Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

By: Unknown On: 13:23
  • Chia sẻ bài này >
  • Kỳ 3: MÀN KỊCH ( 2)


    Người đi vượt lên đầu tiên đội mũ cối là Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường ( này là ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp), đi nhóm sau, bên trái, mang áo phông đen là phóng viên Minh Phong, đi hàng giữa đội mũ cối là chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương
    Tôi bước ra ngoài trời đêm.
    Trăng sáng kỳ lạ. Trăng lạnh. Mảnh làng người Rục dưới chân núi im lặng.
    Người Rục là một tộc người thiểu số sống chủ yếu trong hang đá. Năm 1959, bộ đội biên phòng đã tìm và đưa bà con ra ở thành làng. Cách đây mấy năm, nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng nhà cửa, đường, trường học, trạm xá cho đồng bào, những mong đồng bào có cuộc sống đổi thay, sống ổn định, thoát khỏi cảnh du canh du cư. Dự án được thực hiện về cơ sở hạ tầng tương đối khá, nhưng kỳ lạ là người ta đã chọn một nơi đất canh tác không có, đất trồng lúa không có, thành ra, bà con muôn đời đã ăn sắn, ăn ngô, ăn củ rừng, về đây, những mong có lúa có gạo ăn lại tiếp tục ăn sắn, ăn ngô, ăn củ rừng. Chuyện này nói sau.
    Một thanh niên làng đứng cạnh tôi hỏi: Cán bộ báo Vinh có thấy đêm nay có điều chi khác?. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói: Làng không có con nít khóc. Vì sao? Dạ. Vì nhờ mấy cán bộ báo cho gạo, đêm ni  con nít ăn no, ngủ, không khóc.
    Im ắng.
    Gần sáng rồi. Vẫn thấy thấp thoáng bóng cán bộ đi lại.
    Anh thanh niên lại nói: Ngày ni, cán bộ bắt bà con dọn sạch đường sá, làm vệ sinh nhà cửa, ngày mai đón cán bộ tỉnh.
    Đúng vậy. Mấy ngày nay đường làng bê bết phân trâu, nay được dọn sạch. Bếp núc nhà ai cũng gọn gàng. Trẻ con được tắm rửa. Đồ đạc trong nhà được sắp xếp không còn nhếch nhác, hoang tàn như trước.
    Họ muốn lãnh đạo tỉnh và ống kính quay phim ghi nhận một cuộc sống nền nếp, tươm tất, no đủ chăng?
    Một cuộc sống khác với những gì chúng tôi đã phản ánh là đói kiệt, là hoang tàn, là bơ phờ trong cơn đói chăng?
    Để làm gì? Trong khi phải đi cứu dân đói thì những nhà chức trách biểu diễn màn kịch này để làm gì.
    Gạo tới tấp được chuyển lên theo chân đoàn lãnh đạo tỉnh
    Sáng sớm, cán bộ huyện, cán bộ xã tới tấp về thôn. Ai cũng tất bật. tay chủ tịch xã trong cái áo bơludông bộ đội xăng xái đến từng nhà dân ngó nghiêng, quát nạt làm vệ sinh, dọn nhà cửa, gằm ghè với lũ thanh niên, gằm ghè với 3 anh em chúng tôi.
    Bộ đội biên phòng kết bè thành con phà nhỏ, giăng dây bên này bên kia để chuẩn bị chở đoàn cán bộ tỉnh qua con hói cuối cùng trước khi vào thôn.
    9 giờ sáng.
    Bên kia con hói, hàng chục chiếc xe con đủ loại tràn đến. Lúc này nước đã rút hết, chỉ còn con hói này nữa. Đoàn xe lãnh đạo tỉnh., lãnh đạo huyện, lãnh đạo các ngành ùn ùn kéo tới đông như trẫy hội. Mấy cái xe tải quân sự chở gạo, mỳ tôm , nhu yếu phẩm cứu trợ dân rú ga inh ỏi.
    Cả bến sông nhỏ ồn ào náo động. Tiếng người. Tiếng động cơ ô tô. Tiếng hò hét. Tiếng ra lệnh.
    Bà con thấy nhiều người nhiều xe thì chạy ra xem.
    Tôi nói với Minh Phong: Giá như mấy tháng nay, cán bộ lãnh đạo các cấp về đây nắm chắc tình hình, cứu trợ bà con thì tốt biết bao. Bây giờ thấy phê bình lãnh đạo bỏ dân thì tất cả ào ào về, đúng là bi hài.
    Minh Phong làu bàu: Thấy báo viết phê bình, thấy công điện Thủ tướng, tất cả bắt đầu rối lên kéo đoàn kéo lũ đi cứu trợ, đi thăm dân.
    Phan Phương khịt khịt mũi: Ai không biết tình hình, thấy cảnh này cảm động muốn khóc anh hè?
    Có vẻ như Bí thư tỉnh ủy Hà hùng Cường và chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương rất ngạc nhiên khi vừa bước từ dưới chiếc phà tự tạo lên đã nhìn thấy 3 anh em chúng tôi.
    Bí thư Hà Hùng Cường chào rất to: Chào nhà báo
    Nhưng không bắt tay và bước thẳng.
    Chủ tịch Phan  Lâm Phương cũng bước thẳng.
    Đoàn cán bộ đi theo cũng bước thẳng.
    Phía sau, gạo  bắt đầu chuyển lên bờ. Cánh thanh niên và bộ đội lấy xe bò kéo gạo về thôn.
    Mấy thanh niên nói to: Chưa khi mô gạo về thôn nhiều như ri. Có người hiểu tình hình nói: Không có mấy cán bộ báo kêu dân đói, lấy mô ra gạo nhiều rứa.
    Đoàn cán bộ tỉnh đến từng nhà dân.
    Chủ tịch Phan  Lâm Phương vào nhà ông Cao văn Hiếu thấy gạo: Ua chầu, gạo đây sao nói với nhà báo là đói. Ông Hiếu nói: Gạo cán bộ báo mới cho hôm nay. Ông Chủ tịch lờ đi, bước sang nhà khác.
    Tôi đi bên Bí thư Hà Hùng Cường. Tôi bày tỏ thái độ không đồng tình với cái cách cán bộ ép dân nói dối đêm qua. Ông Bí thư im lặng. Tôi nói: Anh đã xem phim chuyện làng Nhô chưa? Anh định biến làng này thành làng Nhô à?
    Ông Bí thư im lặng.
    Đoàn cán bộ vào nhà chị Cao Thị Hóa. Hỏi nhà chị ăn nòng nọc đúng không. Chị Hóa nói, không có chi ăn thì ăn nòng nọc thôi. Mà nòng nọc cũng hết rồi.
    Có ai đó nói  thì thầm với Bí thư tỉnh ủy câu gì đó, Bí thư Hà Hùng Cường quay sang tôi: Nòng nọc là đặc sản của bà con ở đây. Tôi nổi điên lên: Nếu ai đó nói nòng nọc là đặc sản thì mở cửa hàng bán nòng nọc đi.
    Bí thư im lặng  đi tiếp.
    Sau gần một giờ kiểm tra tình hình ở thôn Ón, đoàn cán bộ tập trung cán bộ cốt cán thôn ở một ngôi nhà.
    Người dân kéo đến.
    Truyền hình tỉnh, phóng viên báo tỉnh hăng hái làm việc.
    Tôi bấm Minh Phong len vào thật sát và những máy ghi âm mang theo mở hết. Phải ghi không sót bất cứ một từ nào.
    Bí thư, Chủ tịch tỉnh ngồi một góc. Quanh đấy là cán bộ. Trước mặt là ông trưởng thôn.
    Bí thư hỏi: Tình hình lũ lụt vừa qua thế nào, anh báo cáo đi
    Trường thôn nói: Dạ bà con 3 tháng nay không có gạo, mấy ngày lũ cô lập, bà con đói.
    Chủ tịch tỉnh gợi ý: Anh nói xem nói chung là có bộ đội biên phòng giúp, dù có hết gạo nhưng vẫn đủ sắn, ngô ăn phải không?
    Trưởng thôn: Dạ bà con đói.
    Một thanh niên ở đâu xông vào:
    -Cho cháu phát biểu. Cháu là dân. Cho cháu phát biểu. 3 tháng nay bà con chỉ biết ăn sắn, sắn hết thì đi đào củ mài trên rừng, có mấy bà con đói quá bỏ nhà vô hàng đá ở…Mấy ngày lũ vừa rồi nhà nào cũng đói hết. Củ mài cũng không lên rừng được vì nước lũ to lắm, đói lắm…Cháu nói thật  với các bác như rứa.
    Một sĩ quan biên phòng chen vào: Anh nói năng lung tung gì thế, đi chỗ khác,
    Tôi bước lên: Anh không định cho dân nói sự thật à?
    Tay sĩ quan biên phòng lùi lại.
    Anh thanh niên vừa lùi ra vừa nói to: Dân đói thì bọn cháu báo cáo là dân đói. Rứa thôi.
    Bí thư tóm tắt vài câu, đại khái là bà con phải cố gắng vượt qua, hôm nay tỉnh, huyện mang gạo về cho bà con, chúc bà con vượt qua khó khăn, xây dựng thôn xóm tốt đẹp, chăm lo sản xuất…
    Đoàn lãnh đạo tỉnh sang thôn Mò o ồ ồ và thôn Yên Hợp.
    Bên đó 3 tháng nay cũng không còn hạt gạo nhưng sắn , ngô thì còn, nhưng nhiều gia đình vẫn trắng tay, chạy ăn từng ngày, coi như đứt bữa.

    Người đàn ông này đói quá trở lại hang đá sống, nay nghe tin có gạo thì ra nhận-Đứng bên cạnh là Bọ Vinh
    Tôi nói với Minh Phong và Phan Phương: Hiểu rồi, về thôi.
    Chúng tôi quay về.
    Suốt dọc đường ba anh em buồn ghê gớm. Tôi nói, tao hy vọng, Bí thư và Chủ tịch tỉnh gặp dân chỉ cần nói: Chúng tôi xin lỗi bà con, vì bà con gặp khó khăn vì lũ lụt mà cán bộ lên chậm, quan tâm chậm, chúng tôi xin lỗi, chỉ cần thế thôi thì tao sẵn sàng viết một bài  ngay.
    Nhưng không phải như vậy.
    Họ lên để khẳng định  họ rất quan tâm đến bà con.
    Họ lên để ti vi quay, để cho cả tỉnh biết, đời sống của nơi đây không như báo chí phản ánh. Để rồi chúng mày xem.
    Minh Phong cười khùng khục: tay trưởng thôn dù đã được quán triệt cả đêm cách phát biểu có lợi cho lãnh đạo tỉnh, thế mà vì bản chất thật thà chất phác của người dân tộc, vẫn nói bà con đói, bà con đói.
    Chúng tôi cùng phì cười.
    Tối đó, ti vi Quảng Bình phát phóng sự về chuyến thăm nhân dân xã Thượng Hóa của đoàn lãnh đạo tỉnh.
    Ui trời ơi, thực tế khó khăn bay biến đâu hết, chỉ thấy những bao ngô đổ ra, chỉ thấy những bao gạo đổ ra, chỉ thấy người dân cám ơn cán bộ. Những lời phản ánh chân thực bà con đói, bà con đứt bữa không thấy xuất hiện, chỉ thấy hình ảnh nhà dân hồ hởi nhận gạo.
    Tôi tắt ti vi và im lặng.
    Một màn kịch hoàn hảo theo tỉnh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Hơn thế, VTV 1 còn phát mấy phút về tin lãnh đạo tỉnh lên thăm đồng bào và lời Bí thư Hà Hùng Cường nói với bà con với giọng cảm động, đầy chia sẻ, đầy trách nhiệm.
    Nêu ai không có thực tế tại nơi đây, tất cả đều cảm động.
    Và ngay ngày hôm sau, làn sóng dư luận Quảng Bình dậy lên: Báo Lao Động bịa đặt. Các nhà báo Nguyễn Quang Vinh, Minh Phong, Phan Phương lần này sẽ bị đuổi việc, dám viết vu khống, dám nói rằng bà con Rục đói, đứt bữa, có ý đồ chính trị, vi phạm chính sách dân tộc. Có kẻ to mồm hơn thì nói to nói nhỏ: Khởi tố chúng nó đi.
    Quán cà phê chúng tôi vẫn ngồi, thường bao giờ cũng vài chục nhà báo túm tụm tán phét mỗi sáng, bây giờ chỉ còn 3 anh em chúng tôi.
    Hình như bạn bè đồng nghiệp cũng không dám ngồi.
    Mấy đêm liên tục, đài truyền hình Quảng Bình phát sóng liên tục cuộc sống dù còn khó khăn nhưng bà con người Rục xã Thượng Hóa vẫn đủ gạo, đủ sắn, đủ ngô ăn, không có tình trạng đói như các báo Trung ương nêu. Rồi cán bộ huyện trả lời phỏng vấn quan tâm dân, cán bộ xã trả lời phỏng vấn quan tâm dân…vân vân.
    Báo Quảng Bình viết mấy bài dài dằng dặc ca ngợi dự án người Rục, mang lại cuộc sông ấm no cho đồng bào.
    Chúng tôi nhận được những ánh mắt nghi ngờ.
    Phan Phương thốt lên: Sao người ta có thể  đảo ngược sự thât như thế này?
    Minh Phong bình tĩnh hơn: Đã tung tài liệu mật của anh em mình ra chưa anh?
    Tôi hút thuốc, nói chậm: Chưa cần. Phải chờ đã. Tình hình đang căng, anh em mình đang bị cô lập, bạn bè đồng nghiệp có thằng hèn lẫn tránh đã đành, thằng tốt cũng vì nhiều lý do mà tránh mặt. Anh nhắc, bảo vệ ảnh, ghi âm.
    Phan Phương hỏi: Mấy ngày tới làm sao anh?
    Tôi nói: Không biết. Xem người ta làm gì đã. Bây giờ công việc trước mắt là tập trung nhận gạo cứu trợ, hướng dẫn cho các đoàn cứu trợ mang gạo lên cho đồng bào. Mình viết Sự thật này cũng chỉ mong bà con có gạo ăn, no ấm. Mình không phải viết để hạ bệ ai. Còn người ta muốn né tránh kỷ luật, người ta phải làm thế thôi.
    Động viên mấy thằng em vậy nhưng tôi cũng hoang mang lắm.
    Hoang mang không phải vì sợ mình nhận một kết cục buồn, chuyện đó chẳng sao, miễn là mình trung thực. Hoang mang là vì hình như ai cũng tin rằng, ba anh em chúng tôi đã viết sai sự thật.
    Thậm chí còn có người nói: Bọn mình lên đó, đường khô ráo, nước lũ đâu mà mấy tay nhà báo bảo là bơi 4 tiếng. Nói láo.
    Minh Phong điên tiết vì câu nói kháy này lắm.
    Tôi an ủi: Kệ họ. Đúng là mấy ngày sau họ lên nước rút hết thì họ nói vậy. Còn việc chúng ta bơi 4 tiếng vào với bà con có sự chứng kiến của hàng trăm người dân, của xã, của huyện, của đồn Biên phòng, đôi co chuyện đó làm gì.
    Tập trung hướng dẫn các đoàn cứu trợ mang gạo cho dân đã. Chuyện đó mới là mục đích chính để các bài điều tra của anh em mình đạt tới.
    Đêm ba chúng tôi hầu như không ngủ. Nhắn tin nhau thông báo tình hình, động viên nhau.
    Mình rất căng thẳng và buồn
    Tôi điện cho một số cán bộ lãnh đạo, tất cả đều không cầm máy.
    Tôi điện cho lãnh đạo báo Quảng Bình tại sao lại đưa tin thiếu trung thực như vậy. Câu trả lời âm ớ.
    Tôi điện cho cậu quay phim truyền hình, tại sao dân trả lời là đói, là đứt bữa, là hết gạo 3 tháng mà khi về lại cắt đi để làm sai lệch sự thật mà không biết ngượng? Câu trả lời là bác thông cảm, bọn em làm theo chỉ đạo. Hèn quá. Người khác hèn không chấp, đồng nghiệp mình  hèn thì rất đau đớn.
    Tôi không ngủ được.
    (Còn nữa)
    Kỳ 4: NGẠT THỞ
    ————————–
    CM của Minh Phong:Có một chuyện cay đắng mà em chưa hề nói ra. Hôm nay nói luôn. Nhân tiện anh nói đồng nghiệp hèn. Hôm đó, chiều đó, xong bài, em truyền vào Tóa soạn, được phản hồi là bài viết tốt. Thở phào ra quán cà phê Tháp Nước. Đang ngôi suy nghĩ, tính toán căng như dây đàn thì tự nhiên (không ngẫu nhiên) có hai nhà báo khác sà vào. hai nhà báo này trước đó em quý họ vì lớn tuổi, có tuổi nghề cao. Nhưng từ sau chiều đó, mọi thứ tôn trọng mất đí mà chỉ thấy họ kỳ kỳ thế nào. Họ ngồi hai bên em, không uống gì, chỉ gọi 2 ly trà đá. Mỗi người một cách, kẻ tung, người hứng, hai nhà báo đáng kính đối với ai đó bảo em đừng viết bài nữa, nếu truyền vô Tòa soạn rồi thì xin thu hồi lại đi chứ viết thế là không ổn, là đứt, là tầm bậy, không ai bảo vệ chú mô. Em vặc lại, không ổn chỗ nào, tầm bậy chỗ nào, em có bôi nhọ sự thật đâu. Hai bác đi tuyên huấn chú à? Mớm câu đó xong là họ lộ rõ bản chất nham hiểm, nói lại câu ngọt như mía lùi: “Tùy chú thôi. Bọn anh nói rứa chú có nghe hay không là tuỳ, để rồi sau này có chuyện chi lại trách bọn anh không bày vẽ”.
    Trời đất. Anh thấy có hèn không. hai nhá báo này sơ qua vài dòng rứa thì anh biết là ai rồi đó. Sau này, một trong 2 người nói với Phan Phương là bây viết tầm bậy. Phan Phương khịt khịt mũi chửi lại một tăng, lão ta tắt đài. Hèn quá. Ngoài một màn kịch vụng về thì có một màn kịch “lấy công” khác của những nhà báo hèn với chính quyền cũng vụng về đáo để.
    ——————-
    CM của Phan  Phương:
    Có lẽ lần đầu tiên đồng bào Rục đón nhiều ôtô đến vậy anh hè? Sáng đó,trong đoàn cán bộ tỉnh có những đồng nghiệp đáng kính của anh em mình nhưng hôm đó sao những gương mặt ấy lại lạnh tanh như thế. Ngày thường anh em vẫn ngồi uống cà phê với nhau kia mà? Em vẫn còn nhớ như in, lúc lãnh đạo tỉnh họp mặt bà con lại để nghe “báo cáo” tình hình thì một người thanh niên (đó là Cao Lành, một người được xem là sản xuất giỏi nhất bản Ón) đã đứng lên nói lớn:”Cho cháu phát biểu. Cháu là dân. Cho cháu phát biểu. 3 tháng nay bà con chỉ biết ăn sắn, sắn hết thì đi đào củ mài trên rừng, có mấy bà con đói quá bỏ nhà vô hàng đá ở…Mấy ngày lũ vừa rồi nhà nào cũng đói hết. Củ mài cũng không lên rừng được vì nước lũ to lắm, đói lắm…Cháu nói thật với các bác như rứa. Nếu cháu nói sai thì cháu xin đi tù…” Lập tức, những chiếc máy ghi âm của các nhà báo đều chỉa về phía Cao Lành. Em mừng thầm trong bụng: ” Các nhà báo đã ghi được những lời thật của một nguời dân, sẽ góp một tiếng nói về sự thật ở bản Rục…” Nhưng em đã lầm anh ạ, sáng mai các bài báo của các nhà báo đi theo đoàn cán bộ hôm đó được đăng, phát hoành tráng nhưng không mảy may có một lời nói nào của Cao Lành cả mà tình hình hoàn toàn ngược lại…? Đáng lẽ em không nhắc lại chuyện ni mần chi nữa cho thêm buồn…Nhưng đó chỉ là một số cá nhân nhỏ thôi phải không anh? Bằng chứng là sau đó, rất nhiều những đồng nghiệp trong cả nước đã về Quảng Bình, lên bản Rục phản ánh sự thật chia lửa cùng anh em mình. Anh phải có một entry riêng về họ anh nhé
    Viết bởi Phan Phương
    =====================
    Còn đây là CM của một cựu sinh viên Đại học Luật gủi cho ông Hà Hùng Cường- GV Thỉnh giảng Luật Quốc tế Đại học Luật
    Đọc cái câu thầy Cường nói: ” Nòng nọc là đăc sản của dân vùng này” mà em buồn quá thầy ạ. Chắc là cho dù bây giờ có nhiều món đồng quê được nâng cấp lên thành đặc sản trong những nhà hàng sang trọng, thì em không nghĩ thầy sẽ sẵn lòng thưởng thức cái đặc sản đó.
    Em hy vọng  thầy Cường dù “trăm công ngàn việc” ở trọng trách mới cũng sẽ cố dành thời gian đọc những bài này. Thầy không biết rằng có bao nhiêu sinh viên của thầy đã ngưỡng mộ thầy biết bao, hẳn sẽ có bao nhiêu người ngạc nhiên( hay không ngạc nhiên!!) khi biết thầy đã hành xử như thế. Nhưng mà em có thể hy vọng thêm được không thầy????: khi thầy có dịp được soi mình trong những bài viết này và với cương vị mới, quyền hành lớn hơn thầy sẽ có cơ hội giúp cho người dân nhiều hơn, để làm sao những người dân không phải ăn” đặc sản nòng nọc”, để những người làm báo có dũng khí và tấm lòng không phải khổ sở vì dám nói lên sợ thật, để bộ máy chính quyền thực sự vì dân hơn. Thầy được sinh ra cũng từ nhân dân đó, tại sao khi có quyền lực trong tay thầy lại bỏ rơi họ! Thầy nghĩ sao nếu một ngày nào đó, thầy được mời đi dạy về Luật Nhà nước chẳng hạn, thầy sẽ nói gì với những công chức tương lai! thầy sẽ dạy họ thương dân cho dù tình thương bé xíu bằng móng tay cũng được hay là sẽ nói vói họ về nghệ thuật lẩn tránh sự thật!
    Em xin lỗi vì có lúc thất vọng quá đã hỗn xược với thầy, nhưng em nhớ về ngày trước khi thầy xuất hiện lung linh trong mắt lũ sinh viên chúng em và vẫn xin đựoc thành kính gọi thầy là thầy giáo của em. Kính thầy tha lỗi cho ngừoi học trò bất nhã này. Và em hy vọng trong tương lai em sẽ được nghe những tin tốt lành về thầy, lúc đó em sẽ ngẩng cao đầu, mắt long lanh, mặt rạng rỡ mà nói với người bên cạnh là” Thầy giáo cũ của tôi đấy”, thầy có cho em cơ hội đó không thầy!
    Viết bởi Hồng Nhật