Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Tagged Under:

MỘT TÌNH YÊU TRONG VEO, MỘT CUỘC SỐNG TRONG VEO VÀ CẢ NỖI ĐAU CŨNG TRONG VEO.

By: NGUYỄN QUANG VINH On: 16:40
  • Chia sẻ bài này >
  • Tuần sau trong chuyến công tác vào tp Hồ Chí Minh, tôi sẽ nhảy xe đò ra thăm ông bà, dứt khoát như vậy, tôi không có gì hết, nhưng tôi sẽ tặng ông bà caphe, đường, bánh ngọt và những cuốn sách.

    Đó là đôi vợ chồng già, chồng người Đan Mạch – vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam. Thế nhưng, cuộc đời họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý, thậm chí họ còn bị người Việt lừa trắng tay, giờ phải sống trong một ngôi nhà xây tạm bợ.
    Tôi đã đưa thông tin lấy từ blog của bạn Tùng Xích Lô và nhận được rất nhiều sự chia sẻ của các bạn.
    Nhưng bây giờ thì bạn hãy đọc bài viết trên báo Thanh Niên của tác giả Khải Đơn, tới thăm ông bà sau khi có thông tin trên mạng xã hội. Khải Đơn là cây bút tôi không biết, viết rất tốt, rất đời, cám ơn tác giả.

    Trích:

    +Người đến thăm bảo ông bà nghèo khổ, thương xót bao nhiêu, thì sẽ ngạc nhiên với sự đầy đủ mà họ đã tạo ra trong cái nghèo đau đáu từ trong bếp đến ngoài nhà. Vì nghèo, bà không đi chợ, bởi sẽ tốn 20.000 tiền xe ôm. Bà nhờ người công nhân ở công trường kế bên hái rau lên bán, bà trả tiền, rẻ hơn nhiều lần. Vì nghèo, ông bà không mua đồ ăn sáng, mà để sẵn bánh mì trong tủ lạnh, sáng ra nướng lại trên bếp gas ăn, thanh nhã, gọn gàng và đủ chất.

    Vì nghèo, nên ông Kurt chăm chỉ làm việc mỗi ngày, thay vì thuê thợ tốn tiền, tự tay xây dần, xây dần ngôi nhà của mình, căn bếp của mình, nhà tắm của mình... để cuộc sống giờ có ở giữa hoang mạc, cũng tiện nghi, sạch sẽ.
    Vì nghèo, ông bà phải sống trong một khu đất cạnh bãi tha ma, nơi mồ mả nằm sát cạnh nhà, nơi những chiếc xe khách vô ý dừng chân, cho khách xuống đi vệ sinh bừa bãi.

    +Để trang trải mọi thứ hằng ngày, ông bà nuôi một đàn gà gần 40 con. Từng bộ bàn ghế được bà Sang sắm bằng cách... đổi gà cho cửa hàng vật liệu. Cứ đủ gà thì họ đưa bộ bàn ghế tới. Có bàn ghế, bà bán quán nước quốc lộ, gọi là có đồng tiền chi xài mỗi ngày, để vun đắp những năm tháng cực nhọc cuối cùng của hai vợ chồng.

    Cánh đồng cát trắng phau xung quanh trơ trụi bao nhiêu, ở gần nhà ông bà lại xanh tươi bất nhiêu. Ông Kurt đào giếng, lấy nước trong veo. Sáng sớm bà Sang
    dậy, vặn máy nước, đi tưới hết từng gốc cây đã trồng và cả cây rừng.

    +Có hôm bà kể: “Tôi ngủ dậy, muốn khóc vì trước nhà mình toàn giấy vệ sinh và những bãi họ đi bậy ra”. Vì nghèo, ông Kurt bỏ công xây 4 phòng vệ sinh miễn phí gần nhà, để người ta đừng làm ô nhiễm mái ấm của ông nữa. Và cũng vì nghèo, cái nhà vệ sinh xây chậm, ông vừa đặt bồn nước dội mới mua lên, vài ngày sau đã có kẻ đến gỡ trộm. Cái nhà vệ sinh công cộng miễn phí mãi mãi không thành hình. Và ông bà vẫn phải hứng chịu cơn vô ý của những chiếc xe khách đêm “dừng đại” chỗ nào đó cho khách... giải quyết.

    Ở giữa hoang mạc, ông bà đối phó với từng cái nhọc nhằn bé nhỏ. Chỉ vài hôm mất điện thoại. Có hôm sáng ngủ dậy quay ra mất cả đàn gà. Bà cười như mếu: “Có con nhỏ dưới xóm nghèo lắm, sáng nó đem trả tôi con gà, nói chồng nó ăn cắp, mà ông bà là người già, nên nó đem trả lại”.
    Vẫn có những hàng xóm tốt bên cạnh những tên trộm biết chủ nhà tuổi cao, sức yếu, nhanh nhảu đột nhập, lấy cái máy, chôm món đồ. Bà đã 67 tuổi, ông hơn 80 tuổi. Họ không đuổi được một tên trộm nào. Họ chỉ biết làm khóa cho cái chuồng gà - tất cả tài sản sinh ra tiền bạc của mình, và khóa cửa khắp nơi mỗi khi đêm xuống.
    (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140612/chuyen-tinh-ong-gia-dan-mach-va-ba-ban-chom-chom.aspx)