Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tagged Under:

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

By: Unknown On: 13:20
  • Chia sẻ bài này >
  • Kỳ 2: MÀN KỊCH ( 1)
    Ngay trong đêm tôi viết xong bài, truyền ra tòa soạn, tôi gọi cho anh Chất chủ tịch huyện Minh Hóa: Ngày mai bằng mọi giá anh phải tìm một con thuyền gỗ, chở gạo vào cho đồng bào. Họ đang kiệt quệ vì đói. Không lý gì một chủ tịch huyện như anh lại không thể kiếm một con thuyền gỗ chở gạo vào trong đó được. Anh lấy thuyền nơi khác, cho lên ô tô, chỉ vài giờ đồng hồ là bà con đã có gạo, tại sao cả 7 ngày nay không làm. Anh Chất dạ dạ dạ. Tôi nói, báo Lao Động ngày mai sẽ mang vào cho bà con 5 tấn gạo. Anh điện cho xã tổ chức người cùng chúng tôi mang vào ngay. Anh Chất dạ dạ dạ.
    Phóng viên Nguyễn Quang Vinh ( thứ 3 từ trái sang) vác gạo mang vào cho dân)
    Sáng hôm sau, ngay trong chường trình chào buổi sáng của VTV 1, mục điểm báo, truyền hình dành thời gian rất dài đọc và bình luận về bài điều tra dân đói của tôi trên Lao Động. Hàng trăm bản in từ trang điện tử báo Lao Động đến ngay các vị cán bộ ngành, huyện Quảng Bình. Cũng sáng đó, báo Sài Gòn giải phóng, báo Công an nhân dân, báo Nông thôn ngày nay đồng loạt ra mắt. Tất cả đều khẳng định, 600 người dân của bà con dân tộc Sách, Rục, Mã Liềng đang đói và bị chính quyền các cấp bỏ rơi. Xôn xao khắp tỉnh. Điện thoại các nơi tới tấp gọi về tỉnh. Ngay chiều hôm đó là công điện khẩn của Thủ tướng. Hôm sau là công điện của Tổng Bí thư yêu cầu Quảng Bình báo cáo ngay.
    Đoàn lãnh đạo Quảng Bình vội vã rút ngắn thời gian công tác nước ngoài, chạy về tỉnh vì điện của Thủ tướng yêu cầu báo cáo ngay những nội dung đã phản ánh trên báo Lao Động.
    Không ai nói công khai, nhưng sau khi có công điện của Thủ tướng, sóng ngầm rất mạnh. Người lo lắng. Kẻ hả hê. Người hoang mang. Kẻ chửi mắng.

    Chúng tôi lại trở vào bản Ón
    Chúng tôi  nhận được chỉ thị của tòa soạn bắt đầu chiến dịch hỗ trợ bà con. Hàng trăm cú điện thoại gọi cho tôi ở nhiều công ty, cá nhân trong cả nước thông báo về việc nhiều nơi đang khẩn trương quyên góp gạo gửi về giúp đồng bào. Máy điện thoại của Minh Phong cứ đổ chuông suốt vì những cú gọi, vì những chỉ đạo của tòa soạn, vì những thông báo gạo cứu trợ của các nơi sẽ về giúp đồng bào. Minh Phong cười tít mắt: Sướng quá anh Vinh ơi, bà con có gạo, không ai quay lưng với đồng bào trong lúc hoạn nạn.
    Tôi, Minh Phong, Phan Phương lại bám xe chở gạo của Báo Lao Động lên ngay Thượng Hóa.
    Sau những tiếng dạ dạ dạ của chủ tịch huyện Đinh Minh Chất, chúng tôi lên xã, cùng xe gạo từ Quỹ tấm lòng vàng báo Lao Động, nhưng hình như có chuyện gì đó ở Ủy ban xã, mọi người nhìn chúng tôi lạnh nhạt.
    Phan Phương lúng túng nhìn đống gạo: Mần răng đưa vô được anh?
    Tôi cáu: Nước rút gần một nửa đường rồi, huy động người chở vô chứ răng.
    Minh Phong làu bàu: Xã này lạ, không thấy ai lo lắng chi cả. Bài viết anh em mình phê bình trách nhiệm của họ, họ tức, họ không hợp tác.
    Tôi gọi một chiếc công nông chở khẩn cấp trước mắt 5 tạ gạo vào. Lại thuê một số thanh niên bám theo xe, đến chỗ nào đường ngập thì bốc gạo xuống, kết bè gỗ đẩy gạo vào. Bằng mọi giá hôm nay phải có gạo tận tay dân.
    Nước rút nhanh ghê gớm. Hôm qua bơi 4 cây số, hôm nay nước đã rút gần 2/3 đường.
    Gạo huyện cũng đã vào tới nơi.
    Cán bộ huyện lúc đó hăng hái ào ào vào xã. Họp. Họp. Họp. Báo cáo. Trong thôn ra báo cáo. Ngoài huyện vào nắm tình hình.
    Nhưng không ai hỗ trợ cho chúng tôi mang gạo vào. Chúng tôi phải tự thuê xe, phải tự thuê người, phải cùng với nhóm thanh niên vác cả gạo vào cho dân.
    Tôi nói với phó thôn Ón: Anh gọi bà con đến, chia ngay cho bà con, chia ngay lập tức.
    2 tiếng sau, 5 tạ gạo đầu tiên chia xong. Tôi, Minh Phong, Phan Phương đi từ đầu thôn đến cuối thôn. Những bếp lửa đỏ rực. Có nhà nhanh tay đã nấu chín cơm. Vợ chồng con cái xúm vào nồi cơm trắng ăn với muối, với bột canh, với rau rừng nhưng ánh mắt bà con sáng rực vì 3 tháng nay, hầu như không còn ai biết đến một hạt gạo.
    Những cuộc hội ý từ xã đến huyện đến thôn.
    Có cái gì đó khang khác ở thái độ cán bộ thôn với chúng tôi. Những cái bắt tay rụt rè. Những cái nhìn rụt rè. Những câu nói vội vã. Lời cám ơn vội vã.
    Anh Lĩnh cán bộ biên phòng cắm bản đã né chúng tôi và nói nhanh: Có việc rồi, các anh đừng lại gần, có gì em sẽ báo sau.
    Bà con thì không cần quan tâm gì hết, trẻ con người lớn hồ hởi đón từng bao gạo nhỏ, hồ hởi thổi cơm và ăn sì sụp suốt ngày.
    Đó là ngày đầu tiên sau 3 tháng đói kém, sau 7 ngày bị lũ cô lập, bà con được ăn cơm no.
    Chúng tôi vui lắm nhưng ba anh em bắt đầu  nói với nhau: Thận trọng, có vấn đề rồi.
    Điện cho anh Chất chủ tịch huyện nói về tỉnh họp. Điện cho Bí thư huyện ủy nói về tỉnh họp. Điện cho trưởng đồn biên phòng nói về tỉnh họp. Điện cho chủ tịch xã nói về tỉnh họp.
    Tôi nhìn Phan Phương và Minh Phong: Về tỉnh.
    Chúng tôi về tỉnh ngay trong ngày.
    Tôi tiếp tục viết bài về việc gạo từ Quỹ tấm lòng báo Lao Động đã tới tay đồng bào.
    Phan Phương cũng viết. Minh Phong cũng viết. Minh phong còn được ” vinh dự” vào gặp Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường. Gặp đột xuất. Vì Phong làm báo Đảng thì Bí thư gặp là chuyện thường. Phong điện cho tôi. Tôi nói ngay việc cần làm. Phong nhận thức ra rất nhanh. Chuyện này nói vào kỳ sau nữa.
    Thường vụ tỉnh ủy họp qua buổi trưa. Sau đó là các cuộc họp riêng lẻ. Sau đó ủy ban tỉnh điện mời báo Quảng Bình, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình chuẩn bị theo đoàn lãnh đạo tỉnh ngày mai lên Thượng Hóa. Chúng tôi nắm thêm, tỉnh đội, bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ đưa gạo cứu trợ lên. Tôi điện hỏi văn phòng ủy ban sao không thông báo cho 3 chúng tôi đi cùng. Câu trả lời ấm ớ kiểu như sao giấy mời không đến nhỉ.
    Tôi gọi Minh Phong, Phan Phương ra quán cà phê: Tối nay phải lên lại thôn Ón. Có việc rồi. Tôi về nhà xin vợ tiền rồi vội vã quay xe vào Đồng Hới chở hai thằng ” đệ tử” Minh Phong và Phan Phương lên thôn Ón ngay chiều tối.
    Vứt xe ngay giữa đường rừng, chúng tôi lại bơi qua hai khúc đường ngập nước để vào bản Ón.
    Tình hình thay đổi trầm trọng.
    Cán bộ thôn né tránh.
    Cán bộ lạ mặt rất đông, gần như phong tỏa.
    Một vài thanh niên quen chúng tôi từ trước thì thào: Bà con mang ơn các anh lắm, không có các anh, bà con không có gạo ăn, chưa bao giờ vào mùa lũ bà con lại được nhận gạo nhiều thế này,  nhưng cán bộ dặn bà con, ngày mai tỉnh về không được nhà nào nói thiếu đói, chỉ nói gạo có hết nhưng còn sắn, còn ngô ăn, không đói.
    Minh Phong vò đầu bứt tai: Sao lại thế này?
    Phan Phương khịt khịt mũi im lặng.
    Tôi nói: Người ta đang muốn khẳng định ngược lại: Dân ở đây không đói như anh em mình phản ánh. Bởi vì nếu công nhận, Thủ tướng chắc chắn sẽ cách chức hoặc kỷ luật. Ghi âm hết nhé.
    Chúng tôi đi từng nhà. Nhưng đến nhà nào cũng thấy kè kè một hai cán bộ  đi theo.
    Người dân không nói mà chúng tôi cũng chẳng làm được gì.

    Một gia đình ở Thôn Mò o ồ ồ ngồi ở bếp, chỉ biết chờ cứu trợ
    Tất cả mỗi nhà dân đã được quán triệt: Không đói. Hết gạo thì có hết gạo nhưng nhà nào cũng có sắn, ngô, khoai ăn, không đói.
    Tối. Ba anh em nằm ở một nhà dân.
    Chúng tôi giả vờ ngủ.
    Cho đến khi thấy mấy cán bộ đi xa, chúng tôi mới ngồi dậy thì thào với mấy thanh niên làng thì được biết, cán bộ huyện, xã  dặn bà con, không được nói gì với nhà báo, ngày mai cán bộ tỉnh về, phải nói không có ai sốt rét, không có nhà nào đứt bữa…vân vân.
    Tôi và Phan Phương, Minh Phong thì thào: Màn kịch rồi. Phải cảnh giác. Họ đang muốn đảo ngược thế cờ.
    Chúng mày sợ không? Tôi hỏi.
    Minh Phong: Em đéo sợ chi.
    Phan Phương cười khì khì: Em chỉ là phóng viên hợp đồng của báo Quảng Bình, người ta đuổi là cùng, sợ chi anh. Anh sợ không?
    Tôi nói vấn đề không phải là sợ hay không sợ mà là bảo vệ sự thật. Muốn  thế phải nỗ lực, phải giữ gìn băng ghi âm, phải theo dõi chặt các diễn biến. Cuộc chiến bắt đầu rồi đây.
    Đêm nay không đuợc ngủ- Tôi dặn.
    Rồi giải thích: Ngay cả việc kẻ xấu có thể làm hại.
    Hai thằng đồng nghiệp thương mến của tôi im lặng lấy lương khô ra ăn.
    Minh Phong làu bàu: Anh em mình vượt lũ vào đây, viết bài, để mang gạo về cho dân sao họ lại chơi thế này.
    Phan Phương khịt khịt mũi: Họ không chơi thế này thì còn gì nữa mà viết bài  anh hè.
    Tôi phì cười.
    Tôi im lặng chọn tất cả băng ghi âm đã ghi được lời của dân trong đêm vào một vỏ bao mỳ tôm rồi nhét ở vách nhà. Minh Phong rút thẻ nhớ máy ảnh kỹ thuật số gói vào giấy cho xuống đế giày.
    Im ắng.
    Vẫn nghe tiếng chân cán bộ bước qua lại các nhà.
    Không khí căng như dây đàn.
    ———————-
    Phan Phương CM:Đêm đó ở bản Rục là đêm trắng. Không biết anh giả vờ ngủ nhưng em cũng không tài nào chợp mắt được. Tâm trạng em lúc đó quả thật rối bời, nghĩ thân phận thằng phóng viên hợp đồng báo tỉnh như em rồi sẽ ra răng? Không phải em sợ nhưng nghĩ những việc anh em mình làm không thể bị đối xử như vậy, rồi buồn. Vậy thôi…Hồi hộp hơn là bài báo của em ở báo Quảng Bình hôm đó không biết thế nào?( sau này em mới biết là đã bị bóc khi đã lên khuôn) Nếu bài báo đó đăng ở báo Quảng Bình thì sẽ thế nào nhỉ(Còn nữa)
    Kỳ 3: MÀN KỊCH ( 2)
    ——————————-
    Phụ lục:
    Về bài báo “600 người dân kiệt – lả vì đói” đăng trên báo Lao Động
    Lao Động số 279 Ngày 10/10/2006 Cập nhật: 5:27 AM, 10/10/2006
    (LĐ) – Về bài báo “600 người dân kiệt – lả vì đói” đăng trên báo Lao Động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiểm tra, báo cáo ngay.
    Ngày 9.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ NNPTNT, Bộ LĐTBXH yêu cầu xử lý thông tin phản ánh qua báo Lao Động số ra ngày 9.10.2006 có bài viết “600 người dân kiệt – lả vì đói” và báo Sài Gòn Giải Phóng (ngày 9.10) có bài “Lời khẩn cầu từ Thung lũng Rục”.
    Về việc này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trực tiếp kiểm tra ngay việc báo nêu. Nếu việc báo nêu là đúng thì phải giải quyết việc cứu trợ, cứu đói cho đồng bào kịp thời và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 16.10.2006.
    TKTS (Theo website Chính phủ)