lại nên bàn chuyện lui binh đúng thế không?
    Lý Bật nói:
    -Theo như Lý Nhất nói, không muốn binh đao, đảo là của người Việt, không ai có thể đánh chiếm.
    Hứa Văn gào lên:
    -Bệ hạ ta cũng ra thánh chỉ lui quân. Lý Nhất các ngươi cũng cho người nhắn ta lui quân. Thế là sao? Không. Đuổi chúng đi. Đánh.
    Tiểu Tiểu, Lý Bật bị đẩy xuống hầm thuyền.
    Hứa Văn rung chuông, thổi kèn, báo hiệu cho cả đoàn thuyền ầm ầm tiến vào chân đảo.
    Lý Nhất nhắn tin cho anh em án binh bất động.
    Đảo im lìm.
    Hứa Văn xua quân lên không gặp bất cứ kháng cự nào.
    Trong màn đêm, đội quân của Hứa Văn đông như kiến cỏ, nhung nhúc, nhung nhúc, rùng rùng chuyển động, chẳng mấy chốc phủ kín trên đảo, những bóng đen di chuyển, mờ ảo, như những bóng ma.
    Hứa Văn cầm tay Khắc Ngôn:
    -Cái giếng ấy ở phía nào?
    Khắc Ngôn nói:
    -Ngài cho người đi theo thần.
    Hứa Văn hạ lệnh cho dân binh, mang vác thùng gỗ ào ào chạy theo Khắc Ngôn.
    Hứa Văn đứng lại, ra hiệu cho thủy binh dừng chân.
    Hứa Văn không thấy ai là quân lính của Lý Nhất. Hắn chạy tới gặp Khắc Ngôn:
    -Ngươi nói ngươi đã gặp Lý Nhất?
    -Dạ đúng thế.
    -Sao không thấy kháng cự?
    Khắc Ngôn nhìn quanh:
    -Thần cũng thấy thế. Hoặc có thể nhìn thấy sức mạnh của quân ta đã bí mật cho quân binh rút chạy.
    -Rút chạy?
    -Dạ đúng thế. Quân Lý Nhất chỉ chưa tới trăm người, quân ta cả mấy trăm người, không rút chạy trước mới lạ, thưa ngài.
    -Mày nói có lý nhưng tao e…
    Hứa Văn cảm thấy chột dạ.
    Đảo im lìm như không có bóng người.
    Hay chúng nó đang giăng bẫy ta?
    Hứa Văn một mặt thúc giục dân binh đào giếng lấy nước lửa, một mặt thúc thủy binh nhanh chóng áp sát vào trung tâm đảo.
    Khắc Ngôn hớt hải tâu báo:
    -Bẩm ngài… Giếng không có nước lửa.
    -Không có nước lửa? – Hứa Văn lao tới- Tại sao?
    Khắc Ngôn nói:
    -Nếu con nói không nhầm, nước lửa lên xuống theo thủy triều, thủy triều lên, giếng đầy, thủy triều xuống, nước rút, nay thủy triều lại xuống…
    Hứa Văn lúng túng:
    -Đã thế, đã thế, cho thủy binh cắm trại, chiếm đảo, nếu gặp người Việt, chém.
    Tiếng dạ râm ran.
    Lý Nhất quan sát cho tới khi nhóm thủy binh cuối cùng rời thuyền, chàng nâng cái vỏ ốc lên thổi một tiếng dài.
    Ngay lập tức, sau những ghềnh đá, sau những mô cát, dưới những hố sâu, các thủy binh đội cát xông lên. Những ánh kiếm chém xa xả vào quân lính của Hứa Văn.
    Tại trung tâm đảo, Lý Đạt phát lửa.
    Hứa Văn choáng váng thấy muôn vàn những đường lửa lớn cháy rùng rùng, những ngọn lửa chạy thành từng đường vòng trên đảo, những đường lửa khép lại, vây lấy từng nhóm lính, chia nhỏ chúng ra, và loang loáng trong ánh sáng của lửa là tiếng hò hét, là tiếng kiếm sắc chém xa xả, là tiếng cung nỏ, chỉ trong chốc lát, quân binh của Hứa Văn tán loạn chạy tứ chiếng. Nhưng quân binh của Hứa Văn chạy tới đâu thì lửa xuất hiện tới đấy, những vòng lửa lớn vây chặt chúng lại, còn bên ngoài, các thủy binh nước Việt giăng cung nỏ, tỉa từng tên một, chém từng tên một.
    Cả đảo như chảo lửa.
    Lửa thành lực lượng.
    Lửa như binh khí.
    Lửa như quân binh.
    Hứa Văn và đội quân quay cuồng, giãy dụa, la hét, hoảng loạn trong các vòng lửa.
    Lửa theo từng đường hào chạy ngoằn ngoèo theo chân kẻ cướp đảo.
    Lửa bén vào những sợi dây bùi nhùi quấn cả dưới chân quân lính của Hứa Văn
    Lửa âm ỉ trong những hầm lớn, được che miệng sơ sài như cái bẫy, từng nhóm lính Bắc triều bị sụp chân, lao đầu xuống từng hố lửa, giãy giụa, la hét đến vang động cả không gian.
    Hứa Văn hoảng sợ xua quân rút ra thuyền.
    Ngay tức khắc, các thủy binh nhận lệnh của Lý Nhất kéo cả ngàn ngàn vỏ ốc trên biển, những vỏ ốc chứa nước lửa bùng cháy, giăng kín ngoài biển, chen vào từng ngóc ngách của các chiến thuyền, thuyền bén lửa cháy bùng bùng, không kịp hoàn hồn thì mười mấy con thuyền đã bùng lên thành mười mấy ngọn lửa lớn.
    Hứa Văn kéo tàn quân xông vào đảo, vung kiếm áp sát, sống chết đến cùng vì thế cùng lực tận, đường lui cũng hết.
    Tới lúc này thì dân binh trên đảo rùng rùng đốt đuốc, hàng trăm ngọn đuốc cháy phừng phừng, cắm thành vòng quanh đảo.
    Những gương mặt thủy binh của quân Lý Nhất bừng bừng sát khí.
    Hứa Văn cùng quân binh của mình bị vây chặt.
    Hứa Văn hét lên một tiếng, tất cả cùng Hứa Văn lại xông ra.
    Hai bên giáp mặt nhau một trận cuối cùng, sống mái.
    Hô hoán lên thế nhưng Hứa Văn lại khôn ngoan ẩn sau lưng những tên lính, lẻn trốn. Huệ Hương nhìn thấy. Nàng rút kiếm đuổi theo. Lý Đạt nhìn thấy mà không kịp cản. Chàng vừa chém giặc vừa cố quan sát theo Huệ Hương.
    Huệ Hương băng qua những vòng lửa, khéo léo chạy đường vòng, không mấy khó khăn nàng đã đuổi kịp Hứa Văn.
    Hứa Văn chưa kịp định thần thì Huệ Hương đã dùng chân đạp thẳng vào người, dí mũi kiếm vào mặt.
    Mấy thủy binh gần đó xông đến, trói nghiến Hứa Văn, kéo lại trước Lý Nhất.
    Quân Hứa Văn số chết thì nằm la liệt ngang dọc trên cát, số bị thương thì quằn quại rên rỉ, số còn sống thì co lại một chỗ, buông kiếm, buông cung tên xin hàng.
    Hứa Văn bị trói, ngồi gục dưới chân Lý Nhất. Quanh hắn là quân binh đang ngồi một đám thảm hại.
    Hứa Văn nhìn ra biển, đội thuyền của hắn vẫn đang cháy rừng rực, sáng cả một vùng.
    Bình minh lên rất nhanh.
    Đảo Nước Lửa không còn màu vàng của cát nữa. Trên đảo là màu đỏ của máu, màu đen của nhằng nhịt những vết cháy.
    Lý Đạt nói với Lý Nhất, quân ta tử trận bốn mươi anh em, bị thương hai mươi.
    Xác quân thù được kéo hết ra mép biển.
    Lý hất cho sửa nhanh một con thuyền của Hứa Văn, chất lên đấy xác chết và lũ thủy binh bị thương, lại cấp cho lương thảo, nước uống, thả tự do cho chúng về nước.
    Lý Nhất giữ lại Hứa Văn.
    Tiểu Tiểu và Lý Bật cũng đã thoát được, cướp vội một con thuyền chạy từ trước.
    Hứa Văn ngồi trên cát, mặt mày lem luốc, áo quần cháy sém.
    Lý Nhất bước tới:
    -Ta đã từng cứu ngài lúc bão tố, vẫn tưởng ngài biết được hai chữ chủ quyền. Nay lại chính ngài đưa quân ra xâm chiếm, tội ngài liệu sống được chăng?
    Hứa Văn quắc mắt lên:
    -Cứ chém.
    Lý Nhất cười:
    -Ta muốn ngài bị chém trước lưỡi kiếm của Hoàng thượng ta. Ta muốn cho các nước lân bang biết rõ, Hoàng thượng nước ngài đã sai bảo ngài đi cướp đất cương giới nước Việt như thế nào.
    Hứa Văn im lặng.








    31.
    Hứa Văn được đưa về kinh thành  nước Việt trong thân phận của kẻ bị bắt, thua trận nhục nhã, được nhốt trong cũi gỗ, suốt ngày cụp mặt, ai tới gặp hắn cũng khúm núm sợ sệt, một hai xin tha mạng.
    Lý Đạt được Lý Nhất giao phó tấu trình lên Bệ hạ việc Bắc triều gây hấn xâm lược đảo Núi Lửa do Hứa Văn cầm đầu.
    Cùng lúc Hứa Văn được dẫn giải vào cung thì Hoàng thượng nước Việt cũng nhận được sắc chỉ của Hoàng đế Bắc triều.
    Hoàng thượng nước Việt chong đèn cả đêm không ngủ.
    Canh năm, Hoàng thượng cho vời quan viết sử Lý Vân, quan Đô thống và cả Lý Đạt  tới.
    Lý Vân nhìn sắc mặt không vui của Hoàng thượng, cất lời:
    -Bẩm Bệ hạ. Nếu theo tấu trình của Quan đại thần Lý Nhất, lại theo lời trình của đô đốc Lý Đạt và lời khai của Hứa Văn, quân binh ta đã thắng được một cuộc chiến xâm lược đảo của Bắc triều, quân ta thế mạnh, lực mạnh, uy mạnh, thêm lần nữa khẳng định cương giới với thiên hạ, được vậy đáng lý lấy làm mừng, quan quân còn đang đợi Bệ hạ ban thưởng cho quân binh, dân binh của Lý Nhất, sao Bệ hạ suy tư suốt đêm không ngủ?
    Hoàng thượng nhìn khắp lượt, ôn tồn:
    -Ban thưởng cho thủy binh, dân binh của Lý Nhất ngoài cương giới là phải ban thưởng. Ta tự hào về trận đánh đó, dù phải xa triều đình, anh em sống chết bên nhau giữa muôn trùng biển cả, ta ít, địch nhiều mà vẫn thắng, ấy là đáng trọng thưởng. Chỉ có điều…
    Các quan đại thần nhìn nhau.
    Lý Đạt thưa:
    -Bẩm Bệ hạ, ta không gây hấn. Bắc triều ỷ vào nước lớn, thèm khát nước lửa, đã hàm hồ xua quân cướp đảo, anh em một lòng giữ đảo, dù thắng nhưng thân xác 40 anh em thủy binh ngã xuống, điều đó khiến Bệ hạ buồn phiền thương xót?
    Hoàng thượng tư lự:
    -Ta đã ra sắc chỉ cho triều đình chi tiền bạc cho những gia đình có anh em thủy binh mất mạng vừa qua trong cuộc chiến với quân Bắc triều. Cái chết của anh em nơi cương giới khiến lòng ta xót thương, đau đớn. Chỉ có điều…
    Quan nội cung nhìn sắc chỉ của Hoàng đế Bắc triều trên tay Hoàng thượng:
    -Nếu thần không sai thì Bệ hạ vừa nhận được sắc chỉ của Hoàng đế Bắc triều quở trách nước Việt ta?
    Hoàng thượng vân vê ống quyển đựng sắc chỉ của Hoàng đế Bắc triều, đăm chiêu:
    -Các khanh có biết Hoàng đế Bắc triều viết gì cho ta không? Họ vừa như thanh minh với ta về cuộc binh đao vừa qua, lại vừa có ý dọa dẫm.
    Các quan đại thần nhìn nhau.
    -Các khanh biết không. Bắc triều nói rằng, quân binh của Đô tướng Lý Nhất đã ỷ vào việc trấn giữ đảo giữa biển khơi, xa triều đình, vắng sự kiểm soát, nên đã xua quân cướp đoàn thuyền buôn của Bắc triều, giết chết nhiều người, bắt cả quan đại thần triều đình Bắc triều là Hứa Văn. Quân binh nước Việt ngoài cương giới đảo giờ thành bọn thảo khấu, đã là thảo khấu thì Bắc triều không dung tha.
    Lý Đạt hét lên tức giận:
    -Tráo trở… Lá mặt lá trái đến thế, xin Bệ hạ không dung thứ.
    Quan viết sử Lý Vân:
    -Có chuyện chi đây? Có chuyện chi mà Hoàng đế Bắc triều có thể biến một cuộc xâm chiếm đảo trắng trợn giữa ban ngày ban mặt thành như nạn nhân của một vụ cướp giật do chính quân binh nước Việt tổ chức? Có chuyện chi đây?
    Hoàng thượng nhìn Lý Vân:
    -Câu hỏi của khanh cũng là câu hỏi của ta suốt đêm qua. Hứa Văn cũng thừa nhận đưa quân vào chiếm đảo để lấy nước lửa cho Bắc triều. Lý Đạt cũng mang tấu của Lý Nhất vào cho ta kể lại tỉ mỉ cuộc chiến giữ đảo. Nhưng sao Bắc triều lại không thừa nhận, lại làm ngược tình thế, coi ta như kẻ cướp ngày và lên tiếng không dung tha? Có ý chi đây? Ta vừa qua đấy, hai bên bang giao hữu hảo, đón tiếp tưng bừng đấy. Có chuyện chi đây? Các khanh nghĩ xem. Đây đã thành việc hệ trọng quốc gia rồi. Ta chưa muốn thiết triều về việc cơ mật này. Các khanh là thân cận ta vời vào bàn trước. Nếu dân tình biết được chuyện dọa dẫm của Bắc triều, e khó cản được lòng phẫn uất, sinh manh động, hoặc nhỡ lại tin lời xằng bậy của Hoàng đế Bắc triều nói quân Lý Nhất ta là bọn thảo khấu, e càng bất an. Các khanh bàn giúp ta việc hệ trọng này, vẫn phải ngăn cản cuộc trừng phạt như cách Bắc triều dọa dẫm, vẫn phải lấy hòa hiếu làm đầu nhưng cũng không được quên việc đặt chủ quyền cương giới lên trên hết. Cái khó là ở đó. Ta suốt đêm không ngủ cũng vì những điều đó.
    Thấy chưa ai nói gì, Hoàng thượng lại lên tiếng:
    -Các khanh thấy gì cứ nói, nghĩ gì cứ nói, tìm được kế sách gì cứ nói, nghĩ ra mưu lược cũng nói, thấy lòng sợ hãi cũng nói, không vòng vo, không úp mở chi hết.
    Lý Vân lên tiếng:
    -Bẩm Bệ hạ, theo sách sử nhiều triều của các nước, nguyên cớ chiến tranh, bày trận binh đao có nhiều thứ. Kẻ mạnh thường uy hiếp kẻ yếu. Nước lớn thường xuyên rình rập, xâm lược nước bé. Đã thủ mưu xâm lược ắt phải nghĩ kế sách xuất binh. Vô cớ mà đem quân xâm lược nước khác thì sợ thiên hạ chê cười, trăm họ phỉ nhổ, coi thường. Tìm ra cớ để xua quân xâm lược vốn là kế sách mà không nước nào không áp dụng. Biến đen thành trắng, tráo trở trong bang giao, gắp lửa bỏ tay người, vu oan giáo họa để dựng chuyện, gây binh, ấy là trò không hiếm gặp trong thiên hạ.
    Hoàng thượng gật gù tán thưởng:
    -Khanh nói phải lắm…
    Lý Vân không đắn đo:
    -Nếu âm mưu xua quân chiếm đảo Nước Lửa do Hứa Văn chỉ huy mà thắng lợi, cướp được đảo, trấn áp được quân binh của Đô tướng Lý Nhất, thi nhau mang vác nước lửa ấy về quốc gia, phỏng Bắc triều có ra sắc chỉ khiêu khích, dọa dẫm  ấy không? Không. Vì họ đã đạt được mục đích. Chẳng may gặp quân binh ngài Lý Nhất, một lòng một dạ vì cương giới nước Việt, không quản hiểm nguy, không tiếc mạng sống, đồng lòng đồng sức giữ đảo, giết giặc, đập tan mưu đồ ác độc của Bắc triều. Hoàng đế Bắc triều vì thế mà mất thể diện, sợ mất mặt với dân chúng, lại sợ mất mặt với thiên hạ, mất mặt với các nước lân bang nên vội vàng nghĩ ra kế sách vừa ăn cướp vừa la làng, tráo trở hèn hạ, tìm cớ xâm chiếm cương giới biển của nước Việt ta. Nếu thực hiện theo kế của họ là thực hiện được mưu đồ trấn áp nước Việt ngoài biển khơi, sau là thu lợi nhiều của cải quý giá ở đó, một công đôi việc, lại được dịp lớn tiếng lu loa với các nước lân bang về lý do xua quân đánh nước Việt ở cương giới vì nước Việt đang muốn dùng cương giới để trấn áp, cướp bóc thuyền buôn của Bắc triều và các nước qua lại thông thương trên biển. Đã tìm được cớ gây hấn, chiếm đảo, lại được tiếng là dẹp yên phản loạn cướp bóc giữ yên bình ngoài khơi xa, lấy được lòng thiên hạ. Mưu đồ ấy của Bắc triều xin Bệ hạ chớ bỏ qua.
    Quan Đô thống bày tỏ:
    -Bắc triều lớn mạnh, quân binh, thủy binh đều mạnh hơn ta nhiều lần, nếu cương quyết chiếm đảo là chiếm được. Cương giới xa cách, quân binh, thủy binh của ta còn yếu ớt, liệu có kịp ứng cứu? Lại e được dịp này, trên cương giới biển, trên cương giới đất liền, Bắc triều đồng loạt xua quân liệu nước Việt ta trụ được bao lâu? Tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thắng thua trong chớp mắt, mất còn trong tấc gang, xin Bệ hạ thận trọng từng câu từng chữ…
    Hoàng thượng nhìn quan Đô  thống:
    -Ý khanh là sao? Là ta phải thân chinh nộp phạt? Là ta phải thân chinh lên tiếng xin nhận tội? Là ta phải…
    Quan Đô thống vội thưa:
    -Bẩm Bệ ha, không phải chuyện đó… Thần nghĩ chi bằng ta bàn với Bắc triều, để hòa thuận hữu hảo đôi bên, tránh binh đao, tránh căng thẳng, giữ yên bờ cõi, chi bằng… chi bằng ta dâng tặng Bắc triều đảo Nước Lửa…
    Lý Vân trợn mắt. Lý Đạt chực hét lên. Hoàng thượng nhìn Quan Đô thống hồi lâu:
    -Ta hiểu lòng khanh trong từng ý, từng lời. Khanh nói vậy cũng lo cho sinh mệnh của cả nước Việt. Đối với thú dữ, để tránh bị cắn xé, có khi phải mất cho nó miếng thịt làm lành.
    Quan Đô thống cúi đầu:
    -Bẩm… Bệ hạ sáng suốt.
    -Không- Hoàng thượng đập tay xuống bàn- Trong việc này thì không thể. Lo cho nước nhưng không được hèn. Bảo vệ nước nhưng không nhụt chí. An bình thiên hạ nhưng không được lui. Hữu hảo phải giữ nhưng không được thỏa hiệp.
    Quan Đô thống tái mét mặt mày:
    -Bẩm Bệ hạ, thần nghĩ sao nói thế, xin Bệ hạ tha tội.
    Hoàng thượng nói:
    -Ta đã nghĩ kỹ. Một mặt kiên trì hòa hiếu với Bắc triều, một mặt trong nước phải chuẩn bị dấy binh ở khắp cương giới để chuẩn bị chống giặc. Ta sai Lý Vân làm sứ, cùng theo Hứa Văn sang Bắc triều. Lý Vân giỏi ăn nói, cứ theo ý chỉ của ta mà ứng xử với Hoàng đế Bắc triều, nhu nhu cương cương, nói thế nào, ứng xử thế nào không phải đổ lửa vào thêm nhưng cũng không mất khí khái cương trực của người Việt.
    Lý Vân cúi đầu:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
    -Khanh phải nói cho Bắc triều biết rằng, nước Việt không tham của ai, không gây hấn ai, chuộng bình yên, chuộng hòa hiếu, nhưng không chịu bị hà hiếp, bị xâm lược.
    -Bẩm Bệ hạ, thần nghe rõ.
    -Khanh đi lần này nguy nhiều hơn thuận, cân nhắc từng lời từng ý, cố giữ lấy mình,  đi mà có thể không có đường về, ta mong khanh bảo trọng.
    Hoàng thượng nắm lấy tay Lý Vân, lòng muôn phần cảm động và tin tưởng.
    Hoàng thượng lại quay sang quan Đô  thống:
    -Ngay lập tức cho đưa Hứa Văn ra khỏi cũi, cho nghỉ ngơi ở cung điện của ta, sai người phục dịch, sai con hát phục dịch, tiếp đón như quan đại thần. Lại sai nội cung nhanh chóng chuẩn bị thuyền bè tốt để đưa Hứa Văn và Lý Vân đây về Bắc triều.
    Quan Đô  thống:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng lại nói:
    -Ta cho xuất hai cặp ngà voi đẹp, một bộ da hổ đẹp, một số vàng bạc châu báu làm quà tặng Hoàng đế Bắc triều coi như quà bang giao hai nước lâu nay vẫn thế mỗi khi cử sứ thần đi. Mọi việc cứ vậy, không căng thẳng cũng không khinh xuất.
    Quan Đô  thống:
    -Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
    Hoàng thượng quay sang Lý Đạt:
    -Khanh mau mau trở lại cương giới. Cần thêm thuyền ta cho thêm thuyền, cần thủy binh ta cho mang theo, cần lương thảo, đồ đạc, vũ khí cứ tấu trình, ta hết lòng dốc sức.
    Lý Đạt cảm kích:
    -Bẩm Bệ hạ, thần y lệnh.











    32.
    Hoàng đế Bắc triều lại sai đưa Tiểu Tiểu và Lý Bật vào cung.
    Quan cận thần hỏi:
    -Bẩm Bệ hạ, tính ngày, lúc này sắc chỉ của Bệ hạ đã tới Hoàng thượng nước Việt. Thần e giờ này Bệ hạ nước Việt đang vội vàng cử sứ thần sang. Ý Bệ hạ ứng xử thế nào?
    Hoàng đế Bắc triều gật gù:
    -Ta còn xem họ đối xử với Hứa Văn ra sao nữa. Với ta Hứa Văn phạm trọng tội, đã không nghe lời ta thu quân, ngang nhiên cho đánh chiếm đảo Nước Lửa của nước Việt để rồi thua trận, làm nhục triều đình, nếu ta không khéo tương kế tựu kế, ngụy tạo hiện trường, thay đổi nhanh tình thế, tránh được tiếng xấu lại có cớ để trừng phạt nước Việt, thử hỏi tình hình sẽ ra sao?
    Quan cận thần cúi đầu:
    -Bệ hạ thực anh minh.
    -Danh chính ngôn thuận, nước Việt bé nhỏ cũng là một nước, thế cùng mới phải ra tay, ra tay phải có cớ để trăm họ không oán thán, các nước lân bang ủng hộ, việc nhỏ ấy mà các khanh không hiểu. Cứ như Hứa Văn, thấy miếng ngon thì giật lấy, không biết nhìn trước ngó sau, thiên hạ sẽ khinh bỉ, quay mặt, ta biết ăn nói thế nào? Ta thèm lấy đảo cương giới nước Việt từ rất lâu, lấy được, ta trấn áp nước Việt từ bên ngoài, lại làm chủ biển cả, thuyền bè giao thương các nước qua lại buộc phải nhún nhường, lại khai thác nhiều thứ quý giá. Nhưng không phải cứ muốn mà được, cứ muốn là cướp. Tội Hứa Văn rất lớn, phải phạt. Nhưng công Hứa Văn cũng rất lớn, phải thưởng…
    Quan cận thần ngạc nhiên:
    -Bẩm Bệ hạ…
    -Tội của Hứa Văn là chống lệnh ta, đáng ra phải chém đầu. Công của Hứa Văn là liều mạng gây hấn làm ta có cái cớ chắc chắn để thực hiện việc chiếm đảo của nước Việt mà không bị mang tiếng là xâm lược, cướp mà được tiếng là trấn an bình yên biển đảo cho các nước lân bang, dẹp loạn thảo khấu nước Việt, công đó đáng được thưởng.
    -Bẩm Bệ ha, không ai so được tài trí của Bệ hạ.
    -Xuất binh lần này phải thắng. Không thắng không về, không cướp được đảo Nước Lửa không về, giữ thể diện cho Bắc triều ta.
    Quan cận thần hỏi:
    -Bẩm Bệ hạ, chọn ai chỉ huy trận xuất binh này?
    Hoàng đế cả cười rồi phẩy tay:
    -Cho hai ngươi vào đây.
    Tiểu Tiểu và Lý Bật bước vào. Hoàng đế Bắc triều ban cho ngồi, ban cho trà uống, rồi nhìn quan cận thần nói:
    -Khanh vừa hỏi ta sẽ cử ai làm chỉ huy trận xuất binh trừng phạt nước Việt tại đảo Nước Lửa, ta nghĩ, không ai hay hơn Lý Bật đây.
    Lý Bật ngơ ngác:
    -Bẩm Bệ hạ…
    Hoàng đế nói:
    -Ngươi đã tình nguyện quay lưng với nước Việt ngươi để sang Bắc triều, nay ta phong cho ngươi làm quan đại thần, chỉ huy trận xuất binh trừng phạt nước Việt, chiếm đảo nước Việt, chiếm xong ta cho người làm quan đại thần Chúa đảo, ngươi không muốn sao?
    Lý Bật run run:
    -Bẩm Bệ hạ, ân sủng của Bệ hạ quá lớn, làm thần không dám tin.
    Hoàng đế cười:
    -Từ một quan đại thần nước Việt, thành kẻ tội đồ nước Việt, lại được Bắc triều phong làm quan đại thần, lại được cầm quân xuất binh, lịch sử Bắc triều ta e chưa có trường hợp nào như thế.
    Quan cận thần tiếp lời:
    -Bẩm Bệ hạ, lòng Bệ hạ bao dung như trời biển…
    Hoàng đế lại nói:
    -Tiểu Tiểu cháu ta sẽ được phong làm đô đốc thủy binh trận chiến này. Ta cần cháu vì cháu đã thông đường đi lối lại trên đảo, sẽ giúp nhiều cho binh sỹ… Nhất nhất mọi việc, cháu phải nghe theo lệnh của Lý Bật.
    Tiểu Tiểu:
    -Cảm tạ Bệ hạ.
    Hoàng đế Bắc triều cười lớn:
    -Được rồi, ta cho các ngươi lui.
    Đợi cho Tiểu Tiểu và Lý Bật ra, quan cận thần hỏi:
    -Bẩm Bệ hạ, việc cử Lý Bật làm chỉ huy trận xuất binh này, thần e…
    Hoàng đế Bắc triều nheo mắt nhìn quan cận thần:
    -Khanh ở cạnh ta mà ít hiểu ý ta là thế nào?
    -Bẩm Bệ hạ, việc này…
    -Lý Bật là quan đại thần nước Việt, hắn không phải không có tài, nhưng vì ham danh vọng tiền tài mà chạy sang ta, ta không sử dụng, sau này còn ai bỏ nước mà sang với ta?
    -Bẩm Bệ hạ, thần hiểu.
    -Ta cho xuất binh chiếm đảo nước Việt, ngoài miệng thì cho lu loa  rằng để trừng phạt người Việt đã dám cướp bóc thuyền buôn, giết chết dân binh, thủy binh của ta, nhưng thực sự là đi cướp cương giới nước Việt. Việc ấy giấu mấy cũng hở. Chi bằng ta cho chính Lý Bật chỉ huy, thắng thì ta có thêm cương giới đảo, nhỡ thua thì đổ vấy cho Lý Bật, do quan nước Việt dấy binh tạo phản. Làm thế hẳn không hay?
    Quan cận thần cúi đầu:
    -Bệ hạ anh minh. Bệ hạ anh minh.
    X   X
       X
    Hứa Văn tưởng bị chém đầu lại bỗng dưng được ở trong cung điện, chốn lầu son sang trọng, được người hầu kẻ hạ, cơm rượu dâng lên tận miệng, ca nữ đàn hát thâu đêm, gái đẹp kề tay áp ngực thì lấy làm phởn chí. Hắn lại biết sắp được cho về nước. Hắn lại biết còn có sứ thần đưa hắn về tận nơi. Hắn lại biết Hoàng đế Bắc triều có sắc chỉ quở trách Hoàng thượng nước Việt đã gây chiến. Mọi việc thay đổi như lật bàn tay. Đêm đang tối rồi lại sáng. Đời đang nhục lại hóa vinh. Kẻ tội đồ lại thành chính khách. Hứa Văn cả cười, tha hồ ăn chơi, tha hồ xài xể gái đẹp, được mấy ngày sống như vương như tướng.
    Ngày lên thuyền về Bắc triều, Hứa Văn đứng ở mũi thuyền, nhìn vào Kinh thành nước Việt, quay sang nói với Lý Vân:
    -Thẹn cho nước Việt ngươi, nước yếu thì hèn, thế hèn nên chịu nhục.
    Rồi cười ha hả.
    Lý Vân không nói gì, đưa sáo lên thổi.









    33.
    Gió biển thổi như xát muối vào mặt Lý Thắm, mà cũng không biết do gió biển mang hơi muối mặn chát hay chính nước mắt của nàng đang nhòa ướt trên má. Nàng ngồi thu lu, đầu cúi, tóc xõa, im lìm như bụi rau muống biển. Trước mặt nàng là 40 ngôi mộ cát chôn cất thân xác 40 thủy binh đêm qua vừa ngã xuống trước mũi kiếm của giặc. Theo lệnh Lý Nhất, tất cả xác anh em thủy binh đều mang từ đảo Núi Lửa về đảo Vú Cát chôn cất. Khu huyệt mộ được chọn đặt ngay trên đỉnh Vú Cát, nơi cát bằng phẳng, cao ráo, và ở đây có thể phóng tầm mắt nhìn khắp biển cả. Lý Thắm ngồi trước, sau nàng là toàn bộ dân binh, thủy binh, các cô gái trẻ. Trong nắng, trong gió cát, tiếng khóc của họ được gió mang ra biển, được sóng biển xô đẩy về tới đất liền, là nàng hy vọng thế, để đất liền biết được đêm qua, máu đã đổ trên đảo xa cương giới.
    Lý Thắm vẫn giữ trên tay mình vốc cát đưa từ đảo Nước Lửa sang, vốc cát thấm đỏ máu của anh em thủy binh. Nàng đặt vốc cát thấm máu ấy xuống trên một mô đất cao, thắp hương. Những nén hương đưa từ đất liền ra từ  tháng trước, tưởng là để phục vụ cho những lần cúng bái thổ thần, nay được dùng hết để thắp hương tiễn biệt người đã khuất.
    Những gương mặt của thủy binh, dân binh, của các cô gái khô hanh trong gió cát, đăm đăm nhìn xuống bốn mươi ngôi mộ cát, không ai nói gì hết, chỉ có tiếng khóc âm ỉ chảy dài, vang âm u trong nỗi đau đớn xé ruột.
    Đô tướng Lý Nhất đứng trầm ngâm, mắt ráo hoảnh.
    Chàng biết đây chưa phải là trận đánh cuối cùng.
    Chàng biết rồi trên từng hòn đảo, sẽ còn nữa thân xác của anh em phải ngã xuống vì cương giới. Rồi những trận đánh tới, đến lượt chàng cũng có thể chết. Nhưng điều đó không quan trọng bằng những hòn đảo này vẫn mãi thuộc về nước Việt.
    Huệ Hương nhìn đăm đăm vào bốn mươi ngôi mộ, bốn mươi ngôi mộ vun cao trong cát, nằm im lìm trong hương khói. Nàng đã trải qua một cuộc binh đao và giờ thì nàng hiểu, vì sao nàng cần phải vững vàng, vì sao nàng cần phải sẵn sàng cùng các chị em cầm kiếm, cầm cung nỏ để khi cần thì thay thế anh em binh sĩ.
    Đất đai tiên tổ ở đâu cũng là đất đai tiên tổ.
    Đất đai tiên tổ ở đâu cũng giống nhau, cũng thấm máu mồ hôi và nước mắt của con cháu Việt, dù là hạt phù sa đỏ đồng bằng, bụi đất bạc màu trên núi cao hay bùn lầy sú vẹt ven biển và cát vàng ở đảo xa, ở đâu cũng linh thiêng, cũng mang đậm dấu chân, hồn vía của nhiều thế hệ Việt đã giữ gìn, đã bảo vệ, đã  sống và chết truyền đời như thế.
    Đất đai tiên tổ là quê hương bản quán, là nơi cha mẹ đào đất chôn nhau cắt rốn của con cái mình, là nơi để đào bới trồng cây lúa cây khoai, là hơi thở đẫm mồ hôi của ông cha, những giọt mồ hôi ướt đẫm trong nắng rát, trong mưa bão, trong đói khát, trong sự cần mẫn để gieo trồng và thu hái, để nuôi con nuôi cái, hà hơi tiếp sức cho nhiều thế hệ người Việt lớn lên, sinh tồn, bám trụ.
    Đất đai tiên tổ làm chứng cho biết bao lớp lớp cháu con, lớn dậy và trưởng thành, quen hơi bén tiếng, yêu nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà làm cửa, sống trên đất, chết trong đất, niềm vui và nỗi buồn, tất cả đều không rời đất, không xa đất, tất cả quần tụ và quyến luyến với đất đai quê hương, làng xóm, cả nước mắt  nụ cười, cả khao khát và chờ đợi, tất cả đều có đất làm chứng, có đất nâng đỡ, có đất dìu dắt, trong đất là xương cốt của tổ tiên, xương cốt người Việt làm ra đất đai tiên tổ người Việt.
    Đất đai tiên tổ là nơi trời đã định, phận đã liệu, từ cương giới đất liền đến nơi biển cả, không xâm chiếm của ai, không giành giật của ai, một hạt bụi cũng là của người Việt, một cây cỏ cũng thuộc về người Việt, đời đời kiếp kiếp như thế, ai chiếm đoạt thì bị trừng phạt, ai phản bội thì phạm trọng tội, trong đất có hồn vía cha ông, có sức mạnh nước non, có lời thề truyền đời giữ đất của các bậc tiền bối, không ai được phép quay lưng trở mặt, lấy sức mà giữ gìn, lấy cả máu ra mà giữ gìn, không thể khác.
    Đất đai tiên tổ là nơi chia sẻ, là nơi đón nhận, là nơi ủ ấm những thân xác con cái người Việt đã bỏ mạng vì các cuộc chiến giữ đất giữ nước, sống thì cùng đất làm nên hạt lúa củ khoai, cùng đất rảo bước trên những nẻo đường, cùng đất cười đùa khi hạnh phúc, vục mặt vào đất khi khổ đau, bấu vào đất khi chân yếu tay mềm, tựa vào đất khi trời không yên, biển không lặng, chúi mặt vào đất khi tủi thân, khi buồn bã và cô độc, nằm yên ả trong đất khi nhắm mắt xuôi tay. Sống thì bảo vệ đất đai, chết thì nằm trong đất đai, người Việt mãi là như thế, yêu đất đai và thề chết vì đất đai tiên tổ.
    Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.
    Nhưng tiếc. Đô  tướng  Lý Nhất nhìn từng gương mặt các chàng trai, gương mặt các cô gái trẻ đang ngời ngời lên trong nắng, sung sức, ánh mắt long lanh, đẹp quá, những gương mặt người Việt đẹp như thiên thần. Vì sao họ không được yên ổn để sống, để yêu nhau, để sinh con đẻ cái, để làm chồng làm vợ? Vì sao họ lại phải chết trẻ, chết trinh nguyên trong trắng vào cái tuổi như quả trên cây mới chín. Biết là họ chết vì bảo vệ đất đai tiên tổ, nhưng tiếc, quặn lòng vì đau đớn, sôi ruột vì căm thù giặc giã, bàn tay Lý Nhất nắm lấy thanh kiếm mà ước chi có thêm ngàn sức mạnh để có thể quét sạch giặc giã, dồn đuổi chúng tới chân trời, cho cương giới mãi trường tồn yên ổn, không còn thấy cảnh chém giết man rợ, để các trai tráng và thiếu nữ chỉ biết chăm chỉ làm ăn, lo toan cuộc sống, biến đảo thành ấp thành làng, ấm êm hạnh phúc.
    Lý Nhất biết lần này Lý Đạt ra, chắc chắn sẽ được Hoàng thượng bổ sung thuyền chiến, bổ sung thủy binh. Đảo Nước Lửa sẽ còn phải tiếp tục giao tranh. Bắc triều là nước lớn, không dễ buông tay sau trận thua đau như vậy.
    Sau buổi lễ chôn cất anh em, Lý Nhất đưa toàn bộ quân binh, dân binh về đảo Nước Lửa để bắt đầu việc củng cố hầm hào công sự.
    Đảo Vú Cát chỉ còn Lý Thắm và mấy anh em bị thương và một số cô gái ốm yếu.
    Số còn lại cùng Lý Nhất lên thuyền, giong buồm về đảo Nước Lửa.

    X   X
       X
    Hoàng đế Bắc triều cho vời Lý Vân vào triều.
    Nhìn thấy Lý Vân, thân hình gầy guộc, mặt mày hốc hác, hoàng thượng Bắc triều cả cười:
    -Người Việt thiếu ăn hay sao mà đến như người đi sứ cũng gầy gò tòng teo như vậy. Ta nhìn ngươi, thấy lòng thương xót.
    Lý Vân đáp:
    -Thưa Bệ hạ, thần lấy làm  kiêu hãnh khi vừa qua đây đã được Bệ hạ cho gặp, đường xa, biển lớn, quả là thần không được khỏe. Nhưng trên đường vào cung, dân tình hai bên đường thật đông đúc, nhưng thần không thấy ai béo tốt. Bệ hạ thấy thần gầy yếu đã cảm kích vậy, chắc cả ngàn, cả vạn dân binh Bắc triều gầy gò, thiếu thốn, hẳn Bệ hạ khóc suốt đời mình cũng không hết thương xót.
    Bệ hạ cố cười:
    -Khanh đối đáp nhanh nhẹn lắm, ta lấy làm hài lòng. Khanh chuyển lời của ta đến Hoàng thượng nước Việt, đã thả Hứa Văn, lại còn cử cả sứ thần thân chinh đưa Hứa Văn về nước, quả là chu đáo.
    -Thưa Bệ hạ, thần sẽ chuyển lời.
    -Khanh nói ta nghe, có đúng là đói kém thì sinh đạo tặc, sinh trò thảo khấu, cướp bóc?
    -Thưa Bệ hạ, lẽ đời vẫn vậy.
    -Thế hóa ra vụ việc quân binh đảo Nước Lửa chặn thuyền buôn bán của ta, lại cho người cướp phá, giết người của ta, tội ác man rợ, chẳng lẽ nước Việt của khanh đã tới mức thế cùng miếng ăn phải tổ chức quân đội đi cướp bóc?
    Lý Vân cả cười:
    -Bệ hạ nói hay lắm. Thần từng nghe, Bệ hạ là người anh minh, sử sách thông thuộc, tấm lòng bao dung khôn tả. Nhưng Bệ hạ lại quá cao siêu, ở xa đời, ở xa thế thời.  Nên e vì thế mà đôi khi ở cao quá lại dễ nghe lời xằng bậy, ngồi kín quá dễ nghe trò xỏ xiên, bao dung quá dễ chứa chấp kẻ dại khờ ngu xuẩn…
    -Khanh nói vậy có ý gì?
    -Nước Việt nhỏ bé, người ít, thuyền bè ít, quân binh thủy binh đâu dám so với Bắc triều. Nhìn lại sử sách, toàn thấy Bắc triều qua nước Việt xâm lấn, chưa lần nào ghi người Việt qua xâm lấn Bắc triều. Lại nói chuyện cướp bóc, thảo khấu, nếu là thuyền buôm của Bắc triều, biển rộng, đường rộng, cứ thế đi, sao lại xua quân xua người lên đảo Nước Lửa? Lại nghe nói trên đảo Nước Lửa có thứ nước lửa, quân binh Bắc triều mang cả trăm thùng gỗ, ngàn thùng gỗ lên đấy những mong hút nước lửa mang về? Chứng cớ rành rành, lời khai của đại thần Hứa Văn ràng rành, sao Bệ hạ lại có thể nói quân binh nước Việt chặn thuyền cướp phá?
    -Khanh nghe ai lại dám chống lại lập luận của ta?
    -Bẩm Bệ hạ, Bệ hạ tin đại thần Hứa Văn hay tin thần?
    -Việc này…
    -Thần dám hỏi vậy vì nước Việt đang cưu mang một thủy binh của Bệ hạ, người này ở trên con thuyền mang chiếu chỉ của Bệ hạ yêu cầu đoàn thuyền của Hứa Văn lui binh, chưa đánh chiếm đảo Nước Lửa vội. Thế tức là đoàn thuyền buôn ấy hóa ra không phải thuyền buôn. Đoàn thuyền buôn ấy lại xuất bến theo sắc chỉ Bệ hạ là để cướp đảo người Việt. Có thể Bệ hạ chưa thấy việc xuất binh là lợi nên ra sắc chỉ lui binh, nhưng Hứa Văn vì tham lợi riêng, đã chém giết người Bệ hạ trên thuyền, đơn phương xâm chiếm đảo Nước Lửa. Bệ hạ cử người mang sắc chỉ đi mà họ sống chết thế nào Bệ hạ cũng không rành, lại để Hứa Văn bất tôn thánh chỉ, tự ý làm càn, giờ lại theo lời quân sĩ dựng chuyện người Việt cướp bóc, uy nghiêm như Bệ hạ, chẳng lẽ không biết đâu trái, đâu phải, đâu chính, đâu tà?
    Hoàng thượng Bắc triều cả giận:
    -Ta sẽ lấy đầu ngươi. Làm gì có chuyện chiếu chỉ của ta cho đoàn thuyền của Hứa văn lui quân. Làm gì có chuyện ta ra sắc chỉ đưa quân sỹ đi cướp đảo nước Việt. Ngươi chỉ là sứ thần, lại dám vu oan giáo họa, lại dám tung lời xách mé, làm nhục triều đình, làm nhục Hoàng đế Bắc triều, ngươi đáng tội chết ba lần không xứng.
    Lý Vân im lặng, từ từ đưa ra tờ chiếu chỉ, cung kính:
    -Xin Bệ hạ ngự lãm.
    Chỉ liếc mắt, hoàng thượng Bắc triều đã biết vì sao Lý Vân lại cứng cỏi đến thế.
    Hoàng thượng cả cười:
    -Khá khen ngươi xứng với sứ thần nước Việt, lúc nào cũng cứng cỏi, không coi cái chết làm sợ, nói là nói, không vụ lợi cũng không né tránh, ta lấy làm cảm kích. Ta sẽ ban thưởng.
    Lý Vân nói:
    -Thưa Bệ hạ. Nói thật, đưa ra chứng cứ thật để mong được ban thưởng, e không phải cốt cách quân tử.
    Hoàng thượng hỏi:
    -Vậy ngươi muốn gì?
    Lý Vân nói:
    -Thưa Bệ hạ, cái thần muốn thì đã có rồi, đó là cương giới đảo của nước Việt đã ghi dấu trong bản đồ nước Việt, nhiều triều Hoàng đế Bắc triều cũng đã tự xác tín, vậy nên, để êm ấm bang giao, từ nay khỏi bàn đến chuyện tranh chấp, tránh hiểu lầm, tránh binh đao, những mong Bệ hạ lần nữa xác tín chủ quyền cương giới cho người Việt.
    Hoàng thượng lúng túng nhưng làm bộ nổi cáu:
    -Ngươi chỉ là sứ thần, đâu ngang bậc đế vương mà đòi hỏi những điều như vậy?
    Lý Vân nói:
    -Thưa Bệ hạ, những đòi hỏi các nước lân bang phải công nhận cương giới của nước Việt thì không chỉ Hoàng thượng của nước Việt mới có quyền nói, mà mỗi thần dân nước Việt đều có quyền nói, đó là lẽ thường thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng nhìn Lý Vân hồi lâu:
    -Ta có nghe, nhà ngươi xuất thân từ nho sĩ?
    -Thưa Bệ hạ, đúng thế.
    -Nho sĩ thì chỉ giỏi chữ, lấy chữ làm vui thú, ta có thể ban cho ngươi đủ tiền bạc, đủ sung sướng để ngươi sống, cả đời vui ca, ngâm nga chữ nghĩa, việc cương giới ngươi đừng nên bận tâm…
    -Thưa Bệ hạ, chữ phải viết ra từ ruột gan mình, từ máu thịt mình, từ lòng tự trọng của mình, từ tình yêu đất nước tổ tiên mình,  nếu vì cơ hội để nhận sự no đủ, sung sướng rồi dùng chữ mà ca ngợi kẻ vong ân bội nghĩa, ca ngợi kẻ bỏ bê việc nước, phản bội tổ tiên, thì e chữ ấy là chữ của kẻ mang thân phận như lũ cẩu, suốt đời chỉ biết cắm mõm vào thức ăn bố thí để sủa lên, tru lên, rặn thành những lời gian trá, bóp méo sự thật, xưng tụng và bợ đỡ cho lũ quan quyền ăn trên ngồi tróc, bán nước vong thân, những kẻ viết ra loại chữ ấy đất Việt không dung thân thưa Bệ hạ.
    Hoàng thượng im lặng, ngẫm nghĩ rồi lại nói:
    -Người tài cao, trí rộng, nếu ngươi chịu phụng sự cho Bắc triều, lòng ta đang thực sự mến mộ và xin được chiêu hiền đãi sĩ. Nước Việt bé nhỏ, dân trí thấp kém, ngươi ở đó phụng sự phỏng làm thui chột trí lực, phí hoài năng khiếu?
    Lý Vân đứng lên:
    -Thưa Bệ hạ, cây có đất mới bén rễ, người có tổ tiên mới trưởng thành, chữ có cốt cách mới nên vần điệu, thần là con dân nước Việt, chữ của thần, trí của thần là nhờ nước Việt mà nên, không thể mang chữ đi buôn bán thụ hưởng cho riêng mình. Người vô đạo thì thất đức, kẻ vong ơn thì trí hèn, thần không phải hạng đó.
    Hoàng thượng lớn tiếng:
    -Ta có quyền nhốt ngươi trong ngục tối, ta có quyền định đoạt mạng sống của ngươi nếu ngươi chống ta.
    Lý Vân nhã nhặn:
    -Thưa Bệ hạ, Bệ hạ nói đúng lắm. Thần chỉ là kẻ nho sĩ, chân yếu tay mềm, cầm cây kiếm cây đao còn chưa vững, mang thân đi sứ, mạng sống nằm trong tay Bệ hạ. Bệ hạ có thể chém thần, có thể giam cầm, nhưng chỉ xin Bệ hạ nhớ cho rõ ràng, thần qua đây là mang ý chỉ của Hoàng thượng nước Việt, cũng là lời của người dân Việt, cương giới nước Việt là của nước Việt, điều đó là không thay đổi, điều đó là không ai cưỡng đoạt được. Người Việt yêu chuộng hòa hiếu nhưng khi cần thì dù đầu rơi máu đổ cũng đổ ở cương giới để giữ đất đai tiên tổ. Nếu các nước lân bang cậy thế, cậy lực mà cướp đoạt đất đai người Việt thì đời này, đời sau, kiếp sau, người Việt cũng thề lấy lại. Thần đã nói hết. Mạng thần đây, Bệ hạ nếu thả thì thần sống, nếu chém thì thần chết, không còn gì phải ân hận.
    Hoàng thượng Bắc triều phẩy tay.
    Lý Vân lui ra.
    Quan nội cung bước lại:
    -Bẩm Bệ hạ…
    Hoàng thượng quắc mắt lên:
    -Gọi Hứa Văn cho ta.
    >> xem tiếp phần 8